Trả Ơn
Truyện ngắn của Lão Gàn
Thời gian dài ngày thi hành nghĩa vụ quân sự chấm dứt, Hải ra quân. Đồng đội của Hải ai cũng vui mừng, không vui mừng sao được vì, chỉ qua ít ngày đi đường nữa, sẽ được thấy lại làng xóm, gặp lại người thân. Riêng đối với Hải, trong tâm trạng, vui lẩn lộn buồn, Hải cũng có làng xóm, có gia đình, dĩ nhiên, Hải vui sắp được gặp lại, nhưng Hải buồn – nỗi buồn chỉ một mình Hải biết. Mộng ước khi bước chân vào quân ngũ giờ không thành.
Cách đây hai năm, Hải chưa thuộc lứa tuổi được gọi đi nghĩa vụ quân sự, nhưng Hải ký đơn tình nguyện. Hải vào lực lượng hải quân với niềm tin chắc rằng, khi xong thời gian nghĩa vụ, sẽ được gởi đi học sĩ quan – sĩ quan hải quân.
Thời buổi này, nghe nói sĩ quan quân đội thì ai cũng thèm rồi, huống chi đây là sĩ quan hải quân.
Không có chiến tranh, tính mạng an toàn, lại được đi đây đi đó, lênh đênh trên biển cả bao la, chỗ ở chỗ nằm đầy đủ tiện nghi, bữa ăn sáng trưa tối đầy đủ dinh dưỡng, lương bổng cao so với lương bổng của các ngành khác, quân phục gọn, đẹp, ra phố, gái thấy mê liền. Binh nhì hải quân người ta đã mơ rồi, nói chi đến sĩ quan.
Bây giờ, xách tư trang rời đơn vị, Hải buồn là phải, nhưng chẳng biết vì nguyên cớ gì mà lời hứa năm kia của ông ấy không thành hiện thực? Về trình độ văn hóa, Hải tốt nghiệp phổ thông trung học hạng giỏi; trong thời gian tại ngũ, Hải không bao giờ vi phạm kỷ luật quân đội, lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc công tác cấp trên giao phó.
Chân Hải bước đi, tâm trí Hải cứ thắc mắc: Tại sao? Tại sao?
Hải sinh ra và lớn lên ở một miền quê ven biển, đất đai toàn cát là cát.
Hải sinh năm 1992; Hải là con đầu và hiện là con duy nhất của ba mẹ Hải. Ba Hải sinh năm 1968, mẹ Hải sinh năm 1970; trong gia đình, còn có bà nội đã gần 70 tuổi.
Ba Hải cũng là con một của bà nội. Ông nội Hải, nghe nói, thuộc vào những trai làng cùng lứa hiếm hoi; nhờ kinh tế gia đình khá và chỉ số IQ cao, ông được lên tỉnh học và đậu Tú Tài. Ở trong vùng quản lý của chính quyền Miền Nam, khoảng đầu năm 1967, do chiến tranh leo thang, ông nội Hải phải động viên vào quân đội Cộng Hòa; thay vì thụ huấn chương trình quân sự để trở thành binh sĩ, nhờ đủ điều kiện bằng cấp, ông được đưa vào học trường sĩ quan. Ra trường, ông được điều đến phục vụ một đơn vị tận trong Miền Nam.
Bà nội Hải ở lại quê với đứa con trai mới sinh – ba của Hải. Hai mẹ con ở trong một ngôi nhà tường gạch mái tôn nhỏ. Thời bây giờ, nhà như thế được xếp vào loại nhà cấp 4, không đáng gì so với những nhà đúc, nhà lầu! Nhưng thời ấy trông cũng “được”, không thua gì so với nhà cửa trong làng. Ông bà nội Hải mới được ông cố tách hộ cho ra ở riêng; giữa làng hết đất, làng cấp cho miếng đất ở bìa làng; nhà dựng trông ra cánh đồng lúa khá rộng, hứng gió cả bốn mùa. Bà nội Hải, ngoài hưởng lương của vợ con lính, còn nhận thêm mấy sào ruộng do làng quận cấp. Vì đang chăm sóc con dại và là phụ nữ yếu ớt, bà thuê mướn người làng hoặc bà con từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch mấy sào ruộng ấy. Lúa ăn không hết, để dồn từ vụ này qua vụ khác; bà con, người làng nào, vào buổi giáp hạt, hụt ăn, tới mượn bà cũng cho – mượn chứ không phải vay nên không lãi. Bà tính rồi, làm một việc mà được cả “tiếng” lẫn “miếng”; cho mượn lúa cũ đến vụ nhận lúa mới, không thì lúa cũ trữ lâu mất chất lượng, lại thêm, đó còn một nghĩa cử, giúp đỡ được người trong lúc khó khăn. Dù vắng chồng, bà không buồn lắm, có con trai bi bô bên cạnh, có bà con làng xóm giúp đỡ công việc nặng nhọc, lui tới chuyện trò, ban ngày tiếng nói tiếng cười không thiếu vắng trong nhà. Ngặt là khi đêm đến, bà cảm thấy lẻ loi vô cùng; ở vùng quê, tối lại, ai mô ở nấy; ra đường nguy lắm, không may vấp phải lựu đạn, mìn do bên này hoặc bên kia gài bẫy, nổ thì toi mạng. Nhà nào cũng vậy, ngọn đèn dầu hỏa leo lét chỉ thắp đến khoảng 8 giờ tối rồi tắt đi, người người phủi chân, lên giường nằm nghe ngóng – nghe súng nghe đạn để dậy mà vô hầm, nghe có ai bên này hay bên kia vào hỏi han hay kiểm soát để mở cửa.
Hôm ấy, một tối cuối tháng Mười Âm Lịch, trời buốt lạnh, bên ngoài, mưa lất phất, gió mùa Đông Bắc thổi vù vù từng luồng, bà đang ấp con ngủ.
Khuya rồi, bà vẫn chưa ngủ được, mấy cây chuối sát nhà làm ồn và rộn quá; gió mạnh, lá đập vào nhau kêu xào xạc liên hồi. Lại thêm, mấy ngày nay, vùng trên cách làng khoảng năm cây số đang có đánh nhau lớn, tàu Mỹ lên xuống Cửa Việt – Đông Hà trúng thủy lôi của quân giải phóng, đội hình rối loạn; lực lượng giải phóng đang phục kích, thừa cơ nổ súng; quân đội Mỹ trả đũa, nả pháo từ biển vào, cho máy bay dội bom từ trên trời xuống; khói lửa mù trời. Bà lo không biết súng đạn có lây lan đến vùng mình không.
- Mẹ ơi, bố ơi, mở cửa cho con vào với! Một giọng Bắc thanh niên còn non nớt vọng đến từ ngoài kèm theo tiếng lay nhẹ cái cửa giữa.
Bà ôm con sát vào lòng, run lẩy bẩy, im lặng, không lên tiếng. Tiếng bên ngoài từng chốc dội vào:
- Mẹ ơi, bố ơi, cho con vào với, con lạnh quá.
Tiếng gọi càng lúc càng dồn dập; bà nghĩ bụng đây chắc chắn không phải là người chính quyền địa phương của bên Cộng Hòa hay bên Giải Phóng đến kiểm nhà mà là một thanh niên nào đó từ xa đến đây gặp nạn đang cần sự giúp đỡ. Bà nhẹ nhàng rút tay đang ôm con, vén mền, vén mùng, bước xuống giường. Đứa con mất hơi ấm, lạnh, khóc hẳn hử rồi ré to lên. Bà ngoái tay vỗ vỗ vào lưng con:
- Con ngủ đi, con ngủ đi, mạ dậy đi đái, chút nữa vào lại.
Bà bật diêm, thắp đèn. Rõ khổ! Mùa Đông, ẩm độ cao, bà quên để diêm từ đầu hôm trong túi áo, diêm để ngoài, trên đầu giường, bà quẹt đến 5 que mới đỏ; cây đèn dầu hỏa nhỏ đặt trên chiếc bàn con giữa nhà được thắp lên, ánh sáng ngọn đèn quá yếu ớt. Bà mở chốt, hé cửa; gió lùa vào, đèn tắt. Bà giật mình khi thấy trong màn tối lờ mờ một hình bóng, không biết đấy là ma hay người.
Mà thật thế, ở vùng này, đêm đến, hình bóng xuất hiện trên đường, có thể là người mà cũng có thể là ma. Người làng thỉnh thoảng kể cho nhau nghe từng gặp ma. Thuở xưa thì không biết chứ thời gian chưa xa, trường hợp chết “bất đắc kỳ tử” nhiều lắm; chiến tranh kéo dài, nhiều trận đánh ác liệt xẩy ra nơi đây, chiến sĩ bên này, bên kia, người trong nước, người nước ngoà tử trận cơ man nào kể hết.
Chưa nói tới ở đây đất toàn cát, việc chôn dập dễ dàng, ít mất thời gian; bên này hoặc bên kia có tình nghi ai hoạt động cho địch, muốn thủ tiêu, bắt đưa về đây quy tội, xử tử. Những cô hồn không nơi thờ cúng phảng phất giữa đất trời, hòa lẫn trong cỏ cây.
Bà định hét to thì tiếng thì thầm nhỏ nhẹ chen lẫn cùng tiếng gió:
- Con đây mẹ, con mẹ đây. Mẹ cho con vào nhà kẻo ngoài này lạnh quá.
Nghe tiếng nói của người, bà yên tâm, cơn run giảm dần. Hai người bước vào nhà, bà đóng cửa lại, cây đèn dầu lại được thắp lên; một thanh niên khoảng 17, 18 tuổi hiện ra trước mắt, cái mũ tai bèo lệch qua một bên đầu, chưa rơi vì còn cái dây choàng giữ dưới cằm, bộ quần áo màu xanh bộ đội ướt mèm, loang lỗ vết bùn, bàn tay trái phủ một băng trắng, cũng ướt - vải băng ố vàng và đỏ chuyển qua đen - màu của máu đông.
Người thanh niên ngồi xuống chiếc đòn bào – ghế băng – đặt bên cái bàn con, thỏ thẻ trình bày nông nỗi, nhịp thở không đều:
- Con là bộ đội miền Bắc quê ở Hải Phòng, thi hành nghĩa vụ quân sự. Lệnh trên điều vào giải phóng miền Nam. Đơn vị con mấy ngày nay đụng trận, con bị mảnh bom xớt vào bàn tay, được đưa ra tuyến sau, băng bó. Nào ngờ trận đánh ác liệt quá, đồng đội mỗi người chạy một ngả, con thất lạc đơn vị, nằm núp trong một lùm cây, may cho con là địch không phát hiện; đêm xuống, con lần mò về đây, trời xui đất khiến gặp được mẹ là người tốt. Trăm sự nhờ mẹ! Mẹ che chở cho con làm sao khỏi rơi vào tay địch. Con cả ngày chưa được ăn gì, mẹ có chi cho con ăn với. Trăm sự nhờ mẹ! Con mong sớm tìm lại đơn vị.
Người thanh niên xưng con mặc dù giữa hai người, nhìn kỹ, bà chỉ hơn khoảng 3, 4 tuổi gì đó thôi.
Bà bị đặt trong tình trạng khó xử. Cái bảng mà chính quyền Miền Nam bắt mỗi nhà phải treo trước cổng mang dòng chữ: Nào “Dung cộng là tự sát”, nào “Gia đình tôi quyết không chứa chấp, tiếp tế cho Việt Cộng"… Chao ôi! Thế thì trường hợp này nếu nghĩa quân đi tuần đêm, đột ngột ập vào bắt gặp, không những nguy cho chú bộ đội mà còn nguy cho gia đình bà. Trí óc thì lo vậy, nhưng tâm hồn tự nhiên dâng trào tình thương người. Bà soạn tìm một bộ áo quần của chồng hiện còn để lại nhà, đưa cho chú bộ đội thay, kẻo chú mặc bộ đồ ướt thấy tội quá. Không biết sao bà nảy ra sáng kiến, lợi dụng màn tối dẫn chú bộ đội ra giấu trong cây rơm. Cây rơm xây từ tháng Tư Âm Lịch; qua mấy tháng, rơm rút dùng dần, nay hẳm một chỗ như cái hang ếch khoét trong thành đê. Chú bộ đội lách mình vào, không gian đủ rộng để có thể vừa nằm vừa ngồi.
Dù đang trong cơn hồi hộp, nghĩ lại, bà mừng sáng kiến đột xuất của mình quá tuyệt vời, rồi cười thầm. Chú bộ đội nằm đây thì ấm hơn nằm trong nhà, lại thêm, nếu bị chính quyền bất ngờ kiểm soát nhà thì xác suất bị phát hiện cũng ít; mà nếu chú nằm trong nhà, không chừng thấy bà còn trẻ, chú “nổi máu”, “trở chứng”, đòi làm “chuyện ấy” thì đêm hôm biết kêu ai; làng xóm hay chuyện, ôốc dôộc lắm; chưa nói chồng bà về, ai xấu mồm mách lại, hạnh phúc gia đình không chừng đổ vỡ. Bà cúi mình, rút một ôm rơm để che miệng chỗ hẳm.
Bà trở vào trong nhà, bắc hai loon gạo, đổ chả hai cái trứng vịt. Bưng ra, kèm thêm ca nước chè đậm đặc vừa hâm nóng, bà dịu dàng mời:
- Chú ăn uống kẻo đói mà lả người đi chừ! Nếu nghe có tiếng động, tiếng người chú cuộn mình lại, gọn gàng giấu mình răng đó, rồi kéo số rơm tui đã rút sẵn phủ kín người đi nghen! Tui lo cho chú lắm đây!
Bà vào nhà, lên giường lại, nằm ấp con. Bà không sao ngủ được, vừa sợ vừa nghĩ miên man. Lỡ có ai biết được chuyện này đi báo với viên chức chính quyền Miền Nam thì gia đình bà chắc sẽ nguy to, chắc bà sẽ bị gọi lên xã, lên quận để người ta thẩm vấn, không chừng bị tù tội! Là vợ sĩ quan Cộng Hòa, bà chứa chấp Việt Cộng, chồng bà có thể bị liên lụy, an ninh quân đội đưa vào sổ đen; và chú bộ đội kia lỡ bị chính quyền Miền Nam bắt hay bắn chết, bà khó mà tồn tại ở đây; bên giải phóng cứ nghĩ bà giữ chú bộ đội lại rồi đi báo, họ sẽ hành quyết bà để răn đe dân làng.
Thời chiến tranh, khổ chồng chất khổ, niềm tin giữa người và người bị đánh mất, tình thương giữa người và người bị nghi vấn theo chiều hướng tiêu cực.
Trí óc bà đang bị dày vò bởi những chuyện không đâu vào đâu thì tiếng “cô cô cồ” dội vào tai, con gà trống nhà bên xóm gáy báo hiệu trời gần sáng.
Bà xuống giường, mở cửa hông, ra ngay cây rơm xem chú bộ đội trong đêm thế nào, ngủ có ngon không. Trời chưa sáng, mắt mới ngủ dậy, thị lực chưa bình thường, bà nhìn vào chỗ hẳm, không thấy gì; chưa tin vào mắt mình, bà ngồi xuống, ép sát mình, thò tay sờ, không có gì cả; bà thắc mắc trong bụng, lo sợ:
- Rứa thì chú bộ đội mô rồi hè! Có ai đến bắt chú ấy đi không? Hay sau khi ăn uống xong, khỏe người, chú ấy đã lợi dụng màn đêm ra đi, tìm đơn vị?
Bà im lặng, cuốn số rơm đã rút, ôm vào bếp, đốt lửa, lo bữa ăn sáng cho hai mẹ con.
Bà tưởng những động thái của bà trong đêm không ai biết, té ra nhà bên cạnh – nói là bên cạnh nhưng nhà này cách nhà kia cũng khoảng 50 mét – vẫn biết, dù không biết hết cũng biết được một phần. Ông già, do tuổi tác, ngủ ít, hồi hôm đã nghe có tiếng người nói nhỏ trước cửa nhà bà, rồi thấy đèn trong nhà thắp lên.
Mới tám giờ sáng, ông qua hỏi thăm:
- “Thằng” về phép à? Răng tới nhà khuya rứa? Chừ do đi đường và thức đêm, hắn mệt đang ngủ trong à?
Ông hàng xóm cứ nghĩ chồng bà được phép về thăm nhà. Bà cười:
- “Thằng” mô, ôông? Eng về mô mà về. Hồi hôm, thằng cu của cháu đái ướt chiếu, ướt mền hết. Nằm vừa lạnh, vừa hôi khay khay, cháu phải dậy thắp đèn thay chiếu, mền khô để ngủ.
Ông hàng xóm đi về, còn xoay mặt vô, nói chọc:
- Rứa mà tau định sang mừng cho mi hồi hôm được lãnh “rappel”, đã đời! Tau tưởng vợ chồng bây xa nhau lâu ngày, chừ gặp nhau như hai con trâu nổi sực đánh, chắc húc và “cham” nhau dữ lắm.
................
Chuyện chú bộ đội đến nhà đêm khuya, theo thời gian, trở thành chuyện dĩ vãng của bà.
Năm 1972, chiến sự bùng phát tàn khốc tại quê nhà, dân làng người bám trụ ở lại, người di tản ra Bắc, người di tản vào Nam. Bà dắt dìu thằng con trai – lúc đó đã 4 tuổi – vào miền Tây Nam Bộ, theo chồng.
Sống trong trại gia binh, bà không có việc gì làm hết ngoài việc đi chợ, nấu bữa cho hai mẹ con và bắt mặt nhìn ra trông chồng về sau mỗi chuyến hành quân.
Là phụ nữ nông thôn, từng làm việc luôn tay, bà cảm thấy cảnh sống quá tù túng, nhưng biết làm sao giờ! Quê hương đã thuộc quyền quản lý của chính quyền Giải Phóng.
Chuyện tai họa xảy ra không ai ngờ. Tháng 4 năm 1975, trước khi chiến tranh kết thúc chỉ vài ngày, chồng bà tử trận trong một chuyến hành quân gần biên giới Việt - Miên. Bà chưa kịp làm hồ sơ để hưởng tiền tử tuất, tiền cô nhi quả phụ thì chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Bà đem con tìm đường về làng. Ngôi nhà cũ không còn, bom đạn đã san bằng; hai mẹ con dựng tạm một lều tranh trên vườn cũ.
Thuở mới giải phóng, là quả phụ của “phe thua cuộc”, bà không được ai quan tâm, khổ về vật chất vì yếu và thiếu sức lao động; phần ăn chia tính theo công điểm của các xã viên khác trong hợp tác xã đã ít, huống chi bà, còn ít hơn nhiều! Bà còn chịu khổ về tinh thần; dân cùng làng mà người ở lại quê hay di tản ra Bắc thường “lên mặt” với những người di tản vào Nam rồi hồi hương. Hễ có dịp, họ kể công Cách Mạng, nào “đội bom đội đạn”, nào “đào hầm gài chông, tiếp lương tải đạn”, nào “chiến đấu anh dũng cùng dân quân du kích”. Thậm tệ là bà còn cảm thấy bị cô lập trong đời sống: đi lao động tập thể, trong giờ giải lao, lủi thủi ngồi một chỗ, ít người đến làm thân, chuyện trò, nhà ít người lui tới thăm viếng, họp hành đoàn đội hình như luôn có người theo dõi.
Rồi những chuyện “bất như ý” cũng trôi dần qua theo thời gian. Vết sẹo do thương tích chiến tranh trên người còn lành, huống gì những thói ỷ thế, “ta đây” của số người xu thời trong xã hội!
Con trai bà lớn lên, lấy vợ, sinh Hải là con trai đầu lòng. Hai vợ chồng anh chị lao động nông nghiệp.
Anh xin nhận ngoài truông cát một lô, đào hồ nuôi tôm, sản lượng thu hoạch được vụ nào cũng khá; chị sắm quang gánh đi dạo khắp vùng thu mua phế liệu, nghề này trông đơn giản nhưng thu nhập khá. Đồ hiếm, đồ quý nhiều khi chủ không biết đem bán với giá rẻ mạt và người mua tìm đúng nơi, bán lại, “trúng mánh”.
Bà ở nhà quản lý việc nội trợ. Cuộc sống gia đình tương đối thoải mái. Hải lại học hành tốt, Nhà Nước xây trường ốc khắp nơi, việc học của lớp trẻ nông thôn rất tiện. Hè năm 2010, Hải tốt nghiệp phổ thông trung học loại giỏi, Hải đang bận rộn chuẩn bị hồ sơ thi vào Đại Học thì gia đình có chuyện bất ngờ.
Trưa hôm ấy, một chiếc xe con màu trắng sữa bóng láng tới đậu trước cổng nhà.
Trên xe, chỉ có tài xế ngồi lại, tay mân mê vô-lăng, còn ba người bước xuống. Thấy chuyện lạ, dân gần đó rủ nhau ùa tới nghe ngóng. Ông chủ tịch xã vừa chỉ tay vừa giới thiệu: Đây là đồng chí chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân huyện, đồng chí kia là Đại Tá hải quân Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Mọi con mắt đều xoay về ông Đại Tá.
Ông Đại Tá vóc dáng cao to, mặt mũi phương phi. Ba người bước vào nhà, cả bốn người trong nhà nhìn chằm vào ba người khách, đặc biệt vào ông Đại Tá, bụng thắc mắc dạ: Không biết chuyện gì đây mà huyện xã và ông khách lạ tới nhà.
Ông Đại Tá cũng nhìn chằm vào người đàn bà cao tuổi; hình như đã nhận ra nét quen nào đó, ông bước tới ôm ghì bà; thân ông vừà rộng vừa dài, tay ông mạnh, bà lọt thót vào người ông trong thế cúi xuống. Ông buông bà ra, hai vợ chồng con bà và cháu bà ngơ người, đứng nhìn. Ông Đại Tá ra dấu mời mọi người tìm chỗ ngồi xuống, rồi ông xúc cảm nói:
- Chị ơi! Hơn 40 năm trôi qua rồi chị nhỉ! Em từ ngoài Bắc vô đây, quyết tìm chị cho được. Lâu ngày quá, em không nhớ địa chỉ chính xác, nên em ghé Ủy Ban Nhân Dân huyện, rồi qua huyện, ghé Ủy Ban Nhân Dân xã để nhờ các đồng chí tìm giúp. Em là chú bộ đội lạc đơn vị đã tìm về đây trong đêm tối cuối năm 1968; chị đã cưu mang, che chở để em gặp lại đơn vị. Sau hơn 40 năm chiến đấu, em đã được Đảng và Nhà Nước chiếu cố thăng cấp Đại Tá, giao dần cho những chức vụ quan trọng. Chị ơi! Chị là người đẻ em ra lần thứ hai sau cha mẹ em; ơn chị em giữ mãi trong lòng. May quá chị ơi! Qua chiến tranh ác liệt, chị em nhà ta vẫn còn sống đây và nay, em vừa về hưu, mới rảnh rỗi được, em quyết đi tìm chị, may mắn chị em nhà ta đã gặp nhau. Mừng quá! Mừng quá!
Bà rơm rớm nước mắt. Lần trong trí, bà nhớ ra đầu đuôi câu chuyện rồi. Đến phiên bà, bà ôm chặt ông Đại Tá một hồi lâu, nghẹn ngào:
- Chuyện ai ngờ, chú ơi! Chú về thăm tui là chuyện do Trời định, chú ơi!
Ông Đại Tá nhìn qua Hải, rồi hỏi bà:
- Cháu đây là con chị hả?
- Không, cháu nội của tui đó, ba mẹ cháu đứng nơi tề! Bà vừa nói vừa chỉ tay qua con trai và con dâu.
- Ôi giời ôi! Cháu nội lớn thế này rồi à! Ông Đại Tá vừa khen vừa xoa đầu Hải .
Ba Hải nói chen vào:
- Cháu 18 tuổi rồi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học loại giỏi đó! Đang chuẩn bị hồ sơ thi Đại Học.
Ông Đại Tá xoay mặt về phía ba mẹ Hải, nói mà cũng như hứa:
- Vợ chồng con để cháu đó, chú lo cho. Cháu đừng thi Đại Học nữa; thi có đậu, theo học, thời buổi này tốn kém lắm, mà ra trường chưa chắc kiếm được việc làm. Chạy được việc có khi tốn đến mấy trăm triệu, lại thêm, xã hội đầy dẫy bọn cò mồi; bọn chúng tìm mối làm ăn, nhận tiền rồi hứa trăng hứa cuội, không khéo tiền mất mà chả được gì. Chú sẽ đem cháu vào gởi cho đơn vị hải quân cũ của chú, xem như hình thức thi hành nghĩa vụ quân sự; sau hai năm, chú sẽ lo cho cháu, thay vì ra quân, tiếp tục binh nghiệp, vào học sĩ quan. Tiện lắm, mọi việc do Nhà Nước lo hết, gia đình không tốn một xu; ra trường có việc ngay – sĩ quan Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đường đường chính chính. Số điện thoại chú đây…, địa chỉ chú đây…, chú cháu mình nên thường xuyên liên lạc với nhau, chúng ta là người trong gia đình rồi nhé.
......................
Mấy hôm trước khi ra quân, Hải điện thoại về ba mẹ cho biết không được ở lại đi học sĩ quan.
Ba Hải điện thoại ra cho ông chú Đại Tá trình bày sự việc.
Đầu dây kia, ông Đại Tá nói, giọng buồn buồn:
- Để chú gọi vào đơn vị, hỏi họ vì cớ gì, chú sẽ gọi lại cho cháu sau.
Vừa về từ hồ tôm, nghe điện thoại reo, ba Hải cầm máy lên, lễ phép hỏi:
- Xin lỗi ai đang gọi cho tui đây?
- Bố Hải à! Chú đây! Con nghe chú giải thích chuyện cháu Hải đây này. Cháu Hải nhà mình không đi học để trở thành sĩ quan hải quân Quân Đội Nhân Dân được vì lý lịch. Bên an ninh đi điều tra, biết được ông nội cháu là sĩ quan quân đội Cộng Hòa lúc trước. Gì chứ liên quan đến lý lịch thì chú xin chịu, không can thiệp được. À mà chưa đến nỗi nào! Chú sẽ xem có ngành nghề gì mà không xét nặng lý lịch lắm, chú tìm cho cháu một chỗ; chú sẽ điện thoại sau nhé! Chị, hai con và cháu cứ kiên nhẫn chờ nhé!
Hải về đến nhà, cả nhà ai cũng mừng – mừng gặp lại con, cháu sau hai năm xa cách. Không khí không có vẻ gì buồn. Sau nửa tháng được nghỉ ngơi, chơi đùa, chuyện trò với đồng trang, đồng lứa, Hải được ba gọi đến, ngồi bên. Ba Hải bày việc:
- Con xong nghĩa vụ quân sự rồi, chừ thì đến việc làm ăn và hỏi vợ. Con đã yêu con nào chưa? Nếu chưa, ba thấy con Hoa – con mụ Tép – trên làng, sắc, nết đều được, lại là con nhà tử tế, ba sẽ mua be rượu nhánh cau lên thăm xem ý kiến của họ như thế nào? Còn việc làm, con theo ba ra truông cát của làng nuôi tôm. Có thêm con, ba sẽ xin nhận thêm một lô nữa để đào hồ. Con nên chịu khó, lo làm ăn để gầy dựng hạnh phúc gia đình. Phải bằng lòng với hiện tại, gia đình ta không mơ gì quan chức, chuyện ấy ngoài tầm với. Cán bộ bây giờ nhiều lắm; việc Nhà Nước bày ra chưa đủ cho con cháu họ, có mô tới miềng!
16/10/2015 (04/9/Ất Mùi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét