THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 35 :
CẦM
CẦM 琴 là Cây Đờn (Đàn) như: Lục Huyền Cầm 六絃琴 là cây Đàn có 6 dây, CẦM SẮC 琴瑟 là Hai loại đàn ngày xưa và như câu thơ đầu tiên trong bài CẨM SẮC 錦瑟 (Đàn gấm) của Lý Thương Ẩn là: CẨM SẮC vô đoan ngũ thập huyền 錦瑟無端五十弦. SẮC là cây đàn có đến 50 dây. CẦM SẮC là hai nhạc cụ thường dùng trong hòa tấu âm nhạc cho ra âm thanh hòa hợp rất hay, nên còn được ví với vợ chồng hòa thuận, chồng hát vợ họa theo (Phu xướng phụ tùy 夫唱婦隨) với lời chúc nhau trong các đám cưới đám gả là CẦM SẮC HÒA HÀI 琴瑟和諧 hay SẮC CẦM HẢO HỢP 瑟琴好合. Vì các ý nghĩa trên, nên...
CẦM SẮC 琴瑟 còn có nghĩa bóng là tình VỢ CHỒNG, và CẦM KỲ 琴棋 (Đàn và Cờ) có nghĩa là tình bè bạn. Như khi Kim Kiều tái hợp, mặc dù đã bái đường với nhau, nhưng Thúy Kiều năn nỉ Kim Trọng đừng động phòng với lý do:
Chữ TRINH còn một chút nầy,
Chẳng cầm cho vững lại vầy cho tan !
nên cô khuyên Kim Trọng:
Chàng dù nghĩ đến tình xa,
Đem tình CẦM SẮC đổi ra CẦM KỲ !
Kim Trọng đã chìu theo ý của Thúy Kiều không động phòng trong đêm đó, nhưng không biết ngày tháng dài lâu, những đêm sau nầy sẽ ra sao?!...
Ta còn có từ CẦM ĐÀI 琴台 là Cái Giá để đặt cây đàn; CẦM ĐÀI còn là nơi mà Tư Mã Tương Như đã đàn khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng để đánh động lòng ái mộ của nàng Trác Văn Quân xinh đẹp, nên CẦM ĐÀI là từ kép để chỉ Nghề đàn giỏi hoặc Khúc đàn hay, như khi Kim Trọng muốn Thúy Kiều đàn cho mình nghe thì đã khẩn khoản là:
Rằng : Nghe nổi tiếng CẦM ĐÀI,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.
Ngoài CẦM ĐÀI, ta còn có CẦM ĐƯỜNG 琴堂 là Ngồi trên công đường mà gãy đàn, theo xuất xứ với tích sau đây:
Sách Lã Thị Xuân Thu thời Chiến Quốc: Mật Tử Tiện 宓子贱 học trò của Khổng Phu Tử khi làm quan ở đất Đan Phụ (Nam Huyện của tỉnh Sơn Đông hiện nay). Mỗi ngày ông chỉ ngồi trên công đường gãy đàn mà xử lý rất tốt tất cả mọi việc trong huyện. Còn Vu Mã Kỳ thì phải thức khuya dậy sớm, đi sớm về muộn, vất vả bận rộn suốt ngày, cũng xử lý huyện Tứ Phụ rất tốt. Vu Mã Kỳ mới hỏi Mật Tử Tiện là duyên cớ làm sao mà ta thì vất vả còn ông thì an nhàn khi công việc cũng như nhau? Mật Tử Tiện mới đáp rằng: "Cách của ta làm là biết sử dụng nhân tài, còn cách của ông là sử dụng sức lực. Đương nhiên sử dụng sức lực sẽ vất vả hơn sử dụng nhân tài nhiều!" Mật Tử Tiện giữ cho tâm bình khí ổn, tai mắt tinh tường, tinh thần minh mẫn, nên xử lý mọi việc một cách nhanh chóng ổn thỏa. Vì tích nầy mà phát sinh thành ngữ "MINH CẦM NHI TRỊ 鳴琴而治" Có nghĩa: Chỉ ngồi đàn mà vẫn giữ vững được trị an trong huyện. Vì ngồi trên công đường mà đàn nên gọi là CẦM ĐƯỜNG 琴堂. Sau được dùng rộng ra để chỉ việc làm quan có hiệu qủa tốt, như sau khi Kim Trọng đã thi đậu làm quan, cụ Nguyễn Du đã viết là:
CẦM ĐƯỜNG ngày tháng thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao.
CẦM KỲ THƯ HỌA 琴棋書畫 là Tứ nghệ, bốn cái nghề, bốn cái kỹ năng mà tất cả những thư sinh ngày xưa đều phải rèn luyện học tập. Đó chính là: Gãy đàn, Đánh cờ vây (Vi Kỳ 圍棋), Viết thư pháp, và Hội họa, vẽ tranh. Ngoài việc ứng phó thi cử để tìm chút công danh ra, bốn kỹ năng trên còn là niềm tự hào, hơn thua nhau trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng sang qua Việt Nam ta thì thành ra Bốn Món Ăn Chơi Tài Tử; hai chữ cuối THƯ HỌA 書畫 được đổi thành THI TỬU 詩酒: Thư pháp và Hội họa được đổi thành Làm thơ và Uống rượu, như trong bài hát nói bất hủ của cụ Nguyễn Công Trứ:
CẦM KỲ THI TỬU,
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay,
Đàn năm cung réo rắt tính tình dây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ,
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà...
...và hai câu thơ chữ Hán trong bài là:
Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng, 琴思瀟然棋思爽,
Thi hoài lạc hĩ, tửu hoài nồng. 詩懷樂矣酒懷濃。
Có nghĩa :
- Đàn thì phải thanh thoát tự nhiên, đánh cờ thì phải sảng khoái (không câu mâu quạu quọ),
- Thơ thì phải làm vui thỏa lòng ta và rượu thì phải đậm đà nồng ấm.
CẦM 琴 là Đàn, nhưng nếu chữ CẦM 擒 được viết bằng bộ THỦ 扌 bên trái như thế nầy, thì có nghĩa là: Nắm, Bắt, Chụp, Giữ, là Cầm lấy, như từ CẦM MUÔI trong văn học cổ của ta. MUÔI : Miền Bắc gọi là cái Thìa lớn; Miền Nam gọi là Cái Vá để múc cơm canh. Tích CẦM MUÔI như sau:
Hán Cao Tổ Lưu Bang lúc còn hàn vi, có anh là Lưu Bá mất sớm, nên ở với chị dâu. Lưu Bang không thích làm ruộng, suốt ngày rong chơi với các nhóm bạn du thủ du thực, tam giáo cửu lưu, rồi lại kéo cả bọn về nhà ăn cơm. Chị dâu ghét qúa. Một hôm lại kéo đám bạn về nhà. Bà chị dâu dùng cái muôi cạo gỏ vào nồi lóc cóc leng keng để cho biết là đã hết cơm canh. Cả bọn kéo đi nơi khác. Lưu Bang chạy vào bếp thấy cơm canh hãy còn. Từ đó, đâm ra oán hận chị dâu. Khi đã lên làm vua, phong thưởng cho mọi người, nhưng không phong quan chức cho con trai của anh là Lưu Tín. Được Thái Thượng Hoàng nhắc nhở, mới phong cho Lưu Tín làm CANH HIỆT HẦU 羹颉侯 là chức Hầu Cầm Muôi Gỏ Nồi Canh để nhớ cái hận mà chị dâu không cho cơm canh. Quả là một quân vương "nhọn mỏ"(nhỏ mọn!).
Trong văn học cổ từ CẦM MUÔI và từ CẠO CANH thường được dùng để chỉ những ông vua hay chủ tướng lòng dạ hẹp hòi nhỏ mọn. Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, nhà vua Lê Thánh Tông đã hạ hai câu thật mĩa mai như sau:
Cho tước chẳng quên người chực giỏ,
Phong hầu còn nhớ kẻ CẦM MUÔI.
Thi Tiên LÝ BẠCH có một bài thơ thất ngôn cổ phong BẢ TỬU VẤN NGUYỆT 把酒問月 là Nâng Chén Hỏi Trăng, trong đó có những câu rất hay như:
今人不見古時月, Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt,
今月曾經照古人。 Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.
Có nghĩa :
Người của ngày hôm nay không thấy được trăng của ngày xưa, nhưng...
Trăng của ngày hôm nay đã từng soi rọi người của ngày xưa rồi.
BẢ TỬU VẤN NGUYỆT cụ Đào Duy Từ của ta gọi là CẦM CHÉN GỌI TRĂNG trong hai câu thơ sau đây:
Kìa ai CẦM CHÉN GỌI TRĂNG,
Xưa nay rằng cũng mấy vùng tỏ xưa.
Trong bài Xuân Dạ Yến Đào Lý Viên Tự 春夜宴桃李園序 Thi Tiên cũng đã hạ câu "...Nhi phù sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà? Cổ nhân bỉnh chúc dạ du, lương hữu dĩ dã... 而浮生若夢,為歡幾何?古人秉燭夜遊,良有以也". Có nghĩa: ...mà cõi phù sinh như một giấc mộng, vui chơi có được bao lăm? Nên người xưa (đã tranh thủ) đốt đuốc đi chơi đêm, quả là có lý lắm vậy. Bốn chữ BỈNH CHÚC DẠ DU 秉燭夜遊 là CẦM ĐUỐC CHƠI ĐÊM ý nói: Cuộc đời nầy qúa ngắn ngủi, thời gian vui chơi chẳng được bao nhiêu, nên phải tranh thủ đốt đuốc đi chơi cả ban đêm vì thời gian không còn nhiều nữa, như hai câu thơ của Hoàng Sĩ Khải trong Tứ Thời Khúc Vịnh đã diễn tả:
Một khắc là ngàn vàng khôn chuộc,
Hèn chi mà CẦM ĐUỐC CHƠI ĐÊM.
Trong bài hát nói Nhân Sinh Thấm Thoát, cụ Cao Bá Quát cũng đã viết:
Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ,
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày.
Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay,
Sực nhớ chữ “CỔ NHÂN BỈNH CHÚC”...
Trở lại với CẦM 擒 là Bắt. Ta có từ kép là CẦM NẢ 擒拿 là Bắt giữ, bắt lấy. Trong nghề võ có những thế CẦM NẢ THỦ 擒拿手 chuyên dùng để nắm bắt và khóa tay chân của đối thủ để không thể động đậy được. SANH CẦM 生擒 là Bắt sống. Đọc truyện Tam Quốc Chí không ai là không biết đến tích "Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch". Có nghĩa: Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần. Mạnh Hoạch là Man Vương có uy tín và cầm đầu các động các chủ tại phương nam. Khổng Minh lập kế bắt được rồi phô trương thanh thế của mình. Mạnh Hoạch vẫn không phục. Khổng Minh tha cho về chỉnh đốn lại binh mã, rồi lại bắt được Mạnh Hoạch lần nữa. Hoạch vẫn không phục. Khổng Minh lại tha cho về. Cứ thế, tha ra bảy lần rồi bắt lại bảy lần, gọi là THẤT CẦM THẤT TÚNG 七擒七縱 là "Bảy lần bắt lấy và bảy lần thả ra". Lần sau cùng thả ra, Hoạch không bỏ đi nữa, mà quyết lòng hàng phục nhà Thục, không dám làm loạn nữa.
Mạnh Hoạch và Khổng Minh trong điện ảnh
Trong dân gian của ta có một người tên là Nguyễn Xiển, người làng Hoằng Bột, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông được cho là hậu duệ của Trạng Quỳnh (chắt của Trạng Quỳnh). Vì ở làng Hoằng Bột nên mọi người gọi là Xiển Bột. Cũng như Trạng Quỳnh, Xiển Bột nổi tiếng trong dân gian vì những câu chuyện cười dí dỏm, châm chiếm đả kích vào những thói xấu của xã hội, những quan lại, cường hào chuyên hiếp đáp dân lành. Tương truyền...
Có một lần vì túng thiếu, Xiển gom một mớ áo quần cũ đến cửa quan xin được CẦM để lấy tiền chi tiêu. Quan biết Xiển muốn phá mình, nên lấy ý một câu trong sách Luận Ngữ mà ra vế đối, hẹn rằng nếu đối hay thì sẽ cho CẦM. Vế ra như sau:
Quân tử cố cùng, quân tử cùng, quân tử cố;
君子固窮,君子窮,君子固;
Có nghĩa :
Người quân tử phải chịu đựng cái nghèo của mình, khi người quân tử nghèo thì người quân tử phải rán mà chịu đựng.
Quan có ý trách Xiển Bột là người quân tử sao không biết an phận với cái nghèo của mình, mà còn đèo bồng cầm cố lôi thôi để xài tiền.
Xiển Bột suy nghĩ một lúc, bèn tươi cười mà đối lại rằng:
Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm. 孔明擒縱,孔明縱,孔明擒。
Theo nghĩa trong Tam Quốc Chí là :
Khổng Minh bắt rồi tha, Khổng Minh tha rồi Khổng Minh bắt lại!
Nhưng, nếu hiểu theo nghĩa Nôm thì có nghĩa là:
-(Dù cho có giỏi như) Khổng Minh cũng phải đi CẦM đồ khi TÚNG thiếu; (và vì) Khổng Minh TÚNG thiếu nên Khổng Minh mới đi CẦM đồ đây!
Quả thật tuyệt vời không chê vào đâu được!
Xin được kết thúc bài CẦM ở nơi đây.
Hẹn bài viết tới !
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét