Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

         Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***

Chất phác


“Phác” là cây gỗ mộc

“Chất“ nghĩa bản chất.


(Ngô Nhân Dụng – Phiếm khảo)



Chuốc chuốc

Ở nước ta, có một thứ chim cứ đến mùa hè kêu cả đêm rồi chết rạc, người Bắc gọi là chim cuốc. Người Trung gọi là chuốc chuốc. 

(Tôn Thất Lương – Xuân Mộng)


Lầu xanh, lầu hồng  

Sau này lầu hồng cũng bị trở thành maison des chanteuses (nhà chứa con hát), và sau cùng là "nhà chứa đĩ." 

Nhà chứa đĩ  thời Tây được gọi là nhà đỏ, nhà thổ. Chữ "thổ" không phải là chữ Hán, chữ Việt. Thổ là âm của tiếng Pháp tolérance (cũng như chữ "thổ mộ" là âm của tombereau). Nhà thổ tức là maison de tolérance (nhà chứa đĩ) của Pháp.

Xã hội ta thích ứng thật nhanh chóng với mọi hoàn cảnh! 


Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ
  lại chơi lường

  

Tú Xương đã nắm bắt được chuyển biến của xã hội đương thời, đưa một dịch vụ ăn khách là thổ đĩ vào văn học.


(Xướng ca vô loài – Nguyễn Dư)



Bạn vong niên

Câu này bị hiểu lầm là bạn thâm căn cố đế, tức “bạn lâu đời”. 

Nhưng chữ “vong” đây nghĩa là “quên”. “Bạn vong niên” chơi với nhau hiểu là “bạn bè chơi với nhau không kể tuổi tác, lớn bé”

Hãy quên đi tuổi tác của nhau”. 

(Duy Lý – báo Tự Do)



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ 

Thể lọai “Tiểu thuyết hư cấu lịch sử”


Con đuờng thiên lý – Nguyễn Hiến Lê - 1


Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) quê ở huyện Ba Vì, phủ Quảng Oai, Sơn Tây. Ông Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, học tại trường Bưởi. Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính rồi vào làm việc tại các tỉnh miền tây miền Nam 

Năm 1945, ông thôi làm, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác nhiều lĩnh vực khác nhau như ngữ học, triết học, lịch sử, du ký. Có thể vì ông lưu lạc ở các tỉnh miền tây, với lịch sử, du ký nên ông viết truyện miền Viễn Tây chăng? 




“…Ông Trần Trọng Khiêm, quê ở Định Tường từ năm 1855, đời vua Tự Đức (cùng đời vua với Bùi Viện). Năm 20 tuổi, vợ ông bị viên chánh tổng cưỡng hiếp rồi bức tử nên ông giết viên chánh tổng. Và cũng như Bùi Viện, ông theo tàu buôn sang Hương Cảng rồi qua Mỹ năm 1849.

Cuối cùng sang tận Mỹ quốc theo một đòan tìm vàng về Miền Viễn Tây, ông đổi tên là Kim Lee (sách La Ruée Vers L’or viết chuyện Kim Lee), chuyện đi tìm vàng đầy hiểm nguy gian khổ, đánh nhau với mọi da đỏ và tới San Francisco. Đến thị trấn mới, Lee Kim được thuê làm cho tờ Daily Evening, ông có hai bài báo viết cho tờ Daily Evening nay còn lưu giữ ở thư viện San Francisco (báo đề ngày 19-2-1850 và ngày 8-11-1853) . 


Họ Mạc đổi họ

Năm 1600, Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long, bắt được Mạc Hậu Hợp treo sống 3 ngày mới đem xử trảm, lấy đinh đóng vào hai mắt, rồi đem thủ cấp nộp cho vua Lê. 

Dòng họ Mạc quá sợ hãi phải chạy trốn để khỏi bị trừ khử, phải đổi họ bằng cách “khử túc bất khử thủ” là lấy họ khác ghi thêm “bộ thảo” trên đầu để dánh dấu nhận ra nhau. 

Từ một họ Mạc đổi ra 37 họ khác bằng cách “khử túc bất khử thủ” là lấy họ khác ghi thêm “bộ thảo” trên đầu để dánh dấu nhận ra nhau như họ Bùi, Hoàng, Lê, Nguyễn, Phạm, Phan, Vũ… Phụ thêm đổi theo họ mẹ hay bố nuôi, cho đến nay họ Mạc có hơn 200 hệ, chi, phái (như họ Cao, Đào, Đình, Đoàn, Phúc, Thái, Tô…).



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ 

Thể lọai “Tiểu thuyết hư cấu lịch sử”


Con đuờng thiên lý – Nguyễn Hiến Lê - 2

Sau ông trở về làng Hòa An, Định Tường, lập gia đình và có hai con. (Lê Xuân Lưu cháu nội Kim Lee cung cấp tài liệu cho Nguyễn Hiến Lê viết truyện “Con đường thiên lý”). Như vậy Kim Le đã đến Mỹ (1849) trước Bùi Viện 24 năm. Vì theo nhà biên khảo Thái Văn Kiểm dựa vào chuyện của Phan Trần Chúc viết truyện Bùi Viện nhận lệnh Tự Ðức qua Hồng Kông tới San Francisco, được Tổng thống "Simpson Grant" tiếp kiến vào khỏang năm 1873. 


Thế nhưng có hai chuyện: Một là tác giả Trần Giao Thủy (*) viết bài biên khảo với những chi tiết thời gian mâu thuẫn nên chuyện của Phan Trần Chúc là…hòan tòan hư cấu. Vậy mà qua hai kỳ hiệu đính bài viết của mình, ông Thái Văn Kiểm vẫn im lặng.

Hai là khác với ông Thái Văn Kiểm, trong Đời viết văn của tôi, ông Nguyễn Hiến Lê thổ lộ:

“…Tôi dùng hồi ký (viết tại Long Xuyên, ngày 12-9-1980) của tôi về cuộc tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ giữa thế kỷ trước để tạo ra nhân vật không có thật là Lê Kim. Để dựng lên chuyện không có thật về người Việt đầu tiên trôi nổi qua Mỹ, theo một đoàn tìm vàng. Khi tìm được rồi thì chán. Chán rồi thì trở về Nam Việt lập gia đình, khai hoang trong Đồng Tháp Mười…”.


(*) (về tác giả Trần Giao Thủy, xem tr 17)



Con đường Dương Nghiễm Mậu

Những người lên đường làm mới văn học nói trên, đến nay tuy đã mấy chục năm, nhưng với phần lớn tôi đều giữ được những kỷ niệm về lần đầu gặp mặt. Kỷ niệm với mỗi người mỗi khác. Thanh Tâm Tuyền, căn gác xép ám khói ở toà soạn Dân Chủ, hắn hỏi xin một điếu thuốc và tôi tưởng hắn là thợ sắp chữ


Nguyên Sa cái mũ trắng thầy giáo, lần đầu tới Sáng Tạo, gọi tôi vào phòng trong dậy một điệu nhảy swing. Cái áo thun cũ, cái quần sà lỏn của Doãn Quốc Sĩ, bữa ăn trưa đãi tôi ở Đại Học Xá. Cung Trầm Tưởng, cái cà-vạt đỏ chói, tóc đỏm dáng từng sợi. Viên Linh mặt mày cau có giận dữ vì đến đưa thơ tôi còn ngủ vùi, cửa toà báo treo tấm biển đi vắng. Trần Thanh Hiệp không nhìn lên, vùi đầu vào cuốn tự điển to gấp hai người Hiệp. Quách Thoại, cái anh chàng ngất ngưởng ở tiệm ăn Thanh Thế, lần gặp đầu đã tự nhận là vua thơ một thời


Nhưng kỷ niệm về lần thấy đầu, với Dương Nghiễm Mậu là vô tình và lý thú nhất, sau này kể chuyện lại, anh em cười lớn với nhau.

Nhớ đó là một buổi trưa rảnh rỗi, tôi ghé thăm Trần Phong Giao. Bạn đang cắm cúi làm việc. Tôi kéo ghế ngồi hút thuốc lá, thấy ở cạnh mình một cái sọt rác đựng đầy những bản thảo gởi đăng không đăng và liệng bỏ đi. Buồn tay tôi nhặt những tờ bản thảo bị xé bỏ ấy lên coi. Cuối cùng và ở tận đáy cái sọt rác ấy là một bản thảo truyện ngắn. Tôi đọc mấy dòng đầu, giật mình vì lối vào truyện mạnh dạn, mới lạ, khác biệt hẳn với lối vào truyện vòng vo ngập ngừng thường thấy ở những người viết mới. 


Đọc tiếp mấy trang nữa; tôi hỏi Trần Phong Giao: "Bỏ đi tất cả đây à?"  Bạn không ngửng đầu lên: "Ừ, đã đọc rồi bỏ không đăng" - "Moi lấy đi được không?" - "Để làm gì vậy?", Trần Phong Giao ngạc nhiên hỏi. "Mặc moi" tôi nói, và cất cẩn thận cái truyện ngắn bị vất bỏ ở một diễn đàn bạn vào túi áo, trở về đăng ngay nó và nguyên văn không sửa một cái dấu phẩy trên tờ Sáng Tạo số đang làm. Bạn tôi, chỉ thấy giá trị những tác giả đã thành danh, không thấy những hạt ngọc lóng lánh lăn ra từ những cõi viết còn vô danh chưa tên tuổi đã liệng đi cái hạt ngọc văn xuôi ấy là truyện ngắn Rượu chưa đủ, truyện đầu tay của một người trẻ tuổi mới viết văn bấy giờ là Dương Nghiễm Mậu. Hạt ngọc bị vất bỏ ấy và tôi đã tình cờ lượm được, đúng là một hạt ngọc. Bao năm rồi không đọc lại tôi chẳng thể nhớ hết từng chi tiết của truyện chỉ nhớ cái chàng nào đó với bút hiệu Dương Nghiễm Mậu đã có ở Rượu chưa đủ một đoạn văn kết thúc tuyệt hay.

 

Đoạn văn tả người anh đến đón em ở viện mồ côi. Hai anh em đi lang thang một ngày trong thành phố, không có một đồng xu nhỏ. Buổi chiều, trước khi đưa em trở về viện, người anh dẫn em vào một công viên, yên lặng lấy đất đắp thành những mô hình sông núi quê hương, thầm nghĩ hai anh em trơ trọi giữa đời, thôi bầy trò chơi đắp hình, sông núi với em, để có được cùng em, dù một cách rất tội nghiệp buồn rầu, một ý niệm về điểm tựa, về nguồn gốc. Thật là chửng chạc và cũng thật là cảm động. 


Đó là truyện ngắn thứ nhất của Dương Nghiễm Mậu.


(Mai Thảo)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn hết phố ăn vặt ở ngõ Đồng Xuân
(Nguồn: Tôi đi đâu)


Người vợ của Bùi Giáng - 1

“Bỏ qua chuyện cũ” là chuyện gì? Đó là một chuyện hết sức tức cười và trẻ con. Ông Bùi Luân tiết lộ: “Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi: Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá mua thịt…”. Thì ra, Bùi Giáng… ăn chay. Ông chỉ thuận cho cô vợ ăn rau cải, củ quả mà không cho phép bà ăn gà, bò - hai món thịt ngon nhất của ở Trung Phước.

Người vợ qua đời năm 1948 khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: “Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng - anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu”.


Bùi Giáng yêu vợ nhưng vẫn muốn… bỏ nhà đi chơi. Cũng bình thường như bao nhiêu người đàn ông Quảng Nam lãng mạn khi xa vợ. Thế nhưng, tình yêu và nỗi xót xa dành cho người vợ ở quê nhà thì rất đỗi mặn mà, vô cùng tha thiết: 

Mình ơi, tôi gọi bằng nhà

Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi


(Vũ Đức Sao Biển)


Đừng tưởng 

Đừng tưởng cứ khóc là sầu.. 

Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng

(Bùi Giáng)


Người vợ của Bùi Giáng - 2

Hai năm sau cái chết của người vợ trẻ, ông dẫn một bầy dê lên Nông Sơn chăn thả, ngao du qua những đồi núi, suối khe mơ màng để nhớ thương vợ. Hai năm sau đó nữa, ông gửi bầy dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu, bỏ quê nhà đi chơi tiếp. Ở đâu, ông cũng phục hiện những hình ảnh yêu dấu xưa. Bài thơ nhớ vợ có một không khí rất đỗi bi ai, tràn đầy hoài cảm: 


Nhớ vợ

Em chết bên bờ lúa. 
Để lại trên lối mòn. 
Một dấu chân bước của. 
Một bàn chân bé con!
 
Anh qua trời cao nguyên. 
Nhìn mây buồn bữa nọ. 
Gió cuồng mưa khóc điên. 
Trăng cuồng khuya trốn gió. 

Mười năm sau xuống ruộng. 
Đếm lại lúa bờ liền. 
Máu trong mình mòn ruỗng. 
Xương trong mình rả riêng. 

Anh đi về đô hội. 
Ngắm phố thị mơ màng. 
Anh vùi thân trong tội lỗi. 
Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang”.


Bùi Giáng bỏ cố quận ra đi biền biệt. Ra đi nhưng ông vẫn nhớ, đến tha thiết não nùng. Lắm khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Qua mấy mươi năm, hình ảnh người vợ trẻ, hiền ngoan ấy vẫn sống trong lòng ông. Ông uống trà giữa Sài Gòn mà hình ảnh của bà ngày xưa ở Quảng Nam như hiển hiện trước mắt: 


Trung niên thi sĩ uống trà. 

Thưa em mọi nhỏ, em đà uống chưa


(Vũ Đức Sao Biển)



Vũ Huyến

Biến cố 75 đẩy Vũ Huyến với tôi gần nhau hơn nữa. Chúng tôi cùng nằm chung một chiếu, ở chung một lều/phòng, ăn chung một bàn, đi chung một tầu biển, một máy bay từ Sài Gòn ra Phú Quốc, đến Tent City ở Guam, đến IndianTown Gap ở Pennsylvania. 

Tôi có người anh ruột tên là Lê Báu, cố chuẩn úy - tử trận năm 1966. Hồi còn là học sinh, Báu thích hát bài Cô Hàng Nước của Vũ Minh. Sau này tôi mới biết Vũ Huyến viết bài này khoảng thập niên 50 và ghép họ mình và tên người vợ lúc đó là ca sĩ Minh Hoan làm tác giả bài hát. Ở trong trại tị nạn, Vũ Huyến cầm cây đàn ghi ta đi mượn lên rồi bắt đầu viết nhạc lại sau ít nhất là 20 năm từ Cô Hàng Nước


Những bản nhạc anh sáng tác trong trại làm tôi gần anh nhiều hơn. Có lẽ bài tôi thích nhất là “Tiếng Sầu”, Đời người có mấy lần vui Hay đời người đầy những ngậm ngùi u sầu… được thâu bằng máy cassette trong một căn phòng ở barracks, chăn len treo trên tường để tạo nên accoustic effect, với tiếng hát Tuyết Hằng và tiếng đàn Tây Ban Cầm của nhạc sĩ Lê Gia Thầm. Vũ Huyến viết được khoảng 10-12 bài. Tầu đã chặt dây, rẽ sóng ra khơi, biệt ly từ đây, quê hương còn đấy, nhưng bao giờ quay về…v…v…


Vũ Huyến ở với gia dình tôi tại Virginia Beach một thời gian rồi sang California, ở San Francisco, rồi xuống Los Angeles, hợp với nhạc sĩ dương cầm Hồ Xuân Mai. Ban ngày anh đi làm ở USCC với các anh Jo Marcel, Lê Quỳnh, Nam Lộc, Ngô Văn Quy và chị Kiều Chinh. Một thời gian sau đó, ban AVT hải ngoại được tái thành hình với Vũ Huyến, Lữ Liên và Ngọc Bích. 


Ngày 3 tháng 11, Vũ Huyến từ trần tại Glendale. Lễ an táng cử hành vào ngày 7-11-1995 tại San Fernando Valley California. Rất nhiều nghệ sĩ đến dự tang lễ của anh.


(Lê Tuấn)



Chữ nghĩa làng văn

Nếu muốn viết một cuốn sách hay anh phải thật sự vô tư với chính anh và đừng chiều theo đám đông độc giả kia. Anh phải tạo dựng cho độc giả cái mà họ phải đọc chứ không phải chỉ mang đến cho họ cái mà họ muốn đọc


Đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau.

(Nguyễn Hưng Quốc)



Thú đau thương không còn nữa – Dương Kiền

Ngày 17-11-2015. Lòng đau đem lại cái tin cuối mùa.  Tin buồn Phùng Nguyễn Da Màu ra đi còn đậm dư âm, lại thêm tin buồn Dương Kiền Thú đau thương ra đi tiếp nối.

Dương Kiền là bạn của anh tôi, nhà khảo luận - phê bình văn học Nguyễn Nhật Duật. Ông viết những gì quả thật tôi không nhớ rõ, nhưng tôi biết Dương Kiền không phải cây bút loại thường. Thú đau thương, một thi tập hay một tác phẩm kịch thơ, nhiều người nhắc nhớ mỗi khi nhắc nhớ Dương Kiền. Ông xuất hiện thường xuyên trên tạp chí Văn Học ở Sài Gòn một thời, và trợ giúp tờ báo này gần như vai trò một chủ bút. Ông là biện lý hay thẩm phán tại Tòa án quân sự ở Nha Trang, trước 30 tháng tư, 1975.


Tuy nhiên tôi biết về ông rất nhiều, tôi là bạn cùng khóa 2/69 Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức với em ông, Dương Phục. Ra trường, Dương Phục làm phóng viên tại Đài phát thanh quân đội. Tôi lặn lội khắp chiến trường Vùng 1 chiến thuật, cuối cùng về Phòng văn nghệ, sát bên Đài phát thanh quân đội,.Dương Phục và tôi lại gặp nhau hằng ngày, tôi biết tin về Dương Kiền gián cách, qua Dương Phục. Tôi thấy rõ như sờ nắm được, Dương Kiền và Thú Đau Thương là một, là gắn kết hữu cơ.


Đấy là gương mặt một thi sĩ mà tôi có thể tưởng tượng. Đấy là lần duy nhất tôi gặp ông ở quán cà-phê Hồng trên đường Pasteur, đối diện Viện Pasteur - Sài Gòn. Ông ngồi trầm lặng, bàn tay nắm ly cà-phê đá; tôi nhớ hoạ phẩm Portrait de Poète Sabartés của Picasso, tôi gọi ông là thi sĩ từ lúc đó.

(Nguyễn Đạt)


Chữ nghĩa làng văn

Ða phần phê bình tác phẩm hoặc dựa trên cảm tính, hoặc viết về tác giả, hoặc bàn chuyện ngoài lề hơn là đi sâu vào văn bản. 

Riêng với tác phẩm của tôi, độc giả chê hoặc khen đều cực đoan. Nghĩa là ai thích rất thích hoặc ai ghét rất ghét, không ở lưng chừng. Những tác phẩm của tôi đa phần được giới phê bình quan tâm. Một số độc giả cho biết tác phẩm của tôi khó hiểu, muốn hiểu được thì phải đọc kỹ 2-3 lần, mỗi lần đọc lại khám phá ra điều thú vị và mới mẻ


Một số khác nhận xét tôi viết táo bạo quá! Thật ra, khi viết bao giờ tôi cũng cố gắng với cao, vượt lên trên khả năng, sức lực của tôi rất nhiều. Vì thế người đọc cũng phải với lên để thưởng ngoạn tác phẩm của tôi. Tôi viết không phải để làm vừa lòng độc giả. 

(Lê Thị Thẩm Vấn)


Nói lái trong nước 

Các cô thích anh… chàng ngông 

Không thích anh…chồng ngang.


Đoàn Kế Tường & Đoàn Thạch Hãn

Nhà xuất bản Người Việt giới thiệu tập Ký (xuất bản năm 2018) của Đinh Anh Quang Thái “như nén hương lòng thắp tạ những nhân vật của một thời”: Hồ Hữu Tường, Nguyễn Tất Nhiên, Như Phong Lê Văn Tiến, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Kế Tường, v. v. Tôi quen (hoặc biết) tất cả những tên tuổi vừa kể, trừ Đoàn Kế Tường. Xem Ký Đinh Anh Quang Thái xong, tôi mới biết là mình hơi nông nỗi. Đoàn Kế Tường không chỉ viết văn, viết báo mà còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm đã xuất bản từ lâu ở miền Nam: Mùa Hoa Phượng (thơ, 1971), Ngày Dài Trên Quê Hương (ký, 1972) và Lòng Ta Lá Rụng Ven Đường (thơ, 1974)

Ông đã từng trải qua một kiếp nhân sinh với không ít nhọc nhằn, và lắm nỗi đắng cay:

Đoàn Kế Tường là một trong số tù nhân chính trị bị bắt sớm nhất, sau khi cộng sản chiếm miền Nam năm 1975. Anh bị bắt năm 1976, vì tham gia tổ chức phục quốc. Một tội nữa: Trước 75, từng viết nhiều bài phóng sự chiến trường ca ngợi quân đội VNCH.

(Tưởng Năng Tiến)


Nói lái trong nước 

Đàn ông có người… trên răng dưới dế 

và có người… trên dế dưới răng


Vũ Đức Sao Biển

Hai hình ảnh mà Vũ Đức Sao Biển yêu nhất có lẽ là ánh trăng và đồi sim. Nếu ánh trăng là nơi gieo vần cho những nhạc phẩm về phương Nam ngọt lành phù sa thì đồi sim lại gợi nhớ về Quảng Nam quê hương ông với mối tình lãng mạn tím màu thủy chung.

Thu, Hát Cho Người là nhạc phẩm đầu tiên và để đời khi đưa tên tuổi Vũ Đức Sao Biển đến gần với công chúng. Năm 1968, nhạc sĩ tròn đôi mươi. Ông về lại đồi sim, ôm đàn nhìn xuống con sông Thu uốn quanh. Màu tím buồn ngập triền đồi, con sông lặng lờ trôi, một mối tình vô vọng... Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ 


Giai thoại về chuyện tình trong Thu, hát cho người hẳn nhiều người đã biết. Với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thì: “Đó là nhạc phẩm tôi viết cho mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông. Thu ở đây là mùa thu, là dòng sông Thu. Nhưng cũng có thể hiểu đó là tên người con gái mà tôi gieo mối tình đơn phương thuở còn là cậu học trò trường Trung học Tiểu La, Thăng Bình”.


(Mai Quỳnh Nga)



Nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo 

Vũ Đức Sao Biển 

 

Thu Hát Cho Người



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Còn nói, còn... tát


211 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Khi Sài Gòn giải phóng - mười bốn năm trước đây, tôi đã được dịp trở lại vài tháng sau. Một hôm, tôi đến chơi nhà Nguyễn Điều - tức Tô Hà, bên Khánh Hội - một bạn nối khố của tôi từ khi để chỏm còn ở Nghĩa Đô. Vũ Bằng tới. Tình cờ có người mách anh biết tôi đến đây và tôi cũng chưa biết nhà anh ở đâu. Thì ra nhà anh ngoài bờ sông gần đấy, anh lồm cồm lên gác. Vẫn cái áo "tăng quát” và mũ phớt mua thu Hà Nội loà xoà như năm nào. 

Bấy giờ chớm thu, mà người Sài Gòn năm ấy đồn rằng giải phóng đã đem cả cái lạnh ngoài kia vào. Mấy người quê Bắc chỉ đợi được mặc áo ấm, đã nói đùa hơi mát mẻ đôi chút.

Đứng trước mặt tôi là một người đã luống tuổi, tôi chỉ nhận ra mang máng cái dáng quen. Khuôn mặt, anh trễ tràng, võ vàng, không còn béo mập như trước.


Vũ Bằng nắm vai tôi một lúc thật lâu rồi mới thốt lên:
- Ô này, thật mày đấy a? Mày cứ chửi ông bơ sữa, vậy mà ông thì ốm thế này, bịnh thế này...
Rồi chẳng đợi ai mời, anh cởi áo khoác ngồi vào mâm đánh chén. Vẫn tính xuề xoà thế. Nhưng vừa bị một trận ốm nặng, đã phải bỏ rượu. Tối hôm sau, tôi đến nhà anh. Nhà một tầng, hai buồng rỗng như đít bụt, chẳng có tủ có đài gì cả. Chị hai đi họp tổ dân phố. Trẻ con thì chơi đâu ngoài bờ sông.


Vũ Bằng lại xuýt xoa khen tôi béo khoẻ. Cơ chừng có sự thèm muốn, sự ghét guổng mà thích thú và sự lạ lùng nữa, ở anh. Vì cái thằng "uống nước lã cũng đã say" bây giờ uống tốt, mà anh là cái hũ rượu thì phải kiêng. Tôi nói:
- Khó khăn thì nhiều đến độ không đếm được, nhưng lòng người yên tĩnh. Có lẽ khoẻ nhờ thế, anh ạ.
- Chí phải. Ở cái đất loạn này, cứ nát óc ra hại người thật.
Tôi cười:
- Vả lại, những "Mười hai thương nhớ" nữa, còn gì là người!
Vũ Bằng nhếch miệng, mủm mỉm, bâng khuâng:
- Ừ còn gì. Ông cũng đọc đấy à!

Rồi anh trầm ngâm nhìn ra sông Khánh Hội trong bóng trăng.
- Mấy năm nay tao yếu hẳn. Đã thiếu đói lại mới bị một chuyến kiết lỵ tưởng chết, nhưng rồi chỉ ốm rộc người thôi. Chẳng phải chỉ có mười hai thương nhớ, đã hơn hai mươi năm ở cái hẻm Mèo câu cá này, còn gì là người. Mày có thương tao không?

(Vũ Bằng… trích trong “Chân dung văn học” của Tô Hoài)



Bóng đè

Hồi còn nhỏ, những đêm mất điện, nhà tôi thường thắp đèn dầu hỏa. Tôi thích thú nhìn bóng tôi in trên vách. Và giỡn đùa với bóng như một đứa bạn thiết. Tôi thường dùng đôi tay mình tạo hình các con thú: chó, rắn, thỏ... chuyển động và cắn nhau. Rồi phá lên cười nắc nẻ. Lúc ấy, má tôi hay bà tôi thường mắng: “Đừng giỡn bóng. Tối ngủ, bóng nó đè chết đó” Thế là tôi ngưng ngay trò chơi trong luyến tiếc lẫn sợ hãi muốn biết cảm giác bị bóng đè như thế nào.



Lớn lên, tôi bỗng đâm ra say mê với trò chơi chữ nghĩa. Có nhiều đêm, trong bóng tối, tôi lần mò giỡn chữ. Tôi nghịch ngợm. Đảo lộn, chồng chéo chữ này với chữ kia. Bẻ đầu, ngắt đít chữ nọ. Để tạo hình. Và quả nhiên, những đêm ấy, trong giấc ngủ, tôi bị những con chữ kéo đến bủa vây đè tôi đến ngộp thở.


(Về một nhà văn bị bóng đè)



Xuân Sách: viết chân dung 

Tập Chân dung nhà văn  gồm 100 chân dung nhà văn, nhà thơ được viết bằng thơ từ năm 1962 đến 1992 mới được in thành sách, tính đến nay đã gần 20 năm. 


Xuân Sách (4/7/1932 - 2 /6/2008) tên thật là Ngô Xuân Sách, bút danh khác: Lê Hoài Đăng. Quê tại Trường Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Nơi ở trước khi ông qua đời: Vũng Tàu, Bà Rịa



Ngày 6 tháng 6 năm 2008, linh cữu nhà văn Xuân Sách được đưa về an táng tại quê nhà Thanh Hóa, theo nguyện vọng sinh thời của ông.

(Đỗ Ngọc Thạch)


Uống không say

Đừng rót nữa tôi không sành rượu

Uống không say thì uống làm gì

(Xuân Sách)


Nhà sử học Đào Duy Anh

Lần đầu tiên tôi được biết GS. Đào Duy Anh là năm 1952, sau khi tôi tốt nghiệp trường phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) ra Thanh Hoá vào học trường Dự bị đại học. Trước đây tôi chỉ biết đến tên tuổi học giả họ Đào qua cuốn “Pháp – Việt từ điển” và “Hán – Việt từ điển”. 
Tôi không bao giờ quên được những buổi giảng bài của thầy Đào về lịch sử Việt Nam vào ban đêm tại sân đình hay sân nhà tư nhân ở vùng Cầu Kè, chợ Đu (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Để tránh máy bay, chúng tôi học ban đêm, mỗi người một bàn xếp nhỏ với chiếc đèn dầu hoả tự chế bằng lọ mực với tấm bìa che chỉ đủ ánh sáng để ghi chép. 


Thầy Đào ngồi trên ghế cao, không cần đèn, chậm rãi giảng bài bằng trí nhớ của mình. Học trò nhìn lên không thấy mặt thầy mà chỉ nghe giọng thầy qua lời giảng đều đều nhưng khúc chiết, sâu sắc. Năm 1954, tôi ra Hà Nội để học tiếp năm thứ hai ban Sử – Địa, Trường Đại học Sư phạm. Năm 1956 sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm trợ lí tại Bộ môn Cổ sử Việt Nam do GS. Đào Duy Anh làm chủ nhiệm (lúc bấy giờ quen gọi là Tổ Cổ sử) với chức tổ trưởng. Tôi được vinh dự học với thầy và làm việc dưới sự hướng dẫn của thầy cho đến khi ông chuyển công tác sang Bộ Giáo dục (1958) rồi Viện Sử học (1960). 


Đó là chặng đường chập chững khi tôi bước vào nghề dạy sử và viết sử mà vai trò của người thầy hết sức quan trọng trong định hướng và hình thành phong cách cho cả cuộc đời khoa học. 

(Phan Huy Lê)



Học lại chữ Hán - 1

Tôi tra từ điển Hoa-Việt của ông Đào Duy Anh, tôi thấy một chữ mà ông Đào Duy Anh ghi âm đọc là chanh. Chẳng những thế, lại còn chua chữ Pháp là citron, citronnier. Tôi ngạc nhiên quá. 


Bên Tàu không có cây chanh. Thế sao họ lại có danh từ chanh để mà cho ta vay mượn (chữ chanh viết bằng chữ đăng là lên đường, nhưng với bộ mộc). Tôi đã biết rằng Trung Hoa, vì không có trồng được cây chanh, nên không có danh từ, phải mượn danh từ lemon của Anh mà họ đọc là lì mông (viết ra chữ Tàu thì các nhà nho ta đọc sai là ninh mông). Mặc dầu vậy, tôi cũng phải hỏi lại ông Lý Văn Hùng cho rõ trắng đen.


Ông ấy nói:

- Ông Đào Duy Anh đã lầm. Người Tàu đâu có trồng được chanh, đâu có trái citron. Cái chữ nầy phải đọc khác, và trỏ món khác, chớ đâu có trỏ chanh bao giờ.

- Trỏ cái gì, và đọc như sao ?

- Quan Thoại đọc là xản, Quảng Đông đọc là tsat và trỏ cây cam và trái cam. Có lẽ đồng bào của tiên sinh đọc là sành để rồi ghép thành ra cam sành.


(Bình Nguyên Lộc)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Sòng bạc tạo nên người điên,

Tình trường tạo nên người ngu.


Học lại chữ Hán - 2

Lại xin trình thêm một chữ nữa. Chữ nầy ông Đào Duy Anh ghi âm đọc là thũng và định nghĩa là sưng lên. Té ra bịnh thũng là tiếng Tàu, thế mà từ bao lâu nay, tôi cứ tưởng đó là tiếng Việt. Vậy là giáo sư Lê Ngọc Trụ rất có lý, cái gì cũng do tiếng Tàu mà ra cả. (Chữ Hán này được viết bằng chữ trọng với bộ nguyệt mà người Tàu gọi là bộ nhục


Lần nầy, tôi không có thắc mắc, không có hỏi ai hết. Nhưng một nhà nho Việt Nam, mới có 30 tuổi, một hôm đã tinh cờ nói về vấn đề là hiểu lầm về chữ nghĩa Tàu. Anh bạn ấy nói: “Cái chữ đó, không phải đọc là thũng đâu, mà đọc là trương, mà có người phát âm là chương. Chương lên, có nghĩa sưng tấy lên đó mà (con trâu chết chương, cơn ngựa chết chương).”


Ấy, ông Đào Duy Anh lần nầy không có lầm về nghĩa mà chỉ lầm về phát âm thôi, nhưng cái lầm nầy khá tai hại, làm cho ta tin rằng các từ của ta đều do tiếng Tàu mà ra tuốt hết, tin theo thuyết của Giáo sư Lê Ngọc Trụ.


(Bình Nguyên Lộc)


Chưa… hỏi đã… ngã
Phân biệt hỏi ngã không cần thiết.
Lý do duy nhất được nêu ra, để bênh vực cho việc duy trì hỏi ngã, là chúng làm phân biệt từ này với từ kia, như “lẽ” khác “lẻ”, “bả” khác với “bã”. Lập luận này xem ra không vững chắc cho lắm, vì nói sai hay viết sai hỏi ngã người ta vẫn hiểu.
Ngay cả miền Bắc cũng phát âm khác nhau, dân Hà Nội xưa khác Hà Nội nay, dân không-Hànội lại khác dân Hànội, Hànội di cư khác Hànội xưa... Hỏi ngã không cần thiết vì dân Hànội nói người không-Hànội vẫn hiểu, mặc dầu hỏi ngã phát âm khác nhau. 


Lý do là một từ sẽ làm sáng tỏ bằng các từ kế bên, như trường hợp chữ viết. Người miền Nam, chỉ dùng thanh hỏi gần như thanh ngã, nói chuyện người Bắc có hiểu không? Vẫn hiểu như thường, có khi còn hiểu rõ hơn khi nghe vài vùng ở miền Bắc, như nghe dân đảo Cát bà, người Bắc di cư nghe dân Hànội ngày nay. 


Nhớ lại hồi xưa khi học lớp năm, khoảng 1948, thì đã có bạn thân là người Bắc, con của dân Bắc kỳ 30 cạo mủ cao su. Tụi này nói chuyện với nhau rất bình thường, không một ai nói là không hiểu, và cũng không phân biệt Bắc hay Nam, chỉ hơi lạ là có một thằng bạn nói N thành L và ngược lại, tuy lạ tai nhưng vẫn hiểu như thường. Hỏi quê ở đâu thì trả lời là Hải Dương, ngày nay mới biết là ở vùng biển người ta hay nói như thế. 


Xem ra nói lộn xộn hỏi ngã cũng… “hổng” sao.

(Đoàn Văn Phi Long – Hỏi ngã)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Lỗi thày mặc sách, cứ mạch mà cưa 

Ý nói: việc người trên đã có người trên lo, riêng phần mình cứ thẳng mà làm.


Chưa chính xác. Nghĩa bóng là: Phê phán thái độ bàng quan, thấy việc sai nhưng vẫn cứ làm, cho rằng tội vạ đã có người khác chịu.


(Hoàng Tuấn Công)



Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008) 

Giới truyền thông – những hình ảnh, 

thông tin không trung thực


Bé gái trần truồng, quân Mỹ thô bạo – Trong chiến tranh Việt Nam, Tấm hình chụp Kim Phúc bị phỏng, trần truồng chạy tránh bom napalm do nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972, khi quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam gần hết.


 


Chính Nick Út cho hay cuộc đánh bom ở Trảng Bàng do Không quân Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của đơn vị tại mặt trận. Những nhân chứng khác là phóng viên đài truyền hình UPI, Christoper Wain, và ký giả của Associated Press, Peter Arnett (1).


(1) The Myth Of The Girl In The Photo, Ronald N. Timberlake, November 1997.


Sau chiến tranh, Hà Nội muốn dùng Kim Phúc để tiếp tục tuyên truyền với thế giới. Kim Phúc khước từ, sau đó thoát ly sang khối tự do và hiện sống tại Toronto, Canada.


(Trần Giao Thủy)



Ai về Bình Định mà... xơi

Đặc sản nước lợ, mặn, ngọt

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng hào hứng thuyết minh:

- Ở đây, có một loài cua đặc biệt. Dù anh Phanxipăng dùng đủ cao lương mỹ vị, chưa xơi nó thì coi như chưa biết kỹ về... cua!

- Cua vua phải không? - Tôi cười.

- A, đúng rồi. Cua huỳnh đế.


Huỳnh đế biến âm bởi hoàng đế, là loại cua quý hiếm, càng ngắn, cổ và đuôi mọc nhiều lông, xuất hiện vào giai đoạn tháng chạp đến tháng 3 âm lịch ở vùng biển từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận. Thịt chắc, cua huỳnh đế được đầu bếp hấp hoặc nướng để chấm muối tiêu chanh ớt, rang muối, rang me, nấu cháo.


Bên cạnh hải sản ngon lành bổ dưỡng, Bình Định còn sở đắc cá tôm cua nước lợ. Xét hệ thực phẩm nguồn gốc nước lợ ở Việt Nam, Thừa Thiên - Huế dẫn đầu với phá Tam Giang, Bình Định thứ nhì với mấy đầm Trà Ổ / Châu Trúc / Bàu Bàng, Nước Ngọt / Đạm Thuỷ, Thị Nại. Tạm kể dăm đặc sản nước lợ nổi tiếng của Bình Định: rau câu, tôm rằn, tôm bạc, tôm đất, cá chẽm, cá chua, cá đối, cá mú bông, cá chình bông, thượng hảo hạng chính là cá chình mun.

Là một chi của rau câu / rong câu có nhiều loài - như  mọc tự nhiên hoặc được trồng trong môi trường nước mặn lẫn nước lợ, được nấu cháo với gạo và khoai, được trộn gỏi với bao tử heo cùng một số loài rau sống. Rau câu còn được chế biến nên xu xoa, người Bình Định quen gọi xa xa:

Xa xa ít vốn, nhiều lời,
Anh về bỏ vợ, cưới người xa xa.


(Phanxipăng)



Lẩm cẩm quanh chuyện Từ điển chính tả tiếng Việt 

18. ma chơi tv ma trơi. Trơi ở đây là dối, có mà không thật. Ma trơi là ánh lửa lập lòe thường xuất hiện ở bãi tha ma vào những đêm mưa thâm gió bấc, khi ta đến gần thì vụt tắt tựa như ảo ảnh, có hình sắc mà như không.

19. trứng quốc tv trứng cuốc

20. thôi sao tv thôi xao

Nguyên Giả Ðảo đời Đường có câu thơ: “Điểu túc trì trung thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn”. Nhà thơ định dùng chữ thôi là đẩy (cửa), rồi lại định dùng chữ xao là gõ (cửa), băn khoăn mãi mà không biết nên chọn chữ nào. Khi hỏi Hàn Dũ, ông bảo nên dùng chữ xao. Sau này thôi xao được dùng với nghĩa cân nhắc, lựa chọn chữ nghĩa.

21. sẻ đàn tan nghé tv sẩy đàn tan nghé. Sẩy có nghĩa là hụt, lạc, lỡ, mất (như sẩy nạ quạ tha; sẩy miệng buột lời).

22. chiết suất đứng riêng tối nghĩa. Ví dụ nếu chiết suất (vật lý) thì đúng, còn chiết suất (công nghiệp) với nghĩa tách để lấy tinh chất từ thảo mộc hoặc một hỗn hợp chất nào đó thì sai.

23. xét sử tv xét xử. Xử là từ Việt gốc Hán, có nghĩa xử hình án; còn sử có nghĩa là khiến, sai khiến (viết xét sử có thể bị suy diễn thành: xét hỏi + sai khiến, ép cung). Cũng như phải viết xử án chứ không phải sử án.

24. reo rắc tv gieo rắc.


(Vương Trùng Dương)


***


Phụ đính I


40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi (cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến)

 

Thanh Nam
(1931-1985)

Nhà văn/nhà thơ Thanh Nam tên Trần Đại Việt, người làng Mỹ Trọng tỉnh Nam Định, thân phụ là Tổng Giám thị trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Nội ngày trước. Năm 1946, mới 15 tuổi, Thanh Nam đã được tờ báo Thiếu Nhi tại Hà Nội đăng thơ và mời cộng tác, và viết một số sách dành cho tuổi trẻ cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh.


Năm 1953 ông vào Sài Gòn, được mời làm Tổng Thư ký báo Thẩm Mỹ, viết truyện ngắn, truyện dài, bình thơ độc giả, phụ trách nhiều mục khác như Phụ nữ Gia Đình, Gỡ Rối Tơ Lòng… và còn ký nhiều bút hiệu như Sông Hương, Cô Hồng Ngọc, Tôn nữ Đài Trang, Thợ Cạo. Năm 1960, ông hợp tác với nguyệt san Hiện Đại do Nguyên Sa và Thái Thủy chủ trương, và là Tổng Thư ký tuần báo Nghệ Thuật, cùng viết bài trên tuần báo Kịch Ảnh.

Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông tạm cư tại tiểu bang New Jersey rồi năm 1976 định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Ở đây ông cộng tác với tờ Đất Mới và một trong vài tờ báo Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ . 


Ông mất ngày 2-6-1985 do chứng ung thư thanh quản.


Tác phẩm:

Buồn Ga Nhỏ (1962)
Giấc Ngủ Cô Đơn (1963)
Còn Một Đêm Nay (1963)
Cho Mượn Cuộc Đời, Bầy Ngựa Hoang (1965)
Những Phố Không Đèn (1965)
Mấy Mùa Thương Đau (1968)
Gã Kéo Màn, ….
Đất Khách (1983)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Túy Hồng với Bách Khoa, Sáng Tạo

Không thường xuyên lui tới gặp gỡ nhóm văn sĩ Bách-khoa nữa, tôi xoay qua giao lưu với các nhà văn tàn dư của nhóm Sáng Tạo, Hiện Đại. Quen biết qua một hai cái thư trao đổi kiến thức từ lúc còn ở Huế, bấy giờ tôi mới gặp mặt văn thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, tức đại úy Dư Văn Tâm trong nha chiến tranh tâm lý.


Người ta bảo Mai Thảo mục hạ vô nhân; Võ Phiến tỉ mỉ chẻ sợi tóc ra làm tư; Thanh Tâm Tuyền khó khăn kiêu ngạo không bao giờ khen ai một câu. 


Thanh Tâm Tuyền phê bình Võ Phiến và các văn hữu khác: “Những nhà văn viết truyện dài 5 trang! Những nhà văn không có sách xuất bản! Một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm đọc xong, người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì, muốn trình bày một quan điểm gì. Đó mới đúng là một cuốn sách hay. Muốn viết được truyện dài thì phải kéo dài tài năng ra”.


Chữ nghĩa làng văn

Ông đồ Vũ Đình Liên - 1

Cụ Tú Sót (*) chậm rãi: "Thơ không phải lúc nào muốn là bật ra được, nó phải là những cảm xúc căng chật trong lòng, là những nỗi buồn khắc khoải mà không viết ra anh không thể hóa giải nỗi lòng mình được".  Ban đầu, cụ Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh Ông đồ chỉ bằng một câu vè: 

Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ. 

Trên đường đi học, ông đồ buồn thiu

(Lê Chánh Thiêm)


(*) Tú Sót Chu Thành tên thật là Chu Thành, sinh năm 1930, quê ở Diễn Tường, Diễn Châu, Nghệ An. Đây là một vùng quê “có tiếng” về nói trạng của xứ Nghệ.



Chữ nghĩa làng văn

Ông đồ Vũ Đình Liên - 2

Nhưng rồi, có một ngày xuân, nhà thơ đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn phố xá và dòng người thờ ơ vô tình đang thưởng ngoạn vui xuân, nhà thơ đã đau đớn nhận ra vì sao ông đồ đã rời bỏ nơi này. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn một nét văn hóa truyền thống. Chỉ kịp nghĩ đến đó, trái tim đa cảm của nhà thơ bỗng bật lên một tiếng nấc thương xót kẻ "hàn nho mãi tự": 


"Năm nay đào lại nở. 

Không thấy ông đồ xưa. 

Những người muôn năm cũ. 

Hồn ở đâu bây giờ?!"

(Lê Chánh Thiêm)













Không có nhận xét nào: