Cành Mai Trước Ngõ
đào anh dũng
Trẻ Magazine - Xuân Tân Sửu
Vào đầu mùa Thu 2016, vợ chồng chúng tôi nghỉ hưu. Ngay sau khi ăn lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch cùng với con cháu, chúng tôi xuôi Nam với hai mục đích, một là để trốn tuyết, hai là đi nghiên cứu vùng nắng ấm Florida, tìm một thành phố thích hợp để 'dời đô' về sinh sống cho ấm áp, an nhàn, thoải mái trong tuổi già. 'Thích hợp' đây có nghĩa là gần biển nhưng không quá đắt đỏ và không xa những địa điểm du lịch nổi tiếng như Disney World, Universal Studios... vừa thoả mãn thú câu cá, tắm biển, ăn trái cây miền nhiệt đới của chúng tôi vừa thu hút được con cháu về thăm ông bà cha mẹ trong các dịp lễ.
Sau bốn tuần lễ viếng thăm, tìm hiểu vài thành phố phía Đông Nam của Florida và nghỉ ngơi trên một chuyến du thuyền ở vùng biển Caribbean, vợ chồng chúng tôi đến Sarasota, một thành phố nhỏ nằm bên vịnh Mễ Tây Cơ. Nơi đây chúng tôi có hẹn gặp lại anh chị Tánh, một cặp vợ chồng bạn thân, ngày xưa từng là dân xứ tuyết ở cùng tiểu bang với chúng tôi, để cùng nhau ăn Tết Nguyên Đán.
Hôm ấy thứ năm, 29 Tết, anh chị Tánh mời chúng tôi tháp tùng anh chị, tham dự một buổi tiệc tất niên với gia đình một người bạn đồng hương. 'Trước lạ sau quen' nên vợ chồng chúng tôi không có chút ngại ngùng. Hơn nữa, đây cũng là một dịp để chúng tôi làm quen với người cùng xứ sở, kết bạn mà vui sống khi dời nhà về miền nắng ấm này. Trên đường tới nhà người bạn của anh chị Tánh, chúng tôi gặp một tai nạn gây kẹt xe nên đến trễ, khách đã ngồi vào bàn ăn. Chủ nhà chưa kịp giới thiệu chúng tôi là đồng hương từ xa đến thì có một vị khách ngồi ở cuối bàn đưa tay lên và hỏi hơi lớn tiếng:
"Xin lỗi, có phải ông là Lê Thành Chí ngày xưa học trường dòng Lasan ở Thủ Đức?"
Tôi giật mình. Từ xa, tôi cố gắng nhìn kỹ mặt vị khách tóc bạc trắng, thấy quen quen nhưng tôi không nhận ra ông ta là mà ai biết mình rành rẽ như vậy. Tôi buột miệng trả lời:
"Dạ đúng, tôi là Chí, dân trường dòng Lasan ở Thủ Đức."
Vị khách reo lên:
"Trời đất! Mầy hả Chí, Chí Dơ?! Tao là Tiến, Tiến Chicago đây!"
Trong tích tắc, tôi nhận ra ngay đó là anh Tiến, học trên tôi bốn lớp ở trường nội trú ngày xưa và là một đồng hương sinh trưởng cùng tỉnh nhà, ở cùng giáo xứ với tôi. Tôi vội vàng chạy đến bên anh, tay bắt mặt mừng. Tạ ơn Chúa, hơn 40 năm qua tôi luôn cố gắng tìm người anh, người bạn vong niên thâm giao này mà vẫn hoài công cho đến ngày hôm nay. Thật là quá bất ngờ!
o O o
Ngày xưa, bạn bè ở trường nội trú gọi anh là 'Tiến Chicago' vì anh ăn mặt hơi chảy chuốt và có phong cách của một 'đại ca'. Đúng vậy, khi được cha mẹ gởi học trường nội trú tôi mới có 10 tuổi, 'ma mới' bị 'ma cũ' ăn hiếp, vài lần mới thoát nạn sau khi đám 'ma cũ' biết tôi là người em 'kết nghĩa' của anh Tiến. Còn tôi, tôi có biệt danh là 'Chí Dơ', không phải vì tôi luôn bê bối, không tắm gội, ở dơ, đầu có chí, có rận mà vì lúc mới vào trường, chuyển từ chương trình Việt sang chương trình Pháp, tôi phát âm chữ 'je' (tôi) không đúng, cứ đọc là 'dơ'. Anh Tiến kiên trì dạy tôi đọc chữ 'je', đến khi tôi phát âm thật đúng thì đã lỡ mang cái biệt danh đó rồi.
Ở cùng quê nhưng tôi chỉ thân với anh Tiến sau khi vào trường nội trú. Ngoài việc giúp tôi học hành anh còn chỉ dạy tôi chơi các môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội. Anh Tiến học rất giỏi, nhất là môn Toán. Sau khi đậu Tú tài đôi, anh được trúng tuyển vào trường Phú Thọ. Bốn năm sau đó, tôi thi vào trường Sư Phạm nhưng không đậu nên theo học trường Văn Khoa. Tuy học khác trường nhưng hai anh em chúng tôi thường gặp nhau và hay đi chơi chung vì Hiền, bà xã tương lai của anh, và Hương, bà xã tương lai của tôi, học cùng Chứng Chỉ, cùng ban Anh Văn với tôi ở trường Văn Khoa.
Vào năm 1972, sau 'mùa hè đỏ lửa' với lệnh đôn quân, anh Tiến nhập ngũ, học quân sự ở trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường, anh làm trưởng đồn ở Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Anh kể với tôi rằng, Chúa thương nên khiến cho anh gặp lại một đàn anh từng học ở Phú Thọ khi ấy là một vị Đại Uý trưởng phòng ở Tiểu Khu, và ông ta đã kéo anh về làm việc phụ giúp ông ở phòng Hành Quân. Một năm sau đó, anh lập gia đình với chị Hiền. Khi ấy chị đã đậu hai chứng chỉ Văn Khoa nên chị được nhận làm giáo sư Anh Văn, dạy giờ ở một trường trung học công lập tại thị xã.
Sau ngày 30 tháng Tư 1975, tôi gặp lại anh chị Tiến ở tỉnh nhà, cuộc sống của ai cũng xơ xác, tả tơi. Anh rụng lon, chị thất nghiệp, còn tôi thì đã xong đại học, dạy Anh Văn được vài tháng nhưng thời thế đổi thay, đâu còn ai học ngoại ngữ này nữa nên tôi cũng bị 'mất dạy' như chị, đành phải về quê nhà làm ruộng. Cha mẹ chúng tôi có năm mẫu ruộng cách thị xã khoảng bốn cây số, xưa nay cho chú Út, một người em bà con chú bác của cha tôi, mướn canh tác để có lúa ăn hàng năm. Chú Út thương tình, trả lại cha mẹ tôi ba mẫu, dạy anh em chúng tôi công việc đồng áng. Mỗi ngày đạp xe đi thăm ruộng tôi thường hay ghé nhà anh chị Tiến. Bác Năm, cha của anh, cũng có vài mẫu đất trồng khoai mì, rau cải và cây ăn trái. Trước đó, bác giao cho một người em bà con trông nom. Chú này thứ hai, tên là Tâm, ở vùng xôi đậu, có bốn người con trai. Hai người con lớn của chú bị bắt đi du kích nên chú dọn về vùng quốc gia sinh sống để lo cho hai người con nhỏ, tuổi mới 12, 13, có cơ hội cắp sách đến trường. Sau khi đất nước thanh bình, chú giao đất đai và ngôi nhà mái tranh, vách ván lại cho bác Năm, trở về làng cũ. Nhờ vậy mà anh chị Tiến và cháu bé con đầu lòng của anh chị tên là Thành có nơi dọn đến ở, để tránh nạn đi kinh tế mới. Anh chị chịu khó làm lụng, trồng tỉa hoa màu để kiếm sống. Tuy nhiên, luống rau chưa sum suê, giàn bầu chưa ra trái, anh Tiến đã phải trình diện đi tù 'cải tạo'.
o O o
Hôm ấy, vì phải chung vui tất niên với các anh chị em khác nên anh em chúng tôi chỉ có thể kể cho nhau nghe sơ qua vài chi tiết quan trọng của đời mình mà thôi. Lúc mãn tiệc, anh chị Tiến mời chúng tôi sáng hôm sau đến nhà anh chị, hưởng trọn ngày 30 Tết và đêm giao thừa với anh chị để có thời giờ hàn huyên tâm sự.
Đồng cảnh ngộ với chúng tôi, anh chị Tiến sống 'cu ki hai đấng khỉ già' vì con cái đã có gia đình ở riêng. Vẫn như ngày xưa, chị Hiền là một tay nội trợ thật giỏi, khi vợ chồng chúng tôi đến nhà anh chị sáng hôm ấy, chị đã lo xong các món ăn truyền thống như thịt kho tàu, canh khổ qua, dưa món... để ăn Tết rồi. Chị cũng đã ngâm nếp và đậu, đã ướp nhân thịt, đã lau sạch lá chuối, chỉ còn có việc gói vài đòn bánh tét và nấu sau hè mà thôi. Vì thế, chúng tôi bắt tay ngay vào việc, vừa gói bánh vừa trò chuyện, kể lại chuyện xưa.
Tôi nhắc với anh chị Tiến rằng hôm 30 Tết năm ấy, tôi mang hai đòn bánh tét đến nhà biếu chị ăn Tết, giã từ chị và cháu Thành để vài ngày sau, mùng bốn Tết, tôi sẽ lên đường đi Tân Thành thuộc tỉnh Gò Công làm nghề chài lưới, tìm đường vượt biên. Trước đó khoảng một tháng, tôi đã đến quận lỵ miền biển này để thăm Hương, người yêu của mình. Và, bất ngờ thay, Tín, một người bạn học cũ ở trường Văn Khoa và cũng là anh ruột của Hương, vừa đóng xong một chiếc ghe, bề ngoài là đi đánh cá nhưng thật ra là để dò đường đi nước bước, tìm cơ hội đưa gia đình vượt biên. Hiểu rõ tình cảm giữa tôi và Hương, Tín thật tình tiết lộ bí mật và rủ tôi tham gia. Tôi trở về tỉnh nhà, xin phép cha mẹ, tốn hết mấy chỉ vàng, chạy chọt xin giấy chuyển 'hộ khẩu' và khi được giấy phép tôi phải đi ngay, sợ mọi trục trặc có thể xảy ra, làm mất cơ hội thoát thân, lỡ cả duyên lẫn phận của mình.
Tín và tôi làm hết mấy chục chuyến đánh cá, trung bình mỗi tháng một chuyến đi xa, nhiều lần chúng tôi mạo hiểm đến tận hải phận Mã Lai. Chúng tôi đưa cả gia đình vượt biên sau khi biết rõ hải trình và dành dụm đủ dầu và thực phẩm cho chuyến đi. Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã chở che, chúng tôi đến đảo Pulau Bidong bình yên vô sự và ở đó đến tháng 9 năm 1979 mới được định cư ở thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota.
Khi ấy, tình yêu đã chín mùi, cuộc sống tạm yên ổn, Hương và tôi cùng nhau lập tổ ấm gia đình. Sau hơn bốn năm, vừa đi học, vừa đi làm việc bán thời gian, vợ chồng chúng tôi tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm khá vững chắc, lương bổng cao hơn. Ngay sau khi nhập quốc tịch Mỹ, chúng tôi nộp đơn bảo lãnh cha mẹ và các anh chị em đoàn tụ với gia đình. Hương và tôi quyết định nghỉ hưu sau khi các cháu đã tốt nghiệp đại học, có việc làm và lập gia đình được vài năm.
o O o
Trong lúc Hương và tôi thay phiên nhau kể đoạn đường đời mình đã trải qua, anh chị Tiến chăm chú nghe, chỉ hỏi thăm vài chi tiết về chuyến vượt biên của chúng tôi và trao đổi kinh nghiệm về những khó khăn cũng như may mắn anh chị và chúng tôi đã gặp phải khi mới định cư ở xứ người mà thôi. Chúng tôi kể xong chuyện mình thì công việc gói bánh cũng hoàn tất. Thay vì nhóm lửa nấu bánh tét ngay sau hè, anh chị Tiến đề nghị chúng tôi chờ đến tối mới nấu bánh để có thể thưởng thức lại cái không khí đầm ấm bên bếp lửa của đêm trừ tịch ngày xưa ở quê nhà. Anh chị mời chúng tôi ra ghế sa lông, nhắm chút rượu vang trước khi dùng cơm trưa.
Anh Tiến hỏi chúng tôi thích loại vang nào, tôi chọn chai Cabernet Sauvigon. Anh vừa mở chai rượu vừa cười thật tươi, nói rằng anh không ngờ tôi và anh đến già vẫn còn hợp 'dơ', thay vì hợp 'jeu' (tiếng Pháp có nghĩa là trò chơi) nói trại là hợp 'rơ', hợp sở thích, và anh nhấn mạnh chữ 'dơ', làm cho tôi bật cười thật to, nhớ lại cái biệt danh của mình vào thời học trường nội trú. Nhưng, nụ cười của anh Tiến tan đi lúc anh nâng ly, chân thành nói lời chúc mừng cuộc hội ngộ của chúng tôi và cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã thương tình, đáp lời cầu nguyện của anh chị, rồi thay vì nhấm ly rượu vang, anh nắm lấy tay tôi, siết thật chặt, nhìn thẳng vào mắt tôi và anh nói tiếp, giọng nghèn nghẹn, đầy cảm xúc:
"Chí, em có biết không, lúc em đến ngôi nhà tranh của anh chị để thăm và giã từ chị và cháu Thành, anh đang... đang trốn... trốn sau tấm màn, ở trong buồng tối om... Anh cảm thấy mình sao hèn quá, không dám gặp em... Hơn bốn mươi mấy năm qua, mỗi khi nhớ đến quê nhà, anh luôn cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ cho anh một dịp may để gặp lại em, để anh xin lỗi em..."
Nghe anh Tiến nói vậy, tôi rất đỗi ngạc nhiên và hình ảnh năm xưa bỗng trở về...
... Hôm ấy, sau khi nghe tôi nói lời từ giã, chị Hiền lấy tay đưa chiếc võng cháu Thành đang say sưa ngủ rồi chị nức nở khóc. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng chị khóc vì chị nhớ anh, thương anh đang bị tù tội, nếu không anh cũng sẽ có cơ hội tìm đường vượt thoát như tôi. Tôi chỉ biết nói vài lời an ủi chị... rồi, mắt nhìn ra ngoài cửa nhà, tôi thấy cây mai ở sân trước đang trổ bông vàng thật rực rở, gợi cho tôi một ý nghĩ lạc quan, tôi bèn nói tiếp: "Chị Hiền, chị nhìn ra ngoài sân kìa, xuân đã về, mai đã nở. Đông nào rồi cũng phải tàn và xuân lại đến. Mình phải giữ vững niềm tin vào bàn tay quan phòng của Chúa, thế nào rồi anh Tiến cũng sẽ trở về sum họp với gia đình thôi, chị à!" Tôi nào có ngờ nghe tôi nói vậy chị lại càng rưng rức khóc. Tôi nào có biết anh không còn ở trong tù nữa và đang ở ngay trong nhà...
Anh Tiến lại siết tay tôi thật chặt làm cho tâm trí của tôi trở về thực tại. Anh hỏi:
"Chí, em có nghe anh nói gì không?"
"Dạ... dạ có! Em đâu có ngờ anh đã ra tù và đang ở trong buồng. Nhưng... nhưng tại... tại sao anh không ra gặp em?"
Anh Tiến buông tay tôi, cầm ly rượu vang mời vợ chồng tôi và chị cùng nhau nâng ly, uống chén đoàn viên, rồi anh chậm rãi hỏi tôi:
"Chí, em còn nhớ thằng An làm trưởng ấp, ấp Thái Thạnh, nơi anh chị cư ngụ năm ấy chứ?"
"Dạ, em nhớ. Tuy anh chàng đó theo cộng sản, nhưng không có phách lối mà đối xữ rất tử tế với bà con. Có một lần em đạp xe ngang qua ấp bị một thằng nhóc du kích chận lại, hống hách hỏi giấy tờ. Anh ta thấy vậy nên la rầy thằng du kích rồi xin lỗi em. Tại sao hôm nay anh lại nhắc đến anh ta?"
"Nó là người con trai đầu lòng của chú thím hai Tâm, đó em! Thằng em của nó tên là Nhàn. Anh tình cờ gặp Nhàn ở trại tù cải tạo Cây Dầu, nó làm cai tù. Đây là một chuyện dài, anh xin kể vắn tắt cho em hiểu là Nhàn đã giúp anh trốn trại, đưa anh về nhà, lánh mặt một thời gian. Còn An thì che chở anh, giúp ba má anh liên lạc với gia đình ba má chị ở Sóc Trăng, làm giấy tờ chứng nhận anh chị là dân của ấp, được cấp giấy phép về quê ngoại của chị ở Đại Ngải. Ở đó, bà con không ai biết anh từng là sĩ quan VNCH. Anh chị về làm ruộng cho đến năm 1978 cả nhà vượt biên."
Nghe anh Tiến kể đến đó, tôi quên luôn chuyện anh trốn tù, vội vàng hỏi anh vượt biên đến đâu? Thái Lan, Phi Luật Tân hay tận Nam Dương? Nếu anh chị đến đảo Bidong thì có thể chúng tôi đã gặp anh chị rồi. Anh trả lời:
"Ghe bị hư máy, lạc ở biển Đông gần nửa tháng. Thiếu ăn, thiếu uống, mọi người tưởng đã phải bỏ thây trên biển. Cuối cùng ghe trôi đến quần đảo Trường Sa và nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ thương xót, đưa vào một hòn đảo nhỏ thuộc Phi Luật Tân, chứ nếu ghe trôi dạt vào hòn đảo kế bên do Trung Cộng chiếm đóng thì mọi người trên ghe đã bị bắn, xác quăng xuống biển rồi."
Hương ngồi kế bên tôi lắc đầu nói:
"So với chuyến vượt biên của tụi em, chuyến đi của anh chị nghe sao quá gian truân, nguy hiểm. Còn chuyện trốn tù cải tạo của anh thì sao, hả anh?"
Nhấp xong một hớp rượu vang, anh Tiến trả lời:
"Nhờ hai đứa em bà con giúp đỡ, anh không có gặp trở ngại nào, chỉ có phải giữ thật kín. Vì thế, hôm đó anh đành phải lánh mặt Chí. Nếu chuyện anh vượt ngục bị lộ, lẽ đương nhiên là bọn chúng sẽ bắt anh và anh sẽ ân hận lắm. Hai chú An và Nhàn có thể bị bọn chúng mang ra xử bắn. Vì vậy, hôm nay anh kể ra, hy vọng hai em thông cảm, không giận anh chị vì anh chị đã không thành thật với Chí, trong khi Chí không có chút nghi ngại nào hết, đã nói thật với chị về dự tính vượt biên của mình."
"Dạ, có gì đâu anh! Nói thiệt với anh, từ hôm qua lúc nào em cũng thầm cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã đưa đường dẫn lối cho anh em mình gặp lại nhau..."
Nghe tôi nói đến đó, anh Tiến đề nghị mọi người đứng lên, nắm tay nhau, hướng mắt về bàn thờ Chúa, cùng nhau đọc kinh tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Đọc kinh xong, anh Tiến ngồi trầm ngâm một lát rồi bỗng dưng anh vổ vai tôi, cười và nói:
"Hai em có thích ăn trái cây Việt Nam mình không? Nếu hai em dời nhà xuống đây ở, anh chị sẽ đưa hai em đến vườn trái cây của chú An và chú Nhàn..."
"Anh nói sao? Hai chú đó là Việt Cộng mà!"
"Hai chú bị bắt đi du kích, chứ đâu có thích cộng sản, đâu có muốn theo họ. Vì thế, hai chú xin ba má chị cho đi theo vượt biên. Hai chú lo lót, xin 'phục viên' tức là giải ngũ, rồi xuống Đại Ngải làm ruộng với anh cho đến ngày xuống ghe ra biển."
Chị Hiền tiếp lời anh:
"Chú thím biết không, hai chú An và Nhàn định cư ở dưới Miami. Hai chú làm việc, dành dụm tiền mua đất làm vườn trái cây rồi cưới vợ, cuộc sống sung túc lắm. Để vài hôm nữa anh chị đưa chú thím đi thăm gia đình hai chú. Vườn trồng đủ loại trái cây, thỉnh thoảng hai chú chở lên bán ở chợ trời Clearwater hay Tampa, không xa đây lắm. Chú thím dời nhà xuống đây, mặc sức mà ăn trái cây Việt Nam mình."
Nghe chị Hiền nói đến trái cây, Hương liếc mắt nhìn, xem tôi có phản ứng gì không. Lý do là tôi thích ăn trái cây nhưng thời buổi này ở bên nhà người ta dùng nhiều hoá chất, Hương ngại tôi bị bệnh ung thư nên nàng luôn ngăn cản, không cho tôi ăn trái cây nhập cảng từ Việt Nam hay Trung Cộng. Thấy tôi phớt lờ, Hương nói với chị Hiền:
"Chị ơi, một trong những lý do tụi em muốn dời nhà xuống Florida là trái cây đó. Anh Chí mê lắm, nhưng em đâu có cho ảnh mua ở chợ Việt Nam về ăn. Ăn để mắc bệnh ung thư à!"
Nghe nói đến trái cây là tôi mê rồi, nhưng trong lòng vẫn còn thắc mắc nên tôi hỏi:
"Còn anh chị thì sao? Tại sao bấy lâu nay im hơi lặng tiếng, tụi em hỏi thăm nhiều bà con đồng hương tỉnh mình, ai cũng nói không biết anh chị ở đâu."
Anh Tiến lắc đầu, giải thích:
"Xin chú thím hiểu cho gia đình anh chị. Sang đây, cũng như chú thím, anh chị có cơ hội đi học trở lại. Anh chọn ngành Aeronautical Engineering Technology còn chị muốn tiếp tục nghề cũ nên theo ngành Giáo Dục. Ra trường anh tìm được một công việc có dính líu đến quốc phòng nên anh chị chưa bao giờ về Việt Nam. Cũng vì lý do này mà khi ba má và mấy đứa em của anh còn ở Việt Nam mọi người cố gắng sống lặng lẽ, để tránh những khó khăn có thể xảy ra trong lúc chờ ngày sum họp. Còn anh chị thì, mỗi khi gặp ai quen hay ở xa đến anh chị đều hỏi thăm nhưng ai cũng lắc đầu, nói không biết hai em ở đâu. Cuối cùng thì anh em mình cũng gặp lại nhau thôi!"
Tôi nhướng mắt nhìn lên bàn thờ Chúa, thì thầm cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã ban ơn cho hai đại gia đình của anh chị em chúng tôi. Bên cạnh tượng ảnh Lòng Chúa Thương Xót là một bình bông hồng thật tươi. Florida là xứ ấm, tôi nghĩ những đóa hoa tình yêu này được cắt từ vườn nhà anh chị, rồi tôi chợt nhớ hôm ấy là 30 Tết nên hỏi:
"Florida bây giờ có đủ trái cây Việt Nam mình, có cả bông phượng vỹ, bông học trò. Anh chị có trồng mai không vậy?"
"Có, có chứ! Dời về ngôi nhà này xong là anh mua ngay một cây mai đem về trồng ở sân trước. Tháng này trời lành lạnh vào ban đêm nên anh phải đóng một cái khuôn bọc nylon trùm nó lại cho ấm. Anh lặt lá nó từ hôm 23 đưa Ông Táo. Mấy hôm rày anh bận rộn đưa chị đi chợ, phụ chị nấu nướng, đi ăn tiệc rồi gặp hai em nên quên luôn, không để ý đến nó, không biết nó đã trỗ bông chưa. Đi! Tụi mình đi ra ngoài xem!"
Hôm ấy, trời Florida trong xanh. Sau khi anh Tiến và tôi dỡ cái khuôn bọc nylon ra, không hẹn mà cả bốn anh chị em chúng tôi đều cất tiếng "Ồ" khi thấy cây mai đã chúm chím hé nụ vàng đầy trên cành. Tôi nhìn chị Hiền, nhớ đến cành mai ngày 30 Tết hơn 40 năm trước, tôi lập lại một đoạn của câu tôi nói với chị hôm ấy:
"Chị Hiền, xuân đã về, mai đã nở. Đông nào rồi cũng phải tàn và Xuân lại đến..."
Tôi nói đến đó, thấy anh Tiến đưa tay, kéo chị vào lòng và chị ngả đầu vào vai anh, tôi cũng bắt chước anh, choàng vai Hương. Nàng chưa kịp nép đầu vào vai tôi thì anh Tiến la lên:
"Chí! Em lấy cái iPhone. Tụi mình phải làm một tấm selfie với cành mai vàng này mới được!"
đào anh dũng
Thu 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét