ĐỜI NGƯỜI TỐT ĐẸP LÀ THẾ NÀO
(Điều 27 Thực hành mỗi ngày một tốt hơn công việc sản xuất và tiêu thụ cả hai mặt vật chất và tinh thần trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp bạn có cuộc đời phong phú và mãn nguyện) (1)
MATSUSHITA Kônosuke (*)
Dịch: Nguyễn Sơn Hùng
***
Đời người là chuỗi vận doanh của sản xuất và tiêu thụ. Hàng ngày để ý quan tâm sao cho có sản xuất và tiêu thụ tốt đẹp cả hai mặt tinh thần và vật chất sẽ kết nối bạn với đời người phong phú và mãn nguyện (2).
Đời người (nhân sinh) (3) mà chúng ta đang sống chỉ có mỗi một bản thân của người đó mới sống được, và là một vật rất quý trọng không thể nào có lại lần thứ hai! Bởi vì lý do này, tôi nghĩ rằng trong chúng ta ai cũng nguyện ước mong muốn sống một đời người có ý nghĩa sâu đậm, và để thực hiện được ước nguyện này phải chăng chúng ta cần phải nhận thức đúng thế nào là đời người? Chính việc nắm rõ một phần nào thế nào là đời người sẽ là sức mạnh và giúp chúng ta biết cụ thể hơn nên nỗ lực cố gắng thế nào để có được một đời người tốt đẹp hơn đồng thời cũng giúp chúng ta có được nhiều thành quả thực tế hơn.
Về vấn đề “nhân sinh (đời người) là gì?” tôi đã từng suy nghĩ thế này thế nọ sau khi tôi thành lập viện nghiên cứu PHP (4) không bao lâu.
Nhân sinh nói tổng quát là đời sống của con người, được hiểu là từ lúc con người chào đời cho đến lúc phải lìa đời vĩnh viễn. Nhưng nếu nhìn chi tiết thì đời người có thể xem như kết quả sự tích lũy của sinh hoạt hàng ngày qua từng giây, từng phút, từ ngày này đến ngày khác. Do đó nếu chúng ta khảo sát kỹ tình trạng sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, chúng ta có thể nắm rõ được đời người (nhân sinh) là gì?
Sau khi thử xem xét nhiều thứ dựa trên cách nhìn nói trên về “đời người là gì?” tôi đã có kết quả như sau. Nói rõ ràng và ngắn gọn, “Đời người là sự vận doanh (5) của sản xuất và tiêu thụ”.
Nói “sản xuất và tiêu thụ” thường được nghĩ là một phương diện của hoạt động kinh tế nhưng “sản xuất và tiêu thụ” nói ở đây không phải chỉ đơn thuần là sản xuất và tiêu thụ đồ vật, vật chất mà rộng rãi hơn, bao gồm cả hoạt động tinh thần, vận doanh ở mặt tinh thần, tâm hồn của con người. Bởi vì tôi đã suy nghĩ rằng việc sản xuất và tiêu thụ của 2 mặt vật chất và tinh thần là căn bản của sinh hoạt hàng ngày của con người, và phải chăng đây chính là đời người của chúng ta.
Từ khi có được kết luận như trên cho đến nay đã trải qua hơn 30 năm (6) nhưng cách suy nghĩ của tôi vẫn không thay đổi. Phải chăng trong thực tế, đời người của chúng ta ngoài sự sản xuất và tiêu thụ không còn có gì khác?
Lý do là vì mỗi ngày chúng ta sản xuất ra nhiều thứ vật tư và đồng thời chúng ta cũng tiêu dùng nhiều loại vật tư. Và khi chúng ta sản xuất và tiêu thụ vật tư nhất định chúng ta cho tinh thần, đầu óc chúng ta làm việc dưới một hình thức nào đó. Dù cho chế tạo đồ vật, trước hết chúng ta suy nghĩ trong đầu chế tạo vật gì và chế tạo ra sao, kế đến chúng ta sáng kiến hoặc tìm cách này, cách khác để chế tạo ra. Việc này có thể nói là hoạt động sản xuất ở mặt tinh thần. Ngoài ra, khi chúng ta sử dụng hoặc tiêu dùng vật tư thì việc đánh giá giá trị hoặc thưởng thức hương vị của vật tư cũng là hoạt động ở mặt tinh thần. Do đó, sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, và đời người của chúng ta là sự tích lũy của sinh hoạt hàng ngày này, được xây dựng bằng sự vận doanh của sản xuất và tiêu thụ ở cả 2 mặt vật chất và tinh thần.
Nếu suy nghĩ như trên, để có được đời người tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn thì việc chúng ta thực hành trong thực tế (nghĩa là thực tiễn) công việc sản xuất và tiêu thụ ở hai mặt vật chất cùng tinh thần sao cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay là quan trọng. Nghĩa là nếu là chính trị gia thì trong hoạt động chính trị, nếu là nhà giáo dục thì trong hoạt động giáo dục...mỗi người trong lĩnh vực của mình quan tâm để ý thực tiễn sản xuất tốt hơn và tiêu thụ tốt hơn.
Nếu mọi người làm như nói trên thì phải chăng con đường mà toàn thể xã hội có phát triển, tiến bộ đồng thời đối với mỗi người cũng có được đời người tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn để không phải hối tiếc, sẽ được mở rộng ra?
Khi nói đến ý nghĩa và mục đích của đời người, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ đến những gì cao thượng, những gì khó khăn. Tuy nhiên đời người như đã trình bày ở trên, nếu chúng ta nghĩ rằng đời người là vận doanh của sản xuất và tiêu thụ của 2 mặt vật chất và tinh thần thông qua sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, và cũng nghĩ rằng việc chúng ta thực hiện tốt những công việc này là con đường dẫn chúng ta đến đời người tốt đẹp hơn thì phải chăng ước ngyện đã nói ở đầu bài viết của chúng ta trở nên gần gũi với chúng ta hơn?
Ít nhất đối với trường hợp của bản thân tôi, tôi cảm thấy việc mà tôi tự xem xét lại hoạt động của bản thân trong mỗi ngày hôm nay đã là sản xuất và tiêu thụ tốt hơn không, đã kết nối với sự phong phú và mãn nguyện (jyujitsu充 実) của cuộc đời tôi theo cách suy nghĩ của tôi.
Nguyễn Sơn Hùng
7/2/2023
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人 生 心 得 帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Nhận xét của người dịch
1. Cách nhìn đời người của tác giả có tính cách của một nhà kinh doanh nhưng phải công nhận cách nhìn này dễ hiểu, rõ ràng và giúp chúng ta dễ thấy được sống như thế nào là hợp lý và có ý nghĩa và chúng ta có thể mãn nguyện khi rời thế gian vĩnh viễn. Tuy nhiên, ngoài hai lĩnh vực chính yếu này người dịch cảm thấy còn một lĩnh vực thứ ba, đó là lĩnh vực: chuẩn bị, dưỡng sức, hồi sức, học tập... rất khó dùng một từ ngắn gọn để diễn tả đầy đủ nội dung của các hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt đối với thời kỳ con người chưa đủ trưởng thành để có những hoạt động sản xuất đúng nghĩa. Có lẽ tác giả từ nhỏ đã sớm phải tham gia vào hoạt động sản xuất nên không có nhiều ấn tượng đến thời kỳ này. Khi nghĩ đến vấn đề giáo dục hoặc để nâng cao thành quả của sản xuất cả tiêu thụ không thể bỏ qua lĩnh vực này.
Tuy nhiên để đơn giản vấn đề chúng ta có thể phân chia các hoạt động trong lĩnh vực thứ ba này vào lĩnh vực sản xuất hoặc tiêu thụ. Thí dụ, đọc sách về thi phú, âm nhạc, hội họa... để tinh thần, tâm hồn chúng ta được giải trí, thảnh thơi, chúng ta có thể xếp vào hoạt động tiêu thụ. Nếu như những sách vở, tài liệu khoa học, kỹ thuật... chúng ta có thể xếp vào hoạt động sản xuất.
2. Thật chí lý thay cho câu “Để có được đời người tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn thì việc chúng ta thực hành trong thực tế công việc sản xuất và tiêu thụ ở hai mặt vật chất cùng tinh thần sao cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay là quan trọng”! Then chốt chỉ có bao nhiêu đó!
Khi đọc câu này, người dịch rất thấm thía lời của Mạnh tử trong bài 11 chương 7 Ly Lâu thượng của sách Mạnh Tử viết các đây hơn 2300 năm trước với đại ý “Trong khi đạo, cách nên sống của con người, ở gần gũi bên cạnh và dễ thực hiện nhưng họ lại đi tìm kiếm những gì cao xa và khó thực hiện (Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn; sự tại dị, nhi cầu chư nan)”.
3. Thêm một điều rất quan trọng và tác giả cũng đã đề cập đến đó là hoạt động sản xuất và tiêu thụ của cả 2 mặt: vật chất và tinh thần. Đôi khi chúng ta xem trọng mặt vật chất mà bỏ quên mặt tinh thần.
Nguyễn Sơn Hùng
Viết xong ngày 16/6/2023
Ghi chú
(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
(4) PHP: viết tắt của “Peace and Happiness through Prosperity”, nghĩa là “Thông qua Phồn Vinh có được Hòa Bình và Hạnh Phúc”.
(5) Nguyên văn là “itonami” viết bằng chữ “doanh”営み. Theo Thiều Chửu là “doanh” là “mưu làm”, theo Đào Duy Anh là “lo toan” hoặc “làm”. Bởi vì “hành” 行 cũng có nghĩa “làm” nhưng tác giả không dùng hành, dùng doanh. Theo thiển ý của người dịch, “doanh” ở đây bao gồm nghĩa “làm có lo tính”, làm thế nào cho tốt nên từ “vận doanh” thích hợp hơn “vận hành”.
(6) Vào tháng 2 năm 1948 ông phát biểu “Ý Nghĩa của Đời Người” là bài số 2 trong 40 bài của “Lời Ngỏ của PHP” (PHP no Kotoba). Về sau 40 bài này được xuất bản với dạng sách tựa “Lời Ngỏ của PHP” vào năm 1953 và cũng được biên soạn lại thành sách tựa “Triết Học của Matsushita Kônosuke” vào năm 2002.