Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

Giai Thoại Văn Chương : THƠ ĐỀ TRÊN LÁ (Đỗ Chiêu Đức)

 Giai Thoại Văn Chương :  

                        THƠ ĐỀ TRÊN LÁ
                          
                        

       Đầu những năm Thịnh Đường, hậu cung của nhà vua tuyển rất nhiều cung nữ, nhất là ở Thượng Dương Cung, là một cung lớn và đẹp lúc bấy giờ, phía Nam cung giáp với dòng Lạc Thủy, phía Bắc nối liền với Bắc Uyển của Ngự Hoa Viên, hoa lá cỏ cây xinh tươi, chim muông ca hót, nhã nhạc vang lừng, khiến cho Tiến sĩ Vương Kiến 王 建(767—830)một thi nhân đời Đường đi ngang qua phía ngoài cung đã cảm tác bài thơ tứ tuyệt sau đây:

 上 陽 花 木 不 曾 秋,    Thượng Dương hoa mộc bất tằng thu,
 洛 水 穿 宮 處 處 流。    Lạc Thủy xuyên cung xứ xứ lưu.
 畫 閣 紅 樓 宮 女 笑,    Họa các hồng lâu cung nữ tiếu,
 玉 簫 金 管 路 人 愁。    Ngọc tiêu kim quản lộ nhân sầu!
    Có nghĩa :
           - Hoa cỏ trong cung Thượng Dương như chẳng từng có mùa thu.
           - Dòng Lạc Thủy chảy xuyên qua cung rồi chảy đi khắp nơi.
           - Trong lầu son gác tía vẳng ra tiếng nói cười của các cung nữ...
           - Hoà với tiếng tiêu ngọc sáo vàng làm cho người qua đường buồn muốn đứt ruột !...
                    Thượng Dương hoa cỏ vẫn xinh tươi,
                    Lạc Thủy xuyên cung chảy khắp nơi.
                    Gác tía lầu son cung nữ hát...
                    Tiêu vàng sáo ngọc xót lòng người !

       Lòng người xót xa vì thương cho thân phận của những cung nhân trong lầu son gác tía kia như những con chim oanh bị nhốt trong lòng son, suốt đời lắm người còn chưa từng trông thấy mặt vua ra sao cả!
       Theo sách "Cựu Đường Thư 舊 唐 書" tiết lộ cho ta một con số vô cùng kinh hãi: Những năm Khai Nguyên và Thiên Bảo của buổi Thịnh Đường, kể cả hậu cung và hành cung ở khắp nơi trên đất nước, tổng số cung nhân lên đến trên bốn vạn (40.000) người. Đây là con số không tiền khoáng hậu của các triều đại Trung Hoa và cả khắp các nơi trên thế giới nữa; chưa có ông vua nào, triều đại nào có số cung nhân cao đến như thế cả! Theo Đào Cốc 陶 谷 của đời Bắc Tống ghi lại trong "Thanh Dị Lục 清 異 錄" : Những năm Khai Nguyên, mỗi đêm vì cung nhân qúa đông, không biết chọn ai để thị tẩm, Thái giám Tổng Quản phải cho các người đẹp thi đổ xúc xắc, ai thắng cuối cùng thì sẽ được độc quyền thị tẩm với Đường Huyn Tông đêm hôm đó. Đó là những phi tần ở gần vua còn những cô khác ở xa hơn, nhất là các cô ở các hành cung xa xôi hơn thì đành chịu suốt đời phòng không chiếc bóng như trong bài "Hành Cung 行 宮" của Nguyên Chẩn vậy:
           
                     

                  寥 落 古 行 宮,    Liêu lạc cổ hành cung,
                  宮 花 寂 寞 紅。    Cung hoa tịch mịch hồng.
                  白 頭 宮 女 在,    Bạch đầu cung nữ tại,
                  閒 坐 說 玄 宗。    Nhàn tọa thuyết Huyền Tông.
      Có nghĩa :
                  Lơ thơ lạnh lẽo hành cung,
                  Cung hoa đỏ thắm lạnh lùng lặng yên.
                  Bạc đầu cung nữ huyên thuyên,
                  Ngồi buồn nhắc những chuyện Huyền Tông xưa.

      Cuộc đời của những người đẹp trong cung, đến khi đầu bạc chỉ còn lại những hoài niệm và nuối tiếc mà thôi! Nên chi, ba ngàn giai lệ với cuộc sống xa hoa nhàn hạ suốt ngày bị giam hãm trong cung sâu, rất nhiều người đẹp đã nhặt những chiếc lá vàng lá đỏ rơi rụng trong cung đề thơ để giải tỏa nỗi lòng u ẩn, để bày tỏ những ước vọng sâu kín trong lòng, rồi thả theo dòng nước ngự câu cho trôi ra ngoài đến chốn nhân gian tự do tự tại.
      Theo "Bổn Sự Thi 本 事 詩" cuả Mạnh Khải 孟 棨, có 2 nguồn chính về "Hồng Diệp Đề Thi 紅 葉 題 詩" là đề thơ lên lá đỏ như sau:
                     
                                  Lá đỏ đề thơ ở Thượng Dương Cung   

     * CỐ HUỐNG 顧 況(725—814)tự là Bô Ông 逋 翁, hiệu là Hoa Dương Chân Dật 華 陽 真 逸. đậu Tiến sĩ năm Chí Đức thứ 2 đời Đường Túc Tông. Khi ở Lạc Dương, lúc rảnh rỗi cùng ba người bạn dạo chơi bên ngoài Thượng Dương Cung. Bỗng nhìn thấy một chiếc lá ngô đồng màu đỏ từ trong cung trôi ra trên đó thấp thoáng có chữ viết, bèn vớt lên thì thấy có bài thơ:

                  一 入 深 宮 裏,    Nhất nhập thâm cung lý,
                  年 年 不 見 春。    Niên niên bất kiến xuân.
                  聊 題 一 片 葉,    Liêu đề nhất phiến diệp,
                  寄 與 有 情 人。    Ký dữ hữu tình nhân !
        Có nghĩa :
                     Đã vào cung cấm thâm sâu,
                     Năm năm chẳng thấy Xuân đâu bao giờ.
                     Buồn đề trên lá bài thơ,
                     Gởi cho ai đó đợi chờ hữu duyên.

       Hôm sau, Cố Huống lên phía trên dòng nước, nhặt một lá đỏ đề bài thơ tứ tuyệt sau đây gởi ngươc vào trong cung:

   花 落 深 宮 鶯 亦 悲,    Hoa lạc thâm cung oanh diệc bi,
  上 陽 宮 女 斷 腸 時。    Thượng Dương cung nữ đoạn trường                                                thì.
  君 恩 不 閉 東 流 水,    Quân ân bất bế đông lưu thủy,
  葉 上 題 詩 寄 與 誰?     Diệp thượng đề thi ký dữ thuỳ?
     Có nghĩa :
                   Hoa rụng cung sâu oanh cũng sầu,
                   Thượng Dương cung nữ quặn lòng đau.
                   Ơn vua chẳng bế dòng lưu thủy,
                   Trên lá đề thơ gởi đến đâu ?        
               

      Qua mấy hôm sau, có người bạn biết chuyện Cố Huống đề thơ gởi vào cung, khi đi dạo chơi bên bờ Ngự câu, lại nhặt được một bài thơ từ trong cung trôi ra, đem đến cho Cố Huống xem:

  一 葉 題 詩 出 禁 城,    Nhất diệp đề thi xuất cấm thành,
  誰 人 酬 和 獨 含 情。    Thùy nhân thù họa độc hàm tình.
  自 嗟 不 及 波 中 葉,    Tự ta bất cập ba trung diệp,
  盪 漾 乘 春 取 次 行。    Đảng dạng thừa xuân thủ thứ hành !
    Có nghĩa :
                   Một lá đề thơ ra cấm thành,
                   Ai người họa vận thật chân tình.
                   Thân ta tiếc chẳng trôi như lá,
                   Theo sóng chập chờn xuân vẫn xanh !

      * Một nguồn khác về cung nữ đề thơ là vào những năm Khai Nguyên, vua Đường Huyền Tông hạ chiếu cho hơn chục ngàn cung nhân ở hậu cung, mỗi người may vài bộ quân bào (áo của lính mặc) để gởi ra ngoài biên ải cho các quân nhân đang trấn thủ lưu đồn không về ăn Tết được. Một quân nhân ở vùng biên tái đã phát hiện ra trong đoản bào (áo lót ngắn) có một bài thơ như sau:

                   沙 場 征 戍 客,    Sa trường chinh thú khách,
                   寒 苦 若 為 眠。    Hàn khổ nhược vi miên.
                   戰 袍 經 手 作,    Chiến bào kinh thủ tác,
                   知 落 阿 誰 邊。    Tri lạc a thùy biên.
                   畜 意 多 添 線,    Súc ý đa thiêm tuyến,
                   含 情 更 著 綿。    Hàm tình cánh chước miên.
                   今 生 已 過 也,    Kim sanh dĩ quá dã,
                   重 結 後 生 緣。    Trùng kết hậu sanh duyên.
       Có nghĩa :
                     Lính thú sa trường khách,
                     Lạnh khổ bởi vì đâu.
                     Chiến bào may cho chắc
                     Biết lọt vào tay nào.
                     Có ý thêm làn chỉ,
                     Hàm tình bông ấm sao.
                     Kiếp nầy thôi đà lở,
                     Đành hẹn đến kiếp sau !
              
                          

       Không dám che dấu, người binh sĩ trình chiếc áo có bài thơ lên cho tướng soái. Nguyên soái trấn thủ biên ải lại trình về kinh thành. Vua Huyền Tông cho triệu tập hết lục cung phi tần lại, đưa bài thơ ra và phán rằng: Ai đã làm bài thơ nầy, nếu nói thật thì sẽ không bị giáng tôi. Một cung nhân trẻ đẹp đã bật khóc và bước ra nhận tội chết. Đường Huyền Tông đã rất cảm động và đồng tình, bèn hạ chiếu tha tội và cho triệu người binh sĩ đó về và ban hôn cho hai người được đoàn tụ ở kiếp nầy, chớ không cần phải đợi đến kiếp sau.

     THƠ ĐỀ LÁ ĐỎ hay HỒNG DIỆP ĐỀ THI còn có 3 xuất xứ như sau :

      1. Theo THỊ NHI TIỂU DANH LỤC 侍 兒 小 名 錄 : 
       Con gái nuôi của tài nhân nhà Phụng Ân Vương 奉 恩 王 đời Đường là Phượng Nhi 鳳 兒 thường đề thơ trên lá đỏ, rồi thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Tiến sĩ Giả Toàn Hư 賈 全 虛 bắt được lá. Quan Kim Ngô tâu việc ấy lên vua. Nhà vua bèn gả Phượng Nhi cho Giả Toàn Hư và phong cho chức Kim Ngô.

      2. Theo sách VĂN KHÊ HỮU NGHỊ 云 溪 友 議 :
       Thư sinh Lư Ốc 盧 渥 đi ngang qua ngự câu (dòng nước chảy từ cung vua ra ngoài), Ngẫu nhiên vớt được một chiếc lá đỏ trên đó có đề một bài thơ. Ốc nâng niu và cất vào trong tráp. Khi vua Đường thải cung nữ cho đi lấy chồng. Lư Ốc lấy được một cô, lại đúng là người thả chiếc lá kia. Lúc trông thấy chiếc lá đỏ trong trap, người vợ nói: ”Khi ấy thiếp chỉ ngẫu nhiên đề thơ, không ngờ chàng lại chính là người đã bắt được!”

      3. Theo THANH TỎA CAO NGHỊ 青 瑣 高 議 :
       Cung nhân Hàn Thị 韓 氏 đề một bài thơ trên lá đỏ, thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Thư sinh Vu Hựu 于 佑 nhặt được đem cất đi. Hựu lại viết hai câu thơ, rồi đợi nước lớn thả ngược vào trong cung. Hàn Thị bắt được lá cũng cất vào trong rương. Sau vua Đường cho thải ba ngàn cung nhân, Hàn Thị được thải ra và rất tình cờ lấy được Vu Hựu làm chồng. Khi phát hiện ra lá đỏ của nhau, vợ cùng chồng cảm  động mà nói với nhau rằng: ”Chúng ta phải tạ ơn cho hai người mai mối, chính là hai cái lá đỏ nầy đây“.
     Cả ba xuất xứ trên của điển tích Lá Thắm đều có nội dung tương tự như nhau. Nhưng truyền tụng rộng rãi trong dân gian và được mọi người yêu thích nhất là Xuất Xứ Thứ 3 : Truyện của chàng thư sinh Vu Hựu 于 佑 và cung nhân Hàn Thị 韓 氏. Truyện được kể như sau:

     Đời vua Đường Hi Tông 唐 僖 宗 (874-888). Thiên hạ loạn lạc. Giặc giã nổi lên khắp nơi, vì thế mà kẻ sĩ là những người chân yếu tay mềm đều nhập kinh lánh nạn, một số cũng nhân cơ hội nầy đợi kỳ ứng thí để tìm chút công danh. Trong số đó có chàng nho sinh Vu Hựu 于 佑.
     Sau khi lưu lạc ở đất Trường An, Vu Hựu cũng không tìm được việc làm thích hợp. Chàng hay lang thang đi về những nơi hẻo lánh của chốn kinh thành. Một buổi chiều thu, khi thả bộ bên dòng Ngự Câu từ trong cung chảy ra, ngắm những lá phong vàng bị gió thu cuốn rơi lả tả trôi theo dòng nước. Cảm khái với thân phận của mình cũng giống như những chiếc lá vàng kia. Chàng bèn ngồi xuống một tảng đá bên bờ ngự câu mà nhìn lá rơi nước cuốn. Những chiếc lá phong đỏ rực lắp lánh bên dòng nước thu hút sự chú ý của chàng. Chàng chợt thấy thắp thoáng trên một chiếc lá phong ẩn hiện như có dòng chữ viết, bèn vội vả vớt lên xem, thì thấy có bốn câu Ngũ ngôn Tứ tuyệt sau đây :

            Lưu thuỷ hà thái cấp ?         流 水 何 太 急 ?
            Thâm cung tận nhật nhàn.   深 宮 盡 日 閒。
            Ân cần tạ hồng diệp,            殷 勤 謝 紅 葉,
            Hảo khứ đáo nhân gian !     好 去 到 人 間!
Có nghĩa :
                  
                       Nước chảy sao vội thế ?
                       Trong cung suốt buổi nhàn.
                       Ân cần nhờ là đỏ,
                       Đưa đến chốn nhơn gian !

                 
                    
        
       Lời thơ thanh tân mà chất chứa bao nỗi u ẩn ở trong lòng: Nước ơi, sao mà chảy vội vả thế, trong cung cấm ta nhàn rỗi suốt cả ngày, nên mới ân cần nhờ chiếc lá đỏ gởi những dòng tâm sự nầy ra đến cỏi dân gian! Vu Hựu cảm thương cho người cung nữ tài hoa, nàng đã gọi thế giới bên ngoài là "Nhơn Gian", thế thì ở trong cung cấm là gì? "Địa Ngục" sao? Chàng cứ ray rức ngẩn ngơ thương cho nàng cung nữ bất hạnh, bèn lên phía thượng lưu của ngự câu, chọn một chiếc lá thật đẹp, rồi thả trở vào cung hai câu  thơ thất ngôn sau đây:

  Tằng văn diệp thượng đề hồng oán,  曾 聞 葉 上 題 紅 怨
  Diệp thượng đề thi ký A  thùy ?         葉 上 題 詩 寄 阿 誰?
Có nghĩa :
                     Từng nghe lá đỏ đề thơ oán,
                     Lá đỏ đề thơ gởi đến ai ?

        Bạn bè biết được sự si tình của Vu Hựu, lại chế giễu chàng bằng hai câu thơ sau đây :
   Quân ân bất cấm đông lưu thủy,    君 恩 不 禁 東 流 水
   Lưu xuất cung tình thị thử câu.      流 出 宮 情 是 此 溝.
Có nghĩa :
                     Vua không ngăn nước về đông,
                Thả tình cung cấm theo dòng chảy ra !

                            


        Mặc cho bạn bè cười cợt, Vu Hựu vẫn mang chiếc lá về cất kỹ trong rương. Rồi từ đó về sau chàng đi thi mãi mà vẫn không đậu đạt gì cả. Vì cuộc sống khó khăn nên chàng mới xin vào làm gia khách, gia sư cho một qúy nhân ở Hà Trung là Hàn Vĩnh 韓 泳. Hàn rất kính trọng về nhân phẩm và học vấn của Vu Hựu nên đối với chàng rất tốt.
         Mười năm sau, trong cung vua thải ra ba ngàn cung nhân, cho về quê lấy chồng sinh sống. Trong số đó có Hàn Thị 韓 氏 là em họ của Hàn Vĩnh. Vĩnh biết Hựu chưa lập gia đình nên mới làm mai Hàn Thị cho chàng. Hàn Thị ở trong cung lâu ngày nên cũng tích lũy được một ít tài vật, lại có nhan sắc. Vu Hựu vốn là thư sinh cùng đồ mạt vận, nay bỗng được vợ đẹp lại có của thì còn gì sung sướng cho bằng. Còn Hàn Thị thì ngoài ba mươi mới lấy chồng, nên hết lòng thương yêu chăm sóc cho Vu Hựu. Sau tân hôn họ sống với nhau rất là hạnh phúc.
        Một hôm, Hàn Thị sắp xếp lại sách vở cho chồng, bỗng phát hiện ra chiếc lá đỏ có đề thơ của mình được kẹp trong một quyển sách. Nàng rất ngạc nhiên mà hỏi chàng về lai lịch của chiếc lá. Vu Hựu bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện ngày xưa. Hàn Thị bèn cho chàng biết đó là bài thơ của mình, đồng thời cũng lấy từ trong trap ra chiếc lá có hai câu thơ của Vu Hựu mà nàng đã vớt được sau đó. Cả hai đều rất kinh ngạc và cảm khái cho duyên số đã an bài. Hàn Thị bèn từ trong trap lấy ra thêm một bài thơ nữa và nói với chồng rằng : “Đây là bài thơ của thiếp làm sau khi vớt được chiếc lá của chàng!”. Vu Hựu bèn đọc bài thơ như sau :

                  Độc bộ thiên câu ngạn,           獨 步 天 溝 岸,
                  Lâm lưu đắc diệp thì.             臨 流 得 葉 時.
                  Thử tình thùy khả đắc,           此 情 誰 可 得
                  Trường đoản nhất liên thi !    腸 斷 一 聯 詩 !
      Có nghĩa :
                  Lẻ loi bước giữa dòng câu,
                  Bên bờ vớt lá nghe sầu mênh mang.
                  Tình nầy ai thấu can tràng,
                  Đau lòng cung nữ đôi hàng thơ ai !
              
                    

      Hôm sau, vợ chồng Vu Hựu bèn đem chuyện Lá Đỏ Đề Thơ nói cho Hàn Vĩnh biết. Nghe xong Hàn Vĩnh cả cười, cầm bút lên viết ngay một bài thất ngôn tuyệt cú như sau :

 Nhất liên giai cú tùy lưu thủy,           一 聯 佳 句 隨 流 水,
 Thập tải u tư mãn tố hoài.                 十 載 幽 思 滿 素 懷.
 Kim nhật khước thành loan phượng hữu,  今 日 卻 成 鸞 鳳 友,
 Phương tri hồng diệp thị lương mai.         方 知 紅 葉 是 良 媒.
Có nghĩa :
                       Đôi câu thơ đẹp chảy theo dòng,
                       Ấp ủ lòng son suốt chục năm.
                       May mắn hôm nay loan phụng hợp,
                       Mới hay lá đỏ chính mai dong !

       Sau đó, Hàn Vĩnh còn cho tổ chức một Hồng Diệp Hội (một Party về Lá Đỏ) cho hai vợ chồng Vu Hựu và còn công khai chuyện Lá Đỏ Đề Thơ ra ngoài. Các văn nhân thi sĩ ở Trường An lúc bấy giờ hưởng ứng rất đông. 
      Chẳng bao lâu sau, gặp loạn Hoàng Sào. Đường Hi Tông cùng bá quan văn võ lià bỏ kinh thành chạy loạn vào đất Thục. Vợ chồng Vu Hựu cũng cùng với Hàn Vĩnh theo phò giá. Vì trước kia từng ở trong cung nên rất am tường về nề nếp sinh hoạt của hoàng gia, vì thế Hàn Thị được vua triệu kiến. Nhà vua bèn hỏi nàng về chuyện đề thơ trên lá. Hàn Thị bèn kể lại chuyện mình. Vua lại triệu kiến Vu Hựu. Thấy chàng ăn nói chửng chạc đối đáp lưu loát, có văn tài, bèn cho theo làm tùy tùng bên cạnh vua.   
      Khi loạn Hoàng Sào được dẹp yên. Vu Hựu vì theo phò giá có công, nên được phong làm Thần Sách Quân Ngu Hầu. Mặc dù quan chức không lớn, nhưng khi trở lại trường an, vợ chồng Vu Hựu nổi tiếng với câu chuyện Lá Đỏ Đề Thơ của mình. Họ sống với nhau rất hạnh phúc trong cảnh phú qúy vinh hoa và mặc dù đã trên ba mươi mới lấy chồng, Hàn Thị vẫn sinh được năm trai hai gái. Đến khi con cái lớn lên và đã thành đạt cả rồi mà câu chuyện Lá Đỏ Đề Thơ vẫn còn được dân gian nhắc mãi. 
     Tương truyền là Hàn Thị mất trước. Trước lúc lâm chung, bà còn yêu cầu chồng cho chôn chung chiếc lá đỏ với mình. Lá đỏ giờ đã phai màu, nhưng câu chuyện "Hồng Diệp Đề Thi" của họ vẫn thắm đượm mãi trong dân gian…
     Lúc bấy giờ, Thừa Tướng đương triều là Trương Tuấn 張 濬 biết được việc nầy đã cảm khái mà viết nên bài ca sau đây:
               
             Trường an bách vạn hộ,               長 安 百 萬 戶,
             Ngự thủy nhật đông chú.             御 水 日 東 注。
             Thủy thượng hữu hồng diệp,       水 上 有 紅 葉,
             Tử độc đắc giai cú.                       子 獨 得 佳 句。
             Tử phục đề thoát diệp,                 子 復 題 脫 葉,
             Lưu nhập cung trung khứ.          流 入 宮 中 去。 
             Hán cung thiên vạn nhân,            漢 宮 千 萬 人,
             Diệp quy Hàn Thị xứ.                   葉 歸 韓 氏 處.
             Xuất cung tam thiên nhân,          出 宮 三 千 人,
             Hàn Thị tịch trung số.                  韓 氏 藉 中 數。          
             Hồi thủ tạ quân ân,                      回 首 謝 君 恩,
             Lệ sái yên chi vũ.                          淚 灑 胭 脂 雨。
             Ngụ cư qúy nhân gia,                   寓 居 貴 人 家,
             Phương dữ tử tương ngộ,            方 與 子 相 遇。
             Thông môi lục lễ cụ,                     通 媒 六 禮 俱。
             Bách tuế vi phu phụ.                    百 歲 為 夫 婦。
             Nhi nữ mãn nhản tiền,                 兒 女 滿 眼 前,
             Thanh tử doanh môn hộ.             青 紫 盈 門 戶。
             Tư sự tự tiền vô,                           茲 事 自 前 無,
             Khả dĩ truyền thiên cổ !              可 以 傳 千 古!

   * DIỄN NÔM :
                      
              

                  Thành Trường An dân đông bách hộ,
                  Dòng ngự câu vẫn đổ về đông.
                  Chảy xuôi lá đỏ theo dòng,
                  Chàng Vu bắt được bâng khuâng sớm chiều.

                  Viết đôi câu đánh liều thả ngược,
                  Trôi vào cung theo nước phản hồi.
                  Lãnh cung nhan nhản những người,
                  Lá về Hàn Thị tìm vui cung buồn.

                  Thải về nguồn ba ngàn cung nữ,
                  Hàn Thị về vui chữ đoàn viên.
                  Cúi đầu lạy tạ ơn trên,
                  Lệ rơi ướt má hết phiền hết lo.

                  Đem thân trọ nhà anh Hàn Vĩnh,
                  Gặp chàng Vu định mối lương duyên.
                  Mối mai sáu lễ đã yên,
                  Trăm năm chồng vợ phỉ nguyền sánh đôi.

                  Con đàn cháu đống thảnh thơi,
                  Nên danh áo tía lộc trời vinh hoa.
                  Duyên lành LÁ ĐỎ đồn xa,
                  Lưu danh thiên cổ ai mà chẳng khen !
               
        Sau bài ca nầy, câu chuyện “Hồng Diệp Nhân Duyên" (Nhân duyên nhờ vào lá đỏ) của Vu Hựu và Hàn Thị được loan truyền khắp cả nước và… mãi mãi cho đến ngày nay !

      Trong văn chương Việt Nam ta gọi lá đỏ là LÁ THẮM, như trong phần đầu Truyện Kiều, khi dò la chỗ ở của Thúy Kiều, Kim Trọng đã đụng phải:

                     Thăm nghiêm kín cổng cao tường,
                 Cạn dòng LÁ THẮM dứt đường chim xanh !

      Lá Thắm là từ Nôm của từ “Hồng Diệp 紅 葉” là Lá đỏ thắm; mà Hồng Diệp lại là từ nói gọn lại của nhóm từ “Hồng Diệp Đề Thi 紅 葉 題 詩” là “Lá Đỏ Đề Thơ”, hay là “Thơ Bài Lá Đỏ” như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải :

                    Thực nhân tình THƠ BÀI LÁ ĐỎ,
                    Mạch sầu kia hầu tỏ cùng ai.

      Vì lá đỏ đề thơ rồi thả trôi theo dòng nước, nên còn được nói trại đi thành “Thả Lá Doành Câu” như trong Bích Câu Kỳ Ngộ là:

                      Trông hoa lặng ngắt giờ lâu,
                 Ấy ai THẢ LÁ DOÀNH CÂU ghẹo người ?!

      Hồng Diệp đôi khi còn được nói thành nửa Hán nửa Nôm là “Lá Hồng”, như trong Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:

                    Gớm nơi ngôi bảng duềnh khơi,
                  LÁ HỒNG bỗng đến chi nơi nổi chìm.

      Hồng Diệp còn thường đi chung với Xích Thằng, thành “Hồng Diệp Xích Thằng 紅 葉 赤 繩”, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng:

                   Nàng rằng HỒNG DIỆP Xích Thằng,
                 Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri !

Và như trong Tây Sương Ký :

                         Sự đâu nói gió bàn trăng,
                Mà nghe HỒNG DIỆP Xích Thằng như chơi !

      Hồng Diệp Xích Thằng nói Nôm na thành ra “Lá Thắm Chỉ Hồng”, cũng lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng khi Kim tỏ tình:
                      Dù cho LÁ THẮM Chỉ Hồng,
                Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.  

              
                          

     Ta thấy, điển tích HỒNG DIỆP ĐỀ THI 紅 葉 題 詩 được sử dụng hết sức rộng rãi trong văn học cổ Việt Nam ta, và được biến thể rất đa dạng từ Hồng Diệp đến Lá Thắm, Lá Hồng, Hồng Diệp Đề Thi, Thư Bài Lá Đỏ, Hồng Diệp Xích Thằng… nên muốn hiểu hết, cảm nhận hết ý nghĩa của các câu thơ trên, ta phải tìm hiểu xuất xứ của điển tích này để thấy được hết cái hay ho, ý vị hàm chứa trong các câu thơ đó...

        Hẹn bài viết tới !

                                                       杜 紹 德
                                                    Đỗ Chiêu Đức









Không có nhận xét nào: