Giai Thoại Văn Chương :
VÕ TRẮC VÃNG NAM CÔ
Đền thờ Thủ Khoa BÙI HỮU NGHĨA
Trước khi nghe Giai Thoại Văn Chương Việt Nam nầy, Xin mời tất cả cùng đọc một bài thơ Đường rất ư là mượt mà tình tứ của một cô dâu mới về nhà chồng của Châu Khánh Dư trước khi lai kinh ứng thí như sau:
近 試 上 張 水 部 Cận Thí Thượng Trương Thủy Bộ
洞 房 昨 夜 停 紅 燭, Động phòng tạc dạ đình hồng chúc,
待 曉 堂 前 拜 舅 姑。 Đãi hiểu đường tiền bái cựu cô.
妝 罷 低 聲 問 夫 婿: Trang bãi đê thanh vấn phu tế,
畫 眉 深 淺 入 時 無? "Họa mi thâm thiển nhập thời vô?!"
朱 慶 餘 Châu Khánh Dư
* Chú Thích :
- Châu Khánh Dư 朱 慶 餘, không rõ năm sanh năm mất, tên là Khả, người đất Đường Châu, đậu Tiến sĩ giữa năm Bảo Khánh, là môn đệ của Trương Tịch. Ông giỏi về thơ, còn để lại một Thi Tập.
- CẬN THÍ : Gần đến ngày đi thi.
- TRƯƠNG THỦY BỘ : là Trương Tịch 張 籍 (766─830 ), tự là Văn Xương, người đời thường gọi là Trương Tư Nghiệp hay Trương Thủy Bộ; thơ nhạc phủ của ông thường phản ánh hiện thực của xã hội đương thời, nổi tiếng ngang hàng với Vương Kiến, người đời xưng tụng là "Trương Vương". Tác phẩm để lại : Trương Tư Nghiệp Tập.
- ĐÃI HIỂU : là Chờ sáng, là Đợi đến sáng ngày.
- CỰU CÔ : CỰU 舅 là Cậu, là Anh Em trai của mẹ. CÔ 姑 là Chị Em gái của cha. Nhưng theo Tập quán Ngôn ngữ của người Hoa xưa, CỰU CÔ 舅 姑 là Ông Già Chồng và Bà Già Chồng. Trong bài thơ:
- BÁI CỰU CÔ 拜 舅 姑 là Ra mắt Ông Bà già Chồng.
- TRANG BÃI : là Trang điểm xong xuôi.
- PHU TẾ : là Chàng rễ, là tiếng gọi Chồng một cách thân mật.
- NHẬP THỜI : là Hợp thời trang, đúng trào lưu, nói một cách bình dân là : Đúng "Gu", đúng "Mốt" (à la mode) hiện tại.
* Nghĩa Bài Thơ :
GẦN THI DÂNG LÊN TRƯƠNG THỦY BỘ
Động phòng đêm hôm qua, đuốc hoa cũng đã ngừng cháy rồi. Đợi đến sáng ngày để lạy ra mắt cha mẹ chồng. Sau khi trang điểm xong, nàng mới kề tai hỏi nhỏ chàng rằng: "Đôi mày của thiếp kẽ như thế nầy, đậm nhạt kiểu dáng có hợp thời hay không?" Ý muốn hỏi: có làm đẹp lòng của cha mẹ chồng không?!
Diễn Nôm :
Đêm qua hoa chúc động phòng xong,
Chờ sáng ngày ra mắt mẹ chồng.
Trang điểm xong kề tai hỏi nhỏ:
"Mày ngài đậm nhạt hợp thời không ?"
Lục bát :
Đêm qua hoa chúc vừa ngưng,
Sáng nay trang điểm lạy mừng thầy me.
Kề tai hỏi nhỏ e dè:
"Mày ngài đâm nhạt còn e chăng chàng !?"
Đây là bài thơ của Châu Khánh Dư làm trước ngày ứng thi Tiến sĩ, gởi cho Trương Tịch bình phẩm; vì lúc ấy Trương đang là Thủy Bộ Lang Trung ở kinh thành, nổi tiếng về văn thơ và có thể sẽ là phó chủ khảo của khoa thi. Châu Khánh Dư tự ví mình như là cô dâu mới về nhà chồng, còn Trương Tịch là chàng rể, quan chủ khảo là cha mẹ chồng, còn mày ngài đậm nhạt như là phong cách thơ văn của mình. Châu hỏi Trương xem NÓ có hợp với ý của quan chủ khảo chăng để còn biết mà uyển chuyển điều chỉnh lại. Trương đã ca ngợi và biểu dương cái ý chân thành nầy của Châu, nên khoa đó Châu đã đậu ngay Tiến Sĩ Cập Đệ.
Bây giờ thì ta trở lại với Giai Thoại Văn Chương Việt Nam "VÕ TRẮC VÃNG NAM CÔ" của một Thủ Khoa đất Bình Thủy Cần Thơ: Ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa nhé!
Ông sinh năm Đinh Mão (1807) tại làng Long Tuyền, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Cha ông tên Bùi Hữu Vị, làm nghề chài lưới.
Năm 1835 ông đỗ Giải Nguyên (thủ khoa) kỳ thi Hương ở Gia Định, vì thế ông được gọi là Thủ Khoa Nghĩa.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, năm 1862, Bùi Hữu Nghĩa xin từ quan về quê dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và làm thơ (lúc này ông lấy hiệu là "Liễu Lâm chủ nhân"). Nhà ông là nơi các sĩ phu yêu nước gặp gỡ, bàn bạc việc chống Pháp cứu nước. Ông lâm bệnh và mất ngày 21 tháng giêng năm Nhâm Thân (1872), thọ 65 tuổi.
Tượng và Đền thờ của Thủ Khoa BÙI HỮU NGHĨA
Sinh thời, Thủ Khoa Nghĩa nổi tiếng với vở tuồng "Kim Thạch Kỳ Duyên" được nhà vua khen ngợi. Nghe nói khi soạn vở tuồng nầy có sự giúp sức và góp ý của ông Huỳnh Mẫn Đạt, nên mới có câu chuyện sau đây...
Tương truyền, ở xứ Gia Định có Tú Tài VĂN BÌNH, văn hay chữ tốt, nhưng thi cử lận đận, thi mãi mà vẫn chỉ đậu có... Tú Tài. Nghe đồn Thủ Khoa Nghĩa soạn tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên được vua khen, thì trong lòng không phục, lại nghe nói có sự góp sức của cụ Huỳnh Mẫn Đạt nên lại càng không phục hơn. Một hôm Tú ta quyết định "Đem chuông đi đấm xứ người", mới khăn gói mò xuống đất Bình Thủy tìm gặp Thủ Khoa Nghĩa để thử tài một chuyến xem lời đồn có đúng hay không?...
Khi đến Bình Thủy, đang đi lang thang để hỏi thăm nhà Thủ Khoa Nghĩa thì gặp phải một ông già dáng vẻ nhà quê ngồi hóng mát trước cửa, anh ta bèn ghé lại hỏi thăm:
- Thưa bác, bác có biết nhà ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa ở đâu không ạ? Ông già nhướng mắt lên hỏi lại:
- Cậu là ai, kiếm ông Thủ Khoa có việc gì không?
- Dạ, cháu là Tú tài Văn Bình ở Gia định, nghe đồn ông Thủ Khoa rất giỏi về văn thơ, nên tìm đến hỏi thăm cho biết vậy mà! Ông già nghe xong rất sốt sắng:
- Vậy hả, Tú tài Văn Bình hả, mời vào nhà ngồi chơi, uống ly nước, rồi tôi sẽ biểu sấp nhỏ dẫn tới nhà ông Thủ Khoa cho!
Sau khi vào nhà ngồi yên chỗ xong, ông già mới rót hai ly nước trà mời khách. Tú tài Văn Bình ngó quanh thấy trong nhà có treo mấy câu đối nên lẩm nhẩm đọc. Ông già bèn cười nói rằng:
- Đó là mấy câu đối của ông Thủ Khoa làm đó. Còn tụi tôi thì học ít, hổng biết làm câu đối dài tới vậy, chỉ biết đối từng chữ một mà thôi. Nếu cậu không chê thì mình đối chơi với nhau một vài chữ cho vui! Thấy ông già tử tế và vui tính, nên Văn Bình cũng rất vui vẻ mà nhận lời. Ông già bưng ly trà lên nhấp nhấp đọc:
- VÕ 武. Văn Bình đối lại :
- VĂN 文. Ông già lại đọc :
- TRẮC 仄. Văn Bình đối là :
- BÌNH 平. Ông già lại tiếp :
- VÃNG 往. Văn Bình đối ngay :
- LAI 來. Ông già lại ra :
- NAM 南. Văn Bình lại đối :
- BẮC 北. Ông già lại đọc :
- CÔ. Văn Bình lại đối là :
- CỤ.
Tất cả các chữ đều "đối với nhau chan chát". Đến đây, thì ông già ngưng lại đề nghị:
- Bây giờ thì mình ghép các chữ đã đối với nhau lại nghen. Câu của tui là: VÕ TRẮC VÃNG NAM CÔ ! Văn Bình cũng đọc to các chữ mà mình đã đối là:
- VĂN BÌNH LAI BẮC CỤ! Vừa đọc xong, anh ta chợt giật mình, đứng dậy bẽn lẽn chấp tay xá ông già một cái mà nói rằng:
- Ông ơi, Ông chính là ông Thủ Khoa rồi, Tú Tài này xin bội phục!
Ông già cũng đứng lên cười xòa, nắm tay Văn Bình bảo anh ta ngồi xuống; đoạn hai người cùng nhau đàm luận văn chương rất ư là tương đắc. Thì ra ...
Câu VÕ TRẮC VÃNG NAM CÔ của Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa không có nghĩa gì cả; nhưng câu VĂN BÌNH LAI "BẮC CỤ" của Tú Tài Văn Bình thì thật là... khó chơi, mà lại do chính miệng mình nói ra... cái mới chết chớ !
Lúc nhỏ, khi đọc xong giai thoại nầy, tôi cứ thắc mắc mãi: VÕ 武 đối với VĂN 文; TRẮC 仄 đối với BÌNH 平; VÃNG 往 đối với 來; NAM 南 đối với 北; "đối nhau chan chát" không có gì để nói, nhưng bảo CÔ với CỤ cũng "đối nhau chan chát", thì tôi không phục chút nào cả! CÔ là CÔ nào? là CÔ ĐƠN 孤 單 hay CÔ 姑 là Chi Em Gái của Cha? Còn CỤ là CỤ nào? là CÔNG CỤ 工 具 hay CỤ 懼 là Sợ? Nhưng theo các nghĩa trên thì CÔ và CỤ không thể đối nhau được, đừng nói tới chuyện "đối nhau chan chát"! Còn bảo CÔ là Bà Cô, CỤ là Ông CỤ thì càng sai hơn nữa, vì Ông CỤ chữ CỤ nầy là tiếng Nôm, không thể đối với CÔ là từ Hán Việt được ! Muốn đối được với chữ CÔ 姑 là Chị em gái của cha thì có THÚC 叔 là Chú, BÁ 伯 là Bác hay CỰU 舅 là Cậu mà thôi! Nhưng nếu như thế thì cái giai thoại văn chương nầy bị "hỏng" mất, vì Tú Tài Văn Bình có thể dùng từ THÚC hoặc BÁ để đối với từ CÔ, và câu đối sẽ là:
" VĂN BÌNH LAI BẮC THÚC hay BẮC BÁ "
thì cũng hỏng bét, vì không nói lên được cái "thâm ý" của Ông Thủ Khoa. Nhưng tại sao Ông lại ra chữ CÔ và tại sao Văn Bình lại buộc phải đối là CỤ? Tôi đem thắc mắc nầy hỏi rất nhiều thầy dạy chữ Hán, nhưng đều không được giải đáp thỏa đáng!... Đến sau nầy, khi tôi đã trở thành thầy giáo dạy chữ Nho rồi, tôi cũng không dám kể giai thoại nầy cho bạn bè nghe, vì sợ họ thắc mắc như tôi, nếu họ hỏi thì làm sao mà trả lời đây?!...
Mãi cho đến hơn ba mươi năm sau, khi tôi đang mò mẫm để dịch thơ Đường, lúc dịch đến bài "CẬN THÍ THƯỢNG TRƯƠNG THỦY BỘ" của Châu Khánh Dư, khi đến câu "Đãi hiểu đường tiền bái CỰU CÔ 待 曉 堂 前 拜 舅 姑 " tôi mới chợt "Ngộ" ra rằng:
CỰU là Ông già Chồng đối với CÔ là Bà già Chồng.
CỰU là Anh em trai của Mẹ đối với CÔ là Chị em gái của Cha.
Nên...
Khi ông Thủ Khoa Nghĩa ra chữ CÔ 姑 thì Tú Tài Văn Bình mới đối ngay là CỰU 舅. CÔ đối với CẬU thì không còn gì chỉnh hơn được nữa; và "Ông già Chồng" đối với "Bà già Chồng" thì qủa là "đối nhau chan chát" thật sự!
Nhưng... "VĂN BÌNH LAI BẮC CỰU" thì vẫn chưa "đạt yêu cầu" của ông Thủ Khoa. Đây chính là điểm chính yếu, là cái mấu chốt của giai thoại nầy. Ông Thủ Khoa đã khéo lợi dụng lời ăn nói và cách phát âm giản dị, tùy tiện của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh như "uống rượu" thì nói là "uống gụ", "đời cô Lựu" thì nói là "đời cô Lụ", "Quốc Cựu" thì nói là "Quốc Cụ"... nên mới khiến cho Tú Tài Văn Bình là người Gia Định tự mình... LAI BẮC CỤ!
Xin được kết thúc bài "Võ Trắc Vãng Nam Cô" ở đây. Mong rằng tất cả đều có được một giây phút... thư giản và vui tươi trong "Ba ngày Xuân con Trâu của mùa Đại Dịch", Tết đến mà phải nằm nhà nầy!
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét