TRONG KHOẢNG TRỜI ĐẤT, SUY GẪM VỀ CHỮ “NHIÊN” 然
Nguyễn Đức Cung
Sau ngày 30-4-1975, trải qua một năm ở trại tù Long Thành và Thủ Đức (Miền Nam), tôi cùng một số nhân vật đầu não của chế độ VNCH khoảng hơn 400 vị bị đày ra Miền Bắc, một nửa ở tù trại Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh (1976-1988, Miền Bắc). Tại đây tôi gặp một nhân vật trong đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng thuộc toán tình báo chiến lược được gài lại hoạt động ở Miền Bắc sau hiệp định Genève (1954) đó là cụ Cao Xuân Tuyên. Cụ CXT lúc bấy giờ khoảng trên 50. Tôi còn trẻ thua cụ từ 18-20 tuổi nhưng cũng kết bạn vong niên với cụ Cao (nhà ở Cư Xá Đô Thành, Sài Gòn). Qua những câu chuyện trao đổi về chữ Hán tôi thấy cụ thường hay đọc bộ Tứ Thư (Les Quatre Livres de Confucius) do Linh mục Séraphin Couvreur dịch ra tiếng Pháp có kèm phần chú thích mà cụ đem theo khi ở tù CS. Thỉnh thoảng cụ CXT ngâm nga với tôi hai câu thơ sau đây mà theo cụ, giới lều chõng thời Nho học còn thịnh thường hay truyền miệng nhau:
Chi, hồ, giả, dã, hĩ, yên, tai,
Thất tự năng thông thị tú tài.
之 乎 者 也 矣 焉 哉
七 字 能 通 是 秀 才
Dịch nghĩa:
Chi, hồ, giả, hĩ, yên tai
Bảy chữ làu thông ắt tú tài.
Có nghĩa là sử dụng thành thạo bảy chữ đó khi làm văn ở chốn trường ốc thì người sĩ tử ắt đỗ đạt, mà kém lắm thì cũng được tú tài. Nay được thư của một người bạn hỏi tôi về ý nghĩa của chữ Nhiên 然 trong thiên nhiên, tự nhiên, siêu nhiên hay hốt nhiên thì chữ Nhiên này cũng đưa tôi đến những suy nghĩ mông lung không kém bảy chữ mà những ai nặng nghề lều chõng như Trần Tế Xương chẳng hạn cũng cảm thấy thận trọng một khi nghĩ tới.
1.- Chữ Nhiên : ý nghĩa và những biến thái đa dạng của nó.
Muốn hiểu rõ ý nghĩa của chữ Nhiên, trước tiên ta tìm hiểu về từ nguyên (etymology) của nó.
Trong tác phẩm Chinese Characters, Linh mục Tiến Sĩ L. Wieger, S.J là một người đã sống ở Trung Hoa hàng ba mươi năm trước khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa Lục (1949), cho biết chữ Nhiên gồm ba chữ nhục 肉 là thịt, chữ khuyển 犬 là con chó, và bộ hỏa viết 灬 hay 火, có nghĩa là nướng thịt chó (To roast flesh of dog); theo nghĩa rộng thì nhiên là nướng, đốt cháy, thắp sáng. Theo lối giả tá 假 借 (chia-chieh, false borrowing) trong lục-thư 六 書 (liu-shu) tức sáu cách viết chữ của người Trung Hoa, ngày nay chữ Nhiên cũng được dùng như một liên tự hay trạng tự (Dr. L. Wieger, SJ., Chinese Characters , New York, 1965, trang 167). Ở trang 537 cũng tác phẩm này, tác giả kê ra một loạt các chữ đọc Nhiên như 然 , 撚 , 燃 kể cả ba chữ viết bên phải bộ nhục 肉 bên trái chữ khuyển 犬 có nghĩa thịt chó (dog’s meat); chữ viết bên trái bộ khuyển 犭 bên phải chữ Nhiên 然 có nghĩa con khỉ; chữ bên trái viết bộ túc 足 bên phải chữ 然 có nghĩa đã chuẩn bị.
Theo một nhà sư tinh thông Hán học, cụ Thiều Chửu, trong Hán Việt Từ Điển có ghi: “ 然 Nhiên 1: Đốt cháy như nhược hỏa chi thủy nhiên 若 火 之 始 然 như lửa chưng mới cháy, nguyên là chữ 燃; 2 : Ưng cho như nhiên nặc 然 諾, ừ cho. 3: Như thế, như khởi kì nhiên hồ 豈 其 然 乎 há thửa như thế ư! 4: Lời đáp lại (phải đấy), như thị Lỗ Khổng-khâu chi đồ rư? viết nhiên 是 魯 孔 丘 之 徒與? 曰 然 Gã ấy có phải là đồ đệ ông Khổng-khâu ở nước Lỗ không? Phải đấy. 5 Dùng làm lời trợ ngữ như du nhiên tác vân 油 然 作 雲 ùn ùn nổi mây. 6. Lời thừa trên tiếp dưới, như nhiên hậu 然 後 vậy sau, rồi mới; nhiên tắc 然 則 thế thời; nhiên nhi 然 而 nhưng mà v.v...” (Nhà xb. Đại Nam, tái bản lần thứ hai, không đề năm, trang 371). Ba chữ lời trợ ngữ được tôi gạch đít để bổ túc cho cụm từ “chữ Nhiên cũng được dùng như một liên tự hay trạng tự” của Cha Wieger ở trên.
Trong sách Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm có cho một số định nghĩa về chữ Nhiên bổ túc cho những điều đã viết ở trên, thí dụ: Nhiên: đúng, không sai Đại mậu bất nhiên 大 繆 不 然 (sai to, đâu có đúng), Nhiên là rán 燃, Thình lình, hốt nhiên 忽 然. (Nhà xb Thuận Hóa, Huế, 1999, trang 681)
Các cuốn từ điển khác như Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, của Nguyễn Văn Khôn cũng nêu ra những định nghĩa tương tự của Wieger hay Thiều Chửu. Nói chung các cuốn từ điển vừa trích dẫn thì đều viết chữ Nhiên đứng như một động từ hoặc có khi là một bổ ngữ, một trạng từ phân từ (adverbial particle) hay một liên từ (conjunction).
Trong một cuốn sách có tên Thần, Người và Đất Việt, Tạ Chí Đại Trường có nêu lên hai chữ “Nhiên thần” (Nhà xb. Văn Nghệ, California 1989, trang 37, 67) để gọi là thần ngoài thiên nhiên như các thần cây đá, thần cửa sông thì xét về cấu trúc của chữ Hán lối gọi này không được chỉnh cho lắm.
Trong cuốn Tự điển Việt-Hoa-Pháp (soạn năm 1937 tại Phú Nghĩa và được Nhà xb Khai Trí in lại ở Sài Gòn năm 1971), Linh mục Thừa sai Gustave Hue có trích một thành ngữ về chữ Nhiên qua câu “Cầu thoát nhiên mi” 求 脫 然 眉 ( Nghĩa là: Tìm cách thoát khỏi ngọn lửa cháy lông mày, thoát cơn nguy hiểm, tiếng Pháp là “chercher à éviter que le feu brule les paupières, fuir le danger” (trang 687). Cũng ý đó, tự điển của Nguyễn Văn Khôn viết “Nhiên my chi cấp” 然 眉 之 急 khẩn cấp như lửa cháy lông mày (Cơ sở xuất bản Đại Nam, in tại Đài Loan, dựa trên bản in cũ ở Sài Gòn năm 1960, trang 674).
Bởi vì trong phần tìm hiểu về từ nguyên của chữ Nhiên qua sự trình bày của Linh mục Wieger ở trên có dính dáng đến chữ khuyển 犬 mà văn chương Trung Hoa thường dùng hai chữ “cẩu trệ” 狗 彘 để nhiếc mắng ai (đồ chó heo), nên nhân thể cần biết thêm về chữ cẩu 狗 . Đọc vào tác phẩm Lịch sử Triết học Trung Hoa của Phùng Hữu Lan ta thấy “Cẩu là chó con chưa mọc lông dài mịn” (Tập I: Thời Đại Tử Học, Nhà xb. Khoa Học Xã Hội, 2013, trang 355).
Vì theo từ nguyên, trong chữ Nhiên có chữ khuyển là chó, nên ta thử tìm hiểu về chữ cẩu cũng có nghĩa là chó, và cũng gặp thấy “cẩu” trong cuốn sách của Tiến Sĩ Atsuji Tetsuji. Trong cuốn sách nhỏ ấy có tên Tự nguyên Hán tự, Những câu chuyện về chữ Hán trong tiếng Nhật, (Kanji no Jigen), Tiến Sĩ Atsuji Tetsuji phân biệt khá rạch ròi: “Trong tiếng Trung Quốc ngày nay, chó được gọi là “cẩu”(狗), còn chữ “khuyển”(犬) ít được sử dụng. Vào thời cổ đại, hai chữ này có nghĩa khác nhau. “Khuyển” chỉ con chó lớn đã trưởng thành, còn “cẩu” chỉ con chó con trước khi mọc lông cứng. Sau đó, “cẩu” dần dần được sử dụng làm thịt để ăn…Thịt chó được bán để ăn từ thời cổ đại. Tại “Hồng Môn Yến” đã được trích dẫn ở phần trước, Phàn Khoái - người cứu mạng sống đang ngàn cân treo đầu sợi tóc của Lưu Bang, được ghi lại trong cuốn Sử Ký như một truyền ký về ông, “hành nghề đồ cẩu”, đây vốn là người làm nghề mổ thịt chó. Vào thời Hán, việc ăn thịt chó rất thường tình.” (Phan Thị Mỹ Loan & Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, Nhà xb. Trẻ, 2017, trang 80).
Chữ Nhiên 然 mà chúng ta hay viết ngày nay theo Tiến Sĩ Atsuji Tetsuji là một loại “cổ kim tự” : “Khi một chữ Hán phát sinh nghĩa khác từ nghĩa gốc rồi nghĩa mới này được sử dụng phổ biến, sẽ có trường hợp để biểu thị nghĩa gốc của chữ đó, người ta thêm yếu tố khác vào chữ ban đầu để tạo ra chữ mới. Mối quan hệ như thế này giữa các chữ Hán gọi là “cổ kim tự” (古 今 字). Ví dụ chữ “nhiên”(然) và “nhiên” (燃). “Nhiên” (然) là chữ hợp ý từ các chữ “hỏa” (火), “cẩu” (Sách viết sai, chữ “khuyển” 犬 chứ không phải chữ “cẩu” 狗, Nguyễn Đức Cung chú thích) và “nhục” (肉) có nghĩa là nướng thịt đã được cúng tế. Trong một bài thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ có câu “Sơn thanh hoa dục nhiên” (山 青 花 欲 然 – bài “Tuyệt cú nhị thủ kỳ 2” có thể là ví dụ ít ỏi cho việc sử dụng nghĩa gốc của chữ “nhiên” (然). Nhưng vì chữ này được sử dụng phổ biến với nghĩa trong các từ “tự nhiên”, “thiên nhiên” nên để biểu thị rõ nghĩa gốc của “nhiên”người ta đã thêm chữ “hỏa” vào chữ 然 nên có chữ “nhiên” mới là 燃”.(Sách đã dẫn, trang 208).
2.- Chữ Nhiên trong một số tư liệu cổ.
Chữ Nhiên theo từ nguyên được ghi lại trong tác phẩm của Linh Mục L. Wieger được vẽ lại bởi từ hình (hình dạng của chữ) và loại từ hình này được phát hiện nhờ môn khảo cổ học qua các di chỉ của khảo cổ học gọi là giáp cốt văn甲 骨 文 tức là mai rùa và xương loài vật hoặc trên chung đỉnh văn 鐘 鼎文 tức chuông và vạc bằng đồng gọi là kim văn.
Theo Vũ Thế Ngọc trong Nghiên cứu chữ Hán và tiếng Hán Việt, “ chúng ta thấy rằng ở thời cổ đại Trung Quốc, người ta không những có những họ gia đình (family name) mà còn có tộc họ (clan name). Những chữ Chung Đỉnh Văn cổ nhất chính là những chữ chỉ tên họ và tộc họ này mà ta thấy có khắc chạm trên các đồ bằng đồng. Trên những đồ đồng cổ nhất ta chỉ thấy trên thì là tên họ, dưới thì chỉ có hai chữ như “Phụ Ất”, “Mẫu Giáp”… thì đây là tên người quá cố mỗi người sẽ có một tên theo ngày. Các ngày này là 10 tên trong thập can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Đôi khi có những tên gồm ba chữ như trường hợp Từ Mẫu Tân (司 母 辛) hoặc Hậu Mẫu Tân (后 母 辛) của ngôi cổ mộ danh tiếng Fu Hao Tomb” (Nhà xb Eastwest Institute, 1989, trang 54).
Nhờ giáp cốt văn và chung đỉnh văn người ta phục hồi được rõ nét các thời đại Hạ, Thương (tức Ân) và Chu ở Trung Hoa thí dụ mộ của một người phụ nữ tên là Phụ Hảo như đã nói ở trên, được khai quật vào năm 1976 tại Ân Khư (di tích và giai đoạn sau của thời nhà Ân, ở ngoại ô thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam. Phụ Hảo là phi của nhà vua đời Ân tên Vũ Đinh. Nhờ vào những ghi chép ở Giáp cốt văn, người ta có thể biết được một số thông tin về nàng. Bia mộ chôn cất nàng đã được tìm thấy dưới lòng đất trong tình trạng còn nguyên vẹn. (Atsuji Tetsuji, sách đã dẫn, trang 20).
Có lẽ cũng nhờ giáp cốt văn hoặc chung đỉnh văn mà Linh mục L. Wieger đã vẽ lại được hình tượng và ý nghĩa của chữ Nhiên, về tín ngưỡng tôn giáo cũng như về sinh hoạt xã hội. Trong lễ tam sinh là tục mô phỏng theo Trung Hoa người ta thường cúng trâu (bò), heo và dê. Tôi nghi rằng người xưa Trung Hoa dùng thịt chó thay vì thịt dê (như có chữ khuyển là chó trong chữ Nhiên) để làm lễ này, vì một đàng ở Nhật Bản cũng có câu “đầu bò thịt ngựa” và cả câu “đầu dê thịt chó” như Tiến Sĩ Atsuji Tetsuji nói ở trang 80, và vậy thì trong sự phân tích chữ Nhiên, sao ta không gặp thấy chữ nào khác, con vật nào khác mà lại thấy chữ khuyển tức con chó?
Đọc trong sách Mạnh Tử, người ta gặp chữ Nhiên 然 trong cuộc đàm thoại giữa Mạnh Tử với Lương Huệ Vương khi vị vua này muốn được nghe kế sách của Mạnh Tử giúp đem lại điều lợi cho nước ông. Mạnh Tử đã trả lời thẳng vị vua này : “Vương hà tất viết lợi, diệc hữu nhân nghĩa nhi dĩ hĩ !” 王 何 必 曰 利 亦 有 仁 義 而 已 矣 (Ngài chẳng nên nói lợi, chỉ cần nhân nghĩa mà thôi”. Rồi vị á thánh này đem ra một số thí dụ trong đó có một dẫn giải nói về cây lúa: “Vương tri phù miêu hồ, thất bát nguyệt chi gian, hạn, tắc miêu cảo hĩ, thiên du nhiên tác vân, phái nhiên hạ vũ, tắc miêu bột nhiên hưng chi hĩ, kỳ như thị, thục năng ngự chi. 王 知 夫 苗 乎, 七 八 月 之 間 , 旱, 則 苗 槁 矣 , 天 油 然 作 雲 , 沛 然 下 雨 , 則 苗 浡 然 興 之 矣 , 其 如 是 , 孰 能 禦 之 . (Vua biết về cây lúa non không, vào khoảng tháng bảy, tháng tám, hạn hán, cây lúa khô cằn; nhưng trời nổi mây ùn ùn, mưa xuống sầm sầm, thì lúa non vun vút dựng lên. Việc xảy ra như vậy, hỏi ai ngăn được không?) Mạnh Tử, Lương Huệ Vương, Chương cú thượng, Đệ lục chương. (Trích The Works of Mencius, James Legge, bản dịch năm 1894, New York, trang 137.)
Để thấy rõ ý nghĩa chữ Nhiên trong đoạn vừa trích ở sách Mạnh Tử, xin quý độc giả đọc vào bản dịch tiếng Anh của James Legge, một học giả Hoa Kỳ nhiều năm nghiên cứu về Nho học: “Does your Majesty understand the way of the growing grain?During the seventh and eighth months, when drought prevails, the plants become dry. Then the clouds collect densely in the heavens, they send down torrents of rain, and the grain erects itself, as if by a shoot. When it does so, who can keep it back?” (trang 137).
Trong Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, không thấy có chữ Bột 浡 mà chỉ thấy chữ Bột 勃 và tác giả giải thích bột nhiên là hốt nhiên thay đổi. (trang 75 và 392).
Câu trích dẫn Mạnh Tử ở trên đã được Linh Mục Séraphin Couvreur dịch như sau: “Prince, ne savez-vous pas ce qui a lieu pour les moissons? Si, au septième ou au huitième mois de l’année, la terre est aride, les moissons se déssèchent. Si le ciel se charge d’épais nuages et qu’il tombe une pluie abondante, les plantes prennent leur essor et grandissent rapidement. Qui pourrait les arrêter dans leur croissance?” (Révérend Père Séraphin Couvreur, S. J. Les Quatre Livres de Confucius, bản in lại ở Paris năm 1981, trang 309).
Qua câu nói của Mạnh Tử, chúng ta đọc thấy ba chữ Nhiên đi cùng trong một đoạn văn ngắn cho thấy chữ Nhiên dùng như một trạng từ chỉ cách thể (du nhiên tác vân, phái nhiên hạ vũ, bột nhiên hưng chi hĩ) mà chúng tôi dịch là : ùn ùn nổi mây, mưa xuống sầm sầm, lúa non vun vút dựng lên… Có lẽ tinh thần tiếng Việt lột rõ ý nghĩa của câu văn nguyên bản phần nào hơn tiếng Anh hoặc tiếng Pháp chăng?
Trong nền văn hóa Trung Hoa, chữ Nhiên được đi kèm bởi nhiều chữ thí dụ thiên nhiên, tự nhiên, siêu nhiên, đột nhiên, hốt (thốt) nhiên, quả nhiên, tất nhiên, tịch nhiên, đạm nhiên, bột nhiên... và nhiều chữ nữa kể không hết, có khi để thành danh từ kép hoặc có khi thành trạng từ.
3.- Những mối tương quan giữa thiên nhiên, tự nhiên và siêu nhiên.
Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn trong một số danh từ kép mà thôi như thiên nhiên, tự nhiên, siêu nhiên và tìm xem trong các tư liệu cổ người ta muốn nói gì.
Trước hết xin nói về chữ Thiên 天 .
Theo LM L. Wieger, chữ Thiên 天 là Trời gồm chữ nhất 一 chỉ khoảng không gian ở trên, và chữ (mà ta thường đọc là đại 大 thì theo tác giả này còn chỉ chữ nhân 人 tức con người); chữ nhất và chữ nhân mang tính hội ý. LM giải thích tiếp: 按 大 猶 人 也 . 天 在 人 上 . 仰 首 見 之 (án đại do nhân, thiên tại nhân thượng, ngưỡng thủ kiến chi) “ nghiên cứu chữ đại còn là nhân vậy; Trời ở trên người, ngửng đầu thấy Trời. (Note that 大 [L.60] means man and not great ; therefore do not translate 一 大 the unique great… Ý nghĩa chữ thiên, như các nhà bình giải đã chấp nhận, mang tính siêu việt về thể lý hoặc luân lý. Sách Xuân Thu 春 秋 (Ch’un-ch’iu) có chép rằng: 天 之 言 慎 也.居 高 理 下, 爲 人 經 緯 . 故 其 字 一 大 以 慎 之 也 . (Thiên chi ngôn thận dã. Cư cao lý hạ, vị nhân kinh vĩ. Cố kỳ tự nhất đại dĩ thận chi dã). Dịch là: Sách Xuân Thu có chép: “Nói về Trời phải thận trọng. Ở trên cao cai quản dưới thế, vì con người mà làm ra đường dọc đường ngang (kinh tuyến, vĩ tuyến). Cho nên nói đến chữ Thiên (nhất đại) là phải thận trọng. Linh mục Wieger cũng nhắc đến thiên Nhĩ Nhã 爾 雅 (Erh-ya) khi cho rằng chữ Thiên diễn tả ý niệm cơ bản rằng đấng bậc bề trên nào thì cũng là Thiên 天 đối với kẻ dưới : 天 君 也 . 凡 至 尊 重 者 皆 是 . 故 臣 於 君, 子 於 父 , 妻 於 夫 , 皆 是 天 . Thiên quân dã. Phàm chí tôn trọng giả dai thị. Cố thần ư quân, tử ư phụ, thê ư phu, dai thị thiên (Dịch nghĩa: Trời là vua vậy. Phàm bậc chí tôn, người cao trọng đều như vậy. Cho nên vua đối với triều thần, cha đối với con, chồng đối với vợ đều là trời vậy. (L. Wieger, Sđd, trang 26.)
Theo một số định nghĩa của Thiều Chửu trong Hán Việt Từ Điển, 天 thiên 1: Bầu trời. 2:Cái gì kết quả tự nhiên, sức người không thể làm được gọi là thiên. Như Thiên nhiên - 然 , Thiên sinh – 生 v.v. 3. Nhà tôn giáo gọi chỗ cac thần-linh ở là thiên, như thiên quốc – 國, thiên đường - 堂 v.v. 4: Ngày, như kim-thiên 今 – hôm nay, minh-thiên 明 - . 5 Thì tiết trời, như nhiệt thiên 熱 - trời nóng, lãnh-thiên 冷 - trời lạnh. 6. Phàm cái gì không thể thiếu được cũng gọi là thiên. Như thực vi dân thiên 食 爲 民 - ăn là thứ cần của dân. 7. Đàn bà gọi chồng là thiên, cũng gọi là sở thiên 所 - . 8: Ông trời, có nhiều nhà tu xưa cho trời là ngôi chúa tể cả muôn vật, giáng vạ ban phúc đều quyền ở trời cả. Nhà Phật thì cho trời cũng là một loài có công tu thiện nhiều hơn, được sinh vào cõi đời sung sướng hơn người mà thôi. 9: Hình phạt khắc chữ chàm vào trán gọi là thiên. (Thiều Chửu, trang 121).
Qua ý nghĩa số 8 của Thiều Chửu trích trên, “Ông Trời” mà Khổng Tử biện minh cùng Tử Lộ khi ngài vào yết kiến nàng Nam-tử mà Tử-Lộ không bằng lòng. Ngài nói rằng: “Dư sở phủ giả, thiên yếm chi! Thiên yếm chi! 予 所 否 者 , 天 厭 之 , 天 厭 之 : nếu ta có làm điều gì không phải, thì Trời bỏ ta ! Trời bỏ ta !” (Trần Trọng Kim, Nho Giáo quyển thượng, Nhà xb Bộ Giáo Dục & Trung tâm Học liệu, 1971, trang 18) có ý nghĩa như chữ “Trời” của Công Giáo, có nghĩa là Chúa hay Thượng Đế dịch ra tiếng Pháp là le Ciel, và tiếng Anh là The Lord hay God. Câu này được LM Séraphin Couvreur dịch là: “Le Maitre visita Nan tzeu. Tzeu lou en fut mécontent. Le maitre dit, en prononcant une imprécation: “Si j’ai fait mal, que le Ciel me rejette! Que le Ciel me rejette!” (Couvreur, Sđd, trang 137).
Khi Nhan Uyên chết, Khổng Tử than: “ Y thiên táng dư! Thiên táng dư” 顔 淵 死 , 子 曰 , 噫 天 喪 予, 天 喪 予 (Ôi Trời hại ta, Trời hại ta!) (Tiên Tiến, Chương XI). LM Couveur dịch câu này là: “Ien Iuen étant mort, le Maitre dit: “Hélas! Le Ciel m’a ôté la vie! le Ciel m’a anéanti!” (Couveur, Sđd, trang 187).
Trong Lịch Sử Triết Học Trung Quốc Tiến Sĩ Phùng Hữu Lan cho rằng “Theo Khổng Tử, “Thiên” là ông Trời như một đấng chủ tể. Theo Mạnh Tử, “Thiên” có khi là một đấng chủ tể, có khi là số mệnh, có khi là nghĩa lý (đạo đức). Theo Tuân Tử, “Thiên” là cõi tự nhiên, bởi vì ông chịu ảnh hưởng của Lão Trang.” (Tập I, Thời Đại Tử Học, Nhà xb. Khoa Học Xã Hội, trang 396, Lê Anh Minh). Ở trang 398, Phùng Hữu Lan cho rằng “Mạnh Tử nói đến Trời với tính chất nghĩa lý (tức đạo đức), và cho rằng nhân tính là một phần của Trời” thì điều này cũng được Henri-Bernard Maitre nhắc đến trong một ấn phẩm của ông ở dưới.
Từ chỗ này và qua các bộ Dịch kinh, Thi kinh, Thư kinh mà có các chữ “thiên”, rồi “thượng đế” (Souverain d’En Haut), “thiên tử” (fils du Ciel) hay “thiên mệnh” (le mandate qu’il a recu d’En Haut)… người ta đặt một câu hỏi buông lững phải chăng chữ Thiên là danh từ mang thuần ý niệm về thiên văn hay thiên nhiên hoặc là quan niệm trừu tượng về một đấng tạo hóa siêu việt và cũng có nhân tính? (Henri-Bernard Maitre, Sagesse chinoise et Philosophie chrétienne, Cathasia, Série culturelle des Hautes Études de Tientsin, Paris VI, 1935, trang 21).
Trong tác phẩm Tư Tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983), cháu nội của cụ Cao Xuân Dục, có viết: “Trong tôn giáo của nhà Tây Chu, các đế vương dựng nên triều đại đều có mệnh trời, mà đặc biệt Văn Vương khai sáng nhà Chu là “có mệnh tự trời” (Kinh thi; Đại nhã). Khổng Tử cũng nói Thuấn được Nghiêu truyền ngôi, là do “lịch số” của trời (Nghiêu viết), nhà Chu thụ mệnh là do cái đức lớn của Văn Vương Thái Bá. Khổng Tử lại tin rằng “đạo” có “hành” được hay không “hành” được, cũng là do thiên mệnh. (Hiến vấn)” (Nguyễn Huệ Chi soạn, chú, giới thiệu, Nhà xb. Văn Học, 1995, trang 401).
Ở trang 402, GS Cao Xuân Huy cũng viết về vấn đề “thiên nhân hợp nhất” rằng: “Trong cái tôn giáo của nhà Tây Chu, Trời và người có tác dụng tương hỗ đối với nhau. Đó là tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” 天 人 合 一 (hay “thiên nhân tương dữ” 天 人 相 與 , chữ của Đổng Trọng Thư, hay “thiên nhân cảm ứng” 天 人 感 應). Nếu hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng đến đạo đức của con người, thì đạo đức của con người cũng có ảnh hưởng đến hiện tượng tự nhiên, như nhật thực, nguyệt thực, sao chổi, động đất, hạn hán, dịch lệ v.v…” Thiên Hồng phạm, Trù thứ 8, Kinh thư, nói:
“Đứng đắn thì mưa phải thời; an ổn thì nắng phải thời, sáng suốt thì ấm phải thời; mưu trí thì lạnh phải thời, thánh minh thì gió phải thời”(Hưu trưng).
“Ngông cuồng thì mưa luôn; tiếm loạn thì nắng luôn; Uể oải thì ấm luôn; nóng nảy thì lạnh luôn; u mê thì gió luôn” (Cữu trưng).
Vậy thiên nhiên là gì ?
Trong Từ Điển Công Giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Ủy ban Giáo lý Đức tin, Tiểu ban Từ vựng) đã đưa ra định nghĩa: “Thiên (天): trời đất, vạn vật; nhiên (然) : tất phải, thường. Thiên nhiên: là toàn bộ những gì đang có chung quanh con người mà không phải do con người tạo ra.
Kitô Giáo, qua mặc khải của Thánh Kinh, nhìn nhận thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng cho con người sử dụng (x. St 2, 15; GLHTCG 338). Thiên Chúa còn trao quyền cho con người quản lý để cộng tác với Ngài trong việc phát triển thiên nhiên (x. MV 34).
Con người phải tôn trọng và không sử dụng thiên nhiên một cách vô trật tự, vì làm như vậy là coi thường Đấng Tạo Hóa và kéo theo những hậu quả nguy hại cho môi trường sống của mình (x.GLHTCG 339).
Giáo Hội dạy con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, nhận ra trật tự và sự hài hòa như là những quy luật của thiên nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên có thể giúp con người nhận ra Đấng Tạo Hóa, tôn kính và quy phục Ngài (x. GLHTCG 341)” (Nhà xb. Tôn Giáo, 2011, trang 328).
Chữ thiên nhiên trong tiếng Anh, tiếng Pháp đều viết Nature vốn do chữ La tinh là Natura, ae (giống cái) mà ra. Natura có khi mang ý nghĩa thiên nhiên nhưng cũng có khi mang ý nghĩa Tạo hóa; thí dụ như câu nói sau đây của Leibnitz (1646-1716), triết gia và nhà toán học Đức: “Natura in operationibus suis non facit saltus” (Thiên nhiên vận hành không có bước nhẩy vọt. Sự tiến triển trong thiên nhiên vốn chậm và tuần tự. Nature in her operations does not proceed by leaps. Evolution in nature is slow and gradual.- Dictionary of Foreign Phrases and Abbreviations, Kevin Guinagh, bản dịch của Trần Công Diếu, Ngô Văn Mạnh, Phạm Văn Sự, Nhà Xb Khoa học và Kỹ thuật, 1991, trang 138). Câu này được cho là của Leibnitz, nhưng nó vốn là chân lý đã có lâu đời trước thời đại ông.
Còn câu nói: “Natura semina nobis scientiae dedit, scientiam non dedit” (Tạo hóa đã cho chúng ta những hạt giống kiến thức chứ không phải những kiến thức. Nature has given us the seeds of knowledge but not knowledge itself.) vốn là danh ngôn của Lucius Annaeus Seneca (4 tr.CN-65 sau CN.) là triết gia cổ La mã.
Trong tác phẩm Our Oriental Heritage (Di sản Phương Đông), Will Durant giúp ta nhiều suy nghĩ về hai chữ Tự nhiên qua bản dịch của Huỳnh Ngọc Chiến: “Đạo có nghĩa là Đường Đi, đôi khi có nghĩa là Luật Tắc Tự nhiên, mà đôi khi cũng có nghĩa là đạo minh triết bảo thân theo Đạo giáo nữa; về nghĩa đen thì Đạo chỉ có nghĩa là một con đường” (Công Ty Sách Thời Đại & Nhà Xb Hồng Đức, Hà Nội, 2014, trang 780). Nguyên bản tiếng Anh viết: “Tao means the Way: sometimes the Way of Nature, sometimes the Taoist Way of wise living: literally, a road” (Bản in lần thứ hai mươi lăm, New York 1954, trang 653).
Trong một đoạn viết về Lão Tử, Will Durant cho biết: “Theo Lão Tử, trong thời sơ khai, thiên nhiên giúp cho con người giữ được bản tính chất phác, hiếu hòa, và khắp cõi thế, nơi đâu cũng ngập tràn hạnh phúc. Rồi khi loài người đạt tới cái “tri”, thì họ phát minh, chế tạo ra đủ thứ làm cho đời sống trở nên phức tạp; họ đánh mất cái tâm hồn nhiên và nền đạo lý hồn nhiên; họ lìa bỏ ruộng đồng mà ra thành thị, và bắt đầu viết sách; do đó mới có sự khốn khó của loài người và những giọt nước mắt của các triết gia. Bậc hiền triết lẫn tránh đời sống phiền toái ở thành thị, trốn cái mê cung thối nát và gây bực bội của luật pháp và nền văn minh, để về sống ẩn giữa lòng thiên nhiên, xa lánh thành thị, bỏ quên sách vở, lánh xa bọn tham quan ô lại cùng những kẻ cải cách hão huyền. Bí quyết của sự minh triết và trạng thái tịch nhiên an lạc - vốn là hạnh phúc vĩnh cửu duy nhất mà con người mãi miết đi tìm – là sống tùy thuận với tự nhiên theo kiểu các triết gia khắc kỷ, lìa bỏ cái trí hư ngụy, sống theo bản năng và cảm xúc tự nhiên, và khiêm tốn bắt chước cái đạo lý tịch nhiên lặng lẽ của tự nhiên” (trang 783).
Tự nhiên là gì? Học giả Nguyễn Duy Cần đưa ra một định nghĩa ngắn gọn mà dứt khoát: “Tự nhiên là “bất đắc bất nhiên”, nghĩa là “không vậy không đặng” (Phật Học Tinh Hoa, Nhà xb Sống Mới hải ngoại, không đề năm in, trang 229).
Tại Việt Nam, thời gian sau ngày VC cưỡng chiếm Miền Nam, người ta được chứng kiến sự ngạo mạn của những người theo chủ nghĩa Cộng Sản khi họ tự xưng mình là “đỉnh cao của trí tuệ loài người, lương tâm của nhân loại”. Để tự chứng tỏ khả năng của mình, bộ máy chính quyền CS ngày đêm ra rả những mớ khẩu hiệu rỗng tuếch “Bàn tay ta làm nên tất cả, Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Để cứu hạn hoặc cứu lũ lụt, người CS nói: “Nghiêng đồng đổ nước ra sông” hoặc “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa.” Khiếp thật, mà cũng bạo miệng thật! Ngày nay người Cộng Sản có lẽ không bao giờ dám nhắc lại những câu tự xỉ vả mình khi đối diện với thực tế nằm trong các khẩu hiệu này.
Nhà học giả Nguyễn Duy Cần, trước năm 1975 có nói: “ Chỉ có tùy theo luật của thiên nhiên, mới có thể trị nổi thiên nhiên và thoát khỏi thiên nhiên, mà thôi, chứ không thể bất chấp luật thiên nhiên mà chống nổi thiên nhiên.” (Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, Nhà xb. Sống Mới, bản in hải ngoại không đề năm, trang 232).
Muốn hiểu rõ ý nghĩa của chữ Tự nhiên, phải đọc vào chính văn của Lão Tử hoặc trường phái Lão Học, nhưng trước hết cần tìm hiểu về từ nguyên của chữ Tự nhiên.
Học giả Thiều Chửu định nghĩa Tự 自 1: Bởi, từ như sinh hữu tự lai 生 有 – 來 sinh có từ đâu mà sinh ra. 2: Mình, chính mình như tự tu – 修 tự sửa lấy mình. 3: Tự nhiên, không phải miễn cưỡng.
LM L. Wieger đưa người đọc đi xa hơn khi cho rằng chữ Tự được nghĩ là giống chữ Tị 鼻 đó là cái mũi, hoặc tự mình, hoặc trước tiên thí dụ tị tổ là ông tổ trước tiên, điểm xuất phát, nguồn gốc, sự bắt đầu, cuộc tiến hóa. Linh mục này cho rằng theo ngành phôi thai học Trung Hoa, cái mũi là khởi đầu của sự tiến hóa cơ thể con người.
Trong sách Lão Tử, chương 25 có câu: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên.” 人 法 地 , 地 法 天 , 天 法 道 , 道 法 自 然 có nghĩa là: “Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời; Trời bắt chước Đạo; Đạo bắt chước tự nhiên.” Triết gia Phùng Hữu Lan nói thêm: “Tức là người cũng bắt chước tự nhiên.” (Phùng Hữu Lan, Sách đã dẫn, trang 254).
Trang Tử nói: “Anh hãy dẫn tâm vào vô vi và hợp khí với hư tĩnh. Cứ thuận theo sự tự nhiên của vật và không có chút riêng tư thành kiến, như vậy thiên hạ sẽ thịnh trị.” [Trang Tử - Ứng Đế Vương : “Nhữ du tâm tư đạm, hợp khí ư mạc, thuận vật tự nhiên nhi vô dung tư yên, nhi thiên hạ trị hĩ.” 汝 游 心 於 淡 , 合 氣 於 漠 , 順 物 自 然 而 無 容 私 焉 , 而 天 下 治 矣.] (Phùng Hữu Lan, Sách đã dẫn, trang 311).
Câu “Đạo gắn với thiên” (Đạo kiêm ư thiên 道 兼 於 天) của Trang Tử có ý nghĩa như câu “Đạo bắt chước tự nhiên” (Đạo pháp tự nhiên 道 法 自 然) của Lão Tử (Phùng Hữu Lan, Sđd, trang 304).
Trang Tử (Thu Thủy) nói: “Đừng lấy sự nhân tạo mà tiêu diệt sự tự nhiên; đừng lấy sự việc mà tiêu diệt số mệnh” (Vô dĩ nhân diệt thiên, vô dĩ cố diệt mệnh 無 以 人 滅 天 , 無 以 故 滅 命). Lấy sự nhân tạo cải tạo sự tự nhiên tức là lấy sự nhân tạo mà tiêu diệt sự tự nhiên và lấy sự việc mà tiêu diệt số mệnh. (Phùng Hữu Lan, Sđd, trang 313)
Trong cuốn sách nhỏ Đạo giáo, học giả Trần Trọng Kim viết rằng: “ Về đường chính trị thì Lão Tử cũng theo cái nguyên lý vô vi 無 爲 而 民 自 化 , 好 静而 民 自 正 (vô vi nhi dân tự hóa, hảo tĩnh nhi dân tự chính), không làm gì mà dân tự hóa ra thành hay, cứ yên lặng mà dân đổi ra ngay lành. Tuy nói rằng vô vi, nhưng 無 爲 而 無 不 爲 không phải cứ ngồi yên không hành động việc gì cả đâu, ai đã giữ vào việc chính trị thì phải 爲 之 於 未 有 . 治 之 於 未 亂 (vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn) biết phòng giữ từ trước, lo liệu từ trước, từ lúc chưa có việc gì xẩy ra thì mới được. Bao giờ cũng phải cẩn thận giữ gìn từ trước cho đến sau, để giúp cái lẽ tự nhiên của muôn vật, được như thế thì việc gì cũng hay cả.” (Trần Trọng Kim, Đạo giáo, Nhà xb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2018, trang 34).
Ở trang 370, các tác giả cuốn Từ Điển Công Giáo có đưa ra định nghĩa về Tự Nhiên như sau: “Tự (自): dĩ nhiên; nhiên (然): tất phải. Tự nhiên: tất phải có, tự nó vốn như vậy. Tự nhiên, có gốc tiếng Hy Lạp là (physis) – do từ (phein) - sản sinh, sinh ra, chỉ những gì tồn tại xung quanh con người nhưng không phải do con người tạo ra. Tự nhiên có hai nghĩa: - Sẵn có mà không do sự can thiệp của con người; -Có sẵn nơi bản tính, khác với siêu nhiên…”
Cũng theo Từ Điển Công Giáo, “ 超 自 然 (siêu tự nhiên), Supernaturalis, Supernaturel, Surnaturel, “Siêu nhiên là viết tắt của siêu tự nhiên, nghĩa là vượt lên trên tự nhiên, không thể giải thích được bởi các quy luật tự nhiên. Trong ngôn ngữ bình dân, khi nói về “con người siêu nhiên” hay “tinh thần siêu nhiên”, siêu nhiên gần nghĩa với siêu thoát, thiêng liêng, không dính bén với những sự trần tục.
Trong ngôn ngữ thần học, siêu nhiên là vượt lên trên phạm vi tự nhiên: Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt, đã dựng nên con người với bản tính tự nhiên là hướng về Ngài, cùng đích siêu nhiên. Vì là loài thụ tạo, con người không thể tự mình đạt tới cùng đích đó một cách tự nhiên được. Vì thế, Thiên Chúa đã ban ơn siêu nhiên để con người có thể đạt tới được cùng đích siêu nhiên (x.GLHTCG 367).
Cùng đích siêu nhiên và tất cả những phương thế Thiên Chúa đã ban để giúp con người đạt đến cùng đích đó được gọi là ân huệ siêu nhiên.
Con người đã phạm tội nên đánh mất ân huệ siêu nhiên, nhưng Thiên Chúa vẫn rộng lượng tiếp tục ban tràn đầy những ân huệ siêu nhiên khác, qua Đức Kitô Giêsu, để cứu con người khỏi tội và đạt tới cùng đích siêu nhiên đời mình.” (Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách đã dẫn, trang 290).
Một tác giả khác, Nguyễn Đình Diễn cho biết siêu nhiên, siêu tự nhiên là một thuật ngữ do Dyonysius đề xuất ở thế kỷ thứ 6 để mô tả Thiên Chúa, Đấng “vượt lên trên tự nhiên” [beyond the natural]. Tự nhiên [natural] ở đây không chỉ là thế giới vật chất [trời biển, sông núi, cây cỏ, động vật v.v… mà bao gồm cả con người và các thiên thần nữa]. (Từ Điển Công Giáo Anh Việt, bản mở rộng, Nhà xb. Đồng Nai, 2014, trang 1974).
Vì là một chữ rất gần với Tự nhiên cho nên Siêu nhiên cũng có khi viết là siêu tự nhiên (surnaturel), và nhân đó có chữ siêu tự nhiên chủ nghĩa (surnaturalisme) theo Đào Duy Anh trong Pháp Việt Từ Điển (nhà xb Minh Tân, Paris, 1951, trang 1711) diễn tả bằng một động tác đó là siêu 超 mà Linh Mục Gustave Hue dịch là sauter (Từ điển Việt-Hoa-Pháp, trang 837), còn học giả Đào dịch hai chữ siêu nhiên là vượt lên trên cả, không có gì bó buộc được (Hán Việt Từ Điển, trang 194). Trong Hán Việt Từ Điển, cụ Đào cũng có đề cập tới cụm từ Siêu nhiên nội các 超 然 內 閣 (Chính) : Một nội các đứng ngoài chính đảng, mà các chính đảng không can thiệp đến được. Cụm từ vừa nói của học giả Đào Duy Anh làm người viết nhớ đến chữ deep government đang được chính giới Hoa Kỳ dè dặt nhắc tới qua cuộc bầu cử TT năm 2020 đầy gian lận và xảo trá do đảng DC chưa biết kết thúc ngày nào với hậu quả ra sao.
4.- Một hiện tượng thiên văn hơn hai nghìn năm trước: “Ngôi sao lạ” thay cho phần kết.
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Vidimus stellam ejus in oriente et venimus adorare Eum” Mát-thêu 2: 1-2). Khi định nghĩa về văn chương, học giả Phan Kế Bính đã cho biết : “văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng”, vậy thì thiên văn 天 文 sau những danh từ kép như thiên nhiên, thiên tượng, thiên thể, thiên quốc, thiên mệnh v.v… sẽ phải được định nghĩa như là vẻ đẹp của trời đất, mà đẹp nhất trong mùa giáng sinh đối với người Kitô Hữu đó là hiện tượng ngôi sao lạ được Thánh sử Mát-thêu nói tới trong sách Tin Mừng của ngài.
Ngôi sao lạ là một hiện tượng phổ biến trong nền văn chương Ki-Tô Giáo nhất là từ khi Thánh Phanxicô Khó Khăn có sáng kiến làm hang đá vào dịp Lễ Giáng Sinh từ thế kỷ XII và sau đó lan tràn khắp thế giới.
Tại Giáo Phận Huế có Linh Mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978) là người có nhiều tài năng, nhất là làm thơ. Trong tập thơ Sảng Đình Thi Tập của Ngài có bài thi “Ngôi sao lạ” nhưng cũng hát được theo điệu Đăng đàn cung vốn là phần nhạc khi cử quốc thiều của Triều Nguyễn (Thanh Tịnh xb, California, USA, 2001, trang 112-114).
Trong cuốn ĐỨC GIÊ-SU, CUỘC ĐỜI VÀ THỜI ĐẠI, viết bằng tiếng Anh (Jesus and His times) của sáu tác giả người Mỹ, Charles Bricker, Lionel Casson, Charles Flowers, Wendy Murphy, Bryce Walker, Bernard Weisberger do Nguyễn Ước dịch, có viết rằng: “Khi Đức Giê-su ra đời, chúng ta được kể về Các Nhà Chiêm Tinh – (còn gọi là nhà thông thái, đạo sĩ, hoặc theo truyền khẩu, ‘các vua’) – “từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt. 2:1-2) Mát-thêu không diễn tả đầy đủ ngôi sao mà Các Nhà Chiêm Tinh đi theo, ngoài việc mô tả nó là một hiện tượng lạ lùng. Nó là ngôi sao chuyển động thẳng phía trước Các Nhà Chiêm Tinh và dừng lại ngay trên ngôi nhà Đức Giê-su ở. Những nhà khảo cứu bằng chứng lịch sử thấy chẳng có gì ăn khớp. Không có chỉ dấu nào về một ngôi sao chỗi lớn xuất hiện cách tự nhiên vào thời Đức Giê-su ra đời, dù người ta có thể thấy sao chỗi nổi tiếng Ha-lây vào năm 12 trước C.N. Nhiều sao chỗi xuất hiện suốt lịch sử theo chu kỳ đều đặn đáng tin nhưng hiếm khi xảy ra chuyện chúng có vẻ báo điềm lạ hoặc điềm xấu.” (Nhà xb. Văn hóa Thông tin, 2003, trang 45). Đọc tiếp đoạn dưới, các tác giả này viết tiếp: “Một số người suy đoán Mát-thêu, vốn không phải chiêm tinh gia, đã có thể dễ dãi diễn tả hiện tượng đặc biệt đó cách giản dị là “một ngôi sao”. (trang 46).
Quả thật, các tác giả người Mỹ trên đây đã hời hợt không biết Mát-thêu đưa ra tín hiệu nào về “một ngôi sao”, nhưng các nhà chú giải Kinh Thánh của Công Giáo, Chính Thống Giáo hay Tin Lành chắc chắn là phải biết ý nghĩa của ba chữ “một ngôi sao” là muốn nói điều gì.
Trong sách The Catholic Study Bible, các nhà chú giải Kinh Thánh đã viết: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của ngài: đây là một niềm tin cũ mang tính phổ quát là một ngôi sao mới đã xuất hiện vào thời có một đấng thống trị sinh ra. Mát-thêu cũng trích dẫn câu chuyện của Balaam trong Cựu Ước, người đã nói tiên tri rằng “một ngôi sao sẽ xuất hiện từ Gia-cóp” (Dân số, 24, 17), mặc dầu ở đó ngôi sao không có nghĩa là một hiện tượng thiên văn mà chỉ một ông vua.” (Oxford University, 2006,trang 1254).
Trong cuốn The Orthodox Study Bible, các học giả Kinh Thánh đã viết về “ngôi sao lạ” như sau: “Ngôi sao nói lên ý nghĩa quan trọng khác thường của việc hạ sinh Chúa Cứu Thế Hài Nhi. Trong thời cổ đại ngôi sao tượng trưng cho một vị thần, một quân vương được thần hóa (Dân số 24:17). Ngôi sao này là dấu hiệu của chính Đấng Messia, có nghĩa là ánh sáng Người sẽ soi chiếu trên thế gian.” (Nhà xb. Thomas Nelson Publishers, Nashville, Tennessee, 1993, trang 6).
Balaam là một tiên tri ngoại giáo mà cũng nói trước về sự sinh hạ của Đấng Cứu Chuộc qua “ngôi sao lạ”, thì việc ba nhà chiêm, đạo sĩ hay ba vua ở phương Đông nhờ ánh sao chỉ đường mà có thể tìm tới thờ lạy Hài Nhi Giê-su quả là một biến cố mang ý nghĩa trọng đại.
Theo từ nguyên, Magi là tiếng Hy lạp có nghĩa là các nhà thông thái, các đạo sĩ hay ba vua theo truyền thống của Hòa Lan, Đức và kể cả Việt Nam. Tại các quốc gia Âu châu lễ ba vua được tổ chức rất lớn. Các nhà thông thái này là những người có thể xuất phát từ Ba Tư, Babylon hay Ả-rập đến bái lạy trẻ Giê-su là Đấng Thiên Sai. Tiếng Hy lạp dùng trong Mát-thêu chỉ các nhà thông thái được dịch ra tiếng Anh là các nhà chiêm tinh. Dõi theo một ngôi sao, họ từ phương Đông tìm đến Bethlehem với các lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. Tại sao họ đến từ phương Đông? Đọc trong Cựu Ước chúng ta thấy Abraham là tổ phụ dân Do Thái, được Thiên Chúa gọi từ miền Ur tức phía đông đất nước Do Thái hiện nay, rồi đi tới một miền đất mới. Khi tổ phụ Abraham ra đi khoảng thế kỷ 18 trước C.N, bà con của ông còn lại ở vùng Ur rất nhiều cho nên các nhà chiêm tinh có thể là hậu duệ của Abraham trong nhiều sắc dân ở phương Đông. Tổ phụ Abraham từ Ur tiến lên phía bắc dọc theo sông Euphrates qua Larsa, Erech hoặc Nippur tới Babylon lên Sippar… rồi hướng về phía tây đi tới đất Canaan. Một vài câu chuyện truyền thống cũ đã nối kết các nhà chiêm tinh này với Zoroaster và truyền thống này còn tồn tại khi khoảng năm 614 quân đội xâm lăng Ba Tư chừa lại Thánh đường Giáng sinh của Giáo đoàn Thánh Justinian mà không triệt phá vì ở đó có một thánh tích là trang phục Ba Tư của một trong ba nhà chiêm tinh được cất giữ ở đó. Nhà thần học Tertullian của thế kỷ thứ hai nhắc nhở các nhà chiêm tinh như là những vị vua và đến thế kỷ thứ sáu thì truyền thống này được phổ biến rộng rãi. Nhà thần học Origen trong thế kỷ thứ ba cho rằng các vị vua đó là những nhà thông thái, cho đến thế kỷ thứ sáu họ được gắn cho các tên là Caspar, Melchior, và Balthasar. Trong thời Trung Cổ, các nhà chiêm tinh này được coi như là các vị thánh và các thánh tích của họ được Frederick Barbarossa đưa về Giáo đường Cologne năm 1162 (Theo Who’s Who In The Bible của Joan Comay và Ronald Brownrigg, 1971, trang 262).
Ý nghĩa của ba lễ vật vàng (gold), nhũ hương (frankincense) và mộc dược (myrrh) được các nhà chiêm tinh dâng lên Chúa Hài Nhi mang nhiều yếu tố cao cả đặc biệt: vàng, tượng trưng cho uy quyền của vị quân vương, nhũ hương chỉ sự thánh thiêng thơm ngát chốn cung điện và mộc dược tượng trưng phẩm liệu ướp xác người quyền quý khi họ mất. Nhưng đây là những lời tôi giải thích theo một số kiến thức đọc được trong sách vở trước đây. Một lối giải thích khác có chỗ hay hơn và thấm nhuần mùi đạo vị hơn sẽ được gặp thấy ở sau.
Trong một bộ sách của Maria Valtorta nhan đề tiếng Ý là Il Poema Dell’ Uomo-Dio, bản tiếng Anh đề là The Poem Of The Man-God, và bản tiếng Pháp có tên L’Évangile tel qu’il m’a été révélé, Linh mục Nguyễn Phương (1921-1997) trong thời gian ở tại nhà hưu dưỡng Dòng Đồng Công (Missouri) dịch bộ sách đồ sộ này ra tiếng Việt có tên Người Thần Truyện Thánh, và Nt. Phạm Thị Hùng, CMR cũng có dịch ra tiếng Việt dựa trên bản tiếng Pháp và đã được in ở Việt Nam năm 2007 với cái tên Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi (in năm 2008).
Trước hết xin lưu ý quý độc giả rằng bộ sách Người Thần Truyện Thánh của Maria Valtorta mà Linh mục Nguyễn Phương viết là Maria Vân Tước Tử được viết do chính Chúa Giê-su, Mẹ Maria và một thiên thần đọc cho Chị ấy viết, cho nên những đoạn chúng tôi trích dẫn dưới đây rút ra từ bộ sách đã được mặc khải, đã đưa Maria Valtorta trở thành một nhà nhiệm khải nổi danh khắp nơi. Sau đây là một vài nét sơ lược về tiểu sử của Chị.
Maria Valtorta (1897-1973) là một nhà mạc khải tư có tiếng trên thế giới trong thế kỷ 20. Chị sinh ngày 14-3-1897 tại Caserta, nước Ý, chỗ thân phụ là một đội trưởng kị binh đang phục vụ, và mất ngày 12-10-1961. Học lực của Valtorta bình thường, từ 1917 đến mùa hè 1920 làm nữ y tá trong các bệnh viện. Năm 1929 gia nhập phong trào Công giáo tiến hành. Ngày 01 tháng 7 năm 1930, Valtorta dâng mình làm nạn nhân cho phép công thẳng Chúa và được Chúa nhậm lời nên chị bị đau đớn triền miên. Từ năm 1934 đến 1961 chị bị liệt giường cho đến khi chết. “Từ năm 1943 đến 1951, Maria Valtorta đã viết tay hơn 15,000 trang giấy (120 tập vở). Chị ta viết một mách (không chuẩn bị, không phác thảo, không hề sửa chữa, và cũng không đọc lại xem mình đã viết gì. Tác phẩm của chị ta gồm những bức tranh mô tả cảnh vật (tả như Chị ta thấy và nghe được) và những bản văn viết theo lối viết chính tả (theo lời đọc của Chúa Giê-su, Đức Trinh-nữ, và một vị thiên thần). Thể văn trong các chỗ mô tả và các bài chính tả khác nhau một cách rõ rệt. Tại đây chúng ta chứng kiến được sự kiện này, là kết quả, tức là tác phẩm, dường như vượt quá khả năng của nguyên nhân, tức là Maria Vân-tước-tử” (Gabriel M. Roschini, La Vierge Marie dans l’oeuvre de Maria Valtorta, Linh mục Nguyễn Phương dịch Đức Trinh-Nữ trong di bút của Maria Vân-tước-tử, bản dịch tiếng Việt của Vân-Tước Thư-Xá, 1994, trang 6). Đây là một bộ sách đồ sộ về lượng cũng như về phẩm, và trước khi chưa được phổ biến, các vị có liên hệ đến bộ sách như Cha Andrea M. Cecchin, Tu-viện Trưởng Dòng Phụ tá Đức Mẹ, Corrado Berti và Romualdo M. Megliorini, thần học gia, trong buổi hội kiến riêng ngày 26 tháng 2, 1948, đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII khuyến khích: “ Hãy xuất bản sách này ra, đã viết làm sao in ra làm vậy. Ai đọc vào sẽ hiểu”. Ngày nay bộ sách của Maria Valtorta được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Sau đây chúng tôi sẽ sử dụng bản in của Nữ tu Phạm Thị Hùng vì đã được in dựa trên bản tiếng Pháp để nói về các sự kiện liên quan đến “ngôi sao lạ”, “ba vị đạo sĩ”, cùng các “lễ vật” đã được đề cập ở trên.
“Tôi thấy gia tăng ánh sáng ban đêm chiếu xuống từ bầu trời đầy sao lấp lánh và rất đẹp ở phía đông. Ánh sáng rất mạnh và rất lớn đến nỗi nó như ở rất gần, giống như những bông hoa trên bầu trời bằng nhung mà người ta có thể đến rờ vào nó. Tôi ngước mắt lên để tìm cái nguồn làm gia tăng ánh sáng này. Tôi thấy một ngôi sao lớn khác thường, giống như một vầng trăng nhỏ, đang tiến đi trên bầu trời của Bétlem. Những ngôi sao khác như mờ đi để nhường lối cho nó, giống như những kẻ theo hầu một bà hoàng, vì ánh sáng của nó trổi vượt, tựa như làm chúng biến mất. Từ quả cầu giống như một viên lam ngọc khổng lồ, được soi sáng ở trong ruột bởi một mặt trời, phát ra những luồng sáng, trong đó trổi vượt là ánh sáng lam ngọc, hòa tan với mầu vàng của hoàng ngọc, mầu xanh của bích ngọc, mầu sáng của miêu ngọc, ánh đỏ máu của hồng ngọc, và các lấp lánh êm dịu của tử ngọc. Tất cả các đá quí của trái đất đều ở trong giải sáng đang di chuyển mau lẹ trên trời, dợn sóng giống như nó sống động. Nhưng mầu sắc trội hơn cả là mầu lam ngọc lạt và sáng của Thiên Đàng. Trông như nó mưa xuống từ trái cầu của vì sao, nó chiếu xuống và phủ mầu xanh biếc cho các nhà cửa, đường phố, đất đai Bétlem, cái nôi của Vị Cứu Tinh.” (Maria Valtorta, Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi, Nt. Phạm Thị Hùng dịch, Quyển thứ nhất, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, trang 246).
Tiếp đây là chân dung và phong thái của các nhà chiêm tinh chuẩn bị trước khi bước vào kính bái Chúa Hài Nhi, theo lời tường thuật của Maria Valtorta (viết theo lời đọc của Chúa Giê-su) mà trong bản dịch này dịch giả viết là nhà đạo sĩ:
“Trong khi các đầy tớ tiến lại chỗ dành cho các đoàn du mục và các con vật, ba Đại Nhân Vật xuống khỏi các con vật dành riêng của họ mà một người đầy tớ dắt tới một nơi khác, họ đi bộ về phía căn nhà. Ở đó, họ quỳ gối, trán chạm đất và hôn cát bụi. Đó la ba nhân vật quyền thế, theo như y phục của họ chỉ cho biết. Một người nước da rất sậm, vừa xuống khỏi con lạc đà, ông liền bao phủ toàn thân trong một chiếc áo lụa trắng tuyệt vời. Trên trán ông có một vòng đai bằng kim quí. Ở thắt lưng ông là chiếc giây lưng đắt tiền, ở đó có dắt một con dao hay cái kiếm mà bao có trang trí các hạt ngọc. Hai người kia cũng xuống khỏi con ngựa tuyệt trần. Một ông mặc vải sọc rất đẹp mà mầu vàng nổi bật. Y phục này được làm giống như một loại áo dài, có một chiếc nón và một sợi giây, hình như tất cả là một mảnh liền bằng sợi vàng, vì nó trang trí bằng các đường thêu chỉ vàng. Người thứ ba mặc một chiếc áo lụa thùng thình, để ló ra chiếc quần rộng và dài túm lại ở cổ chân. Ông khoác một chiếc khăn rất mỏng, giống như một mảnh vườn đầy hoa, vì nó được trang trí toàn bộ bằng những mầu sắc rất tươi. Trên đầu ông cuốn khăn, được giữ bằng một sợi giây xích bằng miêu ngọc và kim cương.
Sau khi đã tôn kính căn nhà, nơi Vị Cứu Tinh cư ngụ, họ đứng dậy và đi tới nhà dành cho đoàn du mục, nơi các đầy tớ đã gõ cửa để xin mở.
(Thị kiến dừng lại ở đây, rồi sau ba tiếng đồng hồ, lại tiếp tục với cảnh các nhà đạo sĩ thờ lạy Chúa Giêsu).
Đây là lúc ban ngày. Mặt trời rực rỡ trên trời vào lúc sau trưa. Một người đầy tớ của các Đạo Sĩ băng qua công trường và đi lên chiếc cầu thang nhỏ của căn nhà nhỏ. Anh ta vào. Anh ta ra. Anh ta trở về quán trọ.
Ba nhà Đạo Sĩ ra, mỗi người có người đầy tớ riêng theo sau. Họ băng qua công trường. Số người ít oi qua lại quay mặt nhìn các nhân vật oai vệ đi qua rất từ từ và trang trọng. Từ lúc người đầy tớ vào tới lúc ba nhà Đạo Sĩ vào, có khoảng thời gian độ một khắc đồng hồ. Điều đó cho phép các người trong nhà chuẩn bị đón khách.
Những người này bây giờ ăn vận còn sang trọng hơn là đêm hôm trước: Lụa là rực rỡ, vàng ngọc sáng chói. Một chòm lông đắt giá lốm đốm những vảy quí lấp lánh trên đầu của ông có quấn khăn. Một trong những người đầy tớ mang một chiếc rương có cẩn khắp chung quanh, mà các đồ trang điểm bằng kim loại đều là vàng cẩn. Người thứ hai mang một chiếc cúp được làm cách rất tinh tế, được đậy bằng một cái nắp hoàn toàn bằng vàng chạm trổ. Người thứ ba mang một thứ bình rộng và thấp, cũng bằng vàng, có nắp đậy hình kim tự tháp mà ở trên đỉnh có một viên kim cương. Những vật này hẳn là nặng, vì các người đầy tớ mang cách khó lòng, nhất là người mang chiếc rương. Ba người lên cầu thang và vào. Họ vào trong một phòng mà từ ngoài đường, người ta phải đi ra lối sau nhà để vào. Người ta nhận thấy mảnh vườn nhỏ qua chiếc cửa sổ mở ra phía sau cho mặt trời. Các người chủ nhà đang đứng đó để nhìn: Một người đàn ông, một người đàn bà, và ba hay bốn đứa trẻ trong khoảng giữa tuổi của hai người trên.
Maria ngồi ôm con trong lòng, Giuse đứng bên cạnh. Nhưng cô đứng dậy ngay và cúi mình khi thấy ba nhà Đạo Sĩ vào. Cô mặc toàn trắng. Cô rất đẹp trong y phục trắng đơn giản, bao phủ từ cổ tới bàn chân, từ vai tới cổ tay tinh tế. Rất đẹp với đầu tóc quấn các bím vàng vòng quanh như triều thiên, với khuôn mặt mà sự cảm động phủ cho một lớp mầu hồng rõ hơn, với đôi mắt mỉm cười dịu dàng, với chiếc miệng mở ra để nói: “Thiên Chúa ở với các ngài”. Ba nhà Đạo Sĩ ngây ra một lát, rồi họ tiến lên, họ quì phục dưới chân cô và xin cô ngồi.
Họ thì không, họ không ngồi, dù Maria mời. Họ vẫn quì gối và ngồi trên gót chân. Ba người đầy tớ ở đàng sau và cũng quì gối. Tất cả họ đều ở ngay sau cửa. Họ để ba vật mà họ mang theo ở trước mặt và họ chờ.
Ba nhà Đạo Sĩ nhìn ngắm chú bé. Tôi thấy chú có vẻ độ từ chín tháng tới một năm, vì chú rất tỉnh táo và phốp pháp. Chú ngồi tựa vào ngực mẹ. Chú mỉm cười và nói líu lo với giọng chim nhỏ. Chú cũng mặc toàn trắng như má, với đôi xăng-đan tí xíu ở chân. Y phục đơn giản: một áo dài nhỏ, từ đó lú ra các bàn chân lúc lắc, đôi bàn tay mũm mĩm muốn rờ vào tất cả, và nhất là khuôn mặt nhỏ rất đẹp với đôi mắt mầu xanh dương đậm trong sáng; cái miệng núm đồng tiền ở hai bên khi chú cười nhe ra mấy chiếc răng nhỏ. Các lọn tóc giống như bụi vàng, vì chúng bóng và mịn như tơ.
Người Đạo Sĩ lớn tuổi nhất nói nhân danh tất cả. Ông giải thích cho Maria rằng họ đã thấy, vào một đêm của tháng mười hai trước, một vì sao đã thắp sáng lên trên trời với vẻ rực rỡ khác thường. Các bản đồ trời không hề bao giờ có vì sao này hay báo hiệu nó. Tên nó không được biết tới. Nó không có tên. Được sinh ra từ lòng Thiên Chúa, nó đã nở hoa để nói cho loài người một sự thật có phước, một bí mật của Thiên Chúa. Nhưng loài người không lưu tâm, vì linh hồn họ chìm trong bùn. Họ không nhìn lên Thiên Chúa và không biết đọc những lời Người viết ra - Nguyện chúc Người muôn đời – bằng những thiên thể bằng lửa trên bầu trời.
Họ đã thấy ngôi sao và đã cố gắng để hiểu tiếng nói của nó.
Tự nguyện từ bỏ một ít giấc ngủ mà trước đây họ đã chấp nhận cho cơ thể họ. Họ quên ăn để vùi đầu vào việc nghiên cứu hoàng đới, sự giao hội của các hành tinh; thời gian, các mùa, các tính toán về thời gian cổ xưa và các phối hợp về thiên văn, đã nói cho họ tên và sự bí mật của ngôi sao. Tên của nó là “Messi”. Bí mật của nó là: “Đấng Messi đến trong thế giới”. Và họ đã ra đi để thờ lạy Người. Người nọ không hề biết gì về những người kia. Băng qua núi, sa mạc, thung lũng, sông ngòi, đi trong đêm, họ đã đi về phía Palestin, vì ngôi sao đi về hướng này. Mỗi người, từ ba điểm khác nhau trên trái đất, đều đi về hướng này. Rồi họ gặp nhau ở phía bên kia biển Chết. Ý Thiên Chúa đã hội tụ họ ở đó, và cùng nhau, họ tiến lên phía trước. Họ hiểu nhau, mặc dù mỗi người vẫn nói tiếng của mình. Họ hiểu và có thể nói những ngôn ngữ của các nước mà họ đi qua, bởi phép lạ của Thiên Chúa.
Cùng nhau họ đi về Jêrusalem, vì Đấng Messi là Vua của Jêrusalem, vua của người Do-Thái. Nhưng ngôi sao biến mất ở trên trời của thành phố này. Họ cảm thấy con tim họ vỡ ra vì đau đớn. Họ tự xét mình xem có phải vì họ bất xứng với Thiên Chúa. Nhưng lương tâm của họ bảo đảm cho họ. Họ liền tìm đến vua Hêrôđê để hỏi xem Vua Do-Thái sinh ra trong lâu đài nào để họ đến thờ lạy Người. Nhà vua liền tụ họp các thủ lãnh của các thầy cả, các luật sĩ để hỏi xem Đấng Messi sinh ra ở đâu, và họ trả lời ông: “Tại Bétlem xứ Juđa”.
Họ đi về phía Bétlem và ngôi sao lại hiện ra trước mắt họ. Nó đã rời Thành Thánh, và tối hôm qua, nó đã gia tăng vẻ rực rỡ của nó. Tất cả bầu trời đều được đốt cháy. Rồi ngôi sao dừng lại, thu thập ánh sáng của các ngôi sao khác vào các luồng sáng của nó và chiếu xuống trên căn nhà này. Họ liền hiểu là trẻ Thiên Chúa sinh ra ở đây. Bây giờ họ thờ lạy Người, dâng cho Người các tặng phẩm hèn mọn của họ, và hơn tất cả, họ dâng cho Người quả tim của họ, sẽ không bao giờ ngừng chúc tụng Thiên Chúa vì ơn Người đã ban cho họ, và họ yêu mến Con của Người mà họ được nhìn thấy trong một nhân tính thánh thiện. Rồi họ trở về cho Hêrôđê biết, vì ông cũng muốn thờ lạy Người.
“Đây cùng một trật: Vàng là thứ thích hợp với một vị Vua, đây là Nhũ hương , thích hợp với Thiên Chúa; và đây, ôi Mẹ, đây là mộc dược, vì con Mẹ sinh ra là Thiên Chúa nhưng cũng là người, trong thân xác của Người và trong cuộc sống làm người, Người sẽ biết cái cay đắng của định luật không thể tránh được của sự chết. Tình yêu của chúng con không muốn nói những lời này, và nghĩ rằng thân xác Người sẽ muôn đời giống như Thần Trí Người. Nhưng ôi Bà! Nếu sự nghiên cứu của chúng con, nhất là nếu tâm hồn chúng con không lầm, thì con Bà là Vị Cứu Tinh, là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, và vì thế, để cứu thế giới, Người phải mang trên mình Người mọi khốn nạn của thế gian, mà một trong các hình phạt là sự chết. Chất nhựa này để cho giờ đó, để xác thịt thánh của Người không phải biết tới sự hư thối, và bảo trì nó nguyên vẹn tới giờ sống lại. Chớ gì do những của này, Người nhớ đến chúng con và cứu các tôi tớ của Người, bằng cách ban Nước của Người cho chúng. Lúc này, để được thánh hóa, xin Mẹ là Mẹ Người, ban con nhỏ của Mẹ cho tình yêu của chúng con, để nhờ được hôn chân Người, phúc lành của Trời xuống trên chúng con”. (Maria Valtorta, Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi, (bản dịch đã dẫn, trang 245-248).
Đoạn cuối của chương 56 của bộ sách của Maria Valtorta miêu tả sự giã từ của ba nhà đạo sĩ và Thánh gia như sau: “Bây giờ chủ cũng như đầy tớ, tất cả đều ở trên yên. Họ ra lệnh khởi hành. Ba người cúi xuống tới sát cổ con vật của họ để chào lần chót. Giuse cũng cúi mình, Maria cũng vậy. Và Mẹ lại cầm tay Giêsu để vẽ một cử điệu từ biệt và chúc lành.”
Nguyễn Đức Cung
Suy Tư Mùa Giáng Sinh
Philadelphia 19-12-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét