Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn 25 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn XXV

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


***


Thảnh


Thảnh : rảnh rỗi

(thảnh thơi ngày tạnh cảnh Hồ Tây)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Chợ Dầu


“Ở chợ Dầu có hàng cà-phê... có một cô nàng bé bé xinh xinh trong bài hát Cô hàng cà phê của nhạc sĩ Canh-Thân. 

Chợ Dầu thời đó, cái thuở nằm trong khu kháng chiến, không khí sinh hoạt giống như chợ Vân-Ðình, chợ Ðại, Cống-Thần thuộc tỉnh Hà-Ðông.



Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại

Nhục: thịt

(cửu nhục : thịt chó)

(Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Đù, đéo


Trong văn học , nhiều trong văn chương nổi đóa văng tục

Thôi về tiên Phật cho xong kiếp

Đù ỏa trần gian sống mãi chi

(Phạm Thái)

 

Ngòi bút có bản lĩnh không kiêng sợ từ ngữ thô tục bất nhã: 

Ba hồi chuông giục, đù cha kiếp

Một nhát gươm đưa, đéo mẹ đời

(Cao Bá Quát)

 

Dung tục đúng chỗ có sức mạnh riêng, bất nhã mà đắc địa có tính đa năng của nó:

Đéo mẹ nhân tình đã biết rồi

Nhạt như nước ốc, bạc như vôi

(Nguyễn Công Trứ)

 

(Trần Văn Tích – báo Sài Gòn Nhỏ)


nõ : bộ phận sinh dục của phái nữ

(cái nường)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Chữ là nghĩa


Đông chí : ngày ngắn nhât, đêm dài nhất giữa mùa đông

Hạ chí : ngày dài nhất, đêm ngắn nhất giữa mùa hạ


Thu phân : ngày đêm bằng nhau giữa mùa thu

Xuân phân : ngày đêm bằng nhau giữa mùa xuân


Lâp đông, lập xuân : đầu mùa



Tiền giấy nhà Hồ

Lịch sử của tiền giấy

Tiền giấy có nguồn gốc từ tờ giấy Khoán thời Đường, do tiền đồng nặng khi sử dụng số lượng lớn không thuận tiện nên sáng tạo ra tờ Khoán dùng "để nhận tiền thực, đổi tiền giấy, nhận tiền giấy đổi tiền thực" có giá trị như tiền cho dễ mang đi trao đổi. "Thời Tống gọi là Giao Hội, đời Kim mới gọi là Sao". 

Đời Tống, bộ lạc Nữ Chân vì ít đồng nên theo tờ Giao Hội làm ra tiền giấy. Nhà Trần giai đoạn cuối cũng sử dụng tờ Hội Giao thay tiền và Hồ Quý Ly đã phát triển từ Hội Giao thành Tiền Giấy vừa tiết kiệm đồng vừa thuận lợi trong giao thương. 


Cho đến nay, chúng ta chưa tìm được đồng tiền giấy nào cho nên chưa rõ kích thước, chất lượng giấy, kỹ thuật in ấn, cách thể hiện hình vẽ mà chỉ biết được qua ghi chép trong lịch sử. 


Nhưng những hiện vật thời Trần tìm được qua các cuộc khai quật khảo cổ học như hình rồng, thủy ba (sóng nước), tản vân (vân mây) khắc tạc trên các bệ đá thời Trần đã phần nào cho biết sự phức tạp của các họa tiết trang trí trên đồng tiền này (Trần Minh Tông niên chế). Tiền giấy cho thấy, nghề sản xuất giấy có sự phát triển đặc biệt sản xuất ra loại giấy để in tiền.

 


Đã có một thời…

Vĩnh biệt Hoàng Anh Tuấn 

Hoàng Anh Tuấn có rất nhiều “nghề”. Làm đạo diễn, là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, là Quản Đốc Đài Phát Thanh Đà Lạt. Thông thường, bạn bè nhìn anh như một nhà đạo diễn. Không có tính “chuyên nghiệp” như Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Hoàng Hoa… 

Anh là một đạo diễn rất “tài tử”. Anh đã từng tốt nghiệp tại một trường Điện Ảnh ở Pháp ngay trong thời kỳ còn là sinh viên ở Paris. Nhưng ai mời mà thấy “hợp gu” thì đạo diễn… chơi cho vui. Tôi thấy hình như cái gì anh cũng làm chơi cho vui. Thích thì làm, không thích thì bỏ đi, giản dị có thế. 


Cả cuộc sống cũng vậy thôi. Ở anh, con người nghệ sĩ chân thật, hồn nhiên bao trùm lên mọi thứ. Anh chơi tất với mọi người, ngồi quán cóc, uống ly cà phê hay ăn bữa cơm Bà Cả Đọi cũng giống y chang như ngồi ở Caravel phỏng vấn những danh ca nổi danh thế giới như Dalida hoặc ngồi dancing ăn cánh gà chiên bơ, đấu láo với mấy em ca-nhe, bất kể hạng nhất hay về già. 


Ngay cả trong cách ăn mặc, Tuấn cũng chẳng cần chú ý, cứ “đại khái chủ nghĩa”, không “lên khuôn đóng thùng” ngay cả ở những nơi cần long trọng. Tiếng cười của anh nhiều hơn lời nói. Vẻ “tỉnh tỉnh” của anh làm nên một phong cách riêng. Nhìn thấy anh là nhìn thấy ngay “cuộc đời có cái quái gì quan trọng đâu”. 

Tôi chắc bạn bè rất thích Hoàng Anh Tuấn vì lẽ đó.

(Văn Quang)

 


Ngày xưa... Ngày nay


Ngày xưa kẻ đón người mời,
Ngày nay cô lẻ vắng lời hỏi thăm.

 


Đã có một thời…

Thanh Tâm Tuyền

Đối với tôi, Thanh Tâm Tuyền là một người bạn khá thân nhưng không gần nhau nhiều như Mai Thảo, Thanh Nam, Hoài Bắc, Vũ Khắc Khoan. Thỉnh thoảng gặp anh trong một tòa báo hay một một buổi ăn uống vui chơi nào đó ở một nhà hàng. Thanh Tâm Tuyền dường như không hợp tác với một chương trình phát thanh nào nên sau này tôi ít khi gặp anh. Ở cái gọi là trại cải tạo cũng vậy, mỗi người ở một đội nên chúng tôi ít có cơ hội gặp nhau. 


Những kỷ niệm của tôi với Thanh Tâm Tuyền chỉ còn là những khoảnh khắc bất chợt. Nhưng con người anh, bản tính anh, tạo thành những nét rất riêng đôi khi nó giống như thơ anh, khó hiểu, lạnh lùng và chỉ cho người ta cảm nhận được tâm hồn phóng khoáng bay bổng của anh. Đôi khi anh lại rất dễ thương, hồn nhiên, duyên dáng như những đoạn văn xuôi mạch lạc trôi chảy rất thú vị. 

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất là lần cuối cùng gặp anh cũng là ngày anh được thả khỏi trại cải tạo Vĩnh Phú, vào khoảng năm 1982. Anh ghé vào khu nhà giam tôi đang sống, anh hỏi:
- Có trà ngon không, mang đãi khách chứ. Bây giờ anh là tù, tôi là người ngoài trại tù. 
Tôi gật đầu:
- Tôi vừa nghe tin anh được tha, định sang khu anh thì anh đến.

Tôi pha trà và mang cái điếu cày ra bàn. Chúng tôi ngồi đối diện, anh không nói gì nhiều, có lẽ anh nghĩ không nên làm nản lòng những người còn ở lại. Tuy nhiên hôm đó anh bớt lầm lì hơn những ngày tháng ở trại. Tôi hỏi:
- Về nhà rồi anh định làm gì?
Anh nói như người mơ ngủ:
- Về nhà à? Không biết nữa.
Một vài phút sau rồi anh mới nhún vai:
- Cũng thế thôi. 

(Những khoảnh khắc với Thanh Tâm Tuyền – Văn Quang)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Nếu biết rằng em sắp lấy chồng
Anh về tự tử thế là xong
Ruột gan phèo phổi lôi ra hết
Tặng kẻ vu qui nấu cháo lòng.

 


Trò chơi chữ nghĩa

Sau đó, Trần Văn Thủy đã hỏi Nguyễn Thị Hoàng Bắc…


Trần Văn Thủy (TVT): Thế theo chị thế nào là “ngụy”?


Nguyễn Thị Hoàng Bắc (NTHB): Theo từ điển Hán Việt nghĩa là dối trá, nghĩa là nói một đằng làm một nẻo. Theo Minh Mạng thì ngụy nghĩa là bọn làm phản, làm loạn, chẳng hạn Mả Ngụy, ở đó chôn bọn làm phản Lê Văn Khôi chống lại nha Nguyễn. Theo tự điển nhà nước XHCN Việt Nam thì ngụy quyền là chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1996).”

NTHB đưa ra định nghĩa chữ “ngụy” bằng cung cách của “phe chính” định nghĩa về kẻ thù, về kẻ chống đối lại mình là “phe tà”! Như vậy, chữ “ngụy” có nghĩa là “tà”, là “xấu”, là “dối trá”, là “giả”, là “nói một đằng, làm một nẻo” đúng như tự điển Hán Việt đã ghi ra. Những thói tật, cá tính, bản chất như “tà”, “xấu”, “giả”, “nói một đằng, làm một nẻo”, đó là những nền tảng căn bản của con người chủ nghĩa! Những thành tích bắt con đấu tố cha mẹ, cải cách ruộng đất, tuần lễ vàng rồi sau đó là nhân vật tiêu biểu uy tín Nguyễn Hữu Đang bị tù đày trên ba mươi năm, những kế hoạch “năm năm” hứa một đằng để sau hơn một phần tư thế kỷ thống nhất đất nước, đất nước càng phân hóa và trì trệ là do chính quyền và đảng việt cộng đã làm một nẻo! Những chuyện vừa “tạm kể” trên, nếu không “tà”, không “xấu” không “giả” thì là gì?

(Trần Nghi Hoàng – Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Trò chơi chữ nghĩa)



Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa tiệc nhậu linh đình,
Ngày nay ăn uống tận tình kiêng khem.



Chuyện bây giờ mới kể

Nhà văn Thanh Châu có một giang sơn riêng – một gác xép bằng gỗ ghép giống hệt gác xép của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái”, mà chúng tôi gọi đùa là “ông Giê Su ở phố Hàng Thuốc Bắc”. Một thời nhiều nhà có thứ gác xép như thế. Nó tăng diện tích ở không nhiều, nhưng tạo ra một mảng riêng tư. Gác xép của Thanh Châu được dành riêng cho ông làm việc và tiếp bạn, người nhà không hề lai vãng. Để lên cái gác xép ấy tôi phải leo một cái thang dựng ngược, bám cứng vào hai thành lung lay của nó mà từng bước nhích lên rồi chui mới qua một lỗ vuông hẹp.


Người thường xuyên có mặt trên gác xép của Thanh Châu là Kim Lân, cây bút số một về chuyện nhà quê. Người thứ hai là Bùi Xuân Phái, gày còm, xanh xao, với gương mặt rất giống Chúa Cứu Thế, tự xưng “nhát gan bậc nhất Hà Thành”, hễ gặp quá ba khách đến trước là anh lịch sự bắt tay mỗi người một cái rồi ù té.


Từ cái lỗ vuông ấy, vào một ngày không còn nhớ, nhô lên một mái đầu chải ngược, đường ngôi rõ ràng, một khuôn mặt xạm đen với nụ cười phô những cái răng dài.

- Hồ Dzếnh đấy! – Thanh Châu nói khẽ với tôi.

Tôi không quên được hình ảnh ấy – nó gắn chết vào trí nhớ.

Con người lộc ngộc, xương to, thịt ít, ngồi xuống bên tôi:

- Vũ Thư Hiên?

Thanh Châu gật.


Chắc hẳn Thanh Châu, hoặc Kim Lân đã nhắc đến tên tôi nhân đụng tới thế sự văn chương. Chả là hồi ấy dư luận đang ồn lên với bài “Giương cao ngọn cờ tính đảng, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ” của Tố Hữu. Nó hứa hẹn một trận đánh, rất có thể sẽ là một vụ “Nhân Văn – Giai Phẩm” thứ hai. Tôi được nêu tên cùng với truyện ngắn Đêm Mất Ngủ. Cùng với tôi còn có Nguyên Ngọc, Ngô Ngọc Bội. Là may. Chứ một mình thì nguy to.

(Vũ Thư Hiên)



Đạo thơ?

Bàn tay ta làm nên tất cả 
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Nhiều người cho rằng của Tố Hữu


Nhưng trước Tố Hữu trong Bài Ca Vỡ Đất, Hoàng Trung Thông đã sáng tạo ra một tứ thơ ca ngợi sức lao động của con người:

Bàn tay ta làm nên tất cả 
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.



137 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Số phận chữ nghĩa, cái sống, cái chết của nó là sống mòn, chết mòn, chết từ từ. Mỗi ngày của nó là một bước ngắn lại. Cả làng, cả nước đang dùng, vậy mà không đâu biến đi đằng nào. Từ mòn đến là hay, nó gợi lên văn ảnh của một đồ vật mới đầu bóng loáng, sáng choang, mầu sắc rực rỡ, hấp dẫn người ta. Ai ai cũng mê, cũng nói, cũng dùng. Chữ trở thành thời thượng. Càng được dùng, càng nhiều người nhắc đi nhắc lại, càng phổ biến thì cái nguy cơ mất lúc nào không hay. Chữ vẫn đó, mà nghĩa đã mất dần. Cái xe chở chữ, lúc chở chữ này, lúc khác chở chữ khác, hoặc dán nhãn hiệu khác. Nó đã chở như thế bao nhiêu chuyến, đã thay hình đổi dạng bao nhiêu lần. 

(…)

Cho dù không có cuộc di cư, chữ nghĩa cũng cách này cách khác bị sói mòn. Sự mất còn này trước hết là do sự sói mòn của thời gian. Chữ nghĩa như một vật dùng một lần thì còn ngon, nhưng dùng nhiều lần thì mòn hay cùn đi. Như cái kéo cắt mãi cũng phải cùn. Dao băm mãi cũng lụt đi. Khen đi khen lại đâm nhàm tai. Yêu nhau lắm, cắn nhau đau, hay ít ra cũng chán. Đùa dai hoài đâm nhạt như nước ốc. Hình như chữ nghĩa dị ứng với cái lập đi lập lại. Tất cả những ngữ nghĩa trên chỉ ra một điều: Thời gian và sự đi lập lại có thể làm sói mòn, hoen rỉ chữ nghĩa. Tâm lý con người lại ưa chuộng cái mới, cái lạ. Như trong tình yêu, dùng chữ đó với nhau lần đầu, trọng lượng của chữ nặng lắm, thấm thía lắm, cảm động lắm. Dùng lần thứ hai thấy nhẹ đi rồi. Phải tăng cường độ nghĩa bằng những chữ lắm, nhất, số một. Có khi cả bằng tay chân vẫn chưa đủ. Tăng lời thề... hình như vẫn hụt.


Cũng vậy, theo sách vở chữ manh nghĩa là nhỏ mọn. Người đời chỉ còn nhớ váng vất khi nó đi với chữ khác như mong manh, tan manh, chiếu manh, manh áo, manh mún. Một chữ khác như chữ khem, nghĩa là kiêng cữ. Nếu nó không cặp bạn với chữ kiêng thì người ta không còn nhận ra nó như kiêng khem ra nắng, ra gió. Chữ khác như chữ lụn, nghĩa là hết, người ta cũng chỉ dùng trong một số trường hợp hiếm hoi: Tim lụn có nghĩa tim đèn cháy hết, lụn năm, lụn ngày, mềm lụn, lụn xuống, lụn mạt. Mấy ai còn nhớ, còn biết, còn sử dụng những chữ cổ trên.

(…)
Nói như thế thì chữ mòn hay nghĩa mòn. Cái nào mòn trước, cái nào mòn sau. Chữ là cái chuyên chở nghĩa và một chữ có thể có nhiều nghĩa, tùy theo vị trí của nó trong câu nên nghĩa dễ bị mòn hơn chữ. Chẳng hạn, chữ cái và con. Chữ chỉ có hai, nhưng nghĩa thì nhiều lắm nên nghĩa lúc thế này, lúc thế khác. 

Cũng là con, nhưng con dao, con với cái, nhỏ con, con dại cái mang, con đĩ, cỏn con. Nhưng cũng không thiếu trường hợp cả hai đều mệnh yểu.

(Cuộc di cư của chữ nghĩa – Nguyễn Văn Lục)



Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên 

Tờ báo phụ nữ đầu tiên


Báo Nữ Giới Chung (tiếng chuông của nữ giới) xuất bản vào thứ Sáu hàng tuần tại Sài Gòn trong năm 1918. Đây là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7/1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản.


Nhà thơ, nhà báo Sương Nguyệt Anh (1864 - 1922) là chủ bút tờ báo này. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)



Ngày xưa… Ngày nay…

Ngày xưa tiếng lớn như loa,
Ngày nay thỏ thẻ… ra... là... thiếu hơi



Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học.
Ðánh giá một tác phẩm văn học hải ngoại, câu hỏi đầu tiên là giá trị văn học của nó (nó có đáng là một tác phẩm văn học không?), không mấy ai đặt câu hỏi về tính chất hải ngoại của nó, hoặc đó chỉ là một câu hỏi phụ. “Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học” có nghĩa là như vậy. 


Ðã có sự thảo luận về cách gọi tên: văn học di tản, văn học lưu vong, văn học ngoài nước... Nếu như văn học di tản trước hết là văn học, văn học lưu vong trước hết là văn học, văn học hải ngoại trước hết là văn học... thì sự khác biệt giữa những tên gọi không đến đỗi quan trọng như ta nghĩ. 


Trong văn học Việt Nam hải ngoại có mảng văn được gọi là “chống cộng” đối lập với mảng văn được gọi là “thân cộng”. Tưởng chừng như có một vực thẳm giữa hai mảng văn học này. Nhưng nếu như sự đối sánh được đặt ra trên quan niệm: văn học chống cộng cũng như văn học thân cộng trước hết là văn học, thì sự đối lập vẫn còn nhưng nó bị lu mờ bên cạnh sự thống nhất của phẩm giá “đáng gọi là văn học”. 


Giữa một tác phẩm “thân cộng” hay và một tác phẩm “chống cộng” dở, độc giả “chống cộng” hẳn là sẽ chọn tác phẩm “thân cộng” hay (để đọc cho mình). 

Ngược lại, trong thâm tâm độc giả “thân cộng” vẫn thích đọc một tác phẩm “chống cộng” hay hơn là một tác phẩm “thân cộng” dở. 


Ðấy là nói một cách rạch ròi. Vấn đề ở đây thực ra phức tạp hơn rất nhiều. Ðọc cũng như sáng tác văn học thuộc lĩnh vực mỹ học là đất của tâm xả (tôi mượn chữ của nhà Phật), đó là tâm thế buông bỏ những thành kiến và cố chấp, những sự phân biệt cứng nhắc và giả tạo thiện/ác, xấu/đẹp, cấp tiến/bảo thủ...

(Hoàng Ngọc Hiến – Đọc văn học Việt Nam hải ngoại)



Chữ và nghĩa

Lòng em muốn lấy thợ kèn

Đám trọng có bánh, đám hèn có xôi



Văn bia, cuốn gia phả bằng đá

Tiền nhân có câu: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Tuy nhiên bia đá trong các nhà từ đường có vị trí quan trọng trong văn hóa dòng tộc và văn hóa Việt.

Văn bia khắc gia phả nằm ở đâu? 
Theo nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy bia khắc gia phả được đặt tại nhà thờ Họ ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Vĩnh Phú.
Chúng tôi đã tham khảo khoảng trên 50 bia khắc gia phả. Số họ có văn bia bao gồm: Đặng, Đào, Đinh, Đỗ, Đoàn, Dương, Giáp, Hoàng, Lê, Mạc, Ngô, Nguyễn, Phan, Trần, Trương, Vũ. 


Để tạo dựng bia đá, phụ thuộc vào nhiều người, nhưng nhất thiết phải có thợ khắc đá trong công nghệ dựng bia của Việt Nam. 

(Nguyễn Văn Hoa)



Đình Bảng,  kiến trúc độc đáo  Kinh Bắc - 1 

Thứ nhất là đình Đông Khang,   

Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm


Cách Hà Nội 20km về phía bắc, Đình Bảng có ngôi đình cổ to lớn nhất vùng, kiến trúc độc đáo. Được kết hạng loại to, đẹp, thứ nhì Đình Bảng, đình được ca ngợi từ nhiều đời. Thứ nhất đình Đông Khang, lúc trước goi Đông Yên, ngoài kiến trúc độc đáo vùng kinh Bắc, lại còn nổi tiếng hằng năm dựng cầu nói khoác, trở thành một trong sáu làng cười Bắc Ninh. 

Ngôi đình làng Diềm, còn gọi Viêm Xá, xây dụng năm 1692, thờ đức thánh Tam Giang tức hai anh em Trương Hống, Trương Hát, theo Triệu Việt Vương đánh giặc, từ trầm ở cửa Đại Nha, vào thế kỷ XVII. Đình Diềm là một công trình kiến trúc quy mô to lớn bậc nhất ở Kinh Bắc. 


(Võ Quang Yến)



Gia phả

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học của hơn thập niên gần đây (khảo cổ, genes, di truyền học, v.v.), dân tộc Việt Nam hình thành từ người Việt sinh sống trên phần đất nước hiện nay và từ các dân tộc khác trong khu vực gọi chung là chủng Cổ Mã-Lai (Indonésien) thiên cư đến từ châu Phi và từ các cao nguyên Tây Tạng, Người Cổ Mã Lai thiên cư lên hướng Bắc ở vùng sông Dương-Tử; về phía Tây tới Ấn-Độ, về phía nam tới các đảo của Nam Dương, về phía đông tới Phi-luật-tân. 

Trong số các chủng Nam-Á (austro-asiatique) này, nhiều thế kỷ sau xuất hiện chủng Bách Việt trong đó có Lạc Việt sinh sống từ vùng Nam sông Dương Tử cho đến miền Bắc Việt-Nam. Nhân số bành trướng, lãnh thổ Bách Việt (chữ dùng của sử Tàu) cũng thiên di xuống đồng bằng sông Hồng, hội nhập văn hóa và đồng hóa người Mường và các sắc dân địa phương.


Tuy nhiên văn hóa nông nghiệp nền tảng của Việt tộc vẫn luôn trội bật. Do đó hơn hai ngàn năm trước, tổ tiên ta đã nghĩ lập ra "sổ điền" cốt để nhà vua kiểm kê dân số hàng năm hoặc theo một thời hạn cố định, mục đích nhằm phân chia ruộng nương thời đó thuộc về nhà vua. Việc phân chia này đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận từng nóc gia. Với họ và tên gọi, quan chức triều đình có thể ấn định số người trong mỗi gia đình. Về sau thêm "sổ đinh" hoặc "sổ bộ", ghi họ tên chính thức về hộ tịch từng cá nhân và gia đình. Từ "sổ bộ", mỗi gia đình lập một sổ riêng, ghi chú tất cả việc cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma. 

Đó là nguồn gốc của gia phả.

(Văn hóa người Việt qua tên họ - Nguyễn Vy Khanh)



Đình Bảng,  kiến trúc độc đáo  Kinh Bắc - 2

 

Làng Đình Bảng trước đây được khai khẩn từ rừng Báng nên gọi là làng Báng, sau được đổi tên thành thôn Cổ Pháp. Khi đình Báng được xây dựng và nổi tiếng mọi người biết đến Cổ Pháp qua đình Báng và được gọi lái đi là làng Đình Bảng

 

Đình Bảng xưa vốn thuộc hương Cổ Pháp (hương là đơn vị hành chính cổ gồm nhiều xã, làng), huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn. Hương Cổ Pháp, rộng hơn là vùng hai bờ sông Thiên Đức và sông Tiêu Tương nối từ Gia Lâm ngày nay qua Đình Bảng tới Tiêu Sơn. Đình Bảng được coi là vùng quê địa linh nhân kiệt. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ, người khởi lập triều Lý, khai sáng Thăng Long Hà Nội.  

(Võ Quang Yến)



Họ hàng hang hốc

Nhiều họ của người Kinh xuất phát từ Trung Hoa, như Trần, Lê, Lý... Trong hàng nghìn năm Bắc Thuộc và tiếp tục sau đó, nhiều quan lại và thường dân Trung Hoa sang ta sinh sống, sinh con đẻ cái trở thành người bản xứ. Trần Lãm, cha nuôi của Đinh Bộ Lĩnh, nguyên là con ông Trần Công Đức, gốc người Quảng Đông, sang hùng cứ ở vùng Bố Hải Khẩu, nay là xã Kỳ Bố, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, tự xưng Trần Minh Công. 


Hiện nay nhiều người Việt gốc Hoa để lại các họ Dư, Hàn, Khổng, Nhan, Sử, Tăng... Ngay họ Nguyễn chiếm tới 38% dân số cũng xuất phát từ Trung Hoa, đời Tấn có Nguyễn Tịch [210 – 263]. 

Nhiều họ của dân tộc thiểu số được người Kinh gán cho, như nhà Nguyễn đã ban cho người Khmer ở miền Nam các họ Sơn, Danh, Thạch, Kim, Lâm. Họ có cách đặt họ mới, lấy chữ đầu của tên làng làm họ: Dương làng Dương Hòa, Kỳ làng Kỳ Lộ, Lộc làng Lộc Trí, Thuận làng Thuận Yên, Trà làng Trà Tiên..


Xưa kia họ không có họ, vua chúa người Kinh đã ban cho người Chàm 4 họ: Ông, Ma, Trà, Chế và người Khmer 5 họ: Danh, Kim, Lâm, Sơn, Thạch...

(Chuyện phiếm về danh họ, bút danh – Nhật Thịnh)



Sắc, không

Năm 1702 vua Lý Thánh Tông mất, con trai Ỷ Lan là thái tử Càn Đức lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông mới 6 tuổi, do đó cần có Thái hậu Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính. Năm 1705, triều đình (dưới sự đóng góp của Thái Hậu Ỷ Lan) cho mở khoa thi tam trường để lấy người văn học ra làm quan. Đây là kỳ thi đầu tiên ở nước ta chọn được hơn 10 người mà thủ khoa là Lê Văn Thịnh. 


Ngay năm sau, 1706 triều đình lập Quốc tử giám, được xem là đại học đầu tiên của nước nhà. Nền Nho học bắt đầu từ đó.

Trong giai đoạn này, vua Lý Nhân Tông chỉ độ 10 tuổi, Lý Đạo Thành lo việc nội chính, Lý Thường Kiệt lo việc ngoại chính, trên thì có Thái Hậu Ỷ Lan lo việc triều chính.


Năm 1096, bà cho tu bổ lại chùa Khai Quốc (tức Trấn Quốc sau này) và dựng chùa: Chùa Giạm (Quế Võ, Bắc Ninh), chùa Một Mái (Quốc Oai, Sơn Tây), chùa Phật Tích (Tiên Sơn, Bắc Ninh), chùa Bảo Ân (Nông Sơn, Thanh Hóa), chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội). Bà mất năm 70 tuổi, bà được thờ tại chùa Linh Nhân Từ Phúc Tự mà dân gian gọi là chùa Bà Tấm.

Sách Thiền Uyển Tập Anh có bài kệ của bà luận về “sắc, không” :

Sắc là không, không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không

Sắc? Không? Thôi mặc cả

Mới thấu được chân tông

(Lê Phước - Thái Hậu Ỷ Lan)



Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên 


Ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, ông giỏi chữ Nho, thông hiểu Ngũ Kinh Tứ Thư, học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp với các giáo sĩ. Ông được giám mục Gauthier đưa sang Paris năm 1858. Ông am hiểu chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao. Năm 1861 ông trở về nước, tàu ghé Sài Gòn thì nơi đây đã đổi chủ, ông buộc phải làm phiên dịch cho người Pháp. 


Trong lúc ở Sài Gòn, ông đã đứng ra xây cất Tu viện dòng thánh Phao lô (1) ở số 4 Cường Để. Đây là công trình xây dựng theo kiến trúc Châu Âu do người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ tháng 9/1862 đến 18/7/1864 hoàn thành gồm nhà nguyện với ngọn tháp chuông nổi bật theo kiểu Gôtic, một tu viện và một nhà nuôi trẻ mồ côi.


Công trình xây dựng này là kết quả nghiên cứu kiến trúc châu Âu của Nguyễn Trường Tộ khi ông ở Hồng Kông. Qua nhiều lần sửa chữa trùng tu, ngày nay tu viện thánh Phao Lô vẫn giữ được đường nét kiến trúc xưa, chứng tỏ tài năng kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ không thua gì các kiến trúc sư người Pháp.


(1) Tu viện dòng thánh Phao lô (viết tắt S.P.C : Soeurs Saint Paul De Chartres) có từ năm 1696 ở vùng Beauces tại Pháp.



Sài Gòn một chút quán xá 

 Sài Gòn, Chợ Lớn


Dân chơi Sài Gòn thường xếp hạng: “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1” nên viết về món ngon Sài Gòn mà bỏ qua khu vực Chợ Lớn là cả một thiếu sót lớn. Dọc đường Trần Hưng Ðạo nối với đường Marins (Ðồng Khánh) thuộc địa phận quận 5 có những nhà hàng, tửu lầu nổi tiếng một thời như Arc-en-Ciel, Ðồng Khánh, Á Ðông, Bát Ðạt.

 

Theo tôi, Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze mà người Việt hay gọi trại là La Cai, tức đường Nguyễn Tri Phương. 

Khu La Cai có mì vịt tiềm hầm thuốc bắc, một trong những món “tủ” của người Hoa.  

Bên cạnh đó còn có những tiệm hủ tíu mang tên Mỹ Tiên, Cả Cần và tiệm bánh bao Bà Năm Sa Ðéc. Ðêm đến có các quán sò huyết dọc theo lề đường. Khách bình dân ngồi ăn nhậu thoải mái giữa dòng xe cộ ồn ào bên ánh đèn nê-ông từ các nhà hàng, vũ trường sang trọng của Chợ Lớn “by night”!

 

Thôi thì đời người có lúc hưng lúc tàn, cũng như vận nước có khi thịnh khi suy. Viết lại món ngon Sài Gòn chỉ để thỏa mãn kiểu “ăn hàm thụ” như đã nói ở trên. Giờ có cho ăn thực thụ chắc cũng chẳng thấy ngon như thời còn trai trẻ. 

Tất cả bây giờ chỉ còn là… hoài niệm!

(Nhớ lại món ngon Sài Gòn ngày trước - Nguyễn Ngọc Chính)



Cơm vua, cơm làng  

Cơm niêu 

Năm ngoái lên chơi Đà Lạt lại bị cái bảng hiệu Hương Trà, Cơm niêu, nồi đất, nóng hổi đập vào mắt. Cái thị xã Đức Trọng còn dáng dấp “nhà quê lên tỉnh”, nằm trên đường Đà Lạt – Sài Gòn cũng mời khách dùng cơm niêuCơm niêu có vẻ ăn khách. Được đám người thích “đập phá” hưởng ứng.
Bây giờ mới biết. Suy cho cùng thì cơm niêu cũng là một loại cơm vua. Cả hai cùng dùng nồi đất. Dùng xong thì đập. 

Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có đoạn:
“Bài Tân tự của Lưu Hướng chép:
Điền Nhiên đáp Ai Công rằng:

Ăn cơm thì không đập bát. Núp dưới bóng cây thì không bẻ cành 

(Thực kỳ thực bất huỷ kỳ khí. Ấm kỳ thụ giả bất chiết kỳ chi).
Đó là đường lối ăn ở trung hậu của người xưa”  (1)

Vua chúa Nga có trò uống rượu đập chén. Tướng tá tây rút kiếm chém chai, tu rượu. Ta có thói ăn cháo đá bát

Nay có thêm mốt mới ăn cơm đập nồi.

Có thể vua Tự Đức là người “khai phá” ra đập vỡ…cái niêu.

 

***
Ăn cơm vua, cơm niêu kể cũng sướng. Nồi, niêu, đập quách cho khuất mắt. Khỏi phải ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Nhưng đập mãi cũng nhàm, cũng chán…
Nước ta còn một đặc sản khác là cơm chúa.  

Ăn cơm chúa, múa tối ngày.

(Ai ơi bưng bát cơm đầy…- Nguyễn Dư)


(1) Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, bản dịch của Tạ Quang Phát, tập 2, 1995, tr. 156.



Một số từ Việt miền Nam gốc Triều Châu

Ảnh hưởng văn hóa mà người Minh Hương để lại sâu đậm nhất trong đời sống miền Nam là ngôn ngữ. Tiếng Việt miền Nam được lưu dân Minh Hương bổ sung cho tiếng Việt thêm phong phú.

Theo Bình Nguyên Lộc, những từ sau có nguồn gốc Minh Hương.

Lẩu: Có nguồn gốc từ lẩu là một món canh của Triều Châu, đựng trong một thứ bát đặc biệt bằng Laiton. Từ “Lai-ton” ta đọc là…lẫu

 

Tía: Chính các chú rể Triều Châu, lưu vong nhà Minh đã đưa ra danh từ “tía” vào Nam, và bị ta hiểu là”cha”.

Hên: Triều Châu đưa vào và họ đọc là “hinh” thì đáng lý ta phải viết là “hênh. Rôi… hên.

Xui: Tiếng nầy đất Bắc có nhưng vay mượn lâu đời hơn và nói là… xúi quẩy. Do chữ “suy” mà ra, đọc theo Triều Châu, “hên xui” hiểu là… may rủi.

(Vài nét về lịch sử người Minh Hương - Nguyễn Đức Hiệp)



Từ điển và từ ngữ Việt Nam

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


“Cua thâm càng nàng thâm môi”. Chê một người phụ nữ môi không đỏ


Cua thâm càng là cua óp, ít gạch; nàng thâm môi là nàng có dấu hiệu bệnh lý gì đó nên chàng phải cẩn thận chứ làm gì có chuyện chê nàng không đỏ môi.

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)











Không có nhận xét nào: