Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Cổ thi Việt: Thơ Nguyễn Trung Ngạn II (Đỗ Chiêu Đức)

 Góc Việt Cổ Thi : 

              Thơ NGUYỄN TRUNG NGẠN
                                         (Phần 2)
                                    
                

 
6. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu :

     黃 鶴 樓                           Hoàng Hạc Lâu
旅 懷 何 處 可 消 憂,    Lữ hoài hà xứ khả tiêu ưu?
黃 鶴 磯 南 一 倚 樓。    Hoàng hạc cơ nam nhất ỷ lâu.
夏 口 遠 帆 來 別 浦,    Hạ Khẩu viễn phàm lai biệt phố,
漢 陽 晴 樹 隔 滄 洲。    Hán Dương tình thọ cách thương Châu.
樓 前 歌 管 迴 翁 醉,    Lâu tiền ca quản hồi ông túy,
檻 外 煙 波 太 白 愁。    Hạm ngoại yên ba Thái Bạch sầu.
猛 拍 欗 杆 還 自 傲,    Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo,
江 山 奇 絕 我 茲 遊。    Giang sơn kỳ tuyệt ngã tư du !
              阮 忠 彥                        Nguyễn Trung Ngạn
     
                     

* Chú Thích :
  - Lữ Hoài 旅 懷 : LỮ là Ở xa nhà, HOÀI là Nỗi lòng, nên LỮ HOÀI là Nỗi lòng của người xa xứ.
  - Tiêu Ưu 消 憂 : là Tiêu trừ ưu tư, là Làm cho hết buồn lo.
  - Hoàng Hạc Cơ 黃 鶴 磯 : là núi đá nhô lên trên Xà Sơn của thành phố Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Tương truyền có tiên nhân Tử An cởi hạc ghé ngang qua đây, nên mới có tên là HOÀNG HẠC CƠ. Hoàng Hạc Lâu được xây dựng trên Hoàng Hạc Cơ nầy.
  - Hạ Khẩu 夏 口 : Nằm trong quận Giang Hạ, là Hán Khẩu của thành phố Vũ Hán hiện nay, nằm ở phía đông của Hán Thủy và bờ bắc của sông Trường Giang.
  - Hán Dương 漢 陽 : Địa danh nằm ở phía tây Hoàng Hạc Lâu và ở bờ bắc của sông Hán Thủy.
  - Thương Châu 滄 洲 : Phiếm chỉ Đại từ dùng để chỉ những bến nước hay cồn đảo, nơi mà ngày xưa các ẩn sĩ hay tìm đến để ở. Còn THƯƠNG CHÂU 滄 洲 (địa danh) là thành phố lớn phía đông nam của tỉnh Hà bắc, phía đông giáp biển Bột Hải, phía bắc giáp thành phố Thiên Tân, cách Hoàng Hạc lâu rất xa.
  - Hồi Ông Túy 迴 翁 醉 : Chỉ Ông đạo sĩ trở lại uống rượu say sưa lần chót trên lầu, rồi thổi tiêu cho hạc bay xuống và cởi hạc đi mất.
  - Thái Bạch Sầu 太 白 愁 : Thi tiên Lý Bạch buồn vì không làm thơ được trước bài thơ qúa hay của Thôi Hiệu. (Mời đọc bài Hoàng Hạc Lâu theo link dưới đây sẽ rõ :   57 . Hoàng Hạc Lâu & .... - Đỗ Chiêu Đức 1


  - Mãnh Phách 猛 拍 : là Vỗ mạnh, vỗ đánh đét vào... cái gì đó.
  - Tư 茲 : là Nay, là Nầy. TƯ DU 茲 遊 là Nay ta được dạo chơi ở đây. 

                 
                      
* Nghĩa Bài Thơ :
                                    LẦU HOÀNG HẠC 
        Nỗi lòng của người xa xứ biết nơi nào mới có thể tiêu sầu được đây? Chỉ có đứng dựa vào lầu để ngắm lầu Hoàng Hạc trên Hoàng Hạc Cơ mà thôi! Từ cửa Hạ Khẩu ta thấy những cánh buồm xa xa đến từ những bến bờ khác, Cách các cồn đảo trên sông nước ta thấy hàng cây xanh bày ra bên bờ Hán Dương xa xa. Trước lầu tiếng tiêu thiều ca múa như lúc ông đạo sĩ uống say trở lại, và bên ngoài lầu khói sóng trên sông làm cho Lý Thái Bạch phải buồn bã vì không làm thơ được. Ta vỗ mạnh vào lan can mà tự mãn nguyên rằng, ngày hôm nay, tại nơi đây ta cũng đã ngắm được cảnh núi sông kỳ tuyệt nầy.

         Vẫn giữ vần điệu và âm vận bất hủ của bài "Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu" với các vần như LÂU, CHÂU, SẦU... làm người đọc có cảm giác như đây là  một tục bản của Hoàng Hạc lâu thuở nào. Sau nầy cụ Nguyễn Du và Phan Thanh Giản khi đi sứ phương Bắc cũng có thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu, mặc dù không theo các âm vận trên, nhưng cũng có nét độc đáo riêng của Lầu Hoàng Hạc nên thơ và gợi cảm theo cách nhìn và cảm xúc của từng người theo từng thời đại...

* Diễn Nôm :
                       HOÀNG HẠC LÂU
                 
                     

                 Nỗi lòng viễn xứ tỏ nơi đâu?
                 Đứng tựa nam cơ Hoàng Hạc Lâu.
                 Hạ Khẩu buồm xa từ bến lạ,
                 Hán Dương cây tạnh cách thương châu.
                 Trước lầu tiêu sáo ông say đến,
                 Ngoài bãi khói sông Lý Bạch sầu.
                 Vổ mạnh lan can lòng tự mãn,
                 Núi sông tuyệt đẹp khỏi tìm đâu !
    Lục bát :
                 Lòng sầu lữ khách khôn khây,
                 Lên lầu Hoàng Hạc ngắm mây cuối trời.
                 Cánh buồm Hạ Khẩu ngoài khơi,
                 Hán Dương trời tạnh cây phơi bãi cồn.
                 Trước lầu tiêu sáo dập dồn,
                 Ngoài hiên Lý Bạch chợt buồn vì thơ.
                 Lan can vổ mạnh chẳng ngờ,
                 Núi sông thắng cảnh hiện giờ riêng ta !

                                               Đỗ Chiêu Đức

7.Bài thơ Hồi Nhạn Phong :

    回 鴈 峰                            HỒI NHẠN PHONG
竹 露 松 煙 曉 翠 岩,   Trúc lộ tùng yên hiểu thúy nham,
參 差 亭 下 出 青 嵐。   Sâm si đình hạ xuất thanh lam.
山 頭 回 去 秋 風 雁,   Sơn đầu hồi khứ thu phong nhạn,
誰 為 傳 書 到 嶺 南。   Thùy vị truyền thư đáo Lĩnh Nam ?
               阮 忠 彥                        Nguyễn Trung Ngạn
   
               


* Chú Thích :
  - Hồi Nhạn Phong 回 鴈 峰 : Địa danh, nằm ở thành phố Hành Dương tỉnh Hồ Nam, độ cao hơn mặt nước biển 96.8 m, đứng đầu trong 72 ngọn núi cao của Nam Nhạc, xưng là Nam Nhạc Đệ Nhứt Phong. Tương truyền, khi nhạn xuôi nam, bay đến đây đều quay ngược trở về, nên mới có tên là Hồi Nhạn Phong.
  - Hiểu Thúy Nham 曉 翠岩 : HIỂU là Buổi sáng, THÚY là Màu xanh biếc, NHAM là Nham thạch, là những tảng đá xanh biếc trong buổi sáng.
  - Sâm Si 參 差 : Vốn là chữ THAM 參 và chữ SAI 差, ở đây ghép lại thành Hình Dung Từ, nên đọc là SÂM SI: có nghĩa là So le, cao thấp không đều nhau. Trong Thiên " Chu Nam. Quan Thư 周 南. 關 雎 " trong Kinh Thi có bài:
  
 參 差 荇 菜,左 右 流 之。Sâm si hạnh thái, Tả hữu lưu chi.
 窈 窕 淑 女,寤 寐 求 之。Yểu điệu thục nữ, Ngụ mị cầu chi.
 求 之 不 得,寤 寐 思 服。Cầu chi bất đắc, ngụ mị tư phục.
悠 哉 悠 哉,輾 轉 反 側。Du tai du tai, Triển chuyển phản trắc.                            
Có nghĩa :
           So le rau Hạnh, phải trái xuôi dòng.
           Yểu điệu thục nữ, đêm nhớ ngày mong.
           Cầu mà chẳng được, thức ngủ nhớ mong.
           Dài thay dài thay, trăn trở mấy vòng ! 
      
Lục bát :
              
                              


                    Kìa xem rau hạnh so le,
              Theo nước trong xè, phải trái chảy đi.
                    Cô em yểu điệu nhu mì,
              Ngày mong đêm nhớ kể gì thời gian.
                    Cầu mà chưa được chẳng an,
              Thức ngủ mơ màng, đêm nhớ ngày mong.
                    Dài ghê đêm tối mông lung,
              Nằm mãi trong mùng, trăn trở trở trăn !
                                       (ĐCĐ diễn Nôm)

  - Thanh Lam 青 嵐 : THANH là màu xanh, nhưng LAM 嵐 ở đây là "Sơn Lam Chướng Khí" chứ không phải màu xanh LAM 藍.
  - Lĩnh Nam 嶺 南 : Xưa chỉ Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và vùng đồng bằng sông Hồng bắc Việt Nam. Ngày nay chỉ dùng để chỉ tỉnh Quảng Đông, Hải Nam, và Hương Cảng. Trong bài thơ Nguyễn Trung Ngạn mượn để chỉ Việt Nam nơi quê nhà.

* Nghĩa bài thơ :
                           HỒI NHẠN PHONG
        Những cây trúc đẫm sương đêm, những cây thông mờ hơi khói và những tảng đá xanh biếc trong buổi sáng, nằm so le ẩn hiện dưới mái đình nhuốm đầy sơn lam chướng khí. Trên đầu núi những con nhạn bay đến khi gió Thu thổi đã bay hết cả trở lại, thì còn ai đâu có thể giúp ta đưa thư về quê nhà ở đất Lĩnh Nam của ta đây?  

* Diễn Nôm :
                         HỒI PHONG NHẠN

                            

                  Đá xanh tùng trúc khói sương pha,
                  Ẩn hiện dưới đình lam chướng xa.
                  Thu nhạn quay đầu trên đỉnh núi,
                  Thư ai đưa đến Lĩnh Nam ta?!
     Lục bát :
                  Khói sương tùng trúc đá xanh,
                  Thấp cao ẩn hiện dưới đình sơn lam,
                  Núi cao ngăn nhạn xuôi nam,
                  Ai người đưa hộ Lĩnh Nam thư nhà ?!
                                                 ĐCĐ diễn Nôm

8. Bài thơ Kinh Môn :

      荊 門                                   KINH MÔN
溪 風 溪 雨 作 黃 昏,    Khê phong khê vũ tác hoàng hôn,
夜 泊 東 昌 近 酒 村。    Dạ bạc đông xương cận tửu thôn.
歡 伯 澆 愁 眠 正 熟,    Hoan bá kiêu sầu miên chính thục,
西 風 吹 夢 到 荊 門。    Tây phong xuy mộng đáo kinh môn.
               阮 忠 彥                            Nguyễn Trung Ngạn

          
                

* Chú Thích :
  - Kinh Môn 荊 門 : KINH là một loài cây cỏ mọc từng bụi, cao bốn năm thước, lá như cái bàn tay, hoa nhỏ, sắc tím hơi vàng, cành gốc cứng rắn, mọc rải rác ở nơi đồng áng làm lấp cả lối đi, tục gọi là Cỏ Gai, nên KINH MÔN là cửa đan bằng cỏ gai, ý chỉ cửa sơ sài của quê nghèo; chớ không phải chỉ Thành phố Kinh Môn nằm bên bờ sông Trường Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Hoa.
  - Khê 溪 : là Khe nước trong núi chảy ra sông lớn.
  - Đông Xương 東 昌 : Địa danh được đặt vào đời nhà Nguyên, nay thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Hoa.
  - Hoan Bá 歡 伯 : là Cái "Ông bác vui vẻ", tên riêng để gọi Rượu.
  - Kiêu 澆 : có 3 chấm thủy bên trái, nên KIÊU có nghĩa là Tưới tiêu. Hoan Bá Kiêu Sầu 歡 伯 澆 愁 : Có nghĩa Rượu tưới lên sầu, ý nói "uống rượu để giải sầu".

* Nghĩa bài thơ :
                                     KINH MÔN
       Gió và mưa trong khe suối tạo nên bức tranh của cảnh hpoàng hôn, ta ghé thuyền đậu ở bến Đông Xương gần xóm rượu. Định uống rượu để giải sầu không ngờ lại ngủ quá say, nhờ gió tây thổi đưa giấc mộng về đến quê hương.

* Diễn Nôm :
                           KINH MÔN
                     
                     

                   Gió khe mưa núi cảnh chiều tà,
                   Đêm ghé Đông Xương xóm rượu qua.
                   Mượn chén tiêu sầu say tuý luý,
                   Gió tây đưa mộng đến quê nhà !
     Lục bát :
                   Mưa khe gió núi hoàng hôn,
                   Đêm về thuyền ghé tửu thôn ben bờ.
                   Tiêu sầu quá chén vào mơ,
                   Gió tây đưa mộng dật dờ về quê !

                                             Đỗ Chiêu Đức 

9. Bài thơ Nhạc Dương Lâu  (1) :

   岳 陽 樓 (一)                NHẠC DƯƠNG LÂU (1)

猛 拍 欄 杆 一 朗 吟,     Mãnh phách lan can nhất lãng ngâm,
悽 然 感 古 又 懷 今。     Thê nhiên cảm cổ hựu hoài câm (kim).
山 浮 鰲 背 蓬 宮 杳,     Sơn phù ngao bối bồng cung yểu,
水 接 龍 涯 海 藏 深。     Thủy tiếp long nhai hải tạng thâm.
景 物 莫 窮 千 變 態,     Cảnh vật mạc cùng thiên biến thái,
人 生 安 得 幾 登 臨。     Nhân sinh an đắc kỷ đăng lâm,
江 湖 滿 目 孤 舟 在,     Giang hồ mãn mục cô chu tại,
獨 抱 先 懮 後 樂 心。     Độc bão tiên ưu hậu lạc tâm !
              阮 忠 彥                        Nguyễn Trung Ngạn
     
                     

* Chú Thích :
  - Nhạc Dương Lâu 岳 陽 樓 : Là một lầu cổ nằm ở cửa tây Cổ thành của thành phố Nhạc Dương thuộc tỉnh Hồ Nam Trung Hoa. Lầu nằm bên bờ sông Trường Giang, phía dưới lầu là Động Đình Hồ, hướng trước mặt là Quân Sơn. Nhạc Dương Lầu nổi tiếng với bài phú "Nhạc Dương Lầu Ký 岳 陽 樓 記" của Phạm Trọng Yêm 范 仲 淹 đời Tống, với câu kết bất hủ là "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先 天 下 之 憂 而 憂,後 天 下 之 樂 而 樂" có nghĩa: "Lo trước cái lo của thiên hạ, Vui sau cái vui của thiêb hạ". Đây cũng là ý của câu cuối của bài thơ nầy: "獨 抱 先 懮 後 樂 心 Độc bão tiên ưu hậu lạc tâm": Ôm ấp lấy tấm lòng LO TRƯỚC và VUI SAU.
  - Lãng Ngâm 朗 吟 : là Ngâm to lên (chỉ sự hưng phần).
  - Thê Nhiên 悽 然 : là Xúc động thương cảm.
  - Sơn phù NGAO bối BỒNG cung yểu 山 浮 鰲 背 蓬 宮 杳: Có tích như sau: Theo chương Thang Vấn trong sách Liệt Tử: Bồng Lai là một trong 5 đảo núi lớn trôi nổi trên Bột Hải, nên thượng đế mới sai những con Ngao to lớn (loại Ba ba hay Rùa biển) lặn xuống bên dưới đội đảo lên cho đứng vững một chỗ, vì Bát Tiên hay dạo chơi và ở trên đảo Bồng Lai nên đảo nầy nổi tiếng hơn các đảo khác. BỒNG CUNG là cung điện của tiên ở trên đảo Bồng Lai. YỂU 杳 : là Mờ mịt xa thẳm.
                         
                         

  - Mạc Cùng 莫 窮 : là Vô cùng, là Khôn cùng, là không lường trước được.
  - An Đắc 安 得 : là Khó mà có được, không mấy khi có được.

* Nghĩa bài thơ :
                                    LẦU NHẠC DƯƠNG
       Ta muốn vổ mạnh vào lan can mà ngâm lớn lên vì xúc động bồi hồi, cảm khái cho chuyện xưa và chuyện nay. Trước mắt núi Quân Sơn tựa như cung Bồng Lai đang trôi nổi xa xăm và mặt nước tiếp giáp như hàm rồng dưới biển sâu ẩn chứa biết bao là châu báu. Cảnh trí luôn luôn như thiên biến vạn hóa vô cùng tận, còn đời người thì biết có được mấy lần đứng trên lầu cao mà ngắm cảnh thế nầy? Nước sông hồ mênh mông trước mắt một chiếc thuyền côi vẫn còn đó, lòng vẫn riêng ôm hoài bão lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ.

      Nhạc Dương Lâu bên hồ Động Đình nổi tiếng với câu nói: "Động Đình thiên hạ thủy, Nhạc Dương thiên hạ lâu 洞 庭 天 下 水,岳 陽 天 下 樓" có nghĩa: Hồ Động Đình là nước dưới thiên hạ, còn Nhạc Dương Lâu là lầu ở dưới thiên hạ. Ý muốn nói: Nước trong thiên hạ không đâu qua được nước của Động Đình Hồ và Lâu đài trong thiên hạ không đâu qua được Nhạc Dương Lâu! Nhạc Dương Lâu cùng với Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Xương, Đằng Vương Các ở Nam Xương hợp xưng là "Giang Nam tam đại danh lâu", còn người đời thì gọi Nhạc Dương Lâu là "Thiên hạ đệ nhất lâu".

* Diễn Nôm :
                         NHẠC DƯƠNG LÂU
                       
                                   

                   Lan can đánh đét giọng cao ngâm,
                   Cảm khái làm sao chuyện cổ câm.
                   Núi nổi ngao nâng Bồng Lai cách,
                   Biển sâu rồng quẩy báu châu trầm.
                   Vô cùng cảnh vật ngàn năm đổi,
                   Khó được đời người mấy thuở thăm.
                   Sông nước mênh mông thuyền lẻ bóng,
                   Vui sau lo trước giữ lòng nhân !
       Lục bát :
                   Lan can đánh đét ngâm vang,
                   Cổ kim thế sự bàng hoàng xuyến xao.
                   Bồng Lai núi nổi nhờ ngao,
                   Biển sâu ẩn dấu biết bao hàm rồng.
                   Đổi vời cảnh vật ngàn năm,
                   Ngưòi đời mấy thuở được thăm nơi nầy.
                   Giang hồ thuyền lẻ còn đây,
                   Giữ lòng lo trước vui vầy đến sau !
                                              Đỗ Chiêu Đức

  10. Bài thơ  Nhạc Dương Lâu  (2) :                              

   岳 陽 樓 (二)                       NHẠC DƯƠNG LÂU (2)

危 樓 高 枕 岳 陽 城,    Nguy lâu cao chẩm Nhạc Dương Thành,
城 下 扁 舟 泛 洞 庭。    Thành hạ biển chu phiếm Động Đình.
湖 水 展 開 圓 鏡 白,    Hồ thuỷ triển khai viên kính bạch,
君 山 點 出 一 螺 青。    Quân sơn điểm xuất nhất loa thanh.
霸 圖 空 闊 分 吳 楚,    Bá đồ không khoát phân Ngô Sở,
元 氣 淋 漓 浸 日 星。    Nguyên khí lâm ly tẩm nhật tinh.
安 得 南 枝 今 有 便,    An đắc nam chi kim hữu tiện,
鵬 風 萬 里 過 南 溟。    Bằng phong vạn lý quá nam minh.
              阮 忠 彥                        Nguyễn Trung Ngạn


             

            
* Chú Thích :
  - Nguy Lâu 危 樓 : NGUY là Cao mà không vững; nên NGUY LÂU là Lầu cao vòi vọi.
  - Chẩm 枕 : Danh từ là Cái gối; Động từ có nghĩa là Gối đầu lên... cái gì đó.
  - Biển Chu 扁 舟 : là chiếc thuyền dẹp, ý chỉ chiếc thuyền con.
  - Phiếm 泛 : là Trôi nổi lan man không định hướng, nên BIỂN CHU PHIẾM ĐỘNG ĐÌNH 扁 舟 泛 洞 庭 : là chiếc thuyền con thả nổi, mặc tình trôi dạt trên hồ Động Đình. Như PHIẾM LUẬN 泛 論 là bàn luận lan man về một chủ đề nào đó .
  - Loa 螺 : là Con Ốc, là hình Xoắn ốc.
  - Bá Đồ 霸 圖 : là Tranh bá đồ vương.
  - Nguyên Khí 元 氣 : là cái khí đầu tiên, cái khí vốn có của trời đất.
  - Bằng Phong Vạn Lý 鵬 風 萬 里 : Như cánh chim bằng lướt qua vạn dặm đường.
  - Nam Minh 南 溟 : là biển nam, nơi quê nhà.

* Nghĩa bài thơ :
                                  Lầu NHẠC DƯƠNG (2)
       Lầu cao vòi vọi nằm gối đầu lên bờ thành Nhạc Dương, Dưới thành thả một chiếc thuyền con trôi nổi trên hồ Động Đình. Ta sẽ thấy nước hồ mở ra như một tấm gương tròn trắng lớn, và Quân Sơn ở giữa hồ điểm xuyết như là một con ốc xanh to lớn. Việc tranh bá đồ vương trong khoảng hồ nước mênh mông nầy đã chia hai bờ thành nước Ngô và nước Sở. Cái nguyên khí của đất trời bao la cũng đầm đìa làm chìm đắm cả sao trời và mặt nhựt. Làm sao có được một cành nam để làm phương tiện cho hôm nay và cánh chim bằng có thể vượt qua vạn dặm mà về đến biển nam quê nhà.

* Diễn Nôm :
                           NHẠC DƯƠNG LÂU (2)
                         
            

                     Cao cao lầu gối Nhạc Dương thành,
                     Một lá thuyền con lướt Động Đình.
                     Hồ nước như gương soi kính bạc,
                     Núi Quân tựa ốc điểm màu xanh.
                     Đồ vương tranh bá chia Ngô Sở,
                     Nguyên khí đầm đìa đắm nhựt tinh.
                     Mong được cành nam phương tiện tiếp,
                     Cánh bằng muôn dặm biển quê mình !
     Lục bát :
                     Cao cao lầu gối Nhạc thành,
                     Dưới kia thuyền nhỏ Động Đình nổi trôi.
                     Như gương hồ nước trắng ngời,
                     Quân Sơn tựa ốc xanh tươi giữa hồ.
                     Đồ vương tranh bá Sở Ngô,
                     Khí nguyên trời đất đắm mờ trăng sao.
                     Cành nam mong được ai trao,
                     Cánh bằng muôn dặm lướt mau biển nhà !

             
      Mời đọc tiếp Thơ NGUYỄN TRUNG NGẠN (phần 3)

                                                        杜 紹 德

                                                      Đỗ Chiêu Đức




Không có nhận xét nào: