Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn (Bài 28) - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                  Chữ Nghĩa Làng Văn (Bài 28)

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng 


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Chữ Việt cổ


Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Tăn măn: nhỏ nhít

(Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Địa danh ngày xưa


-  Ở phố Hàng Giấy có xóm Đào Nương, còn gọi là xóm Bình

   Khang, có trước xóm Khâm Thiên. 

Khâm Thiên : xóm cô đầu Ngã Tư Sở.

Khu cô đầu ở phố Khâm Thiên mới có từ năm 1915

 

(Vũ Ngọc Phan – Hồi Ký Những Năm Tháng Ấy)

 

Hàng Giấy 

Nhà hát ả đào phố Hàng Giấy theo sử gia ba đời uống nước máy Hà Nội Trần Quốc Vương thì có gốc gác từ đời Lê

(ông cụ Nguyễn Tuân đã dẫn Nguyễn Tuân tới đây)


Khu đất này  được dựng trên nền đất thuộc các thôn: Vĩnh Xương, Nam Môn, Hoa Ngư, Tứ Mỹ. Thời Pháp gọi là đường Quan Lộ. Đến thế kỉ XIX, thôn Nam Môn Thụy Hoa Ngừ đổi thành thôn Nam Ngư.

 

Tĩn 

Tĩn : đồ đựng bằng sành, bụng phình ra, miệng thắt lại

(tĩn nước mắm)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Nói lái trong dân gian

Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những câu nói lái qua câu đố, câu đối, hay nói lái với hò vè, thơ ca:

Tử là con, trực là ngay, con ngay, cay ngon

(trái ớt)

 

Vũ phu

"Vũ phu" tiếng Hán là đá giống như ngọc. 

Tiếng Việt là người chồng… đánh đập vợ.

 

Xì phé

Như những từ ngữ trong canh bài xì phé (bài tây) :

Tẩy – Con bài úp

Pha – Nghĩa là sợ, không thêm tiền vào nữa.

Tố - Thêm tiền vào. Hán Việt là “đa”.

Thấu cấy – Dân xì phé gọi là thấu cáy Hán Việt là “thâu kê”, diễn nôm là… ăn cắp gà.

(Lê Ngọc Trụ – Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam)

 

Đề: Em hãy kể lại câu truyện "Thánh Gióng"

Ngày xửa ngày xưa, đất nước ta sinh ra được một cậu bé Thánh Gióng trông rất là quái nhân vì đã 3 tuổi mà vẫn không biết nói biết cười. Đột nhiên một hôm giặc tới, Thánh Gióng nhảy tót lên mình ngựa, sau khi đã ăn một bữa cơm khủng khiếp với hàng thúng cà muối mặn mà không khát nước. Thánh Gióng đánh giặc xong không biết đường về nhà vì chưa ra khỏi nhà lần nào. 


Thánh Gióng không biết đi đâu về đâu nên đành phải bay lên trời.


Họ hàng hang hốc

Ngày nay nhiều nhà thơ trào phúng thường đặt chữ Tú trước tên mình, trường hợp này chữ “Tú” có nghĩa là đẹp, không chỉ học vị, như Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Tú Kếu Trần Đức Uyển, Tú Xe Phạm Văn Tươi, phiên âm từ chữ Pháp “Tout sait” nghĩa là…biết hết.


Con người thông kim bác cổ... Lấy chữ Đồ dùng làm bút danh cho mình nhiều người tỏ ra hâm mộ, người ta thấy Bùi Huy Phồn đặt Đồ Phồn, Ngô Tất Tố đặt Đồ Tố, Bàng Bá Lân đặt Đồ Gàn...


Người khác dùng các (con) số của từ Hán như Nguyễn Tường Tam lấy Nhất Linh, Nguyễn Tuân lấy Nhất Lang, Nguyễn Xuân Bảo lấy Nhất Hạnh, Trần Khánh Giư lấy Nhị Linh, Lâm Tấn Phát lấy Nhị Liễu tiên sinh, Vũ Đình Chí lấy Tam Lang, Nguyễn Tường Tam tức Nhất Linh chọn Tứ Linh, Nguyễn Tường Long tức Hoàng Đạo chọn Tứ Ly, Nguyễn Tường Tam tức Nhất Linh chọn Bách Linh, Thái Mộng Tuyết tức Mộng Tuyết chọn Bách Thảo Sương.

(Chuyện phiếm về bút danh, nghệ danh – Nhật Thịnh)



Câu đố

Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo tính quan niệm của hình ảnh/ Có một số hình ảnh lặp đi lặp lại trong một số câu đố khác nhau. Chúng cho thấy việc dùng những hình ảnh này đã phản ánh một sự nhìn nhận, một quan niệm về đối tượng:

Dưới đây là một số các hình ảnh này:


Một mẹ sinh được trăm con,
Con nào con nấy vuông tròn như nhau.
Bởi con ăn ở qua cầu,
Mẹ tức mẹ đánh… cái đầu con văng

(Hộp diêm)


Hình ảnh “mẹ - con” không phải người hay động vật mà là hai bộ phận rời, thì bộ phận lớn là “mẹ”, bộ phận bé là “con”.

(Triều Nguyễn - Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)



Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu

Nguyên nhân làm cho một số thành ngữ, tục ngữ trở nên khó hiểu là phương thức cấu tạo chúng đã không còn được nhận ra nữa nên làm cho người ta cảm thấy chúng có vẻ kỳ quặc. Chẳng hạn: “Sáng tai họ, điếc tai cày”. Thành ngữ này có nghĩa lười biếng, không chăm chỉ làm việc. 


Khi cày ruộng, người đi cày hô “họ” thì trâu đứng lại ngay, vì nó được nghỉ. Nếu hô “vắt” thì phải kéo cày.
Nguyễn Khuyến, trong bài Anh giả điếc có câu:


Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ là ngây
Chẳng ai ngờ sáng tai họ điếc tai cày
Lối điếc ấy sau này em muốn học



Làng văn xóm chữ

Thập niên 1930-1940, trên diễn đàn văn học đất Bắc, có hai khuynh hướng báo chí đối lập nhau: một bên là Tự Lực Văn Đoàn với Phong Hoá, Ngày Nay và một bên là những tờ báo chống lại Tự Lực Văn Đoàn, như Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Hữu Ích, Phổ Thông Bán Nguyệt San thuộc nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Ðình Long, với các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Lan Khai, Tchya Ðái Ðức Tuấn, Trương Tửu... 


Sự đối lập nghề nghiệp này tạo ra những cuộc bút chiến nẩy lửa hoặc những cách phê bình độc địa nhau trên mặt báo. Bây giờ đọc lại những bài tranh luận này, chúng ta thấy nổi bật khía cạnh tị hiềm cạnh tranh nghề nghiệp nhiều là hơn đối lập tư tưởng. 


Chỉ riêng trường hợp đối chất giữa Khái Hưng-Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng là có nguyên do sâu xa hơn, đó là sự đối lập tư tưởng và phong cách văn học giữa Khái Hưng-Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng. Sự bất đồng xẩy ra trên một số nét rõ ràng: Khái Hưng chê Vũ Trọng Phụng chỉ nhìn thấy cái xấu trong con người và Nhất Linh chê vũ Trọng Phụng dâm ô. Vũ Trọng Phụng phản bác rằng mình chỉ nói lên sự thực. Thái độ này rất dễ hiểu, bởi Vũ Trọng Phụng đi ra ngoài hệ tư tưởng chính thống của  văn học đương thời. 


Thập niên 30-40, trên văn đàn Việt Nam, có hai hệ tư tưởng nòng cốt: thứ nhất, đề cao cái đẹp, văn hay, phong cách lãng mạn, trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn, văn chương Nguyễn Tuân và Thơ Mới. Thứ nhì, vạch trần sự xấu xa của xã hội cũ trong các tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn, vạch trần sự bóc lột của giai cấp giầu có, phía các nhà văn hiện thực như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng...

 

Phong Hóa-Ngày Nay

Đông Sơn Nhất Linh đỗ đầu cuộc thi tuyển nhưng chỉ học một năm tại trường Mỹ Thuật Đông Dương. Khi bắt đầu Phong Hóa, ông phụ trách trang trí, vẽ minh họa cho toàn thể báo nhà, về sau, chỉ còn minh họa riêng các truyện mình viết thôi… Những năm sau Phong Hóa và Ngày Nay luôn luôn có họa sĩ nhà nghề trình bầy báo, vẽ tranh. Những họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Giá Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Tường Lân (họa sĩ trùng tên với Thạch Lam), Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung và Tú Mỡ... đều cộng tác với báo Phong Hóa, Ngày Nay. 


Hàng năm, trên Phong Hóa và Ngày Nay đều có bài viết phê bình tranh của những phòng triển lãm ở Hà Nội, do Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lemur Nguyễn Cát Tường, Thạch Lam viết. Ngoài ra, báo Ngày Nay dùng nhiều tranh vẽ rất có giá trị của các họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương làm bìa báo. Được đặc biệt chú ý là: Tranh bìa báo Xuân Ngày Nay số 46, 1937 của Nguyễn Gia Trí, Tranh bìa báo Xuân Ngày Nay số 198, 1940 của Tô Ngọc Vân

Cũng nhờ tòa báo luôn tổ chức những cuộc thi có thưởng, như những cuộc thi vẽ tranh khôi hài và tranh Lý Toét... đã lôi cuốn được rất nhiều họa sĩ bên ngoài tòa soạn tham dự vào việc vẽ tranh cho Phong Hóa, như Mạnh Quỳnh, Trần An, Ngym, Dlan,… Ngay cả Bút Sơn người sáng tác ra Xã Xệ, là một độc giả ở tận Saigon, gửi tranh Xã Xệ đầu tiên tới tòa soạn năm 1934.
Cũng cần nhắc lại là trên tờ báo chủ trương trào phúng Phong Hóa, chính Nhất Linh Đông Sơn sáng tác ra Lý Toét. 


Tranh đầu tiên “Lý Toét ra tỉnh” của ông đăng trên Phong Hóa vào năm 1933. Những Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh, Ba Ếch là những nhân vật hoạt kê sáng giá của cả một thời đại, nhà báo dùng để chế diễu, đùa cợt những thói hư tật xấu của dân ta, để tự biết mà sửa đổi. Và đồng thời cũng khơi dậy lòng thương người dân quê nghèo khó, đang chịu trăm bề khốn khổ, không được học hành...

(Phạm Thảo Nguyên - Giới thiệu Phong Hóa-Ngày Nay)

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Không phải người đàn bà nào cũng đẹp

Không phải người đẹp nào cũng là đàn bà.

 


141 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nguyễn Tường Tam người gầy, hơi cao, đi đứng khoan thai, từ tốn; thoạt trông ai cũng tưởng anh là một người nhàn nhã, phong lưu. Thực ra, anh không phải là một người sung sướng, nhàn nhã như người ta vẫn tưởng, nhưng là một người "đa bất mãn hoài", nuôi cao vọng mà không đạt được phần nào; thêm nữa lại mang một thứ bệnh thần kinh (neurasthénie) luôn luôn ở trong người nên ngày vui tương đối ít. Nhưng anh là một người cương quyết và có ý chí. Trước khi có biến thiên, Nguyễn Tường Tam sống một cuộc đời "chân chỉ" không rượu chè, không thuốc sái, không trai gái, không cờ bạc, nhưng sau những chán chường trên trường chính trị, Nguyễn Tường Tam đam mê chè rượu.


Nói là đam mê, có lẽ không đúng. Muốn cho đúng, phải nói rằng đầu óc anh suy yếu đi, ý chí do đó kém sút nên Nguyễn Tường Tam đã phải dùng rượu để giết cái buồn "thiên vạn cổ"…

”Bây giờ những người bạn từng lưu vong với anh ở đất Tàu, hiện nay còn sống, kể chuyện rằng trong thời kỳ ấy có khi anh nằm lì mười ngày, nửa tháng, không buồn trò chuyện với ai, mà cũng chẳng bước đi đâu hết. Sự đau khổ nhất đời anh là không ngủ được, do đó anh phải dùng rượu để uống cho say, hoạ may say quá thì đỡ nghĩ xa nghĩ gần, mà chính là cũng để mong rằng say quá, say mèm đi thì ngủ được…”


Vì tính toán như thế, anh mới bắt đầu uống rượu và bắt đầu uống là uống nhiều ngay. Anh em thân của Tam cho biết lúc ở Tàu, trời lạnh, Tam thường mua từng bát ô tô rượu để uống, nhưng vì rượu nhiều quá, mà lại nặng nên anh phải bịt mũi, nhắm mắt lại để uống như đàn bà, con trẻ sợ thuốc Bắc mà cứ phải nhắm mắt, bịt mũi lại để uống cho xong chuyện… 

(Nguyễn Tường Tam, một nhà văn "đa bất mãn hoài" – Vũ Bằng)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

   Nhẹ lách 
Hôm nọ đi xe đò, một hành khách thấy một con gà mái đang bươi ăn giữa lộ, xe tới nó hoảng chạy, nhưng chạy xuôi chiều xe. Khoảng cách giữa gà và xe cứ thu ngắn dần, thấy gà sắp bị xe cán chết đến nơi, bỗng nó tạt ngang vô lề, xe chạy trớt, nó đứng tỉnh bơ như không việc gì cả!


Khách ngồi trên xe nghĩ ngợi: "Trong đời thường của chúng ta cũng vậy. Với các cuộc tranh sống vô cùng phiền lụy, ta chỉ cần "nhẹ lách" qua bên là được yên thân… như con gà
(Đ. Dũng)



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Phan Khôi: Xin cho tôi hỏi một câu - 1

Sau đó ít lâu, một cuộc họp đông hơn: Đại Hội Văn Nghệ Toàn Quốc lần thứ II", (Đại hội lần thứ I ở Việt Bắc đâu hồi 49. Lần đó văn nghệ sĩ cũ như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu bắt buộc phải khai tử những đứa con tinh thần của mình?) Đại hội kỳ II ở tại Thủ Đô, đánh dấu "chiến thắng vĩ đại" của đảng: Đè bẹp nhóm Văn Nhân Giai Phẩm. Vì thế đảng kêu đám văn nghệ sĩ tới để ăn mừng.


Trên bàn chủ tịch đoàn có Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Ái Liên, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Đình Thi. Cử tọa có đủ mặt văn nghệ sĩ, trừ: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, nhưng có Văn Cao. Hơn nữa Văn Cao lại còn ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Không có Văn Cao thì còn ra cái đại... gì nữa. Cho nên người ta phải triệu Văn Cao tới chớ không phải người ta yêu mến gì Văn Cao.


Để cho thêm phần long trọng, đại hội được vinh dự đón phái đoàn đại biểu của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng đến huấn từ, do Trường Chinh cầm đầu. Trường Chinh đọc thư BCH/TƯ gởi đại hội rồi Nguyễn Đình Thi thay mặt đại hội đọc thư đại hội gởi BCH/TƯ, lễ nghi đâu đó tươm tất không chỗ nào chê được, coi như kế hoạch nhà nước hoàn thành vượt mức.

Trường Chinh sắp sửa đứng dậy kiếu từ thì từ hàng ghế cử tọa, một ông già đứng lên tại chỗ, không đi đâu nhưng tay vẫn chống gậy. Ông già cất giọng sang sảng:


Tôi xin hỏi một câu!


Trường Chinh giật mình ngó xuống, rồi không chậm trễ, lẳng lặng rời ghế đi vào hậu trường. Và biến luôn. Ngài Tổng Bí Thư lúc này chưa mất chức nhưng không muốn trả cái nợ tinh thần cho ông già quen mặt ở số 2 Bà Triệu.

(Xuân Vũ)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Tình yêu như bát bún riêu

Bao nhiêu… sợi bún bấy nhiêu… sợi tình



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Phan Khôi: Xin cho tôi hỏi một câu - 2


Chủ tịch đoàn ủy nhiệm cho cụ Song An Hoàng Ngọc Phách, tác giả Tố Tâm, ủy viên Ban Chấp Hành hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật đang ngồi ghế chủ tịch đoàn đối đáp. Đại hội đứng dậy sửa soạn ra về. Một ông nào đó trong đoàn chủ tịch nói to:

Đại Hội đã bế mạc, xin quý vị tự tiện ra về.

Nhưng ông già còn đứng chống gậy kia, không ai muốn rời ghế ra về. Họ chờ xem cái câu hỏi của ông là câu gì? Hoàng Ngọc Phách nói với ông già đang đứng sửng như gốc cây to không gió:

- Xin mời cụ phát biểu.

Ông già lác đầu và đáp:

Tôi muốn hỏi người khác. Và tôi muốn được người đó trả lời.

- Tôi xin thay mặt đại hội để ghi nhận lời cụ.

Cảm ơn! Tôi muốn được người đã hứa với tôi trả lời cho tôi.

Bốn mươi năm qua. Cái câu hỏi đó tối nay chưa ai được nghe, nhưng ai cũng biết đó là câu gì, hoặc những câu gì.

Tại sao hai lần đối diện, Trường Chinh không nhận đối đáp với nhà văn? Ông ta cun cút lũi đi như trốn nợ, giữa tia mắt kinh ngạc của hàng ngàn văn nghệ sĩ Hà Nội. Nhà "mác xít thiên tài" lại không đủ lý luận biện chứng pháp để giải đáp một câu hỏi của một nhà văn bình thường sao?


Ông già đó chính là nhà văn Phan Khôi, người đã tặng cho ai đó cái danh hiệu Ông Bình Vôi. Cái binh vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rủ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ, không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái gọi bằng "Ông".


Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại 

(Xuân Vũ)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Có một cô gái luôn sẵn sàng chết vì tôi. 

Bạn có biết vì sao không? 

Vì cô ấy thà chết còn hơn phải yêu tôi.



Đã có một thời…

Vĩnh biệt Hoàng Anh Tuấn


Vài kỷ niệm nhỏ
Tôi nói nhiều về thơ Hoàng Anh Tuấn vì thơ của anh đặc biệt xuất sắc hơn tất cả những “nghề tay trái” khác của anh.
Những kỷ niệm rải rác của tôi và gia đình Hoàng Anh Tuấn khá nhiều. Có lần anh ở Đà Lạt, có con gái về Sài Gòn, anh điện thoại cho tôi thản nhiên nói: Mày cho xe ra phi trường đón con gái tao nhé. Tất nhiên tôi phải cho xe đón cháu và đưa đến nơi về đến chốn. Anh không màu mè “làm ơn đón cháu” lôi thôi. 


Lần khác tôi lên Đà Lạt vào dịp lễ Gíang Sinh, đến nhà anh chị Tuấn chơi, nhưng cả mùa Noel đó Tuấn không về. Khi trở lại Sài Gòn, gặp Tuấn, tôi muốn trách anh mấy câu, nhưng nhìn cái mặt anh cười cười tỉnh rụi, tôi lại không nói gì được nữa. Nhưng sau đó tôi hỏi sao không về ăn Noel với vợ con. 

Anh trả lời gọn lỏn: Tao bận.


Đó là những gì tôi chợt nhớ về người bạn vừa ra đi. Tiếc rằng trang báo có hạn và thì giờ cũng chẳng còn bao nhiêu nên tôi ghi vội những hàng này để tiễn đưa thêm một người bạn nữa. Với tôi, anh là một nghệ sĩ đích thực trong cả cuộc đời và tác phẩm.

(Văn Quang)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Còn con gà mái hoa mơ
Nó đi tìm trống đỏ phơ cái mào
Đỏ thì đỏ kệ xác tao
Nếu không… tìm trống thì tao… ế à?



Đã có một thời…

Vĩnh biệt họa sĩ Thái Tuấn

Ông hoạt động liên tục từ khi ở miền Bắc “di cư” vào miền Nam. Sau năm 1975, ông cũng như hàng triệu người Việt Nam khác,

tìm đường ra nước ngoài định cư.

 

(Chân dung tự họa)


Ông qua Pháp và vẫn tiếp tục sáng tác. Suốt cuộc đời ông không làm gì ngoài nghệ thuật, không biết gì đến những công việc khác ngoài việc vẽ tranh. 


Năm 2006, ông trở lại VN và lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ông trở lại sống trong căn nhà ở “tuốt tắp” trong con hẻm nhỏ giữa đường Yên Đổ, nơi ông đã sống từ những ngày trước đây.

Nhà ông là một ngôi nhà khó tìm nhất trong những căn nhà ở Sài Gòn. Nhờ bất cứ ai chỉ đường vào nhà ông, chắc khó mà chỉ được. Lỗi ngõ quanh co, quẹo trái, rẽ phải liên miên và những con đường chỉ đủ cho hai chiếc xe gắn máy tránh nhau. Ngôi nhà nhỏ hẹp của ông nằm khép nép trong một xóm lao động. Và từ hơn nửa thế kỷ qua đến nay, nó chỉ được sửa chữa qua loa. 

Cuộc sống của ông thanh đạm lắm. Con người ông cũng vậy, giản dị, xuề xoà, đối với ai ông cũng thân thiện, niềm nở.

(Văn Quang)

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Bầu ơi thương lấy bí cùng. 

Mai sau có lúc nấu chung một nồi.



Người người lớp lớp…

1954, Trần Dần tham gia chiến địch Điện Biên Phủ với Đỗ Nhuận, họa sĩ Tô Ngọc Vân. Cái chết của Tô Ngọc Vân trong chiến dịch tác động mạnh mẽ đến ông. 

Ông viết một hơi tiểu thuyết Người người lớp lớp.



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hưu là về hát ... ca thu ,
Hết làm thợ tiện con... (cu)... dính dầu



Giai thoại làng văn

Tô Hoài đặc biệt rất chú ý học chữ. Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì lúc nào cũng học được. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú về những từ tế nhị như những từ chung quanh chuyện ăn, uống, chết... 


Ông biên soạn một cuốn từ điển về từ ngữ các nghề nghiệp. Ông thấy tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô. Ông phân biệt “mồm” với “miệng”. Nói “miệng’ sang hơn nói “mồm”. Cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”... 


Có một chuyện rất vui là, vào những năm 60 của thế kỷ trước, Phạm Văn Đồng có đề xướng một cuộc vận động gọi là “Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông triệu tập một số nhà văn, nhà ngôn ngữ đến trao đổi về vấn đề này. 

Tô Hoài không được mời vì bị coi là viết sai tiếng Việt, sai ngữ pháp, nghĩa là vi phạm vào sự trong sáng của tiếng Việt. 

Chính Tô Hoài nói cho tôi biết chuyện này!

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thơ Bút Tre 


Không vô không biết bút tre
Vô rồi mới biết muốn tè ra ngay
Chưa ăn chưa biết cu đơ
Ăn rùi mới biết nó… đờ cu ra



Gia thoại làng văn xóm chữ
Thần Siêu Thánh Quát

Thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng là hay chữ. Được biết ông Siêu dạy học ở Hà Nội, ông Cao Bá Quát từ Bắc Ninh sang Hà Nội đến trường của ông Siêu dạy để nghe giảng bài.

Ông Quát tới nơi, đứng cửa sổ dòm vào, thấy một ông đồ khoảng 25, 26 tuổi, ngồi trên một cái chõng cũ siêu vẹo, học trò thì ngồi lê la dưới đất, chứng tỏ là một lớp học nghèo. Thầy đồ Siêu nhìn thấy một anh chàng trẻ tuổi chừng mười lăm, mười sáu, thơ thẩn đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, thầy đồ hỏi:
- Anh đi đâu mà đứng ở đây?
Ông Quát trả lời:
- Tôi là học trò đi qua trường thấy thầy giảng văn muốn xin thầy cho vào nhập học.

Ông Siêu muốn thử tài học nên ra câu đối:
- Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két.
(ông thầy ngồi trên chõng, (kêu) cót két, két cót, cót cót két két). 


Ông Quát đối lại ngay:
- Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ (trò vào sân trường, (đi) thẩn thơ, thơ thẩn, thẩn thẩn thơ thơ.

Nguyễn văn Siêu nghe vế đối tài tình rất phục, mời vào trong ngồi, hỏi tên tuổi và lai lịch mới biết là Cao Bá Quát ở Bắc Ninh, là người mà ông đã nghe tiếng đồn từ lâu. Về sau hai người đi lại thăm nhau luôn và trở thành đôi bạn thân thiết mặc dầu tuổi tác chênh lệch, rồi hai ông nổi tiếng khắp nơi, được người đời khen tặng là "thần Siêu thánh Quát".



Sông Tô Lịch - 1

Sông Hồng


 

(Sông Hồng và cầu Long Biên trước đây. Ảnh tư liệu: báo Kiến Thức)

 

Người Pháp đặt tên sông Hồng bởi vì họ thấy con sông này nhiều phù sa màu hồng nên họ gọi là Fleuve Rouge. Chuyển sang tiếng Anh là Red River. Chuyển sang Hán ngữ là Hồng Hà. Kết hợp cả Nôm lẫn Hán ta gọi là sông Hồng.

 

Người Pháp mới đến đây từ thế kỷ 19, nên Hồng Hà được gọi là sông Hồng, Fleuve Rouge hay Red River, so với chiều dài 2.000 năm thì đó là một cái tên mới toanh. Sông Cái mới là tên gốc.

(Lê Văn Lan)



Nền văn hóa Óc Eo

Vùng đất miền Nam đã thành hình trong lịch sử Việt Nam chỉ vào khoảng 400 năm, kể từ thế kỷ XVII. Trước thế kỷ thứ VI, đây là một vùng đất hoang vu thuộc Vương quốc Phù Nam. Trường Viển Đông Bác Cổ, sau khám phá các di tích ở Óc Eo, vùng núi Ba Thê (Châu Đốc) năm 1944 đã gọi thời này là nền văn minh Óc Eo. 


Sau thế kỷ thứ VI, sắc tộc Kambuja từ miền Bắc tràn xuống đã phá tan vương quốc Phù Nam và thành lập vương quốc Chân Lạp. Vương quốc Chân Lạp đã nổi tiếng vì sự nghiệp xây dựng một kỳ công kiến trúc: đền đài Angkor vào thế kỷ XII! Vương quốc Chân Lạp đã suy yếu vì những cuộc tranh dành nội bộ cộng với sự lấn chiếm của lân quốc Xiêm. Họ đã phải ba lần dời đô, từ bỏ Angkor để qua Oudong và sau cùng dừng lại ở Phnom Penh.

(Trần Ngươn Phiêu – Cù Lao Phố)



Sông Tô Lịch - 2

Sông Cái

Bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ 19 trong Đồng Khánh Địa Dư Chí, tiếp tục thể hiện sông Tô Lịch còn nguyên vẹn và ôm trọn, cùng với sông Cái (sông Hồng) tạo thành 3 mặt bảo vệ thành Thăng Long. 

Người Việt cổ đặt tên chữ Cái rất hay. Cái là một từ đa nghĩa. Trong trường hợp “con dại cái mang”, cái là mẹ. Trong trường hợp “trống cái”, cái lại là to. Thế là cái có hai nghĩa mẹ và to. Nhưng chưa hết. Còn có trường hợp “đường cái”, nó là đường chính yếu. Vậy là các sắc thái ý nghĩa từ “mẹ, to và chính yếu” đều được lấy ra để đặt tên gốc của con sông Hồng ngày nay.

 

Đại La còn có con sông Cái bảo vệ. Tên gốc của sông Hồng ngày

nay chính là sông Cái.


(Bản đồ Hà Nội, ảnh tư liệu. báo Kiến Thức)


(Lê Văn Lan)



Văn bia, cuốn gia phả bằng đá

Mỹ thuật tạo bia ra sao? 
Chúng tôi không phải chuyên gia Khoa Kim Thạch Học, nhưng cũng xin nêu vài bia khắc đá của các dòng họ Việt Nam. 
Bia dựng vào thời nhà Lê thường có chạm hoa lá, hoa văn chữ triện. Chạm hình vuông, lá cuốn, chạm dây, chạm long mã, sóng nước, hoa dây, chạm dây leo, cánh sen, rồng vờn mặt trời, xung quanh chạm rồng leo, hạc bay, phượng chầu mặt nguyệt, xung quanh hoa dây tay mướp. Chạm mặt nguyệt, rồng mây, hoa dây. Chạm mặt trời, rồng, phượng và dây leo. Chạm mặt trời, mây có chữ Thọ trong mặt trời, xung quanh hoa lá. Chạm lưỡng long triều nguyệt, mây lửa viền quanh. Chạm mặt trời, rồng, nghê và hoa. Chạm mặt trời rồng phượng... 


Nhóm tác giả Vũ Tuấn Sán (Hà Nội ) đã viết rằng: 

“Văn bia là những chứng tích phản ánh những cuộc biến thiên và cả lòng thiết tha của con người muốn gìn giữ dấu vết quý giá của thời xưa để truyền dạy cho muôn đời sau niềm tự hào về nền văn hoá lâu đời của ta (Tuyển tập văn bia Hà Nội, trang 9). 

Văn bia là của riêng mỗi dòng họ, nhưng nó góp phần tạo nên nét độc đáo trong di sản văn hóa Việt. 

(Nguyễn Văn Hoa)



Sài Gòn một chút quán xá

Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), phở Minh

Theo tôi, một trong những món ngon đó phải kể đến phở. Mặc dù phở có xuất xứ từ miền Bắc nhưng phở Sài Gòn thường ăn kèm với giá, ngò gai, húng quế vẫn ngon hơn phở Hà Nội thiếu hẳn các loại rau thơm mà lại không có giá. 

Vào đến Sài Gòn ngày xưa có con đường tên Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), một đầu là đường Tự Do (Catinat), đầu kia là đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy). Tiệm phở Bắc được bán trong khuôn viên nhà thờ Hồi Giáo này, nên có tên là phở Turc. 

Sài Gòn 1954, lúc người Bắc mới vào Nam, những tiệm phở Bắc hãy còn đếm được trên đầu ngón tay. Ðó là mấy tiệm phở Thịnh đường Gia Long, phở Turc đường Turc, phở Minh đường Pasteur và phở 79 ở đường Frère Louis (sau là đường Võ Tánh). 

 

Ngay bên hông rạp Casino có một hẻm nhỏ, đi vào hẻm đó là một dãy nhà, đa số là nhà dân Bắc Kỳ di cư sớm, từ những năm 1920. Tiệm phở Minh nằm ở dãy nhà đó. Phở Minh có cả phở bò lẫn phở gà nhưng đặc biệt hơn cả còn có bài thơ do thi sĩ Trần Rắc đề tặng. Bài thơ được cắt chữ, đóng khung kính, treo trên tường.

Bài thơ Ðường Luật có 4 câu đầu như sau:


Nổi tiếng gần xa khắp thị thành,
Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh.

 

Thi sĩ Trần Rắc chính là ông chủ tiệm giày Trần Rắc đường Lê Thánh Tôn, gần Khám Lớn Catinat năm xưa. Tiệm giầy Trần Rắc, và cả mấy tiệm giầy ở đường này, đều có cửa sau đi vào hẻm “ẩm thực” Casino. Việt Nam ta đúng là… ra ngõ gặp nhà thơ. Ðến như ông chủ tiệm giày cũng có thể làm thơ về phở chứ chưa dám nói đến Tản Ðà là người viết nhiều về nghệ thuật ăn uống!


(Nhớ lại món ngon Sài Gòn ngày trước - Nguyễn Ngọc Chính)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ Điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân

văn thân 文 紳 

Văn là chữ nghĩa, cũng có nghĩa là người có học vấn. Chữ thân 紳 ban đầu là cái đai áo của các quan to, là người có quyền thế, như trong các từ thân hào, thân sĩ, hương thân, v. v. Văn Thân là người có học vấn rồi được làm quan. 


Soạn giả đã giải thích rằng, “thân” nghĩa là cái dải mũ. Hoàn toàn sai. Trong tiếng Hán, “anh” 纓 là cái dải mũ, chữ này không hề tượng trưng cho người làm quan to hay người có quyền thế. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

 


Sài Gòn một chút quán xá

Phở Dậu

Quán phở Dậu có mặt tại Sài Gòn đã trên 55 năm, trong khu vực cư xá hàng không cũ trên đường Công Lý, nay là hẻm 288.


 


Quán có xuất xứ từ Nam Định. Nhiều thực khách, hầu hết là người Nam, lần đầu ăn tại quán ngạc nhiên khi không thấy có giá và đĩa rau sống ăn kèm với phở, mà chỉ có chút hành ngò và thêm đĩa hành tây thái mỏng. Bà Dậu cho biết Nam Định là nơi có nhiều người làm nghề nấu phở sớm nhất ở miền Bắc, về sau mới có người ra Hà Nội mở quán phở. Là người Nam Định di cư vào Sài Gòn, năm 1958 bà mở quán tại địa chỉ trên, vẫn theo công thức của phở Nam Định.


Để có nước lèo đặc sắc cho tô phở, nhất thiết chỉ dùng xương ống. Tuy nhiên, xương ống được hầm trong bao lâu, và thêm thắt những gia vị gì cho nồi nước lèo được đặc sắc, có lẽ là bí quyết gia truyền của quán phở Dậu. Thực khách sành điệu về phở cũng chỉ biết nước lèo của phở Dậu dậy hương vị thơm ngon đậm đà, do xương ống bò được ninh rục, không còn chút thịt nào bám vào ống xương, và hành củ với củ gừng nướng bỏ vào nồi nước lèo.


Tôi thưởng thức tô phở ngày nào tại quán phở Dậu trong buổi sáng trễ muộn, bởi vì nhớ lời căn dặn của chủ quán: Nên đến ăn phở Dậu lúc trễ muộn trong buổi sáng, vì đến ăn phở lúc sáng sớm thì nước lèo của tô phở còn nhạt; nếu không nêm nhạt, nước lèo đun lâu sẽ bị mặn, khi cứ để nóng sôi sùng sục tới cuối chót. Thủng thẳng gắp từng đũa phở Dậu, uống từng thìa nước lèo của tô phở, tôi vẫn cảm nhận được vị thơm ngon đậm đà mà thanh tao của tô phở. Đấy là hương vị của nước lèo đặc sắc, nhiều hơn hương vị của những miếng thịt bò trong tô phở. 


Ở bàn bên, vị thực khách trung niên pha chút nước mắm và tương ớt vào đĩa hành tây, trộn đều thật khéo tay, rồi gắp từng đũa ăn kèm tô phở với vẻ toại ý. Nơi những bàn gần đó, nổi lên nhiều tiếng gọi thêm chén tái tiết, thêm chén tái nạm, thêm chén tái vè… Những âm thanh ấy, những hình ảnh ấy càng làm tôi nhớ lại những ngày quá vãng xa xôi của Sài Gòn.


Ngày đó, bà Dậu luôn vui vẻ và ân cần với những thực khách quen thuộc, đặc biệt thực khách vốn là văn nhân nghệ sĩ. Biết cha đẻ tiểu thuyết “Loan Mắt Nhung” – nhà văn Nguyễn Thụy Long – mỗi khi ăn phở ưa trộn thêm chén cơm nguội khi tô phở đã vơi, bà Dậu tự động mang chén cơm nguội, kèm thêm chén nước lèo cho nhà văn ăn khỏe này. Hay diễn viên điện ảnh Huy Cường, chàng biệt kích bụi bặm trong phim “Xin Nhận Nơi Này Là Quê Hương” ưa gọi thêm một chén tái tiết, nên bà Dậu luôn làm một chén tái tiết đặc sắc mà không tính thêm tiền…

(Phở Dậu lừng danh Sài Gòn – Nguyễn Đạt) *

 

* Nguyễn Đạt là cháu nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.







Không có nhận xét nào: