Tạp Ghi và Phiếm Luận :
NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (6)
Tạp Ghi và Phiếm Luận :
NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (6)
VÔ DUYÊN
Lòng thẳng không quen chuyện hão huyền,
Tôi toàn gặp gỡ những vô duyên.
Trăng lên trong lúc mây u ám,
Sông quạnh, mù sa, nước ngược thuyền.
Tôi đợi bên trời chút nắng hanh,
Sưởi lòng giá lạnh giữa ngày xanh.
Nhưng mà mưa vẫn rơi không dứt,
Biết hướng nào đây! Đón gió lành.
Đò lỡ sang ngang lắm chuyến rồi,
Hững hờ, hiu quạnh, đón hồn tôi.
Vườn người nẩy nở khi xuân đến,
Xuân đến, vườn tôi vẫn thế thôi!
Hoa nhạt mùi hương, nước cạn dòng,
Chẳng còn mơ ước, hết chờ mong.
Đời tôi như cốc cà phê đắng,
Không mảnh đường tan để dịu lòng.
Thầy Bửu Kế( Hoa Đầu Mùa),
Giáo sư Viện Hán Học Huế.
Họa nương vận:
HẢO HUYỀN
Tôi đã ôm mang chuyện hão huyền
Nên đời quở trách: ”Thật vô duyên!”:
Trăng thanh thoáng mát trên làn nước
Thoải mái trôi sông một chiếc thuyền…
Gió nồm thì ẩm, bấc thì hanh(1)
Chẳng nghĩa lý gì với tuổi xanh
Đêm mộng ngày mơ theo dáng nguyệt
Nguyện cầu niềm ước được an lành!
Mọi việc e dàn xếp cả rồi
Làm sao như ý được cho tôi?
Một ngày pháo nổ ran tan xác
Tan cả tâm ai… - Mộng nữa thôi?
Chèo khó bởi đi ngược với dòng
Không lường sức trước, cứ hoài mong
Thì ra ta đã nhiều mơ hão
Hồng vút bay xa… - Để hận lòng!
Trần Văn Dật
Vĩnh Long 20-2-2022
(1) Gió bấc thì hanh, gió nồm thì ẩm (Tục ngữ).
Làm Sao!
TÌNH XƯA THÔI ĐÃ MUỘN MÀNG
CÁCH XƯNG HÔ DÀNH CHO THẦY – TRÒ
Hình mượn trên mạng
“CHÀO MỪNG CÁC CON HỌC SINH TRỞ LẠI TRƯỜNG HỌC”
Ở hình trên, bên phải cái bảng đỏ đặt bên trái lối vào các lớp của trường THCS Giảng Võ – Hà Nội có in câu chữ ấy màu đỏ trưng ra trong ngày đón học sinh trở lại trường để học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến (online) ở nhà do dịch Covid.
Câu chữ có in dư hai chữ “CÁC CON” khiến mấy hôm nay dư luận bàn cãi về cách xưng hô dành cho Thầy và Trò.
Ở nước mình, hình như người vô công rỗi nghề nhiều, thành thử thỉnh thoảng dấy lên những tranh luận không đáng tranh luận… hehe
Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân “yêu cầu Bộ Gíao Dục – Đào Tạo thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là:
1/ CẤM giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".
2/ Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không được gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con” …
Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô". Gọi "thầy giáo", "cô giáo" chỉ dành cho học sinh gọi người dạy mình.
3/ Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.”
Ô. Lại Nguyên Ân yêu cầu như thế ít nhiều cùng suy nghĩ như GS. Trần Ngọc Thêm, cách đây không lâu, đã đề xuất bỏ “Lễ” trong học đường, vì sợ “tạo cảm giác e dè, khúm núm, nhỏ bé …” ở học sinh (trích ý kiến tham luận về vấn đề của Ô. Hoàng Vương).
Sau khi ý kiến của Ô. Lại Nguyên Ân đến tai độc giả, có người thỏa hiệp, nhưng cũng có người phản đối – thậm chí phản đối gay gắt. Vì thế, Ô. Lại Nguyên Ân mới đưa ra những giải thích thêm như sau:
1/ Học sinh thời nay học theo chương trình giáo dục đổi mới, tính hòa nhập quốc tế cao. Các đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Pháp… chỉ đơn giản là “tôi”, “bạn” (thì tiếng Việt Nam cũng phải đơn giản lại như thế).
2/ Người dạy học không được gọi học sinh là “con”, vì từ này chỉ dành cho các bậc sinh thành.
3/ Việc thống nhất cách xưng hô giữa giáo viên, học sinh, sinh viên là tiền đề, bước đệm cho việc thống nhất cách gọi giữa các mối quan hệ khác trong xã hội (tại cơ quan, tại hội đoàn …)
Ý kiến, lập luận của Ô. Lại Nguyên Ân hợp lý hay không hợp lý, vấn đề này xin nhường các bậc thức giả thẩm xét.
Ở đây, tôi chỉ muốn đưa ra vài ý kiến cá nhân thôi.
Bên Tây, tiếng Anh cũng như tiếng Pháp không có đại từ nhân xưng (pronom personnel – personal pronoun) biểu tỏ mức độ thân sơ tình cảm trong giao tiếp như tiếng ta. Theo tôi, như thế ở điểm này tiếng ta trội hơn. Giờ không lẽ ta bỏ ưu điểm của mình để học theo khuyết điểm của người. Tôi có thời gian dài sống, gần gũi với vài ông Tây, họ khen tiếng ta dồi dào ở điểm này.
Người đi dạy là người được đào tạo nhiều năm ở trường sư phạm – trường dạy phương pháp, tư cách khi dạy học - có trình độ văn hóa, giao tiếp… không phải thấp. Việc xưng hô với học trò thế nào cứ để các người đi dạy tùy cơ ứng biến miễn sao thanh nhã, lịch sự, thân thương, gần gũi là được (lúc nào thì CON, lúc nào thì EM, lúc nào thì BẠN, lúc nào thì ANH CHỊ…), cần chi phải ra QUY ĐỊNH, “QUY CHẾ”. HÃY để một ít không gian tự do cho người làm nghề dạy học! Đừng biến họ thành cái máy!
Từ thời xa xưa, ý niệm “SƯ – ĐỆ” đã nói lên quan hệ “THẦY – EM” giữa người dạy và người học rồi. Nhưng trong tiếng Việt, ý niệm ấy được diễn ra là “THẦY – TRÒ” mà không là “THẦY – EM”. Việc thay đổi cách gọi người học (trò – em – con – bạn – anh chị…) được điều chỉnh theo hướng tốt đẹp thể hiện tình cảm qua cả một thời gian dài.
Người dạy gọi người học là thế. Còn người học tự gọi mình là gì trước mặt người dạy?
Dù cao tuổi hơn bậc dạy mình, dù học ở bậc đại học hoặc trên đại học, khi trò chuyện hoặc tranh luận với bậc dạy mình, người học phải xưng “em”; còn nếu người dạy đáng tuổi cha mẹ thì tự xưng “con”. Tự nhận mình là “em”, là “con”, tức là biểu tỏ sự kính trọng, có kính trọng mới học được. Nếu xưng “tôi” nghĩa là ngang hàng rồi thì đến học gì!!! Cũng như “tầm sư học đạo” trong tôn giáo, trước một Linh Mục Thiên Chúa Giáo hay trước một Thượng Tọa, Hòa Thượng Phật Giáo thì xưng “con”. Xưng “tôi” trông xấc xược lắm.
Còn người đi dạy thì gọi họ là gì?
Trước đây, ai dạy học, được gọi là THẦY, CÔ (SƯ), học sinh gọi như thế, cả cộng đồng gọi như thế. Bằng chứng, tôi chỉ đi dạy một thời gian không nhiều, mà đến hôm nay nhiều người còn gọi tôi là THẦY.
Bây giờ, trong một xã hội tự xưng là “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO’, tại sao phải thay đổi cách gọi?
Tại sao không dùng từ GIÁO SƯ mà dùng từ GIÁO VIÊN? À quên… từ GIÁO SƯ có dùng nhưng để chỉ một học hàm… hihi.
Trước đây, người đi dạy, trên văn bản chính thức, gọi là giáo sư; chỉ ở bậc tiểu học gọi là giáo viên. Nhưng tôi thấy từ giáo viên không xứng hợp mấy!
GIÁO SƯ VÀ VÀ GIÁO VIÊN khác nhau thế nào?
VIÊN (員)trong chữ Hán gồm trên chữ KHẨU (miệng – để ăn), dưới chữ BỐI (tiền bạc, của cải), nghĩa là người được giao cho một việc để làm ăn; còn SƯ, ngoài ý nghĩa một việc làm ăn, còn mang ý nghĩa rao giảng kiến thức, gầy dựng nhân cách. Xem trong tiếng Pháp nè! Từ instituteur (thường được dịch là giáo viên) đi ra từ động từ instituer (gầy dựng: fonder) đó.
SƯ có nội hàm là thiên chức; còn VIÊN không có nội hàm ấy.
Hoàng Đằng
15/02/2022