ĐÀN BƯỚM LẠ TRONG VƯỜN
Truyện ngắn của Nguyễn Lý Tưởng
(24-4-1998)
Cường đang nằm trên giường, nghe mẹ nói:
- Chuẩn bị xe kéo, ngày mai mình đi...
Cường nghe chú Sự “Dạ” một tiếng đáp lại... và không nói gì thêm. Bầu không khí trở nên im lặng, Cường nghe rõ từng bước chân của mẹ...
- Mai mẹ đi thăm cháu nội.
- Mẹ có cho Cường đi theo không?
- Có.
Cường sung sướng quá, cảm thấy mình khôn lớn hẳn lên. Năm đó, Cường mới bốn năm tuổi, Cường vẫn được mẹ cho ngủ chung giường với mẹ. Tối nào mẹ cũng bảo Cường vô giường ngủ trước đi vì mẹ bận nhiều công việc. Mẹ phải nhắc nhở và kiểm soát người làm trong nhà xem họ đã làm xong mọi việc chưa. Những việc lặt vặt như giã gạo, rửa chén bát, nồi niêu, soong chảo, cho heo cho chó ăn, dọn dẹp đồ đạc cho gọn gàng, nhớ đóng cửa, đóng ngõ, cài then cẩn thận...
Nhà Cường đã mấy đời theo nghề nông, làm ruộng vườn và chăn nuôi gia súc nên trong nhà có nhiều người giúp việc. Dân quê nghèo, không có đất ruộng để cày cấy, nhất là vào những năm mất mùa, đói khát như nạn đói năm Ất Dậu 1945, con sinh ra không nuôi nổi, phải xin vào làm con nuôi hoặc ở làm việc cho nhà giàu: giữ em, cắt cỏ, giữ trâu, nấu ăn hoặc làm mọi việc lặt vặt trong nhà tùy theo tuổi và tùy theo khả năng có thể làm được. Những lực điền, thanh niên, thiếu nữ thì ra đồng cày cấy, gieo vãi, trồng trọt, nhổ cỏ, cuốc đất, thu hoạch mùa màng v.v.
Chú Sự là một thanh niên, khỏe mạnh, tính tình điềm đạm, làm việc chăm chỉ, mau mắn, hiểu ý chủ, biết vâng lời, thấy việc là làm không đợi chủ sai bảo. Vì thế cha mẹ Cường rất thương chú. Chú mồ côi cả cha lẫn mẹ nên đến ở trong nhà Cường từ nhỏ. Cha mẹ Cường xem chú như con cháu, lo cho chú đủ mọi thứ và cũng tính chuyện tìm người xứng đáng để cưới vợ cho chú nữa.
Dưới thời Pháp thuộc, trước 1945, dân quê đi đâu thường đi bộ hoặc đi thuyền nếu có chuyên chở nặng. Nhà giàu thì nuôi ngựa, vừa để kéo xe hoặc để cỡi. Nuôi ngựa tốn kém mà không tiện bằng xe đạp. Xe đạp thì đắt tiền nhưng phong trào đi xe đạp đang lên, mỗi làng cũng có vài người sắm xe đạp, nhất là thành phần công chức, làm việc cho nhà nước ở tỉnh hay các thầy giáo ở miền quê. Các quan lớn trong chính phủ Nam Triều như Tri Huyện, Tri Phủ, Tuần Vũ, Án Sát trở lên, hoặc các ông Tham Phán, Thông Ngôn làm việc cho Chính Phủ Bảo Hộ Pháp ở các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn v.v. mới có xe hơi; các tỉnh nhỏ không ai sắm nổi ngoài quan đầu tỉnh hay Công sứ Pháp. Đối với nhà dân, chiếc xe kéo cũng sang trọng như xe hơi bây giờ.
Cha Cường và anh Thông đã bán ngựa để sắm xe đạp, nhưng cha nghĩ đến mẹ và mua cho mẹ chiếc xe kéo, để khi mẹ cần đi đâu xa, có xe cho mẹ đi. Mẹ lại đèo thêm Cường, nên cha sắm chiếc xe kéo đó cũng vì Cường. Thường khi mẹ đến nhà bà ngoại hay đi thăm bà con trong làng hoặc đi nhà thờ đọc kinh, xem lễ thì mẹ dẫn Cường đi theo. Mẹ nắm tay Cường dẫn đi chứ không ẳm Cường như hồi còn nhỏ nữa. Những khi mẹ đi chợ hay ra đồng trông coi thợ làm việc thì mẹ để Cường ở nhà cho chị Ẩn chăm sóc.
Cường cảm thấy mình khôn lớn hẳn lên vì lần nầy mẹ cho Cường đi chơi xa, Cường sẽ được đến một nơi nào đó mà Cường chưa bao giờ biết. Nơi đó là nhà cha mẹ chị Thông, chị dâu của Cường. Mẹ thường nói với mọi người trong nhà:
- Chị Thông là con út nhà người ta. Nhưng về làm vợ anh Thông là con đầu dâu trưởng nhà mình.
Mẹ trao chìa khóa cho chị, chị có quyền chi tiêu tiền chợ, đong gạo, trả tiền công cho người làm, thậm chí khi bán lúa bán đậu hay hoa trái trong vườn hoặc có khi bán gà, vịt, heo, bò v.v. mẹ cũng đều trao cho chị giải quyết hết. Mẹ nói:
- Trong nhà có con dâu, “dâu là chính lễ, rễ người dưng”, chị Thông phải thay mẹ mà quán xuyến mọi việc. Gia tài này là của con cái, khi cha mẹ già, cha mẹ chết đi thì để lại cho con. Mẹ không muốn kiểu “mẹ chồng nàng dâu”, con dâu mẹ cũng thương như con ruột của mẹ. Con dâu thì sinh con cháu dòng họ nhà mình, con gái đi lấy chồng là con người ta.
Anh Thông chị Thông có con, vậy là Cường được lên chức chú rồi. Anh Thông lớn hơn Cường gần hai chục tuổi, nên tuổi của Cường với tuổi của con anh Thông không cách xa nhau bao nhiêu. Anh Thông đi làm việc ở tỉnh xa, cuối tháng lãnh lương mới về nhà. Chị Thông sinh con so, con đầu lòng nên bên cha mẹ chị Thông xin cho chị về bên đó sinh đẻ. Tục người mình hễ “con so thì về nhà mẹ...” do đó mà chị Thông không sinh con đầu ở nhà chồng. Trước khi cưới chị Thông, anh Thông có quen một cô gái nào đó, nhưng cha của Cường nói với anh Thông rằng:
- Cha mẹ không biết gốc gác cố ấy như thế nào, nghe nói nhan sắc cũng tầm thường thôi, không khéo còn thua con gái trong làng thì thiên hạ cười cho.
Cha của Cường chơi thân với cụ Hường, chú của chị Thông. Cụ đó làm quan, tước Hường Lô tự Khanh nên người ta chỉ gọi là cụ Hường mà không dám gọi tên tục. Người anh chị Thông cũng là một viên chức hành chánh xưa, cũng là người quen biết với gia đình Cường. Nói chung cũng là gia đình danh giá... Cha mẹ khuyên anh Thông nên chọn đám đó.
Cường ngủ say lúc nào không biết, đến khi nghe tiếng mẹ gọi chuẩn bị lên đường thì trời đã sáng rõ... Mẹ thay áo quần mới, giày mới cho Cường. Mẹ giục chú Sự đi sớm cho mát. Chiếc xe kéo gọng đồng, sơn đen bóng loáng như sơn mài, nệm bọc da, mui xe bằng vải có tráng nhựa để chống mưa. Mấy tháng trước, khi mới đem xe về, Cường và bọn trẻ cùng tuổi thường leo lên xe ngồi chơi, bóp chuông kêu keng keng và rất lấy làm thích thú. Chú Sự chỉ tập kéo xe chạy trong sân nhà, ra ngõ rồi trở vào, không thấy đi đâu xa. Hôm nay là lần đầu tiên, Cường được đi xe với mẹ. Cường rất thỏa thích.
Chú Sự cầm càng xe giữ thăng bằng, mẹ ẳm Cường ngồi lên xe, chị Ẩn mang giỏ thức ăn và quà biếu cha mẹ, họ hàng bên chị Thông. Mẹ đã chuẩn bị nào giò chả, bánh trái, xôi gấc, thịt heo quay... cả những quần áo cho trẻ em mà bà con bạn bè bên nội gởi tặng cháu. Trước năm 1945, những thứ đó là những thứ hàng quà đặc biệt, chẳng mấy ai ở nhà quê có được. Cường thấy mẹ mang theo những chiếc áo đầm, những đồ chơi dành cho con gái nên Cường hỏi mẹ:
- Chị Thông sinh con trai hay con gái hở mẹ?
- Chị Thông sinh con gái. Cha và anh Thông mong có cháu trai, cháu đích tôn của dòng họ, nhưng Trời cho con gì thì mình nuôi con đó. Mẹ cũng thích có cháu gái đẹp, dễ thương. Con gái lớn lên được nhờ sớm, có bán gả thì mình được ăn cỗ. Con trai nuôi tốn tiền cho ăn học, lại tốn tiền cưới vợ. Cháu trai nghịch ngợm lắm. Mẹ chỉ có mình mầy mà cũng không chịu nổi cái phá phách của mầy đó, nay lại thêm đứa cháu trai nữa chắc chú cháu mày có ngày phá sập nhà! May mà cháu gái...
Nói xong mẹ cười. Cường cũng cười. Cường tuy nhỏ tuổi nhưng tính nghịch ngợm , hay trốn mẹ ra vườn leo trèo, hái khế, hái ổi. Có lần, Cường leo lên cây khế vin nhánh cây đi trên mái nhà để hái những trái khế chín thật lớn. Mùa Đông, mái nhà rêu phong, trơn trượt, nhánh cây gảy, Cường bị té lăn trên mái nhà. May mà ngay dưới chân tường nhà có đống cát, Cường rơi vào đó nên không việc gì. Mẹ vừa làm việc vừa xem chừng Cường, lâu lâu không thấy Cường, mẹ phải chạy đi tìm khắp nhà... Mỗi lần như thế, Cường lại núp đâu đó để cho mẹ đi tìm. Mẹ sợ Cường bị rơi xuống giếng... Và có lần mẹ đã phải bảo anh Sinh bỏ thang xuống giếng tìm xem Cường có rớt xuống dưới đó hay không? Chính vì Cường hay nghịch ngợm như thế nên lần nầy mẹ nói mẹ không thích có cháu trai.
Cường thấy mẹ nói đúng “cái tật của mình” nên cười mà không trả lời. Cường hay cãi lại mẹ, nhưng lần nầy thì Cường không biết cãi vào đâu được nữa. Mẹ vừa đi đường vừa kể chuyện cho Cường nghe, thỉnh thoảng mẹ cũng hỏi thăm chú Sự vài câu. Mỗi lần xe đi qua cầu, qua chợ, qua đình làng hay nhà thờ nào thì mẹ nói cho chú Sự biết nơi đó là nơi nào, còn cách nhà cha mẹ chị Thông bao xa... Mấy tiếng đồng hồ sau thì xe đến nhà chị Thông. Mẹ xuống xe và mọi người trong nhà chạy ra, xúm xít chào hỏi. Ai cũng xoa đầu Cường và hôn Cường rối rít...
Mẹ nắm tay Cường dẫn vào nhà, Chú Sự đậu xe ở sân rồi xách đồ đạc, quà bánh vào sau. Mẹ bảo chú Sự đi mượn cái mâm đồng lớn cho mẹ đặt lễ vật trước bàn thờ ông bà để kính tổ tiên trước rồi mới mang quà xuống trao cho bà con. Chị Thông ở trong buồng, mẹ vào đó thăm chị một mình, không cho Cường vào theo. Cường tò mò muốn vào xem cháu, nhưng không được. Cường đợi mẹ bồng cháu ra ngoài nhà để nhìn mặt cháu ra sao, cháu sẽ giống ai, anh Thông hay chị Thông. Mẹ không cho Cường vào buồng đẻ của chị Thông vì thời đó người ta tin dị đoan cho rằng con trai vào chỗ đàn bà đẻ thì học hành lú lẫn, tương lai không nên danh phận gì.
Cường một mình đứng ở phòng khách, cảm thấy bơ vơ... Nhưng mấy người ở trong nhà vội đến dẫn Cường đi xem nhà, xem vườn, ra ngoài sân xem hoa... Cô Phú, con cụ Hường, một cô gái học trường Tây ở tỉnh, dịp đó cũng về thăm, cô dẫn Cường đi chơi và hỏi thăm Cường đủ thứ chuyện. Cường nhớ Tết vừa rồi, cô Phú có đan cho Cường bộ quần áo lưới màu trắng, kèm thêm bộ áo quần vải đỏ. Sáng mồng một Tết, Cường mặc áo đỏ trước rồi mặc áo lưới màu trắng ra bên ngoài, trông rất lạ mắt. Thời đó, vải vóc rất hiếm, áo quần cũ của người lớn đã rách đem sửa lại cho trẻ con mặc. Thằng Cọp, con ông cậu của Cường, cùng lứa tuổi và thường chơi với Cường, cũng được cô Phú tặng cho bộ áo quần giống như của Cường. Sáng mồng một, người đến đạp đất nhà Cường trước tiên là thằng Cọp. Hắn mặc bộ quần áo cô Phú cho, nhưng chỉ mặc bộ đồ lưới bên ngoài mà quên không mặc bộ quần áo vải đỏ lót bên trong, nên trông hắn có vẻ trần truồng... Cả nhà Cường ai cũng ôm bụng cười sặc sụa. Thằng Cọp mới hiểu ra là hắn đi chúc Tết, đạp đất nhà Cường trước hết mà không mặc áo quần... Hắn vội chạy trở về nhà mặc thêm bộ quần áo màu đỏ vào. Hắn vẫn là người đến nhà Cường chúc Tết trước tiên. Hắn mang bộ áo quần màu đỏ đến nhà Cường đầu năm, đó là điềm hưng vượng, ăn ra làm nên... Chuyện thằng Cọp đi chúc Tết, ai cũng biết và là đề tài đầu năm cho gia đình Cường và gia đình thằng Cọp. Hắn sinh năm Mậu Dần nên người ta gọi hắn là thằng Cọp. Cọp có nhiều thứ: cọp trắng, cọp đen, cọp vàng, cọp xám, cọp vằn nhưng không có cọp đỏ. Thằng Cọp mặc áo đỏ nên Tết năm đó người ta gọi hắn là Cọp đỏ.
Trong khi mẹ ngồi nói chuyện với bà con bên chị Thông ở trong nhà, Cường ở ngoài sân, thấy mấy người trong họ hàng chị Thông chụm nhau lại bàn tán... Cường để ý nghe xem có ai chỉ trích mẹ mình điều gì không. Nhưng chàng bỗng nghe người ta nói:
- ” Bà mẹ anh Thông đi đứng, nói năng trông uy nghi, phúc hậu quá. Đúng là một bà chủ... Chị Thông thật có phước về làm dâu nhà đó...”
Sau nầy lớn lên, Cường vẫn nhớ mãi câu nói đó, mỗi khi nghĩ đến mẹ mình.
Bỗng Cường nghe tiếng mẹ gọi và hình như có tiếng chị Thông:
- Cường ơi !
- Dạ.
Cường chạy vào nhà và thấy người ta bồng cháu ra cho mọi người xem. Cháu mới được một tuần, mặt nhỏ xíu, nước da trắng hồng. Cường nghe mọi người bình luận:
- Con gái mà giống cha quá hè !
- Gái giống cha giàu ba họ, trai giống mẹ khó ba đời...
Chi Thông ở trong buồng nói ra:
- Chú Cường ơi! Cháu của chú đó. Ít hôm đầy tháng, chị đem cháu về nhà mình cho Cường chơi với cháu.
- Dạ.
Cường đáp lại. Cường không biết trong cái buồng kín đó có những gì. Trước khi mẹ đi thăm chị Thông, mẹ cũng chuẩn bị chỗ cho chị Thông đem cháu về nhà nội. Cha mẹ tỏ ra bênh chị Thông, quí chị Thông, trao quyền trong nhà cho chị Thông. Cha mẹ muốn chứng tỏ với anh Thông cha mẹ thương yêu người mà cha mẹ chọn cho anh Thông. Anh Thông cũng biết vậy nên không bao giờ nói nặng lời với chị.
Mặc dầu trong nhà chị Thông khẩn khoản mời, nhưng mẹ không ở lại. Mẹ phải về vì bỏ việc nhà không ai trông coi. Nhà làm đến gần trăm mẫu ruộng, người ở luôn trong nhà, người đến làm thuê mỗi ngày kể hàng chục, đó là chưa kể đàn gia súc trâu bò heo gà... Suốt ngày mẹ rất bận rộn.
Ông nội đặt tên cho cháu gái là Kim Cầm, cây đàn bằng vàng. Đó là loại đàn quý ngày xưa, chỉ có ở cung điện của vua chúa hay nhà đại phú, quyền cao chức trọng mà thôi. Cầm lớn lên, nước da trắng như con Tây, mặt đầy đặn, dễ thương. Cầm lại rất thông minh, suốt ngày đi theo chơi với chú, bắt chước chú nói, bắt chước chú hát. Chú học bài gì, Cầm cũng học theo bài đó. Cầm đọc thuộc lòng cả bài dài mặc dầu Cầm chưa biết chữ, chưa đến tuổi đi học. Cầm có trí nhớ như bà nội. Mẹ không cần sổ sách gì vẫn nhớ hết các khoản thu chi, ai thiếu bao nhiêu, ai còn nợ bao nhiêu, ai vay mượn bao nhiêu, mẹ đều nhớ. Chuyện xưa, tích cũ, kinh sách, thơ phú mẹ đều thuộc. Ngày xưa mẹ còn nhỏ, mẹ không được đi học như các cậu vì thời đó ở nhà quê chỉ có con trai đi học, con gái ở nhà lo nội trợ hoặc học buôn bán, vá may... Nhưng mẹ nghe các cậu học bài, mẹ thuộc hết. Mẹ truyền dòng máu đó cho Cường và cả cho cháu nội của mẹ, cháu Cầm.
Chưa đầy ba tuổi, Cầm phải xa cha, lên sáu tuổi thì cha chết. Cường cũng vậy, mới sáu bảy tuổi đã mất cha, mất anh rồi. Năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền giương cao ngọn cờ độc lập, mọi người đi theo. Nhưng sau đó, chúng đem chủ nghĩa Cộng Sản áp đặt lên dân tộc Việt Nam, chủ trương đấu tranh giai cấp, tiêu diệt tôn giáo nên cha và anh của Cường đã đứng về phía những người Quốc Gia, chống lại chúng. Và đó là lý do khiến cho cả hai cha con đều bị chúng hại.
Từ ngày anh Thông bị Việt Minh bắt rồi bị chúng giết, chị Thông đã trở nên như người bất thường. Có lúc chị tỏ ra biết ăn biết ở, biết chia xẻ với mẹ nỗi đau khổ mất chồng mất con. Nhưng cũng có lúc chị tỏ ra như điên như khùng, ăn nói chẳng biết kính trên nhường dưới. Rồi chị đem sổ sách, tiền bạc, chìa khóa tủ trả lại cho mẹ. Mẹ khuyên giải mấy chị cũng không nghe. Chị tự ý ăn riêng, tự ý làm riêng, xuất vốn thuê một cái sạp ở chợ để buôn bán. Mẹ nói với chị:
- Mẹ biết hoàn cảnh của con. Con muốn ra ngoài, buôn bán làm ăn, đi lại cho khuây khỏa, mẹ để cho con được tự do. Con còn trẻ, nếu có ai thương con, con muốn đi thêm bước nữa, mẹ cũng vui lòng. Con cứ để cháu Cầm lại đây cho mẹ...
Nói xong mẹ ngồi khóc.
Mẹ chiều chị Thông như con dâu đối với mẹ chồng. Cháu Cầm tuy nhỏ tuổi, nhưng thấy bà nội khóc, thấy mẹ nó nói năng vô lễ với bà, nó cũng chạnh lòng. Nó chạy đến sà vào lòng bà. Rồi bà cháu ôm nhau khóc.
Mẹ của Cường ngã bệnh, cứ lạnh chân lạnh tay và ngất xỉu. Uống bao nhiêu thuốc, chạy bao nhiêu thầy cũng không lành. Mẹ cứ ở trong nhà suốt ngày, không ra ngoài trông coi công việc được nữa. Đất ruộng cũng phải thuê người ta làm, lợi tức chia hai. Trâu bò cũng bán bớt, chỉ chừa lại mấy con cho có với người ta cho vui mà thôi. Cầm bắt đầu đi học vỡ lòng, chú cháu học cùng trường Cường thương cháu quá, thường cõng cháu trên lưng. Cháu mỗi ngày một lớn, mỗi ngày một nặng thêm ra, Cường không còn cõng cháu nỗi nữa, phải cầm tay dắt đi. Ở nhà, Cường chỉ cho cháu học thêm, đem đồ chơi ra chơi với cháu, đọc chuyện trẻ em cho cháu nghe. Trường làng không còn lớp cho Cường học nữa nên mẹ cho Cường lên tỉnh học.
- Cầm ơi, mai chú lên tỉnh học rồi. Đến Tết hoặc nghỉ hè chú mới về với Cầm.
Cháu ở nhà vâng lời mẹ, vâng lời bà, cố gắng học giỏi, chú sẽ về thăm cháu.
Cường vừa nói vừa ôm lấy cháu khóc nức nở. Cường thương cháu, thương cha, thương anh, thương mẹ, thương chị... Sự tang tóc và đau khổ đã đến với tất cả mọi người trong gia đình nầy, không chừa một ai. Cường biết rằng ngày mai, sau khi chàng đi ra khỏi nhà rồi, Cầm biết chơi với ai? Ai đem cháu đi học, ai dẫn cháu đi nhà thờ?
- Thôi cháu đừng khóc nữa. Chú đi học, ở nhà có bà nội đem cháu đi nhà thờ, có chị Ẩn đem cháu đi học. Mấy đứa nhỏ gần nhà sẽ đến chơi với cháu. Không có chú, nội sẽ thương cháu nhiều hơn, sẽ thương cháu gấp đôi. Mỗi tối cháu sẽ ngủ với nội thay vi ngủ với chú. Cháu nhớ đọc kinh, cầu nguyện với Đức Mẹ cho cháu chóng lớn, học giỏi...
Cường nghe Cầm “dạ” một tiếng thật nhỏ và hai chú cháu lại tiếp tục khóc và còn khóc nhiều hơn trước nữa.
Từ làng lên tỉnh chừng mười mấy cây số, nhưng tình trạng chiến tranh, Việt Minh hoạt động mạnh, thường rình rập bắt cóc, thủ tiêu người làng khác đi qua vùng chúng kiểm soát nên sự đi lại rất khó khăn, phải có lính quốc gia đi mở đường... Qua được năm tháng thì đến Tết, Cường được về thăm nhà. Chú cháu ôm nhau mừng rỡ.
- Chú ơi, đêm nào Cầm cũng nằm mơ thấy chú về. Cầm nhớ chú quá.
- Chú cũng vậy, chú nhớ Cầm quá, chú chỉ mong Tết đến cho mau để về với Cầm...
Mấy ngày Tết, Cường không đi đâu, chàng chỉ ở nhà chơi với Cầm. Tiền mẹ gởi cho Cường ăn quà sáng, Cường để dành mua đồ chơi cho cháu. Sau khi cha và anh qua đời, gia đình Cường cũng không còn vui Tết như xưa. Mẹ cũng có làm bánh, mứt cốt giữ lấy phong tục cho con cháu mà thôi, chứ trong lòng khi nào cũng nhớ thương người đã khuất, không giây phút nào nguôi. Thỉnh thoảng có bà con đến thăm thì mẹ ngồi nói chuyện, thì giờ còn lại, mẹ cầu nguyện, đọc kinh lần hạt...
Tết qua mau và mấy tháng sau lại nghỉ hè rồi. Cường vội thu xếp để về quê với mẹ, với cháu. Ba tháng hè, Cường dẫn cháu đi chơi, có khi ra sông tắm. Mới đó mà Cầm đã cao lớn gần bằng con người ta chín mười tuổi rồi. Cầm càng lớn càng đẹp, nước da trắng, môi hồng, tóc đen nhánh, mắt sáng mà xanh. Từ nhỏ không thấy Cầm đau ốm gì, mẹ Cường rất mừng. Cường đi đâu cũng nắm tay cháu dắt đi. theo. Vườn nhà cây cối rậm rạp, chim chóc đến làm tổ, trưa Hè vắng lặng, tiếng chim cu gáy đều đều, giọng buồn thiết tha. Mẹ không cho người ta bắn giết chim trong vườn. Mẹ nói:
- Đất lành chim đậu, mình có thóc lúa để cho chim đến ăn, đừng săn đừng đuổi chúng đi. Có tiếng chim hót cho vui vườn nhà. Chim cu gáy là loài chim khôn, nơi đâu có người phá hại nó thì nó không đến đó nữa...
Mẹ biết Cường thích bắt chim con nuôi, nên mẹ không muốn ngăn cản niềm vui của Cường. Nhưng ý của mẹ là cứ để cho chim khôn lớn, chim sẽ ở trong vườn nhà mình... Vườn có nhiều chim càng vui hơn. Cường thích nuôi chim sáo, chim sáo biết nói, chim sáo mến chủ, Cường đi bắt châu chấu cho chim ăn. Cường đi đâu, chim sáo đậu trên vai. Buổi tối, chim sáo tự vô lồng ngủ, Cường đóng cửa lồng vì sợ mèo bắt chim chứ không bao giờ sợ chim sáo bỏ đi. Cường đi đâu đều có đủ ba đủ ba người: Cường, cháu Cầm, và chim sáo. Cường xem chim sáo cũng như một người vì chim sáo cũng biết nói tiếng người.
Mới đó mà đã qua ba tháng hè rồi. Cường từ giã mẹ, từ giã chị và ôm hôn cháu trước khi lên tỉnh tiếp tục học. Rồi năm mới lại đến, Cường lại trở về với cháu.
Mùa Xuân năm đó, một mùa Xuân mà Cường không bao giờ quên được trong suốt cả cuộc đời... Sau mấy ngày Tết, không biết bươm bướm ở đâu kéo về đầy cả vườn nhà Cường. Chúng xây một tổ bướm to bằng cái bao bố đựng gạo ở trên cây khế sau nhà. Lúc đầu Cường không biết là cái gì, cứ tưởng là tổ ong... Nhưng có một hôm, hàng ngàn hàng vạn con bướm, đủ mọi màu sắc, từ trong cái tổ đó bay ra tràn ngập cả vườn. Chưa bao giờ Cường được thấy số bướm nhiều như thế và cũng chưa bao giờ Cường được thấy một tổ bướm to lớn và lạ lùng như thế... Không riêng gì Cường mà có lẽ trên thế gian nầy chưa có ai được thấy hiện tượng lạ lùng đó... Chú cháu Cường đã ngất ngây trước cái cảnh đẹp của hàng vạn cánh bướm lạ đó. Chàng cảm thấy mình đang lạc vào một nơi tiên cảnh nào đó mà trong văn chương, truyện tích đã từng nói đến...
Sau mấy ngày Tết, Cường từ giã mẹ, từ giã chị và cháu để lên đường tiếp tục học. Hình ảnh đàn bướm kia vẫn còn ám ảnh mãi trong đầu óc chàng, không biết đây là điềm lành hay điềm dữ. Ong và bướm đến nhà, theo người ta nói thì xưa nay không phải là điều tốt!
Thế rồi vào một buổi sáng mùa Xuân... Cường nhớ rất rõ đó là ngày 20 tháng giêng âm lịch năm Tân Mão, tức là ngày 25 tháng 2 năm 1951, khoảng 11 giờ sáng, lúc đó Cường đang đứng trước thềm nhà trọ thì người anh con bác của chàng đến báo tin cháu Cầm đau nặng, đang nằm ở phòng mạch bác sĩ Phan Văn Hy...
Cường vội chạy đến đó thì thấy cháu Cầm đang quằn quại trên giường. Cháu đau đớn la lên từng tiếng nghe rợn người và tuồng như đã kiệt sức lắm rồi. Cháu bị lên cơn đau bụng từ hôm qua, nhà cho uống thuốc gì cũng không bớt và phải thuê đò chở ra quốc lộ số 1 để đón xe lên tỉnh. Bác sĩ khám bệnh và đoán rằng cháu bị đau ruột thừa, phải đưa vào bệnh viện gấp.
Cường vội chạy thuê xích lô và xin giấy giới thiệu của bác sĩ để đưa cháu vào bệnh viện. Thầy y tá trưởng ở bệnh viện là người cùng làng, đã trực tiếp trình bày với bác sĩ người Pháp, giám đốc bệnh viện. Bác sĩ quyết định đưa cháu vào phòng mổ ngay lập tức.
Cường và chị Thông cùng mấy người bà con đứng ở bên ngoài chờ đợi. Mấy giờ đồng hồ sau, y tá đẩy giường người bệnh ra khỏi phòng. Cường thấy Cầm nằm trên giường, bên cạnh có treo một bình nước biển tức huyết thanh (sérum), mình quấn đầy băng vải trắng và được đắp một tấm ra (drap) bên ngoài. Cầm được đưa đến phòng hậu giải phẩu. Đa số những người vừa ở phòng mổ ra thì ngủ li bì vì còn chịu ảnh hưởng của thuốc mê. Nhưng Cầm vừa ra khỏi phòng mổ được mười lăm phút thì đã tỉnh lại rồi. Cầm càng đau đớn quằn quại hơn trước nữa. Bác sĩ và y tá tỏ vẻ lo lắng nhưng im lặng nhưng không nói ra.
Cường đứng ở đó, chứng kiến sự đau khổ của Cầm, nước mắt Cường cứ tuôn ra. Cường lấy hết can đảm và bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Nhưng càng đọc, càng suy nghĩ, càng nhớ đến cha, đến anh, đến mẹ, đến chị... đến những tang tóc đã xảy ra cho gia đình Cường trong mấy năm qua... nên càng mũi lòng hơn nữa, nước mắt tiếp tục đổ xuống ướt cả hai má. Cầm hắt ra những tiếng “ối chao! ối chao!” một cách đau đớn và tuyệt vọng. Chừng hai giờ đồng hồ sau thì Cầm tắt thở.
Y tá chạy đi tìm bác sĩ đến để xác nhận tình trạng của Cầm và người ta di chuyển Cầm qua nhà xác! Tiếng khóc than của mọi người cùng cất lên thật thê thảm. Chị Thông vừa khóc vừa kể lễ, nhắc đến chồng, nhắc đến con... Chị lăn lóc ở dưới chân giường Cầm đang nằm. Mấy người đàn ông đứng tuổi trong bà con rủ nhau ra ngoài, bàn bạc với nhau và quyết định đi mua hòm để liệm xác Cầm, nhưng chưa đậy nắp quan tài, đợi đem về nhà cho bà nội thấy mặt cháu đã...
Vì tình hình an ninh trong vùng, không thể thuê người gánh quan tài đi đường bộ về nhà được, nên Bác Huỳnh, người lớn tuổi nhất trong gia tộc đã quyết định thuê đò đưa Cầm về nhà. Một mình Dì Quý, người bà con xa thường đến giúp việc trong gia đình Cường, được chỉ định đi theo quan tài của Cầm. Những người khác sẽ đi theo quốc lộ số 1, nơi thường xuyên có lính Quốc Gia và Pháp kiểm soát an ninh, để về nhà báo tin trước. Cường viết thư xin nghỉ học gởi đến trường rồi theo bà con đi đường bộ về nhà.
Khi được hung tín đó, mẹ liền chạy đến trước bàn thờ, đốt lên hai cây nến rồi quỳ xuống lạy tượng Chúa mấy lạy... Mẹ có thói quen đến quỳ trước bàn thờ Chúa và Đức Mẹ những lúc gặp cơn đau khổ quá sức chịu đựng của con người như trường hợp này. Mẹ đã khóc và gục đầu xuống trước bàn thờ bất tỉnh. Trên tường nhà có treo ảnh của Cầm mới chụp hôm Tết. Cầm đứng một mình tựa vào gốc cây đào đang nở hoa, trông gương mặt hơi buồn và không tươi tắn như những bức hình chụp trước đây.
Trong khi những người khác chuẩn bị những thứ cần thiết cho một đám tang thì Cường cùng mấy người bà con ra đứng ở bờ sông trước mặt làng đợi thuyền đưa Cầm về. Mùa Xuân, nước sông dâng cao, đêm không trăng và sương lạnh giăng mờ cả một vùng. Cơn gió lạnh càm làm cho Cường cảm thấy tê tái và thấm thía hơn trong hoàn cảnh đau đớn nầy. Một chiếc thuyền từ từ xuôi bến, trong bóng đêm tối tăm mù mịt, người ta đã đốt lên một bếp lửa ở trước khoang thuyền và treo một ngọn đèn dầu ở bên trong. Dì Quý ngồi ở đằng trước sẵn sàng trả lời nếu bọn dân quân tự vệ của Việt Minh có lên tiếng xét hỏi. Người trên thuyền dùng một cái chậu bằng đất lớn đầy tro và cát để làm bếp nấu ăn và đốt lửa khi cần. Bệnh viện đã cấp giấy chứng nhận về lý lịch người chết và quan tài cũng chưa đậy nắp, nếu họ có nghi ngờ gì thì cứ việc kiểm soát...
Ban đêm chính là lúc hoạt động thuận tiện của Việt Minh và để chứng tỏ uy quyền của mình, chúng đã ra lệnh cho thuyền cập bến. Sau khi xem giấy tờ và thấy rõ người chết nằm trong quan tài, chúng chỉ hỏi qua loa vài câu rồi cho đi.
Cường theo quan tài về đến nhà. Một lần nữa mẹ và chị Thông khóc và ngã lăn ra bất tỉnh, người ta phải đem mẹ và chị vào buồng để xoa dầu, cạo gió cho khỏe lại. Cầm nằm trong quan tài, không đậy nắp để cho mọi người tới thăm viếng. Cầm mới chết chưa được một ngày, theo phong tục thì sau ba ngày sẽ khâm liệm và đậy nắp quan tài lại. Linh Mục chánh xứ và mọi người trong làng đều đến thăm và chia xẻ nỗi đau khổ với gia đình. Thầy giáo và học sinh cũng như bọn trẻ con cùng lứa tuổi với Cầm ở trong làng cũng đến phân ưu. Vì là mùa Xuân, nhà nào cũng có trồng hoa, nên người ta đã mang đến đủ mọi thứ hoa và nến, để chung quanh quan tài của Cầm... Không một người nào đến thăm mà không xúc động, nhiều người đã khóc thật sự.
Qua hai ngày, Cường cứ đứng trước quan tài Cầm mà khóc, chẳng ăn uống gì cả. Cường không quên được hình ảnh của cháu với những kỷ niệm đã qua trong đời chàng. Cường càng đau xót hơn nữa khi nghĩ đến mọi người trong gia đình đã chết và càng cảm thấy thân phận bơ vơ của mình. Cầm chết thì Cường không còn ai để chia xẻ với Cường niềm vui, nỗi buồn của tuổi trẻ. Tình thương đối với mẹ khác với tình thương đối với Cầm. Tuổi của cháu không cách xa tuổi của Cường bao nhiêu, Cầm chẳng khác nào người em gái út của Cường mà thôi. Cường không có em nên càng thương và mến cháu có khi hơn cả mẹ mình nữa. Cường ít khi tâm sự với mẹ vì mẹ là người lớn. Cầm là người chia xẻ những tâm tình tuổi trẻ của Cường. Cầm vừa là người cháu, người em, và là người bạn thân thiết nhất của Cường. Mất Cầm thì Cường không còn ai để vui đùa, để tâm sự. Biết được chuyện gì, hay nghĩ ra được điều gì, Cường cũng không biết nói với ai... Nỗi mất mát nầy thật quá lớn, làm sao bù lấp được khoảng trống đó.
Mẹ quyết định đưa Cầm về bên mộ của ông Cố, người sinh ra cha của Cường. Mộ của Cố nằm bên bờ sông, trên đất tư của gia đình. Từ ngày Cố qua đời đến nay, bãi sông được bồi thêm cả trăm mẫu, dân làng được nhờ mùa lúa mùa bắp, đất tốt nổi tiếng, bắp trồng ỡ bãi sông ăn rất ngon. Có thầy địa lý đi ngang qua, ngắm thế đất, khen ngôi mộ của Cố ở ngay đầu rồng, con đường quanh co cạnh ngôi mộ, hai bên có hai hàng dứa trông như hình con rồng. Nhà Cường chẳng có ai biết về địa lý phong thổ và cũng không nhờ thầy địa lý xem huyệt mả trước, đây chỉ là sự tình cờ mà thôi. Ngôi mộ được đắp đất thật cao, đúng trên ngôi mộ đó có thể trông xa được cả một vùng. Sau khi chôn Cố, dòng họ của Cường càng giàu có thêm, các bác và cha mẹ của Cường đã tạo dựng được cơ ngơi, nhà cao cửa rộng, ruộng vườn, gia súc đầy đàn... Nhưng vào năm 1945, khi Việt Minh lên nắm chính quyền thì nhiều người trong gia đình, dòng họ của Cường đã bị chúng bắt giam, bị chúng giết chết, ruộng đất, trâu bò bị chúng chiếm đoạt. Chúng đã giết anh Thông của Cường để cướp vàng bạc châu ngọc, nữ trang của đại gia đình mà anh mang theo. Vụ án đó khắp vùng đều biết.
Trong làng, nhà nào cũng có người đi đưa đám Cầm, đoàn người nối đuôi nhau có đến cả ngàn.
Chôn cất Cầm xong rồi, Cường không đi học nữa. Mẹ cho Cường ở nhà để cho trong nhà đỡ trống vắng. Trường làng không có lớp cho Cường học nên Cường đi học giáo lý với các sơ ở nhà thờ. Qua mấy tháng, những hình ảnh thơ ngây, vô tội của Cầm lúc nào cũng lẻo đẻo theo Cường. Cường đi đâu, ở đâu cũng cảm thấy như Cầm ở bên cạnh. Khi nằm ngủ thì mơ thấy Cầm đang nói cười và cũng trong giấc mơ, Cường bỗng ý thức được rằng Cầm đã chết nên Cường lại khóc và xót xa hơn. Không biết Cường khóc trong mơ hay nửa mơ nửa tỉnh. Tình trạng đó kéo dài mãi cho đến mấy chục năm sau vẫn còn, thỉnh thoảng Cầm vẫn hiện về trong giấc mơ.
Không những mọi người chung quanh thương nhớ Cầm mà ngay cây cối, chim chóc trong vườn cũng có những dấu hiệu khác thường. Trước tiên là tổ bướm với hàng vạn con bướm lạ đã bỏ đi đâu mất không còn một con. Chim chóc cũng im tiếng hót, cả chuồng bồ câu gần hai trăm con dần dần bỏ đi. Cây mảng cầu và cây thanh yên, một loại cây có trái lớn hơn trái chanh nhưng không chua, lá xanh tốt và hoa trái vào mùa Xuân rất nhiều. Sau khi đưa đám Cầm xong, hai cây đó bỗng chết khô không hiểu vì lý do gì. Ai đến thăm cũng ngạc nhiên và khi hiểu được lý do, một lý do ngoài khả năng giải thích của khoa học, thì càng thêm ngậm ngùi thương tiếc Cầm.
Cường ở nhà và không biết đến bao giờ mới có thể lên tỉnh tiếp tục học được vì thấy mẹ và chị Thông quá buồn, chàng không nở bỏ đi. Nhưng một hôm, Việt Minh đã đem toàn lực lượng đến tấn công anh em Hương Vệ trong làng. Chúng đã dùng súng SKZ (có người nói đó là ba chữ viết tắt: Súng Không DZật ), một loại vũ khí mới xuất hiện trên chiến trường hồi đó, có khả năng công phá rất mạnh. Chúng đến tấn công đâu thì đồn đó mất. Nhưng khi chúng đến tấn công đồn Hương Vệ hai làng Dương Lộc và Dương Lệ ở gần nhau thì chúng thất bại, chỉ gây tổn thất nhưng không chiếm được đồn. Cường còn nhớ rõ, đêm hôm đó, những tiếng súng nổ rất lớn, nghe chát chúa, ánh lửa lòe lên mỗi khi bọn chúng khai hỏa. Cường và mọi người trong nhà kéo nhau vào buồng, chung quanh có tường gạch và bên trên có trần ván chắc chắn để tránh đạn. Trận đánh kéo dài đến sáng, Cường nghe rõ tiếng kèn ra lệnh rút lui và thấy được những bóng người chạy về phía cánh đồng lúa ở sau làng.
Trong trận đó, bên ta không có ai chết, chỉ có người cậu, em ruột mẹ Cường bị thương mà thôi. Sáng hôm sau, khi anh em Hương Vệ đưa cậu Bộ đi bệnh viện để giải phẩu mảnh đạn trong người thì mẹ cũng cho Cường đi theo lên tỉnh. Mẹ nói:
- Con phải thu dọn đi ngay kẻo không kịp. Mẹ chỉ có mình con, sau nầy khôn lớn tìm cách báo thù cho cha, cho anh, cho bà con làng xóm mình. Con ở đây, không chết về tay Cộng Sản thì cũng chết vì bom rơi đạn lạc.
Cường “Dạ” một tiếng rồi vội vàng thu xếp đồ đạc để theo anh em Hương Vệ hộ tống cậu Bộ lên đường. Ngồi trên xe, Cường thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ đang đau khổ, đang cô đơn, trống vắng mà phải bấm bụng để cho Cường đi. Vì tương lai của con, đang tuổi học hành... Năm đó, Cường thi đậu và được mẹ cho vào học trường Dòng ở Huế. Cuộc đời của Cường từ đó, khởi đầu một cuộc lữ hành qua những thành phố, những quốc gia, những nhà tù, những nơi biệt giam đày ải cho đến ngày ra kkỏi nhà giam, được đến đất tự do Hoa Kỳ.
Sau năm 1954, Miền Nam được mấy năm hòa bình, Cường thường về quê thăm mẹ vào dịp Tết hay nghỉ hè. Ngồi trên chiếc đò ngang qua sông để đến địa phận làng mình, Cường nhìn thấy rất rõ ngôi mộ Cố, nơi đó Cầm đang yên giấc ngàn thu. Trước khi về nhà, Cường ghé thăm mộ Cầm. Chàng ngồi ở đó rất lâu, đọc kinh cầu nguyện... Chàng nói với Cầm như khi Cầm còn sống:
- Cầm ơi! Chú về thăm Cầm đây! Cầm ở đâu, không mau ra chào chú đi! Đây quà chú mua cho Cầm...
Rồi Cường tưởng tượng Cầm đang đến, Cầm đang mừng rỡ ngã vào lòng chú... Nước mắt của Cường cứ tuôn ra, chảy ướt hai má... Cường nhìn lên cây thánh giá trước mộ Cầm:
“I-Nê NGUYỄN THỊ KIM CẦM, SINH NĂM 1943 (QUÝ MÙI), QUA ĐỜI NGÀY 25-2-1951 (20 THÁNG GIÊNG TÂN MÃO): R.I.P.”
Cầm chết khi chưa được chín tuổi! Quá ngây thơ vô tội. Ba chữ R.I.P là tiếng La Tinh viết tắt có nghĩa là “Hãy yên nghỉ trong bình an”. Cầm chết khi vừa chịu lễ lần đầu và Linh Mục đã đến làm phép xức dầu thánh và cho Cầm rước Mình Thánh Chúa trước khi đưa Cầm đi bệnh viện. Chắc chắn Cầm đã có mặt trên thiên đàng và chúng ta có thêm một vị thánh trẻ.
Cường đã khóc rất nhiều vì nhớ thương Cầm và hàng chữ trên thánh giá cũng mờ dần vì mắt của Cường không còn trông rõ nữa... Bóng chiều xuống dần, Cường ngồi đó không biết bao lâu cho đến khi chung quanh chàng đều mù mịt bóng tối, Cường mới đứng dậy, tìm đường về nhà...
N.L.T.
24-4-1998
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét