Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Chuyện Một Ngôi Sao- Đào Anh Dũng

Chuyện Một Ngôi Sao
đào anh dũng


Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 71
tháng Tám 2016

Nhóm du lịch chúng tôi đến Budapest vào một buổi chiều cuối tháng mười khi tiết thu mới bắt đầu. Lá vàng vẫn còn đầy cành nhưng trời đã lành lạnh. 
Sáng hôm sau, theo lịch trình chúng tôi đến viếng toà nhà quốc hội xứ Hung, nằm cạnh bờ sông Danube. Ai nấy đều xuýt xoa, ngợi khen người dân bản xứ biết yêu quí, giữ gìn di tích lịch sử của họ. Qua bao biến cố, chiến tranh, bên ngoài toà nhà vẫn nguy nga, bên trong còn tráng lệ với những nét chạm trổ thếp vàng rất ngoạn mục. Vào cuối buổi thăm viếng, chúng tôi có nửa giờ trong một đại sảnh trưng bày hình ảnh và vật dụng lịch sử của toà nhà quốc hội, trong số có một ngôi sao thật to, sườn sắt, lát kính màu đỏ. Theo ghi chú, ngôi sao đỏ này đã từng ở trên đỉnh toà nhà quốc hội trong vòng bốn mươi năm. Nó bị gỡ xuống khi Hung-Gia-Lợi trở về với thế giới tự do vào năm 1990. Đa số khách xem qua rồi bước đi, chỉ có nhóm du lịch người Việt chúng tôi, không ai bảo ai, đứng lại,  im lặng nhìn ngôi sao "rụng" ấy khá lâu.

Chiều hôm ấy, cơm nước xong thì "tháng mười chưa cười đã tối", chúng tôi cùng nhau đi dạo phố, tình cờ trở lại toà nhà quốc hội dưới ánh đèn rọi sáng chung quanh, trông thật huy hoàng, rực rỡ. 

Lúc đó, chợt nhớ đến ngôi sao đỏ mình thấy khi sáng, tôi có cảm tưởng rằng, nếu ngôi sao ấy còn nằm trên đỉnh toà nhà, trong bầu trời tối đen mịt mùng nó sẽ không chiếu sáng như vì sao Bắc Đẩu mà hiện lên với màu đỏ, màu của máu, của sự tàn bạo, giết chóc. Là một đàn em, sanh sau đẻ muộn so với các anh chị trong nhóm, tôi bèn chia sẻ cảm tưởng này với mọi người. Anh Hùng, một bạn trong nhóm gật gù nói:
"Lạ thật! Lạ thật! Tôi không ngờ chú Tánh có một ý nghĩ giống y chang như tâm sự của một ông bạn vong niên của tôi. Đây là một truyện dài 'nhiều tập'... Thôi, để dành đó, tôi đề nghị bọn mình ghé tiệm mua vài chai rượu vang, rồi về khách sạn, mình vừa lai rai, vừa kể chuyện đời nghe chơi. Ở ngoài này trời lạnh quá!"

oOo

Sau khi nhâm nhi vài hớp rượu, nói chuyện nắng mưa, tôi nhắc đến chuyện ngôi sao "rụng" và anh Hùng vào đề: "À... câu chuyện ngôi sao đỏ của ông bạn tôi như sau..."

Hè 1975, đến Minnesota được khoảng mười ngày tôi có việc làm trong một nhà kho qua sự giúp đỡ của nhà thờ bảo trợ. Tôi phụ trách bốc hàng theo hoá đơn, mang từ kệ đến bộ phận đóng thùng, xuất kho. Nhân viên kho hàng thuộc giai cấp "cổ xanh", blue-collar, làm việc tay chân nên đa số tính tình hơi lỗ mãng, ưa văng tục, ngoại trừ một ông da trắng tuổi độ bốn mươi mấy năm mươi.

Tôi còn nhớ tên ông là Karol Szekely. Tôi chú ý đến ông, một lẽ vì bổn tánh ông thật điềm đạm, từ tốn, khác với những đồng nghiệp, lẽ kia do cái tên cúng cơm "Karol" của ông, bắt đầu từ chữ "K". Lần đầu tiên nghe ai đó gọi tên ông, tôi nhìn về phía quý bà vì tưởng đó là Carol, tên của phái nữ, bắt đầu từ chữ "C".

Ông Karol thường ngồi ăn trưa một mình; tôi cũng một mình vì bản tánh ít "xả dao, xả búa" và chưa quen thân với ai. Một hôm, từ bàn kế bên, ông Karol gợi chuyện với tôi trước:
"Nghe nói chú mầy là một người Việt Nam tị nạn phải không?"
Câu hỏi đột ngột làm tôi giật mình, ngạc nhiên vì thời ấy đa số người Mỹ không ai muốn nhắc đến Việt Nam, họ coi như một vết nhơ trong lịch sử cần phải quên. Vì thế, tôi chỉ biết ngập ngừng xác nhận với ông:
"Dạ... thưa ông, đúng vậy!"
Ông mỉm cười, chua chát nói:
"Tao cũng là một người tị nạn. 1956-1975...  gần 20 năm rồi... Hung-Gia-Lợi..."

"A... thì ra lúc mới đến Mỹ ông có một người bạn cùng sở làm gốc Hung-Gia-Lợi! Tui thì có bạn người Ba-Lan. Người ta nói Mỹ là một xứ di dân, nhưng tôi nghĩ đúng hơn là di dân và tị nạn." Anh Ngọc, một người bạn khác cùng nhóm, lên tiếng làm câu chuyện đứt đoạn. Anh Hùng uống một hớp rượu, rồi chậm rải kể tiếp:

Đúng vậy! Tôi đồng ý với anh Ngọc. Riêng chuyện của tôi và ông bạn xứ Hung có thể nói là "đồng bệnh tương lân". Tị nạn là cái móc để ông Karol và tôi từ đó thân nhau, thường ngồi cùng bàn lúc ăn trưa, chia sẻ những tâm tình, uẩn khúc của người xa xứ, lưu vong. Tôi xin mở một dấu ngoặc ở đây: tôi kể lại chuyện ông Karol, dùng lối xưng hô "mầy, tao" và gán cho ông vì tấm chân tình của ông đối với tôi sao quá gần gũi, làm cho tôi có cảm tưởng rằng ông là một người anh, người chú, hay là một người bạn vong niên của mình. Ông Karol kể cho tôi nghe những kinh nghiệm của ông trong những năm đầu định cư ở Mỹ. Chúng đã "quá hạn" nhưng tôi cũng rút tỉa được những điều hay giúp tôi sống hội nhập với người bản xứ. Ví dụ như khi mình mời một người bản xứ thưởng thức một món ăn gia truyền của mình, họ khen ngon nhưng, ông Karol nói, 90 phần trăm không phải vậy, họ chỉ lịch sự mà thôi. Còn tâm sự này của ông, khi ấy tôi cảm thấy ông hơi chủ quan và có chút bạc tình, bạc nghĩa. Ông nói rằng, mầy đừng tưởng lầm người Mỹ giúp mầy, cho mầy vào xứ này vì tình thương và nhân đạo nhé. Theo kinh nghiệm của tao, họ cũng có thương hại mình, nhưng thật ra là họ muốn khoả lấp cái mặc cảm tội lỗi. Ông cũng kể cho tôi nghe những câu chuyện về xứ Hung-Gia-Lợi và lý do khiến ông phải rời bỏ quê hương.

Anh Hùng nói đến đó, bà xã tôi lên tiếng: "Mấy anh chị rủ tụi em du lịch xứ này. Thấy lạ nên đi cho biết, chứ không rõ lắm. Sáng này, em mới biết Budapest là tên của hai thành phố, Buda và Pest ở hai bên bờ sông Danube, ghép lại thành một tên đó chứ!" Anh Hùng gật đầu, kể tiếp:

Tôi cũng vậy, lúc mới quen với ông Karol, tôi không biết nhiều về Hung-Gia-Lợi. Tôi biết đến xứ này, lần đầu tiên qua hình ảnh đoàn xe tăng Nga-Sô đánh phá thủ đô Budapest đăng trên tạp chí Thế Giới Tự Do, năm tôi học lớp ba hay lớp nhì tiểu học gì đó. Khi lên đại học, tôi mới có dịp đọc lịch sử Hung-Gia-Lợi, mới biết trong đệ nhị thế chiến họ thuộc khối trục Đức Quốc Xã đưa đến sự chiếm đóng của Nga-Sô, cộng sản hoá quốc gia của họ cho đến năm 1956 với cuộc nổi dậy của sinh viên đòi quyền tự do bị chính quyền thân Nga-Sô đàn áp thẳng tay. Cuộc nổi dậy được toàn thể dân chúng Hung-Gia-Lợi ủng hộ khiến cho chính quyền phải nhượng bộ. Tuy nhiên, họ đã bội ước, mở cửa cho quân đội Nga-Sô tràn vào giết hại hàng chục ngàn đồng bào của họ, khiến cho hơn hai trăm ngàn người Hung tị nạn sang Áo Quốc và từ đó họ được các quốc gia thuộc thế giới tự do tiếp đón...

"Tội thật, tôi thấy tình cảnh của họ cũng hơi giống mình. Khi ấy, toàn vùng Đông Âu thuộc khối chịu ảnh hưởng của Nga-Sô, chỉ có Áo Quốc là không. Cũng may là xứ Hung giáp ranh với Áo, nếu không thì họ đâu có ngõ nào để thoát. Dân mình may mắn   nhờ có biển Đông." Anh Ngọc bàn vào và hỏi: "Tôi không hiểu sao trong thế chiến thứ hai, họ lại theo Đức Quốc Xã. Ông có biết tại sao không?" Anh Hùng trả lời:

Tôi cũng đâu có biết. Khi đã quen thân ông Karol, tôi mới dám hỏi vì mình biết bọn Nazi rất tàn ác, theo chúng thì thật là đáng trách. Ông Karol giải thích đại khái rằng, vào thời thế chiến xứ ông ở vào thế "tiến thoái lưỡng nan", theo phe nào cũng chết. Khi ấy Ukraine đã thuộc Nga-Sô, nằm giáp ranh với Hung-Gia-Lợi, đồng minh Anh Pháp Mỹ thì quá xa, cho nên ổng thấy xứ Hung của ổng ngã theo Đức khá hơn. Không ai dại dột làm bạn với thằng ăn cướp ở kế bên nhà vì không sớm thì chầy nó cũng ăn thịt mình. Ông Karol cũng nói rằng, thời ấy ở xứ ông đa số dân chúng rất căm thù người cộng sản Nga vì họ đã từng đô hộ xứ Hung sau thế chiến thứ nhất. Rủi thay, Đức thua trận và Hung-Gia-Lợi lọt vào tay Nga-Sô, cả dân tộc Hung lại phải sống lầm than dưới sự thống trị của nước "anh em" này.

Anh Ngọc lại hỏi: "Vậy thì mình có thể nói rằng ông bạn Karol Hung-Gia-Lợi của ông là người yêu nước mà hễ yêu nước thì làm sao không căm thù Nga-Sô, không chống chính quyền bù nhìn của Nga-Sô, nên phải lưu vong." Anh Hùng đáp rằng:

Không hẳn vậy! Ông Karol nói với tôi rằng, sau đệ nhị thế chiến ổng mới có mười tám tuổi thôi, nên ổng suy nghĩ theo chiều hướng của người dân Hung thời ấy, nghĩ rằng chiến tranh đã chấm dứt, toàn dân cần phải dốc sức làm lụng mà sống, mà xây dựng lại đất nước. Biết bao thế kỷ qua, trào này đến trào nọ, vua chúa sống ở thiên đường, trên vùng đất cao ráo Buda, bên kia sông Danube, nhìn xuống bần dân chen chút dưới vùng đồng bằng Pest. Ai làm vua cũng được, miễn là họ để cho dân sống yên bình làm ăn. Nhưng, nhà cầm quyền vốn là đầy tớ của Nga-Sô đâu có thương dân, họ tiếp tục áp đặt những quy chế này, luật lệ nọ để rút tỉa, cướp công, cướp đất, tài sản của dân. Họ còn cấu xé nhau để ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ mà hưởng lợi nữa...

"Vậy là tức nước vỡ bờ, đưa đến cuộc nổi dậy vào năm 1956, phải không anh?" Tôi kết luận như vậy và hỏi anh Hùng. Anh trả lời:
Ông Karol nói với tôi rằng cuộc nổi dậy ở Hung trước tiên do sinh viên khởi xướng, rồi nó lan rộng ra khắp xứ. Đó chính là do lòng dân đã quá chán ghét chế độ. Tuy nhiên, ta không thể bỏ qua chuyện hàng trăm ngàn truyền đơn của Mỹ, dưới danh nghĩa của Đài Tiếng Nói Tự Do Âu Châu, RFE Radio Free Europe, cùng với những chương trình phát thanh kêu gọi dân chúng Đông Âu nổi dậy chống chế độ cộng sản. Những tờ truyền đơn, những bài truyền thanh đã gieo vào tim óc người dân Hung-Gia-Lợi lòng tin tưởng rằng Mỹ Quốc và thế giới tự do sẽ can thiệp giúp họ thoát ách thống trị của Nga-Sô. Vì thế, họ đã dùng gậy gộc, gươm giáo, bom xăng tự chế để chống lại chính quyền và quân đội, xe tăng Nga-Sô. Thế mà, không ai đến giúp... Ông Karol đau xót tâm sự với tôi rằng, khi đội militia, tôi xin tạm dịch là "nghĩa quân", của ông phải rút khỏi Budapest, nhìn về hướng toà nhà Quốc Hội, ông thấy ngôi sao đỏ trên nóc và ông thề với Hồn Thiêng Sông Núi rằng ông sẽ cùng đồng đội trở về triệt hạ cái ngôi sao "máu" ấy. Nó là biểu tượng của chủ nghĩa ngoại lai đã và đang gây tang tóc cho quê hương của ông. Vậy mà... cuối cùng cuộc nổi dậy đã bị dập tắt và ông phải sống lưu vong... Và, sau bao năm tiếp tục tranh đấu dành độc lập cho dân tộc, ông không còn chút hy vọng nào trở về cố quốc, chỉ còn là một ước mơ mà thôi.

Chị Ngọc chép miệng thở dài, nói: "Tội nghiệp! Lúc ngôi sao đỏ ấy bị gỡ xuống ông bạn Karol của anh còn sống không anh?" Anh Hùng lắc đầu, kể tiếp:

Tôi làm việc ở nhà kho ấy được sáu tháng thì tìm được việc làm khác vào ban đêm để ban ngày tôi trở lại đại học, rồi tôi mất liên lạc với ông Karol. Thời ấy nếu người quen dọn nhà và đổi số điện thoại thì mình coi như mất liên lạc vì đâu có email hay Facebook như bây giờ. Lúc mới đến Mỹ, tôi chỉ biết cắm đầu, cắm cổ đi làm kiếm tiền nuôi gia đình bên này, bên kia nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng có ngày về cố hương. Tôi nghĩ rằng cuộc tranh đấu giành tự do và độc lập nào cũng cần thời gian, chứ không thể một sớm một chiều là thành đạt. Vì thế, tôi hỏi ông Karol lý do gì khiến ông bi quan như vậy. Ông nói rằng, theo kinh nghiệm của ông, chuyện tranh đấu rất phức tạp. Người tỵ nạn gốc Hung của ông có thể nói là, qua cơn binh biến ấy nhiều người thoát chết trong đường tơ, kẽ tóc, gia đình ly tán, tinh thần họ bị giao động rất nặng. Ai cũng yêu nước, nhưng mỗi người mỗi cách, nhiều khi rất cực đoan. Kẻ đổ lỗi cho chính phủ Mỹ, người trách giới lãnh đạo, giới trẻ tuổi không còn tin tưởng vào thế hệ cha ông nữa, không ai nghe lời ai lại còn chụp mũ, bôi nhọ nhau nữa... Đó là lý do làm cho ông thất vọng...

"Họ mất hết 45 năm và cuối cùng đã lật đổ được chính quyền thân Nga-Sô." Tôi tính nhẩm và góp lời vào câu chuyện. Anh Ngọc thêm vào: "Nhưng theo tôi hiểu thì chính là nhờ vào sự sụp đổ của Nga-Sô." Anh Hùng trả lời: "Người ta nói 'lịch sử tái diễn' nhưng có mấy ai học được đâu! Vì thế, tôi trộm nghĩ người dân xứ Hung không đập bỏ cái ngôi sao đỏ ấy, họ giữ nó lại để nhớ đời. Còn chuyện sụp đổ của Nga-Sô thì..."

Trong khi hai anh bạn tiếp tục bàn luận chuyện "chính chị chính em", tôi bước đến bên cửa sổ, mắt nhìn về hướng toà nhà quốc hội xứ Hung. Trời đã khuya, bóng tối dày đặt nhưng ánh đèn vẫn toả sáng trên nền trời... Ánh sáng làm tôi nghĩ đến Bắc Đẩu, ngôi sao dẫn đường, và tôi tự hỏi vì sao thế gian vẫn còn nhiều người không phân biệt được sáng và tối, thiện và ác. Họ tự lựa chọn hay bị u mê?



Viết xong ngày 24 tháng Hai, 2016
Vùng biển Caribbean, trên đường đến San Juan, Puerto Rico
đàoanhdũng



Không có nhận xét nào: