Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Chữ Nghĩa Lang Văn VIII - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn 


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


* Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.


Công cô: cha mẹ chồng 
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mõ 
Mộng
Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tình cơn mộng.

* Chữ Và Nghĩa  
Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, giới biên soạn sách giáo khoa e dè vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp  đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ. 

Do lầm tưởng rắn mai cũng như rắn hổ trong câu Rắn mai tại lỗ; rắn hổ về nhà là “chủ ngữ”, (CN) còn tại lỗ cũng như về nhà là “vị ngữ” [VN] của câu và mối quan hệ về nghĩa giữa CN với VN là mối quan hệ giữa “Người hành động” với “Hành động”, cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam  đã diễn giải câu trên thành: “(Mai là mai gầm, hổ là hổ mang). Nhận xét cho rằng rắn mai gầm thường ở trong hang; còn rắn hổ mang thì thường ra ngoài". 

Tiếc thay, lời diễn giải ấy lại chẳng ăn nhập chút nào với vốn kinh nghiệm sống còn mà dân bắt rắn chuyên nghiệp đã tích luỹ được: Hễ bị rắn mai gầm cắn thì nạn nhân có thể chết ngay tại lỗ ; hễ bị rắn hổ mang cắn thì nạn nhân có thể về tới nhà mới tắt thở.” 
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

* Câu Đối Lơ Mơ Lỗ Mỗ

      Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu
      Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò


Đôi đũa
Chiếc đũa tre vật dùng hàng ngày trong mâm cơm của người Việt, nó gắn bó cuộc sống con người từ lúc sống cho đến lúc xuôi tay. Có thể nói đôi đũa để và cơm và gắp thức ăn có phong vị văn hoá Việt và còn tạo ra cả những ứng xử mang tính nhân văn.


Như người Bắc thường dùng đôi đũa cả thay cho nêm, hoặc thìa để xới cơm. Xới cơm, không được xới cao hơn mặt bát, vì như thế sẽ bị ngầm chê trách là ăn tham. Xới cơm, không được để cơm vương vãi khắp nơi, vì như thế là mất thẩm mỹ, phí phạm. 


Tóm lại, chỉ mỗi việc dùng đôi đũa cả để xới cơm, cũng đã lộ ra rất nhiều nhiêu khê.


Khi ăn cơm, người Bắc thường có thói quen so đũa đều, rồi chia từng đôi đũa cho người khác. Nếu ai vô tình nhận được đôi đũa lệch thường có cảm nghĩ như mình bị người khác xem thường. Một số người thường trở đũa để gắp thức ăn, đầu đũa để và cơm, và có thói quen dùng đôi đũa đập đập vào bát ngầm báo hiệu chủ nhà muốn gì đó. Hoặc giả có thói quen khi ăn xong thường chập hai cây đũa lại làm một, và quẹt ngang miệng một kiểu lau mồm.
(Văn hóa đũa trong mâm cơm người Việt - Nguyễn Thanh Hải)

* Góp Nhặt Sỏi Đá
Từ  triết lý của Phật giáo Thiền tông: Khi chưa học Thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học Thiền ta thấy núi không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ Thiền, ta lại nhìn ra giản dị: Núi là Núi, Sông là Sông.


*Từ Điển và Từ Ngữ Việt Nam
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


Chính sử (chính: đúng đắn; sử: lịch sử) Bộ sử do chính quyền phong kiến chủ trương biên soạn, khác với dã sử do tư nhân biên chép

Chính ở đây là chính thức, chính thống chứ không phải «đúng đắn». Nếu giảng như tác giả thì vô hình trung đã xem dã sử là không đúng đắn.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Trong tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh nếu có người hỏi nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó tay, chẳng hạn trong một bài ca dao:
Nước không chưn sao kêu nước đứng?
Cá không giò sao gọi cá leo?
Ghe không tay sao kêu ghe vạch?
Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?... 
(Lê Trung Hoa - Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ)


* Những Bậc Thầy Trong Văn Xuôi Của Tôi 
Nhà văn Xuân Vũ tên thật là Bùi Quang Triết, tham gia kháng chiến ở miền Nam và tập kết ra Bắc năm 1954, đã hồi chánh năm 1968 khi được CS Bắc việt đưa trở lại miền Nam trong chiến dịch Tổng Công Kích Tết Mậu Thân. 
Với những kinh nghiệm bản thân của một nhà văn trong hàng ngũ cộng sản hơn 20 năm, nhất là hơn 10 năm sống ở miền Bắc, Xuân Vũ biết rất rõ sinh hoạt văn học ở miền Bắc. Sau khi hồi chánh, Xuân Vũ nổi tiếng ở miền Nam với tác phẩm “Xương Trắng Trường Sơn” và “Đường Đi Không Đến”, viết về những sự thật trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. 
Khi miền Nam VN sụp đổ, Xuân Vũ đã kịp di tản ra khỏi VN cùng gia đình và định cư tại San Antonio, Texas, Hoa Kỳ và tiếp tục viết cho đến ngày qua đời, 1/1/2004. 


Hồi 9-10 tuổi tôi đã đọc Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh, Khái Hưng… Nay ra Hà Nội bắt gặp các vị ấy. Mà thật, khi ra Hà Nội tôi gặp hầu như tất cả những văn nhân mà tôi từng biết trên sách báo, hoặc nghe danh tiếng.
Xin kể cho đầy đủ: Văn Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Ngọc Giao, Hồ Dzếnh, Vũ Đình Liên, Trương Tửu, Bùi Huy Phồn, Chu Thiên, Mộng Sơn, Vân Đài, Anh Thơ, Xuân Diệu, Thế Lữ , Tú Mỡ, Chế Lan Viên, Huyền Kiêu, Trọng Hứa, Tố Hữu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Hùynh Văn Gấm, Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Bính, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Văn Thương, Ái Liên , Phan Tại, Trúc Quỳnh, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Tử Phác, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư, Đào Mộng Long, Hoàng Ngọc Phách, Phan Khôi ….


Điều làm tôi vui sướng nhất là phần đông đã đi kháng chiến trên Việt Bắc, nay trở về Hà Nội, cũng như chúng tôi kháng chiến ở Nam Bộ, nay ra Hà Nội vậy.
Chỉ có một số ít nhà văn tôi đã được đọc mà không được gặp mặt. Đó là Khái Hưng, Nhất Linh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Phạm Duy. .
(Xuân Vũ)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ

- Mộng
Giã từ cõi mọng điêu linh
Ta về buôn bán với mình phôi pha


- Bên Hè Phố Sách 
Từ đền sách cấm Parthenon ở Đức, Buenos Airs tới chiến dịch cộng sản đốt sách miền Nam 1975
Một ngôi đền Parthenon sách cấm cho Văn học miền Nam
Theo thói quen, trước khi viết về một đề tài phát xuất từ một bản tin, tôi lục tìm xem đã có báo Việt ngữ nào ở hải ngoại đăng tải tin về Đền sách cấm ở Kassel để còn liệu chiều hướng cho bài viết cho mình. Nhưng tôi không tìm thấy một tờ báo Việt ngữ hay trang điện tử nào ở hải ngoại đi tin này, trừ một bản tin liên hệ ngắn trên vtimes.com.au ở Melbourne.

Thế nhưng lại có khá nhiều trang web của báo chí trong nước đã đăng tải tin về Đền sách cấm ở Kassel. Tất nhiên đó là những bản tin sơ sài, với những cái tít đại khái: “Ngỡ ngàng đền Parthenon xây bằng sách cấm to bằng nguyên bản,” trên vov.vn; “Chiêm ngưỡng kiến trúc hoành tráng của đền sách Parthenon,” trên baomoi.com; “Bản sao” đền Parthenon độc đáo làm từ 100,000 cuốn sách,” trên vtv.vn; “Nghệ sĩ Argentina dựng đền Parthenon hoành tráng bằng 100,000 cuốn sách ‘cấm,” trên trithucvn.net.

Đặc biệt là bản tin đăng trên trang báo điện tử trithucvn.net có cái link tới một bài khiến tôi không khỏi tò mò, ký tên Hiểu Huy, có tựa là “Nhìn lại lịch sử đốt sách trên thế giới”, điểm qua các vụ đốt sách trong lịch sử nhân loại, với các chi tiết thống kê hẳn hoi, từ thời Tần Thủy Hoàng bên Tầu, tới thời Đức Quốc Xã, Liên Sô, Trung Cộng qua cuộc Cách Mạng Văn Hoá. 
Tuyệt nhiên, trong bài “Nhìn lại lịch sử đốt sách trên thế giới” dài trên 2,000 chữ có tính cách biên khảo này, cũng không một chữ nhắc tới vụ đốt sách hàng trăm ngàn cuốn sách của miền Nam tự do, sau ngày 30 tháng Tư, 1975.

Tác giả các bản tin và bài báo trên cố ý loại bỏ dữ kiện lịch sử này vì có viết ra cũng bị kiểm duyệt, có khi còn bị lôi thôi cho mình? Hay tưởng mình nằm mơ vì chuyện quá siêu thực, không tưởng tượng được vào lúc loài người đã văn minh và tiến bộ vượt bực như thời cuối thế kỷ rồi? Hay trong sự im lặng hàng loạt ấy cũng đồng thời là lời thầm nhắn gửi tới người Việt hải ngoại về cái điều họ không thể nói, xin chúng ta nói giùm họ? 
(Trùng Dương)

- Phún 
Phún: mới mọc, mới đầm ra
(cỏ mọc lún phún, mưa lún phún)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ

- Mộng 
Có gì mà lấy làm vui
Chỉ là một giấc mộng vùi trăm năm

- Thần hoàng 
Theo nhà học giả Nguyễn Văn Tố, thì khởi đầu đình chỉ là cơ ngơi để dân làng hội họp, là nơi dành để treo những sắc lịnh và huấn dụ của nhà vua... 

Để thờ phụng thần hoàng, nhiều làng lập miếu thờ. Rồi theo lệ ngày sóc (mùng 1) và ngày vọng (ngày rằm) dân làng đến miếu để làm lễ vấn (theo nghĩa kính viếng). Miếu này còn gọi là "nghè", nơi gìn giữ sắc thần. Ngày tế lễ, dân làng rước sắc thần từ miếu đến đình để cử hành việc tế lễ, sau đó đưa trở về miếu. 

Để đơn giản hóa, sau nhiều làng chỉ xây một cái đình lớn, phía ngoài làm nơi hội họp (đình), phía trong là miếu...
(Thần Thành hoàng - Bùi Thụy Đào Nguyên)

*Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ

Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

- Trai gái: trai và gái

- Giai thoại cây phướn trong chùa 
Xưa có hai cụ bà đi quyên góp đân làng thập phương về để sửa chùa thờ Phật. Một hôm vào nhà bà cụ ở xóm xa mong được gia đình phát tâm công đức. Bà cụ chủ nhà tiến cung xong khuyên hai bà đi nơi khác vì gia đình có đứa con trai bất trị hễ ai đến nhà không vừa ý là nó giết ngay. Mưa sâm tối trời hai bà cụ cứ nằng nặc xin ở lại, biết không sao đươc bà chủ dấu hai người vào trong buồng. Đêm về người con trai ngửi thấy có hơi người lạ, tra khảo mẹ, buộc hai bà cụ phải ra trình diện. Hai bà cụ kể sự tình công việc xin dân tiến cúng sửa chùa ai có sao nên vậy, một đồng cũng quý, một nén cũng thơm, cốt là ở tấm lòng. Nghe câu cốt là ở tấm lòng, anh con trai lấy dao rạch ngay bụng mình lôi ra một thúng ruột để tiến cúng, bắt hai bà đội về chùa.


Hai bà đội thúng ruột đi đường đàn quạ đánh hơi giành nhau sà xuống công lên ngọn cây đa. Ruột người tiến cúng vắt vẻo dài thườn thượt như cây phướn ở chùa mà người ta cho làm để ghi nhớ tấm lòng của người cúng Phật. 
Đó là sự tích cây phướn trong chùa.
(Đông Ngọc Hoa – Vài sự tích xưa)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ

Đường trần ta lại rong chơi
Vui thêm bước nữa buồn thôi trở về

(Hư Trúc)


* 114 Chữ Nghĩa Làng Văn Xóm Chữ
Bạn đọc cả nước - nhất là những ai quan tâm đến lịch sử và tiểu thuyết lịch sử - hẳn đã biết Nguyễn Mộng Giác là tác giả bộ tiểu thuyết trường thiên “Sông Côn Mùa Lũ”  4 tập, 2000 trang viết về thời Tây Sơn-Nguyễn Huệ . Khi “Sông Côn Mùa Lũ” ra đời, tôi chưa hề quen biết ông, cũng không phải nhà phê bình chuyên nghiệp, nhưng đang cư trú trên vùng đất còn in dấu nhiều di tích thời Tây Sơn, tôi đã đánh bạo viết bài phê bình. Đang mong có dịp gửi ông bài viết, càng mong được gặp ông để “tranh cãi” thì vào những ngày Huế đang rộn ràng chuẩn bị cho Festival, tôi nghe ông gọi điện ở “thôn Vĩ”. Thì ra ông vừa về thăm Huế và đã đọc bài phê bình của tôi. Với nụ cười chúm chím rất dễ gần, ông bắt tay tôi và chúng tôi “vào chuyện” ngay, không chút khách sáo.


Nguyễn Khắc Phê: Phê bình sách của anh mà chưa có dịp hỏi anh “Sông Côn Mùa Lũ”  đã được sáng tác như thế nào?
Nguyễn Mộng Giác: Hồi tôi viết cuốn sách ấy đời sống còn cơ cực lắm. Sáng, 6 giờ dậy đạp xe đi làm công trong tổ hợp mì sợi Dân Sinh ở Phú Lâm, mang theo một “ăng-gô” gạo kèm ít “chao”, bắc sẵn bên lò mì, 12 giờ trưa nghỉ ăn xong là cắm cúi ngồi viết đến đầu giờ làm chiều. Trên đường về lại Thị Nghè, chở mì đi bán. Tối về đến nhà, 9 giờ lại ngồi vào bàn cho đến 12 giờ khuya. Suốt mấy năm như thế, bắt đầu viết từ 1978 đến 1981 thì xong. Tôi có thói quen là làm đề cương rất kỹ lưỡng, còn khi viết, bản thảo ít sửa chữa. Cũng phải nói là may có niềm say mê văn chương và quyết tâm viết bộ SCML như là một món nợ phải trả cho quê hương, tôi mới sống qua được những tháng ngày gian lao đó...


Nguyễn Khắc Phê: Thế vì sao anh lại phải ra đi?

Nguyễn Mộng Giác: Để tôi kể nốt... Viết xong, tôi đến gặp anh Hà Mậu Nhai, Giám đốc Nhà Xuất Bản Văn nghệ T.P. Sài Gòn, trình bày công việc của mình. Anh Hà Mậu Nhai rất hoan nghênh, nhưng khi thấy chồng bản thảo dày hơn cả gang tay, tính phải dùng một số lượng giấy quá lớn giữa lúc đất nước còn nhiều thiếu thốn, anh bảo tôi tạm cất giữ, chờ một thời gian sau...


Vậy nên bản thảo chưa đánh máy được, tôi không dám mang theo. Mấy năm sau, có điều kiện bảo lãnh nhà tôi sang, nhà tôi mới đem bản thảo “Sông Côn Mùa Lũ” qua.
(Nguyễn Khắc Phê trò chuyện với Nguyễn Mộng Giác)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ

Đi trong cõi mộng ta đừng mộng
Đứng giữa đất trời chẳng ngóng trông
Ngồi đây soi bóng mình qua lại
Nằm ngủ mơ màng nhớ tánh không
(Hư Trúc)


* Tú Mỡ
Nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976), tên thật là Hồ Trọng Hiếu, là một trong những nhà thơ trào phúng nổi tiếng của văn đàn. 
Các tác phẩm thơ của ông được giới chuyên môn đưa ra những nhận định về tài năng của ông: "..với gần nửa thế kỉ cầm bút bền bỉ, ông đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của thơ ca, đặc biệt về mặt thơ trào phúng, thời nào ông cũng là bậc thầy".
 Qua đó ta đã thấy được phần nào tài năng, sự tâm huyết đối với sự nghiệp thơ văn của ông..
Phong cách thơ của nhà thơ Tú Mỡ đa phần viết về hiện thực cuộc sống, xã hội; phê phán, lên án cái xấu, cái tồi tàn, dơ bẩn qua cặp mắt tinh tế, và giọng điệu giễu cợt, hóm hỉnh. Chính vì thế nên thơ ông rất được ưa chuộng và khá gần gũi với bạn đọc.
Làm nghề thầy ký với thầy thông 
Sống ở trên đời có bốn mong: 
Mong tháng chóng qua, tiền chóng lĩnh 
Mong giờ mau hết, việc mau xong
                                                   (Bốn cái mong của thầy Phán)
(Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh/Hoài Chân)


* Tiếng Việt tiếng Pháp
Hiện tại, trong vốn từ của Việt Nam, ngoài là từ gốc Hán còn khoảng 200 từ là từ của gốc Pháp. Các từ này còn đang sử dụng đâu đó, nhiều khi miệng nói, tay viết ra nhưng không biết câu ấy có tiếng Pháp trong đó, như: 
- Thằng đó chuyên lấy le để cua đào, nhưng con nhỏ kia lại hay làm reo.
Một câu như vậy đã 3 chữ Pháp: “le”, “cua”“reo”.
(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)


* Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca
A. Khái niệm về Tục ngữ – Ca dao – Dân ca:
1. Tục ngữ và Thành ngữ:
Tục ngữ: Là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán.
Thành ngữ: Là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu, mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn.


Về hình thức ngữ pháp , mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải là một câu hoàn chỉnh. 
Còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng là một câu hoàn chỉnh. Có thể nói một cách hình ảnh: thành ngữ ngang hàng với từ. Thành ngữ là anh, từ đơn độc là em. 

Vì thành ngữ qua thời gian đã được tập hợp thành cụm:
 “Áo rách, quần manh”, “Ăn trắng, mặc trơn”, “Ăn trên, ngồi trốc”, “Dốt đặc cán mai”, “Cá bể, chim ngàn”, “Bụng đói, cật rét"... đều là thành ngữ. Còn “Chó cắn áo rách”, “Bệnh quỷ thuốc tiên”,đều là tục ngữ.
(Vũ Ngọc Phan)


* Chữ Nghĩa Lơ Ngơ Láo Ngáo
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt


* Chữ Nghĩa Làng Văn 


Bách khoa toàn thư mở Wikipedia : 
"Hữu Loan chưa xuất bản tập thơ nào".
Cũng theo datviet.com
"Trên thực tế, Hữu Loan là nhà thơ nổi tiếng duy nhất 
cả đời không in một tập thơ nào". 
(Phanxipăng – Hữu Loan ly kỳ & độc đáo)


* Bên Hè Phố Sách
Từ đền sách cấm Parthenon ở Đức, Buenos Airs
tới chiến dịch cộng sản đốt sách miền Nam 1975

Nhà sách Khai Trí, do ông Nguyễn Hùng Trương (1926-2005), một người quý sách, khởi lập từ năm 1952, là một trong nhiều tiệm sách tại trung tâm Sài Gòn trước 1975, biểu tượng của sinh hoạt văn học nghệ thuât tự do phong phú của miền Nam. 
Chưa đầy một tháng sau khi chiếm miền Nam, đảng Cộng Sản Việt Nam ra lệnh đóng cửa tất cả các tiệm sách, cấm lưu hành mọi sách đã xuất bản trước 1975 ở miền Nam, khích động thanh thiếu niên đi biểu tình đòi “bài trừ văn hoá đồi trụy phản động” như trong hình bên mặt. 
(Ảnh Corbis/Getty Images, chụp ngày 27 tháng năm, 1975)

imageimage

Dù gì thì tôi cũng thấy có bổn phận lược thuật lại ở đây, cho bài viết về các Đền sách cấm Parthenon được đầy đủ, trọn vẹn. Và để nhắc lại một trong những tội tầy trời của người cộng sản với đất nước và dân tộc. Ngay sau khi cưỡng chiếm xong miền Nam, việc đầu tiên của cộng sản là phát động chiến dịch bài trừ cái gọi là nền “văn hoá đồi trụy” của 20 năm văn học nghệ thuật tự do và phong phú nhất trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa tới giờ.

Ngay từ sáng ngày 25 tháng năm, 1975, chưa đầy một tháng sau khi chiếm được miền Nam, nhà nước cộng sản loan tin trên đài phát thanh lệnh cấm sách xuất bản dưới chế độ cũ. 
Trước đó, ngày 22 tháng Năm đã có lệnh đóng cửa tất cả những tiệm sách ở Sài Gòn và miền Nam. Một loạt những thông tri nghị định được ban hành, chưa kịp cả làm bản sao để những kẻ có nhiệm vụ thi hành lệnh tịch thu đưa cho các nạn nhân xem, và họ chỉ cần, theo nhà văn Nhật Tiến, đeo một cái băng đỏ ở cánh tay là họ tự cho phép xông vào nhà nạn nhân lục soát và tịch thu bất cứ sách vở, giấy tờ, kể cả loại sách tham khảo như tự điển. 
(Trùng Dương)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Sống trong cõi mộng ta đừng mộng
Ở chốn vô thường ta vẫn thường
(Hư Trúc)


* Chữ Nghĩa Làng Văn 
Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau. Một đôi câu đối thì mỗi câu là một vế: vế trên, vế dưới; nếu do một người nghĩ ra và một người đáp lại thì gọi là: vế ra (xuất), vế đối.

Về loại: hai chữ phải cùng loại (danh từ, động từ, trạng từ, ...) mới đối nhau, ngoài ra thực tự phải đối với thực tự, hư tự đối hư tự, chữ nho đối chữ Nho:

Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.
Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường (Hồ Xuân Hương)
(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Người Hà Đông chuyển âm “n” là “l” nên nồi niếu đọc là lồi liêu.
Người Hà Nam, Phủ Lý chuyển âm “tr” là “ch” nên giá trị đọc là giá chị, tranh chấp thành chanh chấp.
Người Kim Sơn (Thái Bình” chuyển âm “tr” là “t”, và “l” là “n” như:
con trâu trắng thành con tâu tắng, làm lụng là nàm nụng. 
(VN có một nền văn minh sông nước – Nguyễn Hưng Quốc)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


- mạch lạc 脈 絡 

Mạch 脈 là đường dẫn máu trong cơ thể, hẳn ai cũng biết rồi. Tất nhiên, mạch còn có nghĩa là một hệ thống các đường ngang lối dọc tựa như mạch máu. Còn lạc 絡 là gì? Soạn giả giải thích rằng, lạc là dây thần kinh (!) Có đúng hay không? Phải chăng, nghĩa đen của từ mạch lạc là mạch máu và dây thần kinh có quan hệ với nhau – như soạn giả đã giải thích? Thật là sai lầm khi hiểu rằng, lạc nghĩa là dây thần kinh. Chữ lạc 絡 không hề có nghĩa đó. Lạc 絡 là những nhánh ngang nối liền các đường dọc để tạo thành một mạng lưới đường ngang lối dọc. Theo các từ điển Từ Nguyên và Từ Hải thì mạch lạc 脈 絡 vốn là một thuật ngữ của Trung Y (tức là y học cổ truyền của Trung Quốc, mà ta quen gọi là Ðông Y), chỉ hệ thống động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể. Từ đó, “mạch lạc” có nghĩa mở rộng là sự nối tiếp các mối liên hệ theo một trật tự hợp lý và có hệ thống. Ngoài ra, chúng ta còn dùng từ “mạch lạc” như một tính từ, với nghĩa là có hệ thống phân minh. Soạn giả cho rằng, mạch lạc là quan hệ chặt chẽ giữa các bộ phận. Ðịnh nghĩa như vậy chưa thật chính xác. 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


* Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ 
Anh đi đêm chẳng trôi nhanh, 
Anh về lại muốn ngày thành là đêm. 
Anh đi bắt buộc nằm không, 
Anh về nếu bắt nằm không... không nằm.

 

* Nam Kỳ Lục Tỉnh: Đất Nước và Con người
- Đất Nam Kỳ 
Vùng đất mà trước đây gọi là Đồng Nai-Gia Định, nay được gọi là Nam Kỳ, cho đến đầu thế kỷ 17 vẫn còn là một vùng đất hoang vu, rừng rú, sình lầy, dẫy đầy rắn rít và trăm ngàn thú dữ.
Đồng Nai xứ sở lạ lùng 
Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um 

Lịch sử hình thành và phát triển Nam Kỳ Lục Tỉnh là lịch sử của gần 400 năm khẩn hoang của những nhóm lưu dân Việt Nam từ Đàng Trong xuôi Nam. 

Tưởng cũng nên nhắc rằng, vùng đất hoang vu nầy, trước đó, từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 7 thuộc về vương quốc Phù Nam, bao gồm một vùng đất bao la trải dài từ Thái Lan, xuống đến tận các đảo Mã Lai. 
Vương quốc nầy gồm những dân cư hải đảo như Mélanésien, Indonésien, Môn, theo văn minh Ấn độ. Di tích còn tìm thấy được của nền văn minh Phù Nam, thường gọi là văn minh Óc Eo do Louis Mallaret, thuộc trường Viễn đông Bác cổ khám phá ra năm 1944 ở Óc Eo gần núi Ba Thê (Châu Đốc), gồm một cổ thành với nhiều cổ vật gồm đồ trang sức bằng vàng, có đồng tiền La Mã. 

Vì lẽ các vua chúa Phù Nam hà khắc nên có cuộc nổi dậy của một sắc tộc tên là Kambuja (những đứa con của Kambu, tên của thủ lãnh, sau nầy được người Pháp đổi lại là Cambodge) từ miền Korat (Bắc Kampuchea và Hạ Lào bây giờ) tràn xuống vùng Biển Hồ, đánh đuổi người Môn và lập nên vương quốc Chân Lạp vào thế kỷ thứ 6. Vương quốc Phù Nam bị tan rả, một số người Môn chạy sang sinh sống ở vùng sông Ménam (Thái Lan), Miến Điện, một số ít lưu lạc lên vùng Tây Nguyên. Vương quốc mới nầy xây dựng các đền đài Anglor vào thế kỷ 12,  từ 1112 đến 1152 

Năm 1431, Xiêm tàn phá Anglor, vương triều phải dời về Phnom Penh (1434). Anglor từ đó đã bị bao phủ trong rừng sâu cho đến năm 1851 mới được Mouhot, một nhà côn trùng học người Pháp vô tình tìm thấy nhân khi đi nghiên cứu côn trùng và được trùng tu lại từ 1880. (Encyclopédie Encarta 2001. Paris, article sur le Cambodge). 

(Lâm Văn Bé)


* Nhân Văn Giai Phẩm 

Trong cuộc truy sát Nhân Văn-Giai Phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận
Người hô hào cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bại” là nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần. 

(Phạm Thị Hoài - Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn)


                         Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Không có nhận xét nào: