Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Xuân Tứ của Lý Bạch (bài viết của Đỗ Chiêu Đức & bài dịch của Mai Xuân Thanh, Mai Thắng)

XUÂN TỨ  của  Lý Bạch

                 Inline image  

              XUÂN TỨ là tựa của một bài thơ xuân trong phần thơ Nhạc Phủ của Thi Tiên Lý Bạch. Bài thơ diễn tả nỗi lòng nhớ nhung tha thiết của một nàng cô phụ đang mỏi mắt chờ đợi bóng phu quân lãng tử lạc phách giang hồ nhớ ngày trở lại, và sự kiên trinh trong mỏi mòn chờ đợi của người cô phụ trông chồng. Lời thơ mộc mạc chất phác, ý tình chân thật tự nhiên như một khúc dân ca. 

        春思     李白          XUÂN TỨ    Lý Bạch
          Inline image
        燕草如碧絲,       Yên thảo như bích ty,
        秦桑低綠枝           Tần tang đê lục chi.
        當君懷歸日,       Đương quân hoài quy nhật,
        是妾斷腸時           Thị thiếp đoạn trường thì
        春風不相識,       Xuân phong bất tương thức,
        何事入羅幃?         Hà sự nhập la vi !?

DỊCH NGHĨA :
               Cỏ đất Yên đã xanh mơn mởn như tơ, dâu tầm ăn đất Tần cũng xanh om cả cành lá. (Mùa xuân đã đến rồi đó!) Cái ngày mà chàng nhớ đến để quay trở về quê cũ, cũng chính là lúc thiếp đã nhớ nhung chàng mà đứt từng đoạn ruột ra rồi! Gió xuân kia chẳng hề quen biết, sao lại phe phẩy thổi vào màn thiếp mà chi vậy!? (Bộ muốn trêu ngươi người cô phụ phòng không hay sao? Thiếp chặc lòng chặc dạ lắm chớ bộ!)

                 Inline image

DIỄN NÔM :
                           Cỏ Yên như tơ xanh biếc
                           Dâu tằm mơn mởn cành xanh
                           Khi chàng nhớ ngày trở lại
                           Thiếp đà ruột đứt từng canh
                           Gió xuân chẳng hề quen biết
                           Cớ sao hây hẩy trong mành !?
          Lục bát :
                           Cỏ Yên xanh biếc như tơ,
                           Dâu tằm mơn mởn lửng lờ cành xa
                           Ngày chàng mong trở lại nhà
                           Thiếp đà đứt ruột xót xa nhớ chàng
                           Gió xuân chẳng biết ngỡ ngàng
                           Sao còn mơn trớn vào màn thiếp chi ?!
              Inline image
                        Thư pháp của Đỗ Chiêu Đức

                                             Đỗ Chiêu Đức
                        
                            ******
1) 
Xuân Cảm Động
Cỏ Yên biêng biếc tựa như tơ
Dáng đứng Tần dâu thấp hững hờ
Xót dạ chàng mong hoài giấc mộng
Đau lòng thiếp đợi mãi cơn mơ
Gió xuân mới lạ, đâu quen biết
Sao động khuê phòng phe phẩy chờ ?

Mai Xuân Thanh
Ngày 28/01/2020

2) 
Xuân Yêu Thương

Cỏ Yên xanh ngát màu tơ
Tần dâu mơn mởn hững hờ thấp xa
Chàng ơi mau trở lại nhà
Thiếp chờ đứt ruột lệ sa mơ màng
Gió xuân lạ lẫm mơn man
Sao màn lay động lụa đang thẫn thờ

Mai Xuân Thanh
Ngày 28/01/2020

                        ******
Vì thể thơ ngũ ngôn chỉ có lục cú nên không phải là Đường thi, vì thế đệ dịch theo kiểu tự do 

TỨ XUÂN 

Cỏ Yên như tơ biêng biếc
Dâu Tần nhánh thấp xanh xanh
Lúc chàng muốn về da diết
Lòng thiếp ruột thắt từng khoanh
Gió xuân không hề quen biết
Sao cùng nhập lụa lay mành?
Mai Thắng 


Bổ sung dịch theo thể thơ tứ tuyệt và lục bát.
TỨ XUÂN:

+ Dịch ngũ ngôn
Cỏ Yên như tơ biếc
Dâu Tần nhánh thấp xanh
Chàng muốn về da diết
Thiếp ruột thắt từng khoanh
Gió xuân không quen biết
Sao nhập lụa lay mành?

+ Dịch lục bát
Cỏ Yên xanh biếc mành tơ
Dâu Tần lá thấp xanh lơ mảng vườn
Lòng chàng trăm nhớ ngàn thương
Thiếp khoanh khúc ruột từng cơn đoạn lìa
Gió xuân nào đã biết gì?
Nhập vào mành lụa… rồi đi lạnh lùng

Mai Thắng – 191006




Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Dịch Corona Vũ Hán - Mai Xuân Thanh

                                                                                   
Dịch Corona vũ Hán

Dịch từ Vũ Hán nhiễm qua đường
Hô hấp vi trùng khó trị thương...
Sinh ký láng giềng không cấm kỵ
Tử qui biên giới chẳng lo lường
Khắp nơi phòng chống không cho phép
Thế giới ngăn ngừa có chủ trương
"Mình đứng hạng nhì mầm mống bệnh
Anh em môi hở lạnh răng thường...!" (???)

Mai Xuân Thanh
Ngày 30/01/2020

(1) Dịch : Virus Vũ Hán là cực kỳ nghiêm trọng với 191.529 ca mắc bệnh và tăng cao không dừng lại




Mừng Xuân Canh Tý & Xuân Canh Tý Chúc Chung Thi Hữu (Mai Xuân Thanh)

Họa : 
   Mừng Xuân Canh Tý 
       (Bài Xướng bên dưới)

Xuân vui thơ thẩn chúc cùng nhau
Canh Tý năm nay thắm đượm màu
Bằng hữu phun châu thơ cũng lẹ
Cô thầy nhả ngọc  phú càng mau
Tình xưa mới đó thương ngày hội
Nghĩa cũ còn đây nhớ buổi đầu
Xướng họa lâu năm luôn tế nhị
Xuân vui thơ thẩn chúc cùng nhau...

Mai Xuân Thanh
Ngày 27/01/2020




 Xuân Canh Tý Chúc Chung Thi Hữu

Thân chúc nhà thơ sánh tướng quân
Khơi nguồn cảm hứng bậc thi nhân
Phun châu suối chảy ngời trăm ý
Nhả ngọc triều dâng sáng vạn vần
Theo gót đàn anh ta cất bước
Gởi lòng thi sĩ kẻ đưa chân
An cư viết lách dòng âm nhạc
Lạc nghiệp giao duyên tiếng sáo ngân...

Mai Xuân Thanh
Ngày 27/01/2020







Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chiến Tranh Chính Trị - Đỗ Chiêu Đức















 
             


                    Chiến Tranh Chính Trị    


                 Inline image           

        Trước 1975 của thế kỷ trước, tôi là Chuyên viên Điện ảnh
 của Sư Đoàn 3 Không quân Biên Hòa, Phòng Điện Ảnh của 
Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị, thuộc loại lính Thành
 phố. Trong Không Quân có lệ, gọi thượng cấp là Ông Thầy, 
nhất là các loại lính nghề, lính kỹ thuật như chúng tôi... Các 
Trung sĩ, Thượng sĩ, nhất là các Chuẩn úy già... đều là " Ông 
Thầy" cả! Đặc biệt, chỉ có anh Binh Nhất Đỗ Chiêu Đức, mặc 
dù là lính, nhưng vẫn được mọi người gọi bằng Ông Thầy! Tại 
sao?! Xin thưa: Có 3 lý do như sau: Thứ nhất, là vì mọi người 
đều biết anh ta là thầy giáo xuất thân, là thanh niên nhưng 
trông đạo mạo như một ông cụ non, tác phong nghiêm chỉnh, 
chửng chạc. Thứ hai, là mọi người đều biết anh ta rất giỏi chữ 
Nho và văn chương, có gì thắc mắc về mặt chữ Nho chữ Hán, 
cứ tìm anh ta là xong ngay. Thứ ba, là lý do quan trọng nhất, 
vì anh ta là... Chuyên viên Phòng Tối... Chuyên rửa, rọi và 
tráng phim ảnh. Hễ anh em nào, kể cả cấp chỉ huy, sĩ quan... nhà 
có đám ma, đám cưới... thì sau đó đều phải kiếm anh ta để... rửa 
dùm vài cuồn phim, nên câu mà anh ta thường nghe nói nhất là: 
"Ông Thầy... giúp rửa dùm vài cuồn phim nhen!"
     Lúc bấy giờ, lính Mỹ đã rút hết, giao toàn bộ cơ sở vật chất đã
 xây dựng lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiếp nhận, trong 
đó có Phòng Điện ảnh với đầy đủ thiết bị máy móc tráng, rọi và 
rửa phim ảnh, kể cả máy xấy hình và một lô giấy KODAK khổng 
lồ gần hết DATE, nên ông Trung Tá Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị cho sử dụng thoải mái, và vì anh ta là lính trẻ, độc thân,
 nên ở luôn tại phần sở Tham Mưu Phó của mình, vì thế mà ban 
đêm, thức tráng phim, rửa hình thoải mái, hễ cứ phim đưa ngày 
hôm nay thì sáng hôm sau đã có hình rồi! Mau hơn ngoài tiệm 
nhiều mà lại... khỏi tốn tiền nữa, nên kêu một tiếng "Ông Thầy" 
không ai tiếc cả! 
                          Inline image
        Sau Hiệp Định Ba Lê năm 1973, mọi người đều đinh ninh là...
Bình sắp đến, ai cũng mong chờ và hy vọng, nhưng sau những đợt 
trao trả tù binh... súng vẫn còn nổ lai rai hoài, thấy mà phát rầu, 
riêng Tham Mưu Phó CTCT của Sư Đoàn thì lại rộn rịp hẵn lên, 
cấp trên chỉ thị xuống là thời gian sắp tới đấu tranh Chính Trị là 
chính trong Hòa Hợp Hòa Giải dân tộc, rồi Tổng Tuyển Cử v.v...
 và v. v.... Nhưng, đợi mãi, vẫn không thấy gì, 1973 đi qua, rồi 1974
 cũng đi... tuốt, nên Tết đầu năm 1975, anh lính trẻ có làm 2 bài 
thơ Thất ngôn Tứ tuyệt để gởi đăng báo như sau:

         長望和平             TRƯỜNG VỌNG HÒA BÌNH 
     機場野草炎黃色     Cơ trường dã thảo viêm hoàng sắc
     
難使春風吹又生     Nan sử xuân phong xuy hựu sanh
     
不見梅花和燕子     Bất kiến mai hoa hòa yến tử
     年來未覺有何更!   Niên lai vị giác hữu hà canh !

     年來未覺又何新?   Niên lai vị giác hựu hà tân,?
     
烽火猶愁軍與民     Phong hỏa do sầu quân dữ dân
     
長望和平長不到     Trường vọng hòa bình trường bất đáo
     
不求春至又逢春!   Bất cầu xuân chí hựu phùng xuân !

Chú thích :
       * "Xuân phong xuy hựu sanh" là lấy ý ở 2 câu thơ của nhà

 thơ Bạch Cư Dị là "Dã hỏa thiêu bất tận, xuân phong xuy
 hựu sanh , 野火燒不盡,春風吹又生". Có nghĩa: Sức sống 
của cỏ ngay cả "Lửa dại đốt cũng không thể chết được, vì khi 
gió xuân thổi là tất cả cỏ dại sẽ xanh tốt trở lại ngay!" 
       * " Cơ trường": là Phi trường. Ta gọi Phi trường nghĩa là
 Sân bay, Sân để cho máy bay cất cánh bay đi. Còn người Hoa 
gọi là Cơ Trường, là Sân để cho máy bay đậu. Đây gọi là tập 
quán ngôn ngữ và là cái khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng 
Hoa. Một ví dụ nữa như: Ta gọi Người Xem là Khán Giả 看者, 
còn người Hoa gọi là Quan Chúng 觀眾...

        Inline image Inline image      
        Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính Tư lện Sư đoàn 3 Không quân Biên Hòa

Dịch nghĩa :

       Cỏ trong phi trường vàng úa như bị cháy xém, khó có thể 
nào gió xuân thổi mà có thể xanh tốt trở lại được. Cũng chẳng 
thấy có hoa mai nở và chim én bay lượn, mùa xuân đã đến rồi 
mà lại chẳng thấy có gì thay đổi cho có vẻ xuân cả!

       Chẳng có gì đổi mới cho có vẻ xuân thì xuân đến mà chi?
 Chiến tranh vẫn còn làm cho quân và dân lo rầu buồn bã. Dài 
cả cổ trông ngóng Hòa Bình, mà hòa bình nào có tới cho đâu, 
chẳng cầu mùa Xuân đến thì lại vẫn phải đón Xuân như 
thường!

Diễn nôm :

      Phi trường cỏ dại vàng như cháy,
      Gió xuân khó khiến lại xanh um.
     Cũng chẳng hoa mai, chim én lượn,
     Xuân sang chẳng thấy có gì Xuân.
               
     Chẳng có gì Xuân sao gọi Xuân?
     Chiến tranh sầu muộn cả quân dân
     
Trông ngóng hòa bình trông chẳng thấy
     Chẳng cầu Xuân đến lại mừng Xuân!

     Hai câu cuối của bài Tứ Tuyệt sau là nhại ý của hai câu thơ
 của nhà thơ Xuân Diệu thời Tiền Chiến:

       Tôi có chờ đâu có đợi đâu
      Mang chi Xuân đến gợi thêm sầu !

       Được phép của Ngài Trung Tá Tham Mưu Phó CTCT
 Phạm Kim Lân, anh ta viết luôn một đôi liễn Tết dán ở phía 
trước Văn Phòng chánh của TMP CTCT như sau:

   戰征 難阻春風至    CHIẾN TRANH nan trở xuân phong chí,
   
政治 猶期勝利來    CHÍNH TRỊ do kỳ thắng lợi lai.

Dịch nghĩa :

   Chiến tranh cũng khó mà cản trở được gió xuân thổi đến ,
   (chiến tranh thì chiến tranh, mùa xuân đến thì vẫn cứ đến).
  Chính trị thì còn đang kỳ vọng vào thắng lợi sắp đến!

        Câu đối trên còn hay ở chỗ dùng được 4 chữ CHIẾN 
TRANH CHÍNH TRỊ để mở đầu 2 câu đối và nêu được cái 
nhiệm vụ chính yếu của CTCT trong thời gian sắp tới!
        Rất tình cờ, thằng bạn Nguyễn Hoàng Hưng cũng là 
Chuyên Viên Điện Ảnh ở Sư Đoàn 4 Không Quân, phi trường 
Trà Nóc, Thành phố Cần Thơ, gọi điện xin đôi câu đối để dự 
thi cho Đặc San hay Giai Phẩm Xuân gì đó của TMP CTCT 
Sư Đoàn 4 KQ, tôi bèn gởi ngay 2 câu đối trên cho anh ta với 
đầy đủ giải thích, rồi quên luôn... Hai ba tuần sau, Hưng vui 
mừng gọi điện cho tôi báo tin là đã trúng Giải Nhất và được 
đăng trên Giai Phẩm Xuân của đơn vị. Rất tiếc là tình hình 
thời sự... lu bu của lúc ấy, nên tôi cũng không có nhận được
 báo do Hưng gởi tặng... 

                               Đỗ Chiêu Đức






Ôm Giữ Cái Ghế - Mai Xuân Thanh

                                                                     


Ôm Giữ Cái Ghế
( Sống Chết Mặc Bây)
Nét mặt nhăn nheo cứ tưởng già
Soi gương chải tóc mới là ta
Quê hương trai trẻ đời xô ngã ?...
Hải ngoại cao niên lệ nhỏ sa
Thế nước tranh giành ai chiến đấu ?...
Quân thù đoạt lợi kẻ xin hòa...
Binh hèn xếp vó, cao lương ngủ
Sĩ khí bó tay khổ mẹ cha !...

Mai Xuân Thanh
Ngày 20/01/2020

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Thành ngữ điển tích 50: Hoa (Đỗ Chiêu Đức)

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 50 : 
                                                   HOA

                                     Inline image
                                        HOA XUÂN nọ còn phong nộn nhị,
                                                            Nguyệt thu kia chưa hé hàn quang,
                
           Đó là hai câu thơ tả nàng cung nữ tài sắc vẹn toàn trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi còn son gía. Nàng như đóa hoa xuân còn đang phong kín nhụy non (NỘN 嫩 : là Non nớt). Người con gái ngày xưa được ví như là HOA, vì còn trẻ nên ví như là HOA XUÂN. Chẳng những là Hoa Xuân mà còn là HOA THƠM nữa! Ta hãy đọc tiếp những lời cám ơn nhưng lại tỏ ra rất đắc ý của nàng cung nữ:
                     HOA THƠM muôn đội ơn trên,
             Cam công một tiếng thuyền quyên với đời.
  
           Nói chung theo quan niệm cổ xưa, tạo hóa tạo ra người đẹp như tạo ra một đóa hoa vậy. Ta hãy đọc lại đoạn tả nàng cung nữ dưới đây sẽ rõ:

                  Trộm nhớ thuở gây hình tạo hoá,
                  Vẽ phù dung một đoá khoe tươi,
                        NỤ HOA chưa mỉm miệng cười,
             Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung.

               Inline image   

          Nụ cười mỉm của người đẹp như nụ hoa chớm nở. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du cũng đã tả người đẹp Thúy Vân là:

                     HOA CƯỜI ngọc thốt đoan trang,
             Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

          Mặt của người đẹp là "Vẽ phù dung một đoá khoe tươi,", là "Áng đào kiểng đâm bông não chúng" và  nhất là khi người đẹp buồn khóc  thì như Bạch Cư Dị đã tả Dương Qúy Phi trong Trường Hận Ca là:

          玉容寂寞淚闌干,   Ngọc dung tịch mịch lệ lan can,
          梨花一枝春帶雨。   Lê hoa nhất chi xuân đới vũ.

Có nghĩa :
                  Mặt ngọc u buồn lệ ngổn ngang,
                  Như đóa hoa lê mưa còn đọng.

          Cụ Nguyễn Du nhà ta đã mượn ý nầy để tả Thúy Kiều khóc khi vừa tỉnh mộng đoạn trường với Đạm Tiên. Vương bà nghe tiếng khóc nỉ non đã hỏi rằng:

                   Cớ sao trằn trọc canh khuya,
            Màu HOA LÊ hãy ĐẦM ĐÌA GIỌT MƯA

        Inline image

          Mặt của người đẹp khóc mà ví như "Đóa hoa lê hãy còn đầm đìa giọt mưa" thì quả thật qúa tuyệt vời không chê vào đâu được. Còn người đẹp buồn thì gọi là "Ủ dột nét HOA" như khi Kiều viếng mộ Đạm Tiên:

                     Kiều càng ủ dột NÉT HOA,
            Sầu tuôn dứt mối châu sa vắn dài!

        Người đẹp đi tắm cho sạch sẽ thơm tho thì gọi là TẮM HOA, như những câu chuyển tiếp thật hay  đưa đến cảnh Thúy Kiều đi tắm như sau:
                      
                     Dưới trăng quyên đã gọi hè,
             Đầu cành lửa lựu lặp lòe đâm bông.
                     Buồng khuya phải buổi thong dong,
             Thang lan rủ bức trướng hồng TẮM HOA.

       Cụ Nguyễn Du đã đi trước thời đại của mình khi "dám" cho Thúy Kiều Tắm mà còn hạ thêm hai câu tả chân thật hay là:

                  Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
           Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên!

           Inline image
          
         Ngoài việc chỉ người đẹp ra, HOA còn chỉ HOA CHÚC. CHÚC 燭 là cây đuốc, nên HOA CHÚC 花燭 là ĐUỐC HOA. Theo quyển từ điển Từ Hải, thì từ đời Lục Triều ở Trung Hoa có tục đốt đuốc hoa trong ngày lễ Nghinh thân 迎親 (Rước Dâu), nên đêm Tân hôn còn gọi là đêm Hoa Chúc, như trong truyện Nôm Lưu Nữ Tướng:
                   Bao giờ thước báo tin xuân,
            Bấy giờ HOA CHÚC nghinh thân cũng vừa.  

         Còn trong Truyện Kiều, khi rước Thúy Kiều về đến trú phường, thì Mã Giám Sinh đã nghĩ: "Vả đây đường xá xa xôi, mà ta bất động nữa người sinh nghi " nên sau khi đã thất thân cùng Mã Giám Sinh rồi thì cụ Nguyễn Du đã viết về Thúy Kiều như sau:

                      Đêm xuân một giấc mơ màng,
               ĐUỐC HOA để đó, mặc nàng nằm trơ.
                      Giọt riêng tầm tả tuôn mưa,
               Phần căm nỗi khách, phần nhơ nỗi mình.
                                 
                Inline image
         
         Sau Đuốc Hoa ta lại có HOA ĐÀM ĐUỐC TUỆ:

         HOA ĐÀM là ĐÀM HOA 曇花, nếu gọi cho đủ tên là Ưu Đàm Bát La Hoa 優曇缽羅花, được dịch từ tiếng Phạn trong kinh Phật Udumbara, là một loại hoa vô ưu, linh ứng và mang đến điềm lành. Theo thần thoại Phật giáo thì loại hoa nầy sinh trưởng ở trên Hy Mã Lạp Sơn. Ba ngàn năm mới nở hoa và sau khi nở hoa sẽ rất chóng úa tàn, và mỗi lần hoa nở là sẽ có một vị Phật xuất thế. Còn...
         ĐUỐC TUỆ là Đuốc của Trí tuệ, được gọi là TRÍ CHÚC 智燭. Theo như câu nói của Lý Qũy, người ở cuối đời Tùy là: Trí như đăng chúc, khả dĩ chiếu sát 智如燈燭,可以照察, Có nghĩa: Trí tuệ rực sáng như đèn đuốc có thể soi sáng để quan sát hết mọi sự vật, nên ...
         HOA ĐÀM ĐUỐC TUỆ thường dùng để chỉ cái phép thiêng vô ưu và cái trí tuệ của nhà Phật, là nhóm từ chỉ về đạo Phật, như trong Cung Oán Ngâm Khúc:

                    Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
            Mượn HOA ĐÀM ĐUỐC TUỆ làm duyên.

         Nói đến HOA trong Văn học Cổ, thì không thể thiếu HOA TƯ, tức HOA TƯ QUỐC 華胥國, là  nước của họ Hoa Tư, tương truyền nơi đó đời sống rất thanh bình, không có vua, nên không cần phải có tôn ti trật tự, không tranh danh đoạt lợi, không bệnh tật ốm đau. Mỗi người dân đều sống yên lành hạnh phúc. Theo sách Liệt Tử, Hoàng Đế đêm nằm ngủ mơ thấy đến nước Hoa Tư. Sau thường dùng tích này để chỉ cảnh thái bình thịnh trị, hoặc chỉ cảnh mộng ảo, như trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải đời Mạc:

                   Hóa nhi khéo quấy người sao,
             Đã sang Hòe Quốc lại vào HOA TƯ

                Inline image
                   Hoàng Đế mơ vào nước Hoa Tư

         Theo sách Trang Tử- thiên Thiên Địa:《莊子外篇·天地篇:「堯觀乎華。華封人曰:嘻,聖人!請祝聖人壽… 聖人富…聖人多男子。Vua Nghiêu tuần du đất Hoa. Người được phong trông coi đất Hoa nói: "Ô, Thánh nhân, chúc cho thánh nhân được giàu có, sống thọ và có nhiều con trai". Nhất nhất vua Nghiêu đều từ chối. Hỏi tại sao? Thì trả lời rằng: "Con trai nhiều, nhân lực đông sẽ làm cho người ta khiếp sợ; Giàu có tài sản nhiều sẽ dễ sinh ra họa hoạn; Sống dai qúa chỉ tổ chịu nhiều nhục nhã mà thôi. Ba thứ đó đều không phải là thứ dùng để tu dưỡng đức hạnh của con người". Nhưng người đời thì lại thích được chúc như thế, nên HOA PHONG TAM CHÚC 華封三祝 là ba thứ chúc tụng của người đất Hoa, sau dùng rộng ra để chỉ những lời chúc lành mà thôi. Cũng trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải đời Mạc cũng có câu:
                      
               Đã kính dâng HOA PHONG TAM CHÚC,
               Lại Đăng ngâm một khúc chung tư. 

          Cuối cùng ta trở về với HOA ĐÀO GIÓ ĐÔNG với bài thơ tứ tuyệt bất hủ Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處 (còn có tên là Đề Đô Thành Nam Trang 題都城南莊)  của Thôi Hộ theo tích sau đây:

          Inline image

         THÔI HỘ (772-846), tự là Ân Công, người đất Bác Lăng đời Đường (thuộc Định Châu tỉnh Hà Bắc hiện nay). Một năm vào tiết Thanh Minh, khi mà "cỏ non xanh rợn chân trời", chàng thư sinh lạc đệ Thôi Hộ cũng đạp thanh ngắm cảnh. Mãi tìm nguồn thơ với cảnh đẹp của mùa xuân, chàng lạc bước vào một thôn trang phía nam của Trường An với non xanh nước biếc, kịp đến khi quay gót trở về, thì mới thấy cổ khô khát nước. Nhìn xa xa phía trước mặt trong một rừng đào rực rỡ thấp thoáng có bóng một mái nhà. Thôi Hộ bèn đến gõ cửa xin chén nước uống.         
        Ra mở cửa là một cô gái trẻ đẹp. Thấy là một chàng trai lạ, bèn quay mặt đi vào. Thôi Hộ vội vàng thi lễ và tỏ ý muốn xin một chén nước để giải khát. Một lát sau, cô gái e thẹn bưng ra cho chàng một tách trà thơm, hương bay ngào ngạt. Choáng váng trước vẻ thẹn thùng kiều diễm, mặt ửng hồng như đóa hoa đào của nàng, chàng ngơ ngẩn thần hồn, nhấp chén trà mà như nhấp chén quỳnh tương. Còn nàng thì cũng e thẹn liếc nhìn chàng, hai bên " tình trong như đã mặt ngoài còn e". Sau khi cám ơn và cáo từ ra về, Thôi Hộ nghĩ thầm rằng, nếu sau này đại đăng khoa xong, tiểu đăng khoa mà được một nương tử  như thế nầy thì cũng mãn nguyện lắm rồi. Tuổi trẻ chóng quên, lại phải chăm lo đèn sách, cho nên mãi đến ...
        Mùa xuân năm sau, khi lại đi ra ngoại thành đạp thanh, Thôi Hộ mới nhớ đến giai nhân của vườn đào năm ngoái mà cố ý ghé thăm để gặp lại người đẹp với chén trà thơm ngát của năm qua. Nhưng ...
        Khi đến nơi thì cửa đóng then cài, cảnh cũ còn đây, hoa đào còn đó, mà người xưa thì đà vắng bóng. Xúc cảnh sinh tình, chàng bèn đề một bài thơ lên cửa như sau :

           去年今日此門中,  Khứ niên kim nhật thử môn trung,
           人面桃花相映红。  Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
           人面不知何處去,  Nhân diện bất tri hà xứ khứ ?
           桃花依舊笑東風。  Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Có nghĩa :
                 Năm ngoái hôm nay cũng cửa này,
                 Mặt người hoa đẹp má hây hây,
                 Mặt người nay biết về đâu nhỉ ?
                 Như trước hoa đào vẫn nở đây !

                  Inline image

        Chàng ngẩn ngơ giây lát, rồi thơ thẩn ra về mà lòng nghe như hụt hẫng trống vắng, nuối tiếc một cái gì đó như bị mất đi; cho nên, mấy hôm sau, chàng lại lần mò đến vườn đào năm trước. Nhưng, sao lạ thay, có tiếng ai đó đang thổn thức bi thương. Bước đến gõ cửa. Một ông lão đầu râu tóc bạc đầy vẻ bi thương ra mở cửa. Trông thấy chàng bèn hỏi: "Anh có phải là Thôi Hộ không? " Thôi Hộ giật mình hỏi lại: "Sao cụ lại biết?" Ông lão bèn kể: "Con gái của lão là Giáng Nương từ Tiết Thanh Minh năm ngoái tới nay, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như mất hồn, mỗi ngày cứ ngóng ngóng mong mong như chờ đợi ai đó. Mấy hôm trước đây, lão muốn cho nó khuây khỏa mới dắt nó về ngoại gia mấy hôm. Khi trở về, nó thấy bài thơ đề trên cửa bèn khóc òa, biết là sẽ khó còn có cơ hội để gặp lại anh, nên buồn bã bỏ ăn mấy hôm nay, và mới đây đã trút hơi thở cuối cùng, Anh đã hại chết con gái lão rồi!"
       Thôi Hộ nghe xong, vô cùng thương cảm và xúc động. Chàng xin phép ông lão để được nhìn Giáng Nương lần cuối. Khi vào bên trong phòng, thấy Giáng Hương như đang nằm ngủ, Thôi Hộ kêu to lên rằng: "Nàng ơi, Thôi Hộ đã tới đây, ta đã đến với nàng đây rồi!" Nước mắt của chàng rơi trên mặt nàng, thì lạ thay, nàng khẻ rên lên một tiếng, rồi từ từ mở mắt ra, nhết mép mỉm cười. Nàng đã hồi sinh trong tình yêu kỳ diệu!
       Sau đám cưới, vợ chồng tình đầu ý hợp. Trong thâm tâm Thôi Hộ rất thỏa mãn với cô vợ vừa hiền thục vừa đẹp đẽ. Giáng Nương lại hết lòng săn sóc giúp đỡ và khuyến khích chồng sôi kinh nấu sử, nên Thôi Hộ đã đậu Tiến Sĩ vào năm Trinh Nguyên thứ 12 đời vua Đường Đức Tông và hoạn lộ hanh thông, làm quan đến chức Lãnh Nam Tiết Độ Sứ, để lại một giai thoại đẹp trong làng thi ca lúc bấy giờ. 

       Trong Truyện Kiều, sau khi hộ tang chú ở Liêu Dương, Kim Trọng trở lại vườn thúy tìm Kiều, thì "Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa " chỉ thấy:

                   Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
              Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời.
                  Trước sau nào thấy mặt người,
              HOA ĐÀO Năm Ngoái còn cười GIÓ ĐÔNG.

       Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Lê Dinh và Nguyễn Hiền đã phổ nhạc chuyện tình đầy thi vị của Thôi Hộ thành bản nhạc "Hoa Đào Năm Trước" đã thịnh hành một thời và mãi cho đến hiện nay, ở hải ngoại nầy, các ca sĩ vẫn còn hát bài hát trữ tình và nên thơ nầy. Mời bấm vào link dưới đây để nghe giọng hát truyền cảm của Mai Thiên Vân với HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC.

               Inline image

          Hoa Đào Năm Trước - Mai Thiên Vân - NhacCuaTui

                     
         Hẹn bài viết tới !
                                                                                                                                                        Đỗ Chiêu Đức