Góc Việt Thi :
Thơ NGUYỄN TRÃI
E. Thơ làm trong thời sang Trung Quốc.
1. Bài thơ QUÁ HẢI :
過海 QUÁ HẢI
撥盡閑愁獨倚蓬, Bát tận nhàn sầu độc ỷ bồng,
水光渺渺思何窮。 Thủy quang diểu diểu tứ hà cùng.
松林地斥疆南北, Tùng lâm địx xích cương nam bắc,
龍尾山橫限要衝。 Long vĩ sơn hoành hạn yếu xung.
義氣掃空千障客, Nghĩa khí tảo không thiên chướng khách,
壯懷呼起半帆風。 Tráng hoài hô khởi bán phàm phong.
扁舟羨我朝天客, Biển chu hâm ngã triều thiên khách,
直駕鯨鯢跨海東。 Trực giá kình nghê khóa hải đông.
* CHÚ THÍCH :
- BÁT 撥 : là Vạch, Vén. BÁT TẬN 撥盡 : là Vén hết, là Gạt bỏ hết.
- NHÀN SẦU 閑愁 : Mối sầu rảnh rổi; Ý chỉ Những nỗi buồn vu vơ.
- BỒNG 蓬 : là Cỏ Bồng. ở đây là BỒNG PHÀM 蓬帆 : là Vải thô làm thành Cánh Buồm.
- TÙNG LÂM 松林 : hay Tùng Kính Lâm, thuộc Vĩnh Yên (Bắc Việt) sát biên giới Việt Trung.
- LONG VĨ 龍尾 : Núi Bạch Long Vĩ tại châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), cũng gọi là bán đảo vì dãy núi đi từ lục địa ra biển về hướng đảo Hải Nam của Trung Quốc; có lẽ được mệnh danh theo địa thế giống như đuôi rồng. Xưa thuyền bè qua đây thường bị sóng gió.
- CHƯỚNG VỤ 障霧 : là Mây mù. Còn gọi là Chướng Khí.
- BIỂN CHU 扁舟 : Biển là Dẹp là Mỏng; nên Biển Chu chỉ Thuyền con, Thuyền nhỏ.
- HÂM 羨 : là Mâm mộ, là Trầm trồ.
- KÌNH NGHÊ 鯨鯢 : Cá Kình cá Nghê. là các loại cá Ông cá Nhà táng, những loại cá lớn ngoài biển.
* NGHĨA BÀI THƠ :
QUA BIỂN
Gạt bỏ hết những nỗi buồn vớ vẩn mà một mình dựa vào cánh buồm, nhìn dòng nước loang loáng trước mắt mà suy nghĩ mông lung không ngừng. Tùng Kính Lâm trước mắt là đất cương lĩnh chia đôi nam bắc, còn núi Bạch Long Vĩ nằm vắt ngang qua vùng đất xung yếu nầy. Cái khí nghĩa dũng xung lên như muốn quét sạch muôn ngàn mây mù chướng khí và lòng hùng tráng như gió rít làm căng nửa cánh buồm thuyền. Chiếc thuyền nhỏ như hâm mộ ta là khách đi chầu thiên triều, nên trực chỉ như cá kình cá nghê lướt sóng biển đông.
* DIỄN NÔM :
QUÁ HẢI
Tựa cột buồm cao gát hết sầu,
Nước trong loang loáng nghĩ đâu đâu.
Tùng Lâm chia đất bờ nam bắc,
Long Vĩ vắt ngang cỏi địa đầu.
Nghĩa khí vút cao sương khói nhạt,
Chí hùng căng gió cánh buồm thâu.
Thuyền con hâm mộ người đi sứ,
Như cá kình nghê lướt sóng chầu.
Lục bát :
Gát buồn tựa cột buồm cao,
Mênh mông loang loáng dạt dào ưu tư.
Tùng Lâm nam bắc phân cư,
Bạch Long Vĩ ấy địa đầu vắt ngang.
Tan sương nghĩa khí ngút ngàn,
Chí hùng căng cánh buồm ngang lưng trời.
Thuyền con theo sứ ra khơi,
Như kình nghê vượt qua trời biển đông.
Đỗ Chiêu Đức
2. Bài thơ THÁI THẠCH HOÀI CỔ :
采石懷古 THÁI THẠCH HOÀI CỔ
采石曾聞李謫仙, Thái Thạch tằng văn Lý Trích Tiên,
騎鯨飛去已多年。 Kỵ kình phi khứ dĩ đa niên.
此江若變為春酒, Thử giang nhược biến vi xuân tửu,
只恐波心尚醉眠。 Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.
* CHÚ THÍCH :
- THÁI THẠCH 采石 : Thái Thạch là tên con sông thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tương truyền khi đi thuyền trên sông nầy Lý Bạch 李白 đã uống rượu say rồi nhảy xuống sông định bắt lấy ánh trăng nên bị chết đuối tại đây. Vì thế nơi đây có xây một cái đài gọi là Tróc Nguyệt đài 捉月臺 (đài bắt trăng). Lý Bạch tự cho mình là Hải thượng kỵ kình 海上騎鯨 (khách cưỡi cá kình trên biển). Người đương thời bảo Lý Bạch là tiên bị đày xuống trần gian, nên gọi là Lý Trích Tiên 李謫仙. Đỗ Phủ, cùng thời với Lý Bạch, có câu: “Nhược phùng Lý Bạch kỵ kình ngư, Đạo Phủ vấn tấn kim hà như ? 若逢李白騎鯨魚,道甫問訊今何如?” (Nếu có gặp Lý Bạch đang cưỡi cá kình, Thì hãy nói dùm rằng Phủ tôi đây hỏi Bạch nay đã ra sao rồi?).
- TẰNG VĂN 曾聞 : là Đã từng nghe.
- NHƯỢC 若 : là Nhược bằng, là Nếu như.
- CHỈ KHỦNG 只恐 : Chỉnh e, Chỉ sợ rằng...
- BA TÂM 波心 : Trong lòng đợt sóng trên sông.
- THƯỢNG 尚 : là Vẫn, Vẫn còn...
* NGHĨA BÀI THƠ :
Nhớ Chuyện Xưa Bên Dòng Sông Thái Thạch
Đã từng nghe nói về Lý Trích Tiên trên dòng sông Thái Thạch nầy, ông ta cởi cá kình mà bay đi đã nhiều năm lắm rồi. Nếu như nước của dòng sông nầy đều biến thành rượu xuân, thì e rằng ông ta vẫn còn say ngủ trong lòng những đợt sóng trên sông.
* DIỄN NÔM :
THÁI THẠCH HOÀI CỔ
Thái Thạch từng nghe Lý Bạch say,
Cởi kình bay biết mấy năm nay.
Sông này nếu biến thành xuân tửu,
Lòng sóng e rằng vẫn ngủ say !
Lục bát :
Từng nghe Thái Thạch Trích Tiên,
Cởi kình bay mất bao niên trước rồi.
Nước sông biến rượu xuân trôi,
Chỉnh e lòng sóng nay say vùi ngủ yên!
Đỗ Chiêu Đức
3. Bài thơ Bình Nam Dạ Bạc :
平南夜泊 BÌNH NAM DẠ BẠC
片帆高颭晚風輕, Phiến phàm cao chiếm vãn phong khinh,
暮宿平南古縣城。 Mộ túc Bình Nam cổ huyện thành.
燈影照人和月影, Đăng ảnh chiếu nhân hòa nguyệt ảnh,
樹聲敲夢併灘聲。 Thọ thanh xao mộng tính than thanh.
湖山有約違初志, Hồ sơn hữu ước vi sơ chí,
歲月如流漫此生。 Tuế nguyệt như lưu mạn thử sanh.
夜半戍樓吹畫角, Dạ bán thú lâu xuy họa giác.
客中悽愴不勝情。 Khách trung thê sảng bất thăng tình.
* CHÚ THÍCH :
- BÌNH NAM 平南 :
Tên một huyện ngày xưa thuộc phủ Tầm Châu trên sông Tầm Giang thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hiện nay.
- CAO CHIẾM 高颭 : là Lay động ở trên cao.
- TÍNH 併 : là Cùng , Đều, Kiêm.
- VI 違 : là Không theo..., Làm trái lại.
- MẠN 漫 : là đầy tràn. ở đây có nghĩa là : Uổng phí. Vô ích.
- THÚ LÂU 戍樓 : Lầu Canh, Gác canh.
- HỌA GIÁC 畫角 : Cái Tù Và thổi trong đêm canh gác.
- THÊ SẢNG 悽愴 : là Thê lương sầu thảm xót thương.
* NGHĨA BÀI THƠ :
Đêm Đậu Thuyền Ở Bình Nam
Một cánh buồm giương cao phập phồng trong gió chiều nhè nhẹ. Đêm ghé bến Bình Nam là một huyện thành xưa cổ. Bóng đèn và bóng trăng cùng chiếu vào bóng người, tiếng cây lá xạc xào cùng tiếng lao xao trên bến bãi làm tỉnh giấc mơ. Lời ước hẹn với sông hồ còn chưa thỏa chí của lúc ban đầu, ngày tháng trôi qua như nước chảy làm uổng phí mất kiếp sống nầy. Nửa đêm nghe tiếng tù và thổi sang canh trên lầu canh, khiến cho người lữ khách không sao ngăn được xúc động buồn thương cho cảnh tha hương đất khách.
Trương Kế với PHONG KIỀU DẠ BẠC 楓橋夜泊, còn Nguyễn Trãi thì với BÌNH NAM DẠ BẠC 平南夜泊. Trương Kế nổi tiếng với 2 câu:
姑蘇城外寒山寺, Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự,
夜半鐘聲到客船。 Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Có nghĩa :
Chùa Hàn San ngoại thành Cô Tô ấy,
Nửa đêm buồn chuông vẳng đến thuyền ai.
Còn Nguyễn Trãi thì cũng nổi tiếng với 2 câu kết là:
夜半戍樓吹畫角, Dạ bán thú lâu xuy họa giác.
客中悽愴不勝情。 Khách trung thê sảng bất thăng tình.
Có nghĩa :
Trên lầu canh nửa đêm tù và vẳng,
Khách xa nhà ray rức chạnh niềm riêng!
* DIỄN NÔM:
ĐÊM GHÉ BẾN BÌNH NAM
Một cánh buồm cao gió phất phơ,,
Bình Nam đêm ghé cổ thành xưa.
Bóng đèn bóng nguyệt mờ nhân ảnh
Tiếng lá tiếng người chợt tỉnh mơ.
Sông núi ước xưa đà lỗi hẹn,
Tháng ngày như nước hết mong chờ.
Nửa đêm còi điểm lầu canh vắng,
Lòng khách dạt dào vạn ý thơ.
Lục bát :
Buồm cao gió nhẹ chiều hôm,
Qua đêm ghé bến Bình Nam cổ thành.
Bóng đèn lồng bóng trăng thanh,
Tiếng người hòa tiếng cây cành lao xao.
Núi sông đà lỗi hẹn nào,
Tháng ngày như nước tiêu hao hết đời.
Tù và canh điểm đêm vơi,
Khiến người lữ khách ngậm ngùi thở than.
Đỗ Chiêu Đức
*****
Mai Xuân Thanh xin phép góp vui theo chân anh đồ Đỗ Chiêu Đức chúng ta như sau:
1) Đi Biển
Buồn chi nữa tựa cột buồm dong
Nước mát trong veo nghĩ chuyện lòng
Trước mắt Tùng Lâm kia đất Bắc
Sau lưng Long Vĩ nọ vùng xung
Dặm ngàn chướng khí mù sương khói
Sóng bạc trùng khơi tỏ nước dòng
Đi sứ chực chầu riêng một cõi
Cá kình lướt sóng biển phương Đông
Mai Xuân Thanh
2) Thái Thạch Hoài Cổ
Xưa nghe Lý Bạch Trích Tiên say
Thái Thạch xưa dòng kình cá bay
Tiến tửu nước đầy xuân miễn lễ
Sông sâu sóng gợn vẫn còn say...
MXT
3) Đêm Ghé Bến Bình Nam
Gió lộng căng buồm cánh thẳng giương
Bình Nam bến cũ ghé vô thường
Sông mờ bóng nguyệt đèn đêm tỏ
Gió lạnh Chị Hằng giấc mộng thương
Thỏa chí ban đầu quên ước hẹn
Bình sanh ngày tháng nhớ tơ vương
Tù và báo động sang canh vọng
Lữ khách xót xa luống đoạn trường...!
Mai Xuân Thanh
Ngày 22/09/2019
*****
QUA BIỂN
( Quá Hải )
Nguyễn Trãi
Mạn thuyền tựa, muộn sầu đã gác
Sắc nước trời man mác ý dâng.
Phân chia Nam Bắc, Tùng Lâm
Yếu xung Long Vĩ nằm ngang núi dài.
Gạt mây mù lòng đầy dũng khí
Chí hào hùng như chiếc buồm căng.
Thuyền con đi sứ băng băng
Kình ngư sóng cỡi đạp bằng biển đông.
Mailoc phỏng dịch
(Thu phân 2019 )
ĐÊM ĐẬU THUYỀN Ở BÌNH NAM
( Bình Nam Dạ Bạc )
Nguyễn Trãi
Buồm phập phồng gió chiều nhẹ thổi
Ghé Bình Nam qua tối cổ thành.
Ánh đèn hoà với ánh trăng
Cây reo nước vẳng xua tan giấc nồng.
Lời nguyền ước núi sông dang dở
Tháng năm trôi đã lỡ một đời.
Tiếng tù canh tối bồi hồi
Cho lòng lữ khách không vơi nỗi niềm!
Mailoc phỏng dịch
9-23-19
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét