Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Chữ Nghiã Làng Văn VII - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng



Chữ Nghĩa Làng Văn VII  
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Chữ Nghĩa Làng Văn 


Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau. Một đôi câu đối thì mỗi câu là một vế: vế trên, vế dưới; nếu do một người nghĩ ra và một người đáp lại thì gọi là: vế ra (xuất), vế đối.

* Đối chữ:
Về thanh: bằng đối trắc, trắc đối bằng:
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quảy;
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu. 
Tết (Trần Tế Xương)


(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)
* Chữ Việt Cổ


Những cứ liệu từ cổ rất đa dạng, do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.


Cốc đạo: hậu môn 


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



*Tìm hiểu lính thú thời xưa  
Lính khố đỏ

“Lính khố đỏ” (tirailleurs indochinois hoặc milicien à ceinture rouge) là lực lượng vũ trang chính của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương dùng người bản xứ làm quân đội chính quy. 

Lính khố đỏ có hai loại:
- Lính khố đỏ Nam Kỳ (tirailleurs annamites, tirailleurs cochinchinois hay tirailleurs saigonnais);
- Lính khố đỏ Bắc Kỳ (tirailleurs tonkinois

   
 Lính khố đỏ tại Hà Nội    Lính khố đỏ tại Sài Gòn

Danh từ “Lính khổ đỏ” xuất phát từ quân phục của nhóm này gồm quần áo chẽn, nón dẹp (sau đổi nón chóp), và giải thắt lưng màu đỏ buộc ở bụng, đầu giải buông thõng ở bẹn giống như cái khố nên người dân Việt mới gọi là “khố đỏ”.
Đúng ra người lính mặc quần chứ không phải khố.


Câu đối lơ mơ lỗ mỗ


Mình khuyên mình, mà mình nói mình mình nghe
Mình nói để tự mình mình, mình cứ lo mình mình đi

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

cao ráo: cao và khô ráo

* Làng văn xóm chữ với… Tam Quốc Chí

Cục diện Tam Quốc

Thời Tam Quốc bên Tầu nước ta có bà Triệu Ẩu.
Đó là kiến thức sử học lớp đồng ấu được giữ lại trong trí nhớ của người viết khi còn nhỏ, về thời Tam Quốc và nữ anh hùng họ Triệu nổi lên chống laị sự đô hộ của Tôn Quyền ở Đông Ngô

Rồi lớn hơn một chút, khi đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, người viết như những người bạn đồng trang lứa, đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa chỉ vì say mê muốn biết những nhân vật trong truyện, xem họ đánh nhau như thế nào, ai thắng ai thua, chứ chưa hoàn toàn chưa hiểu Tam Quốc là thời đại nào.

Thật ra Tam Quốc, theo sự phân định của các nhà sử học, thì đó là thời kỳ bắt đầu từ năm 220 CN khi Tào Phi phế Hán Hiến Đế lên thay nhà Hán, thiết lập nước Ngụy (sử gọi là Tào Ngụy).

Sau đó vào năm 221 CN, Lưu Bị xưng đế thành lập nước Hán (sử gọi là Thục Hán.)
Năm 222 CN, Ngô Quyền xưng Ngô Vương, kiến lập nước Ngô (sử gọi là Tôn Ngô), tạo nên thế chân vạc, Tam Quốc đỉnh lập.

Năm 263 CN, nhà Tào Ngụy diệt nhà Thục Hán, trải hai đời vua, tổng cộng 43 năm.
Năm 265 CN, họ Tư Mã đoạt ngôi nhà Tào Ngụy lập nên nhà Tây Tấn, chấm dứt thế chân vạc. Nhà Nguỵ trải năm đời vua, tổng cộng 46 năm.
Năm 280 CN, nhà Tây Tấn diệt Ngô, thống nhất toàn quốc, kết thúc thời kỳ lịch sử Tam Quốc, tổng cộng 61 năm. Nhà Ngô trải qua bốn đời vua, tổng cộng 59 năm.
(Phạm Xuân Hy)   

Tôn Quyền phát triển thế lực từ hạ du sông Trường Giang, đến địa khu Kinh Châu nằm ở trung du sông Trường Giang, đồng thời thôn tính Giao Châu của nước ta.


Phúc thần
Theo sách Việt Nam phong tục, mỗi làng phụng sự một vị thần hoàng; có làng thờ hai ba vị, gọi chung là phúc thần. 

Phúc thần có ba hạng:
Thượng đẳng thần là những thần danh sơn Đại xuyên, và các bậc thiên thần như Sử đồng tử, Liễu Hạnh công chúa... Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là thiên thần. 
Thứ nữa là các vị nhân thần như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm thượng đẳng thần.

Trung đẳng thần là những vị thần ân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng, hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm trung đẳng thần.

Hạ đẳng thần do dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo dân mà phong cho làm hạ đẳng thần. 
(Thần Thành hoàng - Bùi Thụy Đào Nguyên)


* Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Mộng
Một hôm mộng thấy:
- Giàu sang tột đỉnh
- Quyền cao chức trọng
- Hạnh phúc tràn đầy...
Giật mình tỉnh giấc: ta vẫn là ta
Buồn

Mộng
Một hôm mộng thấy :
- Nợ nần bủa vây
- Bệnh hoạn tật nguyền
- Tai họa triền miên...
Giật mình tỉnh giấc: ta vẫn là ta
Mừng

Mộng
Một hôm mộng thấy... 
Kệ.


* Bên hè phố sách

Từ đền sách cấm Parthenon ở Đức, Buenos Airs
tới chiến dịch cộng sản đốt sách miền Nam 1975
 
image

Đền “Sách cấm Parthenon”, phải, tác phẩm của nữ nghệ sĩ Argentina, Marta Minujín, phối hợp thực hiện với lễ hội nghệ thuật documenta14 tại Kassel, Đức Quốc, 2017 với 100,000 cuốn sách từng bị cấm trong kho tàng văn học nhân loại. Trái, khách thăm đền chiêm ngưỡng những cuốn sách bọc trong giấy nhựa quấn quanh các cột đền. (Ảnh Gordon Welters/The New York Times)

Bản tin của tờ báo Atlas Obscura tới hộp thơ có một cái tựa gợi óc tò mò của tôi: “Một đền sách cấm Parthenon dựng tại nơi đã từng dùng để đốt sáchNơi đã chứng kiến cảnh tượng đốt sách đó là khuôn viên Viện Bảo tàng Fridericianum của thành phố Kassel, nguyên xưa là một thư viện, nơi vào năm 1933 Đức Quốc Xã đã đốt khoảng 2,000 cuốn sách trong cái gọi là chiến dịch chống lại tinh thần phản Đức Quốc.
Kassel, nơi cứ mỗi 5 năm một lần diễn ra lễ hội nghệ thuật kéo dài nhiều ngày trưng bầy các nghệ phẩm hiện đại có tên là documenta (không viết hoa chữ d). Hình thành vào năm 1955, mục đích trưng bầy những tác phẩm mà Đức Quốc Xã cho là “sa đoạ” và hủy diệt. Chỉ tại Kassel mới có dựng Đền sách cấm.

Đền sách cấm Parthenon rập khuôn kiến trúc và kích thước thật của đền Parthenon, một ngôi đền cổ hiện còn di tích và đang được trùng tu trên đồi Acropolis tại thủ đô Athens, Hy Lạp. Xây cất từ năm 438 trước Thiên Chúa để thờ Nữ thần Athena. Parthenon, một kiến trúc nguy nga, vốn là cái nôi và biểu tượng của nền dân chủ đầu tiên của văn minh Tây phương.
Do nữ nghệ sĩ người Argentina, Marta Minujín, 74 tuổi, thực hiện, tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đền sách cấm này thành hình với sự đóng góp của sinh viên thuộc Đại học Kassel. Ban tổ chức cho biết việc trưng bầy các tác phẩm cấm của toàn thế giới từ xưa tới nay lên khung toà Parthenon tượng trưng dân chủ này, nữ nghệ sĩ Minujín muốn kêu gọi chúng ta hãy suy ngẫm về vai trò của các thể chế chính trị độc tài đòi kiểm soát tư tuởng của con người.
(Trùng Dương)


Phết


Phết: dáng dấp bề ngoài
(ra phết quan lớn)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


Ở nhà quàn


      Khách khứa lục tục đến viếng khi tôi đang nằm chết cứng với bộ “com lê”. Nói theo nhà Bụt, người chết không nên mặc quần áo ngon lành. Vì người chết luyến tiếc đời tục lụy nên chẳng chịu về cõi cực lạc cho khổ cái thân. Người nhà cũng đừng khóc lóc như níu kéo người chết, khiến hương linh người chết bị vướng víu không lên niết bàn được mà… ở lại cũng không xong. 


      Trên bàn thờ cạnh áo quan, ảnh chân dung tôi chẳng giống thằng tôi nằm trong áo quan tí nào Vì có tới hai cái tôi: “Tôi”, trong áo quan. “Tôi”, trong chân dung. Chẳng biết “tôi” nào là tôi thật, tôi giả. Nhớ tuần ngồi ngoài vườn phùng trường tác hí nghe ai đấy bậm bạm về “hạc nội mây ngàn” là… chết. 
      Nhưng về cái chết chữ Việt ta có nhiều chữ lắm, có bao nhiều chữ cùng nghĩa như: tạ thế, ngỏm, chầu giời, ngoẻo, tử, héo, tỏi, tịch, mất, toi, khuất núi, xuống suối vàng, về với đất, gặp ông thánh Phê-rô, về cõi tĩnh mịch, về quê, phiêu diêu miền cực lạc, về cõi, bán muối rồi, v…v… và còn nhiêu nữa.


Đoàn hộ niệm lục tục tới nhà quàn đọc kinh cầu siêu cho tôi được siêu thoát lên niết bàn. Trong khi tôi nằm đây và đang phiêu diêu với “sinh ký dã, tử quy dã”. Vậy chứ quy về đâu? Thế là hồn vía tôi chui tọt qua tường sang phòng bên cạnh để thăm hỏi. Ông này cho biết vừa “lâm sàng” đã có người cõi trên mặc quần áo màu bao bố, bao cát chùm đầu từ trên xuống dưới và lúc nào cũng quay mặt đi. Không nói một tiếng, chỉ lặng lẽ nắm tay ông đưa về khỏang thời gian, không gian nào đấy. 


Người cõi trên dẫn ông về Hà Nội tới phố Hàng Kèn, có phường kèn trống bát âm. Còn người khiêng đòn đám ma ở phố Hàng Hòm vì kiêng cái hòm, “cái xăng“ nên người Hà Nội gọi là phố Lò Xũ. Ở đây ông gặp mấy bác đô tì ngồi trên chõng tre tì tì đánh chén sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ còn có hay không.
(Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)



* 113 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ


Như vậy một thời gian, hôm đó vào ngày Chủ nhật, thân nhân của anh Côn mới lại tới trại để thăm nuôi anh, nhưng tên cán bộ phụ trách thăm nuôi không cho gọi anh Côn ra gặp mặt vì qui định trong trại tù là can phạm đang trong thời gian bị kỷ luật không được phép thăm nuôi tiếp tế. Anh nằm một chỗ, nhưng anh em vẫn thỉnh thoảng chia xớt cho anh chút ít đồ ăn, thuốc men. (…)
Thế là trong đêm đó, anh Côn đã ra đi vĩnh viễn!
Anh nhắm mắt tắt thở ở trong trại, trong khi thân nhân của anh vẫn còn nằm ôm đống đồ tiếp tế cho anh, ngủ lại qua đêm trong nhà thăm nuôi ngoài cổng trại.

Những chi tiết này do Duyên Anh và Đằng Giao kể lại cho tôi vì hai anh có nhiều đệ tử trong giới tù hình sự đã nói lại. Chỉ biết là sau đó, anh Côn được nằm trong một cái hòm gỗ đóng thô sơ, may mà trại có một xưởng cưa máy, nên sẵn ván, nếu không thì chỉ bó chiếu. Hòm được đặt trên một chiếc xa cải tiến, loại xe kéo có bánh sắt. Đưa anh đi chỉ có bốn người tù hình sự vừa kéo, đẩy xe vừa mang cuốc, xẻng đào hố chôn anh ở đâu đó trong rừng. 

Mấy người tù hình sự đã đi chôn anh Côn, sau này kể lại là đã đánh dấu nấm mộ bằng những cục đá và chặt khắc lên thân cây cũng gần đó. Nhưng rồi không biết thời gian đã qua đi, có ai còn nhớ để chỉ lại cho thân nhân của anh nữa không?

Thế là cũng xong một kiếp người. Hai tay buông xuôi là hết!
(Nguyễn Mạnh Côn: Tranh đấu và chết trong tù – Lê Thanh Sơn)



Vũ Hoàng Chương


Vũ Hoàng Chương (1916-1976) sinh ở Nam Định. Có bằng tú tài Tây. Đã theo học trường luật, nhưng lại bỏ để làm thanh tra Sở Hoả xa hơn một năm. Dạy tư một độ, hiện giờ theo học ban cử nhân toán. Ông.là một trong những nhà thơ tài năng của
nền thi ca Việt Nam.

 


Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, chính vì thế nên văn thơ của ông cũng có sự ảnh hưởng, tiếp xúc từ thơ văn chữ Hán, tạo nên chiều sâu cũng như sức gợi cho các câu thơ. Theo như các nhà chuyên môn, phê bình văn học đánh giá, văn phong của nhà thơ Vũ Hoàng Chương có hơi hướng hoài cổ, câu từ sang trọng, chau chuốt. Chính vì thế nên đã tạo ở nơi ông nét riêng độc đáo, cũng như làm nên giá trị cho các tác phẩm thơ. Điều đặc biệt hơn cả, Vũ Hoàng Chương từng được vinh danh là "Thi bá" của Việt Nam.
                                                
Một số tác phẩm nổi tiếng: Bài ca ngư phủ, Chén rượu đôi đường, Thơ say (1940). Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của phương Đông: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: say thuốc phiện. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ. Vũ Hoàng Chương có cái dụng ý muốn say để làm thơ.
Tôi yêu những vần thơ chếnh choáng, lảo đảo mà nhịp nhàng:
Âm ba gợn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần... 
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân.
Lui đôi vai, tiến đôi chân,
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió...

.
Quả là những vần thơ say.
Kể, cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng còn dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng. Mỗi lần nói đến hôn nhân, Vũ Hoàng Chương có giọng khinh bỉ vô cùng. Người thấy hôn nhân chỉ là sự chung chạ của xác thịt, một sự bẩn thỉu đã làm dơ dáy bao mộng đẹp của tuổi hoa niên:
Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải,
Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn.
Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi Hạ giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.
 
Tháng 9-1941
(Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh/Hoài Chân)



* Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn

Nhạc Trịnh Công Sơn không được xếp vào loại nhạc vàng, không phải ngẫu nhiên mà một số trang web âm nhạc ưu ái để hẳn một thể loại nhạc riêng, đó là thể loại Nhạc Trịnh. Nhắc đến Nhạc Trịnh Công Sơn, có lẽ người ta sẽ nghĩ đến những triết lý, sự mông lung trong nhiều tầng lớp ý nghĩa của ca từ
bài hát.
   
Ngay cả những người sâu sắc và từng trải nhất cũng không dám khẳng định là “mình hiểu hết ý nghĩa nhạc Trịnh”. Bài viết này không có tham vọng giải thích cặn kẽ, chi tiết những ca từ nhạc Trịnh, chỉ viết lại những hiểu biết gom nhặt được trong quá trình tìm hiểu nhạc Trịnh. Hy vọng khi đọc qua bài viết này, người yêu nhạc Trịnh sẽ có cảm giác: À, thì ra là thế…(xem kỳ tới)
(Đông Kha)



* Giai thoại làng văn xóm chữ
Toàn chó cả thôi


Ích Khiêm người làng Phong Lệ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vốn dòng dõi người cao nguyên, trước họ Ong đến đời Tự Đức thi đỗ cử nhân, vua cho đổi thành họ Ông.


Bấy giờ vua Tự Đức đã mất, triều chính rối loạn, Tường và Thuyết chuyên quyền, văn thần võ tướng chỉ là một lũ cầu an không ai lo đến việc nước. Ông bực dọc bèn đặt ra một tiệc mời khắp mặt đại thần tới dự. Các món ăn đều làm bằng thịt chó. 
Lúc vào tiệc, nhiều người không ăn được thịt chó, ngập ngừng hỏi món ăn khác, thì ông trả lời: 
- Bẩm, bữa cơm hôm nay toàn chó cả thôi. 


Cơm xong, các quan gọi nước, mãi không thấy người nhà đưa lên. Vì ông đã dặn trước đừng đưa nên ai nấy đều khô cổ vì rượu. Một lúc sau, người nhà lên ông mắng ầm: 
- Lũ chúng bay chỉ biết ngồi ăn hại, còn thì không biết việc nước là gì cả. 
Các quan đều tím mặt.
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Giai thoại làng nho 1963)



* Chữ và nghĩa

Rồi mùa rạ ngã rơm khô
Bậu về quê bậu, biết nơi đâu mà tìm



Trong câu này có chữ rồi thay chữ mút, có chữ bậu thay chữ bạn, có chữ đâu thay chữ
Và ta nên chú ý vần âu (bậu, đâu) thay vần ô (khô; mô) mà vẫn giữ âm hưởng trùng vận, và đây là “nội vận” (bậu và đâu).

Ngoài ra ta cũng nên lưu ý nơi chữ bậu. Trong Nam có câu ca dao dí dỏm, mặc dầu nghe rất dữ tợn như:
Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay ta
Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn


Hai câu trước là đưa ra sự kiện có thể xảy ra, còn hai câu nối tiếp là “dằn mặt, đe dọa, hăm he xé xác, nghe mà rởn gáy”. Nhưng mà không can chi, người mình ưa “giơ cao đánh khẽ”, chỉ khoa trương bằng lời nói, mà rốt cuộc cũng nương tay.

Cái điều chúng ta thắc mắc là chữ bậu. Theo tôi do sự rút ngắn của hai chữ phàng dậu là cách đọc giọng Quảng Đông của hai chữ bằng hữu. Còn hai chữ mạo dậu mà ta thường nghe phía Hải Phòng, là do hai chữ ma hữu, có nghiã là “không có” chi cả!
(Thành ngữ tiếng Việt – Bao La Cư Sĩ)

 

* Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo

Bắc nấu thịt cầy, Nam chê thịt chó
Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi

 

* Bên hè phố sách
Đền Sách cấm Parthenon có kích thước thật của ngôi đền cổ trên đồi Acropolis, với những hàng cột kết bằng ống thiếc, bao bọc xung quanh cột là khoảng 100,000 ấn bản của những cuốn sách đã bị cấm, nay đang được lưu hành, hoặc vẫn còn bị cấm đó đây.

Trong danh sách khoảng 70,000 tựa sách bị cấm trên toàn thế giới, chỉ có các ấn bản của khoảng 170 cuốn sách thuộc nhiều ngôn ngữ đã được gửi tới từ các nơi trên thế giới để góp phần dựng nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhằm ca ngợi cái đẹp của tự do tư tưởng và sáng tạo. 
Khởi công từ cuối năm rồi cùng với lời kêu gọi đóng góp các cuốn sánh đã từng bị cấm từ trước tới giờ, hiện vẫn bị cấm hay đã được lưu hành, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

             
             

Đền sách cấm/El Partenón de Libros của nữ nghệ sĩ Marta Munijín dựng tại thủ đô Buenos Aires, Argentina, năm 1983 khi chế độ quân phiệt độc tài bị lật đổ sau bẩy năm nắm quyền. Nhỏ bằng nửa kích thước thật của đền Parthenon ở Athen, Hy Lạp, El Partenón được quấn quanh bởi 20,000 cuốn sách bị chế độ quân phiệt cấm trong bẩy năm cầm quyền. Dân Agentina kéo đến thăm Đền sách cấm ăn mừng nền dân chủ vừa được vãn hồi. 
(Trùng Dương)

 

* Chữ nghĩa làng văn


Thể thơ, bản thân nó chỉ là khuôn hình của tác phẩm văn học. Cũng giống như khuôn hình làm bánh trung thu vậy. Nhưng chất lượng của bánh trung thu không phụ thuộc vào cái khuôn đúc bánh, mà nó tùy thuộc vào phẩm chất các nguyên liệu của người làm bánh. Cố nhiên, độ dày độ mỏng, độ vuông độ tròn, tỉ lệ cân đối hay không cân đối, dáng vẻ bắt mắt hay không bắt mắt... Thể thơ lục bát cũng vậy. Nó vốn có từ trong dân gian. Nhiều người và qua nhiều đời đã dùng nó để đúc ra các bài ca, khúc hát...


Nhưng phải đến Nguyễn Du , với tài năng lỗi lạc của mình, ông mơi đúc ra được một truyện Kiều tuyệt tác. Trong quá trình đúc truyện Kiều, ông đồng thời cũng căn chỉnh, uốn nắn lại cho cái khuôn hình lục bát trở thành thuần khiết và điển phạm nhất. 


Nhưng vì sao khi viết truyện Kiều, Nguyễn Du lại chọn thể thơ lục bát? Thực ra thì Nguyễn Du cũng đã từng viết rất nhiều thơ chữ Hán theo thể thơ bát cú Đường luật. Ông cũng đã viết "Văn tế thập loại chúng sinh" nổi tiếng bằng thể thơ song thất lục bát. Trước ông đã có người dùng bát cú Đường luật để kể chuyện và không thành công. Nhiều người khác cũng đã dùng thơ lục bát để diễn nôm lại các câu truyện cổ nhưng cũng rất ít thành công về mặt nghệ thuật văn chương. Nhưng khi viết truyện Kiều, Nguyễn Du vẫn lựa chọn thể lục bát. Có lẽ là vì ông đã nhìn thấy những ưu việt hơn hẳn của thể thơ lục bát so với các thể thơ khác.
(Đỗ Đình Tuân - Những ưu việt của thơ lục bát)



* Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


lộng hành 弄行, lộng quyền 弄權 

Lộng hành nghĩa là hành động một cách coi thường mọi người. Lộng quyền nghĩa là đem quyền hành ra làm trò đùa, muốn làm gì thì làm, chẳng kể gì đến phép tắc luật lệ.

Chữ lộng 弄 có một số nghĩa thông thường là: chơi đùa; đem sự vật khác hoặc sự việc khác ra làm trò đùa; khinh nhờn, coi thường. 
Với nghĩa như thế, người ta còn có từ lộng nguyệt, nghĩa là chơi đùa với trăng, tức là vui chơi dưới ánh trăng, lộng ngôn là nói năng bừa bãi, thích nói gì thì cứ nói, và lộng bút nghĩa là viết lách vô trách nhiệm, không biết cũng viết bừa, coi thường mọi người. Tiếc thay, soạn giả chỉ nắm được nghĩa sơ sài của các từ lộng hành và lộng quyền rồi suy ra rằng, “lộng” nghĩa là lấn át. Chưa kể đến hàng trăm trường hợp giảng giải liều lĩnh khác, chỉ riêng trường hợp này cũng đã đủ cho phép mọi người coi ông là một kẻ lộng bút. 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

* Chữ và nghĩa 
Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những từ ngữ “hiểm hóc”, đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng những trở ngại về từ ngữ cổ

Xin nêu một dẫn chứng cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam vừa dẫn đã chép lộn tràng trong câu “áo cứ tràng; làng cứ xã”  thành chàng, rồi diễn giải: “Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình." 

Thực ra, tràng là một từ cổ chỉ cái vạt trước của chiếc áo dài (thời xưa). Bởi thế, đây không phải là lời chê trách thói ỷ lại, mà là lời nhắc nhở người đời sau nên dựa vào cái gì khi định cắt may/bình phẩm về áo quần, cũng như nên dựa vào ai khi cần xét đoán/bình phẩm về dân tình sinh sống trong làng xã. 
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)



* Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hộ khẩu là… hậu khổ.


Địa danh Cochinchina gây nhiều hiểu lầm
Nhân dịp cũng nên biết qua về dịa danh China. Năm 255 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, thì nước này lấy tên họ Tần coi như tên nước. Chữ Hán viết và ta đọc Tần, người Hoa đọc là Ts’in; theo cách đọc của người Hoa, người La Mã viết ra chữ La tinh là China, người nhiều nước Tây Âu viết thành China và riêng người Pháp thì đọc và viết ra Chine.

Ngày nay, Trung Quốc lấy địa danh China để chính thức gọi tên nước mình tại Liên Hiệp Quốc và khi dịch các văn kiện ra tiếng Pháp thì cũng sử dụng địa danh Chine. 

Như vậy suốt thời trung cổ, từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVI, các bản đồ cổ ngoại quốc đều ghi tên nước ta là Giao Chỉ. Người Trung Hoa thì ghi bằng chữ Hán vuông, người Tây phương thì ghi theo cách phát âm tương tự bằng chữ Latinh như: Cauchy, Quochim, Cauchi, Cochi, Kuchi, Kochi, Kching, Cocin, Quamchum, Cauchin, Cochin… tới đầu thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha thấy bên Ấn Độ có một thành phố mang tên là Cochin giống với tên CoCin (Giao Chỉ), nên ghi nước ta cho rõ là “Cochin gần Chi Na” tức… Cochinchina

Cho đến cuối thế kỷ XVI, các dạng ghi âm khác nhau của từ Giao Chỉ hay “Giao Chỉ ở phía Chi Na” đều để chỉ toàn quốc Đại Việt.
Chúng ta đều biết cuộc tranh chấp giữa hai họ Trịnh và Nguyễn từ sông Gianh trở ra gọi là Đàng Ngoài. Từ sông Gianh trở vào gọi là Đàng Trong. Trong thư tịch Việt Nam, chúng tôi chưa tìm ra hai địa danh Đàng Ngoài và Đàng Trong xuất hiện khi nào. 

Nhưng may nhờ có tấm bản đồ từ sách của Manguin với chú giải “Bản đồ của tác giả vô danh do Bartolomeu Lasso công bố và khắc họa bởi Petrus Plancius năm 1592 - 94”. Như vậy, trước năm 1592 Đại Việt đã chia ra Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các bản đồ Tây phương gọi Đàng Ngoài là Tunquin (Đông Kinh, tên Thăng Long từ 1430) và gọi Đàng Trong là Cochinchina (Giao Chỉ Chi Na, một địa danh trước đây gọi chung cả nước Đại Việt).

Năm 1884, Pháp xâm chiếm xong nước ta, rồi chia việc hành chính lãnh thổ làm 3 kỳ: Bắc kỳ Pháp gọi là Tonkin, Trung kỳ Pháp gọi là Annam và Nam kỳ Pháp gọi là Cochinchina.

Nghiên cứu địa danh Giao Chỉ và địa danh Cochinchina thật là khó khăn. Sự kiện gắn từ Giao Chỉ với từ Chi Na với nhau gây ra biết bao ngộ nhận và tai hại mà nay vẫn chưa lường hết.
(Nguyễn Đình Đầu)








































Không có nhận xét nào: