Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn XXIV - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

              Chữ Nghĩa Làng Văn XXIV

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***

 

Thá


Thá : loại, hạng

(chẳng ra thá gì)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


Họ và Tên


Nghiên cứu tất cả hệ thống tên họ các dân tộc cho thấy người Việt có lẽ là một dân tộc đầu tiên, cùng với người Trung Hoa và Đại Hàn, có một hệ thống tên họ đơn giản và hợp lý nhất. Người Nhật mãi đến năm 1872 mới được quyền có họ, trước đó chỉ có các ngài đại-danh (samourais) là có đặc quyền đó. 


Theo lịch sử Trung Quốc, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm 2852 trước Công nguyên, khi vua Phục Hi ra lệnh bắt dân chúng phải có một "gia tính" hay "tộc tính" để phân biệt các hệ phái gia đình. Đến thế kỷ thứ V trước Công nguyên ở Trung Quốc đã có hai loại "gia tính" được dùng: "tính" là “họ gốc”, do cha truyền con nối hoặc do vua ban, và dành cho nam giới; "thị" là “họ cành”, tức tên đặt khi mới sanh dùng cho cả nam lẫn nữ. Giới quý tộc vừa có Tính vừa có Thị, dân giả thì chỉ có tính. Từ đó phát xuất thành ngữ "bá tính" hoặc "bách tính"


(Văn hóa người Việt qua tên họ - Nguyễn Vy Khanh)

 


Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Ngoa: ta, tôi


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Phúc biến hoá thành phước

 

Phúc và phước lại là đồng nghĩa dị âm. Chính âm là phúc. Biến âm thành phước. Vấn đề đặt ra: sự biến âm ấy diễn ra từ bao giờ? Vì sao? Đâu là giới hạn?

Mọi người đều biết rằng hiện tượng "viết chệch, đọc lệch" từng xuất hiện trong lịch sử do kiêng húy. Chữ phúc bị kiêng, thoạt tiên từ thời Tây Sơn. Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng (1797 - 1864) có đoạn: "Xã tôi xưa gọi là Long Phúc, vì Nguyễn Huệ có tên giả là Phúc, nên đổi gọi là Long Phú".

Vậy là Phúc biến thành Phú, tức thay hẳn cả chữ lẫn nghĩa. 

 

Còn Phúc biến thành Phước thì giữ nguyên chữ nghĩa, chỉ đổi âm, thực sự phổ biến kể từ năm Quý Mùi 1883 - thời điểm công tử Ưng Đăng lên ngôi vua, chọn niên hiệu Kiến Phúc.Từ đấy hoàng thân quốc thích đến quan quân lẫn thứ dân thảy đều gọi kiêng. Dòng họ Nguyễn Phúc được đọc trại ra Nguyễn Phước. 

 


Đế Gò Đen

 

Đế Gò Đen, là tên một loại rượu trắng nổi tiếng của miền Nam 

Đây là một loại rượu được nấu từ gạo, hoặc nếp mỡ, nếp than, theo phương pháp cổ truyền, sản xuất ở địa danh Gò ĐenBến Lức, tỉnh Long An.

 


Tiền giấy nhà Hồ

Mặc dù thời gian tồn tại ngắn ngủi (1400 - 1407) nhưng nhà Hồ đã tiến hành nhiều cuộc cải cách kinh tế, trong đó có cải cách tiền tệ, đánh một dấu ấn quan trọng trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.
Lần đầu tiên phát hành tiền giấy

Nhà Hồ lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước khá đặc biệt: Nhà Trần suy yếu, đất nước kiệt quệ, bên ngoài nhà Minh dòm ngó để xâm lăng. Trước hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly, một viên quan có tư tưởng tiến bộ tìm mọi cách phục hưng đất nước.
Từ một quan đại thần với quan hệ thân tộc con rể vua Trần Minh Tông, sau nhiều năm củng cố lực lượng, Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần tự lập làm vua, mở đầu triều đại nhà Hồ. 


(tiền “Thông bảo hội sao” do một nhà sưu tầm vẽ lại)


Tư liệu về Vương Nhữ Chu (người vẽ tiền giấy) không nhiều nên đến nay chúng ta vẫn chưa thể biết được chính xác quê quán, năm sinh năm mất và chi tiết về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông.


***
Cùng với việc cải cách quân sự, việc đầu tiên là phát hành tiền giấy. Năm 1396: "Mùa hạ tháng 4, bắt đầu phát tiền giấy Thông Bảo hội sao. In xong ra lệnh cho người đến đổi, cứ một quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất tài sản bị tịch thu. 


Đây là lần đầu tiên tiền giấy xuất hiện ở Việt Nam. Đồng tiền phát hành có hai yếu tố mới. Tiền không ghi niên hiệu vua. Đây là một phép thử ngoại lệ trong tiền tệ Việt Nam khai tử niên hiệu của triều đại Trần, chuẩn bị cho một triều đại mới.
Chất liệu tiền là giấy chưa hề có trong tiền lệ lịch sử chế tác tiền VN. Tiền giấy góp phần giúp cho nhà Hồ thu về số lượng đồng lớn dùng để đúc vũ khí, đặc biệt là súng thần công, một loại binh khí mới được ra đời trong thời gian này. Chính vì thế, tiền giấy được nhà Hồ phát huy hiệu quả triệt để thời gian khi cầm quyền. 

 

Phở

Hồi xưa nấu phở, người ta dùng mấy con giun biển phơi khô, có tên Việt nhập cư là xá xùng (do chữ sa trùng của Tàu mà ra). 

 


Câu đối thợ nhuộm 

“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “ra đối dễ, đối lại khó” . Tuy nhiên một đôi khi lại ngược lại “xuất đối dị, dị đối… dị” như vợ khóc chồng là thợ nhuộm:

Thiếp từ khi lá thắm duyên xe, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ

Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh


Câu phúng trên do cụ Nguyễn Khuyến viết cho chị hàng xóm khóc chồng, có đủ mầu sắc của nhà thợ nhuộm: thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh…

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

 


Chữ nghĩa làng văn

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc

Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn


Trước Nguyễn Công Trứ đã có câu của Nguyễn Trãi:

Biết đủ dù không gì cũng đủ

Nên lui nếu có dịp thì lui

 


Danh nhân miền Nam người Minh Hương


Trong lịch sử khẩn hoang ở miền Nam, sự đóng góp của người Minh Hương từ xưa đến nay về lịch sử và văn hóa thật là to lớn. Bao nhiêu danh nhân Việt Nam trong lịch sử là có gốc Minh Hương, từ Trịnh Hoài Đức, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản, v…v... đến những nhân vật có tên tuổi trong văn hóa nghệ thuật gần đây như Hồ Dzếnh, Trịnh Công Sơn, Vương Hồng Sển, v…v... Họ đã hòa nhập thành người Việt.  

(Vài nét về lịch sử người Minh Hương - Nguyễn Đức Hiệp)

 


Đã có một thời…

Phạm Huấn

Ngay sau đó cuốn sách Một ngày tại Hà Nội (1973) của Phạm Huấn được xuất bản kèm theo những hình ảnh sống động mà trên làn sóng điện phát thanh không thể nào có được. Đó cũng là cuốn sách đầu tay của “nhà báo Phạm Huấn” và cũng là cuốn sách duy nhất mà tôi được đọc. Sau này anh sang định cư ở Mỹ viết thêm những cuốn khác: 


- Triệt thoái Cao nguyên (1987); 
- Những trận đánh lớn trước khi mất miền Nam (1988); 
- Điện Biên Phủ 54 - Ban Mê Thuột 75 (1988); 
- Trận Hạ Lào (1990) 


Với 4 (hay 5?) tác phẩm của anh để lại, người đọc sẽ có dịp nhìn được rõ hơn những điều sống động, xác thật đã và đang xảy ra trong lịch sử dân tộc mình. Làm được điều này, cuộc sống của anh đã thật sự có ý nghĩa. Không phải ai cũng làm được như thế. 


Người phóng viên chiến trường năm xưa đã ra đi, nhưng những gì để lại vẫn còn sống mãi.


(Phạm Huấn phóng viên chiến trường năm xưa – Văn Quang)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chữ “@” trong địa chỉ điện thư từ tiếng Anh là “at” là “ở”.


Người Việt gọi nó là “con còng”

Người Đức gọi nó là “chữ A đuôi khỉ”..

Người Phần Lan gọi nó là “chữ A đuôi mèo”.

Người Ba Lan gọi nó là “chữ A con khỉ con”

Người Ý gọi nó là “con ốc”

Người Na Uy gọi nó là “chữ A đuôi heo”

Người Hung Gia Lợi gọi nó là “con sâu”


(Trà Lũ – báo Văn Nghệ Tiền Phong)



Vĩnh biệt Hoàng Anh Tuấn 

Đã có một thời…

Vĩnh biệt Hoàng Anh Tuấn 


Đã có một thời Hoàng Anh Tuấn là hàng xóm của tôi ở cư xá Chu Mạnh Trinh, bên ngã tư Phú Nhuận của Sài Gòn. Khu cư xá từng có khá nhiều văn nghệ sĩ thời đó “xây tổ ấm”. Gia đình anh chị Dương Thiệu Tước - Minh Trang- Quỳnh Giao, gia đình ông chú Nguyễn Mạnh Côn của tôi, gia đình chị Thái Hằng - Phạm Duy, danh ca Anh Ngọc, nhà văn Duyên Anh… Lâu quá rồi, tôi không thể nhớ hết. Nhưng điểm lại số người đó, nay không còn được một nửa. 

Lại thêm một người nữa vừa ra đi: Hoàng Anh Tuấn ở San Jose.


Không ngạc nhiên nhưng…
Cái tin anh mất, thật sự không làm tôi ngạc nhiên. Bởi đã từ lâu, khi Phạm Huấn còn nằm tại “viện dưỡng lão”, bên cạnh đó có Hoàng Anh Tuấn. Tôi vẫn thường được bạn bè ở San Jose cho biết tin tức về hai ông bạn này. Có ông tường thuật từng chi tiết.

Nào là hồi này Tuấn khỏe lắm, bụng to như cái thùng, vẫn cười như trẻ thơ. Tôi cũng nhận được vài tấm ảnh của Tuấn, khuôn mặt thì vẫn vậy, nhưng thân hình thì đẫy đà, khác nhiều so với ngày nào. Khi Phạm Huấn mất, tôi chắc Tuấn buồn lắm, không còn bạn bên mình. Trong thâm tâm tôi, nghĩ ngày nào đó Tuấn cũng sẽ bỏ anh em, chưa biết là một ngày nào gần đây thôi. 


Vì thế tôi không ngạc nhiên khi nhận được các bạn ở Mỹ báo tin Tuấn đã ra đi vào 7:30 sáng (giờ cali) ngày thứ  Sáu, 01 tháng 9 năm 2006. Không ngạc nhiên, nhưng nỗi ngẩn ngơ thì vẫn cứ tràn đầy. Hình ảnh Hoàng Anh Tuấn hiện lên quanh đây, hơn 30 năm qua rồi, xa nhau biền biệt, mà Tuấn cứ như ở trước mặt. 

Cái dáng vẻ hồn nhiên, vô tư của anh rõ mồn một. Con người lúc nào cũng như “cuộc đời chẳng có gì phải lo nghĩ, chẳng có gì phải tính toán”. Anh phơi phới trong bất kỳ trường hợp nào. Suốt những năm tháng ở gần anh, dường như chẳng bao giờ thấy anh buồn. Thế mà thơ của anh lại hay, lại thấm, chữ nghĩa mới lạ. Đó là một người bạn đối với tôi rất đặc biệt.

(Văn Quang)



Ngày xưa... ngày nay

Ngày xưa dùng gậy chỉ huy
Ngày nay dùng gậy khi… đi dò đường



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tiếng nói, tiếng Việt

Tôi về Sàigòn, đến thăm cụ Vương Hồng Sển, được Cụ tiếp tại nhà. Cụ có tặng tôi quyển sách “Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam”. Trước khi viết lời tặng, ký tên vào quyển sách, Cụ Sển gạch ngang chữ “Việt” trong tựa của quyển sách, mà sửa lại là “nói”. 


Cụ nói: “Cán bộ tài khôn, sửa mà không hỏi ý kiến tác giả”. Dân miền Nam nói anh “tài khôn” không có nghĩa là nói anh “tài cán, khôn ngoan” mà hoàn toàn có ý ngược lại. Tiếng Việt thì miền nào cũng là tiếng Việt. Còn tiếng nói thì mỗi miền mỗi khác. Đơn giản vậy thôi. Nhưng có viết sai thì mới thấy “sai một li, đi một dậm”. Nôm na tiền bạc là " trật con tán, bán con trâu". 


Tiện đây tôi xin chân thành nhắn nhủ quí tác giả một khi có trích dẫn quyển tự vị của cụ Vương Hồng Sển thì xin để ý đừng viết là: 

“Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam”… như nhà xuất bản ấn hành, vì nó sai, vì đó không phải ngươn ý, nguyên tác của cụ Sển, mà xin viết là: “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” - Cám ơn. 

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nhớ quá khứ buồn rơi nước mắt
Nhìn tương lai... lạnh toát mồ hôi

(Jap Tiên sinh)



Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước năm 1975

Khoảng 1971-73 gì đó, có lần anh Nguyễn Thành Long khoe với tôi là nhân muốn trò chuyện với Thế Uyên, và phải lặn lội về tận làng Bằng ở Hà Đông lấy tài liệu để viết một bài về Thạch Lam. Đoạn cuối truyện ngắn Cô Hàng Xén có câu “Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện ra trước mặt, tối tăm và dày đặc“. 


Hè 1972, có mặt ở Quảng Trị lúc thành phố chưa bị ném bom hủy diệt tôi mang về nhiều bài báo xé ra từ các số bán nguyệt san Văn, trong đó có bài Tự truyện viết sớm của E. Evtouchenko. Chính là hồi đó, loại tài liệu này cũng là của hiếm. Sẵn bản dịch của Vũ Đình Lưu, các bạn như Lưu Quang Vũ, Nghiêm Đa Văn, Lâm Quang Ngọc,…truyền tay nhau để đọc. Tôi kể lại hai chuyện này để thấy sự chia sẻ của chúng tôi với văn học miền Nam còn là ở hai điểm. 

Thứ nhất sự chi chút gia tài văn học quá khứ. Không có các anh trong ấy bao năm gìn giữ, Hàn Mặc Tử chẳng hạn, rồi Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… không thể trọn vẹn như ngày nay. 


Thứ hai, sự tiếp nhận văn học nước ngoài từ các lý thuyết văn học tới các tác giả. Các tạp chí ở Sài Gòn đã làm công việc này một cách tự nhiên và cuộc hội nhập với thế giới mà các bạn trẻ đầu thế kỷ XXI này đang làm là tiếp tục đi theo cái mạch đó.

(Khuyết danh)



Ngày xưa... ngày nay

Ngày xưa đường phố long nhong,
Ngày nay ba buổi trong phòng... đọc kinh



136 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Năm 1954, người ta nói đến cuộc di cư người, thật ra còn có cuộc di cư chữ nghĩa nữa. Người đi, chữ cũng đi theo. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lềnh kềnh, lếch thếch nối đuôi nhau lên tầu há mồm. 


Chuyến đi gian nan của người di cư thế nào thì chữ nghĩa cũng vậy. Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất. Chẳng ai còn tâm trí đâu để lưu tâm tới điều đó. Chữ được di cư vào miền Nam, chở đi rồi, bao nhiêu chữ đã rơi rụng, vung vãi dọc đường. Bao nhiêu chữ đã sống còn sau khi đã hội nhập với chữ bản địa.

Số mệnh chữ nghĩa mỏng manh như số phận con người. Thời gian như thước đo chiều dài ngắn của chữ nghĩa, đồng thời cành báo về cái hữu hạn của nó. 


Khi lần đầu tiên tiếp xúc lại với chữ nghĩa miền Bắc sau 20 năm xa cách. Người viết có cái cảm giác sung sướng đến ngạc nhiên, đến bỡ ngỡ vì nhớ lại những chữ nghĩa tưởng chừng đã quên nay nhớ lại. Sau bao năm xa cách, hình như bắt lại được mình, nối lại được dĩ vãng thân thuộc, gần gũi. Chẳng hạn, lúc đọc nhà văn miền Bắc như Tô Hoài trong O chuột (1942), Nhà nghèo (1944), Nguyễn Tuân Người Lái đò trên sông Đà, Nam Cao với Chí Phèo


Và gần đây thôi Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma. Họ, những nhà văn, đã làm sống lại từ trong mồ nhiều chữ mà người viết đã nghe, hoặc chính mình đã dùng và nay đã quên, đã không dùng nữa. Người viết cảm động như một khám phá, như một sưởi ấm lại ký vãng đã quên. Chẳng hạn thay vì nói, ông ấy bệnh nặng, sắp chết, hay ông ấy đang hấp hối, đã cấm khẩu, tay bắt chuồn chuồn. Nhưng hạ một câu: Ông ấy sinh thì rồi thì đã quá. Và cứ như thế dàn trải ra khắp các cuốn sách quê hương cũ tìm về, dấu chân kỷ niệm và niềm thơ ấu sống lại.

Chữ nghĩa như có hồn được vực dậy, thổi thêm sinh khí. Phần lớn những thứ chữ này có vào thời tiền chiến và gần như bị “đoạn tuyệt” vơi Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ). Như vậy, song song với nhóm TLVĐ, vẫn còn sót lại một dòng văn học ngược chiều với nhóm Văn Hoá Ngày Nay và cứ thế nó kéo dài đến bây giờ. Và một lần nữa, nó lại phải đương đầu với những nhà văn trẻ, thế hệ sau 1975, thế hệ sau cởi trói hay sau nữa hậu hiện đại. 


Cũng một cách thức tương tự, người ta tìm thấy ở miền Nam với Nhóm Sáng Tạo đổi mới nội dung, giải phóng chữ nghĩa bằng cách sử dụng những từ có vóc dáng thời thượng. Bên cạnh đó có một dòng chảy văn học giữ lại cội nguồn, giữ lại bản sắc của mình với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và đặc biệt nhất là nhà văn Lê Xuyên. Đây là một hiện tượng văn học có vóc dáng và đáng nể.


Nhưng chuyện phải đến đã đến. Càng đọc các nhà văn miền Bắc, càng thấy chữ nghĩa mất nhiều lắm. Đếm không hết, nói mấy cũng không đủ.

(Cuộc di cư của chữ nghĩa – Nguyễn Văn Lục)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Anh về bắt vịt nhổ sạch lông
Tiết canh làm được vài ba dĩa
Mượn rượu cho nguôi vết thương lòng



Tờ nhật báo đầu tiên


Gần 4 năm sau khi thành lập, báo Trung Bắc Tân Văn ở miền Bắc tăng tần số phát hành và trở thành tờ nhật báo đầu tiên của Việt Nam, tính từ tháng 1/1919. 

 

Trung Bắc Tân Văn do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Tờ báo tồn tại đến tháng 4/1941 mới đình bản, ra tổng cộng 7.265 số. Trung Bắc Tân Văn là tờ báo ra hàng ngày duy nhất phát hành rộng ở Bắc và Trung Kỳ

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)



Chữ và tiếng nói

Sự tích luỹ nhặt chữ hàng ngày cho ta một cái vốn dần dần to. Có vốn, dễ tung tẩy. Tôi nói dễ theo nghĩa sẵn vốn, không phải dễ là bớt khó khăn khi sáng tác. Bởi vì, khi viết truyện, mỗi chữ hiện ra dưới ngòi bút phải là một chữ hoàn toàn do ta tìm ra. Chữ để viết truyện là một thứ chữ thông thường. Như tiếng nói thường, mà lại chẳng phải tiếng nói thường, vì nó đã thông qua sáng tạo của người viết, nó đã trở nên sắc sảo, nhiều hình ảnh và là của người viết ra nó.

Trước tôi không hiểu được như thế. Tôi hay dùng chữ sẵn. Khi đã qua cơn thích thú lúc đầu rồi, sau đọc lại phát ngán. Thất bại nhiều lần, tôi biết viết công phu hơn: nói một ý, tả một cảnh, một người, một tâm trạng. Tôi đã biết tự gây khó khăn cho tôi, biết hoài nghi để mài dũa hơn nữa, sửa chữa lần nữa sửa chữa mãi những câu mình đã viết ra. Một con mèo đen thì màu đen ấy thế nào? Tôi bắt tôi phải biết tỉ mỉ và khó tính. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa bao giờ bằng lòng. Mỗi bước cố gắng, trông lại, lại thấy sau lưng có khuyết điểm bấy lâu mình chưa biết. Từ Truyện Tây Bắc năm 1952. Tôi đã rút được một số kinh nghiệm.
Khi viết Truyện Tây Bắc, tôi đã thấy ra và bắt đầu chỉnh đốn sai lầm ấy. Tôi không mở sổ tay để tìm chữ mới lạ lắp vào câu nói. Các nhân vật trong óc tôi phải tự tìm lấy lời nói của họ. 

Những chữ, những câu hay mà tôi ghi được, sẽ nhập tâm vào tôi rồi trong sáng tác nhân vật, các nhân vật sẽ xuất hiện và nói được ra lời lẽ một cách tự nhiên. Lúc nãy, chữ còn là của tôi, bây giờ chữ đã là của nhân vật của tôi. Cho đến khi xong bản thảo lần thứ nhất một truyện ngắn, tôi mở “Sổ chữ” xem lại. Như thế, sẽ bổ sung cho truyện một số câu hoặc chữ đắt nghĩa hơn. Nhưng thường, chỉ được một số, không phải là lắp hàng loạt. Vì, cũng như xây dựng truyện, cả cái khung câu và chữ, phần chính mới làm lúc đầu, mới khi đặt bút. Viết Truyện Tây Bắc, tôi theo cách đó. Nhưng cũng chỉ là mới bước đầu cố gắng.


(Sổ tay viết văn – Tô Hòai)



Nói lái với câu đối 

Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo



Tản mạn về con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa - 1

Ngày xưa, từ danh từ riêng ‘Catinat’ nguyên thủy do người Pháp dùng đặt tên cho đường Tự Do. Thêm một từ chế rất thú vị nữa là ‘radio Catinat’, chỉ những thông tin đủ loại phát ra từ những ‘cư dân’ thường xuyên tụ tập tại La Pagode, Givral và Brodard, gồm giới văn nghệ sĩ, báo chí và một số chính trị gia. 

Văn Quang đã phân tích:

“Thật sự cái nhu cầu chính là đến đây gặp nhau, để… nói dóc, “bình loạn” vài cái tin văn nghệ, thời sự chính trị cho vui thôi. Cả ba nhà hàng này với những cái “loa ngầm, loa không ai kiểm chứng” nên có thời người ta gọi những tin tức ấy là “radio Catinat” (bởi con đường Tự Do, thời Pháp được đặt tên là đường Catinat). Tuy nhiên cũng có những nguồn tin “bí mật quốc gia” rất chính xác bên cạnh những nguồn tin chẳng bao giờ là sự thật. Nó cứ nhập nhằng như thế nên “radio Catinat” chưa chắc đã là “láo toét” như nhiều người kết tội nó”.

(Phạm Nga)



Chữ và nghĩa

Lòng em muốn lấy thợ sơn

Một mình một cỗ còn hơn thợ kèn



Tản mạn về con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa - 2

Nhìn chung, ngoài 3 nhà hàng/cà phê La Pagode, Givral, và Brodard, đường Tự Do càng đẹp đẽ hơn khi còn có quán Cafetaria Disco với nhạc pop rock mới nhất, phát bằng discothèque hiện đại nhất thời đó, rồi các phòng trà Tự Do, Maxim’s hoành tráng và Đêm Màu Hồng diễm ảo.

Chưa kể nằm 2 bên trụ sở Quốc Hội/Hạ Nghị Viện là khách sạn Continental Palace với phong cách rất Tây và khách sạn Caravelle cao nhất nhì Sài Gòn thời 60, cùng khách sạn Majestic, cả ba đều có đại sảnh sang trọng. Ở nhiều vị trí dù lộ thiên hay sát bên quầy rượu, khách ngồi ghế mây, ghế bành nhâm nhi cà phê hay bia lạnh đều có view nhìn ra các góc phố thật đẹp mắt. Riêng ban đêm, phố Tự Do trở nên lung linh, đẹp rực rỡ với ánh sáng đèn đóm đủ màu,

Còn vào buổi chiều nào đó, khi có cơn mưa nhỏ, đường Tự Do/Catinat của Sài Gòn chợt lãng đãng một vẻ đẹp cổ điển, đầy sức quyến rũ, khiến những ai thích loại phim lịch sử – phiêu lưu – mạo hiểm không khỏi liên tưởng đến hình ảnh Sài Gòn rất xưa cũ trong cuốn phim Mỹ tựa là ‘Người Mỹ Thầm Lặng’ (The Quiet American), chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene, nhà văn Anh, viết năm 1951.

(Phạm Nga)



Sài Gòn một chút quán xá

Quán cà phê Cheo Leo

Cheo Leo là tên quán cà phê “xưa” nhất Sài Gòn, ở căn nhà số 36, hẻm 109, đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Khu vực này chi chít ngõ hẻm ngang dọc, nên từ lâu đã có tên gọi là khu Bàn Cờ. 


Chúng tôi được biết quán Cheo Leo hình thành từ năm 1938, trước cả thời gian xảy ra Ðệ nhị Thế chiến, 1939-1945.

Tồn tại đến hôm nay, quán Cheo Leo đã 75 năm tuổi; đặc biệt quán Cheo Leo vẫn pha cà phê bằng vợt, còn gọi là cà phê bít tất. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi còn là học sinh trường trung học Chu Văn An, tôi đã biết có quán cà phê Cheo Leo. Bạn đồng lứa tuổi chúng tôi, học tại Chu Văn An và Pétrus Ký, cả hai trường đều không xa khu Bàn Cờ. Khi tập tành ngồi quán cà phê, nhiều bạn đã lui tới thường xuyên quán Cheo Leo.


Riêng tôi, theo đòi những “ông anh văn nghệ,” đã tìm tới quán có cà phê phin, để được làm dáng trầm tư, nhìn ngắm từng giọt đậm đen nhỏ từ cái phin xuống đáy ly cốc. Thuở đó tuy pha cà phê bằng phin chưa phổ biến, nhưng ở khu vực Bàn Cờ đã có những quán pha cà phê bằng phin, nổi tiếng như các quán cà phê Phong, cà phê Năm Dưỡng… Sau biến cố 30-4, không còn thấy bóng dáng cà phê Phong nữa. Duy nhất quán Cheo Leo vẫn ngày ngày mở cửa, với cà phê vợt của một truyền thống gần như tuyệt tích. Chúng tôi tới quán Cheo Leo, thưởng thức ly cà phê vợt.


Gặp chị Nguyễn Thị Sương, chúng tôi thăm hỏi về quán cà phê kỳ cựu này. Chị Sương là con ông Vĩnh Ngô, người lập nên quán Cheo Leo cách đây 75 năm. “Nghe cha tui nói, thuở đó vùng Bàn Cờ này còn hoang sơ heo hút lắm, không khác chốn đèo heo hút gió, nên khi mở quán cha tui đặt tên là quán Cheo Leo. Từ đó khách uống cà phê gọi luôn tên cha tui là ông Cheo Leo…”..


Một vị khách lão niên ngưng ngụm cà phê đá, nói với chúng tôi:

“Sanh thời ông Cheo Leo điệu nghệ lắm. Ổng luôn vận quần soọc, cỡi vespa đi chợ Bến Thành mua cà phê chánh hiệu Meilleur Gout, Jean Martin mang dìa pha vợt. Tới khi Sài Gòn đã hiếm quán cà phê pha vợt, ổng cũng không chịu pha phin, biểu pha bằng cái phin thì cà phê cũng chẳng ngon hơn chút nào, mà nỡ bỏ đi cái cách cà phê pha vợt đã quá thân thương với người Sài Gòn. Tụi tui mến ổng là vậy.”

(“Cheo Leo”, quán cà phê ‘xưa’ nhất Sài Gòn – Nguyễn Đạt)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Đừng mơ hão cho… hao mỡ.



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tôi xin nêu lên cái nghề mới ở Việt Nam không kém phần dị hợm như nghề “Nhà Làm Văn Hóa”. Thỉnh thoảng tôi thấy dưới tên ông giáo sư, ông tiến sĩ ở Việt Nam ngày nay, có thêm hàng chữ: Nhà Làm Văn Hóa, hay Nhà Văn Hóa. 


Miền Nam trước năm 1975 không bao giờ tôi thấy có ai làm cái nghề đó. Mấy ông làm văn hóa ơi. Mấy ông có biết không? Văn hóa của một dân tộc, một quốc gia phải trải qua trăm năm, ngàn năm, phải kinh qua nhiều thế hệ, xã hội, nhiều đời nhiều người mới hình thành

Chớ có ai mà tự mình làm ra văn hóa! Tra ra thì mấy ông kẹ cộng sản Việt Nam bắt chước ông cộng sản Tàu như đúc. Ở Tàu có người đề là Văn Hóa Gia dưới tên mình, phải dịch đó là nhà (người) nghiên cứu văn hóa, chớ không phải là Nhà Làm Văn Hóa, hay Nhà Văn Hóa. Văn Hóa Gia không phải là học vị, bằng cấp như bác sĩ , tiến sĩ, kỷ sư… mà dịch nguyên chữ.

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)



Bánh chưng, bánh tét

Người miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét tiếng đọc trạnh kiểu miền Nam của bánh tết


Và nhân đây xin đề cập một "ngộ nhận văn hóa". Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh trong Nam, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy người cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi là bánh chưng. 

Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một "ngộ sự văn hóa". Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).

Bánh chưng tròn dài tượng dương vật, như cái chày, cói nô

Bánh dầy tròn dẹt tựa âm vật, như cái cối, cái nường.


Đó là tín ngưỡng và triết lý nô-nường-chày-cối chưng dầy của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp, một ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đây bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu). 


Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là "gậy chống của ông vải" về nguyên thủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực.

(Trong cõi - Trần Quốc Vượng)



Cơm vua, cơm làng  

Cơm niêu

Đã lâu rồi, có lần được bạn bè kháo về thăm Hà Nội nhớ đi ăn cơm niêu. Ngon lắm. Tôi chỉ cười. Sống bên Pháp, ăn gạo Thái Lan, thổi bằng nồi điện Nhật, không ngon à?
Năm 1995, về làng thăm bác Hai, tôi nói đùa:
– Cháu mời bác đi ăn cơm niêu
– Chết thật! Bây giờ mà vẫn còn người phải ăn cơm niêu à?
Bác tôi suốt đời sống trong làng Hoàng Mai. Mãi đến năm 1954 vẫn chưa biết điện, nước máy là cái gì. Bác khổ sở với mấy cái nồi, cái niêu bằng đất. Cái nào cũng ám khói đen sì. Nhọ nồi đóng thành lớp. Lúc rửa chỉ sợ lỡ tay làm vỡ.

Ôi! cái thời Ăn xó, mó niêu đen tối. Ai cũng muốn quên.
Tôi không dám đùa dai với bác. Nói lảng sang chuyện khác.

Tôi chỉ nghĩ là cơm niêu của bác Hai không giống cơm niêu bây giờ. Nhưng cơm niêu bây giờ là cái gì thì tôi mù tịt.

Lần ghé chơi Đà Nẵng, vợ chồng tôi được bạn dẫn đi ăn. Đang ngồi chờ bỗng nghe tiếng rơi vỡ giòn tan. Tiếp theo là tiếng vỗ tay đôm đốp. Tiếng cười nói ồn ào.
Phía góc phòng đang có một đoàn quay phim.
Anh bạn cười:
– Bọn Nhật đập niêu, quay phim, quảng cáo món cơm niêu của mình. Anh chị đã thưởng thức món này chưa?
– Chưa. Chưa biết…cơm niêu.

(Ai ơi bưng bát cơm đầy…- Nguyễn Dư)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


trữ tình 抒 情 

Soạn giả không hề biết “mặt chữ” mà chỉ biết phỏng đoán theo cảm tính nên đã giảng giải rằng, trữ là chứa chất, tình là tình cảm; trữ tình là chứa chất tình cảm. 

Thật là sai lầm nghiêm trọng. Nên nhớ rằng, ở đây, trữ nghĩa là biểu đạt, là bày tỏ. Trữ tình nghĩa là biểu đạt tình cảm. Cần phân biệt chữ "trữ" 抒 này với chữ trữ 貯 trong từ tích trữ. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)





Không có nhận xét nào: