Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn XX (Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

                     Chữ Nghĩa Làng Văn XX


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Cải tạo


Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa rất đơn giản:

Cải tạo: Đem cái cũ đổi lại làm mới.


Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý dài dòng hơn:

Cải tạo: Làm cho thay đổi một cách căn bản, cho tốt hẳn lên

 Ví dụ: Cải tạo cơ sở vật chất. Cải tạo nền sản xuất.


Tự điển Tiếng Việt tái bản có nhiều chữ mới:

Cải tạo: Biến đổi....

(Trần Thanh Ty – báo Sài Gòn Nhỏ)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau.

Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.


Như một số dân ở địa phương Thái Bình thì lại ngọng chữ “r, d” một cách khác nghe rất lạ tai. Như bà hàng xóm của tôi (gốc Thái lọ) là dân di cư 1954 ở Sài gòn cứ gọi con ơi ới:
“Rương ơi Rương! Ra đây mẹ cho miếng rưa.”

(Dương ơi Dương! Ra đây mẹ cho miếng dưa)

(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)



Chữ Việt cổ

Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Mán: xóm Mọi ở 


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Chữ nghĩa làng văn


Tùy bút - tùy hứng là phóng bút, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy: Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kỳ một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút. 


Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết thử mới thấy khó. Trước hết nó phải thanh thoát, nhẹ nhàng như ngồi bên giàn hoa hay một ấm trà. Nó không dài, trung bình mươi trang trở lại, nhưng lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải có ý vị.
Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết; thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ - thơ con cóc. Còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm biết tới


Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc chỉ có thành công hay thất bại, không thể nhùng nhằng được.

(Nguyễn Hiến Lê)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cứ chơi cho hết đời trai trẻ
Rùi âm thầm lặng lẽ đạp xích lô.



“Bốn ngàn năm văn hiến” 

Vấn đề dân tộc Việt Nam có “bốn ngàn năm văn hiến” như các nhà văn hóa hiện nay đã tuyên bố khiến cho trong giới thanh niên trí thức thắc mắc và nghi ngờ, không biết hai chữ “văn hiến” có ý nghĩa gì, và căn cứ vào đâu để nói với cả một tin tưởng.

Nguyễn Trãi, khi giúp Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh, xây dựng lại nền độc lập, tự trị của nước nhà cũng chỉ tuyên cáo (Bình Ngô đại cáo) với quốc dân:

 “Thử xét nước nhà Đại việt.
Vốn thật một nước văn hiến.
Núi sông khu vực đã khác biệt,
Phong tục phương Bắc, phương Nam không giống.
Từ Triệu, Đinh, Lý Trần dựng nên nước ta,
Với Hán, Đường, Tống, Nguyên ai nấy làm chúa một phương.” 

 

Đấy là Nguyễn Trãi, muốn cổ võ cho tinh thần quốc gia dân tộc mà cũng chỉ dám kể từ nhà Triệu, tự xưng là Nam Việt Vương đóng đô ở Phiên Ngung ngày nay là Quảng Châu tỉnh Quảng Đông vào năm 237 trước T.L.  Tính đến ngày nay 1973 thì mới được 1980 năm. Như vậy thì lấy đâu ra 4.000 năm văn hiến?

 

Nói đến văn Hiến là ngụ ý có văn chương bút ký và ngưới hiền tài, có công trình xây dựng cho nước, cho dân mà đời sau còn tôn thờ làm Anh Hùng Dân tộc. Nói “Bốn ngàn năm văn hiến” của Vịệt Nam chẳng hoá ra ngoa ngôn, cuồng tín hay sao? 


(Bốn ngàn năm văn hiến – Nguyễn Đăng Thục)



Sui


Sui : bố mẹ vợ hay chồng

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Tác giả cuộc đời và sự kiện

Trần Tuấn Kiệt với 10 năm tù trước và sau 75 - 1

Trần Tuấn Kiệt, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1939, tại Tân Qui Đông - Xóm Bún , Sa Đéc. Có thể vì vậy ông lấy bút hiệu Sa Giang 

Trần Tuấn Kiệt. Ông theo học ở trường Tân Thanh với các giáo sư như Tam Ích, Bùi Giáng... và sau học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc về bộ môn thổi sáo và đàn tranh. .Ông rất thích chơi gà đá và đã có nhiều bài báo nói về chuyện đá gà của ông . 

Ông không làm đám cưới bao giờ (hiện đang sống cùng với vợ có 8 con trai và gái), kể cả không bao giờ đi dự đám cưới.  Ông sống với sự đơn giản, chỉ mặc đến chiếc áo ba túi của giới ký giả. 

 

Trong đời ông có rất nhiều bạn hữu, bạn bè hầu hết là trong giới nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, lính, các bạn thân gồm có Nghiêu Đề, Trần Lam Giang,v…v.., họ thường đến tại  nhà ông ở tại Phan Đình Phùng gần chợ Vừơn Chuối, ngày nào cũng có chục người bạn tới chơi tại nhà… 


Từ cuối thập niên 50 đến 75 ông đã cộng tác với báo Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, Vui Sống của Bình Nguyên Lộc, Sống của Chu Tử, Nghệ Thuật của Mai Thảo... 

Ông chiếm giải nhất sáng tác VHNT quốc gia về thơ năm 1970 với thi tập Lời Gởi Cây Bông Vải. Năm 1971 khi ông đang ở tù, với mức án 10 năm lao công đào binh vì không chịu đi lính, vợ ông cùng với họa sĩ Nghiêu Đề, chạy khắp nơi để xin chữ ký của 100 vị nhân sĩ thời bấy giờ, trong đó người đứng đầu bản kiến nghị là Linh mục Thanh Lãng, ông được tổng thống Thiệu ân xá còn 1 năm tù treo và được cho về nhà vào ngày 30 tết 1971.

Sau 1975 ông cũng bị đi cải tạo gần 10 năm, ở trại giam Phan Đăng Lưu , Chí hoà - Sài gòn  và Gia Trung ở Gia lai KonTum đến 10/1985 mới được về. 

 

Ông viết đủ các  thể loại nhưng cái chính của Trần Tuấn Kiệt vẫn là thơ. Sách viết về thơ có khá nhiều, song ông vừa trích thơ vừa phê bình gần 100 tác giả trong Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (1880-1965), bao gồm thơ Việt xuất hiện trong thời gian 85 năm. 

(Viên Linh)

 


Ca dao thề nguyền

Ra đi để mẹ ở nhà

Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng

Thì thôi thệ hải, minh sơn

Để chàng hiển đạt ngựa xanh, lọng vàng

 


Tác giả cuộc đời và sự kiện

Trần Tuấn Kiệt với Thi Ca Việt Nam Hiện Đại - 2


Kiểm điểm các sách bàn về thơ trong quá khứ, ta thấy như sau:

-Nhà Văn Hiện Đại, Vũ Ngọc Phan, quyển nhì về thơ viết về bốn người, quyển ba viết về 10 người. Biên soạn khoảng 1941.

-Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh, 1942. Viết về 26 người.

-Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, cuốn 3, “Thơ và các nhà làm thơ sau 1932,” phân tích kỹ thuật Thơ Mới, Phạm Thế Ngũ, Sài Gòn, 1965.

-Văn Học Miền Nam, thơ, Võ Phiến, Văn Nghệ xuất bản, California, 1999. Có 32 người.


Có thể còn một vài công trình nữa, song không có một tổng tập vĩ đại nào – trừ một cuốn, cuốn duy nhất – dày tới 1156 trang, đó là Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (1880-1965), tác giả Trần Tuấn Kiệt, do Khai Trí xuất bản năm 1967 ở Sài Gòn.

Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (1880-1965), như nhan đề và niên đại, cuốn sách dày nhất và tuyển chọn nhiều thơ nhất, của một số lượng thi nhân nhiều nhất. Mỗi thi sĩ có thơ tuyển chọn đều được nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, viết phẩm bình trong khoảng một trang.

 

Theo sự hiểu biết của tôi (Viên Linh), trong các sách vừa kể, tác giả là những nhà giáo, nhà phê bình, người thưởng ngoạn, chỉ có hai nhà soạn sách là thi sĩ chân chính, đó là Huy Trâm và Trần Tuấn Kiệt. Thi sĩ họ Trần người Sa Đéc, sinh năm 1939, như thế khi cuốn sách ra đời, 1967, anh mới 28 tuổi. Chắc chắn anh là soạn giả tổng tập thi ca Việt Nam trẻ tuổi nhất.

Tổng tập thi ca của anh đã được soạn trong quan điểm nào? Xin trích dẫn  đoạn trong bài Tựa của Trần Tuấn Kiệt, viết năm 1967: 

“Trong quyển này chúng tôi đứng về phía người thưởng ngoạn khi sưu tầm thơ. Khi cảm thông được với nguồn rung cảm chân thành và đặc biệt, từ người từng nổi danh trên thi đàn hay người mới xuất hiện hôm nay, hoặc chúng tôi nhận thấy bóng dáng họ sẽ rực rỡ ở ngày mai, chúng tôi đều ghi tiếng thơ họ vào sách này. 

Nhưng điều mà chúng tôi đặt trên sự làm việc này, là tuyển chọn thật đầy đủ (các thi sĩ) gần một trăm năm thi ca, gần một thế kỷ đã qua trên bước đường thơ Việt, một thứ ngôn ngữ thơ làm nền tảng cho lịch sử Việt bền vững. Sức sống mãnh liệt bốc lên trong từng lời thơ, những suy niệm, những chân trời mộng tưởng mà người thơ đã thực hiện được cho nền văn học Việt Nam.” 

(Viên Linh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hãy sống để được… chết một lần.

 


Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 

Nguyễn Huy Tưởng: Không khí của truyện - 1

Anh đi chơi với chúng tôi cũng thường hơn các anh khác. Trong câu chuyện vui, bao giờ anh cũng xen vào vài câu chuyện văn học để dạy chúng tôi một cách khéo léo, không ra vẻ đàn anh.

Một hôm đọc xong bản thảo của Nguyễn Quang Sáng, anh đem trả và mừng rỡ nói:

– Nhân vật ông Năm Ịnh kéo đàn cò được lắm, có không khí lắm.

Anh và anh Tuân cũng đều khen Đoàn Giỏi gây không khí rất hay. Cái không khí của truyện là rất cần thiết tức là bối cảnh chung quanh nhân vật làm cho người đọc cùng sống với nhân vật.


Thí dụ khi các cậu tả một bữa tiệc thịt chó, thì sự ăn nhậu phải khác với bữa giỗ. Khác về thức ăn đã đành, còn lời nói, cử chỉ, các nhân vật cũng khác luôn. Tả các món thịt chó cho người đọc thèm rỏ dãi, cho nhân vật cụng ly bốp chát, cười nói rổn rảng. Lúc đầu tiên còn tỉnh táo, lúc quá chén thì ăn nói bạt mạng. Nhậu hết đế chạy đi mua. Đến lúc đã quá thì xách đờn ra mần sáu câu thiệt muồi v.v…Đó gọi là không khí của câu chuyện nhậu thịt chó. Chứ nếu các cậu mô tả nó nghiêm trang lễ mễ, thì tiệc gì khác chớ không phải là tiệc thịt chó.

(Xuân Vũ)

 


Tiếng Việt kỳ diệu


Trong chữ “Nhẹ” vẫn có dấu “Nặng”

Trong chữ “Vững” vẫn có dấu “Ngã”

Trong chữ “Hiểu” vẫn có dấu “Hỏi”

Chữ “Ngắn… dài hơn chữ “Dài”



Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 

Nguyễn Huy Tưởng: Lô-gich trong truyện - 2

Có cả một quyển sách nói về lô-gích gọi là lô-gích học. Nhưng ở đây tôi chỉ nói nôm na ra đó là sự hợp tình hợp lý trong câu chuyện.. Nghĩa là khi một chuyện dù nhỏ dù lớn xảy ra, độc giả cũng không cho là vô lý, kỳ cục trái cựa.

Tôi đã từng nói với các cậu rằng đôi khi ta đẻ ra nhân vật, nhưng ta không điều khiển được chúng. Tại sao? Tại vì: Một là khi thể hiện được câu chuyện thì nhân vật lại vọt ngoài sự kiểm soát của ta. Hai là khi thể hiện ta thấy ở đoạn nào đối câu chuyện không hợp lý, ta phải thay đổi. Do đó nhân vật cũng thay đổi theo.

Ví dụ như trong Chí Phèo. Ở đoạn kết tác giả cho độc giả thấy “cái bụng của Thị Nở u lên” để chuẩn bị cho một Chí Phèo con ra đời. Nếu như ở trước không có vụ tình tự ở vườn chuối dưới chân đê thì độc giả sẽ hỏi: Làm sao lại thế được? Nhưng đã có nhân ở đó rồi, thì cái theo sau là lẽ tất nhiên, không có gì là lạ. 

Chuyện lô-gích là đề tài vô tận bàn cãi mãi không kết luận được trong nhiều trường hợp. Ví dụ như cái tai họa thình lình cho gia đình Thúy Kiều. Cái anh chàng bán tơ Mã Giám Sinh–không ai kịp hiểu nó ra làm sao cả khi hắn bảo: “Phải ba trăm lạng việc này mới xong”. Nhiều người cho rằng không lô-gích, nhưng nếu không có cái tai họa này thì sẽ không có việc Kiều bán mình chuộc cha và do đó không có Truyện Kiều.

Cũng như trong Đoạn Tuyệt, cái chết của Thân không do Loan gây ra, Loan không cố tình hạ sát Thân mà tại Thân vác dao đuổi theo Loan rồi vấp ngã, mà bị dao xốc chết. Cái chết thật là kỳ lạ! Trong lịch sử giết người trường hợp này rất hiếm xảy ra. Nhiều người cho đó là một sự bịa đặt, dựng đứng, không lô-gích, nhưng nếu không có cái chết này thì truyện sẽ kết thúc bằng cách nào?

Cũng như Xuân Tóc Đỏ. Từ đầu tới cuối, tác giả bỏ cả luật lô gích để dựng nên một thằng lưu manh trở thành một anh hùng cứu quốc mà cả quan Toàn Quyền cũng phải biết ơn và tặng mề-đay.


Trong ba trường hợp trên cái không lô-gích lại trở thành lô-gích. Nói tóm lại, lô gích là một thứ qui luật, nhưng ở đời, nhất là trong văn học lại có nhiều điều vượt cả quy luật.

(Xuân Vũ)



Mây mưa

Tục xưa truyền Sở Tương Vương nằm mơ thấy thần nữ trên núi Vu Sơn, hỏi ở đâu lại thì đáp rằng: "Thần nữ thường làm mây buổi sáng, làm mưa buổi chiều".
Sau người ta dùng chữ "mây mưa" để nói chuyện gian díu trai gái.



129 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Ngày đi, Bà con, bạn hữu, bắt đầu tới, mỗi lúc một đông. Bắt tay, dùng dằng. 

“Kìa, bà Vân (Nhã Ca), xe ca tới rồi”.

Chiếc xe ca lớn, mướn của hãng Hàng Không, đã tấp vô bên kia đường, ngay trước cửa nhà sách Ngoại Văn. 

“Tạm biệt Từ (Trần Dạ Từ)”

Tạm biệt thôi. Sẽ còn ngày gặp lại.


***

Bỗng chốc có một chiếc xe đạp dừng ngay trên vỉa hè: 

Nguyễn Thị Hoàng, áo mầu, tóc xõa, điểm trang tươi tắn, ngồi trên xe, chống chân xuống hè, kêu tôi bằng tên thời con gái:

“Ê, Thu Vân. Tui không vô nhà, không đi tiễn đâu. Hai đứa mình từ giã nhau xong rồi. Tui tới chào ông Từ. Kêu chàng ra đây.” 

Từ bước tới, lãnh một nụ hôn ngay trên lề đường.

“Vậy cho ông nhớ mãi là ông thiếu tôi một món nợ.”

 

Sau nụ hôn bất ngờ, nhà văn nữ của Saigon thời thượng đạp xe đi luôn trên vỉa hè, khuất ở góc Tự Do - Lê Thánh Tôn, không nhìn lui. Khác với mấy ngày trước, nước mắt dàn dụa khi gặp lại, hôm nay, tôi biết chị chăm chú trang điểm, dấu riêng nước mắt, mang tới cho chúng tôi nụ cười, tôi biết ơn chị. 

***

Nhìn đi. Nhìn nắng. Nhìn hàng cây. Nhìn thành phố. Sẽ không biết bao giờ mới được nhìn thấy lại. Đây là những ngày giờ cuối cùng. Tôi đang đứng trên hè phố, ngay trước nhà, Tôi sẽ nhớ. 

Nhớ mãi. Và tôi tự nhủ vậy… 

(Những ngày giờ cuối…- Nhã Ca)



Họ Trần qua họ Trình

Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) được sử sách đánh giá là một minh quân, nhưng lại đi vào vết xe của nhà Trần. Vừa cầm quyền được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung Từ hoàng thái hậu. Bà nầy tên huý là Phạm Ngọc Trần, vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông. 


Vua cho rằng bà nội mình tên Trần nên yết thị khắp nước, nơi nào có họ "Trần" đều phải đổi chép thành chữ "Trình". 

(Trần Gia Phụng - Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử)



Con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa

Tản mạn về con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa

Xưa nay, đường Tự Do ở khu trung tâm Quận 1 Sài Gòn dù chỉ là một con đường ngắn và hẹp nhưng vẫn được tiếng là con đường đẹp nhất, sang nhất, đông người nước ngoài nhất thành phố Sài Gòn xa xưa và cũng có thể nói như thế về quãng thời gian sau tháng 4-75 cho đến nay.


Vừa qua, trên trang trithucvn.net (*), trong bút ký tựa là “Văn hóa không tên tạo nên linh hồn của Sài Gòn xưa”, nhà văn Văn Quang đã ghi nhận rằng trên con đường Tự Do đẹp, sang ấy lại có một chuỗi 3 nhà hàng/quán cà phê là La Pagode, Givral, Brodard đã tỏ lộ cái hồn văn hóa đầy sức sống tự tại của Sài Gòn xưa.

Văn Quang kể:

“Nói đến La Pagode, Givral, Brodard… chắc chắn những người đã từng sống, từng ghé qua Sài Gòn chưa ai quên. Nhất là những văn nghệ sĩ, nhà báo, dân biểu, thường ngồi ở đấy làm nơi trao đổi tin tức nghề nghiệp. Còn một số lớn khách du lịch, sĩ quan, quân nhân, công tư chức làm việc tại “thủ đô miền Nam” và các bạn trẻ Sài Gòn thập niên 60-75 cũng hay lui tới nơi này.”

(Phạm Nga)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Dây tơ hồng... quấn quanh chuồng lợn.
Tình chúng mình có tợn quá không em

 

Nguồn gốc tộc Việt 

Khuynh hướng 3: Một tác giả nổi tiếng khác ủng hộ và làm sáng tỏ thêm kết quả nghiên cứu của GS. Chu là GS. Alberto Piazza ở Đại học Torino, Ý Đại Lợi, ông nhắc lại ba mô hình được các học giả trước đây đưa ra về nguồn gốc người Trung Hoa là:


Mô hình 1: Chủ trương nguồn gốc người Trung Hoa ở Hoa Nam là từ Hoa Bắc di xuống rồi hợp chủng với những người Australoid đã có sẵn ở đó.

Mô hình 2: Chủ trương ngược lại cho người Hoa Nam đã di cư lên Bắc và người phía Bắc Trung Hoa chỉ là hậu duệ của người phương Nam di cư lên.

Mô hình 3: Chủ trương hai giống người ở Hoa Bắc và Hoa Nam tiến hóa và phát triển độc lập với nhau qua ba trung tâm chính Yang-Shao, Ching Lien Khang và Ta-Pen-Keng.


Ông kết luận: mô hình thứ hai (Bắc là hậu duệ của Nam Trung Hoa), người phương Bắc có sau và do từ người phương Nam di cư lên sinh ra, phù hợp với các dự kiện về di truyền học theo khảo cứu của GS. Chu và đồng nghiệp hơn. 

Những sự nghiên cứu khác dù về di truyền (Cavalli-Sforza), hay về khảo cổ như nghiên cứu về răng (Turnen C. G.); về sọ ( Hanihara T.) của người cổ ở Trung Hoa cũng hậu thuẫn cho mô hình hai này. 

(Nguồn: Cung Đình Thanh)



Chữ Nôm

Chữ Nôm không giản dị như nhiều người lầm tưởng. Cách diễn đạt nôm na thì đơn giản. Thay vì nói “nhất nhân hành” ta nói “một người đi”. Nhưng cách viết chữ Nôm rất rắc rối vì nó đòi hỏi người học phải biết chữ Hán. 

Thế kỷ 8 dân chúng tôn Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương. Vào thế kỷ 10 Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Danh hiệu Bố Cái Đại Vương hay quốc hiệu Đại Cồ Việt đánh dấu sự kết hợp của chữ Nôm và chữ Hán ngay từ thế kỷ 8 và 10.

 

Vào thế kỷ 13 Nguyễn Thuyên, Thượng Thơ Bộ Hình dưới triều vua Trần Nhân Tôn (1225–1258), là người đầu tiên làm thơ bằng chữ Nôm. Ông được vua nhà Trần cho đổi sang họ Hàn sau khi làm một bài văn tế khiến cho con sấu trên sông Phú Lương bỏ đi.

(Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)



Chữ Quốc Ngữ

Năm Nhâm Tuất 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa.  Năm Đinh Mão 1867 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Hòa ước năm Giáp Tuất 1874 công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn thể lãnh thổ Nam Kỳ.  Nam Kỳ trở thành thuộc địa (colonie) của Pháp. 
Hai hòa ước năm Quí Mùi 1883 và Patenôtre năm Giáp Thân 1884 công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.  Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ (protectorat) của Pháp.  Ở miền Bắc, trên danh nghĩa, triều đình Huế còn quyền hành nhưng trên thực tế mọi việc do người Pháp điều khiển.  


Trung Kỳ do triều đình Huế cai trị nhưng được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Pháp. Khi đô hộ Việt Nam, nhu cầu cấp bách của người Pháp là phải hủy diệt nền Nho học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục phục vụ cho guồng máy cai trị.  Do đó, chiếm được Nam Kỳ xong là người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Nho học.  Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm).  Từ  1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ.  


Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn.  Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc là năm Ất Mão 1915, và ở Huế năm Mậu Ngọ 1918.  Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội chót năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế.  Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình mới bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ.

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)



Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Thời gian là kẻ thù của tồn tại, làm tàn phai những gì người đời. Những vàng son ngày nào rồi chỉ còn lại là vết bụi mờ trong ký ức. Đời người, nhan sắc, tài năng thật chẳng muốn đối đầu chút nào với thời gian. Cảm nhận ý này, Nguyễn Bính, nhà thơ tài hoa mệnh bạc đa tình lìa đời năm 48 tuổi, tuổi 48 chưa phải là lúc đầu bạc. Thơ vận vào đời, nhà thơ tài hoa viết bài Viếng hồn trinh Nữ  khóc mĩ nhân sớm lìa trần :

Tôi với nàng đây không biết nhau,

Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu


Nguyễn Bính kết thúc bài thơ đa tình bằng hai câu vốn quen thuộc từ xưa. Câu thơ được người đời nhắc mãi mà xuất xứ thơ từ đâu thì không rõ lắm. Nhiều truyền thuyết giải thích khác nhau. Tùy Viên thi thoại của Viên Mai chép lại câu chuyện kể:

“…Chú của tiến sĩ họ Tra có làm bài thơ Điệu vong cơ khóc người thiếp qua đời. Bài thơ được nhiều người họa lại. Riêng bài họa của một hầu thiếp tên là Diễm Tuyết có hai câu kết: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng - Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Người đẹp nghìn xưa như tướng giỏi/ Chẳng hẹn nhân gian thấy bạc đầu) là hay nhất…”.

(Nguyễn Cẩm Xuyên)



Từ điển và từ ngữ Việt Nam

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


Cơ đốc (H. cơ: gốc; đốc: xem xét)


Thực ra đây chỉ là hai tiếng hoàn toàn vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi.

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Công Dã Tràng

Công dã tràng, ý nói có gắng công cũng vô ích.
Tục truyền có chàng thợ săn tên Dã Tràng, một ngày kia nhìn thấy một cặp rắn. Khi con rắn cái lột da thì rắn đực đi tìm đồ ăn mang về. Nhưng khi rắn đực lột da thì rắn cái bèn bò đi tìm rắn đực khác. Dã Tràng bất bình bèn bắn chết rắn cái. Rắn đực đi tìm vợ, gặp Dã Tràng mới hiểu ra vợ mình xấu xa. Rắn đực bèn trả ơn Dã Tràng bằng một viên ngọc lạ, mỗi lần Dã Tràng ngậm viên ngọc này thì có thể nghe và hiểu được tiếng nói của loài vật.


Vua cho đòi Dã Tràng tới, mượn viên ngọc của chàng, ngậm viên ngọc, nghe được các loại cá mực hát rất haỵ. Vua bật cười, viên ngọc bị rơi xuống biển. Dã Tràng tiếc viên ngọc, ngày đêm ngụp lặn tìm kiếm, kiệt sức chết. Dã Tràng biến thành một loài cua bể ngày đêm tha cát lấp biển để tìm lại viên ngọc đã mất.
Dã Tràng tha cát lấp bể, sóng biển lại đánh vàọ. Cho nên trong dân gian Việt Nam có câu:

Dã Tràng xe cát biển đông
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì



Hư từ

Như ta nói “lính nghĩa quân” hay “cháu đích tôn” hoặc “giấy hương chỉ ” thì những chữ “quân”, “tôn” và “chỉ” là hư từ… (chữ dư thừa).


Vì “lính” đã là “quân”, cháu đã là “tôn”, và “chỉ” đã là “giấy” rồi.

(Nguyễn Ngọc Phách – Bút chiến ở miệt dưới)



“Mượn âm” 

Trong tiếng Việt có một hiện tượng chúng tôi tạm gọi là “mượn âm”. Xin nêu một thí dụ tiêu biểu một số từ có âm na ná nhau, từ này đã mượn âm từ kia. 


Bồ bịch trong tiếng Việt ban đầu là tên hai nông cụ. Cái bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; cái bịch cũng là dụng cụ đựng lúa nhưng không có đáy, lấy nền nhà làm đáy. Ca dao xưa có câu:

Bởi anh chăm việc canh nông,

Cho nên mới có bồ trong, bịch ngoài.

 

Đồng thời tiếng Việt có từ bầu / bậu (bạn) biến âm thành bồ, theo kiểu: thi đậu – thi đỗđậu xanh – đỗ xanh. Do hai tiếng bồ đồng âm, ta có từ bồ bịch thứ hai, chỉ bạn trai, bạn gái.

(Lê Trung Hoa)



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tôi xin mượn bài viết ngăn ngắn nầy nhắc lại một vài tiếng nói quen thuộc miền Nam. Tiếng mình nói khi còn thơ ấu đến lúc trưởng thành, nó tiềm tàng trong cốt não, khi có dịp giở lại trang sách cũ hay vào trang mạng ngày nay, tiếng nói đó nó gợi lại đời sống kỷ niệm năm nào, khơi dậy cái đạo lý, tập tục dính liền với lời nói hàng ngày đó. 

 

Qua nhiều năm sống trên đất lạ quê người mấy ai mà đôi khi không cảm thấy mình lạc loài, bơ vơ hơn Hạ Tri Chương trong 

Hồi Hương Ngẫu Thư: “cười rằng ông đó mình ên. Quê ông đâu hả? lênh đênh xứ nầy”:


Xa nhà từ lúc thanh sơ
Già đầu râu tóc lơ thơ mới về.
Nói cười không đổi giọng quê
Trẻ con nhìn ngó không hề biết quen
Cười rằng ông đó mình ên,
Quê ông đâu hả, lênh đênh xứ nầy
Lìa quê đã lắm thu chầy,
Gần đây làng bạn hao gầy xác xơ
Hồ Gương trước cửa còn trơ,
Gió xuân nào có đổi dời sóng xưa

(Nam Mai Trinh Quốc Thuận diễn thơ)


(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)







Không có nhận xét nào: