Chữ Nghĩa Làng Văn
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Phát Âm Việt Ba Miền
Người Trung (Bắc-Trung) phát giọng hỏi và nặng giống nhau.
Thí dụ như : Ăn ba chái thù đụ mà vẫn chưa đụ thì chừng nào mới đụ? Thôi đừng nói nữa … đụ zồi đụ zồi.
(Từ điển nguồn gốc tiếng Việt – Nguyễn Hy Vọng)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau. Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.
Vùng Hải Hậu, Nam Định thì lại ngọng “tr, t” một cách khác:
"Con tâu tắng nằm cạnh gốc te tụi giữ tưa hè"
("Con trâu trắng nằm cạnh gốc tre trụi giữa trưa hè.”)
(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)
Chữ Việt cổ
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
Ma: người chết
Đơm ma: cơm cúng cho vong hồn người chết
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày
(Đồng Đức Bổn)
Chữ là nghĩa - 1
Về chữ “Bậu”
"Bậu" là tiếng dân dã của vùng tây miền Nam Bộ. Mỗi lần nghe ai nói, hoặc gặp trong thơ văn là lòng cảm thấy bồi hồi. Tiếng"Bậu" nầy hình như bây giờ trong nước ít ai dùng, ít ai nhắc đến! Tại sao? Vì quê mùa? Tôi xin được tìm hiểu và giới thiệu đến các bạn vài bài thơ có liên quan đến chữ "Bậu" này.
1. Chữ Bậu trong sách vở
Trong các sách vở khi định nghĩa “Bậu”:
- Bậu: Chữ nôm, nghĩa: Em, mầy như chữ em bậu, bậu bạn (bạn hữu chung cùng; đi theo nhau, hôm sớm có nhau), qua bậu (Tao mầy (tiếng nói thân thiết) như lớn nói với nhỏ, chồng nói với vợ)
- Bậu chỉ người nói chuyện với mình khác phái, có ý thương mến, thân mật.
- Bậu chữ được dùng như tiếng “em”, tiếng gọi vợ, hoặc nhân tình, hay em bạn”
- Bậu (danh từ) (xưa): tiếng thân kêu vợ mình.
(Theo Hai Trầu - Lương Thư Trung)
Sụ sụ
Sụ sụ : to, choán nhiều chỗ
(to sụ sụ - áo tơi sụ sụ khách ngồi câu)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Chữ là nghĩa – 2
Về chữ “Bậu” (*) theo cảm xúc của thi nhân
Cho dù “bậu” là ai, một khi ta đã cất tiếng thiết tha gọi “bậu”, thì cái nghĩa trăm năm, cái tình vạn kiếp cứ mãi với ta lên thác xuống ghềnh. Không bao giờ ta quên
chẳng đánh bậu, để bậu luông tuồng
dang tay đánh bậu, thì buồn dạ anh
Hay
bậu về nhớ nắng thương mưa
hình như cây cỏ cũng ưa bậu về
như là xoài tượng thơm giòn
thêm vào nước mắm chút đường khó quên
Nhưng “bậu” cũng có thể ở đâu đó trong dang dở phân ly.
đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài
về nhà sau trước không ai
hỏi ra bậu đã theo trai mất rồi
(Trần Phù Thế - Lê Văn Trung)
(*) Về chữ “Bậu” xem vài kỳ tới với Nguyễn Thị Cỏ May.
Chữ hàn lâm
Ngôn ngữ của tôi là thứ ngôn ngữ hơn năm chục năm về trước. Tôi nói: "Tôi đi nhà thương mổ mắt" nhưng bây giờ "người trong nước" nói: "Tôi đi bệnh viện làm phẫu thuật mắt", nghe văn vẻ hơn khiến tôi có mặc cảm mình "quê một cục"!
Một cháu bé sáu tuổi về nói với mẹ: "Mẹ ơi, con có ảo ảnh, con biết chỉ có một cái cốc mà con nhìn thấy có hai cái". Bây giờ ai ai cũng dùng những từ ngữ Hán Việt một cách rất chuẩn và rất tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, xưa kia những từ ấy chỉ thấy trên sách báo của các nhà trí thức. "Hàn lâm viện" đã xuống đường!
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Câu chuyện “hội nhập”)
Trăng nước Hồ Tây
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ
Dựa theo Dương Gia Phả Ký của dòng họ, tham khảo thêm Luận Đề về Dương Khuê của Nguyễn Duy Diễn, tiến sĩ Dương Thiệu Tống đã chép lại nguyên văn bài thơ Hà Nội Tức Cảnh trong thiên khảo luận Tâm Trạng Dương Khuê và Dương Lâm.
Bấy giờ là tháng 4-1918, lần đầu Phạm Quỳnh được ghé chốn Thần Kinh và sau đó thực hiện liền bút ký Mười Ngày Ở Huế để kịp đăng trên tạp chí Nam Phong. Phạm Quỳnh viết: "Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca".
Và ông đã sửa đổi hai câu đầu là:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Hai câu lục bát của Phạm Quỳnh chẳng mấy chốc đã hòa vào "kho tàng văn học dân gian". Mức độ phổ biến trở nên sâu rộng, một phần nhờ thiên hạ đua nhau... tranh luận quanh hai địa danh vì chùa Thiên Mụ ở Huế mà huyện Thọ Xương ở Hà Nội".
(Phanxipăng- Từ một bài thơ ngắn)
Con Nghê là con gì?
Trong đời sống của người dân Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cầy ruộng, chó để giữ nhà. Đời sống thực tế có chó giữ nhà, còn đời sống tinh thần thì sao?
Ông cha ta cũng cần một linh vật để chống lại các tà ma ác quỷ nữa chứ. Chó đá được dựng lên vì thế. Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá. Những con chó đá này thường là những tảng đá được khắc đẽo rõ ràng, nhưng có khi chỉ là một khối đá đặt nghiêng theo dáng một con chó đang ở thế ngồi canh giữ. Truyện cổ nhắc đến chó đá, như chuyện “Cậu học trò và con chó đá”, chuyện “Hai anh em và con chó đá” (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Truyện cổ nước Nam)
Vì linh thiêng như thế, nên được gọi là con Nghê.
Con Nghê dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ. Nghê được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái ngoài), hay được đặt trên đầu đao (sống mái chùa (hay đình) chạy từ đỉnh nóc chùa xuống, cong lên như hình cây đại đao (mã tấu) nên gọi là đầu đao). Con nghê là linh vật đặc biệt của văn hóa Việt Nam, con lân thuộc văn hóa Trung Hoa. Về hình dạng, con lân trông giống sư tử, mà có sừng, chân như chân trâu, có vẩy như vẩy rồng.
Con nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó chứ không tròn mập như dáng như sư tử, đuôi nghê dài, vắt ngược lên lưng, đuôi lân ngắn, xòe như cánh chim hay cuộn tròn như đuôi thỏ.
(Bùi Ngọc Tuấn - Con nghê, vật linh thuần Việt)
128 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Kết thúc buổi gặp, viên chức đại diện Sở Ngoại Vụ đích thân tiễn khách ra tận cổng ở đường Võ Tánh, còn dặn dò thêm: “Từ nay cho tới ngày anh chị ra đi, có bất kỳ rắc rối nào, xin cứ trực tiếp cho tôi biết.” Không có sự rắc rối nào. Trái lại là khác.
Nhìn đi. Nhìn nắng. Nhìn hàng cây. Nhìn thành phố. Đây là những ngày giờ cuối cùng. Tôi đang đứng trên hè phố, ngay trước nhà, tự nhủ vậy. Thình lình thấy mình bị ôm cứng, trong tay Nguyễn Thị Hoàng.
“Trời ơi, Nhã Ca. Nhã Ca còn đây à? Rứa mà người ta bảo bà với ông Từ đi rồi. Họ còn bảo cả thành phố đang đồn ầm lên về việc hai ông bà được Mỹ bốc đi.”
Chị Nguyễn Thị Hoàng, tác giả Vòng Tay Học Trò, là nhà văn nổi tiếng như cồn từ những năm sáu mươi. Chúng tôi biết nhau nhưng không có dịp thân tình, cũng lâu rồi không gặp. Khuôn mặt kiều diễm của Hòang lúc này đang đầm đìa nước mắt. Cũng dễ hiểu thôi. Cùng chịu mười ba năm cắn răng, mỗi người cùng quẫn riêng một kiểu, thấy lại nhau, khó cầm nước mắt.
Khi chia tay, ra tới đường. Hoàng còn nói thêm:
“Nhã phải tới mình một lần trước khi đi. Nhà nghèo, nhưng dì Nhã sẽ là thượng khách của các cháu. Tôi còn giữ một tấm hình cũ chụp với ông Từ (Trần Dạ Từ), ông Nguyên Sa, ông Võ Phiến ở Hội Nghị Văn Bút Đài Bắc. Tôi sẽ mang lại cho ông Từ. Bà phải hứa hai ông bà dành riêng cho tôi một buổi. Mình phải nâng ly với nhau. Hứa đi.”
Thì hứa.
(Những ngày giờ cuối…- Nhã Ca)
Tác giả cuộc đời và sự kiện
Tú Kếu với bản án 18 năm tù - 1
Giai thoại văn học miền Nam nhiều, được nói ra được viết ra, vì miền Nam có nhiều báo chí, và tự do ngôn luận. Báo xuất hiện không chỉ mỗi đầu tháng, mỗi nửa tháng, mỗi tuần, mỗi ngày, mà còn báo nói, đó là những quán cà phê ở góc phố, nổi tiếng như “cà phê Catinat,” “cà phê (chị) Năm Đen,” “Quán cơm Bà Cả Đọi,” “Ngã tư quốc tế,” “cơm tây Chợ Cũ,” “cơm tây Đa Kao,”, “cà phê Thăng Long,” “cây còn (con cầy) Ngã Ba Ông Tạ”…
Quán xá nhiều, đồ ăn thức uống rẻ mạt, chỉ cần năm bảy đồng trong túi người ta có thể bước vào một cái quán; thậm chí túi không tiền người ta vẫn có thể tiến vào- một đám lố nhỗ các “nhà văn nhà báo” đang thảo luận hăng hái quanh một cái bàn trên đầy chai lọ bát đĩa và những bao thuốc lá quen thuộc.
Làng báo Sài Gòn biến mất hơn nửa thế kỷ rồi, song những tên tuổi “danh nhân” từ các mục này sẽ còn được nhắc nhở, nhất là những ký giả đã biến các mục đó thành nguyên một tờ báo, như báo Con Ong của Minh Vồ và Thương Sinh (Duyên Anh) chẳng hạn. Giang sơn nào anh hùng ấy, người ta còn nhớ những cây bút phiếm (ký nhiều hỗn danh), song đằng sau là những Chu Tử của báo Sống, báo Sóng Thần, những Cha Lãm của báo Xây Dựng, những ký giả Lô Răng của báo Tiền Tuyến, những Tư Trời Biển, nhiều lắm, của những tờ Đồng Nai, Tin Sáng…
Từ văn biến qua thơ, qua hí họa, người ta có những Túyt, những Chóe, những Tú Kếu
Thơ trào phúng, có khi gọi là thơ chua, thơ xám. Với Tú Kếu, thi sĩ của thể loại này, mục của ông có tên khởi đầu là thơ đen. Thơ châm biếm của ông lên tới độ có thời gian có tới 4 nhật báo mua thơ ông mỗi ngày, ông trở thành thi sĩ không cần mưu sinh bằng nghề gì khác, vì thơ đã nuôi ông. Ông giữ bốn mục thơ chua, thơ xám, thơ đen, thơ chì cho bốn tờ báo khác nhau.
Ông vẫn làm thơ khi cộng sản chiếm được miền Nam, không có báo đăng thì truyền tay cho bạn bè, và rồi, sau những móc ngoặc, Tú Kếu bị đưa ra tòa cộng sản, và bị kết án 18 năm tù. Hình như chưa có thi sĩ nào bị kết án nặng như thế.
Ở tù được trên mười năm thì Tú Kếu được thả về, có lẽ vì căn bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) bắt đầu tác hại. Anh mang căn bệnh khó trị này đã năm năm qua. Tôi (Nguyễn Thụy Long) từng lên xuống Sài Gòn-Bảo Lộc thăm hỏi anh suốt thời gian anh dưỡng bệnh ở Bảo Lộc.
(Hồi ký văn học - Viên Linh)
Giai thoại làng văn xóm chữ
Đại điểm quần thần
Nguyễn văn Tâm được người Pháp cất nhắc làm quan lớn. Tâm lấy làm tự đắc lắm. Phú quí sinh lễ nghĩa, quan lớn nhà ta cũng muốn có bức hoành, trướng để trang trí. Có người dâng lên quan bốn chữ đại tự Đại Điểm Quần Thần, viết chân phương, rất đẹp và giải thích Quần thần là người bề tôi, Đại điểm là điểm lớn, ý nói quan lớn là người bề tôi có vị trí to lớn, quan trọng.
Quan thích thú treo bức liễn trong phòng khách; ai đến thăm quan cũng đem khoe và giải thích như trên. Ít lâu sau có người đến ngắm bức liễn, rồi xin quan lớn dẹp đi. Quan ngạc nhiên hỏi, người ấy giải thích: “Người viết liễn đã cố ý bỡn quan lớn, mà quan không biết. Bốn chữ trên dịch từng chữ: Đại điểm là chấm to; Quần thần là bề tôi, nói theo kiểu nói lái là bầy tôi. Đại Điểm Quần Thần là Chấm to bầy tôi nói lái lại là Chó Tâm bồi Tây.
(Hòa Đa – Nói lái)
Tác giả cuộc đời và sự kiện
Tú Kếu với bản án 18 năm tù - 2
8 giờ 30 phút sáng, Tú Kếu ra đi êm thấm.
Trời bỗng nhiên đổ cơn mưa rào sau những ngày miền Nam nắng hạn. Chị Phượng và các con rũ rượi. Tôi (Nguyễn Thụy Long) có cái lo lắng của một người sống trong chế độ XHCN lâu năm, hỏi chị Phượng rằng lo được giấy tờ khai tử cho anh chưa. Tôi biết Tú Kếu sau ngày được phóng thích, không có giấy tờ gì ngoài giấy ra trại, tất nhiên không có hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân. Tôi hỏi lại ông Tiêm (ông thân sinh chị Phượng) về chuyện này, ông Tiêm nói không cần nữa vì Tú Kếu chết rồi, dù bấy lâu nay Tú Kếu không có một mảnh giấy tờ để chứng minh là công dân của nước XHCN, nhưng khi nằm xuống Tú Kếu vẫn về với Chúa thì có quan trọng gì giấy tờ ở thế gian này.
Tôi chơi với Tú Kếu lâu năm, biết Tú Kếu sinh tại Sơn Tây năm 1937, tên thật là Nguyễn Huy Nhiên. Di cư vào Nam năm 1954, sống tại trại Học Sinh di cư ở Phú Thọ, cũng trong địa phận Sài Gòn, rồi anh làm thơ lấy bút hiệu là Trần Đức Uyển, bút danh này anh dùng làm tên thật trong thẻ căn cước, và đổi lại năm sinh là năm 1936.. Khi tung hoành trong trận văn, rừng bút anh mang tên Tú Kếu. Tên anh, thế hệ sinh sau đẻ muộn sau năm 1975 không còn ai biết nữa. Thơ anh không được nhắc đến nữa. Cả tên tuổi nhà thơ cũng đã bị bôi nhọ, bị coi là tội phạm. Nhưng dù ai muốn gì đi nữa, bút danh Tú Kếu sẽ còn mãi, trong lòng người mà cả trong văn học sử Việt Nam.
***
4 giờ sáng ngày 27-4-2002, gia đình và anh em bạn bè của Tú Kếu đưa anh tới nơi an nghỉ. Khi đó còn tối trời. Anh em bạn bè chúng tôi cầu chúc cho linh hồn anh đời đời an nghỉ. Tất cả các anh đều có tấm lòng quí mến và thương tiếc Tú Kếu, bằng những vần thơ vô cùng cảm động.
Tôi xin ghi lại đây những bài thơ của Trần Tuấn Kiệt: (1)
Bao nhiêu người bạn đã ra đi
Mộng ảo trần gian có xá gì
Muốn rơi nước mắt đành ngăn lệ
Đứng nhìn hình bạn lúc ra đi.
(Hồi ký văn học - Viên Linh)
(1) xem Trần Tuấn Kiệt với 10 năm tù trước và sau 75 kỳ tới…
Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi
Nguyễn Công Hoan: Truyện là bịa như thật - 1
Về câu nói “Truyện là bịa”, tôi (Nguyễn Công Hoan) càng viết càng thấy nó hay quá trời! Chính từ khi đặt bút viết truyện đầu tiên, mình đã dùng cái nguyên lý ấy rồi, nhưng không hay. Đến nay nghe ông “Tổ Bịa”, nên mới dám mạnh dạn mà “bịa”.
Trước kia, khi viết mình cứ sợ đi xa sự thật rồi nó không thật. Anh Nguyễn Huy Tưởng đã hết lời khen Vũ Trọng Phụng là sáng tạo phi thường cái Số Đỏ. Sự thật không có một anh chàng nào như Xuân Tóc Đỏ, như ông Minh, bà Văn, như ông Phán mọc sừng cả! Nói cho văn học thì đó là sáng tạo, và nói theo kiểu bình dân như cụ Hoan thì đó là bịa?
Tức là tác giả nhặt một mớ đất sét ở đây đó khắp nơi, gom lại, chế tí nước, pha tí màu, rồi nặn ra các con rối, và đặt tên là Xuân, là Tuyết, là cụ Cố v.v… Các bạn đọc lại Số Đỏ xem, có cái đám ma nào vui vẻ kỳ lạ thế không? Có ông chồng nào như ông Phán mọc sừng không? Bịa hoàn toàn, nhưng thực, thực một cách tàn nhẫn! Sự thực trong sách hay hơn sự thực ngoài đời. Có những lúc viết, tôi cứ ôm cứng cái sự thực, không dám đẩy nó lên một mức, vì sợ xa sự thực. Mà xa sự thực thì sẽ rơi vào tháp ngà mà ở trong tháp ngà thì là bố của tiểu tư sản và tư sản!
(Xuân Vũ)
Nhớ món ngon Sài Gòn
Phở Quyền
Gần ngã tư Phú Nhuận có phở Quyền trên đường Võ Tánh, cách cổng phụ của Tổng tham mưu chừng 100 mét. Tôi thường ghé ăn nơi đây mỗi khi về trụ sở chính của Trường Sinh Ngữ trong Tổng Tham Mưu. Nước phở ở đây rất đậm đà, vị ngọt là của xương ống chứ không phải vì bột ngọt. Phở Quyền còn có cả món ‘tái sách tương gừng’ được xếp vào loại… trứ danh.
(Hồi ức một đời người - Nguyễn Ngọc Chinh)
Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi
Nguyễn Công Hoan: Truyện là bịa như thật - 2
Từ khi tập tễnh cầm bút tới nay, tôi chưa thấy ai nói một câu đơn sơ mà có tính cách nguyên lý trong nghề viết truyện như Nguyễn Công Hoan. Đó là bịa. Nhưng câu nói ấy không mấy ai chú ý, để bu vào theo những bài vở lý luận xa vời vô. Bịa phải chăng là tướng tượng? Này đây, tôi xin nhắc lại: những truyện Liêu Trai Chí Di của Bồ Tùng Linh có phải là bịa không? Có cậu học sinh nào yêu ma quái như vậy không?
Thời tôi đi học, đã nhắc lại ở những chương đầu, có quyển Thần Hổ của Tchya Đái Đức Tuấn, bọn tôi mê mẩn xem, bỏ cả học bài. Đó là một con cọp trắng hóa thành tinh ăn thịt người, nhưng có khi hiện hình là một tiên ông ca hát với đám tiên nữ. Đám tiên nữ cũng là một lũ ma trành, ma xó đi theo hầu hạ “tiên ông”.
Truyện vô cùng hấp dẫn cho học trò lẫn người lớn. Ngày nay không có cây bút nào đi vào làng bịa như Tchya nữa. Rồi truyện Dế Mèn của Tô Hoài, phải chăng là một trời bịa? Các truyện Chuột của anh cũng chỉ là một sự bịa.
Bịa y như thật. Hãy bịa mạnh vào, nhưng nhớ là bịa y như thật.
(Xuân Vũ)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
thân sĩ 紳 士
Chữ thân ở đây cũng nghĩa là cái đai áo của các quan to nhưng soạn giả vẫn giải nghĩa là cái dải mũ của quan văn. Thân sĩ là người có học thức và địa vị cao trong xã hội cũ, chứ không phẩi là người có học thức tham gia cách mạng như soạn giả đã định nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng, soạn giả vốn không đọc được chữ Hán, bởi vậy nên mới nhớ cái dải áo thành ra cái dải mũ.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi
Nguyễn Công Hoan: Truyện là bịa như thật - 3
Và đây nữa, truyện Tây Du, Phong Thần, Tam Quốc làm say mê tuổi học trò lẫn tuổi già của tôi. Hàng trăm tiên ông tiên bà, ngàn trang sách, toàn bịa là bịa, nhưng đọc cứ tưởng y như là thật. Có Trần Huyền Tăng không? Không như sự bịa của Ngô Thừa Ân. Nào là 7 con Nhền Nhện, nào là con Ba Ba tu dưới đáy sông 500 năm chưa thành tiên, nào là cái kim cô của Quan Âm niềng đầu Hành Giả. Nào là cả ngoại càn khôn, nào là thế giới loài khỉ ở Thủy Liêm Động, nào là quạt Ba Tiêu của Bà La Sát có phép quạt tắt cả núi lửa. Tám mươi tai nạn mà Phật tổ Thích Ca cho Tam Tạng còn chưa đủ, phải bịa thêm một tai nạn thứ 81. Đó là những cuốn “Vô Tự Kinh”.
Có lần nhà văn Tô Hoài bảo tôi: Người ta đang đi theo lối viết người thật việc thật. Đó là nói láo! Chẳng ai viết truyện mà đem nguyên sự thực lên giấy bao giờ. Nếu có ai theo lối đó, thì chẳng bao lâu họ cũng sẽ bỏ đi, vì lối đó phản nghệ thuật.
Khi cầm bút viết câu thứ nhất, là cậu đã bắt đầu sáng tạo rồi, nghĩa là cậu bắt đầu cắt xén hoặc tô vẽ cho sự thực. Sau này nếu có một độc giả hỏi cậu: “Những điều ông viết ra có đúng sự thực hay không?” thì cậu đừng bao giờ trả lời là: “Tôi có gặp ông A bà B, và tôi ghi lại sự thực hoàn toàn!” Ngoại trừ làm phóng sự cho báo thì có thể, chứ còn viết phóng sự tiểu thuyết như Vũ Trọng Phụng, Tam Lang là đã có khối bịa tạc rồi!
Tôi nghĩ câu của Tô Hoài bổ túc cho câu của Nguyễn Công Hoan.
Bịa là một ngón nghề quan trọng nhất, cơ bản nhất cho nghề viết truyện. Bịa từ cốt chuyện, bịa tới nhân vật, bịa luôn cả những biến chuyển và kết luận. Đó là trí tưởng tượng kết hợp với nghệ thuật. Đối với tôi những chữ “Truyện là bịa như thật” đã trở thành nguyên lý viết truyện mà tôi càng áp dụng, càng thấy nó đúng.
Lâu nay tôi cũng có bịa, nhưng không mạnh tay lắm.
(Xuân Vũ)
Từ họ Lý ra họ Nguyễn
Tháng Tư năm 1232, nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.
Gần cuối năm nhâm thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt.
(Trần Gia Phụng - Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử)
Chùa Đàn với cụ Nguyễn Tuân - 1
Một lần nhà văn Nguyễn Duy hầu chuyện cụ Nguyễn. Cụ cười tủm tỉm, chậm rãi:
- Cái đại hội ở Việt Bắc năm 48 là vui nhất. Cái kỳ đó, tôi có đọc tham luận. Đang đọc dở thì tôi dừng lại, xin phép đại hội cho tôi kể một câu chuyện tiếu lâm. Chuyện "Cái rắm thơm, cái rắm thối". Sau đó, tôi lại đọc tham luận tiếp. Lúc xuống bục diễn đàn về ghế ngồi, một ông quan văn nghệ (cụ Nguyễn có nói rõ ràng tên họ vị đó, nhưng chính tôi lại thấy không tiện dẫn ra đây) bỏ nhỏ vào tai tôi: "Ông to gan thật! Cái câu chuyện ông kể là có vấn đề đấy...".
Cụ Nguyễn cười khà khà rồi hạ giọng:
- Lúc đó, tôi nào có để tâm cái vấn đề nó là cái gì. Và quả là sau đó cũng chả có vấn đề gì cả. Tôi vẫn trúng cử với phiếu cao. Cái đại hội năm 58 mà nói năng kiểu đó nữa thì bỏ mẹ chứ chả chơi, có vấn đề ngay. Nhưng đến bây giờ thì lại càng có vấn đề.
Sau kỳ Đại Hội Nhà Văn năm đó, tôi tới chào cụ Nguyễn để về Nam, cụ cười khì khì:
- Sao, chú mày thất vọng hả? Không phỏng vấn được gì hả? Thôi, đừng nóng ruột. Cái gì tới rồi sẽ tới, gặp sau sẽ nói sau...
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 (29-8-1987)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Nhớ ai như nhớ láng giềng.
Chỉ mong tắt lửa tối đèn... có nhau.
Chùa Đàn với cụ Nguyễn Tuân - 2
Kỳ tới ra Hà Nội, nhân có Tuyển Tập Nguyễn Tuân vừa được xuất bản, cụ Nguyễn tặng sách cho tôi và tôi thành tâm chúc mừng cụ. Cụ Nguyễn cả cười mà rằng:
- Ông không phỏng vấn tôi nữa à? Rất nên phỏng vấn tôi về cái Tuyển Tập này, thì các ông lại không làm. Lạ thật.
Tôi lúng túng thật sự. Điều cụ Nguyễn nói đúng quá. Tôi cũng tiếc là báo Văn Nghệ đã không làm việc đó. Riêng tôi thì xin hỏi để biết, để nhớ thôi, thầm hứa sẽ phỏng vấn nghề văn với cụ.
Cụ Nguyễn tâm sự:
- Nhiều người chết rồi mà không nhìn thấy Tuyển Tập của mình đấy, trong đó có người thật là tài, thật là lớn... Còn tôi, đằng sau cái mừng, còn có cái buồn. Nửa thế kỷ làm nghề văn, được chọn lại mấy trăm trang sách. Ít quá. Sách trong bụng thì nhiều hơn gấp mấy, mà bày ra giấy chưa được bao nhiêu. Thời trẻ, tôi phí sức cho cái sự chơi lang bang quá. Chết đến nơi rồi mới biết tiếc việc thì đã muộn... Đã ít mà lại còn thiếu.
Trầm ngâm một lát, cụ Nguyễn lại cười tủm tỉm:
- Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi Tuyển Tập này, cũng giống như là cắt cái lá gan của tôi ra khỏi bụng tôi. Họ sợ nó ung thư hay sao ấy, gan rượu mà. Thực ra, nó là gan lành, nó bị nghi oan. Này, sau này nếu chẳng may có chút quyền hành, thì các ông chớ có đè mấy anh nhà văn ra mà cắt ruột cắt gan nhau đấy nhé... Nào, uống đi, có thể đây là chén rượu cuối cùng tôi cụng với chú mày đấy...
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 (29-8-1987)
Chữ nghĩa làng văn
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Mấy câu lục bát vừa dẫn được xem là một trong những sáng tạo của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều. Bởi thiên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân chấp bút bằng văn xuôi chữ Hán trước Nguyễn Du hơn trăm năm chẳng có đoạn trên. Thanh Tâm chỉ phác gọn lỏn: "May sao một ngày trong tiết Thanh minh, con cái họ Vương cùng đi tảo mộ, nhân tiện xem hội đạp thanh." Vậy mà Tố Như ngẫu hứng triển khai thành trường đoạn tả cảnh với bao chi tiết sinh động. Và bấy lâu nay hầu hết mọi người, kể cả các nhà nghiên cứu của nhiều thế hệ cứ đinh ninh tiết Thanh Minh luôn rơi vào tháng ba âm lịch? Thực tế đúng thế chăng?
Phan Kế Bính biên soạn Việt Nam Phong Tục đã ghi nhận: "Trong khoảng tháng ba có một tiết hậu gọi là tiết Thanh Minh. Thanh Minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng".
Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ - Tết - hội hè của Toan Ánh còn cho biết: “Tiết này thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm".
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cắt nghĩa từ Thanh Minh: "Một tiết ở trong nhị thập tứ khí, tức mùng 5 mùng 6 tháng ba âm lịch”.
.
Nếu tra cứu và đối chiếu âm lịch với dương lịch, chẳng hạn Lịch Vạn Niên vẫn được phổ biến rộng rãi ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, tất cả thư tịch nêu trên đều thiếu chính xác!
Thanh minh trong tiết tháng ba
Hoá ra, câu thơ Tố Như không tổng kết một quy luật tự nhiên phổ quát nào như nhiều người vô tình ngộ nhận. Nội dung câu thơ kia chỉ đúng trong bối cảnh nhất định của mạch thơ, mạch truyện.
(Phanxipăng - Thanh minh trong tiết tháng... nào?)
Nguồn gốc tộc Việt
Đến năm 1999, một học giả khác người Trung Hoa, GS. Li Yin, đứng đầu một nhóm khoa học gia về di truyền học (Đại học Stanford) đã nghiên cứu cùng một vấn đề trên. Báo cáo của ông củng cố thuyết của ông Cavalli-Sforza mà còn chi tiết thêm thuyết con người có gốc duy nhất từ Phi Châu đã di cư đi các nơi khác qua ba đợt như sau:
Đợt 1: Từ Phi Châu đến Nam Á rồi xuống Châu Đại Dương.
Đợt 2: Từ Phi Châu đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á; rồi từ Đông Nam Á chia hai ngả, một đến các hải đảo Thái Bình Dương, một ngược lên phía bắc đến Đông Á và Bắc Mỹ.
Đợt 3: Từ Phi Châu đến Tây và Trung Á rồi từ đó chia hai: một nhóm đi lên Âu Châu rồi qua Bắc Mỹ; một nhóm đi qua Nam Á và vào Bán đảo Ấn Độ.
Kết quả về di truyền của GS. LiYin về sự di cư của người Phi Châu thực ra cũng không khác nhiều với thuyết di cư do các nhà nhân chủng học mà tiêu biểu là Charles Higham từ năm 1996.
(Nguồn: Cung Đình Thanh)
Ta không phải là Tàu
Gần đây nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào chỉ số sọ, di truyền, ngôn ngữ để đi đến kết luận rằng những nước Đông Nam Á mới là cái nôi của loài người. (Xin đọc thêm cuốn Eden in the East, The Drowned Continent of Southeast Asia của Stephen Oppenheimer). Như thế có nghĩa rằng ta không phải từ Tàu xuống. Tôi không phải nhà nghiên cứu, không biết gì về chỉ số sọ hoặc di truyền học, nhưng khi suy gẫm đôi chút về tiếng nói (hoặc ngôn ngữ) hằng ngày của ta, tôi cũng phải kết luận rằng gốc của ta không phải là Tàu.
- Trước hết, một điểm ngữ pháp sơ đẳng sau đây chứng tỏ ta hoàn toàn khác Tàu. Ta, tiếng bổ nghĩa đi sau tiếng được bổ nghĩa. Chẳng hạn: áo xanh, sông dài, gió thu. Trong khi tiếng Hán Việt: thanh y, trường giang, thu phong.
- Đối với những bộ phận trên thân thể người ta, theo Võ Phiến, những gì dễ thấy, thường gặp bên ngoài, đều được đặt tên bằng tiếng Việt, thí dụ mặt, mũi, miệng, tóc, tai, tay, chân, bụng v.v...; những gì nằm bên trong, vì thời xa xưa ấy ta còn kém về y lý, ít gặp, ít thấy nên không đặt thành tên, do đó về sau phải bắt chước Tàu đặt tên như tim (tâm), gan (can), phổi (phế) ...
(Ngự Thuyết - Dòng dõi người Việt gốc Hoa?)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét