MÙA XUÂN ĐỌC CỔ THI
Nguyễn Đức Cung
Cách nay hơn nửa thế kỷ, vị thầy khả kính của tôi tại Viện Hán Học Huế, Linh mục Giuse Maria Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978) đã dạy chúng tôi một bài thơ nhỏ sau đây mà câu đầu đã chọn khung thời gian là mùa Xuân:
Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì,
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
春 遊 芳 草 地
夏 賞 綠 荷 池
秋 飲 黄 花 酒
冬 吟 白 雪 詩
Tạm dịch:
Xuân chơi vùng cỏ thơm,
Hạ ngắm hồ sen biếc,
Thu uống rượu mai vàng,
Đông ngâm thơ bạch tuyết.
Đây là một bài thơ nhỏ nghĩa là ngắn nhưng mà rất chỉnh và hay. Bài thơ nêu lên thời gian bốn mùa khỉ sự là mùa xuân vần chuyển theo dịch lý Đông Phương trong một vòng tròn khép kín đến hạ, tới thu, qua đông rồi tiếp tục sang xuân… Chữ du trong bài thơ nhắc đến hai chữ du lãm, du lịch (tourism) nói về thú vui của con người không chỉ ngày xưa mà cho đến nay, không chỉ ở Trung Hoa mà còn khắp thế giới. Tôi không biết ở VN ngày nay còn có vùng đất nào được mệnh danh là “phương thảo địa” (vùng đất cỏ thơm) hay không vì trong một tin chợt thoáng thấy trên Net, rừng nguyên sinh ở VN bây giờ chỉ còn có khoảng 25% mà thôi, còn 75% thì đã biến thành tiền nằm trong ngân hàng của các tay tổ đảng cướp CS rồi.
Với văn hào Lâm Ngữ Đường, “một người du lãm luôn luôn là một người phóng lãng, có những cái vui, những cái cám dỗ, cái tinh thần mạo hiểm của người phóng lãng. Du lãm phải là phóng lãng, không có cái gì bó buộc, không có giờ nhất định…” (Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nhà xb. Văn Hóa, 1999, trang 278). Câu thơ như vậy đã không chỉ giới hạn ở vùng “phương thảo địa” mà có một phạm trù rộng lớn hơn, đa dạng và phong phú hơn. Phương thảo địa chỉ là một hình ảnh tượng trưng hơn là một thực thể được nói đến của câu thơ.
Nếu chữ du biểu trưng cho động thái của tay chân thì chữ thưởng trong câu thứ hai lại bao gồm các hành vi ngũ quan và trí não, một sự phối hợp của nội tâm và ngoại giới. Một vị thầy dạy chữ Hán của tôi, Linh mục Sảng Đảng Nguyễn Hy Thích (1891-1978) đã có bài thơ viết về hồ sen Tịnh Tâm ở trong Thành Nội Huế cũng khá hay, ngâm nga hay hát theo điệu cổ nhạc xứ Huế cũng được. Ngày nay nghe nói ở làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, một làng nổi tiếng ở Miền Trung cũng có rất nhiều hồ sen được nhiều người đến thưởng ngoạn.
Hồ sen Tịnh Tâm
Câu thơ thứ ba cho tôi một vài nghịch lý trong suy nghĩ khi đọc trong cuốn sách có tựa đề “Sống Đẹp” của nhà văn Lâm Ngữ Đường. Họ Lâm viết rằng: “Người Trung Hoa có thể dạy người phương Tây về cách thưởng trà, nhưng người phương Tây có thể dạy lại người Trung Hoa về cách uống rượu.” (Lâm Ngữ Dường, Sách đã dẫn, trang 223). Sách của họ Lâm đề cao rượu Thiệu Hưng là thứ rượu rất nổi tiếng đến nỗi ở huyện này, nhà nào sinh con gái thì cha mẹ gây ngay một hũ rượu rồi cất giữ, khi con gái xuất giá cho nó mang theo với những thứ đồ tư trang, như vậy nó được một món quý, một thứ rượu cũ đã hai chục năm. Trên cái hũ đó, người ta vẽ hoa cho đẹp, vì vậy mà hũ có tên là “hoa điêu” (trang 224). Ở dưới chú thích nhà văn Nguyễn Hiến Lê cho biết ở tỉnh Chiết Giang, nổi danh vì thứ rượu hoàng tửu. Gần đó có Lan Đình nơi mà Vương Hy Chi thường lại chơi (Coi bài Lan Đình Tập Tự). Không biết thứ hoàng tửu này có phải là hoàng hoa tửu trong bài thơ nói trên không, vì lúc bấy giờ đi học tại Viện Hán Học (1959-1962), tôi nghe cụ Cử nhân Hà Ngại nói người ta lấy hoa cúc vàng phơi khô ngâm vào rượu đế trắng thì gọi là “hoàng hoa tửu”, nghe cũng có lý.
Sau hết, chúng ta đang đứng vào thời điểm của câu thơ thứ tư đó là mùa Đông với việc ngâm thơ bạch tuyết. “Bạch tuyết thi” là thơ của mùa tuyết trắng, và đây có lẽ chỉ là một lối nói, chứ chưa hề có một thể thơ nào gọi là thể thơ bạch tuyết. Ngâm ngợi thi ca, đây cũng là một cách thế di dưỡng tinh thần. Nhưng nguồn gốc thi ca là ở đâu? Ban Cố trong bộ “Hán thư Nghệ văn chí” viết: “Tình động ở trong lòng mà phát ra lời nói, nói không đủ thì than thở, than thở không đủ thì ca hát, ca hát không đủ thì đưa chân múa tay mà không hay” (Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung-Quốc, Cuốn I, Nhà xb. Nguyễn Hiến-Lê, 50 Monceaux – Sài Gòn, 1954, trang 69).
Thú vui sau cùng của vòng thời gian như đã nói trên, đó là “Đông ngâm bạch tuyết thi”, mùa Đông ngâm thơ bạch tuyết. Thơ bạch tuyết đây có lẽ chỉ là một lối nói chứ tôi cũng chưa từng nghe nói về thể thơ bạch tuyết. Ở VN có nhà thơ Nguyễn Vỹ lập ra trường phái thơ Bạch Nga, tức lối thơ 12 chữ, hay 12 chân hoặc có khi là thơ hai chữ như bài Sương Rơi của ông chẳng hạn.
Khoảng năm 1956, hàng triệu người dân Miền Nam đều mê chương trình ngâm thơ Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng (hình như vào mỗi tối Thứ Tư?) trên đài phát thanh Sài Gòn qua các giọng ngâm của Quách Đàm, Hồ Điệp, Hoàng Thư, Thái Thủy, Tô Kiều Ngân, Giáng Hương v.v... với lời mở đầu: “Đây Tao Đàn, Tiếng nói của thơ văn Miền Tự Do, do Đinh Hùng phụ trách.”. Sau ngày 30-4-1975, chương trình Tao Đàn chấm dứt cùng với những giọng ngâm thơ tuyệt vời của nó.
Dĩ nhiên con người có những chọn lựa tự nhiên, cùng với những cảm quan hợp lý của nó thí dụ, đi du Xuân thì chọn “phương thảo địa” chứ không ai chọn vùng “đồi hoang cỏ cháy”, mùa Hè thì thưởng ngoạn “mặt biếc hồ sen” mà lánh xa vùng “lửa cháy trên đầu”, rượu uống mùa Thu thì “hoàng hoa tửu” thứ thiệt chứ không phải là “nước mắt quê hương” pha thuốc rầy, thuốc gián đậm đặc, và ngâm thơ mùa Đông phải là tiếng thơ quê hương để được cùng với Nguyễn Bỉnh Khiêm chan hòa trong bốn mùa “Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá; Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao.” Cái đạm bạc trong món ăn của người xưa hòa trong cái chơn chất, đơn giản của việc dầm mình xuống hồ sen hay ao nhà cho thấy cụ Trạng Trình có một triết lý sống thật rất gần với đại chúng.
Bài thơ này tuy nhỏ bé và ngắn gọn nhưng tầm ảnh hưởng của nó cũng khá lớn lao theo thời gian và không gian. Linh Mục Sảng Đình là một bậc chân tu, ngoài tài họa và soạn nhạc còn là một nhà thơ nổi tiếng ở đất Thần Kinh (Huế). Ngài từng có những liên lạc, giao du thân tình với nhà cách mạng Phan Bội Châu khi cụ Phan bị thực dân Pháp giam lỏng tại Huế, và nhất là khi Linh Mục xuất bản tuần báo Vì Chúa, Ngài đã cùng cụ Phan xướng họa thi văn trên cơ quan ngôn luận này. Trong bài thơ có tên Ngày Tết dạo Thanh-Tân, Linh Mục Sảng Đình có viết hai câu kết chứng tỏ âm hưởng của bài cổ thi nói trên (câu một), đã có nhiều dấu ấn để lại trong cảm hứng của mình:
Ngày Xuân dạo bước miền phương thảo,
Chép bức Đào-nguyên tặng chủ nhân.
(17-2-1923)
(Đoàn Khoách biên tập - thực hiện, Sảng Đình Thi Tập của J.M. Thích, Thanh Tịnh xuất bản, California, U.S.A. 2001, trang 71).
Với mùa Hạ, người xưa ngắm hồ sen hay để tắm mát và cũng để ngẫm nghĩ về giá trị làm người, đánh giá con người qua câu ca dao VN “Trong bùn gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng; Nhị vàng bông, trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”. Huế là xứ sen nhất là ở các hồ quanh kinh thành. Trong Thành Nội có hồ Tịnh Tâm do theo cửa Linh-Quang mà vào, và Linh Mục Sảng Đình cũng có một bài thơ phổ nhạc cung đình với những câu như sau:
Đến mùa sen nở Tâm (Tịnh) Tâm, (a) Tâm (Tịnh) Tâm
Thì ta cùng nhau đến đó (ai i ai) mà ngâm, mà ngâm cảnh này.
Ù xang ù xang u lìu còng, mà ngâm, mà ngâm cảnh này.
Chuyển tới mùa Thu vốn là mùa với cảnh sắc tuyệt vời của hoa lá và với thời tiết dịu dàng khung thời gian điểm nhiều cảnh sắc, mà ở Hoa Kỳ, nhất là vùng Đông Bắc có những tiểu bang như Pennsylvania, New England, Connecticut… lá hoa vàng rực, muôn hồng nghìn tía khiến cho nhiều người ở vùng khác nhất là ở phía Tây phải đi du lịch sang miền Đông Bắc để xem cho biết vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất. Mùa Thu ở Trung Quốc đã ghi một ấn tượng trong cổ thi “Nhất ngô đồng diệp lạc, thiên hạ cộng tri Thu.” (Một lá ngô đồng rụng, mọi người đều biết Thu). Và “Thu ẩm hoàng hoa tửu” chắc hẳn đã khác với lối thưởng ngoạn của Linh Mục Sảng Đình bởi vì Cha Thích thay vì uống rượu lại chìm sâu vào sự thưởng ngoạn, nhìn ngắm vẻ cao sâu của đất trời vào một đêm Thu với những câu thơ trong bài Cảnh Đêm Thu (Điệu ca kim tiền):
Đêm Thu đẹp xiết bao!
Gió đưa đến trăng lại soi vào.
Cảnh như vẻ câu thần lại càng tao.
Càng thôi xao.
Trông Nam-tào, xem Bắc-đẩu,
Kìa Ngân-hà, họ Bích-lạc.
Muôn hàng rạng ngời sao.
Nhìn ngát ngao.
(Tao 騷 : một thể văn xưa, ở đây có nghĩa là tài tình, thanh nhã; thôi xao: 推 敲 thôi là đẩy, xao là gõ. Hai chữ ‘thôi xao’ có nghĩa việc lựa chữ làm thơ hoặc chỉ lối thơ văn đẽo gọt, gò gẫm từng lời từng chữ. Nam-tào 南 曹 là tên một chòm sao hoặc vị thần chủ chòm sao ấy; Bắc-đẩu 北 斗 là tên chòm sao có bảy ngôi ở phía bắc, còn gọi là “thất tinh”. Ngân-hà 銀 河 ngân là bạc, hà là sông, là con đường sáng ở trên trời do muôn nghìn ngôi sao chi chít họp thành, ở mặt đất trông lên giống như một con sông bằng bạc (la Voie lactée hay Milky Way). Ca dao ta có câu: “Đêm đêm tưởng giải Ngân Hà, Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.” Bích-lạc 碧 落 (ciel azuré) lấy nghĩa trên trời đầy ánh biếc, nói cách khác: “bích lạc” là trời xanh (Đoàn Khoách, Sđd, trang 301).
Vì không biết uống rượu, hay vì đời sống tu hành phải kiêng cử, cho nên Linh Mục Sảng Đình, [vốn được rất nhiều người ở Huế coi là một bậc chân tu, thí dụ như Giáo sư Nguyễn Văn Trường, dạy Viện Đại Học Huế hơn 15 năm (1957-1973), và về sau là Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH, trong bài viết “Huế, Viện Đại Học, Cha Luận, và chúng tôi...”, từng viết: “Cha Thích, chết, về trời”, Kỷ Yếu Đại Học Huế, 2015, trang 39] trong bài thơ Đêm Thu Không Ngủ đã viết như vầy:
Trời Thu một vẻ sáng như gương,
Cảnh đến canh khuya đẹp khác thường.
Bóng nguyệt nằm yên trên nệm cỏ,
Hình cây đứng sững dưới màn sương.
Đêm thanh ngàn rế (dế) kêu đều tiếng,
Vườn lặng trăm hoa nực đượm hương.
Xác nhẹ hồn trong thôi hết ngủ,
Trầm ngâm chiếc bóng dựa bên tường.
Nhờ câu thơ kết này, cha Thích đã tự họa một bức hình đen trắng với tựa đề “Trầm ngâm chiếc bóng dựa bên tường” in trong bào Vì Chúa khoảng trước năm 1941-42 gì đó và ai cũng cho là đặc sắc.
( Bức tự họa của LM Nguyễn Văn Thích)
Nhà thơ Hàn Mạc Tử (1912-1940) không biết khi sáng tác bài thơ Thức Khuya có chịu ảnh hưởng chút nào về bài thơ trên đây của cha Thích hay không khi Hàn Mạc Tử có những câu thơ như: “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối, Gió Thu lọt cửa cọ mài chăn.”? (Trần Quang Chu, Thơ văn Hàn Mạc Tử, sưu tầm & khảo cứu, Nhà xb Văn Học & Dtbooks, trang 35). Ngôn từ tuy có giống đôi chút nhưng tư tưởng mỗi bên đều vươn về một phía tiên và tục.
Nếu người xưa Trung Hoa chỉ có thú vui đơn giản là ngâm thơ giữa mùa tuyết trắng (Đông ngâm bạch tuyết thi) hay còn nhiều thú vui khác nữa mà chúng tôi chưa có dịp tìm hiểu, thì qua một vài việc làm mang tính lục vấn giữa lúc năm cùng tháng tận, tác phẩm “Sảng Đình Thi Tập” cho tôi một vài trích dẫn để thấy nhà thơ Công Giáo Sảng Đình đã nhìn cơn gió Đông như những lực đẩy tích cực:
1
Gió Đông về phơi phới
Dõi theo gót đông-hoàng
Đem yếng hào quang tới
Đuổi mưa tuyết lên ngàn
Đuổi mưa tuyết, tích tịch tang
Đuổi mưa tuyết, tích tịch tình tang
Cùng lui với Đông tàn.
2
Hoa trên ngành tươi tốt
Đỏ trắng tím chen vàng
Chim trên ngành thánh thót
Tiếng như hát như đàn
Chào Xuân đến, tích tịch tình tang
Chào Xuân đến, tích tịch tình tang
Chào Xuân đến nhân hoàn.
3
Xuân sắc đầy hoa gấm
Đủ trăm vẻ tươi nồng
Xuân khí hòa êm ấm
Đủ trăm thức hương lồng
Và hương sắc, tích tịch tình tang
Và hương sắc, tích tịch tình tang
Và hương sắc ưa lòng.
4
Xuân khắp cùng Nam Bắc
Xuân khắp cả trong ngoài
Xuân khắp mười phương đất
Xuân khắp tám phương trời
Và Xuân khắp, tích tịch tình tang
Và Xuân khắp, tích tịch tình tang
Và Xuân khắp muôn loài.
5
Chúc Xuân đừng qua chóng
Chúc Xuân ở lâu dài
Chúc Xuân đừng khuất bóng
Chúc Xuân mãi xuân hoài
Nguyền Xuân Chúa, tích tịch tình tang
Nguyền Xuân Chúa, tích tịch tình tang
Nguyền Xuân Chúa muôn đời.
Toàn thể bài thơ cũ này có tên Khúc Nghinh-xuân theo cung hát Près de la fontaine, tôi được bà chị (Ngọc Diệu) tập cho hát từ nhỏ lúc còn ở giáo xứ Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình trước năm 1954) nên nhớ điệu hát này nhưng không biết cách ký âm. Sau đây tôi thử ghi lại một vài cảm nhận khi đọc bài thơ viết về mùa Xuân này.
Nội dung khổ một của bài thơ mang ý nghĩa thể lý (hay vật lý) đó là hết mùa Đông thì đến mùa Xuân nhưng trong trận gió Đông hàm ý thức rộn ràng, tươi tắn, phấn khởi của mùa Xuân nằm trong chữ “phơi phới”. Ánh nắng, sức nóng của mặt trời làm mưa tuyết tiêu tan tạo nên những trận lũ lụt quét sạch tanh hôi của rác rưởi và những đồ nhơ bẩn. Chu kỳ thời tiết theo dịch lý Đông phương là một chu kỳ khép kín trong đó hết Xuân, đến Hạ, sang Thu rồi vào Đông, lại hết Đông sang Xuân... còn chu kỳ thời tiết theo đạo Công Giáo chẳng hạn thì không như thế, nghĩa là từ buổi đầu có sáng tạo (GLHTCG, 295), có cuộc sống (GLHTCG, 282), có sự chết (GLHTCG, 1009) và sau cái chết là sự sống lại (GLHTCG, 997). Tôi nghĩ rằng Linh Mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích muốn chuyển tải vào khổ đầu bài thơ một quan điểm thần học mang tính tích cực đó là nhìn “yếng hào quang” như nguồn ân sủng hay là sức mạnh của Thiên Chúa quét sạch mưa tuyết là tội lỗi, tà thần, tà lực.
Một bài hát có tên “Chúa là Mùa Xuân” của tác giả LM Thái Nguyên do ca sĩ Mai Ly trình bày được phổ biến khá rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới hiện nay được dùng để giới thiệu nội dung khổ hai, ba, tư, năm của bài Khúc Nghinh-xuân trong đó đề cập đến chữ “Xuân” hay “Xuân Chúa” ở câu nào cũng có.
Nếu trong khổ một, LM Sảng Đình Nguyển Văn Thích nói đến ba chữ “yếng hào quang” thì cũng là nhắc cho mọi người nhớ đến trình thuật sáng tạo của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế (St 1, 3) “Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng” Liền có ánh sáng.”
Trong khổ hai, tác giả Sảng Đình nhắc ta nhớ đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa khi Ngài dựng nên cây cối hoa quả (St 1, 11), chim muông (St 1, 20) “Hoa trên ngành tươi tốt, Chim trên ngành thánh thót…”
Rồi các chữ “xuân sắc”, “xuân khí” nhắc người đọc gì đây? Nếu “xuân sắc” tác giả muốn diễn tả khuôn mặt của Chúa Xuân thì con người là hình ảnh của Thiên Chúa tất phải có khuôn mặt giống Chúa; và “xuân khí” là khí lực của mùa Xuân thì hai chữ này cũng có khả năng diễn tả về “thần khí” và phải hiểu là Chúa Thánh Thần hiện diện giữa mùa Xuân của trời đất. Ở đây hương và sắc đã quyện lẫn vào nhau, bổ túc cho nhau (khổ ba).
Nếu khổ bốn diễn tả ý niệm mùa Xuân hiện diện khắp mọi nơi (trong ngoài, nam bắc, bốn phương, tám hướng) thì khổ năm của bài thơ lại trình bày ý niệm về thời gian và lòng mong mỏi mùa Xuân “đừng qua chóng”, “ở lâu dài”, “đừng khuất bóng” “mãi Xuân hoài” để rồi cuối cùng “xuân Chúa muôn đời”. Quan điểm thần học mà LM Sảng Đình Nguyễn Văn Thích viết ra trong bài thơ Khúc Nghinh-xuân này thể hiện trong nhiều điều hết sức căn bản về giáo lý đức tin của người Kitô hữu. Chúng tôi đọc thấy trong điều 1047: “Thiên Chúa đã tiền định vũ trụ hữu hình cũng phải biến đổi” để cho thế giới khôi phục lại tình trạng ban đầu, không gây bất kỳ trở ngại nào để phục vụ người công chính”, và vũ trụ này cùng được vinh quang với họ trong Đức Giê-su Phục Sinh (T. I-rê-nê, Chống lạc giáo 5,32,1). (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, TP HCM, 1997, trang 397).
Hằng năm vào dịp Tết ta, tôi vẫn thường có thú vui cá nhân đó là chơi câu đối. Trong những năm ở tù trại Nam Hà (1976-1988), tôi vẫn thường kiếm giấy làm một đôi câu đối màu đỏ và kiếm mực đen, cây bút lông nhờ cụ Hoàng Văn Úy, chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng, bạn vong niên của tôi, viết bằng chữ Nho vì chữ cụ Úy rất đẹp. Nay cụ Úy đã mất không biết nhờ ai viết hộ, vì tôi rất kén chữ. Tôi có khá nhiều câu đối hay của một vị anh hùng dân tộc, cụ Tùng La Phan Đình Phùng (1847-1895), ân sư của tôi cùng một số anh em trong chốn lao linh, đã ban cho, thí dụ như:
Trung hiếu truyền gia thừa tổ vũ,
Thi thư tế thế dực tôn miêu. (Câu đối treo bàn thờ ở nhà)
忠 孝 傳 家 承 祖 武
詩 書 繼 世 翼 孫 苗
Nghĩa là:
Trung hiếu theo dòng thừa ơn tổ,
Thi thư nối thế đỡ cháu con.
Về các câu đối Xuân thì có bốn câu mà câu nào, theo tôi, cũng hay cả:
1
Thiên lý giang sơn thiên lý tuyệt,
Tứ thời phong cảnh tứ thời Xuân.
千 里 江 山 千 里 絕
四 時 風 境 四 時 春
Nghĩa là:
Nghìn dặm non sông nghìn dặm đẹp,
Bốn mùa phong cảnh bốn mùa Xuân.
2
Xuân hữu xuân xuân xuân hữu hữu
Phước như phước ý phước như như.
春 有 春 春 春 有 有
福 如 福 意 福 如 如
Nghĩa là:
Xuân có lòng xuân xuân mãi có,
Phước đầy ý phước phước như đầy.
3
Xuân ý xuân tình xuân tự tại,
Phước nhân phước địa phước trùng lai.
春 意 春 情 春 自 在
福 人 福 地 福 重 來
Nghĩa là:
Xuân ý, xuân tình, xuân vốn có
Phúc người, phúc đất, phúc trùng lai.
4
Tiếp phước ý trung ngôn hữu phước,
Nghinh xuân tâm chính viết phùng xuân.
接 福 意 忠 言 有 福
迎 春 心 正 曰 逢 春.
Nghĩa là:
Đón phước lòng thành ắt gặp phước,
Chào xuân tâm chính ấy mừng xuân.
Nguyễn Đức Cung
Philadelphia, ngày 27 tháng Mười hai năm Canh Tý
tức ngày 09 tháng 02 năm 2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét