Sử Quan với Hồng Bàng Truyện
sử lịch phai trang
chạy quàng
là lịch sử…
Chạy quàng thế nào chả biết nữa, vấp phải “sử lịch… sai trang” trong Lá Hoa Cồn của Bùi Giáng, lại đụng đầu với sử gia hàng thứ tư trong tứ trụ sử gia Hà Nội (Lâm, Lê, Tấn, Vuợng), ông luận sử: “Truyền thuyết không phải là lịch sử, không ít truyền thuyết được tạo thành chính sử. Chức năng của sử viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử có thật, vậy mà lịch sử thời vua Hùng từ truyền thuyết dân gian đi vào chính sử”
Ông còn nhấn mạnh: ”Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu ”.
Với hư cấu, qua truyền thuyết về vua Hùng lần đầu tiên xuất hiện trong Việt Điện U Linh Tập (Lê Hữu Mục 1960) của Lý Tế Xuyên. Họ Lý dựa vào Tăng Cổn viết vua Hùng chỉ là nhân vật phụ trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh: Hùng Vương có người con gái tên là Mỵ Nương đẹp tuyệt trần. Thục Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Lạc hầu cản: “Ông ấy muốn dòm dỏ nước ta đó. Vì vậy Hùng Vương sợ sinh ra hiềm khích.
Qua một nhà biên khảo, khảo sử hặm hụi...
Nhưng linh động và hồn nhiên nhất là giai thoại giữa Hùng Vương và quan Lạc Hầu. Hùng Vương trong chuyện này là ông nhu nhược và ba phải. Qua đối thọai với quan Lạc Hầu, nói lời nào chỉ thấy “vua muốn gả”, “vua sợ”, “vua cả mừng”, “Hùng Vương cho là phải” v. v. Tài viết truyện của Lý Tế Xuyên là ở chỗ ấy. Ông làm cho người đọc theo dõi câu chuyện từng chi tiết nhỏ nhặt, càng đọc càng thấy thích thú.
Việt Điện U Linh Tập được Lý Tế Xuyên viết năm 1329, vua Hùng không được nhắc đến nhiều, phải đợi đến Lĩnh Nam Chích Quái (Lê Hữu Mục 1959) qua truyện Dưa hấu, Bánh dầy bánh chưng. Ông là người tới sau xuất hiện gốc tích mù mờ tên là Trần Thế Pháp. Với truyện truyền kỳ Sùng Lãm… "lấy cá đẻ ra trứng”. Ông chắp vá một số truyện cổ tích ở vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam của Tàu) như Tài Quý ký hay Nam Hải Cổ Tích ý, để thành chuyện Hồng Bàng Thị (họ Hồng Bàng) hay Hồng Bàng Truyện.
Sử thần Ngô Sĩ Liên là Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, kiêm Tu Sọan Sử Quán đời Lê Thánh Tông viết bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông cũng viết thế: “Truyện được ghi chép bởi Trần Thế Pháp, người Hoa sống vào thế kỷ 14, Trần Thế Pháp chỉ muốn gán ghép nguồn gốc Hoa cho Sùng Lãm. Vì vậy chúng ta chỉ nên coi truyện họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái như dựa trên chuyện dân gian nào đó, thêm thắt tình tiết cho có vẻ ly kỳ".
Chuyện ly kỳ với nhiều và rất nhiều tình tiết...
Cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh, nhân tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, gặp một nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục làm vua hiệu là Kinh Dương Vương xuống thủy phủ lấy con gái hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm lên ngôi, xưng Lạc Long Quân.
Dân lúc nào có việc cần kêu Lạc Long Quân: Bố ơi không đến mà cứu chúng tôi. Một ngày “Bố ơi” gặp nàng Âu Cơ ở một mình… thấy đẹp lạ lùng, yêu quá, nên lấy làm vợ. Giáp một năm, sinh ra bọc trứng và nở ra trăm con. Chia đều làm hai, 50 theo mẹ lên núi, 50 theo Lạc Long Quân trở về thủy phủ, Âu Cơ lại gọi: Bố ơi không về để mẹ con ta thương nhớ.
“Bố ơi” về thật và nói: Ta là rồng ở thủy tộc. Nàng là tiên ở trên đất. Thủy hỏa tương khắc khó mà ở cùng nhau. Âu Cơ trở lại huyện Bạch Hạc, phong cho con trưởng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, truyền được 18 đời và được gọi là Thời Hồng Bàng.
Đọc ngọai kỷ tức ngoại sử, trộm thấy Sử thần Ngô Sĩ Liên là sử quan chừng mực. Ông không đưa đọan Âu Cơ…"dâm lọan” hai chồng. Vì Trần Thế Pháp viết Âu Cơ trước kia là “vợ của Đế Lai, con của ông bác ruột, tức anh họ của Lạc Long quân”. Ông anh họ chu du khắp thiên hạ ham vui quá quên cả ngày về. Ở nhà, ông em họ thấy Âu Cơ dung mạo đẹp lạ lùng và yêu quá. Nàng cũng thấy chàng nhi lang phong tú nên phải lòng ưng theo. Trong phàm lệ, ông ghi: “Cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ đời ấy còn hoang sơ chăng?” Ông làm ngơ bỏ qua đọan trong Lĩnh Nam Chích Quái: “Giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, Âu Cơ cho là điềm không hay, nên đem vất bỏ ngòai đồng nội, hơn bẩy ngày sau, trong bọc nở ra một trăm trứng”.
Chuyện Âu Cơ đẻ ra 100 trứng, Tự Đức phê: “Kinh thi có câu tắc bách tư nam, đó là lời chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi. Xét đến sự thực chưa đến số ấy. Huống chi lại trăm trứng! Nếu quả vậy thì khác gì chim muông”.
Đến đây, mụ sử tôi lễnh đễnh với địa dư về nước Văn Lang:
Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải.
Về địa dư, Khâm Sử nhà Nguyễn có phần cẩn án: “Địa giới nước ta đại để nhiều sự việc trong Việt sử thất truyền đã lâu, không dựa vào đâu mà khảo đính được. Sử cũ lại chép quá xa, hư truyền nước Văn Lang phía bắc giáp Động Đình hồ của nước Sở thì còn xa lắm “.
Chìm đắm trong hỏa mù gốc gác tộc Việt từ dòng Bách Việt, sử gia Phạm Văn Sơn viết trong Việt Sử tòan thư: ‘’Lấy gì để căn cứ nói rằng chúng ta là một trong nhóm Bách Việt và dẫn chứng bằng hình dáng, tính tình, phong tục để ấn định nguồn gốc và dòng giống ẩy‘’.
Các sử quan, sử gia sau với nước Văn Lang và vua Hùng đã quên lời dặn dò của Ngô Sĩ Liên: “Nước ta thiếu sử sách biên khảo, mà đều do truyền văn. Sao chép có phần quái đản, phiền tạp, chỉ làm lọan mắt”. Mà lọan mắt, phiền tạp và quái đản thật…Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối chương về thời Hồng Bàng, bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: “Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế”. Ông cho là: “Tin sách chẳng bằng không có sách, tạm thuật lại để truyền lại đời sau sự nghi ngờ thôi”.
Hai sự kiện các sử quan, sử gia sau thường bỏ sót:
Thứ nhất: Các vương hiệu của Hùng Vương viết bằng chữ Hán: Hùng Huệ Vương, Hùng Tấn Vương,… trước khi người Hán đến nước ta. (nhà Chu nước Sở xem tr 3)
Thứ hai: Kinh Dương Vương hoàn toàn là một thứ tên hiệu tiếng Hán ròng, mang nghĩa vua của đất Kinh và Dương là hai châu của nước Sở, thời Xuân thu Chiến quốc
Đậu vào mắt câu: “Âu Cơ người gốc Động Đình Hồ”. Mụ chữ tôi bợm bãi chuyện ở bên Tây có ông lang Ta viết sử… cái trứng. Chuyện khi có chứng tích ắt có nguyên ủy, ông lang giải bày ông học Nam sử bằng chữ Nho từ tấm bé, bỏ tiền túi sang tận bên Tàu năm lần mười lượt. Lần mò lên tận núi Ngũ Lĩnh, láo quáo xuống tận Động Đình hồ có sông Tương tìm ra một nhánh sông tên… Âu giang. Ở đây có một giống chim là chim… hải âu. Thế là tích ông Lạc Long quân và bà Âu Cơ được giải mã: Chim hải âu đẻ ra… trứng.
Từ chim hải âu đẻ ra trứng, cái đầu đậu phụ sũng nước mụ chữ tôi nhão nhọet ra gốc tích của vua Hùng qua một ông lang Tây có bằng cấp chứ chả phải ông lang Ta ở trên:
“Để hiểu rõ cổ sử Việt ta, hãy đi tìm “mã số di truyền học” (genetic code) hay mã số DNA của vua Hùng Vương. Muốn thế ta phải dựa vào bản thể của tế bào gốc của Tổ Hùng, tức là ta phải dựa vào tế bào cuống nhau, tế bào màng nhau, tế bào bọc con của Hùng Vương. Mẹ của vua Hùng là U cò tức con cò gió, cò lả, cò lang. Cò lang tức cò trắng vì “lang” là trắng như bị chứng lang da (chứng vitiligo)”.
Thiền sư Lê Mạnh Thát trong Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta:
1. Truyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con có nguồn gốc từ nước Phật.
2. An Dương Vương không có thật, nó là phiên bản của một câu chuyện Ấn Độ.
Lạc đường vào lịch sử với lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu, thì
Bộ sử đưa truyền thuyết vua Hùng vào sử sách là Đại Việt Sử Lược ghi chép từ đời Hùng Vương đến nhà Lý. Sách bị thất lạc khi giặc Minh vơ vét sách vở, bản gỗ có chữ mang về Tàu, mang theo cuốn này, cuối cùng năm 1776 lọt vào tay Càn Long. Bộ sử bị mất nhưng được biết đến nhờ học giả người Nhật tìm thấy ở Bắc Kinh. Năm 1792, Tiên Hi Tộ sử gia nhà Thanh cắt chữ “Đại” còn lại Việt Sử Lược, không ghi tên tác giả.
Việt Sử Lược được Tiên Hi Tộ tự ý hiệu đính: ‘’Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước CN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng do thuật, áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương‘’.
Tuy nhiên Việt Sử Cương Mục của Hồ Tôn Thốc mới là bộ sử đầu tiên viết về lịch sử và truyền thuyết vua Hùng. Nhờ vào Lời Tựa trong “Việt Sử Cương Mục” của Phan Huy Chú
“Đất Việt ta từ đời Hồng Bàng vào thời cõi xa, trong lúc sách vở chưa đủ, nếu là có thực thì “bởi đâu mà biết?” Cho nên những chuyện cóp nhặt đều là lượm lặt ở chuyện đồn đại, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích lờ mờ khó xét, tạm giữ để đó, những chuyện quái đản không đợi cũng sẽ bị phá vỡ”.
Đến đây, mụ sử tôi nói vãi thì lại nói vơ theo văn khố Dòng Tên ở Roma có một bức thư của thầy Igesco gửi thầy Marini ngày 12-9-1659 về “một tập lược sử nước Annam”. Tập Lịch Sử Annam bằng tiếng quốc ngữ. (những bộ sử thời Lê-Trần với Hán tự). Chỉ dài có 12 trang chữ nhỏ li ti khổ 19×28 nhưng chứa đựng khá nhiều sử kiện về lịch sử nước Việt từ thời Hùng Vương đến thời Trịnh Nguyễn. Có thể coi đây là bản sơ thảo về lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ Việt sau khi quyển từ điển tiếng Việt đầu tiên ra đời năm 1651.
Trở lại với Ngô Sĩ Liên lấy bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên làm mẫu mực viết từ đời Hồng Bàng tới cuối đời Lê để viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Ông viết: “Trộm nghĩ may thịnh trị, tự thẹn không chút báo đền, nên không tự nghĩ sức học kém cỏi, lấy những bộ sách của tiền nhân trước đây và sửa sang lại. Thêm phần Ngọai Kỷ ông chép là dã sử: “Vì vậy thời đại mở nước mang tính chất nửa huyền thoại, nửa lịch sử như Kinh Dương Vương, Hùng Vương”.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chỉ gọi 18 đời vua Hùng vương theo thứ tự số, như Hùng vương thứ 6, Hùng vương thứ 18, v…v... Vậy các sử gia tìm ở đâu ra 18 tên và niên đại?
Để trả lời cho câu hỏi này, một giáo sư sử học miền Nam trích đoạn trong Sử Ký của Tư Mã Thiên quyển 40, trang 141, cột ba: “Đời Thành Vương nhà Chu có họ Hùng ở đất Sở được vua phong cho đứng đầu các giống man di ở đấy. Họ Hùng truyền được 18 đời: Hùng Dịch, Hùng Nghệ, v…v…” Dựa dẫm vào ghi chép trên của Tư Mã Thiên, các sử gia ta tạo dựng lên đầy đủ tên 18 vua Hùng và tuổi thọ mỗi vị vua trung bình là… 145 năm.
Về vua Hùng, theo Keith Weller Taylor qua The Birth of Vietnam: “Năm 1925, tạp chí Nam Phong đã in bài viết do một người Mường viết về những thế hệ lãnh đạo được gọi Quan Lang là tước hiệu của thủ lĩnh người Mường như Hùng Vương, Lê Lợi“. Và “từ Hùng có nguồn gốc từ một danh hiệu của người thủ lĩnh đến nay vẫn còn tồn tại trong ngôn ngữ của các dân tộc nói tiếng Môn-Khmer, tiếng Mường sống tại các vùng núi”.
Cũng với vua Hùng, sử gia thâm căn cố đế Trần Quốc Vượng cho rằng…
”Thời Hùng Vương là một thời kỳ khuyết sử”. Qua sử phẩm Từ Hoa Lư đến Thăng Long tôi viết: “Thời đại các vua Hùng không nên xem là một thời đại của vương triều. Vì tôi đã tìm ra vua Hùng tên tiếng Việt cổ là Pò Khun (Vua = Bua = Pò, Hùng = Khun) tức hệ thủ lĩnh Mường chiếm cứ vùng đỉnh núi châu thổ sông Hồng (Việt Trì)”.
Đồng thời Ngô Sĩ Liên dựa vào Việt Nam Thế Chí của Hồ Tông Thốc đời Trần để đưa thời đại Hùng Vương vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Ngô Sĩ Liên sao chép 18 đời vua Hùng rập y khuôn 18 đời vua nhà Hạ, triều đại Hồng Bàng ở bên Tàu. Nhưng sử Tàu không chép Phục Hy, Thần Nông thuộc thời kỳ Hồng Bàng của họ vì là huyền thoại.
Với Phục Hy, Thần Nông, sử sách Hà Nội hôm nay rập khuôn theo Tàu: “Tập san Văn Sử Địa miền Bắc có phụ bản bài viết về Phục Hy, cụ tổ Trung Quốc chính là người làng Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây ta. Dưới chân núi chùa Tây Phuơng có miếu của Tổ là nơi “bác Hồ” rút khỏi Hà Nội khi về Chùa Thày. Mỗi lần bác tập xe đạp đều ghé miếu lạy Tổ ta cúng hẹ (sic) và cơm trắng…” Cũng với tập san sử địa này ghi chép theo 18 đời vua Hùng của sử nhà Nguyễn: Hùng Triêu vương, huý Cảnh Chiêu Lang làm vua 94 năm, sống 286 tuổi có 60 vợ, sinh 40 con trai và 16 con gái, có 56 chi và sinh ra 399 cháu chắt.
Hết “từ Hùng” và “quan lang” ở trên, mụ chữ tôi quắn đầu với chữ ”vương” và “Lạc vương” qua Hán tự, chữ Việt cổ của sử gia trong nước Thiếu Khanh, Lê Thành Khôi...
“…Chữ Vương (王) được người Tàu cổ thể hiện bằng ba vạch nằm ngang được cho là tượng trưng Tam Tài (thiên, địa, nhân) và một vạch dọc nối liền ở giữa ba vạch ngang ấy, ngụ ý một “đấng” nối thông tam tài, tức kết nối con người với trời và đất. Con người có khả năng nối thông tam tài đó phải là một bậc thánh nhân hiểu thấu lẽ huyền vi của vạn vật…”
Đầu trỏ xuống cuống trỏ lên, có thể hai sử gia Hà Nội trên nghe hơi nồi chõ qua Tiên Hi Tộ: ‘’ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng do thuật, áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương‘’ nên họ lọ mọ diễn sử tiếp:
”…Sách Hán tự của Lý Lạc Nghị cho thấy chữ Vương-giáp-cốt-văn (), tức loại chữ khắc trên mai rùa xương thú có hình dạng một người đứng dang tay như một pháp sư cầu khẩn trời đất. Trước đó, năm 1968, trong giới nghiên cứu sử học tại miền Nam nổi lên một cuộc tranh cãi về Lạc Vương hay Hùng Vương. Nhân có người giở lại đề xướng trước kia Henri Maspéro, một nhà nghiên cứu người Pháp, cho rằng không có Hùng Vương mà chỉ có Lạc Vương, vì rằng các nhà chép sử Tàu đã chép nhầm tự dạng Lạc Vương (雒 王) ra Hùng Vương (雄王) khiến các sử gia Việt nhầm lẫn…”
Quay quả cùng sử thần Ngô Sĩ Liên với người phương Bắc muốn đồng hóa người Việt bằng cách cho cả hai là một dòng của người Tàu. Sau một ngàn năm đô hộ, họ để lại rơi rớt một ông con lai là Trần Thế Pháp với hai dòng máu Tàu-Việt. Vì vậy, qua Lĩnh Nam Chích Quái, Trần Thế Pháp gán ghép nguồn gốc Hán tộc cho Lạc Long Quân. Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng như bất cứ ai, viết sử nhưng không có đủ tư liệu để viết sử dài dằng dặc… “12 thế kỷ sau thời vua Hùng”. Vì sau nhiều năm bị đô hộ bởi Hán tộc, cụ sử thần mượn truyền thuyết Tam vương ngũ đế với 18 vua Hùng để quân bình ngôi thứ, hai chủng tộc mang cùng một huyết thống, hầu mong tránh cảnh nồi da xáo thịt.
Thêm vấn nạn Việt Nam với 4.000 năm văn hiến. Theo một nhà biên khảo lão thành tiếng Việt ta không có chữ nào tương đồng với chữ “văn hiến”. Cho đến khi thời Trần Dụ Tông, vua Minh tặng cho sứ thần Dõan Thuấn Thuần bốn chữ “Văn Hiến chi bang”, mục đích nâng sứ thần ta trên sứ thần Triều Tiên ba cấp. Với tận tín thư bất như vô thư qua nguồn nào đấy: Trần Trọng Kim (?) là người đã đưa vào văn học sử câu: Việt Nam 4000 năm văn hiến. Tuy nhiên với mụ chữ tôi đó chỉ là hư truyền, vì cụ Trần Trọng Kim là người cẩn trọng, như qua Việt Nam Sử Lược với họ Hồng Bàng, cụ có từ… “theo tục truyền”.
Bởi thế mụ sử tôi bám như cua cắp theo giáo sư sử học Trần Quốc Vượng dịch Việt Sử Lược sang Việt ngữ ông mới hay biết: Vua Hùng lập quốc khoảng 700 năm trước CN. Cộng chung 2.700 năm chứ không phải 4.000 năm.
Một là sử học hôm nay với sử gia đứng hàng thứ ba trong tứ trụ sử gia Hà Nội, vì muốn có chiều dài lịch sử như Tàu. Ông kéo dài sử Việt tới... 5.000 năm.
Hai là đền Hùng thờ 18 đời Hùng Vương ở núi Nghĩa Lĩnh, thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú (Phú Thọ). Đền Hùng ngày nay được xây cất từ thời Pháp, trước thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế thế giới hay sau Thế chiến thứ nhất thời Pháp thuộc.
Tuy nhiên những thần tích và ngọc phả khi được viết lại bởi các nhà nho sau ghi chép đầy đủ 18 đời vua với đầy đủ duệ hiệu, phả hệ các vua Hùng với tên tuổi cùng thời gian trị vì. Một điều không xẩy ra được: Vì vào thời vua Hùng, chúng ta hoàn toàn chưa tiếp xúc gì với người Hán cả. (Nguồn: Tạ Chí Đại Trường).
Về ngày lễ, bia ký ở đền Thượng ghi rõ: Tục lệ dân xã Hi Cương, phủ Lâm Thao lấy ngày 11-3 là ngày thờ thổ kì, tức thổ địa“. Hùng vương” làm lễ riêng. Khải Định ra chiếu chỉ: Từ nay lấy ngày 10-3 làm lễ Hùng Vương. Tức lùi lại… một ngày để kịp vua đi Tây dự “Hội chợ thuộc địa Marsheille” năm 1922. Từ đấy mới có câu ca dao: “Nhớ ngày mồng Mười tháng Ba…” lững thững đi vào văn học. Dị sử, dật sử, thần phả, phả ký, huyền tích, truyền thuyết là thế đấy. Với truyền thuyết, khác gì ở trang đầu, sử gia Trần Quốc Vượng đã nói một câu tròn vành rõ chữ: “Truyền thuyết không phải là lịch sử, không ít truyền thuyết được tạo thành chính sử. Vậy mà thời vua Hùng từ truyền thuyết dân gian đi vào chính sử ”. Ông nhấn mạnh thêm: ”Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu ”.
Ngỡ đây là kết cấu, nhưng đọc tiểu thuyết lịch sử Vàng Lửa của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tới ba kết luận. Ấy vậy mà mụ chữ tôi góp nhóp chỉ được hai. Một trong hai trích từ bài Từ Huyền Sử Đến Sự Thật của nhà văn tỵ nạn quê đất Hưng Yên dàn trải dưới đây:
Kết luận I
“…Thật sự, những người quan tâm tới tới lịch sử, văn hoá nói chung không nhiều. Một số người còn tỏ vẻ coi thường, cho Hồng Bàng là chuyện vớ vẩn khó tin. Ngay cả với trống đồng nếu không xác nhận được địa bàn của tộc Việt, lại tranh cãi tỷ như ai là chủ nhân trống đồng, kinh Dịch, văn minh lúa nước, chỉ loanh quanh giữa các học giả người Việt, những tấm lòng son “cô quạnh giữa hoang phế miếu đường”. Trái lại, một số bài viết/tác phẩm công phu/dài hơi, huyền thoại hóa thêm truyền thuyết, khiến truyền thuyết/lịch sử dường như chỉ dành cho giới... viễn tưởng. Những buổi nói chuyện về tiểu phẩm/tác phẩm lịch sử chỉ lôi cuốn được một số người lớn tuổi. Những về nguồn, di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, 4000 năm văn hiến... được lập đi lập lại trong các bài bình luận/diễn văn hiếm khi nêu rõ nguồn gì, di sản ấy là gì, bản sắc gì, giữ gìn thế nào, văn hiến tính từ hồi nào…”
Kết luận II
Văn chương thiên cổ sự của người sử nữ trên không “cô quạnh giữa hoang phế miếu đường” vì có thêm nhà văn Nhược Trần, người Hà Nội qua bài viết Về Chuyện Mới Cũ...
“…Con người, xã hội, và văn hóa Việt Nam có vấn đề, lấn cấn rất nhiều vấn đề. Tôi ví nó như một lọ mắm tôm, vừa ngon, vừa đậm đặc lại vừa có cái mùi thum thủm khó ngửi. Ở đây, những điều được xem là “bản sắc”, là “cá tính dân tộc” hay “đặc thù văn hoá” cần được xét lại toàn bộ. Thử xem, sẽ trải bao thế hệ nữa, dân Việt mới thôi không còn ngửa mặt ngạo nghễ về những thành quả của những tự hào về các ý niệm mơ hồ như “bốn ngàn năm văn hiến”, “con rồng cháu tiên”, “tự đề cao dân tộc tính”, v…v… đã thật sự thiếu cơ sở và trở nên vô cùng lố bịch. Việt Nam sẽ muôn đời không thể ngóc đầu lên được, nếu chúng ta mãi cứ tự mãn về cái nguồn gốc rồng chim của mình. Một dân tộc thấp kém mới phải thường xuyên bám víu vào huyền thoại, tự kỷ ám thị để làm cuộc “phong vương” cho mình…”
Trúc gia trang
Ất Dậu 2005
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(viết lại 2007, 2014, 2020, 2021)
Nguồn:
Trần Đại Sĩ, Nguyễn Xuân Quang, Trần Đỉnh, Nguyễn Văn Lục
Trần Nhật Vy, Nguyên Nguyên, Trần Vân Hạc, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Đăng Thục, Hà Văn Thủy, Trần Thị Vĩnh Tường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét