Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 27 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

           Chữ Nghĩa Làng Văn 27

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Ri: rừng

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Nói lái trong dân gian


Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những câu nói lái qua câu đố, câu đối, hay nói lái với hò vè, thơ ca…

 

Mắm nêm ăn với quả cà
Vắng anh
Tử Trực đâu mà biết ngon
(ăn mắm nêm với cà mà thiếu quả ớt thì không ngon)



Thôi 

Thôi : một khoảng thời gian

(một thôi một hồi)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


Xóm Đào nương:

Hàng Giấy

Nhà hát ả đào phố Hàng Giấy: 

Xưa thật là xưa, mỗi lần đi qua phố Hàng Bạc mà cả mấy trăm năm trước có căn nhà tường đỏ hát ả đào ở một ngã tư nào đó được gọi là nhà đỏ. Từ căn nhà đỏ này đã đi vào truyện Kiều qua lầu xanh của Nguyễn Du khi đến Thăng Long.



Ta bà 

Ta-bà (cũng tức là Sa-bà) là cảnh giới còn nhiều đau khổ mà chúng sinh phải hứng chịu. Người tu hành trong cảnh Ta-bà phải nhẫn nhục, cho nên, cảnh ta-bà cũng có khi gọi là nhẫn thổ.

(Tiến trình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)



Gió bấc, gió nồm

Gió bấc là gió bắc. Gió nồm là gió nam 

Nhà Minh bãi bỏ bế quan tỏa cảng, các thương thuyền người Hoa từ Quảng Đông, Hải Nam tấp nập đi thuyền về hướng nam ghé nước ta. Dựa theo gió bắc vào mùa xuân, họ đến trao đổi hàng hóa và đợi đến gió nam vào mùa hạ, họ giương buồm trở về bắc.

 

Gío bắc thổi về… nam. Gió nam thổi về… bắc.



Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu 

Rách như tổ đỉa
Có người tưởng tổ đỉa là tổ con đỉa. Cũng chưa ai biết con đỉa có tổ hay không. Tổ đỉa ở thành ngữ này là cây tổ đỉa, một loại cây thường mọc ở ven bờ ao. Cây tổ đỉa có lá như lá cây đinh lăng, trông lởm chởm và rách như xé ra từng mảnh nhỏ.... 


Vì vậy, ai mặc rách rưới, người ta thường nói “rách như tổ đỉa.”



140 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Hình như sự thể đó đã thành ra công lệ. Cái công lệ ấy là phàm viết hồi ký, để tưởng nhớ một người bạn đã khuất, người viết chỉ nhắc đến những cái hay, cái đẹp của bạn chớ ít dám nghĩ đến chuyện phanh phui cái dở hay cái kém của bạn mình ra. Thiết tưởng đó là một lẽ thường.
Tưởng nhớ đến một người bạn thân mà giấu cái dở, cái kém của bạn đi, cũng là một điều hợp tình hợp lý, không nên chê trách. Viết hồi ký các anh em văn bút, hoặc đương ở xa, hoặc là đã mất, tôi vẫn quan niệm như thế; nhưng ở trường hợp Nguyễn Tường Tam, tôi muốn thành thực hơn thường lệ, đối với chính anh Tam và ngay cả chính với tôi, bởi vì một lẽ dễ hiểu: Nguyễn Tường Tam là một người đặt sự thành thật lên trên hết và sinh thời không tha thứ cho bất cứ một cái gì đậy điệm, giấu giếm hay phết sơn ra ngoài để lấy sự hào nhoáng mà làm mờ mắt người ta, cho người ta không lưu ý đến sự thối tha ở bên trong. 

Thực tình, tôi không phải là bạn thân của Nguyễn Tường Tam. Sinh vào cùng một thời, làm cùng một nghề văn chương báo chí, tôi chỉ có dịp gặp Nguyễn Tường Tam tại báo Ngày nay, Phong hoá và trong những buổi họp mặt lúc phát động phong trào "Nhà Ấnh Sáng", rồi sau này, tại trụ sở báo Việt Nam của Việt Nam Quốc dân Đảng ở Ngũ Xã và trong các buổi họp với cụ Nguyễn Hải Thần – lúc ấy tôi làm báo cho quân đội Lư Hán sang Việt Nam tiếp thu quân đội Nhật Hoàng thua trận… Nếu muốn tỏ ra thành thật với bạn đọc, với chính tôi, và với anh hồn của người đã khuất, tôi phải nói thẳng ra rằng tôi không có cảm tình đặc biệt với Nguyễn Tường Tam. Lý do? Tôi không thể nào giải thích được. Mà điều tôi có thể chắc chắn là chính Nguyễn Tường Tam cũng không có cảm tình đặc biệt với tôi. 

Nguyễn Tường Tam không thế: anh là một cây thành thật, không thể giả dối, không thể đóng trò, yêu thì yêu ra mặt và ghét ai thì cũng ghét ra mặt, chớ không thể ghét mà bảo là yêu, thấy đen mà nói là trắng, thấy cây trò, cây chẩu mà bảo là vàng tâm. 


(Nguyễn Tường Tam, một nhà văn "đa bất mãn hoài" – Vũ Bằng)



Đừng tưởng 

Đừng tưởng cứ tiến là lên.. 

Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm

(Bùi Giáng)



Thơ mới

Khi báo Phong Hóa bắt đầu năm 1932, đa số là những người trong tòa soạn còn rất trẻ. Nhất Linh mới có 26 tuổi, Hoàng Đạo, Thế Lữ, 25, Thạch Lam 23. Các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lemur Nguyễn Cát Tường… khi vẽ cho Phong hóa tuổi cũng còn trong khoảng từ 20 tới 27….


Hai báo Phong Hóa và Ngày Nay đã cống hiến cho người đọc những vần thơ mới, ngay từ khi chúng bắt đầu hé nở, và ủng hộ thơ mới cho đến ngày toàn thắng trên văn đàn. Thơ mới đã khởi đầu bằng bài “Tình Già” của Phan Khôi. Sau đó, Thế Lữ bước lên vững vàng, ngời sáng khi sáng tác những bài thơ phong cách hoàn toàn khác lạ, từ lối dùng chữ, đến âm điệu, đến ý tưởng… làm ngây ngất người đọc. Thi sĩ được Nhất Linh công nhận chất sáng tạo mới, trong bài giới thiệu năm 1933. Sau khi tập Mấy Vần Thơ của Thế Lữ ra đời, địa vị thơ mới nổi bật. Danh tiếng của Thế Lữ nổi vững vàng như người khởi đầu thơ mới. Trên báo ông bắt đầu khám phá, giới thiệu các thi sĩ trẻ.


Những chuyên mục như Tin Thơ, Tin Văn Vắn do Thế Lữ phụ trách trên Phong Hóa và Ngày Nay là những bài viết bàn về thơ, chỉ dẫn cách làm thơ, thưởng thức thơ và phê bình thơ rất sắc sảo… được các bạn yêu thơ đón đọc hào hứng, sôi nổi. Thế Lữ còn được các thi sĩ trẻ rất phục về việc sửa thơ dùm. 

 

Hai lần sửa nổi tiếng trên báo Ngày Nay là :
1- Câu thơ: Một tối bầu trời chẳng gợn mây, của Xuân Diệu, bài Mưa Đêm, được Thế Lữ sửa thành: Một tối bầu trời đắm sắc mây
2- Câu thơ: Trăng nằm sóng sượt trên cành liễu, bài Bẽn Lẽn của Hàn Mạc Tử, được Thế Lữ sửa thành: Trăng nằm sóng soải trên cành liễu.

(Phạm Thảo Nguyên - Giới thiệu Phong Hóa-Ngày Nay)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cũng con gà trống hoa mơ
Nó đi đạp mái hói trơ cả đầu
Hói thì hói có sao đâu
Nếu không đạp mái tóc, râu làm gì?



Đã có một thời…

Vĩnh biệt Hoàng Anh Tuấn 

Mới đây, tôi nhận được tập thơ của anh gồm: 18 bài thơ Hà Nội và 47 bài Ngoại tập. Đọc thích thú. Vẫn như những ngày nào khi bất ngờ thơ Hoàng Anh Tuấn xuất hiện trên báo hoặc trong số bạn bè. Lần nào cũng là một cú “chơi ngang” của Hoàng Anh Tuấn. Tôi không yêu bài nào hơn bài nào. 

Nhưng trong những cái thư điện tử của các bạn tôi khi báo tin Hoàng Anh Tuấn đã ra đi, có nhiều người đã nhắc lại những bài thơ mình yêu thích. Ông Hồng Dương ở Santa Ana thì còn cảm khái vô cùng với:
Hương còn ngấn ẩn trên môi
Ươm hơi rừng cũ, đượm mùi gỗ xưa
Mươt lá đợi, óng rêu chờ
Sững im cương thạch, quanh co ôn tuyền


Và ông Thanh Thương Hoàng ở San Jose thì còn ngân nga:
Hà nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấc chục năm, xa đến mấy ngàn năm
Giã từ em – mười bẩy tuổi – một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà nội yêu, áo lụa ngà óng ả
Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
Hai ngón tay nhón một trái ô mai
Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo


Đến đây tôi đồng ý với nhận định của anh Nguyễn Xuân Thiệp: “lục bát của Hoàng Anh Tuấn mới thể hiện hết những vẻ đẹp cấu trúc ngôn từ và cảm xúc”. Nhưng xem lại những bài khác của Tuấn, tôi lại phân vân, vì ở thể loại nào nhà thơ cũng mang đến cho tôi những cảm xúc mạnh mẽ vì chính trong tâm hồn tác giả cũng dông bão: 


Những ngây ngất chạy vòng quanh mê loạn 

Tưởng ngàn năm không thoát khỏi cơn điên
Bằng bất ngờ sợi tóc bạc đầu tiên
Em phát vãng nồng nàn vào xưa cũ


(Văn Quang)



Văn hóa chửi  

Dân gian thường chửi đổng để tránh tai vạ. Tiêu biểu cho chửi đổng là lối "chửi mất gà" của mấy bà miền Bắc:

 

Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, sáng hôm nay, con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ mày đã bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì mày buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào thằng tam đại tứ đại nhà mày lên, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cái nhà mày cho mà xem. Ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống âm phủ, mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ạ! 


(Bước đường cùng - Nguyễn Công Hoan)



Đã có một thời…

Vĩnh biệt họa sĩ Thái Tuấn 


Trở lại chuyện Sài Gòn trong những ngày vừa qua, đối với những người làm và yêu văn học nghệ thuật, sự ra đi của hoạ sĩ Thái Tuấn, “cây đại thụ” của hội hoạ VN là một mất mát lớn. Suốt cuộc đời ông không làm gì khác ngoài hội hoạ. Ông đã 90 tuổi và vẽ cho đến khi từ giã “cuộc chơi”, từ biệt bạn bè.


Suốt cuộc đời chỉ biết vẽ

Tang lễ cố hoạ sĩ Thái Tuấn chắc chắn sẽ có rất nhiều “anh em cũ” đến tiễn đưa “lão làng” về nơi an nghỉ cuối cùng. Nguyễn Nghiệp Nhượng nói với tôi như thế trước khi tôi từ Lộc Ninh về Sài Gòn .Tôi hiểu “anh em cũ” có nghĩa là những anh em hoạt động trong lãnh vực văn học nghệ thuật trước năm 1975 ở miền Nam, chứ chẳng riêng gì ở Sài Gòn. Hoạ sĩ Thái Tuấn đã trở thành một trong số vài nghệ sĩ nhiều tuổi nhất còn sống ở thành phố này. Ông trở thành “cây đại thụ”, cũng như những hàng cây cổ thụ mà từ khi những người Bắc di cư vào Nam năm 1954, đã nhìn thấy trên những con đường đẹp nhất thời bấy giờ.

(Văn Quang)



Kệ và thơ thiền

Kệ là văn chương nghi lễ cuả Phật giáo, như Kệ dâng hương , Kệ dâng hoa, Kệ vô thường buổi sớm.. Các Thiền sư thường làm kệ “thị tịch “ để căn dặn đệ tử trước lúc qua đời. Những bài kệ ấy vưà nói về giáo lý Phật vưà chứa đựng chứng ngộ cuả mỗi người . Thiền Uyển Tập Anh  nổi tiếng với những bài kệ như Thị Đệ Tử cuả Thiền sư Vạn Hạnh, Cáo tật Thị chúng cuả đại sư Mãn Giác. Khoá Hư Lục cuả Trần Thái Tông có Kệ ngũ giới , Kệ bốn núi ...


Về căn bản, kệ dạy giáo lý Phật bằng ngôn ngữ khái niệm. Nhưng khi chuyển thành ngôn ngữ hình tượng, kệ trở thành thơ thiền, ý nghiã tư tưởng chuyển hoá thành ý nghiã nghệ thuật. Thơ thiền là thơ tư tưởng. Cốt lõi tư tưởng thơ thiền là giáo lý Phật giáo. Mỗi bài thơ là một chứng ngộ tại thế về Chân Như cuả Thiền sư. 

Chẳng hạn:

Bát Nhã chân vô tông 

Nhân không, ngã diệc không 

Quá, hiện, vị lai Phật 

Pháp tính bản lai đồng.

(Lý Thái Tông)


Dịch: 

“Bát Nhã” thực vô tông 

Người không, mình cũng không 

Phật trước, nay, sau nữa 

Pháp tính vốn tương đồng 

(Ngô Tất Tố)

                                                                              

(Nguồn: Bùi Công Thuần)

 


Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Phan Khôi: Cây cứt lợn, Cây chó đẻ

Về phần tác phẩm của cụ Phan thì rất nhiều, một số được in ra, một số không ai dám in vì cái miệng Hỏa Lò rộng lắm mà lại có chấn song sắt và cai ngục là Tố Hữu. Cho nên tôi chỉ đọc được chút ít. Trong đó có tập Nắng Chiều. Cuốn này bị cấm nên không ai được đọc. Nhưng anh Võ Văn Ái sưu tầm được bài "phê phán tư tưởng phản động của Phan Khôi trong sáng tác" của Đoàn Giỏi đăng trong báo văn nghệ số 15-8-1958. Nhờ đó mà chúng ta biết được một phần nội dung cửa Nắng Chiều, mời độc giả đọc những đoạn trích từ tập sách kể trên.

"…Có một thứ thực vật nữa cũng như sen Nhật Bản, ở xứ ta trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy. Chỉ thấy trong mấy tỉnh Việt Bắc không chỗ nào là không có. Đầu tiên thấy nó rải rác ở tỉnh Phú Thọ, nhiều nhất là ở Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nó mọc trên thị trấn bị ta phá hoại như rừng ken kít nhau. Nơi gọi nó là Cỏ bù xít vì nó có mùi hôi như con bọ xít, nơi gọi là Cây cứt lợn, nơi gọi là Cây chó đẻ. Tên đều không nhã tí vào. Thứ cây ấy, người có học không gọi là Cây cứt lợn dại mà gọi bằng Cây cộng sản.

Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931 đồng thời với đảng Cộng Sản Đông Dương bắt đầu hoạt động. Phong trào CS cũng lan nhanh như thứ cây ấy cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là herbe communiste, đáng lẽ dịch nó là cỏ cộng sản, nhưng nhiều người gọi nó là cây cộng sản…”


Hỏi ông, tên nó là cây gì, ông nói tên nó là cỏ cụ Hồ. Thử cỏ này trước kia ở đây không có, từ ngày cư Hồ về đây lãnh đạo cách mạng thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường xá, đồi đồng, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thị gọi nó như vậy.

(Xuân Vũ)


Phụ đính:

Nhà văn Xuân Vũ tên thật là Bùi Quang Triết, tham gia kháng chiến ở miền Nam và tập kết ra Bắc năm 1954, đã hồi chánh năm 1968 khi được CS Bắc Việt đưa trở lại miền Nam trong chiến dịch tổng công kích Tết Mậu Thân. 

Với những kinh nghiệm bản thân của một nhà văn trong hàng ngũ cộng sản hơn 20 năm, nhất là hơn 10 năm sống ở miền Bắc, Xuân Vũ biết rất rõ sinh hoạt văn học ở miền Bắc. Sau khi hồi chánh, Xuân Vũ nổi tiếng ở miền Nam với tác phẩm “Xương Trắng Trường Sơn” và “Đường Đi Không Đến”, viết về những sự thật trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. 

Khi miền Nam VN sụp đổ, Xuân Vũ đã kịp di tản ra khỏi VN cùng gia đình và định cư tại San Antonio, Texas, Hoa Kỳ và tiếp tục viết cho đến ngày qua đời, 1/1/2004. 



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tình yêu như bát bún riêu.

Bao nhiêu sợi bún bấy nhiêu sợi tình.



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Phan Khôi; Xin cho tôi hỏi một câu

Trong một cuộc họp mặt ở số 2 Bà Triệu, ngang chỗ ngả tư Tràng Thi và Hàng Trống, đối diện với đồn Công An. Hàng Trống là con đường có cái trụ sở báo láo Nhân Dân. Cuộc họp này có mục đích yêu cầu của văn nghệ sĩ là đòi Trung ương giải thích mấy vấn đề gì đó. Ngươi đến nói chuyện là Trường Chinh. Ông ta rào đón trước: Vì bận họp Trung ương gấp nên chỉ gặp anh chị em trong vòng 10 - 15 phút thôi. Hẹn khi khác sẽ mạn đàm thêm. Và đúng 10 phút, ông ta xem đồng hồ, nói thêm ít câu rồi rút lui. Thế là xong buổi họp, toi công những người cuốc bộ tới đây... nghe Trung ương. Gã Cần Vụ xách cái pa-đơ-xuy-đơ-vin tới quàng lên vai ông Tổng Bí Thư như nhắc ông ra về. Một ông già gầy nhom chống gậy ra chặn ngang lối đi:

Xin cho tôi hỏi một câu.

Gã Cần Vụ đẩy ông ta sang một bên, nhưng ông ta còn cố nói:

Xin cho tôi hỏi một câu thôi.


Cả mấy trăm văn nghệ sĩ im phắc chờ đợi ông Tổng Bí Thư dừng lại và chờ nghe câu hỏi của ông già kia. Nhưng ông Tổng Bí Thư được gã Cần Vụ rẽ sẵn lối nên đi thẳng ra cửa mất tiêu. Ông già ngó theo. Mấy trăm cặp mắt phóng theo. 

Câu hỏi của ông già vẫn còn nằm trong bụng.

(Xuân Vũ)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nghe mấy đứa con gái than thở với nhau: 

Bây giờ giai đẹp đã hiếm thì chớ, chúng lại còn yêu nhau...



Chuyện bây giờ mới kể

Cuộc gặp gỡ với Hồ Dzếnh ở Sài Gòn cho tôi hiểu anh thêm. Chúng tôi có đủ thời gian cho những chuyện tâm tình. Cũng trong cuộc gặp gỡ này tôi mới biết trong sâu thẳm tâm hồn, Hồ Dzếnh có một vết thương khó lành và không đáng có. Dù anh đã có một chỗ đứng trong văn đàn Việt Nam, anh vẫn luôn cảm thấy có sự phân biệt: anh là nhà văn, nhưng là nhà văn người Tàu, hoặc tử tế hơn: nhà văn gốc Hoa.


Theo thống kê không mấy chính xác, năm 1978 và đầu năm 1979 đã có hai vạn rưởi người Hoa vượt biên giới phía bắc để trở về Trung Hoa. Nhà nước Trung Hoa đỏ đặt tên cho nó là “nạn kiều”. 

Tất cả bắt đầu bằng một tờ truyền đơn giả mạo tựa hồ của chính quyền Trung Hoa kêu gọi người Hoa mau mau trở về tổ quốc để tránh một cuộc “tắm máu” sắp xảy tới. 

Tờ truyền đơn do một tên vô danh tiểu tốt dưới sự khuyến khích của tên quan thầy nắm công tác tổ chức ở trung ương. Tác giả tờ truyền đơn về sau leo lên một trong những chức vị cao nhất trong hệ thống nhà nước. Công lao được ghi nhận của y là đã xua đuổi được hàng vạn người Hoa ra khỏi nước mà không tốn một viên đạn. Tổng số người Hoa rời khỏi Việt Nam từ Bắc chí Nam trong thời kỳ này lên tới gần một triệu, trong số gần hai triệu người Hoa sinh sống ở Việt Nam năm 1978.


Tôi được nghe anh kể những gì đã xảy ra với anh năm 1978:

“Tờ truyền đơn ấy có tác động kinh khủng. Người ta tin nó là thật. Họ chép lại, trao tay nhau, rồi lời đồn loang xa. Thế là người Hoa ùn ùn kéo đi. Có gì trong nhà mang ra bán cho bằng hết, lưng đeo ba lô, vai khoác tay nải, họ dắt díu nhau lên đường. Nước mắt lưng tròng, họ hối hả đi, thất thểu đi. Thảm lắm”.

- Còn anh thì sao? – tôi hỏi.

Họ đến nhà, giục gia đình tôi đi. Không phải một lần. Tôi lánh mặt. Anh tiếp

“Rồi họ cũng tóm được tôi. Bảo tôi đi theo. Đi thì đi. Ngồi lên command-car, hai người ngồi hai bên. Như sợ tôi chạy. Công an, tôi nghĩ. Họ đưa mình đi đâu đây? “Xe rẽ vào Hỏa Lò, anh ạ”. 

Cái Maison Centrale này người Hà Nội có ai không biết. 


(Vũ Thư Hiên)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chưa đi chưa biết Huế thương
Ði rồi mới biết cũng thường mà thôi



Phóng sự trên báo đầu tiên

Năm 1932, tờ Hà Thành Ngọ Báo đã khởi đăng phóng sự nổi tiếng nhan đề “Tôi kéo xe” của nhà báo Tam Lang (Vũ Đình Chí), mở đầu cho thể loại phóng sự trong làng báo Việt Nam. Viết về thân phận những người phu xe những năm đầu thế kỉ 20, “Tôi kéo xe” đã làm thức tỉnh những người có lương tâm trong xã hội.


Để viết phóng sự đầu tiên, nhà báo Tam Lang đã nhiều lần là… người phu xe để hiểu được sự nhọc nhằn của họ.

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)



Văn bia, cuốn gia phả bằng đá

Hầu hết bia chúng tôi tham khảo viết bài này đều tập trung vào đời nhà Lê (vua Lê chúa Trịnh) và triều Nguyễn. Chưa tìm thấy bia gia phả đời Đinh, Lê, Lý, Trần. Nhưng thật thú vị cũng có bia tạo dựng vào thời Tây Sơn, ví dụ như bia dựng năm 1795 đời Cảnh Thịnh Tây Sơn của dòng họ Ngô ở Sơn Tây.
Nội dung văn bia nói gì? 
Văn bia trong khuôn viên nghĩa trang dòng họ Nguyễn Hữu 
Có thể thấy bia đá cũng chính là một cuốn gia phả khắc bằng đá. Như gia phả khắc đá của họ Nguyễn Văn ở Tháp Dương, tỉnh Bắc Ninh. Gia phả khắc đá họ Ngô Vi ở Sơn Tây, ghi được 19 đời dài 500 năm. Gia phả Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, Sơn Tây, ghi được 33 đời trong đó Ngô Thì Nhậm (con Ngô Thì Sỹ ) là đời số 1. 

(Nguyễn Văn Hoa)



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Cái nôi của chữ Quốc Ngữ là ở miền Nam. Chữ quốc ngữ, báo chí, tiểu thuyết, dịch thuật khởi đầu, trưởng thành, và phát triển ở miền Nam rồi mới bành trướng ra Bắc. Một vài thí dụ như: 

Chuyện Đời Xưa (1886), Chuyện Khôi Hài (1882) của Petrus Trương Vĩnh Ký, Chuyện Giải Buồn, của Paulus Huỳnh Tịnh Của (1896). Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887), Tiết Phụ Gian Truân (1910) của Trương Duy Toản, Ai Làm Được(1912) của Hồ Biểu Chánh... 


Dịch thuật bắt đầu ở miền Nam. Một ít thí dụ như dịch từ sách Tàu thì có Trung dung (1875), Đại học (1877) v. v. Dịch từ chữ Nôm ra quốc ngữ có “ Lục Vân Tiên” (1889), Kim Vân Kiều (1878), Phan Trần (1889), v. v. Trươnh Vĩnh Ký dịch. Dịch từ truyên Tàu thì có Tây Hớn Chí, Tam Quốc Chí (1901)... được quần chúng miền Nam hưởng ứng nồng nhiệt, phát triển lên thành phong trào dịch (trên 50 bộ truyện), đọc và kể truyện Tàu. 

Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyển An Khương... là dịch giả tiền phong trong phong trào dịch truyện Tàu. Từ đó phong trào dịch thuật rồi mới phát triển ra Bắc (Phan Kế Bính dịch Tam Quốc Chí năm 1921).
(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)



Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên Đại Nam Quốc Âm Tự Vị là cuốn từ điển tiếng Việt quốc ngữ Latinh của Huỳnh Tịnh Của gồm hai tập: Tập I xuất bản năm 1895, tập II xuất bản 1896.

 

Bộ từ điển chứa nhiều thành ngữ, tục ngữ, từ ngữ về thảo mộc, cầm thú của Việt Nam và của miền Nam. Bộ từ điển này trở thành Từ điển Bách khoa toàn thư đầu tiên về Nam Bộ.



Sông Tô Lịch - 1 

Núi Nùng 

Nhiều người vào vườn Bách Thảo, thường chỉ tay vào gò đất cao cao ở đó mà giới thiệu như một sự hiểu biết đáng tự hào về lịch

sử Hà Nội:

– “Biết núi Nùng nổi tiếng ở đâu không? Kia kìa!”

Đó là một sai lầm chết người.

Ngọn núi trong vườn Bách Thảo bị nhầm là núi Nùng, có tên ghi vào các văn tự cổ, bản đồ cổ là Sưa Sơn. Vì chữ Hán không có âm nào để phiên âm tên gốc của ngọn núi là Sưa, nên người ta chép chữ Sư cho gần âm. Từ đó, quen dần đọc thành Sư Sơn.

 

Tên gốc của nó là núi Sưa. Cách gọi tên núi này giống cách người xưa gọi một ngọn đồi nổi tiếng ở Bắc Ninh là Lim, chỉ vì ở đó được trồng nhiều cây lim. Núi Sưa cũng vậy. Chỗ này vốn có rất nhiều cây sưa quý mà được gọi là núi Sưa, phiên sang chữ Hán là Sư Sơn. Núi Sưa (Sư Sơn) khác với núi Nùng.

 

Bởi núi Nùng là một ngọn núi nằm trong hoàng thành Thăng Long, ngày nay còn được gọi là núi Điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên được xây trên đất gốc của Long Đỗ Hương, gò đất cổ 2.000 năm.


(Gs sử học Lê Văn Lan)



Thuận Hóa 

Trong thời kỳ nước Nam Việt lại thuộc về Tượng Quận. Năm 116 trước Công nguyên, quận Nhật Nam ra đời thay thế cho Tượng Quận. Thời kỳ Bắc thuộc, trong suốt thời gian dài gần 12 thế kỷ, vùng đất này là địa đầu phía bắc của Vương quốc Chămpa độc lập. Năm 1306, công chúa Huyền Trân em gái vua Trần Anh Tông, "nước non ngàn dặm ra đi" làm dâu vương quốc Chămpa, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Rí (Lý) để làm sính lễ. Năm sau, vua Trần đổi hai châu này thành châu Thuận, châu Hóa

 

Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn giữ xứ Thuận Hoá mở đầu cho cơ nghiệp của các chúa Nguyễn. Sự ra đời của thành Hóa Châu có lẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. 



Sông Tô Lịch - 2

Đến giai đoạn Thăng Long, chúng ta cần phải quan tâm đến chuyện vua Lý Thái Tổ dời đô. Kinh đô của nước Đại Cồ Việt lúc đó đang ở Hoa Lư “thành thì hẹp, đất thì thấp”. 

Ông ta có thể chọn Cổ Loa. Sau An Dương Vương cả nghìn năm, Ngô Quyền lại định đô ở đó. Nhà Ngô lập nước từ 939 đến 965 thì sụp đổ. Vậy là cho đến lúc Lý Thái Tổ quyết định dời đô (1010) thời gian không hề xa. Thành Cổ Loa vẫn còn là một tòa thành tốt, lại nằm ở vị trí trung tâm. Nhưng ông đã không chọn.

Ông cũng có thể chọn ngay chính quê ông, Đình Bảng, Bắc Ninh. Vua đương triều thì chỉ cần ra một sách lệnh là gạch ngói, phu phen sẽ ùn ùn tập kết đến để xây kinh đô ngay. Lê Lợi xây kinh đô ở quê gốc của mình là Lam Kinh, Đinh Tiên Hoàng xây Hoa Lư cũng là ở quê mình. Nhưng Lý Thái Tổ không chọn quê để định đô. Mà ông lại quyết định chọn Đại La. Vì sao?

 

Vì tất cả những địa danh trên, từ Cổ Loa, Đình Bảng, Lam Kinh, Hoa Lư… đều ở phía bắc của sông sông Hồng, phía bắc của sông Tô Lịch. Chỉ có Đại La với trung tâm là điểm rốn rồng mới có sông Tô để làm hào sâu vừa để phòng ngự vừa để che chở. Thực tế sông Tô suốt cả 2.000 năm nay vẫn là một hào nước lớn của thành Đại La – Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Vậy là sông Tô phòng ngự cho kinh thành. 


(Gs sử học Lê Văn Lan)



Sài Gòn một chút quán xá

Tiệm phở kỳ cựu nhất Sài Gòn

Năm 1947, chàng thanh niên Trần Văn Phồn vào Sài Gòn và cũng sinh sống bằng nghề bán phở. Lúc đầu ông bán phở gánh ở đường Nguyễn Văn Giai (Tân Định), sau đó thuê một chỗ rộng và dựng quán lợp tôn ở đường Trần Cao Vân. Sau chủ lấy mảnh đất lại ông phải chuyển ra đường Mạc Đĩnh Chi gần đó.

Thời kỳ đầu ông Phồn bán phở, người bán chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong ký ức của ông, có phở 79 (nằm ở vị trí quán Dìn Ký, tức đường Nguyễn Trãi ngày nay), phở Minh, xe phở Tương Lai (nằm ở đường Lý Thái Tổ), phở Bình ở chợ Bà Chiểu…

 

Ông Phồn cười nhớ lại quá khứ.

Trong ký ức người Sài Gòn xưa phở Cao Vân được nhớ đến nhiều bởi treo thơ của cụ Tú Mỡ, bài thơ rất dài có câu:

Trong các món ăn "quân tử vị", 

Phở là quà đáng quý trên đời. 

Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi, 

Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ.

 

Ông Phồn chia sẻ, nấu phở là một nghề rất cực nhọc, dậy sớm, thức khuya. Có lẽ vì vậy mà nhiều thương hiệu phở lừng danh một thời cũng dần dà phai nhạt đi bởi người nấu lớn tuổi, con cái thấy cực khổ không muốn nối nghiệp. Từ 20 năm nay, ông Phồn có một người làm tin cậy nấu phở theo cách thức của ông, còn ông chỉ nếm phở xem đã đạt chưa. 6 người con của ông đã ở Úc và không còn ai theo nghề này nữa.

    (Tên nguyên bản “Phở Tàu Bay tân trang” – Nguyễn Đạt)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân


tự vị 字 彙 

Soạn giả vẫn giảng giải sai rằng, vị nghĩa là nói, tuy ông cũng biết rằng, tự vị cũng là tự điển. Ở Trung Quốc, ít khi người ta gọi tự điển là tự vị. “Tự vị” 字 彙 (phải đọc là tự hội mới đúng) vốn là tên bộ tự điển của Mai Ưng Tộ thời Minh, thu thập 33 179 chữ. Ðó là bộ tự điển chữ Hán lớn nhất trước khi có bộ Tự điển Khang Hy (ấn hành năm Khang Hy thứ 55, năm 1717, thu thập 47 035 chữ). 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

 


Sài Gòn một chút quán xá

Phở Tàu Bay


Phở Bắc có mặt và nổi tiếng lâu đời nhất là phở Tàu Bay. Tiệm tọa lạc tại số 435 đường Lý Thái Tổ, kế cận nhà thờ Bắc Hà, nhìn chếch sang bên kia đường là bệnh viện Nhi Đồng 1.

Khác với các tiệm phở nổi tiếng tại Sài Gòn, hầu hết xây dựng khang trang, tiệm phở Tàu Bay từ bao nhiêu năm năm nay là một căn nhà lụp xụp, nửa xây tường nửa ghép gỗ, mái tôn cũ kỹ. Chúng tôi ngờ rằng, từ năm 1954, tiệm Phở Tàu Bay di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn ra sao, nhiều năm sau vẫn vậy. Những lần phải sửa chữa vì thời gian làm hư hại chỉ là sửa chữa nhỏ, chắp vá mà thôi.


Khoảng nửa năm nay tiệm phở Tàu Bay đã được đại tu, xây dựng lại, bộ mặt thay đổi hoàn toàn. Là khách hàng thường xuyên của phở Tàu Bay từ nhiều năm, chúng tôi không nói phở Tàu Bay là phở ngon nhất, nhưng là phở đặc biệt, hương vị không lẫn với bất cứ phở của tiệm phở danh tiếng nào tại Sài Gòn. Chúng tôi nhận thấy phở Tàu Bay khác phở Hòa ở đường Pasteur ở chỗ ăn không dễ ngán dù tô phở to bự đầy ắp, giá cả tô phở của phở Tàu Bay vẫn rẻ hơn phở Hòa chút ít. 


So với phở Dậu ở Cư Xá Hàng Không cũ tại đường Công Lý thì giá cả tô phở của phở Tàu Bay rẻ hơn nhiều. Hơn nữa, nhiều người cho rằng cung cách phục vụ của nhân viên tiệm phở Dậu khá “chảnh,” khách ăn thường hỏi rau húng rau quế, luôn bị nhân viên phục vụ của tiệm phở Dậu nói thẳng là không biết ăn phở: “Phở đúng là phở chỉ dùng chút hành ngò, không ăn thứ rau nào khác với phở được!” Điều này không hợp khẩu vị của rất nhiều khách ăn phở tại Sài Gòn, luôn luôn ăn phở cần có dĩa rau thơm các loại, kể cả xà-lách để cho vào tô phở. 


Chúng tôi là khách ăn phở tại tiệm phở Tàu Bay từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bà chủ tiệm phở Tàu Bay luôn luôn đứng ở quầy chế biến, nấu phở. Ông chủ tiệm Phở Tàu Bay có dòng con riêng, sau tục huyền với bà chủ tiệm phở Tàu Bay. Bà không có con, nhưng làm phở thì rất rộng tay. 

Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông chủ tiệm phở Tàu Bay có gương mặt giống thủ tướng Phan Huy Quát mất trước ông thủ tướng đi “học tập cải tạo”. Bà chủ tiệm phở Tàu Bay vẫn tiếp tục đứng ở quầy chế biến phở, tô phở Tàu Bay vẫn đầy thịt như mọi khi, đặc biệt là những tô do chính bà chủ làm cho khách. Có thời gian bà chủ tiệm Phở Tàu Bay ngã bệnh phải nghỉ làm việc. Khỏi bệnh, bà tiếp tục công việc khoảng một năm sau thì qua đời. 


(Tên nguyên bản “Phở Tàu Bay tân trang” – Nguyễn Đạt)

 


Giai thoại về tên

Có tên rồi, phải xưng tên mình và gọi tên người cho đúng cũng không kém phần quan trọng bởi danh có chính thì ngôn mới thuận. Câu chuyện dân gian sau đây thường được nhắc đến cho sự tinh tế của ngôn ngữ tiếng Việt từ cái việc gọi tên đó thôi:

- Ai ơi, vô ăn cơm

- Cơm ai nấu 

- Nấu chứ ai 

(Tản mạn về cái tên – Thân Trọng An)













 


Không có nhận xét nào: