Nhân mùa Trung Thu, mời tất cả cùng đọc bài từ "THỦY ĐIỆU CA ĐẦU" của Tô Đông Pha để cùng nhớ về nơi ngàn dặm xa xôi nào đó ...
Tống Từ :
THỦY ĐIỆU CA ĐẦU
Tô Đông Pha
Trung Thu Tống Hi Ninh năm thứ 9 (1076), Tô Thức 蘇軾 (Đông Pha 東坡) đang là Tri Châu Mật Châu. Vì chính kiến bất đồng với Tể Tướng đương triều là Vương An Thạch, nên mới bị trích hoạn đến nơi nầy. Trong khi Trung Thu là ngày trăng to nhất tròn nhất trong năm,và cũng là ngày Tết Đoàn Viên của mọi gia đình, thì ông lại phải ở nơi xa. Buồn nhớ gia đình và nhất là nhớ người em trai cùng chung chí hướng là Tô Triệt 蘇轍 (Tử Do 子由), nên nhân lúc tửu hứng mới viết nên bài từ bất hũ nầy với những câu mở đầu để đời là: 明月幾時有?把酒問青天。Minh nguyệt kỷ thời hữu? Bả tửu vấn thanh thiên... mà ta sẽ đọc dưới đây.
水調歌頭 THỦY ĐIỆU CA ĐẦU
明月幾時有? Minh nguyệt hà thời hữu?
把酒問青天。 Bả tửu vấn thanh thiên.
不知天上宮闕, Bất tri thiên thượng cung khuyết,
今夕是何年? Kim tịch thị hà niên?
我欲乘風歸去, Ngã dục thừa phong quy khứ,
唯恐瓊樓玉宇, Duy khủng quỳnh lâu ngọc vũ,
高處不勝寒。 Cao xứ bất thắng hàn,
起舞弄清影, Khởi vũ lộng thanh ảnh,
何似在人間。 Hà tự tại nhân gian.
轉朱閣,低綺戶, Chuyển chu các, đê ỷ hộ,
照無眠。不應有恨,Chiếu vô miên. Bất ưng hữu hận,
何事長向別時圓? Hà sự trường hướng biệt thời viên ?
人有悲歡離合, Nhân hữu bi hoan ly hợp,
月有陰晴圓缺, Nguyệt hữu âm tình viên khuyết,
此事古難全。 Thử sự cổ nan toàn.
但願人長久, Đản nguyện nhân trường cửu,
千里共嬋娟。 Thiên lý cộng thuyền quyên.
蘇軾 Tô Thức
* CHÚ THÍCH :
- THỦY ĐIỆU CA ĐẦU 水調歌頭 : là Tên của một Từ Bài: một thể loại Từ, chớ không phải tựa của bài Từ. Thường thì người ta hay lấy câu đầu để làm tựa cho bài Từ, nên bài Từ nầy được gọi là: 明月幾時有?Minh nguyệt kỷ thời hữu?
- Bả Tửu 把酒 : là cầm ly rượu nâng lên.
- Thiên Thượng Cung Khuyết 天上宮闕 : là những cung điện ở trên trời.
- Quỳnh Lâu Ngọc Vũ 瓊樓玉宇 : là Lâu đài được cất bằng ngọc quỳnh ngọc dao, chỉ nơi thần tiên ở trong thần thoại.
- Bất Thắng Hàn 不勝寒 : Không thắng được cái lạnh, có nghĩa là rất lạnh, lạnh chịu không nổi.
- Chu Các Ỷ Hộ 朱閣綺戶 : Chu Các là Lầu son; Ỷ Hộ là Cửa sổ có treo rèm đẹp.
- Bi Hoan Ly Hợp 悲歡離合 : là Buồn, vui, tan, hợp.
- Âm Tình Viên Khuyết 陰晴圓缺 : (Trăng có lúc) Mờ, Tỏ, Tròn, Mẻ (khuyết).
- Thuyền Quyên 嬋娟 : là Cô gái đẹp, là những sự việc tốt đẹp, trong bài từ Tô dùng để chỉ Mặt Trăng tròn và đẹp.
* NGHĨA BÀI TỪ :
Từ lúc nào đã có vầng trăng sáng? Ta nâng ly rượu mà hỏi trời xanh. Không biết là cung điện ở trên trời cao kia, đêm nay là năm tháng nào? Ta muốn cởi gió để đi về trên ấy, chỉ e rằng cung vàng điện ngọc ở trên cao kia giá lạnh vô cùng. Khi ta múa lên thì bóng của ta cũng vũ lộng thanh tao dưới ánh trăng không giống như là ở nhân gian nầy.
Bóng trăng chiếu qua lầu son, len lỏi xuống tận khung cửa sổ có rèm hoa đẹp, chiếu vào ta là người chưa ngủ được. Trăng chắc cũng chẳng có oán hận gì với người, nhưng tại sao lại cứ tròn vành vạnh trong khi con người đang chia ly cách biệt? Người thì có bi hoan ly hợp, trăng thì có tỏ mờ tròn khuyết. Đó là chuyện từ xưa đến nay khó mà chu toàn cho được. Chỉ mong là người mãi mãi được trường cửu an lành cho dù cách xa ngàn dặm vẫn có thể cùng ngắm vầng trăng đẹp với nhau.
Bài từ nầy Tô Đông Pha làm để nhớ về người em trai tài hoa suýt soát tuổi với mình là Tô Tử Do (Tô Triệt). Hai anh em đã cùng vùi mài kinh sử, cùng đậu đạt, cùng làm quan và nhất là cùng chính kiến với nhau, nhưng giờ phải cách biệt vì mình bị đày đi xa trong đêm trăng tròn và sáng nhất trong năm: Đêm Trung Thu, cũng là đêm Đoàn Viên của gia đình. Nhớ em trai, nhưng vì lời thơ qúa đẹp qúa mượt mà ướt át, nên đời sau lại vận dụng và mượn những câu từ nầy để nhớ về người yêu dấu ở nơi xa. Ví dụ như hai câu cuối:
但願人長久, Đản nguyện nhân trường cửu,
千里共嬋娟。 Thiên lý cộng thuyền quyên.
Có nghĩa :
Những mong người vẫn an lành,
Nghìn trùng cùng ngắm trăng thanh đêm này.
* DIỄN NÔM :
THỦY ĐIỆU CA ĐẦU
Trăng thanh có tự khi nào ?
Nâng ly ta hỏi trời cao mấy lời.
Đêm nay cung khuyết trên trời,
Là năm nào của cỏi đời thế gian ?
Thừa phong ta muốn về ngang,
Chỉnh e lầu ngọc điện vàng lạnh căm.
Một mình đối bóng đêm trăng,
Phiêu diêu thanh thản cỏi trần nào hơn !
.....
Trăng ngà bóng xế lầu son,
Xuyên qua song đẹp người còn trở trăn.
Ánh trăng chẳng hận chẳng rằng,
Cớ sao người khuyết mà trăng lại tròn ?
.....
Người đời vui hợp buồn tan,
Trăng mờ rồi tỏ khuyết tròn bao năm.
Cổ kim luyến ánh trăng rằm,
Sự đời khó vẹn trách lầm trời xanh.
Những mong người vẫn an lành,
Nghìn trùng cùng ngắm trăng thanh đêm này!
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét