Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Những Năm Tý Trong Lịch Sử - Nguyễn Lý Tưởng sưu tầm


Những Năm Tý Trong Lịch Sử
Sưu tầm của Nguyễn Lý Tưởng

Mỗi năm vào dịp Tết, tôi thường đọc lại sử sách xưa của Việt Nam để tìm các tài liệu lịch sử có liên quan đến năm đó… chẳng hạn Năm 2020 là năm Canh Tý thì tôi tìm những tài liệu liên quan đến năm Tý đã được ghi chép trong lịch sử nước ta như: Đại Việt Sử Ký do Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên biên soan từ thời nhà Trần và đã được Ngô Sĩ Liên tiếp tục biên soạn từ thời nhà Lê (Lê Thánh Tông) lấy tên mới là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư… Sau nhà Lê là các sử quan thuộc Quốc Sử Quán nhà Nguyễn (thời vua Thiệu Tri) biên soạn sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” (đây là bộ Sử lớn nhất của nước ta gồm 48 tập, khởi chép từ thời Hồng Bàng đến nhà hậu Lê. Riêng phần sử nhà Nguyễn từ đời các Chúa (gọi là Tiền Biên) và từ thời các vua (gọi là Chính biên). Gồm có hai phần Thực Lục (viết về các chúa, các vua) và Liệt Truyện (viết về hoàng hậu, hoàng tử, công chúa và các công thần, nghịch thần…). Ngoài ra chúng tôi cũng tìm đọc thêm sách báo và các tác giả hiện đại… chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ liệt kê và tóm tắt sự kiện. Tất nhiên, chúng tôi cũng chỉ nêu lên những biến cố quan trọng có ảnh hưởng đến quốc gia dân tộc Việt Nam chúng ta mà thôi. Trong tinh thần “ôn cố tri tân”, chúng tôi thường nghe các bậc xưa nói rằng: “Tý hư, Sửu hao, Dần bất lợi” và qua lịch sử, chúng tôi thấy những năm Tý là những năm đầy những biến cố: chiến tranh, thiên tai, bão lụt, mất mùa v.v… 
Sách Kinh Dịch viết rằng “Thiên sinh ư Tý, Địa tịch ư Dần, Nhân Sinh ư Sửu”… Thiên, Địa, Nhân gọi là Tam Tài… là Trời, Đất, và Con Người. Trời là khởi đầu… mọi sự đều do Trời (hay Ông Trời, Thượng Dế, Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa…). Trời có trước (Thiên sinh ư tý), sau đó mới có Đất (địa tịch ư Dần). Sau khi đã có Trời, có Đất rồi thì mới có Con Người (Nhân sinh ư Sửu). Trời theo nghĩa của sách Kinh Dịch ở đây không phải là bầu trời, là khí quyển bao bọc chung quanh Trái đất… mà Trời hay Ông Trời là một ngôi vị, là Đấng tối cao tùy theo cách nói của mỗi dân tộc hay Tôn Giáo… Người Ki-tô hữu (Christian) thì gọi là Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời… các tôn giáo khác hay trong dân gian thì gọi là Ông Trời hay Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa… 
Tý là giờ khởi đầu của một ngày. Ngày khởi đầu của một năm (Thường gọi là Nguyên Đán) nhưng giờ khởi đầu của một năm thì gọi là Giao Thừa. Tháng khởi đầu của Năm thì gọi là Tháng Tý và năm khởi đầu một Giáp (12 năm) là năm Tý… lục giáp là 60 năm bắt đầu từ Năm Giáp Tý… Đất (Địa) nghĩa rộng là vũ trụ, muôn loài muôn vật trên địa cầu. Trời có trước, sau đó mới có Đất, và sau khi có đất (vũ trụ) thì mới có Con Người. Kinh Thánh của người Do Thái nói rằng Thiên Chúa dựng nên trời đất, muôn loài muôn vật, sau đó mới dựng nên Con Người và Con Người (Nhân) được làm chủ vũ trụ mà mình đang sống, được hưởng tất cả mọi sự đã có trên mặt đất (hay trong vũ trụ… Theo phong tục của người Việt Nam, đêm Giao Thừa mọi gia đình thiết lập bàn thờ, hoa đèn, hương trầm, lễ vật để nhớ đến tổ tiên đã khuất, người sống nhớ đến kẻ chết; con cháu nhớ đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất. Niềm tin trong dân gian, giờ Giao thừa, những người trong gia đình đã chết sẽ trở về đoàn tụ với con cháu. Giờ đó là giờ linh thiêng, Ông Trời sẽ chiều lòng người (Thiên tùng nhân nguyện) nên mọi ước mơ của con, cháu trong gia đình hay của mọi người dân trong một nước đều dâng lên cho Đấng Tối Cao, dâng cho Ông Trời, dâng cho Đấng Tạo Hóa, Thượng Đế, Thiên Chúa… Bên Công Giáo cũng có Lễ Giao Thừa tổ chức tại nhà thờ để Tạ Ơn Thiên Chúa với những ơn lành mà Ngài đã ban cho mọi người và tiếp tục cầu xin những ơn lành cho năm mới. Mỗi gia đình cũng có bàn thờ tổ tiên, có di ảnh những người trong gia đình đã chết, có hoa đèn để tưởng nhớ… Sách lịch Công Giáo hướng dẫn về ba ngày tết như sau: Ngày mùng Một Tết: ngày dành riêng để Thờ Phượng Thiên Chúa, ngày mùng Hai nhớ đến tổ tiên, ngày mùng Ba đi thăm bà con, bạn bè… 
Sau đây là các Năm Tý trong lịch sử:

Canh Tý (Dương lịch: 40 thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên): Trưng Trắc khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Nứơc Nam Việt của Triệu Đà bao gồm lãnh thổ của Triệu Đà và lãnh thổ Thục Phán (An Dương Vương) bị Triệu Đà chiếm trong đó có hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt gọi chung là người Việt. Sau khi nhà Triệu mất ngôi, nhà Hán đổi tên nước Nam Việt thành Giao Chỉ bộ và được chia thành quận, huyện đặt dưới quyền cai trị của quan lại nhà Hán. Người Lạc Việt phải chịu nhiều sự áp bức, bất công, nhất là dưới thời Thái thú Tô Định. Do đó, hai vị nữ anh hùng của Lạc Việt là Trưng Trắc và em là Trưng Nhị đã nổi lên chống lại nhà Hán, diệt Tô Định, đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc. Hai Bà Trưng đã nổi lên ở quận Giao Chỉ, dân thiểu số các nơi hưởng ứng cùng nổi lên đánh phá quân Hán, chiếm được trên 60 thành (thành ở đây phải được hiểu như là những thôn, làng, ấp chiến đấu hay những công sự chiến đấu do người Hán dựng lên). Trưng Trắc xưng vương, dựng nền độc lập. Năm 41, nhà Hán sai danh tướng là Mã Viện qua đánh, hai Bà Trưng thua trận, chết vào mùa Xuân năm 43. 
Theo sách “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức (năm thứ 8 tức 1856) viết rằng: “Vương vốn họ Lạc, lại có một tên họ nữa là Trưng, là con gái quan lạc tướng huyện Mi Linh, quận Giao Chỉ, và là vợ của Thi Sách người huyện Chu Diên, bà là người rất hùng dũng. Lúc bấy giờ Thái Thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lỵ. Tô Định phải chạy về Nam Hải. Quân bà đi đến đâu như gió lướt đến đấy. Các dân tộc man, lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo, lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mi Linh (trong sách Thủy Kinh Chú , quyển 37, tờ 62 chép chồng bà Trưng tên là Thi: “... Chu Diên lạc tướng tử danh Thi, sách Mi Linh lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê... ” (Con lạc tướng ở Chu Diên, tên là Thi, hỏi lấy (sách) con gái lạc tướng ở Mi Linh, tên là Trưng Trắc, làm vợ). chú thích: Sách vi thê: đi hỏi vợ.
- Giáp Tý (544) tháng Giêng, Lý Bôn tự xưng làm Nam Việt đế đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân.
- Mậu Tý (808) Trương Chu là quan của nhà Đường, cai trị nước ta, cho xây lại thành Đại La (tức Hà Nội bây giờ), đóng thuyền lớn, mỗi chiếc có 25 quân chiến và 23 tay chèo.
- Canh Tý (880) Tăng Cổn là quan Tiết Độ Sứ dưới quyền của Cao Biền, giỏi chính trị, vào năm Canh Tý (880) quân lính trong phủ nổi loạn, Tăng Cổn không dùng quân đội dẹp loạn mà chỉ dùng lời nói phải trái khuyên răn, quân nổi loạn trở về theo ông. Cổn làm quan 14 năm, có soạn sách Giao Châu Ký.
- Bính Tý (976) vua Đinh Tiên Hoàng sai sứ là Trần Nguyên Thái sang triều cống nhà Tống.
- Mậu Tý (988) nhân việc nhà Tống đổi niên hiệu, vua Tống sai sứ sang phong cho ta là Đinh Bộ Lĩnh làm Khai Quốc Công (gia tăng một bậc). Vua cho sứ sang nhà Tống cám ơn.
- Canh Tý (1000) Trịnh Hàng ở Phong Châu làm loạn, vua đích thân đi đánh dẹp. Trịnh Hàng chạy vào núi Tản Viên.
- Nhâm Tý (1012): thời Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), tháng Chạp, mùa Đông nước Chân Lạp (phía Nam nước Chiêm Thành) sang triều cống nước ta. Dân ở phủ Diễn Châu làm loạn, vua đích thân đem quân đi đánh dẹp.
- Giáp Tý (1024), mùa Xuân, vua sai Thái tử Phật Mã đem quân đi đánh Phong Châu. –Thành Thăng Long bắt đầu xây dựng từ năm 1010 đến năm 1024, vua cho sửa sang lại.
- Bính Tý (1036) đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An.
- Mậu Tý (1048) sai Phùng Trí Năng đi đánh Ai Lao (Lào). Tháng 9, Nùng Trí Cao nổi loạn xưng hiệu là Cảnh Thụy, đặt tên nước là Đại Nam. Vua Lý cho Quách Thịnh Đạt đem quân đi đánh không được. Nùng Trí Cao xin thuần phục nhà Tống, về sau lại đem quân đánh đất Ung Châu và Quảng Châu thuộc nhà Tống. Vua nhà Tống sai quân đi đánh đều thua, về sau phải cho danh tướng Địch Thanh đem quân đánh mới thắng được Nùng Trí Cao. Cuối cùng Trí Cao chạy vào nước Đại Lý và bị tiêu diệt... 
- Canh Tý (1060) quan coi vùng biên giới nước ta đem quân truy đuổi kẻ phản loạn, vào thẳng đất Tống, bắt quan của Tống là Dương Bảo Tài đem về. Vua Tống sai Lại Bộ Thị Lang là Dư Tĩnh đến Ung Châu để thương lượng. Vua sai Phí Gia Hựu sang dự hội, quan Tống xin trả Dương Bảo Tài cho nhà Tống nhưng vua Lý không cho.
- Nhâm Tý (1072). Tháng Giêng, vua Lý Thánh Tông mất, làm vua 17 năm, thọ 50 tuổi, con là Lý Kiền Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi tức Lý Nhân Tông.
- Giáp Tý (1084) Trước đây nhà Tống đem quân xâm lăng nước ta, chiếm đất vùng biên giới... Nay vua nước ta sai Binh Bộ Thị Lang là Lê Văn Thịnh sang nhà Tống bàn định về biên giới. Nhà Tống trả lại cho nước ta 6 huyện và 3 động.
- Nhâm Tý (1132) Tháng 8, Chân Lạp và Chiêm Thành cùng đem quân cướp phá nước ta. Vua sai Dương Anh Nhị đem quân đi đánh dẹp, quân giặc thua, rút lui. -Trước đây nhà Tống phong cho Lý Thần Tông làm Giao Chỉ quận vương, Tháng 12, sứ nhà Tống lại sang, gia phong cho vua làm Nam Bình Vương... 
- Bính Tý (1156) Vua cho xây dựng nhiều cung điện, lầu các nguy nga, làm hành cung ở Ngự Thiên để dùng trong những lúc nhà vua đi du lịch. –Lập miếu thờ đức Khổng Tử ở phía Nam thành Thăng Long theo đề nghị của Tô Hiến Thành để đề cao Nho học... 
- Bính Tý (1216), tháng chạp, lập Trần Thị làm Hoàng Hậu, anh của Hoàng Hậu là Trần Tự Khánh làm Phụ Chính, Trần Thừa làm Nội Thị Phán Thủ... Anh em họ Trần mộ quân, chế tạo chiến cụ, rèn tập võ nghệ để bảo vệ vua... Nhà Lý suy yếu và anh em họ Trần dần dần nắm lấy binh quyền. Trần Thừa về sau lên làm Phụ Quốc Thái Úy. Lý Huệ Tông có hai người con gái: Thuận Thiên công chúa gã cho Trần Liễu (sinh ra Trần Quốc Tuấn tức Trần Hưng Đạo) và Lý Phật Kim tức Chiêu Thánh Công Chúa nối ngôi tức Lý Chiêu Hoàng (về sau Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh). Theo kế hoạch của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng bị bắt buộc truyền ngôi cho Trần Cảnh tức Trần Thái Tông là vua đầu tiên của nhà Trần... 
- Mậu Tý (1228), vua Trần Thái Tông phong cho anh ruột là Trần Liễu làm Thái Úy (đứng đầu các quan kiêm luôn chức Tể Tướng).
- Canh Tý (1240) lập Thái Tử: nguyên vua Trần Thái Tông lấy Lý Chiêu Hoàng (công chúa Phật Kim con vua Lý Huệ Tông) chưa có con trai nên Trần Thủ Độ đem vợ của Trần Liễu (tức Thuận Thiên công chúa, con vua Lý Huệ Tông, là chị ruột của công chúa Lý Phật Kim tức Lý Chiêu Hoàng) gã cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Lúc bấy giờ vợ Trần Liễu (công chúa Lý Thuận Thiên đang mang thai, sinh được một người con trai, nhưng đó là con của Trần Liễu. Về sau, Thuận Thiên công chúa sinh được người con trai tên là Hoảng, tháng 9 năm Canh Tý (1240) Hoảng được lập làm Thái tử để nối ngôi Trần Thái Tông sau nầy.
- Giáp Tý (1264): Trần Thủ Độ là người không có học hành đỗ đạt gì nhưng lại nhiều mưu lược, thủ đoạn, có công dựng lên nhà Trần và có tội tiêu diệt nhà Lý, giết vua, thông dâm với vợ vua... Mọi hành động tốt lẫn xấu, Trần Thủ Độ đều có cả. Trong sử sách từ xưa đến nay chưa người nào như thế!
- Mậu Tý (1288) Tháng Giêng, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đem hải quân vào cửa Đại Bàng. Trần Khánh Dư đánh nhau với quân của Ô Mã Nhi bị thua, bị Thái Thượng Hoàng nhà Trần bắt tội, Trần Khánh Dư xin lập công chuộc tội. Binh thuyền của Ô Mã Nhi đi qua rồi, Trần Khánh Dư thu thập tàn quân chờ đợi thuyền chở lương thực của giặc. Quả nhiên, sau đó, thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ kéo đến, bị quân của Trần Khánh Dư phục kích, quân Nguyên thua to. Khánh Dư bắt được quân nhu, khí giới rất nhiều. Trương Văn Hổ thoát chết chạy về Quỳnh Châu. Trần Khánh Dư đưa những quân địch bị bắt đến trại quân Nguyên... Khi biết được lương thực của chúng đã bị quân ta cướp, thiếu lương thực nên nên quân Nguyên rối loạn, không còn tinh thần chiến đấu.
–Tháng Hai, Ô Mã Nhi biết tin thuyền lương của Trương Văn Hổ bị quân ta cướp nên đem quân đánh trại An Hưng, rồi về chiếm Vạn Kiếp, giữ núi Chí Linh và Phả Lại để cố thủ.
-Tháng ba, Trần Hưng Đạo áp dụng chiến thuật của Ngô Quyền (năm 939 thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng), đã thắng quân Nguyên ở sông Bạch Đằng, bắt sống Ô Mã Nhi, các tướng Trương Ngọc, A Bát Xích tử trận, quân Nguyên bị thương, bị chết rất nhiều, bọn tàn binh phải liều chết hộ tống Thái tử  Thoát Hoan chạy về Tàu... Thắng trận, rước Thượng hoàng về Thăng Long, đem bọn Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc ra chém đầu làm lễ hiến phù (tế cáo với tổ tiên họ Trần).
-Tháng 10, sai sứ qua nhà Nguyên trình bày tình hình, xin giảng hòa và xin triều cống như cũ để cho nhân dân hai nước tránh khỏi nạn chiến tranh, vui hưởng hòa bình.
- Canh Tý (1300) Tháng 8, Trần Hưng Đạo mất. Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, con của Trần Liễu (anh vua Trần Thái Tông tức Trần Cảnh), danh tướng nhà Trần có công đánh thắng quân Mông Cổ, là tác giả sách “Binh Pháp Yếu Lược” (sách dạy về nghệ thuật quân sự) và bài “Hịch Tướng Sĩ” để cổ võ chiến sĩ hăng say chiến đấu chống xâm lăng... Ông được phong Hưng Đạo Đại Vương. Sau khi chết được dân chúng lập đền thờ, rất linh hiển.
- Nhâm Tý (1312) vua Trần Anh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, vua sai các tướng Trần Quốc Trấn, Trần Khánh Dư đem quân thủy bộ và Đoàn Nhử Hài đi theo làm tham mưu. Bắt được vua Chiêm là Chế Chí đưa về Thăng Long và cho em Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm làm trấn thủ đất Chiêm. Về sau Chế Chí chết ở Gia Lâm. 
- Giáp Tý (1384) nhà Minh đem quân đánh Vân Nam, sai sứ sang nước ta yêu cầu cung cấp cho quân Tàu 5000 hộc lương. Lúc bấy giờ vào cuối nhà Trần, vua quan bất tài, nước ta suy yếu... nên phải chịu những đòi hỏi vô lý của nhà Minh. Vua sai quan Hành Khiển là Trần Nghiêu Dụ đem lương thực đến biên giới nộp cho quân Minh... 
- Mậu Tý (1408) lúc bấy giờ nhà Minh cai trị nước ta, con cháu nhà Trần là Trần Trùng Quang (Giản Đinh Đế) nổi lên chống nhà Minh... Đặng Tất là tướng nhà Trần đánh thắng quân Minh ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình), chiếm giữ vùng Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu và Thanh Hóa... khắp nơi dân chúng nổi lên ủng hộ con cháu nhà Trần. Nhà Minh cho tướng Mộc Thạnh đem quân đến đánh, quân ta do Đặng Tất chỉ huy, đánh thắng trận. Mộc Thạnh chạy về thành Đông Quan đợi viện binh... 
- Canh Tý (1420) nhà Trần bị tiêu diệt, nước ta bị quân Minh đô hộ, dân chúng rất khổ sở... năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi khởi nghĩa ở đất Lam Sơn (vùng núi Thanh Hóa) tự xưng là Bình Đinh Vương... Tháng 10 năm Canh Tý (1420), Bình Định Vương Lê Lợi đánh thắng quân của Lý Bân ở Nga Lạc và Quan Du, giết được cả nghìn quân địch, tinh thần quân Minh sa sút, bị quân ta bao vây nên phải cố thủ ở trong đồn, không dám ra ngoài... 
- Nhâm Tý (1432): Sau mười năm kháng chiến, Lê Lợi đại thắng quân Minh, lên ngôi năm Mậu Thân (1428) tức Lê Thái Tổ nhà Lê, lo xây dựng lại đất nước, năm Nhâm Tý (1432), vua đem quân đánh người thiểu số ở châu Ninh Viễn, Đèo Cát Hãn chạy trốn vào đất Lào, một số ra đầu hàng, một số bị Lê Sát bắt làm tù binh ... Vua đổi tên châu Ninh Viễn thành châu Phục Lễ.
- Giáp Tý (1444) quân Chiêm Thành vào cướp Hóa Châu. Vua Lê Nhân Tông sai Lê Bôi và Lê Khả đem quân đi đánh dẹp.
- Bính Tý (1456) quân nhà Minh thường qua cướp phá vùng biên giới nước ta, vua Lê cho sứ qua nhà Minh bàn về việc biên giới... nhà Minh không đáp ứng... 
- Canh Tý (1480): biên giới nước ta thường bị quân Minh quấy rối, vua nhà Minh lại gởi thư trách nước ta hay đem quân đánh phá vùng biên giới Ai Lao. Vua sai Lương Thế Vinh viết thư trình bày việc biên giới... 
- Giáp Tý (1504) Vua Lê Hiến Tông mất, tháng 6, Thái Tử Thuần nối ngôi (Lê Túc Tông), chưa được một năm, tháng 12, Lê Túc Tông mất. Trong vòng 6 tháng mà trong nước đã có hai vua băng hà!
- Bính Tý (1516): Tháng Giêng, Trần Công Ninh ở Yên Lãng nổi loạn. Vua Lê Chiêu Tông tự mình đi dánh dẹp. Tháng 3, Trần Cao tự xưng con cháu nhà Trần nổi loạn ở vùng Hải Dương, hàng vạn người theo. Vua đem quân đi đánh, các tướng Phùng Trấn vàTrịnh Khổng Chiêu tử trận, Trịnh Ngạc bị bắt rồi cũng bị giết. Vua phải cho Nguyễn Hoàng Dụ đem quân đi đánh.
-Trịnh Duy Sản hay can gián vua, làm trái ý vua nên bị vua sai đánh đòn làm nhục. Trịnh Duy Sản cùng Lê Quảng Độ và Trình Chí Sấm mưu giết vua Lê Chiêu Tông (làm vua được 8 năm, thọ 24 tuổi). Trịnh Duy Sản lập người cháu vua Lê Thánh Tông là Quang Trị lên ngôi... Nguyễn Hoàng Dụ nghe tin Trịnh Duy Sản giết vua bèn đem quân về đốt phá kinh thành rồi kéo quân đi vào Thanh Hóa. Trịnh Duy Sản đem vua vào Thanh Hóa... Trần Cao thấy kinh thành có biến, vắng mặt vua nên kéo quân vào kinh thành, tự xưng làm vua, lấy niên hiệu là Thiên Ứng... Dân chúng kéo nhau chạy lọan. Nguyễn Hoàng Dụ, Trịnh Duy Sản và các tướng đưa vua trở về kinh thành, bao vây Trần Cao. Hai bên đánh nhau, Trần Cao thua bỏ chạy, vua đổi niên hiệu là Quang Thiệu, đại xá trong nước. Tháng 11, vua hạ lệnh đi đánh Trần Cao ở vùng biển Hải Dương, Trịnh Duy Sản thua trận bị Trần Cao giết. Trần Cao lại đem quân về đóng ở Bồ Đề. Vua sai Trần Chân đem quân đánh, Trần Cao thua trốn vào rừng, trao quyền cho con là Trần Cung, rồi cạo đầu làm nhà sư trốn thoát... 
- Mậu Tý (1528): năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Những người trung thành với nhà Lê như Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Trường đem quân chống lại Mạc Đăng Dung đều bị thua. Nguyễn Hoàng Dụ không đánh được Mạc Đăng Dung bèn kéo quân về chiếm lấy một vùng ở Thanh Hóa. Năm Mậu Tý (1528) Mạc Đăng Dung tổ chức lại triều đình, đúc tiền mới, ban quan chức để mua chuộc lòng người... 
- Canh Tý (1540), năm 1530, Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Tháng Giêng năm Canh Tý (chết), Mạc Đăng Doanh chết, em là Mạc Phúc Hải lên nối ngôi. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), cựu thần nhà Lê chạy qua báo cáo tình hình với nhà Minh và xin nhà Minh đem quân hỏi tội nhà Mạc. Tháng 11 năm Canh Tý (1540), tướng nhà Minh là Mao Bá Ôn đem quân đến biên giới nước ta. Mạc Đăng Dung tự trói mình đến cửa ải xin hàng và đem đất 5 động dâng cho nhà Minh. Từ mùa Xuân năm Quý Tỵ (1533), Nguyễn Kim con Nguyễn Hoàng Dụ đã lập người con cháu nhà Lê là Lê Duy Ninh lên làm vua, lúc đó đang ở đất Sầm Nứa vùng biên giới Lào -Việt và kêu gọi dân chúng ủng hộ nhà Lê chống nhà Mạc. Nguyễn Kim sai sứ sang nhà Minh xin thừa nhận con cháu nhà Lê. Tháng 11 năm Canh Tý, Nguyễn Kim đi thị sát trong vùng đất của mình chiếm đóng ở Nghệ An.
- Giáp Tý (1564) Vua Ai Lao là xạ Đẩu đem 4 con voi đực dâng cho vua Lê. Trịnh Kiểm gả con gái nuôi cho Xạ Đẩu. Tháng 10, Trịnh Kiểm cho lính mở con đường từ Thanh Hóa ra tới Sơn Nam để tiện việc giao thông. Sau đó, cho rút quân về Thanh Hóa.
- Bính Tý (1576): tướng Mạc là Mạc Kính Điển đem quân vào đánh Thanh Hóa, Nguyễn Quyện vào đánh Nghệ An.
- Mậu Tý (1588) nhà Mạc cho sửa sang thành lũy kiên cố để phòng quân Trịnh. Tháng 11, Trịnh Tùng đem quân đánh quân Mạc tại xã Dương Vũ (thuộc Ninh Bình).
- Canh Tý (1600) sau khi giết được vua Mạc là Mạc Mậu Hợp, Trịnh Tùng đem vua Lê trở về Thăng Long nhưng các nơi ở miền Bắc vẫn còn dư đảng nhà Mạc hoạt động. Nguyễn Hoàng đem quân ra Bắc giúp, ý của Trịnh Tùng muốn giữ ông lại không cho trở về Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng phải mượn cớ đem quân đi đánh dẹp bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê... ở vùng biển Đại An (Nam Định), đưa hết tướng sĩ, binh thuyền thẳng ra biển về lại Thuận Hóa để lại hoàng tử thứ năm là Nguyễn Phúc Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Trịnh Tùng nghe tin Nguyễn Hoàng đem quân đi tưởng rằng sẽ vào chiếm Thanh Hóa nên rước vua Lê về Thanh Hóa. Chẳng bao lâu thấy tình hình yên ổn nên rước vua trở về Thăng Long. Những người ủng hộ nhà Mạc tôn Mạc Kính Cung (con Mạc Kính Điển là chú của Mạc Mậu Hợp) lên làm vua, trở lại Thăng Long. Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa, tháng 11, gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con Trịnh Tùng) kết làm thông gia và cho sứ ra nộp thuế cống cho vua Lê như cũ và từ đó, ở hẳn Thuận Hóa không ra Thăng Long nữa. Trịnh Tùng phải đối phó với dư đảng nhà Mạc nên không dám đem quân chinh phạt họ Nguyễn ở Thuận Hóa.
- Giáp Tý (1624): Trịnh Tráng cho Nguyễn Duy Thì và Phạm Văn Trí vào đòi thuế, Nguyễn Phúc Nguyên trả lời mấy năm nay mất mùa, dân gian đói khổ nên không nỡ thu thuế. Đợi năm khác được mùa sẽ chở lúa ra nộp. Sứ của họ Trịnh đành trở về.
- Bính Tý (1636). Mùa Đông năm Ất Hợi (1635) , chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất, Nguyễn Phúc Lan lên nối ngôi, tháng Giêng năm Bính Tý (1636), cho người ra cáo phó vua Lê. Tháng 2, vua Lê sai Nguyễn Quang Minh và Nguyễn Trật đem vàng bạc vào phúng điếu. Khi về, chúa Nguyễn Phúc Lan ban tặng rất hậu.
- Mậu Tý (1648) Tống Thị được chúa Nguyễn Phúc Lan sủng ái, tiền bạc đút lót giàu có, Nguyễn Phúc Trung biết được, định mưu giết đi. Tống Thị sợ, bèn dùng tiền bạc nhờ bố là Tống Phúc Thông vận động Trịnh Tráng đem quân vào và hứa sẽ làm nội ứng. Tháng 3, Trịnh Tráng sai tướng là Lê Văn Hiểu đem quân vào đóng ở phía Nam Bố Chính (Quảng Bình), xâm phạm cửa biển Nhật Lệ. Trấn thủ dinh Quảng Bình là Trương Phúc Phấn giữ lũy Trường Dục, quân Trịnh không sao phá được lũy. Nguyễn Phúc Tần lúc đó đang còn là thế tử, tước Dũng Lễ Hầu, đem đại quân ra chống quân Trịnh, sai tướng Triều Phương chỉ huy thủy quân, Nguyễn Hữu Tiến chỉ huy trên 100 voi chiến, nhân ban đêm đánh thẳng vào trại quân Trịnh. Hai mặt thủy bộ cùng đánh, quân Trịnh thua to, 3000 quân Trịnh bị bắt... quân Trịnh rút về Bắc sông Gianh, phòng thủ ở Hà Trung. Chúa Nguyễn Phúc Lan đi đánh giặc trở về, lâm bệnh nặng mất ở trên một chiếc thuyền tại phá Tam Giang. Nguyễn Phúc Tần không dám lên nối ngôi nên đã yêu cầu chú ruột là Nguyễn Phúc Trung lên kế vị cha mình. Nhưng Nguyễn Phúc Trung không chịu, trả lời “thế tử nên vâng nối đại thống cho thuận ý trời và lòng người”... vì thế Nguyễn Phúc Tần mới lên ngôi, thường gọi là Hiền Vương. Về sau Tống Thị quyến rũ được Nguyễn Phúc Trung (Tôn Thất Trung) mưu làm phản, Nguyễn Phúc Tần bắt giam Nguyễn Phúc Trung và giết Tống Thị.
- Canh Tý (1660), Trước đây, hai hổ tướng của quân Nguyễn là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đem quân chiếm 7 huyện phía Nam sông Lam là đất của Trịnh. Tháng 8, Trịnh Căn cho quân qua sông đánh nhau với quân của Nguyễn Hữu Dật ở Lãng Khê, quân Trịnh bị thua. Tháng 9, quân của Nguyễn Hữu Tiến đánh chiếm phía Nam sông Lam. Hai danh tướng của chúa Nguyễn là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật bất hòa nên tháng 11, năm Canh Tý (1660), Nguyễn Hữu Tiến tự ý dẫn quân về giữ Nhật Lệ. Quân Trịnh đuổi theo, hai bên giao chiến, lính chết rất nhiều, Nguyễn Hữu Dật đóng quân ở Đông Cao phòng giữ mặt Bắc. Từ đó, đất 7 huyện phía Nam sông Lam do quân Nguyễn chiếm, thuộc về Trịnh như cũ.
- Nhâm Tý (1672): Tháng 6, Trịnh Tạc rước vua Lê, đem đại quân vào xâm lấn lũy Trấn Ninh. Chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền vương) cho hoàng tử Nguyễn Phúc Hiệp, tuổi trẻ tài cao, làm nguyên soái, đem quân ra Quảng Bình chống giữ. Quân Trịnh phao tin có 18 vạn. Trần Đình Ân nói rằng quân Trịnh chỉ có dưới 10 vạn mà phao lên 18 vạn. Liền cho gián điệp phao tin quân Nguyễn có 16 vạn do chúa Nguyễn chỉ huy kéo đến và tuyển thêm 10 vạn dân địa phương nữa là 26 vạn. Quân Nguyễn chiến đấu rất hăng, Trịnh Tạc thấy đánh lâu ngày mà không thắng được nên phải rút lui. Từ đó, hai bên không còn đánh nhau nữa cho đến khi Tây Sơn khởi nghĩa.
- Giáp Tý (1684): Tháng 10, Trịnh Căn tự phong làm Định Vương (Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng thánh phụ sư thịnh công nhân minh uy đức Định vương ).
- Bính Tý (1696): chúa Trịnh ra lệnh cấm đạo Thiên Chúa cho rằng đạo nầy truyền dạy những diều dị đoan: đốt phá nhà thờ, kinh sách và dò xét những người theo đạo. Lệnh nầy đã có từ năm 1663 đời Lê Huyền Tông nhưng không sao cấm hẳn được, dân vẫn có người theo.
- Mậu Tý (1708): Tháng 8, đắp đê sông Hồng Hà, sửa chữa những chỗ hư hỏng.
–Chúa Nguyễn cho Mạc Cửu làm Tổng binh ở Hà Tiên. Mạc Cửu là người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, trung thành với nhà Minh nên bỏ nước ra đi khi người Mãn Châu chiếm Trung Quốc lập ra nhà Thanh. Lúc đầu ông vào làm quan nhỏ nước Chân Lạp, lập ra 7 xã vùng Hà Tiên quy tụ dân tứ xứ về làm ăn buôn bán thịnh vượng. Sau nghe lời khuyên của Nguyễn Cư Trinh nên xin về theo chúa Nguyễn. 
- Canh Tý (1720), tháng 5, Trịnh Cương tự phong làm An Vương (đại nguyên súy, tổng quốc chính, thượng sư thượng phụ, Uy nhân thánh đức An vương), cho con là Trịnh Giang làm thế tử.
- Nhâm Tý (1732): Tháng 8, Trịnh Cương truất phế vua cũ, lập vua mới. Trước đây, con trưởng của Lê Dụ Tông là Lê Duy Tường bị Trịnh Cương loại bỏ để chọn người con thứ là Lê Duy Phường nối ngôi. Năm Nhâm Tý , Trịnh Giang (con Trịnh Cương) lại vu cáo cho vua tội thông dâm với vợ Trịnh Cương rồi truất phế đi và đưa Lê Duy Tường lên ngôi tức Lê Thuần Tông. Trịnh Cương có hành động ngang ngược như vậy mà triều đình không ai dám nói gì vì sợ uy quyền của họ Trịnh.
- Giáp Tý (1744): từ năm 1743, Nguyễn Hữu Cầu tập hợp được một lực lượng chiếm cứ vùng Đồ Sơn, chúa Trịnh cho các tướng đi đánh dẹp đều thất bại. Tháng 5 năm Giáp Tý (1744), Hoàng Ngũ Phúc bao vây Nguyễn Hữu Cầu ở Đồ Sơn, Nguyễn Hữu Cầu bỏ Đồ Sơn chạy qua chiếm được thành Kinh Bắc, đến tháng 7, Hoàng Ngũ Phúc và Trương Khuông tái chiếm thành Kinh Bắc thì Nguyễn Hữu Cầu lại đem quân đi chiếm vùng khác. Nhiều lần giao chiến, quân triều đình bị thua, một số tướng tử trận nên thanh thế của Nguyễn Hữu Cầu càng thêm lừng lẫy, nhiều đảng cướp khác lại dựa thế Nguyễn Hữu Cầu, nổi lên quấy phá khắp vùng biển Hải Dương...
-Trong khi đó, Nguyễn Danh Phương cũng nổi lên ở vùng Sơn Tây, quân triều đình cũng vất vả mà không dẹp được. Tại Đàng Trong, Nguyễn Đăng Thịnh dâng biểu xin chúa Nguyễn Phúc Khóat chính thức lên ngôi vương gọi là Võ Vương, đúc ấn, bổ dụng quan lại, lập triều đình như vua Lê chúa Trịnh ở Bắc Hà, phong tước cho tổ tiên đã chết, dựng tôn miếu v.v... gọi chính dinh (Phú Xuân) là đô thành, tổ chức hành chánh, chia nước làm 12 dinh. Ái Tử gọi là Cựu dinh, đặt quan văn, võ cai trị. 
- Mậu Tý (1768), mùa Xuân Hoàng Công Chất (Hoàng Văn Chất) nổi loạn đánh cướp mười châu thuộc vùng biên giới rồi tràn đến Hưng Yên và Thanh Hóa. Trịnh Sâm sai Hoàng Phùng Cơ và Phạm Ngô Cầu đem quân đi đánh... 
- Canh Tý (1780), Tháng 9, Trịnh Sâm bỏ con trưởng là Khải (tên cũ làTông, con của vợ chính) và lập con thứ là Cán (con của Đặng Thị Huệ, vợ thứ) . Phe Đặng Thị Huệ được Hoàng Đình Bảo ủng hộ. Trịnh Khải bị tố cáo âm mưu đảo chính Trịnh Sâm nên bị mất quyền nối ngôi (thế tử) và bị giam... Sau khi Trịnh Sâm chết, phe ủng hộ Trịnh Khải lợi dụng lính Tam Phủ, giết Hoàng Đình Bảo, lật đổ Trịnh Cán... 
- Tháng Giêng, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương tại Gia Định (thường gọi là Nguyễn Vương) dùng ấn “Đại Việt Quốc, Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” (ấn nầy do chúa Nguyễn Phúc Chu làm ra để truyền cho con cháu nối nghiệp chúa). Tháng 3, bà nguyên phi (hoàng hậu) họ Tống sinh Hoàng tử Cảnh (tức Anh Duệ hoàng thái tử).
- Nhâm Tý (1792): Tháng 5, Nguyễn Phúc Ánh được tin báo Nguyễn Nhạc đang tập trung chiến thuyền đậu ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn) dự tính vào cướp phá Gia Định, lợi dụng mùa gió Nồm, trong lúc quân Tây Sơn không phòng bị, sai các tướng Tôn Thất Huy, Võ Tánh, Tống Phước Đạm, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương, Phạm Văn Nhân... bất ngờ đem đại binh ra đánh Quy Nhơn. Đại quân của chúa Nguyễn đã vào tới cửa Thị Nại mà tướng Tây Sơn giữ cửa biển không biết nên bỏ chạy, thuyền ghe và khí giới bị quân Nguyễn bắt được hết (5 chiếc thuyền lớn, 30 chiếc thuyền đi biển, 40 chiếc thuyền tuần tiễu...) Ba chiếc thuyền của bọn cướp biển Tề Ngỗi (người Tàu) cũng bị bắt... Nguyễn Phúc Ánh đóng quân ở chợ Thị Nai, dựng cờ, phủ dụ dân chúng, cấm binh sĩ không được cướp bóc của dân. Rồi ra lệnh rút quân về. Mỗi năm, cứ đến mùa gió Nồm (tháng 5, 6) quân Gia Định lại kéo ra... đánh phá Quy Nhơn, thời gian đi và về trong 10 ngày, người ta gọi là thần binh.
- Tháng Bảy, Nguyễn Huệ mất tại Phú Xuân. Con là Nguyễn Quang Toản nối ngôi, niên hiệu Cảnh Thịnh. Trước khi mất, Nguyễn Huệ dặn Quang Toản phải dời đô về Nghệ An, nơi đó, Nguyễn Huệ đã cho xây thành vững chắc đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Bùi Đắc Tuyên là cậu của Nguyễn Quang Toản được làm Thái Sư Quốc Công nhiếp chính. 
- Giáp Tý (1804): Tháng 4, vua Gia Long khởi sự xây cung thành và hoàng thành Huế. Sách “Đại Nam Thực Lục Chính Biên” cho biết: “Cung thành bốn mặt dài suốt 307 trượng 3 thước 4 tấc, xây bằng gạch, cao 9 thước 2 tấc, dày 1 thước 8 tấc. Phía trước có cửa Tả Túc, cửa Hữu Túc, bên tả là cửa Hưng Khánh, bên hữu là cửa Gia Tường, phía sau là cửa Tường Lân và cửa Nghi Phượng. Hoàng thành 4 mặt dài suốt 614 trượng, xây gạch, cao 1 trượng 5 thước, dày 2 thước 6 tấc. Hồ bọc 3 phía: tả, hữu, hậu, dài suốt 464 trượng 1 thước. Phía trước có cửa Tả Đoan và cửa Hữu Đoan, bên tả là cửa Hiển Nhơn, bên hữu là cửa Chương Đức, phía sau có cửa Cung Thần. Cửa Tường Lân sau đổi làm cửa Tường Loan, cửa Cung Thần sau đổi làm cửa Địa Bình). Sai Nguyễn Văn Chương và Lê Chất trông coi công việc. Các quân ứng dịch ở đây được thưởng thêm lương tiền. Lại lấy sự chậm chóng để thưởng phạt” (ĐNTLCH đệ I Kỷ, q.XXIV bản dịch Hà Nội, tr. 179) Kinh thành Huế (cũng gọi là Hoàng Thành tức thành ngoại) được xây theo kiểu Vauban, thế kỷ 17 ở Âu Châu. Cung Thành (hay hoàng cung cũng được gọi là Thành Nội) được mô phỏng theo thành Bắc Kinh (Trung quốc) thu hẹp. Đây là kinh thành lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Năm 1804, Thành Nội và Thành Ngoại đã xây xong, vua Gia Long ban thưởng cho lính và thợ cùng các cấp chỉ huy. Các nhà cửa cung điện và phần trang trí bên trong còn phải mất nhiều năm nữa, qua đến đời Minh Mạng mới xong.
- Người con của Lê Quý Đôn (Bảng Nhãn thời nhà Lê) là Lê Duy Thanh đem dâng bộ sách “Phủ Biên Tạp Lục” (6 quyển) và “Quần Thư Khảo Biện” của cha.
- Sứ nước Anh đến dâng lễ vật, xin lập sứ quán tại Đà Nẵng, xin thông thương buôn bán... vua không cho.
- Vua ra lệnh lập đền thờ ở Gia Định để thờ những công thần đã chết, tổng cộng 1.015 vị được ghi tên vào bài vị để thờ.
- Quản tàu Long Phi là Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau, người Pháp, theo giúp vua Gia Long) dâng sách Toán Học và sách Thiên Văn của Tây Phương.
- Mậu Tý (1828): Vua Minh Mạng đi tế Trời Đất tại đàn Nam Giao, trao cho Hữu Ty làm cầu phao qua sông Hương để rước xa giá vua đi, nhưng nước sông tràn lên cầu nên vua phải dùng thuyền qua sông. Đại Nam Thực Lục Chính Biên chép rằng: “Tháng hai, ngày Bính tuất, tế Trời Đất ở đàn Nam Giao. Trước đây Hữu Ty làm cầu phao để qua sông Hương, lại sai bày quân thí nghiệm. Đến trước tế Nam Giao một ngày, xa giá đến Trai Cung, đi qua cầu phao nước sông tràn lên, bầy tôi đi theo đều sợ. Vua không biến sắc mặt, sai đổi lấy thuyền rồng theo hầu để sang sông. Ngừơi chuyên coi làm cầu là Nguyễn Tài Năng, người thí nghiệm là Phan Văn Thúy, cùng người phù giá là Phạm Văn Lý đều bị đình thần tham hặc. Nhà vua đặc mệnh giáng cấp khác nhau. Dụ rằng: “ Việc nước tràn lên cầu, cũng là việc bất ngờ không tính trước được, tình còn khá thương, cho nên gia ơn khiến biết răn mà thôi. Nếu giao cho công nghị, thì cũng khó vì bọn ngươi mà bỏ phép nước được”. 

Vua Minh Mạng đi cày ruộng tịch điền
Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ (bản dịch Hà Nội, trang 21- 24) chép việc tháng 2 năm Mậu Tý (1828) vua Minh Mạng dạy về việc tịch điền như sau: “Vua bảo bầy tôi rằng: “Đời xưa vua cày ruộng tịch điền, để lấy gạo làm xôi tế Giao Miếu, nhân thể để xét thời tiết làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính. Cái điển ba đường cày, sách vở còn chứng. Nước ta đời Trần, đời Lê gián hoặc có làm nghi điển ấy, nhưng phần nhiều giản lược. Trẫm từ thân chính đến nay, chăm nghĩ đến dân, thường lấy việc dạy dân chăm nghề gốc làm gấp. Hiện nay triều đình nhàn rỗi, giảng tìm phép xưa, thực là việc nên làm trước, nên chọn đất ở Kinh Thành làm chỗ tịch điền” bèn sai đặt ở hai phường Hậu Sinh và An Trạch, bên tả dựng đài Quan Canh, đằng trước làm ruộng đế tịch, đằng sau làm điện thay áo, bên hữu đặt đàn Tiên Nông và đình Thần Thương thu thóc. Sai Trung Quân Tống Phước Lương coi làm. Thưởng tiền cho thợ và biền binh làm việc 5.000 quan. Lại đặt sở Diễn Canh (tập cày) ở phía Bắc cung Khánh Ninh, gọi là vườn Vĩnh Trạch. Sai bộ Lễ bàn định điển lệ. Hàng năm cứ tháng trọng Hạ (tháng 5) chọn ngày tốt làm lễ.”
 Vua cũng đi cày ruộng mở đầu cho vụ mùa trong nước. Vua ra lệnh chọn đất trong kinh thành làm chỗ tịch điền. Hàng năm vào tháng trọng Hạ (tháng 5) thì chọn ngày tốt để vua cày ruộng tịch điền. “Trước hết, phủ Thừa Thiên phải cho dân cày ruộng đó và chuẩn bị đất cho mềm. Năm ngày trước, vua ngự vườn Vĩnh Trạch để xem tập cày. Một ngày trước, quan phủ Thừa Thiên chuẩn bị một cái roi, một cái cày, một thúng lúa, đặt lên án vàng trên thềm giữa điện Cần Chánh. Vua đến xem đồ nông cụ xong, quan bộ Hộ mang các thứ đó giao cho quan phủ Thừa Thiên tiếp nhận mang ra cửa Tả Túc, đặt vào long đình. Nghi trượng nhã nhạc dẫn đừơng đi trước, tàn lọng che lên, đến cửa Tả đoan. Rồi lấy roi, cày, thúng lúa chia làm 12 phần, đặt ở Thái Đình , theo thứ tự đi sau đến ruộng tịch điền, chiếu thứ vị bày ra, giờ tỵ ngày hôm ấy, vua đến cung Khánh Minh trú chân. Biền binh đứng bày hàng ở tả hữu đừơng vua đi. Lại bày lính và voi, cờ, súng ống ở ngoài tường ruộng tịch điền. Giờ Tý ngày ấy, Hữu Ty bày lễ phẩm trên dàn Tiên Nông. Canh năm, trống nghiêm ba hồi, thị vệ bày lỗ bộ ở ngoài cửa cung Khánh Ninh. Đến giờ Mão, vua đội mũ cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc lên kiệu người dẫn trước, người theo sau, đúng nghi vệ. Nhã nhạc có bày nhưng không cử. Đến tường phía sau đàn tiên nông, các quan mang mũ áo thừơng triều quỳ đón ở phía trong của phường. Vua đến bên đông đường thần lộ xuống kiệu vào tế. Lễ xong vua ngự đến điện cụ phục, thay mang mũ Đường cân cửu long, áo long bào chẽn tay, thắt đai ngọc. Bộ Lễ tâu xin làm lễ cày tịch điền. Vua đến chỗ cày, đứng trông hướng Nam, các quan đứng chầu ở tả hữu đài Quan Canh; quan Thái Thường tự xướng, quan Lễ Bộ dâng cày, quan phủ Thừa Thiên dâng roi. Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, kỳ lão và nông phu đều 2 người dắt trâu, thị vệ 2 người đỡ cày. Ca sinh hát bài “Hoa từ”, nhạc sinh múa cờ màu, nhã nhạc cử nhạc. Phủ Thừa Thiên bưng thùng thóc đi theo. Hoàng Tử cùng quan bộ Hộ đều cử một người theo sau vãi thóc. Vua cày 3 đường đi 3 đường lại xong, ngự lên đài Quan Canh. Các quan ở dưới đài chia hai bên đứng hầu. Các hoàng tử, và thần công theo cày, đều đội mũ vàng mặc áo đỏ, cầm cày cầm roi cày 5 đường đi 5 đường lại, kế đến văn võ đại thần 9 người, văn đội mũ văn công, võ đội mũ hổ đầu, đều mặc áo lam, cùng cầm cày cầm roi cày 9 đường đi 9 đường lại. Đều dùng thuộc lại kinh huyện đi theo sau bưng thùng lúa vãi lúa. Lễ xong, vua ngự điện cụ phục, thay mặc long bào rộng tay, lên kiệu. Đại nhạc nhã nhạc đều nổi. Các quan lại ở trong cửa phường quỳ tống. Vua về cung Khánh ninh. Các quan làm lễ khánh hạ. Ban yến và ban thưởng theo thứ bực. Quan phủ Thừa Thiên đem nông dân cày hết số ruộng tịch điền hơn 4 mẫu 4 sào, lấy hơn 2 mẫu 9 sào trồng lúa nếp, hơn 1 mẫu 4 sào trồng lúa tẻ.
Sau khi gặt lúa, quan phủ Thừa Thiên hội đồng với bộ Hộ chọn lúa giống để riêng, còn thừa thì chứa vào kho Thần Thương, gặp các tiết lễ Giao Miếu thì thổi xôi. Sau đấy hàng năm việc tế đàn Tiên Nông đều sai Kinh Doãn khâm mạng làm lễ. Lễ cày ruộng tịch điền thì nếu có quan phụng mạng làm thay, cùng những năm vua đi thăm địa phương thì cũng do Kinh Doãn cày thay. Lại sai chọn mua thóc tẻ, thóc nếp ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn Tây thuộc Bắc Thành, lấy những thứ chất gạo trắng tinh, mà khí vị thơm dẻo, giao cho phủ Thừa Thiên chứa để dùng làm thóc giống.
- Canh Tý (1840)Vua Tự Đức sai sứ qua nhà Thanh: Phan Huy Vịnh (chánh sứ), phái đoàn gồm có Lưu Lượng, Vũ Văn Tuấn, Phm Chi Hương, Nguyễn Hữu Huyến, và Nguyễn Du để tạ ơn nhà Thanh năm trước đã cho sứ qua phong vương tại Huế.
- Nhâm Tý (1852)
- Giáp Tý (1864): Cho Nguyễn Công Trứ lãnh chức Dinh Điền Sứ. Nguyễn Công Trứ dâng sớ gồm 3 điều:
-luật pháp nghiêm minh để diệt trừ trộm cướp;
-thưởng phạt nghiêm minh để khuyến khích quan lại;
-khai khẩn ruộng hoang cho dân nghèo..
- Bính Tý (1876): lãnh sự nước Pháp ở Quảng Yên xin khai mỏ than ở Đông Triều. Cho Khâm Sứ nước Pháp là Lê Na xây dinh thự ở phía Nam sông Hương (sau nầy là Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ). Bọn giặc cướp từ bên Tàu qua quấy phá các tỉnh miền núi vùng biên giới. Vua Tự Đức ra lệnh cho các quan địa phương lo việc tuần phòng, đánh dẹp. Miền Bắc lũ lụt, đê Văn Giang bị vỡ nhiều lần... Tháng 6, cử Bùi Ân Niên đi sứ sang nhà Thanh cống hàng năm, tình hình lúc đó đất Nam kỳ đã bị người Pháp chiếm rồi nên vua vẫn hy vọng nhà Thanh giúp can thiệp với Pháp để giữ được Bắc Kỳ. Sự thực nhà Thanh lúc bấy giờ đã suy yếu phải chống đỡ với các nước Tây phương luôn gây sự với Trung quốc nên chẳng giúp gì được nước ta. Theo hòa ước đã ký với Pháp trước đây, Pháp đem tàu thủy, súng, thuốc súng, đạn dược đến tặng cho vua Tự Đức. Vua truyền cho lính tập bắn thử, có người Pháp đến Thuận An huấn luyện cách sử dụng.
- Mậu Tý (1888): Vua Đồng Khánh phong cho Nguyễn Hữu Độ (nguyên Khâm Sai Kinh Lược Bắc Kỳ, tước Vĩnh Lại Bá) được lên tước Vĩnh Lại Quận Công. Nguyễn Trọng Hợp, Thượng Thư bộ Lại, tước Hiệp Biện Đại Học Sĩ được thăng lên Văn Minh Điện Đại Học Sĩ. Sau vụ kinh thành thất thủ 23 tháng 5 Ất Dậu (5/7-1885) do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chủ trương tấn công Pháp thất bại, vua Hàm Nghi theo Tôn Thất Thuyết ra Quảng Trị thì Nguyễn Hữu Độ và Phan Đình Bình từ miền Bắc trở về Huế, hợp tác với Pháp để ổn định tình hình chính trị, đưa vua Đồng Khánh lên ngôi. Nguyễn Hữu Độ là Phụ Chính Đại Thần và con gái của ông là Nguyễn Thị Nhàn được vua Đồng Khánh phong làm Chánh Phi (Hoàng Hậu). 
Mùa Xuân năm Mậu Tý (1888), Pháp muốn chứng tỏ tình hình đã ổn định nên gợi ý cho vua Đồng Khánh tổ chức du Xuân... 
Vua phong cho cha là Hồng Cai tước Kiên Thái Vương.
-Vua ra lệnh cho Quốc Sử Quán làm sách Thực Lục ghi chép việc từ vua Tự Đức thứ 36 (1883) cho đến tháng 8, Hàm Nghi năm đầu (1885)
Tháng 9, vua Hàm Nghi bị Pháp bắt. Tháng 7/1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, sau đó ra Quảng Bình nhưng bị quân Pháp chận đường nên qua sông Tchépône theo đường núi thuộc địa phận nước Lào để ra Hà Tĩnh... Sau khi Tôn Thất Thuyết ra Bắc và qua Trung Quốc cầu viện nhà Thanh thất bại, vua lẩn trốn trong vùng núi thuộc huyện Tuyên Hóa (giáp ranh hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) có Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm ở bên cạnh vua. Tháng 9 năm Mậu Tý (1888) vua bị Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tình làm phản,  Thiệp rút gươm chống cự bị Pháp giết tại chỗ, vua bị đưa về Hà Tĩnh. Vua giữ im lặng, không trả lời và không chịu nhận mình là Hàm Nghị. Nhưng khi người thầy dạy của vua nghe tin, đến yết kiến. Trước mặt ông thầy cũ của mình, vua đã vái chào một cách lễ phép... từ đó, Pháp biết chắc chắn đó là vua Hàm Nghi. Vua Đồng Khánh xin cho vua Hàm Nghi trở về Huế để anh em gặp nhau, nhưng người Pháp từ chối lấy lý do đã đến ngày tàu phải rời bến. Vua liền cho một phái đoàn đến thăm vua Hàm Nghi tại Thuận An. Sau đó, Hàm Nghi bị đày qua Alger (Bắc Phi).-Tháng 11, Nguyễn Hữu Độ mất. Qua tháng sau, ngày 25 tháng Chạp, vua Đồng Khánh đau nặng, ngày 27 tháng Chạp năm Mậu Tý (28/01/1889) vua mất ở điện Càn Thành, thọ 25 tuổi. Các hoàng tử con vua Đồng Khánh đều còn nhỏ tuổi, (hoàng tử Bửu Đảo sau nầy là vua Khải Định, lúc đó mới 3 tuổi) hoàng gia và người Pháp chọn con thứ 7 của vua Dục Đức là Hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi lấy niên hiệu Thánh Thái.
- Canh Tý (1900): khoa thi Hương năm Canh Tý: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Bá Hạp đều thi đỗ cử nhân. Về sau những người nầy đều dấn thân vào con đường tranh đấu, hoạt động cách mạng, khởi xướng phong trào Duy Tân
- Nhâm Tý (1912) Sau khi Tôn Dật Tiên lãnh đạo cuộc cách mạng lật đổ nhà Thanh năm Tân Hợi (1911) thành công ở Trung Hoa, tháng 2 năm 1912 (Nhâm Tý) các nhà cách mạng Việt Nam thành lập Việt Nam Quang Phục Hội tại Quảng Châu, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm Hội Trưởng, Phan Bội Châu làm Tổng Lý.
- Giáp Tý (1924): Vua Khải Định qua đời, hoàng tử Vĩnh Thụy, lúc bấy giờ còn nhỏ tuổi, đang du học tại Pháp, trở về nước thọ tang và lên nối ngôi lấy niên hiệu Bảo Đại. Nhưng mãi đến 1933, ông mới trở về nước chấp chánh.
Ngày 19-06-1924, tại khách sạn Sa Diện (Trung Hoa), Phạm Hồng Thái ném bom ám sát toàn quyền Pháp tại Đông Dương là Martial Merlin nhưng Merlin thoát chết. Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang tự tử. Phan Bội Châu có liên hệ đến vụ nầy nên bị lên án xử tử vắng mặt, Pháp lùng bắt những người yêu nước chống Pháp nhất là đảng viên Việt Nam Quang Phục Hội.
- Bính Tý (1936): Nam Phương hoàng hậu sinh hoàng tử Bảo Long. Vua Duy Tân bị đày ở đảo Réunion, gởi thư cho chính phủ Pháp yêu cầu được trở về nước
- Mậu Tý (1948): Đại diện các tôn giáo, đảng phái chính trị (không Cộng Sản) ở trong nước qua Hồng Kông gặp vua Bảo Đại đề nghị nhà vua đứng ra thay mặt toàn dân đòi Pháp trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 7 tháng 01 năm 1948, trước Tết Mậu Tý, Bảo Đại hội đàm với đại diện Pháp là Bolaert tại Genève, sau đó lại gặp nhau tai Vịnh Hạ Long (trên tàu thủy của Pháp). Ngày 26/3/1948, Bảo Đại tuyên bố đồng ý lập một chính phủ lâm thời để điều đình với Pháp. Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân được đề cử đứng ra thành lập chính phủ lâm thời tại Sài Gòn: quốc kỳ: cờ vàng ba sọc đỏ; quốc ca: bài Thanh Niên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước (có thay đổi lời cho phù hợp với tình hình). Thành phần chính phủ như sau:
- Chủ Tịch HĐ Tổng trưởng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng: TT Nguyễn Văn Xuân 
- Quốc Vụ Khanh Phó C.T Hội đồng TT kiêm Tổng trấn Nam Phần: Trần Văn Hữu
- Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng trấn Trung Phần: Phan Văn Giáo
- Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng trấn Bắc Phần: Nghiêm Xuân Thiện
- Quốc Vụ Khanh: Lê Văn Hoạch
- Tổng Trưởng Lễ Nghi – Giáo Dục: Nguyễn Khoa Toàn
- Tổng Trưởng Nội Vụ: Nguyễn Hữu Trí (sau không nhận)
- Tổng Trưởng Tư Pháp: Nguyễn Khắc Vệ
- Tổng Trưởng Tài Chánh và Kinh Tế Quốc Gia: Nguyễn Trung Vinh
- Tổng Trưởng Công Tác và Kế Hoạch: Nguyễn Văn Tỵ
- Tổng Trưởng Thông Tin, Báo Chí, và Tuyên Truyền: Phan Huy Đán (tức Phan Quang Đán)
- Tổng Trưởng Canh Nông: Trần Thiện Vàng
- Tổng Trưởng Y Tế : BS Đặng Hữu Chí
- Quốc Vụ Khanh tùng Bộ Quốc Phòng: Trần Quang Vinh
- Thử Trưởng tùng dinh Chủ Tịch: Đinh Xuân Quảng
- Thứ Trưởng tùng Bộ Giáo Dục: Hà Xuân Tế
 Công bố bản Tuyên Ngôn Việt – Pháp: Pháp long trọng thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất, VN hứa sẽ gia nhập Liên Hiệp Pháp.
 Quốc Hội Pháp vẫn chưa phê chuẩn hiệp ước Vịnh Hạ Long giữa Bảo Đại và Bolaert.
- Canh Tý (1960): Chính Phủ Ngô Đình Diệm đưa ra kế hoạch dinh điền, đưa đồng bào nghèo ở miền Trung lên định cư ở vùng Cao Nguyên hoặc vào Miền Nam.
- Lực lượng võ trang Việt Cộng bắt đầu phá hoại ở Miền Nam.
- Tại Tokyo, Nhật và Việt Nam ký kết các văn kiện bồi thường chiến tranh.
- Tổng Thống Ngô Đình Diệm đi thăm Đài Loan
- Hà Nội đàn áp các văn nghệ sĩ: Tòa án xử vụ Nhân Văn Giai Phẩm... 
- Cựu Thủ Tướng Nguyễn Phan Long từ trần tại Sài Gòn ngày 15/7/1960 thọ 72 tuổi.
- VNCH cải tổ Nội Các: Nguyễn Văn Lượng thay Nguyễn Văn Sỹ (Tư Pháp);
-Bùi Văn Lương thay Lâm Lễ Trinh (Nội Vụ);
-Nguyễn Đình Thuần thay Trần Trung Dung (Quốc Phòng)... 
- 11/11/1960: đảo chánh lật đổ TT Ngô Đình Diệm thất bại: Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Trung Tá Vương Văn Đông chạy qua Nam Vang... Trung Tướng Thái Quang Hoàng bị phe đảo chánh bắt đi theo qua Nam Vang, Trung Tá Nguyễn Triệu Hồng bị chết.
- Hội nghị Lương Thực và Nông Nghiệp quốc tế tổ chức tại Sài Gòn.
- 8/12/1960: Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm ba vị Tổng Giám Mục tại Hà Nội (TGM Trịnh Như Khuê), Huế (TGM Ngô Đình Thục) và Sài Gòn (TGM Nguyễn Văn Bình), thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Miền Nam)
- 20/12 /1960 CS Hà Nội thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thay cho Mặt Trận Tổ Quốc trước đây để chống Mỹ và chống chế độ Ngô Đình Diệm.
- Nhâm Tý (1972): Ngày 30/3/1972, Quân Bắc Việt có xe tăng yểm trợ vượt qua sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) vùng phi quân sự để tấn công vào tỉnh Quảng Trị. Ngày 2/4/1972, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư đoàn 3 bỏ thị xã Quảng Trị. Ngày 27/4, CS chiếm thị trấn Đông Hà. Ngày 1/5/1972, CS chiếm Quảng Trị. Dân chúng bỏ chạy vào Huế, Đà Nẵng... VC pháo kích giết hàng ngàn người trên đoạn đường Quảng Trị - Hải Lăng (báo chí gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Ngày 13/5/1972, quân VNCH phản công, lập phòng tuyến phía Nam Mỹ Chánh để tái chiếm Quảng Trị. Ngày 26/7, quân Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến VNCH tái chiếm thị xã Quảng Trị, treo cờ trên cổ thành Quảng Trị. Tất cả thành phố chỉ còn lại một đống tro tàn. CS vẫn còn pháo kích và mở các trận đánh chung quanh Quảng Trị. Ngày 15/9/1972, sau 4 ngày cận chiến, quân đội VNCH hoàn toàn tái chiếm thị xã Quảng Trị ở phía Nam sông Thạch Hãn. CS vẫn chiếm phía Bắc sông Thạch Hãn và một vài vùng thuộc Triệu Phong, Hải Lăng... -Trong tháng 5/1972, trong khi tấn công Quảng Trị, quân CS cũng cũng mở các mặt trận tại Kontum và Bình Long, An Lộc nhưng đã thất bại... 
- Giáp Tý (1984) Những năm cuối đời của Lê Duẩn, Tổng Bí Thư đảng CSVN… Lê Duẩn đau yếu chờ chết… Các trại tù cải tạo đàn cho những sĩ quan, nhân viên hành chánh, tôn giáo, đảng phái chính trị VNCH tại miền Bắc bắt đầu chuyển vô Nam, tập trung vào các trại vùng Long Khánh, Bình Tuy để được gia đình tiêp tế thăm nuôi vì đa số tù chính trị VNCH tại miền Bắc đều già yếu, bệnh hoạn, để được gần gia đình, được tiếp tế, thăm nuôi. Số còn lại được tập trung về trại Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (thường gọi là trại Ba Sao)… chờ đợi giải quyết. Sau khi Lê Duẩn chết (1986) Trường Chinh lên làm Tổng Bí Thư chỉ trong vòng 30 tháng thì đến Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư… Thời gian này, Mikhai Gorbachev làm Tổng Bí Thư tại Liên Sô tuyên bố “đổi mới” thì tại Việt Nam Nguyễn Văn Linh cũng tuyên bố “đổi mới”, “đổi mới hay là chết” bắt chước Liên Sô… Các cuộc vận động Quốc Hội Mỹ và TT Ronald Reagan lên tiếng can thiệp cho những người thuộc VNCH đang bị giam cầm lao động khổ sai trong các trại tù cải tạo được tự do… Năm 1987 và 1988, do sự can thiệp của Mỹ, đa số tù chính trị thuộc VNCH được về với gia đình, chỉ còn lại trên 100 người mãi đến 1992 mới được tự do… Năm 1990 CS Liên Sô và các nước Đông Âu sụp đổ… thời điểm thuận lợi cho VN thay đổi chế độ thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Nhưng Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng chủ trương thà mất nước chứ không mất đảng, và đã chạy qua Thành Đô gặp Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đầu hàng Trung Cộng và chấp nhận dâng nước cho Trung cộng, dựa vào thế lực của Trung cộng để duy trì chế độ độc tài CSVN… Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách chủ trương thoát Trung nên bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị… CSVN vẫn ráo riết vận động để Mỹ bãi bỏ cấm vận và đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Do thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam, từ 1990, một số tù chính trị bị giam giữ trên ba năm được đinh cư tại Hoa Kỳ cùng với gia đình, một số khác cũng được định cư tại nước thứ ba với lý do đoàn tụ gia đình.
- Bính Tý (1996) Mỹ bãi bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam… Việt Nam đưa ra chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và kêu gọi các nước đầu tư vào Việt Nam…
- Mậu Tý (2008) Phong trào đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ cho dân và bỏ điều 4 Hiếp Pháp, công nhận đối lập chính trị nổi dây ở Việt Nam từ khi chính quyền CSVN đưa ra “góp ý về Hiến Pháp Mới” nhưng kết quả không đi đến đâu và đảng CSVN vẫn ra sức củng cố chế độ độc tài… nạn tham nhũng từ trên xuống dưới phát sinh một giai cấp mới được gọi là “tư bản đỏ”…
-Canh Tý (2020) từ mấy chục năm nay, nhiều nhân chứng đã lên tiếng báo động với toàn thể dân tộc Việt Nam, bất cứ người Việt Nam ở trong nước hay ở hải ngoại đều quan tâm theo dõi cái gọi là “mật ước Thành Đô” quy định Trung cộng sẽ cho Việt Nam 30 năm để chuẩn bị (1990-2020) năm nay là 2020 đúng 30 năm. Theo tình hình hiện nay thì phe quân đội và dân miền Nam từ Đà Nẵng trở vào cương quyết chống Trung cộng xâm lăng Việt Nam nhưng phe miền Bắc, cụ thể là Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị thì chủ trương “thà mất nước, không thà mất đảng” “còn đảng, còn mình” do đó bọn nầy chấp nhận dâng nước cho Trung cộng? Những việc bọn này làm trong mấy chục năm nay, từng bước dâng nước cho Trung Cộng quá rõ ràng… Không lẽ phe Quân Đội và phe Miền Nam đành bó tay không có phản ứng gì hay sao?
Nguyễn Lý Tưởng





Không có nhận xét nào: