Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Thành ngữ điển tích: Cầu (Đỗ Chiêu Đức)

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 36 : 
                                               CẦU
   
                            Inline image
          
       CẦU, nghĩa Nôm là Cây Cầu bắt qua sông qua suối; chữ Nho CẦU 求 là Xin, nên ta có từ kép là CẦU XIN. Ông bà ta dạy:
                 Dục CẦU sanh phú qúy,   欲求生富貴,
                 Tu hạ Tử công phu.         须下死功夫.
Có nghĩa : 
          Muốn cầu cho cuộc sống được giàu sang phú qúy, thì...
          Phải bỏ ra cái công sức làm ăn chết bỏ mới có được! (cho biết không phải phú qúy tự dưng mà có được một cách dễ dàng!)
     
       Trong văn học cổ, khi nhắc đến CẦU là người ta nghĩ ngay đến khúc PHƯỢNG CẦU KỲ HOÀNG 鳳求其凰 (thường được gọi gọn là khúc Phượng Cầu Hoàng) của Tư Mã Tương Như đời Hán theo tích sau đây:

       Theo sách Sử Ký, Tư Mã Tương Như là tài tử nổi tiếng của đời Hán, tự là Trường Khanh, người đất Thành Đô (Thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) Ở lộ Cầm Đài. Khi đến đất Lâm Cùng, nhờ có người bạn là Tri Huyện Vương Cát tiến cử, nên được nhà cự phú Trác Vương Tôn ở địa phương mời đến nhà khoản đãi. Trong bữa tiệc khách yêu cầu đàn một khúc, Tương Như biết vương tôn có cô con gái mới mười sáu tuổi rất đẹp, lại vừa mới góa chồng là Trác Văn Quân, bèn giở cây lục ỷ cầm ra đờn hai khúc trong bài Phượng Cầu Hoàng như sau:

     鳳兮鳳兮歸故鄉,    Phượng hề phượng hề quy cố hương, 
     遨遊四海求其凰...    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng ...
     有豔淑女守蘭房,   Hữu diễm thục nữ thủ lan phòng,
     室邇人遐毒我腸。   Thất nhĩ nhân hà độc ngã trường.
     何緣交頸為鴛鴦...   Hà duyên giao cảnh vị uyên ương ...
Có nghĩa :
              Về thôi phượng hỡi, phượng hề !
              CẦU HOÀNG tứ hải bốn bề ngao du.
              Có nàng thục nữ ôn nhu,
              Gần bên mà ngỡ như từ cỏi xa.
              Uyên ương sao được một nhà ?   

      Tư Mã Tương Như nghe trong rèm ở phòng bên có tiếng thở dài nhè nhẹ, biết là Trác Văn Quân đang nghe đàn, bèn đàn tiếp khúc thứ hai là:

    鳳兮鳳兮從凰棲,    Phượng hề phượng hề tòng hoàng thê,
    得托孳尾永為妃。    Đắc thác tư vĩ vĩnh vi phi.
    交情通體心和諧,    Giao tình thông thể tâm hòa hài,
    中夜相從知者誰?    Trung dạ tương tòng tri giả thùy ?
    雙翼俱起翻高飛,    Song dực câu khởi phiên cao phi,
    無感我思使余悲。    Vô cảm ngã tư sử dư bi.
Có nghĩa :
              Theo hoàng phượng hỡi, phượng hề,
              Theo nhau mãi mãi đi về một phương.
              Giao tình lòng những vấn vương,
              Giữa đêm theo gót người thương bao ngày.
              Chắp đôi cánh phượng cao bay,
              Lòng ta buồn nhớ ai hay chăng là ?!

         Khúc ca vừa tỏ lòng ái mộ Trác văn Quân, vừa "xúi giục" nàng "giữa đêm theo gót..." nên, nửa đêm hôm ấy, Trác Văn Quân bỏ nhà trốn theo Tư Mã Tương Như về Thành Đô sinh sống ...

                    Inline image

         Do điển tích nầy, nên các từ CẦU HOÀNG, PHƯỢNG CẦU HOÀNG, TƯ MÃ PHƯỢNG CẦU... được dùng để chỉ tiếng đàn giao duyên, tỏ tình trai gái hoặc tìm hạnh phúc lứa đôi. Như trong Truyện Kiều, khi tả tiếng đàn của Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe, cụ Nguyễn Du cũng mượn ý:

           Khúc đâu TƯ MÃ PHƯỢNG CẦU,
     Nghe ra như oán như sầu phải chăng?...

         Trong truyện Nôm Tây Sương Ký tả Trương Quân Thụy gặp thôi Oanh Oanh ở Mái Tây cũng đã tự hỏi:
            Phượng bay bốn bể CẦU HOÀNG,
     Giai nhân chẳng ở đông tường thì đâu ?

   ... và trong Bích Câu Kỳ Ngộ, tả chàng công tử Tú Uyên ướm thử lòng Giáng Kiều cũng có câu:

             CẦU HOÀNG tay lựa nên vần,
      Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào?!

                     Inline image
      
      Ngoài lộ CẦM ĐÀI là nơi Tư Mã Tương Như ngồi gãy đàn cho nàng Trác Văn Quân bán rượu ra, Thành Đô còn nổi tiếng với một cây cầu nhỏ gọi là TỨ MÃ KIỀU 四馬橋, nằm ở ngã ba đường cái. cây cầu nầy vốn có tên Thăng Tiên Kiều 升仙橋 (Cầu Lên Tiên) nằm cạnh bờ hồ Thăng Tiên. Cầu nằm cách thành bắc khoảng mười dặm đường.  Khi còn hàn vi, lúc đi ngang qua cây cầu nầy để vào đất Trường An tìm chữ công danh, Tư Mã Tương Như đã viết lên đầu cầu câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất qúa nhữ hạ.不乘高车驷马,不过汝下". Có nghĩa: "Không cởi được xe bốn ngựa cao sang sẽ không chui qua dưới cầu nầy nữa" để tỏ rõ quyết tâm làm nên công danh sự nghiệp của mình. Qủa nhiên, ông đã trở thành Trung Lang Tướng 中郎将 của vua Hán, khi trở về Thành Đô, dân chúng rất lấy làm vinh dự mà đổ xô ra đón rước ông. Tư Mã Tương Như vinh quy với xe tứ mã ngang qua Thăng Tiên Kiều như lòng ông mơ ước, nên quan lệnh địa phương đổi tên cầu thành TỨ MÃ KIỀU 四馬橋 từ đó.

      Trong văn học Việt Nam ta, cụ Nguyễn Công Trứ trong bài hát nói "Nợ Tang Bồng" đã gọi Tứ Mã Kiều bằng CẦU XE NGỰA:
             Nợ sách đèn đem nghiên bút trả xong,
            CẦU XE NGỰA lúc đi về mới tỏ!

             Inline image Inline image 
         
      Phượng Cầu Hoàng là chuyện tốt giữa tình yêu trai gái, nhưng CẦU MỴ GIẾT CON là chuyện ác nhơn sát đức của những kẻ tiểu nhân hèn hạ xu nịnh, theo tích sau đây:

      Theo sách Xuân Thu Tả Truyện, Dịch Nha 易牙 còn gọi là Địch Nha 狄牙 là một sủng thần của Tề Hoàn Công, đồng thời cũng là một đầu bếp giỏi biết sáng chế ra các cách gia vị nấu nướng cho ngon. Có một lần, Tề Hoàn Công nói chơi với Dịch Nha rằng: "Các món ngon vật lạ của thế gian nầy, Qủa nhân đã nếm qua hết rồi, chỉ có thịt người là chưa được ăn qua mà thôi!"  Người nói vô tình, nhưng người nghe hữu ý. Dịch Nha định trổ tài nấu thịt người cho Tề Hoàn Công ăn, nhưng lại đắn đo, Tề Vương là bậc vương hầu không thể ăn thịt của các tử tù được, lại cũng không thể ăn thịt của hạng dân thường được. Suy đi tính lại bèn giết đứa con 4 tuổi của mình mà hầm thật ngon rồi dâng lên. Tề Hoàn Công thấy món ăn lạ mà rất ngon miệng, bèn hỏi là thịt gì, thì Dịch Nha mới cho biết là thịt của con mình. Tề Hoàn Công vừa thất kinh vừa cảm động, từ đó rất tin dùng tên đầu bếp Dịch Nha nầy mà hư việc lớn.

          Inline image
                Tên đầu bếp Dịch Nha nấu con cho Tề Hoàn Công ăn trong điện ảnh

      Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, khi cho ông Sãi luận về chữ Ghét có đề cập đến tích trên đây:
             ... Ghét hoài, ghét huỷ; ghét ngọt, ghét ngon.
                 Ghét đứa CẦU MỴ mà GIẾT CON, 
                 Ghét đứa tham sang mà hại vợ...

       Trở lại với chữ CẦU là Cây Cầu, ta có:
       CẦU CHIẾT LIỄU, Còn gọi là BÁ KIỀU CHIẾT LIỄU 灞橋折柳. Bá Kiều 灞橋 là Cầu bắt qua sông Bá. Chiết Liễu 折柳 là Bẻ nhành dương liễu để tặng người đi xa làm roi ngựa.Theo di tích sau đây:

       Thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi Tần Mục Công xưng Bá Tây Nhung, cho đổi tên sông Tư Thủy thành Bá Thủy và cho xây một cây cầu đá bắt qua sông, gọi là BÁ KIỀU. Đây là cây cầu mấu chốt cho giao thông giữa đông và tây của đất Trường An, nhất là qua các đời sau như Tùy, Đường, Tống, Nguyên... là nơi tiễn đưa nhau của người thời bấy giờ, đưa đến trường đình ở bên cầu, rồi bẻ một nhành liễu tặng người đi vừa để tỏ lòng quyển luyến, vừa để làm roi ngựa dọc đường.

       Nên CẦU CHIẾT LIỄU hay BÁ KIỀU CHIẾT LIỄU đều chỉ cảnh chia tay, ly biệt. Như trong tác phẩm thơ Nôm Lưu Nữ Tướng của ta:

             Tràng đình ngảnh lại xa xa,
       Khỏi CẦU CHIẾT LIỄU ai là cố nhân?!
    ... và :
            BÁ KIỀU CHIẾT LIỄU đến nay,
      Nhớ người cám nghĩa, sầu xây nên thành.

            Inline image  Inline image
                         Cầu Chiết Liễu ngày xưa và ngày nay
       
      Sau CẦU CHIẾT LIỄU, ta có CẦU LAM là LAM KIỀU 藍橋 với tích Bùi Hàng gặp Tiên. Mời xem lại bài "ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC 4 : CẦU LAM" với chàng Kim Trọng nhớ đến Thúy Kiều trong buổi đầu gặp gở:

               Tình riêng nhớ ít tưởng nhiều,
        Xăm xăm đè nẽo LAM KIỀU lần sang.
     hay như:
               Chày sương chưa nện CẦU LAM,
       Sợ lần khần qúa ra sờm sở chăng ?!...
   
      Còn cây cầu thần thoại nổi tiếng ở trên trời là CẦU Ô THƯỚC 烏鵲橋 (Ô Thước là Qụa Đen) bắt ngang qua sông Ngân Hà (còn gọi là Ngân Hán) để cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau hằng năm vào đêm mùng bảy tháng bảy Âm lịch mà chữ Nho gọi là Đêm Thất Tịch. Trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã nói là:

             Chữ đồng lấy đấy làm ghi,
      Mượn điều THẤT TỊCH mà thề bách niên, 

          Inline image 

         
        Inline image 
     
    Trong truyện Nôm Phạm Tải - Ngọc Hoa (Phạm Công - Cúc Hoa) gọi là CẦU Ô:

              Đưa thơ tính đã nhiều lần,
        CẦU Ô rắp bắt sông Ngân cùng nàng.

      Còn trong truyện thơ Nôm Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các) thì gọi là CẦU THƯỚC:

            CẦU THƯỚC phen này chung dịp bước,
            Tấc gang riêng giữ nghĩa chung tình.
     
      Chiếc cầu cuối cùng theo quan niện cổ xưa của Đạo Gia và dân gian là CẦU NẠI HÀ, là NẠI HÀ KIỀU 奈何橋. Chiếc cầu nầy không có liên quan gì đến Phật Giáo cả (Kinh Phạn có từ Narakade 那落迦 NA LẠC CA là Địa Ngục chớ không phải Nại Hà).

      Theo truyền thuyết dân gian Trung Hoa, khi người đã chết thì hồn phách đều phải đi qua cầu Nại Hà. Người hiền lành nhân đức thì sẽ có bồ tát độ cho qua cầu một cách dễ dàng; còn người dữ dằn hung ác thì sẽ bị trợt chân xuống dưới sông Nại hà và rơi vào Phong Đô Địa Ngục. Một truyền thuyết khác cho là khi chết thì hồn người chết sẽ đi về Huỳnh Tuyền Lộ, là đường đưa đến Suối Vàng; còn khi đi đầu thai thì phải đi ngang qua cầu Nại Hà, bên cầu có một bà lão, tục gọi là Mạnh Bà đang nấu một nồi canh. Ai qua cầu Nại Hà để đi đầu thai đều phải uống một chén canh của Mạnh Bà để quên hết đi những việc của kiếp trước, để bắt đầu cho kiếp sống mới sau nầy.

      Trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của cụ Nguyễn Du có đọan viết:

         ... Gặp phải lúc đi đường lỡ bước,
            CẦU NẠI HÀ kẻ trước người sau.
            Mỗi người một nghiệp khác nhau,
            Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?

       Inline image  Inline image
       
      Trong văn học cổ còn có những chiếc cầu rất hào hùng như hình ảnh của chàng chinh phu xuất chinh trong Chinh Phụ Ngâm Khúc với:
                    
          Giã nhà đeo bức chiến bào,
          Thét roi CẦU VỊ ào ào gió thu.

... và cũng có những chiếc cầu rất nên thơ đã đi vào lòng người, như cây cầu bắt ngang qua ngòi nước cũng trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn Thị Điểm diễn Nôm:
               
         Ngòi đầu CẦU nước trong như lọc,
         Đường bên CẦU cỏ mọc còn non.
                       
      Hay như cây cầu bên mộ Đạm Tiên, có tơ liễu phủ quanh  lúc chị em Thúy Kiều đi đạp thanh nhân tiết Thanh Minh:
           
            Dưới dòng nước chảy trong veo,
      Bên CẦU tơ liễu bóng chiều thướt tha !

    ... và khi hiện về để báo mộng cho Thúy Kiều biết cũng là người đồng hội đồng thuyền với mình, Đạm Tiên đã nhắc lại:

               Hàn gia ở mái tây thiên,
       Dưới dòng nước chảy bên trên có CẦU.

       Cuối cùng là cây cầu có vẻ cổ kính của văn học cổ là: Cây cầu trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều:

              CẦU THỆ THỦY ngồi trơ cổ độ,
              Quán thu phong đứng rũ tà huy...
                    
        Inline image Inline image

      THỆ THỦY 逝水 : là Nước chảy qua (rồi đi mất hút luôn). CỔ ĐỘ 古渡 : là Bến đò xưa. nên "Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ" là: Nước vẫn chảy qua cầu rồi mất hút bên cạnh bến đò xưa vẫn ngồi đó trơ gan cùng tuế nguyệt! Hai cảnh tương phản đứng cạnh nhau, nhưng lại cùng tồn tại với nhau suốt những tháng năm dài, như cuộc đời nàng cung nữ thanh xuân cứ mất dần đi theo năm tháng trong cung vàng vẫn hoa lệ như xưa; giống như là đời sống lưu vong của chúng ta hiện nay...
   ... cứ giương mắt nhìn thời gian mất đi, tuổi già xồng xộc ập đến trong khung cảnh tha hương dị quốc muôn đời cũng không giống được những gì nơi quê hương cố thổ; như quán gió thu hiu hắt đứng rũ buồn trong ánh nắng chiều nghiêng nghiêng khi hoàng hôn dần tắt... như:

            Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
      Quán thu phong đứng rũ tà huy...
    ... và:
            Phong trần đến cả sơn khê,
     Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
  
 Buồn thay! 

                                Đỗ Chiêu Đức 




Không có nhận xét nào: