Giải Thích Một Thắc Mắc về Thơ Đường Luật
Về nguồn gốc của thơ Đường Luật thì chỉ cần đánh máy câu "Nguồn gốc thơ Đường Luật" bỏ lên Google hay Yahoo gì cũng được, sẽ có vô số bài viết trả lời một cách rất rõ ràng.
Ở đây, tôi chỉ giải thích theo sự hiểu biết của mình về một thắc mắc là: "... tôi thăc mắc làm sao loại thơ đó lại làm theo luật của 6 dấu Huyền, Sắc, Hỏi,Ngã, Nặng, và không dấu của chữ Quốc Ngữ VN ?".\
Câu hỏi rất hay, LUẬT được đặt ra từ đời nhà Đường (618-907) gần 1500 năm trước, và ở tuốt tận bên Tàu, thì làm sao có thể áp dụng vào thành luật trong ngôn ngữ Việt Nam và nhất là trong chữ Quốc ngữ hiện tại với sáu thanh: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và không dấu?!
Thưa Quý độc giả,
Thắc mắc trên có liên quan mật thiết với Ngữ Âm Học, rất nhiêu khê và rắc rối. Ở đây tôi xin được chỉ trả lời vắn tắt ngắn gọn cho dễ hiểu là:
* Tiếng Việt và tiếng Hoa đều là tiếng nói Đơn Âm. Mỗi tiếng biểu một ý, chớ không phải phát ra từng tràng dài mới biểu được một ý.
* Về Âm Sắc, giọng điệu lên xuống của tiếng nói cũng giống nhau, nên có thể áp dụng Luật Bằng Trắc của Thẩm Ước 沈 約 từ đời Đường ở bên Tàu vào trong tiếng nói Việt Nam để hình thành "Thơ làm theo luật Đường của tiếng Việt". Cụ thể là:
- Về THANH SẮC (dấu giọng) : Tất cả những tiếng nói Quảng ,Tiều, Phước Kiến, Hải nam, Quan Thoại... đều có 4 dấu giọng chính và một dấu giọng phụ là Khinh Thanh như sau :
ÂM 陰, DƯƠNG 陽, THƯỢNG 上, KHỨ 去 và KHINH THANH.
- Tiếng Việt ta ngày xưa cũng phân biệt Dấu Giọng như tiếng Hoa. Sau này khi chữ Quốc Ngữ hình thành, đăt ra 6 dấu giọng là:
SẮC, HUYỀN, HỎI (NGÃ), NẶNG và KHÔNG DẤU.
Ta thấy :
- Tiếng Hoa nói là có 4 dấu giọng nhưng thực ra là 5 (khinh thanh).
- Ta nói là có 6 dấu, nhưng HỎI và NGÃ gần như nhau, nên cũng chỉ có 5.
Khi áp dụng vào Luật BẰNG TRẮC của thơ Đường thì :
* Tiếng Hoa : Thanh BẰNG là : ÂM, DƯƠNG và KHINH THANH.
Thanh TRẮC là : THƯỢNG và KHỨ.
* Tiếng Việt : Thanh BẰNG là : Dấu HUYỀN và KHÔNG DẤU.
Thanh TRẮC là : Các dấu SẮC, HỎI (NGÃ) và NẶNG.
Nói chung là Tiếng Việt và Tiếng Hoa giống nhau về ÂM SẮC, ÂM ĐIỆU... nên có thể áp dụng Luật Bằng Trắc của Tiếng Hoa vào Tiếng Việt một cách rất tự nhiên và thuận lợi, không có khó khăn gì cả, mà còn ngược lại nữa là đằng khác! Vì trong thực tế, người Hoa rất khó phân biệt thanh BẰNG và thanh TRẮC, chỉ những sinh viên Khoa Văn, hay những nhà nghiên cứu, học giả, nhà thơ... mới phân biệt được BẰNG TRẮC một cách rất vất vả, chớ không dễ dàng như chữ Quốc Ngữ của ta hiện nay, cứ KHÔNG DẤU hay DẤU HUYỀN là thanh BẰNG, còn lại đều là TRẮC tuốt luốt!!!
Vài chục hàng góp ý, rất mong giải tỏa được phần nào thắc mắc trên về Luật Thơ Đường Luật.
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét