Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

BÀI GIỚI THIỆU VÀ PHÊ BÌNH TÁC PHẨM “CHỮ HÁN, TIẾNG HÁN VIỆT VÀ SỰ VẬN DỤNG TIẾNG HÁN VIỆT TRONG TIẾNG VIỆT.” của tác giả THÁI GIA KỲ) - Nguyễn Đức Cung

 BÀI GIỚI THIỆU VÀ PHÊ BÌNH TÁC PHẨM “CHỮ HÁN, TIẾNG HÁN VIỆT VÀ SỰ VẬN DỤNG TIẾNG HÁN VIỆT TRONG TIẾNG VIỆT.” của tác giả THÁI GIA KỲ)

                                                                                                                                          Nguyễn Đức Cung

        Mỗi lần tham dự một buổi ra mắt sách, hay giới thiệu một tác phẩm văn học nào đó, tôi lại nhớ đến một câu nói của Tăng Tử 僧子, một đệ tử thiết thân nhất của Khổng Tử 孔子, được ghi lại trong sách Luận ngữ, thật đáng suy gẫm muôn đời : “Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân.”      ,     Nghĩa là: “Người quân tử dùng văn chương để họp bạn, dùng bạn để giúp nhau tiến lên đức nhân.” (Luận Ngữ, Thiên XII Nhan Uyên, 24. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử & Luận Ngữ, Nhà xb. Văn Học, 2003, trang 421; Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Nhà xb. Khai Trí, 1973, tr. 61). Chữ “nhân” mà Tăng Tử đưa ra ở đây tuy có ý nói là đạo nhân nghĩa, nhưng ngày nay xét cho cùng cũng có thể hiểu đó là chính nghĩa của một dân tộc, lý tưởng của một tổ chức, hiệp hội hay hoài bảo thiêng liêng, sâu thẳm của một tác giả, một nhà văn hoặc một cá nhân nào đó. Tác phẩm mà chúng tôi muốn giới thiệu và đóng góp một số ý kiến trong buổi ra mắt hôm nay có tên “Chữ Hán, Tiếng Hán Việt và sự vận dụng tiếng Hán Việt trong tiếng Việt” của tác giả Thái Gia Kỳ, một khuôn mặt rất gần gũi, quen thuộc của nhiều giới đồng bào Việt Nam tại Philadelphia quả thật đã gây cho chúng tôi nhiều ngạc nhiên, cảm mến và kính phục do công trình văn hóa của ông thể hiện qua tác phẩm giá trị này. Nhưng trước khi đi sâu vào phân tích nội dung cuốn sách đã đưa chúng ta đến cuộc gặp gỡ ngày hôm nay, chúng tôi xin được nói đến một niềm tri ân…

        I.-MỘT NIỀM TRI ÂN KHÔNG THỂ KHÔNG BÀY TỎ.

        Cách đây sáu mươi năm, với Nghị định số 389-GD do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký ngày 8/10/1959, Viện Hán Học Huế ra đời tại cố đô Huế với chương trình đào tạo sinh viên trong thời hạn 5 năm qua các bộ môn Hán Văn, Bạch Thoại, Triết Học, Quốc Văn, Sử Địa và Sinh Ngữ. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Viện Hán Học sẽ được bổ dụng giáo sư Trung học, chuyên viên viện Khảo cổ, nhân viên các tòa đại sứ hay lãnh sự quán VNCH ở Đông Nam Á v.v… Một kỳ thi tuyển với trên 500 thí sinh toàn quốc mà chỉ chọn 40 người, thực tế chỉ có 30 người theo học trong khóa giảng đầu tiên 1959-1960 tổ chức tại Di Luân Đường tức Trường Quốc Tử Giám thời xưa. Tôi là một trong số những anh chị em theo học khóa đầu tiên của Viện Hán Học Huế. Mục đích việc thành lập Viện Hán Học Huế, theo Linh Mục Cao Văn Luận, lúc bấy giờ là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế kiêm Giám Đốc Viện Hán Học, trong diễn văn khai mạc khóa học đầu tiên thì “đây là mỹ ý của Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn bảo vệ nền cổ học và văn hóa đạo đức của nước nhà do tổ tiên để lại” (Nguyễn Lý Tưởng, Kỷ yếu Đại Học Huế, 2015, Viện Hán Học Huế sinh sau đẻ muộn, trang 129). Đây là một trường đào tạo chuyên biệt về Hán văn để phục vụ cho việc dạy chữ Hán, phiên dịch sử liệu và sách cổ (Hán Nôm) ngoài ra còn có ban nghiên cứu Đông y dược cũng là một bộ phận phụ thuộc của Viện.

        Nếu ai là người đã từng để tâm theo dõi, nghiên cứu thì những việc làm mang tính chất văn hóa của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm được coi là những xây dựng căn bản trong lãnh vực tư tưởng cho con đường chính trị của nền Đệ I Cộng Hòa sau này. Từ những bài thơ của vua Tự Đức bằng chữ Hán do Thị Vệ Lang Đại Thần Ngô Đình Khả, (người đã có công nhiều trong việc thành lập Trường Quốc Học Huế, năm 1896) dịch ra tiếng Pháp đăng trên Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis Du Vieux Huế) năm 1915, bài thi “Lên Núi Ngự Bình” của vua Tự Đức,  đến bài dịch ra tiếng Pháp có tên “Đoàn sứ giả Trung Hoa sắc phong vua Tự Đức” do Ngô Đình Khôi chấp bút cũng xuất hiện trên Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ tập 3, năm 1916, nhật ký bằng chữ Hán của Phái đoàn Phan Thanh Giản đi Pháp năm 1862, do Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời gian còn là Học viên Trường Hậu Bổ dịch ra tiếng Pháp, bài nghiên cứu của TT Ngô Đình Diệm về cái nghiên Tức Mặc Hầu, đến tập tham luận của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục mang tên “Việt-nam through Vietnamese Eyes” đăng trên Tạp chí World Mission, tháng Hai 1951 và một kiệt tác mang tên “Chính Đề Việt Nam” của ông Ngô Đình Nhu dưới bút danh Tùng Phong.  Tất cả những công trình văn hóa đó dù ít hay nhiều và việc lựa chọn một cơ quan văn hóa có bề thế như Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (viết tắt là BAVH) lúc bấy giờ lưu hành khắp Đông Dương và phát hành sang tận nước Pháp, để xuất hiện không phải là một việc làm ngẫu nhiên nhưng cũng có tính toán hẳn hoi. Ngoài ra khi đọc cuốn “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng” của Hồ Sĩ Khuê, ta thấy TT Ngô Đình Diệm cũng lưu tâm đến các tác phẩm viết về thế giới thứ ba trong đó có sách của Alfred Sauvy, của Tibor Mende để biết rằng TT Ngô Đình Diệm muốn tổ chức một nền đại học hoàn bị, tiến bộ, hướng đến khoa học và chuyên môn từ những năm 1947-48 (Hồ Sĩ Khuê, Nhà xb. Văn Nghệ, 1993, tr. 161).

        Về sau, so sánh các hoạt động văn hóa đó, ba sự kiện quan trọng nhất ấy là việc thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh ở Sài-gòn, việc cải tổ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt từ 2 năm lên 4 năm giai đoạn 1956-1965 được ghi lại “Thời gian này khởi đầu nền Đệ Nhất Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Trường có những thay đổi quan trọng, ảnh hưởng nhiều do chủ trương của Tổng Thống Diệm cùng với các cuộc thăm viếng và học hỏi của các chỉ huy trưởng từ các trường võ bị như Võ Bị Lục Quân Hoa Kỳ, Võ Bị Đài Loan  (Trường Võ Bị Quốc Gia Theo Dòng Lịch Sử, Nhà xuất bản Hương Quê, 2017, trang 87) rồi việc thành lập Viện Đại Học Huế năm 1957 trong đó về sau có Viện Hán Học Huế (1959) cũng nằm trong các quan điểm mang tính chiến lược của vị lãnh tụ nền Đệ nhất Cộng Hòa.

        Qua cái mỹ ý của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong việc thành lập Viện Hán Học Huế vẫn hàm chứa một dụng ý chính trị muôn đời muôn thuở, một cái nhìn chiến lược của nhà lãnh tụ đó là dùng văn hóa làm vũ khí lợi hại trong công cuộc đối kháng với nền văn hóa vô sản của chế độ Miền Bắc. Việc chọn Giáo sư Võ Như Nguyện, (con trai nhà cách mạng Võ Bá Hạp, bạn tranh đấu của cụ Phan Bội Châu) và Giáo sư Nguyễn Hồng Giao để soạn sách giáo khoa cho Viện Hán Học theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục cũng là việc làm có cân nhắc. Viện Đại Học Huế với nhiều phân khoa trực thuộc và một cơ quan ngôn luận uyên bác là Tạp chí Đại Học, Trường Đại Học Y khoa với các cơ sở bề thế được xây dựng theo chương trình chuyển ngữ tiếng Việt, Viện Hán Học Huế chuyên ngành cổ học, bạch thoại, triết học và văn chương, các Trường Nữ hộ sinh Quốc gia, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật v.v với trường ốc xây dựng và phát triển đều đặn là những thách thức đối với chế độ CS Miền Bắc chỉ cách Huế không đầy 100 km rằng: “Có chúng tôi đây!”.

        Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, một trí thức xuất thân từ miền Bắc, từng là nghiên cứu sinh thuộc Đại học Harvard, cho biết một chi tiết thú vị là Viện Hán Học ở Miền Nam Việt Nam được thành lập sớm hơn về thời gian (1959) và tổng hợp hơn về nhiệm vụ công tác so với Ban Hán Nôm (năm 1972) và Viện nghiên cứu Hán Nôm của Miền Bắc. Như thế Viện Hán Học Huế của VNCH ra đời trước Ban Hán Nôm và Viện Nghiên cứu Hán Nôm là 13 năm, nhờ viễn kiến của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhận xét về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Giáo sư Nguyễn Tuấn Cường, bây giờ là Viện trưởng Viện Hán Nôm Hà Nội, trong bài Giáo dục Hán học tại Miền Nam Việt Nam trong bước chuyển văn hóa – xã hội: Viện Hán Học Huế (1959-1965), đã viết: “Nhân vật Ngô Đình Diệm (1901-1963) dù xuất thân trong một gia đình Công giáo mộ đạo, bản thân ông cũng là người Công giáo, nhưng lí lịch và cách hành xử của ông vẫn mang đậm tính chất của một con người Nho giáo, gắn với nền Hán học truyền thống.” Bài viết này trích từ một chuyên luận nghiên cứu về các hoạt động văn hóa Nho giáo - Hán học tại miền Nam Việt Nam [1955-1975] – Harvard-Yenching Institute. Viện Hán Học Huế, nơi mà thế hệ chúng tôi được đào tạo trong Khóa I, theo học trình dẫn trên, qua lời viết của GS. Nguyễn Tuấn Cường, “được khai sinh năm 1959 bởi một “văn quan” 58 tuổi có tư tưởng Nho giáo truyền thống, tức Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963), rồi được khai tử năm 1965 bởi một “võ tướng”trẻ, khi ấy mới 35 tuổi, tức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ (1930-2011). Có thể thấy số phận Viện Hán Học gắn liền với sự thăng trầm của quyền lực chính trị. Viện được thành lập theo “mĩ ý” của Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1959, và khó có thể nói rằng đó là một quyết định sai lầm. Trong một xã hội đang chuyển đổi theo hướng “Mĩ hóa”mạnh mẽ về nhiều mặt, thì việc thiết lập một đơn vị chuyên trách việc đào tạo và nghiên cứu văn hóa truyền thống là điều cần thiết, trước khi truyền thống ấy bị đứt gãy hoàn toàn với hiện tại do không còn có các nhân tố con người được đào tạo đến mức có đủ khả năng nối kết. Viện được thành lập ở Huế cũng là một sự lựa chọn đúng đắn nếu xét đến các khu vực trung tâm trong toàn bộ lãnh thổ VNCH khi ấy, bởi trong suốt gần 150 năm triều Nguyễn, đất Thần Kinh ( )là nơi hội tụ được nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng, lưu giữ được nhiều di tích và tư liệu cổ, vẫn còn nhiều nhà cựu học tâm huyết với việc trao truyền văn hóa kinh điển Hán học.”

        Thông qua việc giới thiệu quyển sách của tác giả Thái Gia Kỳ, chúng tôi viết đôi dòng về Viện Hán Học Huế để muốn nói lên tấm lòng tri ân đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một bậc vĩ nhân của đất nước. Sở dĩ chúng tôi có cơ hội học được chữ Hán trong thời buổi Nho học đã suy tàn, qua khóa học đầu tiên, cùng chung một lớp với rất nhiều bạn lớn tuổi lúc bấy giờ như quý anh Ngô Văn Lại, Phạm Liễu người Quảng Nam, Lê Ngọc Bích, Lê Nhất (người Huế), Nguyễn Lý Tưởng (Dương Lộc, Quảng Trị), Trần Vinh Anh (Hướng Hóa, Quảng Trị), Hoàng Xuân Minh (Huế), các anh La Cảnh Hùng, Dương Trọng Khương, Ngô Khôn Liêu  là người Hoa với vốn chữ Hán của họ lúc bấy giờ so với chúng tôi rất trội xa, mà học trò lại có kẻ ngang tuổi với thầy…  Nhờ Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất coi trọng việc học và việc giáo dục nên qua Viện Đại Học Huế và Viện Hán Học cũng như các cơ sở giáo dục khác như Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Trường Kỹ Thuật Huế v.v… được thành lập và phát triển, đã giúp ích rất nhiều cho sinh viên nghèo của Miền Trung hiếu học.

        Cũng từ năm 1959, chúng tôi học môn triết học Trung Quốc với Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương (1932- 2017) qua tập giáo trình Đại cương triết học sử Trung Quốc của Phùng Hữu Lan 1895-1990 (Fung Yu-lan) do thầy Dương dịch từ bản tiếng Pháp phối hợp với bản tiếng Anh (bản in ronéo năm 1966) sau này sách có in do Viện Đại Học Vạn Hạnh và Nhà xb Thanh Niên (1998). Phùng Hữu Lan là một triết gia rất có quyền uy trong lãnh vực lịch sử triết học Trung Hoa với trường phái Phùng học ngày nay có uy danh tại Hoa lục và khắp nơi trên thế giới. Một bộ “A History of Chinese Philosophy” gồm hai cuốn viết bằng tiếng Anh do Derk Bodde chuyển ngữ, Princeton University Press xuất bản với hơn 1330 trang,  năm 1952. Mới đây ở Việt Nam, bộ sách khá đồ sộ “Lịch sử triết học Trung Quốc”  gồm hai tập, tập I: Thời đại Tử học (560 trang) tập II: Thời đại Kinh học (808 trang) của triết gia Phùng Hữu Lan, do Lê Anh Minh dịch và in năm 2013, cũng rất cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu về Hán học.

        Công bình mà nói, ngành Hán học ở Miền Bắc không phải là đến năm 1972 mới có, như Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường đã phát biểu trong bài tham luận viết về Viện Hán Học của Miền Nam Việt Nam được ông trình bày tại Hội nghị về ngành Hán học năm 2014 tại Philippines, mà đã được tổ chức từ cuối năm 1965 trong một phạm vi nhỏ hẹp. Một cuốn sách cho biết rằng, cuối thời điểm 1965 “ Thủ tướng phủ ký quyết định tổ chức một Lớp đại học Hán học giao cho Viện Văn học quản lý, và bổ nhiệm Giáo sư Cao Xuân Huy là Giáo sư chính.” (Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nguyễn Huệ Chi soạn, chú, giới thiệu, Nhà xb. Văn Học, 1995, trang 55). Tài liệu vừa trích cho thấy không rõ ai là người trong phủ Thủ tướng ký quyết định (chắc là một cấp thừa hành nào đó, không phải Thủ tướng Phạm Văn Đồng) và bức hình chúng tôi có trong quyển sách của Cao Xuân Huy nói là lớp Hán học từ năm 1965-1968 có khoảng gần 30 người trong đó chưa kể gia đình cụ Cao Xuân Huy, cháu nội cụ Cao Xuân Dục và ba đứa trẻ có đứa còn bồng trên tay. Đọc qua tài liệu và xem bức hình, chúng tôi thấy rõ Miền Bắc lúc bấy giờ chưa ý thức rõ tầm mức quan trọng của Hán học trong nền văn hóa cổ truyền Việt Nam, như Tổng Thống Ngô Đình Diệm từng quan tâm đến trong viễn kiến chính trị của mình qua việc thành lập Viện Hán Học ở cố đô Huế năm 1959.

 

          II.- ĐỌC TÁC PHẨM  CỦA ÔNG THÁI GIA KỲ, NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN NHÌN LẠI .

        Trong phần mở đầu cuốn sách, tác giả Thái Gia Kỳ viết: “Cha ông ta đã chấp nhận chữ Hán như là một phương tiện duy nhất để học làm người, để học sách thánh hiền, để thi cử, để làm quan phục vụ triều đình và nhân dân; con đường duy nhất để tiến thân là phải học chữ Nho, học đạo thánh hiền, không có sự lựa chọn nào khác…” (tr. 11).

        Để thấy ảnh hưởng của việc người xưa kính trọng việc học chữ Nho, xin đọc một đoạn sau đây của Cố Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hà Nội, Phaolô LÊ ĐẮC TRỌNG (1917-2009) trong hồi ký có tên Chứng từ của một Giám Mục, như sau: “Việc học chữ Nho gây ảnh hưởng rất lớn trong việc tôn kính chữ Nho được coi là viết ra những lời của thánh hiền. Sách Nho không được dùng vào những việc phàm tục, cả đến gói đồ đạc cũng không được. Nhưng dùng nó phất diều thì được. Có lẽ vì diều bay cao trên trời chăng! Sách Nho được coi như vật thiêng liêng, nên muốn hủy thì phải đốt hoặc bỏ xuống giếng. Bỏ xuống ao cũng không được vì nước ao bị coi là uế tạp, các chất thải chảy xuống ao, người, vật, như trâu bò cũng tắm ao.” (Nhà xb. Diễn Đàn Giáo Dân, tái bản lần thứ nhất, Hoa Kỳ, Giáng Sinh 2009, tr. 17).

        Không ai phủ nhận được giá trị của chữ Hán đối với nền văn hóa của các nước được gọi là “đồng văn, đồng chủng” với Trung Hoa và trong sách của tác giả Thái Gia Kỳ, ông gọi là thuộc nền “văn minh cầm đũa” trong đó gồm Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên cũng như giá trị của nền văn minh Hy-La đối với nhiều nước ở trên thế giới vậy. Đây là một cụm từ rất đáng nhớ trong tác phẩm của ông Thái Gia Kỳ, vì đã được nhắc đến mười lần trong suốt cuốn sách. 

        21. Sự hình thành chữ Hán theo tư liệu:

        Khi nói về “hình thức kết cấu và diễn biến của chữ Hán”, tác giả Thái Gia Kỳ đã nhắc đến sáu phương cách cấu tạo nên chữ Hán mà người ta thường gọi là “lục thư” dựa trên cuốn sách của ông Lữ Tư Miễn    có tên Trung Quốc văn hóa thường thức      .

        Thật ra, lịch sử chữ Hán đã được hình thành theo nhiều giai đoạn khoảng 7.000 năm, tiến từ thời kỳ ấp ủ đến lĩnh vực chữ viết nguyên thủy qua những ký hiệu khắc họa trên văn hóa gốm màu Ngưỡng Thiều, ký hiệu khắc nổi của di tích Mã Xưởng ở Liễu Loan, tỉnh Thanh Hải, ký hiệu khắc họa tượng hình sơ bộ của văn hóa Đại Vấn Khẩu ở Sơn Đông… đến các nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, phát hiện về sau.

        Trước hết chữ Hán từ trạng thái giáp cốt văn tức là chữ viết trên mai rùa xương thú đời Ân (cũng gọi đời Thương, từ năm 1600 đến 1046 tr. C.N.), Trung Quốc đào được ở thôn Tiểu Đồng, thị trấn An Dương tỉnh Hà Nam. Theo các chuyên gia ngôn ngữ học Trung Hoa, chữ viết hoàn thiện cổ xưa nhất đã được phát hiện là giáp cốt văn, đến nay đã khai quật được hơn 100.000 mảnh. Loại giáp cốt văn    là một loại văn tự cổ đại của Trung Quốc, được coi là hình thái đầu tiên của chữ Hán, cũng được coi là một thể của chữ Hán. Chữ giáp cốt mỗi giai đoạn đều có sự khác nhau; chữ giáp cốt thời Vũ Đinh được xem như hoàn chỉnh nhất, và cũng có số lượng lớn nhất được phát hiện. (Atsuji Tetsuji, Tự nguyên Hán tự, Nhà xb. Trẻ, 2016, trang 18).

        Thứ đến, kim văn   là loại văn tự được khắc hoặc đúc trên đồ đồng, là sự kế thừa của Giáp cốt văn, xuất hiện cuối đời nhà Thương, thịnh hành vào đời Tây Chu. Nội dung thường liên quan mật thiết đến cuộc sống đương thời, đặc biệt là cuộc sống của tầng lớp thống trị, như việc tế lễ, sắc lệnh, việc chiến tranh, săn bắn… Mọi người thường coi Kim văn trên Mao công đỉnh thời Chu Tuyên vương là đại diện cho Kim văn. Từ Tây Chu trở về sau, Kim văn được sử dụng rộng rãi. Theo thống kê, người ta tìm được 3005 chữ Kim văn, đã đọc được 1804 chữ, nhiều hơn chữ giáp cốt một chút. Do thời kỳ Thương Chu rất thịnh hành đồ đồng, mà trong đó chung (cái chuông) và đỉnh (cái vạc) là những nhạc khí, lễ khí tiêu biểu nên Kim văn còn có tên gọi là Chung Đỉnh văn    (Atsuji Tetsuji, Sđd, trang 21).

        Khi nói đến việc hình thành chữ Hán không thể không nhắc đến Thương Hiệt    (thế kỷ XXIV tr. C.N.) được coi là một nhân vật quan trọng mà tên tuổi còn để lại, người “đã từng thu thập, chỉnh lý và sử dụng những chữ viết lưu truyền trong dân gian trước kia, có những ảnh hưởng to lớn trong quá trình sáng tạo chữ Hán” (Vương Tuệ Mẫn, 100 Danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc, Dịch giả T.S. Nguyễn Văn Dương, Nhà xb. Văn Hóa-Thông Tin, 2002, tr. 21; Dr. L. Wieger, S.J. Chinese CharactersTheir origin, etymology, history, classification and signification, Paragon Book Reprint Corp. New York, 1915, trang 5). Người đề cập tới Thương Hiệt sớm nhất là Tuân Khanh (313-238 tr. C.N.) hay Tuân tử trong thời Chiến Quốc. Tuân tử có nói thêm: “Người viết giỏi thì nhiều, riêng Thương Hiệt một mình được truyền tên lại”.

        Lối chữ Hán cổ văn   theo Linh mục Weiger có từ thế kỷ XVIII tr. C.N. cho đến khoảng năm 800 tr. C.N. thì một thái sử tên là Trứu  mới thu thập tất cả số lượng chữ lưu hành lúc bấy giờ đời Chu Tuyên-vương (827-783) trao cho các thuộc viên trong chính quyền nhà Chu dung; các nhà ngôn ngữ học Trung quốc gọi thứ chữ đó là trứu-văn 籕文 hay đại-triện   hoặc còn gọi là khoa-đẩu tự   , tức chữ con nòng nọc. (Weiger, Sđd, tr. 6; Vũ Thế Ngọc, trong cuốn Nghiên cứu chữ Hán và tiếng Hán Việt, Eastwest Institute, 1989, đọc chữ trứu là lựu hay lựu-văn, trang 98). Nguyên ủy của tên gọi này là vì trong thế kỷ thứ 2 trước C.N. căn nhà Khổng Tử cư ngụ trước đây được dở xuống và người ta phát hiện nhiều thư tịch viết theo lối chữ cổ (dấu trong vách), loại chữ đầu to đuôi bé và một vị thân vương nước Lỗ tên Cung  vốn là người ít học đã la lên: “hình con nòng nọc”. Từ bấy giờ loại văn cổ chết với cái tên khoa đẩu tự đó!

        Trong thiên “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” của Sử Ký, sử gia Tư Mã Thiên (145-86 tr. C.N) có viết: “ Năm thứ 26thống nhất pháp luật, các cân, phép đo lường, các thạch, trượng, thước; trục xe đều dài như nhau, chữ viết cùng lối như nhau.” (xa đồng quỹ, thư đồng văn    ,   ). (Sử ký Tư Mã Thiên, Nhữ Thành dịch, Nhà xb. Văn Học, Hà Nội, 1988 trang 46). Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước làm đường rộng hẹp khác nhau nên nên có xe không di chuyển được vì trục xe rộng mà đường lại hẹp, chữ viết nhiều khi khác biệt nên không hiểu được nhau. Vì vậy khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng mới ban bố nhiều sửa đổi mà có cụm từ “xa đồng quỹ, thư đồng văn”. Công thống nhất chữ viết là công của Lý Tư.

        Trong mục “Lý Tư liệt truyện”, Tư Mã Thiên ghi nhận công lao của Lý Tư về chữ viết: “Thống nhất văn tự, xây các ly cung và các biệt quán khắp trong thiên hạ.” (Bản dịch Nhữ Thành, Sách đã dẫn, trang 588). Chữ đồng văn như chúng ta thường dùng trước đây để chỉ việc người Việt Nam, người Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên dùng một thứ chữ như nhau đó là chữ Hán.

        Will Durant trong quyển “Lịch sử văn minh Trung Quốc” (bản dịch Nguyễn Hiến Lê, Nhà xb Văn Nghệ, California, 1993, trang 108) cho rằng Thừa tướng Lý Tư là người thay đổi chữ viết gần giống với lối ngày nay.

        Năm 213 tr. C.N, Lý Tư  , Thừa tướng của Tần Thủy Hoàng   đã cho phát hành một tập sách gồm nhiều mặt chữ quy định phương thức viết một cách bó buộc đối với các văn nhân. Tập sách của ông có tên Tam Thương   gồm 3.300 chữ tức là lối tiểu triện   , qua sách này ông không đặt thêm chữ mới và vì có rất nhiều loại chữ lạ gọi là kỳ tự   nên, theo LM Weiger, Lý Tư đã giải thích sai lạc một số chữ. (L. Wieger, Sđd, trang 6).

        Về cụm từ “xa đồng quỹ, thư đồng văn” do Tư Mã Thiên viết trong bộ Sử Ký, một tác giả Trung Quốc, Hồ Ngật, đã giải thích rõ trong cuốn “5000 năm lịch sử Trung Quốc” như sau: “Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung nguyên, các nước chu hầu đều không theo một chế độ thống nhất. Ví như giao thông, kích thước xe ngựa của các nước chư hầu đều không giống nhau, vì thế đường để cho xe ngựa đi chỗ rộng, chỗ hẹp. Khi quốc gia đã thống nhất, việc xe cộ lưu thông trên những đoạn đường không đồng nhất là vô cùng bất tiện. Chính vì thế mà có quy định về cự ly giữa hai bánh xe của một chiếc xe ngựa đều phải 6 thước, đường kính của bánh xe cũng phải giống nhau. Như vậy, xe ngựa khi lưu thông sẽ thuận tiện hơn nhiều. Điều này vào thời đấy được gọi là “xa đồng quỹ”. Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung nguyên, văn tự của các nước chư hầu cũng không đồng nhất, cùng một dạng văn tự nhưng có đến mấy cách viết. Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh, sai Lý Tư chỉnh lý văn tự, áp dụng một phương pháp tương đối thuận tiện là quy định thống nhất dạng văn tự Tiểu triện làm tiêu chuẩn. Như vậy, dần dần mệnh lệnh này đã được phổ biến rộng rãi, sự giao lưu văn hóa giữa các địa phương cũng dễ dàng hơn nhiều. Điều này thời đấy gọi là “thư đồng văn.” (Nhà xb. Thời Đại, 2010, Việt Thư dịch, tr. 181).

        Về sau có Hứa Thận   (khoảng 58-147 CN.) là nhà kinh học, văn tự học đời Đông Hán thu thập cổ văn, kinh học, chữ viết, tổng hợp nhiều thể chữ cổ đại triện giải nghĩa những từ trong sách cổ của người trước, lấy chữ tiểu triện làm tiêu chuẩn để viết thành sách Thuyết văn giải tự     trong 22 năm trời. Ông suy cứu nghĩa gốc chữ viết, giải thích nghĩa về mặt thanh âm, thu thập được 9.353 chữ Hán trong đó có 264 chữ tượng hình, 129 chữ chỉ sự, 1.167 chữ hội ý, 7.679 chữ hình thanh. (Vương Tuệ Mẫn, Sđd, tr. 24-25).

        Năm 1949, sau khi chiếm Hoa Lục, Mao Trạch Đông cho tiến hành cải cách chữ Hán viết theo lối giản thể   trong khi ở Đài Loan, Hongkong và các nước khác theo lối phồn thể  .

        Công phu của tác giả TGK trong phần đầu của chương I cuốn sách đó là biết tóm lược rất khéo về ảnh hưởng của chữ Hán trong xã hội Trung Hoa, sự thâm nhập vào các tôn giáo như Phật Giáo, Khổng giáo và Lão giáo để nêu bật tác dụng của một thứ ngôn ngữ có chiều sâu tâm linh và gây sức hút rất mãnh liệt trong xã hội. Tác giả cũng nói lên được ảnh hưởng của chữ Hán đối với các quốc gia láng giềng như Triều Tiên, và Nhật bản từ giai đoạn hai quốc gia này được thành lập cho đến ngày nay trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế v.v… Tác giả cũng đã, dù bằng những nét khái quát, dẫn độc giả đến với đất nước Triều Tiên, Nhật Bản trong bầu khí thâm nghiêm của Khổng học với kinh điển ngàn đời giá trị của nó. Người Trung Hoa có lẽ ý thức được nhiệm vụ “khai hóa” của mình đối với các lân bang chung quanh mà họ coi là “man, di, nhung, địch” nên chữ Hán là công cụ hữu hiệu nhất để họ tiếp cận với các quốc gia láng giềng khác.

        22.Ảnh hưởng Trung Quốc đối với một số quốc gia Đông Á qua nền “văn minh cầm đũa” hay hệ thống “đồng văn”.

        221.- Về nền “văn minh cầm đũa”.

        Trong tác phẩm này, tác giả nhiều lần nhắc tới cụm từ “nền văn minh cầm đũa” để chỉ bốn quốc gia Đông Á là Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản

        Thật sự nền văn hóa thực phẩm qua việc cầm đũa, ăn bốc hay dùng dao nĩa trong bữa ăn đối với thế giới ngày nay là sự kiện để phân biệt nền văn minh này với nền văn minh khác, nhưng giữa người Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên thì, theo tác giả TGK, đó là một hiện tượng nối kết chung cũng có nhiều điều khá lý thú cần được nhắc đến ở đây.

        Theo sử gia Will Durant trong tác phẩm Our Oriental Heritage, (Di sản phương Đông) vua Trụ (Chou  Hsin) là người chế tạo ra đôi đũa là vua Trụ (Nhà xb. Simon and Schuster, New York 1954, tr. 645; Huỳnh Ngọc Chiến dịch, Công Ty Sách Thời Đại & Nhà xb. Hồng Đức, 2014, tr. 771). Ông là vị vua cuối cùng của thời nhà Thương, tức Đế Tân, hoang dâm nhưng dũng mãnh, mê nàng Đát Kỷ. Nhà Thương, theo học giả Nguyễn Hiến Lê, bắt đầu khoảng 1450 và chấm dứt khoảng 1050 tr. CN. (Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nhà xb. Văn Nghệ, California, 2003, tr. 57).

        Theo Nguyễn Văn Huyên trong cuốn Civilisation annamite tức Văn minh Việt Nam, Trong bữa ăn, các món được bày trong một mâm gỗ hay mâm đồng đặt giữa giường. Mọi người ngồi ăn xếp chân vòng tròn xung quanh mâm. Người nào cũng có bát đũa riêng. Các món là chung của mọi người, đũa được dung để gắp những món ăn thái thành miếng nhỏ. Trước lúc ăn, chủ nhà phải mời khách cầm đũa: người ít tuổi phải mời những người nhiều tuổi hơn.” (Đỗ Quang Trọng dịch, Nhà xb. Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2016, tr. 212)

        Theo TS. Atsuji Tetsuji, trong cuốn Tự nguyên Hán tự” “khi đũa xuất hiện trong các thư tịch của Trung Quốc, ngoài chữ “trứ” () rất quen thuộc với chúng ta, nó còn được ghi bằng chữ “giáp” (). Cả          lẫn  đều là chữ có nghĩa là đũa, nhưng xét một cách chi tiết hơn, cái làm bằng tre được ghi là, và cái làm bằng gỗ được ghi là.” (Phan Thị Mỹ Loan & Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, GS. Shimizu Masaaki hiệu đính, Nhà xb. Trẻ, 2016, trang 24). Trong tư liệu tham khảo chữ “giáp” được ghi bên trái bộ mộc , bên phải chữ hiệp; bộ chữ Hán điện toán Thiều-Chửu không có chữ này, vì dùng tạm chữ   với bộ thủ xóc nên ý nghĩa không sít sao cho lắm, tuy cũng có nghĩa là đũa).

        Ông Atsuji Tetsuji còn cho biết “Trong sách Lễ ký (“Khúc lễ”, cuốn thượng, được cho là đã được biên soạn vào thời Chiến Quốc có ghi như sau: “Canh chi hữu thái giả dụng giáp, kỳ vô thái giả bất dụng giáp” (       ,  無菜  不用 ) nghĩa là kẻ có canh rau dùng đũa, kẻ không có rau không dùng đũa). Đây là ghi chép cổ xưa nhất liên quan đến đũa, và theo ghi chép này, đũa dường như là cái chỉ được sử dụng khi ăn phần “cái” trong món canh (). Ngoài ra, vì cũng trong câu văn đó có ghi “phạn thử vô dĩ trợ”      (nếu cơm được nấu từ kê thì không được dùng đũa), nên chúng ta biết được việc sử dụng đũa khi ăn các loại ngũ cốc đã được nấu hoặc hấp chín là vi phạm chuẩn mực. Trong bữa cơm thời bấy giờ, dường như người ta ăn bốc hoặc sử dụng thìa khi ăn các loại hạt.” (trang 24). Nếu mấy chữ sau là sự thật thì cũng nên xét lại cụm từ “văn minh cầm đũa”.

        Dù sao độc giả cũng cám ơn tác giả Thái Gia Kỳ đã đưa ra cụm từ “văn minh cầm đũa” trong cuốn sách của ông. Cụm từ này của ông Thái Gia Kỳ ở có chỗ mang vẻ thực dụng quá chăng?  Chúng tôi không nghĩ như vậy, vả lại nếu đây là cụm từ của một vị giáo sư người Mỹ như Pike (Douglas Pike), tác giả cuốn sách Vietcong, do Cambridge xb. 1966), thầy dạy cũ của ông Thái Gia Kỳ đã sử dụng mà ông có nhắc đến tên ở trang 38, thì đó cũng là một điều bảo chứng phần nào cho giá trị chân xác của một tiêu đề được nhắc đến trong cuốn sách.

        Vương triều nhà Ân kéo dài từ 1600 tr.CN đến 1000 tr. CN với vua cuối cùng là Trụ Vương vốn là một bạo chúa. Đôi đũa bằng ngà voi của vua Trụ lúc bấy giờ được nhìn như là một xa xỉ phẩm có tác dụng làm sụp đổ cả một vương triều, một luận chứng đã được đưa ra như vậy trong sách của tác giả người Nhật trích dẫn ở trên (trang 17).

        Trong bộ sách có tên Cultures Of the World, KOREA, tác giả Jill Dubois in năm 1994, ở nhiều trang, nhất là ở trang 118 có chụp hình rất rõ người đàn ông Triều Tiên đang cầm đũa ngồi trước một cái bàn thấp với một món ăn dọn trước mặt qua đoạn văn viết có tên Using chopsticks (nói về cách dùng đũa), giới thiệu về nền văn hóa ẩm thực của đất nước này.

        Trong lãnh vực văn chương ngày nay, người ta luôn nhắc tới vấn đề ẩm thực của một miền, một đất nước như là biểu hiện sắc thái của văn minh gọi là “văn minh” hay “văn hóa ẩm thực”. Trong cuốn sách của ông Thái Gia Kỳ, có lẽ đến 10 lần ông nhắc đến cụm từ “văn minh cầm đũa” để chỉ đến bốn nước Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên nhưng không thấy ông chú ý đề cập ít dòng viết về nền văn hóa ẩm thực của bốn quốc gia này hay ít nhất lý giải vì sao dân chúng bốn nước đó lại dùng đũa trong bữa ăn, lý do tất cả đều theo nền văn minh nông nghiệp, truyền thống ẩm thực trong gia đình v.v…?

        Cuốn sách của tác giả này dùng cụm từ “văn minh cầm đũa” là một hình ảnh thiên về vật chất (ăn uống) nhưng lại biên khảo, nghiên cứu toàn bộ ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết tức vấn đề tinh thần, điều này khiến tôi suy nghĩ đến hai nhân vật chính trị của Việt Nam: Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Hồ Chí Minh là người Cộng sản nên đối với người Cộng sản thì vật chất là trên hết nhưng họ Hồ lại đưa ra một khẩu hiệu rất duy linh (“Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”) và trong bản di chúc chính trị của ông thì nói là ông sẽ đi về gặp cụ Mác, cụ Lê tức là ông Hồ trở thành duy tâm, duy linh. Còn cụ Ngô Đình Diệm vốn là một tín đồ Công Giáo ngoan đạo, một người duy linh nhưng khi đề cập đến người dân thì cụ Diệm lại nói một câu đầy tính duy vật “Không có gì quý hơn nồi cơm của mình”.

        Trong quyển Tự nguyên Hán tự đã có nêu ở trên, tác giả là Tiến Sĩ Atsuji Tetsuji có viết: “Hơn nữa, cũng giống Nhật Bản, ở bán đảo Triều Tiên, nơi đã sớm tích cực du nhập văn minh Trung Hoa, người ta đã phát hiện được bộ đũa và thìa từ di tích tại quận Lạc Lãng (khu vực Bình Nhưỡng ngày nay) được chế tạo vào thời Vũ Đế thuộc thời đại Tiền Hán. Nhưng ở bán đảo Triều Tiên ngày nay, người ta chủ yếu sử dụng thìa khi dùng bữa và đũa chỉ đóng vai trò như một dụng cụ phụ trợ chỉ được dùng đến khi gắp những thức ăn nóng. Ngày nay những đất nước chủ yếu sử dụng đũa khi dùng bữa chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Dù vậy, dường như khá nhiều người Trung Quốc không biết rằng người Nhật cũng sử dụng đũa khi dùng bữa. Tôi đã từng méo miệng cười khi được một người Trung Quốc xa lạ ngồi cùng bàn trong quán ăn ở một phố tại Bắc Kinh khen rằng: “ Ông là người Nhật mà sao dùng đũa khéo thế!” (Phan Thị Mỹ Loan & Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, GS. Shimizu Maasaki hiệu đính, Nhà xb. Trẻ, 2016, trang 28).

        Sở dĩ chúng tôi gạch đít một câu trong đoạn trích dẫn ở trên để thấy rằng Triều Tiên vẫn còn dùng đôi đũa trong bữa ăn, chứ không phải như tác giả Atsuji Tetsuji nói, và cũng muốn chất chính với tác giả Thái Gia Kỳ về vấn đề này. Thực tế trong bữa ăn thường ngày, dân Triều Tiên nói chung có còn dùng đũa hay không?

        Trong cuốn sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm cho biết “ăn bằng đũa chính là cách ăn đặc thù thể hiện tư duy tổng hợp và biện chứng: Trong khi người phương Tây phải dùng một bộ đồ ăn gồm ít nhất là ba thứ thìa, dĩa, dao, mỗi thứ thực hiện một chức năng riêng rẽ và chặt chẽ (sản phẩm của tư duy phân tích), thì đôi đũa người Việt Nam thực hiện một cách rất linh hoạt hàng loạt chức năng khác nhau: gắp, và, xé, xẻ, dầm, khoắng, trộn, vét…, rồi còn nối cho cánh tay dài ra để gắp thức ăn ở xa.” Ông còn cho biết: “Người Trung Quốc trước thời Tần vẫn chưa dùng đũa mà lấy tay bốc; chỉ từ khi thôn tính phương Nam (đời Tần-Hán) trở đi mới bắt đầu dùng đũa: ban đầu dùng một cách hạn chế để gắp thức ăn cứng từ các món canh, mãi về sau đôi đũa mới trở thành phổ biến. Thế kỷ VI đôi đũa mới du nhập vào Nhật Bản.” (Nhà xb. Tổng hợp Thành phố HCM, 2004, tr. 368).

        Đoạn tiếp của sách Trần Ngọc Thêm cung cấp một số kiến thức nhiều ý nghĩa về đôi đũa: “Người Việt Nam chế ra nhiều loại đũa: đôi đũa tre bình dân vừa dẻo vừa dai, gắp thức ăn nóng đến đâu cũng không hỏng; đũa mun càng dùng càng bóng; đũa sơn màiđũa khảm trai như một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ; đũa ngọc quý và mát; đũa ngà làm thức ăn mau nguội; đũa kim giao (một loại gỗ quý hiếm hiện chỉ còn ở khu rừng quốc gia Cúc Phương) và đũa bạc có khả năng phát hiện được chất độc trong thức ăn… Tập quán dùng đũa lâu đời làm hình thành ở Việt Nam cả một triết lý - triết lý đôi đũa.  Trước hết, đó là triết lý về tính cặp đôiVợ chống như đũa có đôi; Vợ dại không hại bằng đũa vênh (tục ngữ); …Bây giờ chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng (ca dao)… Thời Lê, quan xử kiện bẻ gãy đôi đũa là dấu hiệu cho phép ly hôn. Thứ đến là triết lý về tính số đôngBó đũa là biểu tượng cho sự đoàn kết, của tính cộng đồng. Vơ đũa cả nắm là nói đến thói cào bằng xô bồ, tốt xấu không phân biệt… (trang 369).

        222.- Hệ thống nối kết của hai chữ “đồng văn”.

        Hai chữ “đồng văn” có từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, lấy từ chữ “thư đồng văn” đã có đề cập đến ở trên.

        Trong bài tựa sách Tự học toản yếu     Ngô Thời Nhiệm    của nước ta viết vào cuối thế kỷ XVIII, đã đề cập tới chữ “đồng văn” trong ý nghĩa Việt Nam cùng với Trung Hoa có dùng một thứ chữ nhưng mà đọc âm, giải nghĩa khác nhau đại để như sau: “        …  越文                  …” (Lục thư thừa tắc, tứ hải đồng văn… Ngã Việt văn hiến lập quốc văn tự dữ Trung Hoa đồng nhi thiết nghĩa giải âm dữ Trung Hoa dị…)  Dịch nghĩa : “Sáu lối viết thành chữ còn để mẫu lại; bốn biển rộng mênh mông, cùng một lối văn… Nước Việt Nam ta, đem văn hiến xây dựng, cùng một lối văn tự với Trung Hoa. Nhưng mà, đọc âm, giải nghĩa khác nhau…) (Trần Văn Giáp, Lược khảo vấn đề chữ Nôm, Ngày Nay Publishing 2002, tr. 41).

        Với danh từ “đồng văn” (cùng chung chữ viết) các tư liệu nói về phong trào Đông Du ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 đều có đề cập đến một cơ sở giáo dục ở Nhật đó là Trường Đông Kinh Đồng Văn Thư Viện       nơi mà đa số du học sinh VN đến học, sau này đó là thuộc Trường Đại Học Waseda (Tảo Đạo Điền   ) (Trong sách 1905-2005 Kỷ niệm 100 năm Phong Trào Đông Du, Nhà xb. Tân Văn, Đông Kinh, 2005, trang 92). Họ lấy chữ đồng văn để chỉ chung một nguồn văn hóa.

        Trong cuốn Tự Phán, một hồi ký chính trị của mình, cụ Phan Bội Châu cũng có viết khi ghi lại lời Tiểu La Nguyễn Thành nói như sau: “Tôi tưởng tình thế liệt cường bây giờ nếu không phải nước đồng chủng đồng văn, tất không ai chịu giúp ta. Nước Tàu đã chịu nhượng nước Việt-Nam cho Pháp, huống gì hiện nay, quốc tế suy hèn, cứu mình không xong mà cứu được ai?Duy Nhật Bản là nước tân tiến ở trong nòi giống vàng, vừa mới đánh được Nga, dã tâm đương hăng hái lắm; qua tới đó đem lợi hại bày tỏ, tất có hiệu quả, dầu họ không xuất binh mã, mà mượn tư lương mua khí giới tất có thể dễ dàng…”(Nhân chủ học xã xuất bản, 1987, trang 56).

        Trong tác phẩm Nho giáo, Trần Trọng Kim có viết: “Các nước lân cận ở phía đông bắc thì có Cao-ly và Nhật-bản, ở phía đông nam thì có Việt-nam, đều là nước đồng văn với nước Tàu và cũng theo cái văn hóa của Nho giáo.” (Nho giáo, quyển hạ, Nhà xb. Tân Việt, in lần thứ ba, không đề năm in, trang 372).

        Tác giả Vũ Thế Ngọc trong cuốn Nghiên cứu Chữ Hán và tiếng Hán Việt cũng có viết: “Hai dân tộc ‘văn minh không kém’ Việt Nam là Nhật Bản và Triều Tiên, cũng không có cổ văn tự. Hai quốc gia này cũng giống như Việt Nam ngày trước, đều phải dùng Hán văn. Các cụ thường gọi bốn nước Việt, Trung, Nhật và Triều Tiên là các dân tộc “đồng văn” vì lẽ đó.” (Nhà xuất bản EastWest Institute, 1989, trang 31).

        Ở Bắc kỳ trong giai đoạn 1865-1907, trong lãnh vực báo chí cũng đã có tờ báo lấy tên Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo do một người Pháp chủ trương tên Francois Henri Schneider là người hiểu biết nhiều về dân bản xứ và còn giao thiệp rộng rãi với các nhân vật chính trị người Pháp. (T.S. Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nhà xb. Tổng hợp Thành phố HCM, 2016, tr. 77).

        Dựa trên tinh thần “đồng văn, đồng chủng” đó, các vua VN xưa nay vẫn tự xưng là hoàng đế, là thiên tử y hệt hoàng đế của Thiên Triều, cũng coi một số nước nhỏ chung quanh là chư hầu, và coi mình là “trung quốc”, cũng gọi dân mình là “hán nhân”… Theo Giáo sư Yoshiharu Tsuboi, “Việt Nam tuy nhỏ so với Trung Quốc nhưng theo Nho giáo một cách thuần khiết nhất, không thể bị coi là không đáng kể hay thấp kém hơn. Lập luận này không phải chỉ mang hình thức: so với triều đại Mãn Thanh đang thống trị ở Bắc Kinh lúc bấy giờ, triều Nguyễn có ít nhiều tư tưởng tự tôn về mặt văn hóa, đặc biệt vì họ tự xem là người bảo vệ truyền thống và đạo lý Nho giáo một cách chính thống hơn.” (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa, Nhà xb. Trẻ Tp.HCM, 1999, tr. 139.) . Theo vị giáo sư người Nhật này, “Năm 1815, Gia Long công bố danh sách 13 nước mà vua coi là chư hầu; trong đó có Cao Miên (Cao Man) Xiêm (Xiêm La), Miến Điện, triều đình Luang Prabang (Nam Chưởng), triều đình Vạn Tượng, triều đình Xiêng Khoảng (Trấn Ninh) Thủy Xá quốc, Hỏa Xá quốc – hai tên sau cùng chỉ bộ tộc Gia Rai - nước Pháp, nước Anh,…. Trong thực tế, từ năm 1802 đến năm 1858, chỉ có bốn nước: Luang Prabang, Vạn Tượng, Cao Miên và Thủy Xá quốc - từ năm 1841, sứ bộ Thủy Xá quốc cùng đi với sứ bộ Hỏa Xá quốc – là có thể đặc biệt được xem là chư hầu, trong chừng mực họ gởi sứ bộ đến Huế.” (Sđd, tr. 140).

        Chính Nho học và nền văn hóa nông nghiệp là yếu tố kích thích ý thức bành trướng và chiếm hữu đất đai trong nhiều triều đại Trung Hoa từ thượng cổ cho đến thời hiện đại và dân tộc Việt Nam cũng nằm trong tầm ý thức hệ đó ảnh hưởng qua thời gian và không gian sinh tồn, thể hiện qua cuộc Nam tiến trong lịch sử.

        Theo sử gia Will Durant, chữ Hán là “ngôn ngữ biểu ý chứ không biểu âm, cho nên điểm thuận lợi rõ rệt nhất của nó là người Triều Tiên, người Nhật cũng đọc được nó dễ dàng như người Trung Quốc, và trở thành một thứ văn tự quốc tế ở miền Viễn Đông.” (Will Durant, Sđd, bản dịch Huỳnh Ngọc Chiến, tr. 946). Tiếc thay ở đây vị sử gia Hoa Kỳ này đã bỏ sót mất Việt Nam.

        23.- Vài điều cần nói lại về Khổng học:

        231.-Vị thế của Khổng học tại một số quốc gia phương Đông.

        Khổng học qua chữ Hán đã chịu nhiều thăng trầm trong lịch sử với cương vị là một học thuyết hay một triết lý sống của xã hội Trung Hoa có liên hệ với một số quốc gia ở Đông Á như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam kể cả Mãn Châu nữa. Sở dĩ chúng tôi nhắc đến Mãn Châu là vì trong một cuốn sách nhan đề “Sagesse chinoise et Philosophie chrétienne”, Henri Bernard-Maitre đã nhắc đến Mãn châu qua bài viết của Edouard Chavannes đăng trên Revue de Paris trong đó có câu khen ngợi Khổng Tử: “Ở nơi Khổng Tử thiên tài của chủng tộc đã giúp tự ý thức về chính mình…Các dân tộc khác nhau như An-nam, Nhật-bản, Triều Tiên, Mãn châu đã tuần tự kéo về tuân phục” (“ En Confucius le génie de la race a pris conscience de lui-même...Des peuples diverses, Annamites, Japonais, Coréens et Mandchoux, sont venus tour à tour se soumettre à sa règle.” (Nhà xuất bản CATHASIA, Paris-VI, 1935, trang 27). Cuốn sách của tác giả Thái Gia Kỳ gợi lại cho chúng ta một số ý niệm cần làm sáng tỏ, một số nghiên cứu cần đào sâu hơn, và tìm thấy ở đây một số bổ túc trong lãnh vực sử học rất cần thiết và hữu ích.

        Trước hết xin nói về sự thăng trầm của Khổng giáo nhìn như một nền học thuật thì phải gọi là Khổng học chứ không phải là một tôn giáo do Khổng Tử khai sáng. Triết gia Phùng Hữu Lan (Fung Yu-lan) từ năm 1937, trong tác phẩm “Đại cương triết học sử Trung Quốc” đã nói: “Tôn giáo, riêng nó, cũng liên quan đến cuộc sống. Tại trung tâm mỗi tôn giáo lớn đều có triết học. Thật vậy, một tôn giáo lớn nào cũng là một triết học trên đó chồng chất, như một thượng tầng kiến trúc, những mê tín, giáo lýlễ nghi và chế độ.Tôi gọi đó là tôn giáo. Nên hiểu tôn giáo theo nghĩa đó, nghĩa không khác với thông thường bao nhiêu, thì ta hiểu rằng nho học không thể coi là tôn giáo.” (TS. Nguyễn Văn Dương, Đại cương Triết học sử Trung Quốc, bản dịch Nhà xb. Thanh Niên – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Sài gòn, 1998, trang 19). Sau này giáo sư Derk Bodde, môn sinh của Phùng Hữu Lan, trong một bài báo nhan đề “Tư tưởng chủ yếu trong việc xây dựng nền văn hóa Trung quốc” (Journal of the American Oriental Society, tập 62, số 4, tr. 293-299. In lại trong China, tr. 18 – 28, xuất bản bởi H.F. Mac Nair, University of California Press, 1946.) đã viết: “Họ (người Trung quốc) không phải là dân tộc mà tư tưởng và hoạt động tôn giáo chiếm phần trọng yếu trong đời sống… Chính luân lý (đặc biệt là luân lý nho gia) đã đem lại cơ sở tinh thần cho văn minh Trung quốc, chứ không phải là tôn giáo (ít ra không phải là một tôn giáo có hình thức rõ rệt và tổ chức chặt chẽ… (Bản dịch Nguyễn Văn Dương, Sách đã dẫn, trang 19)

        232.-Nho gia là gì?

        Theo định nghĩa của ông Thái Gia Kỳ “Nho là người đi học chữ”, những học trò ấy chuyên học hệ thống tư tưởng của Khổng Tử và của các đồ đệ sau này của ông, họ được gọi là Nho gia…” (trang 29). Về thuật ngữ nho (nhu) ,Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận giải thích rằng: “Nho là mềm; tiếng gọi thuật sĩ.” (Nho, nhu dã. Thuật sĩ chi xưng.     ) Khổng Tử bảo Tử Hạ: “Hãy làm nho quân tử chứ đừng làm nho tiểu nhân.” Như vậy, nho là tên gọi chung những người có tài nghệ và tri thức, cho nên mới có sự phân biệt giữa nho quân tử và nho tiểu nhân. Khi Nho gia mới nổi lên, người ta lấy danh xưng nho để gọi họ. Sau đó, nó trở thành danh từ riêng chỉ chung một học phái, chứ thoạt đầu nho là một danh từ phổ thông.” (Phùng Hữu-Lan, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, tập I: Thời Đại Tử Học, Nhà xb. Khoa Học Xã Hội, Lê Anh Minh dịch, 2005, trang 97).

        Trong tác phẩm Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, tác giả Cao Xuân Huy cho biết: “Việc học tập từ chỗ độc quyền của quan lại quý tộc được nới rộng đến cả thứ dân, nên trường tư mở ra, gọi là giai đoạn “học hạ tư nhân”    (việc học xuống đến tư nhân). Trong bọn quý tộc phá sản, có những kẻ trước kia làm quan chức văn hóa thì nay phải đi dạy học để mưu sinh. Những người ấy gọi là “tấn thân tiên sinh”     sau đó gọi là “nho”. Trong sách Quốc cố luận hành, thiên Nguyên Nho, Chương Bính Lân nói rằng: “Cái tên Nho  là bởi chữ nhu . Nhu nghĩa là lên đến trời, mà Nho cũng biết thiên văn, biết khi nào đại hạn, khi nào lụt…”. Tấn thân tiên sinh là những con người chuyển tiếp từ quan học đến tư học, mà cũng là những con người bảo tồn văn hóa Tây Chu ở đời Xuân thu” (Nhà xuất bản Văn Học, 1995, trang 379).

        233.-Về tác phẩm của Khổng Tử.

        Tác giả Thái Gia Kỳ cho rằng “Khổng Tử biên soạn năm cuốn “kinh” mà ngày nay ta gọi là Ngũ kinh: Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch và Kinh Xuân Thu. Sự thực thì lúc đầu có “Lục kinh” chứ không phải chỉ có “Ngũ kinh”, cuốn kinh thứ sáu là Kinh nhạc, bị Tần Thủy Hoàng đốt đi, nên chỉ còn lại Ngũ kinh. Trong các sách trên, Khổng Tử đã thu thập, sắp xếp lại và chú giải cặn kẻ những lời nói của thánh hiền trong các đời vua Nghiêu, Thuấn, vua Châu Công đi trước.” (trang 27).

        Trong tác phẩm có tên Les Grands Philosophes de l’Orient, F. Tomlin, giáo sư ở Viện đại học Bristol và Londres cũng đã nói lên những quan điểm không khác ông Thái Gia Kỳ bao nhiêu khi viết (tạm dịch) rằng “Những cuốn sách mang tính linh hứng của Khổng giáo – vì chúng ta có quyền gọi như thế - được biết dưới cái tên Cửu thư. Năm trong số đó được gọi là Ngũ kinh, là những tác phẩm có thể do chính tay ônviết ra, nghĩa là chính ông là tác giả hay người san định lại…” (Les livres canoniques de la religion confucéenne – car nous sommes en droit de l’appeler ainsi – sont connus sous le nom des Neufs Classiques. Cinq d’entre eux, appelés les cinq King, sont probablement l’oeuvre de sa proper main, qu’il en ait été l’auteur ou l’éditeur.” (Nhà xb Payot, Paris, 1952, tr. 274).

        Ngày nay những nhận định trên đã có chiều thay đổi cho phù hợp với thực trạng nghiên cứu về Khổng học trên thế giới. Tiến Sĩ Phùng Hữu Lan cho rằng: “Xưa nay những nhà kinh học kim văn đều cho rằng lục nghệ là do Khổng Tử đặt ra. Các nhà kinh học cổ văn lại cho rằng Khổng Tử chỉ thuật lại lục nghệ mà thôi. Thuyết tuy khác, nhưng đều cho thấy Khổng Tử có liên quan đến lục nghệ. Ngày nay tôi cho rằng cái gọi là lục nghệ là các môn học vấn cố hữu của thời Xuân Thu, có trước Khổng Tử, tức là ông chưa từng chế tác ra chúng.” (Phùng Hữu Lan, Sđd, trang 95). Có hai thuyết về lục nghệ: Lục nghệ = lục kinh (Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu; Lục nghệ = Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số. Theo Phùng Hữu Lan, Khổng Tử đã lấy sách có sẵn thời bấy giờ để dạy học. Trong khi dạy ông tùy lúc có gia giảm, lựa chọn. Nếu cho hành động đó là san chính  hay san định (tức là trừ bỏ điều không thích hợp, sửa sang lại cho đúng) lục kinh, thì quả thực Khổng Tử đã có san chính.

        Trong phần “chữ Hán và Lão giáo Trung Quốc”, tác giả TGK viết rằng “Lão Tử từng làm quan sử nhà Chu nhà Chu, cùng thời với Khổng Tử nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử, đã có lần Khổng Tử đến tìm hiểu “lễ” với ông.”

        Các học giả ngày nay như Tiến sĩ Phùng Hữu Lan cho rằng sách Lão Tử tức Đạo Đức Kinh là tác phẩm thời Chiến Quốc (478-221) trong khi Khổng Tử sinh vào giai đoạn trước tức năm 551 thuộc thời Xuân Thu (722-479) (Phùng Hữu Lan, Lịch sử Triết học Trung Quốc, Tập I, Thời đại Tử học, Nhà xb. Khoa học Xã hội, 2013, tr. 234). Nguyễn Hiến Lê cho rằng Lão Tử sinh trên một trăm năm sau Khổng Tử. (Khổng Tử, Nhà xb. Văn Hóa, 1992, trang 40; Khổng Tử, Nhà xb. Văn Nghệ, California, 1992, trang 45; Sử Trung Quốc, Nhà xb. Văn Nghệ, California, 2003, trang 149). Theo Nguyễn Hiến Lê, sách Luận ngữ không bao giờ nhắc tới Lão Tử, và việc Khổng Tử tới Chu nghiên cứu về “lễ” cũng không có.

        234.- Chữ Hán vào Việt Nam từ lúc nào ?

        Đây là câu hỏi cuốn sách ông Thái Gia Kỳ đặt ra và cũng là một vấn đề cần tìm hiểu nghiêm túc.

        Tác giả Thái Gia Kỳ dẫn cuốn sách “Nguồn gốc Văn học Việt Nam” của Lê Văn Siêu và cho rằng: “Chính ra thì trước khi bị dưới ách đô hộ của người Tàu, chữ Hán đã có và đã được sử dụng ở ta rồi.” Nếu dân chúng quả thực chưa biết chữ Hán thì Triệu Đà viết hịch văn bằng chữ Hán cho ai đọc? … Rồi đến năm 112 tr. T.L., Lữ Gia truyền hịch đi khắp mọi nơi kể tội Cù Thị… Hịch viết bằng chữ Hán… Sự truyền hịch bằng chữ Hán như vậy mặc nhiên đã cho biết là người trong nước đọc được Hán văn từ trước khi quân Tàu đặt ách đô hộ vào năm 111 tr. T.L. và trước khi Sĩ Nhiếp làm thái thú vào năm 187 s. T.L.” Cũng theo Lê Văn Siêu (cùng sách trích trên, trang 126), “… ta phải kể tới công lớn lao của người Việt Dương Tử khi đã đem chữ Hán về cho dân tộc ta.” (Thái Gia Kỳ, trang 65).

        Quan điểm của ông Lê Văn Siêu không phải là không phản ánh nhiều nhận thức còn tranh cãi từ sự kiện đến biến cố và phương pháp luận sử học, nói chung cuốn sách của ông Lê Văn Siêu chịu ảnh hưởng của nguồn tư liệu cũ như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên nên đã nâng quốc thống Việt Nam lên bốn nghìn năm, và qua đó coi đất Nam Việt (gồm Quảng Đông, Quảng Tây và cổ Việt ) cũng là đất của Việt Nam từ năm 207 tr. T.L. Quan điểm sử học của Ngô Sĩ Liên đã bị chính vua Tự Đức bác bỏ, và giới sử học VN về sau ít chấp nhận. (Xem Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Phòng nghiên cứu sử Viện Đại học Huế, 1965).

        Quan điểm chung của phần đông các nhà nghiên cứu văn học, sử học đều cho rằng Sĩ Nhiếp (187-226), là người khởi đầu của văn học và được tặng danh xưng “Nam bang học tổ”. Thật ra không có một tư liệu nào xác nhận rõ rệt niên đại chữ Hán được đưa vào nước ta nên tạm thời sử dụng đoạn văn sau đây của sử gia Trần Trọng Kim: “Trong những nước chịu cái văn hóa của Nho giáo, có nước Việt-nam ta đối với nước Tàu có cái mối liên lạc mật thiết hơn cả, là bởi vì từ đời vua Hán Vũ-đế đến đời Ngũ-quí, hơn một nghìn năm, nước ta kể từ Nghệ Tĩnh trở ra, thuộc vào bản đồ người Tàu. Người mình không những là bị cảm hóa đã lâu đời, mà lại phần nhiều là dòng dõi người Tàu sang sinh cơ lập nghiệp ở bên này, rồi dần dần thành ra người bản xứ. Bởi vậy Nho học ở nước ta, vào quãng cuối thời Đông-Hán đã có phần thịnh. Thuở ấy đã có người như Lý Tiến, Lý Cầm và Trương Trọng, đỗ hiếu liêm hoặc mậu tài, được bổ đi làm quan ở bên Tàu. Qua sang đời Tam quốc, ở quận Giao-chỉ có quan thái thú là Sĩ Nhiếp hết lòng mở mang việc học, làm cho nho học lại thịnh hành hơn trước nữa.”(Nho giáo, quyển hạ, Tân Việt xuất bản, in lần thứ ba, tr. 372).

        Theo Ngô Sĩ Liên, Lý Cầm là “người nước Việt ta”, (Toàn Thư, bản dịch Viện Khoa học Xã hội, Nhà xb. KHXH, 1998, tập I, tr. 162) nhưng một người trong giới nghiên cứu sử học Miền Nam, sử gia Nguyễn Phương đã chứng minh những luận điểm sai trái của sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bởi vì nước Việt ta ở đây gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây và cổ Việt tức Bắc Việt trong quan điểm của vị sử gia này. Theo giới nghiên cứu sử học Miền Nam VN trước 1975, dân tộc VN có nguồn gốc bản địa dựa trên các khảo chứng về dân tộc học, khảo cổ học, việc phổ cập chữ Hán được thực hiện trong các tầng lớp di dân Trung Quốc sống tại đất cổ Việt. Sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Hai Bà Trưng, dân Lạc Việt không còn hiện diện trên sách vở cứ liệu của Trung Quốc nữa và nếu có thì được gọi là người Liêu.

        Những người có học, đỗ đạt được kể tên đó, theo Đào Duy Anh, là thuộc tầng lớp phú hào bản quốc, hoặc do nguồn di dân Trung quốc trở thành. (Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nhà xb. Văn hóa Thông tin, 2002, tr. 111).

        Liên quan đến gia đình Khổng Tử là tên bà mẹ. Theo ông Thái Gia Kỳ, mẹ Khổng Tử tên Nhan Chính Tại. Các tư liệu trước đây như sách Khổng giáo của Trần Trọng Kim, các sách của Nguyễn Hiến Lê đều nói Nhan thị, nhưng sách Khổng Học Đăng của cụ Phan Bội Châu nói Nhan thị Trưng-Tại (Phan Bội Châu, Sđd, tr. 11). Đây cũng là một bổ chính cần lưu ý.

        Cuốn sách của ông Thái Gia Kỳ đã đưa độc giả, dù bằng những nét rất khái quát, vào lãnh vực tôn giáo (Phật, Lão) và học thuật (Nho học) đến với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, với những thời điểm tuy không được chính xác cho lắm (và những điểm này sẽ được góp ý hay nghiên cứu thêm) nhưng lột rõ được ý tác giả là muốn người ta chú trọng nhiều đến sức mạnh của chữ Hán, một thứ văn tự có mãnh lực thu hút và tấn công nếu nhìn như một thứ vũ khí tư tưởng.

        24.- Một vài góp ý khác liên hệ tới mốc thời gian.

        Trong cuốn sách của Thái Gia Kỳ, ở trang 43 ông viết: “Theo Seong-Chul Shin & Gene Baik trong cuốn Pocket Korean Dictionary, chữ Hán du nhập vào Triều Tiên vào những năm đầu Công nguyên, nhưng có sách lại cho rằng chữ Hán truyền vào Triều Tiên trước nữa, vào thời nhà Tiền Hán Trung Quốc được thành lập (202 tr. CN) cùng một thời kỳ với sự du nhập chữ Hán vào Việt Nam.”

        Thật ra việc xác định thời điểm một biến cố hay sự kiện xảy ra ở đâu một cách dứt khoát cũng là điều xưa nay các nhà nghiên cứu tỏ ra rất thận trọng. Đối với những sự kiện xảy ra trong nước mình, cách nay vài thế kỷ thì việc này cũng đã là việc khó huống hồ là những biến cố thuộc các quốc gia khác xảy ra vào những thời gian cách nay hàng chục thế kỷ.

        241.- Chữ Hán và Phật giáo truyền vào Triều Tiên :

        Trong cuốn sách viết về Triều Tiên đã dẫn ở trên, tác giả Jill Dubois cho biết “vào năm 108 tr. C.N. Trung Quốc đã tạo được thêm ảnh hưởng trực tiếp đối với sự phát triển văn hóa của xứ này khi nhà Hán chinh phục được miền đất phía bắc của bán đảo Triều Tiên và thiết lập bốn quận ở đây. Lịch sử của Triều Tiên bắt đầu được ghi lại qua biến cố này. Các bộ lạc của Triều Tiên đã chiếm được ba trong bốn quận đó vào năm 75 tr. C.N. Quận còn lại là Lalang (Lạc Lãng) vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Thông qua sự thăng hoa của nền văn minh nơi xứ thuộc địa Trung Quốc có tên Lạc Lãng này, tất cả các loại hình đặc thù của nền văn minh Trung Quốc như hệ thống văn tự, ý niệm tôn giáo, cơ cấu chính quyền, và nghệ thuật luyện sắt được truyền vào cho các bộ lạc Triều Tiên.” (trang 20).

        Qua tác phẩm A New History of Korea, tác giả Ki-baik Lee cũng cho biết năm 108 tr. C.N. nhà Hán đã thành lập bốn quận Lo-lang    (Lạc Lãng) Chen-fan    (Chân Phiên) và Lin-t’un    (Lâm Truân) trong vùng đất Wiman Choson của Triều Tiên ngày trước và năm sau lập thêm quận Hsuan-t’u    (Huyền Thố) (bản dịch Anh ngữ của Edward W. Wagner, Nhà xb. Harvard University Press, 1984, tr. 19) qua đó chính quyền Trung Quốc đã đặt các quan hệ ngoại giao với các thủ lãnh bộ tộc địa phương bằng cách ban cho họ chức tước, quan hàm, lễ phục, ấn triện của Trung Quốc và điều này cũng chứng tỏ tầm quan trọng trong việc phát huy văn hóa, trong đó dĩ nhiên có chữ Hán, của nước này (trang 20).

        Về vấn đề đạo Phật truyền vào Triều Tiên, ông Thái Gia Kỳ viết theo tư liệu của Nhậm Kế Dũ    trong cuốn Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, phần Phật giáo truyền vào Triều Tiên, rằng “đạo Phật được truyền bá trước tiên vào vùng bắc của nước Cao Cú Li (một bộ lạc ở phía bắc Triều Tiên vào những thế kỷ đầu Công nguyên). Vào năm CN 372, Tần vương (thời kỳ Thập Lục Quốc ở Trung Quốc, năm 304-439 CN) cử sứ thần và các tăng mang tượng Phật và kinh sách tặng nước Cao Cú Li    , sau đó (vào năm CN 374), lại cho Đại tăng A Đạo   vào truyền giáo.” (trang 46). Và ở đoạn dưới ông TGK viết: “Ở miền Đông bắc Triều Tiên lúc bấy giờ có xứ Tân La, Phật giáo ở đây phát triển tương đối trễ so với hai xứ Cao Cú Li và Baiji trong thời Tam quốc của nước Triều Tiên…” (trang 47).

        Thời Thập lục quốc ở Trung Quốc này tức là thời Nam Bắc Triều ghi nhận khoảng năm 317-580 mà theo Nguyễn Hiến Lê nhận xét là có khoảng trên 20 triều đại chứ không chỉ 16. (Nguyễn Hiến Lê, Sách đã dẫn, tr. 235). Thời điểm 372 được coi là thời điểm Triều Tiên chấp nhận Phật giáo khi một vị tăng tên Thuận Đạo   (Sundo) đến Cao Cú Li (hay Cao Cú Lệ) theo lệnh Tần vương Phù Kiên lúc bấy giờ đang chiếm giữ vùng đông bắc Trung Quốc, tặng nhiều tranh ảnh Đức Phật cùng Phật kinh cho triều đình Cao ly. (Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, không có tên nhà xb. In tại nhà in Hồng Phát, Chợ-lớn, 1958, trang 176). Mười hai năm sau tăng sĩ Ma La Nan Đà     (Malananda) từ Đông Tấn thuộc vùng lưu vực sông Dương tử đến Bách Tế (Paekche) truyền đạo. Ở Tân La (Silla) Phật giáo được truyền đến tương đối trễ hơn và chắc chắn là khoảng giữa thế kỷ thứ V do tăng sĩ A-đạo   (Ado) cũng được gọi là Mặc Hồ Tử    (Mukhoja) từ Cao Cú Li đến Tân La. (Ki-baik Lee, A New History of Korea, bản tiếng Anh của Edward W. Wagner with Edward J. Shultz, 1984, tr. 59).

        Cũng trang 47, tác giả TGK viết “Ở miền Đông bắc Triều Tiên lúc bấy giờ có xứ Tân La, Phật giáo phát triển tương đối trễ…”, chữ “đông bắc” ở đây nên đổi lại là “đông nam” cho phù hợp với vị trí của Tân La lúc bấy giờ.

        Cũng giống như tình trạng Phật giáo ở VN thời nhà Lý, ở Triều Tiên Phật giáo cũng nhận được sự trợ giúp dồi dào của chính quyền nên có rất nhiều thời kỳ giới tăng lữ đã trở thành cố vấn chính trị cho vua chúa nước này. Hai vị sư nổi tiếng ở nước Tân La là Won’gwang   (Viên-Quang) được nhà vua hỏi về cách trị nước, và nhà sư Chajang   (Từ-Tạng) là người được phong chức Quốc Sư (Chief Abbot of State) đã chỉ đạo việc xây cất ngôi chùa chín tầng ở Hwangnyong-sa    (Hoàng Long Tự). (Ki-baik Lee, sách đã dẫn, trang 61).

        242.- Chữ Hán và Phật giáo truyền vào Nhật Bản :

        Trong cuốn sách của mình, tác giả TGK viết về sự xuất hiện của chữ Hán tại Nhật Bản như sau: “Thực tế rất khó xác định chữ Hán đã truyền vào Nhật Bản từ lúc nào. Người ta chỉ tìm thấy những di vật có mang chữ Hán trên một số đồ sành sứ, tiền bằng kim khí v.v… vào thời Yayoi năm 57 Công nguyên. Có giả thuyết cho rằng chữ Hán đã được truyền vào từ Triều Tiên vào thế kỷ thứ 3 CN, lúc đầu với các tác phẩm chữ Hán xưa như Tam Tự Kinh và Luận Ngữ. Trong cuốn Confucius in East Asia, GS Jeffrey L. Richey có kể từ thế kỷ thứ ba, nhiều nhóm dân Nhật đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với cả hai xã hội Triều Tiên và Trung Quốc… đến những năm sau 400, một số người Nhật đã có khả năng đọc và viết chữ Hán.” (trang 50).

        Theo giới khảo cổ học, giai đoạn đồ đá mới ở Nhật Bản có thể chia làm hai thời kỳ : Jomonshiki (Thằng-văn-thức) từ 7000 hay 8000 năm tr. C.N. đến 1200 tr. CN. và Yayoishiki (Di-sinh-thức) từ 1200 tr. CN. đến năm 250 sau CN. Đó là những đồ dùng bằng đất nung như lu, chén, bát đời thượng cổ. Loại trước, khi nắn còn ướt, người ta lấy dây thừng ấn vào nên có vết rằn rện sau khi được nung lửa sơ sài, thường có màu đen thẫm. Loại sau chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nên khá tinh xảo, đẹp hơn, kỹ thuật tiến bộ hơn, được sản xuất hàng loạt. Yayoi là tên một vùng ở tỉnh Tokyo. Chữ Hán in trên loại gốm này có thể có khi người Trung Quốc khởi đầu giao tiếp với Nhật Bản thời Tiền Hán (206 tr. CN – 220 sau CN)

        Theo Will Durant, “người Nhật vay mượn hệ thống chữ viết và giáo dục từ người Trung Quốc… Ngôn ngữ này (tiếng Nhật) dường như không màng đến cả chữ viết, mãi cho đến khi người Triều Tiên và Trung Quốc đem nghệ thuật này đến cho đất nước Nhật Bản vào đầu thế kỷ thứ nhất; kể từ đó người Nhật trong hàng mấy trăm năm tỏ ra hài lòng với việc dùng những chữ tượng hình của Trung Quốc để diễn tả thứ ngôn ngữ du dương như tiếng Ý của họ.” (Bản dịch Huỳnh Ngọc Chiến, tr. 1065).

        Một sử gia Việt Nam, Phan Khoang trong Trung Quốc sử lược đã viết: “Văn hóa Trung Quốc do bán đảo Triều Tiên truyền sang Nhật Bản. Năm 285, đời Tấn nước Trung Quốc, có vị bác sĩ người Bách-tề (nay gọi Bách-tế tức Paekche, NDC chú) đem sách Luận ngữ và sách Thiên tự văn vào Nhật dạy Thái tử. Đồng thời, Dung-thông vương (Hậu duệ của công tử Phù-Tô đời Tần) đem bộ hạ dân 127 huyện sang qui thuận Nhật Bản, các người ấy đều biết nghề tằm tơ, Thiên hoàng rất thân yêu, đem để ở các nơi, cho làm nghề ấy.” (Sđd, trang 176).

        Tuy nhiên, khác với các ý kiến trên đây, Thạch-Điền Nhất-Lương     (Ishi Da Kazu-Yoshi) trong tác phẩm Nhật Bản Tư Tưởng Sử      (Nihon Shi-sô Shi) cho rằng từ hậu bán thế kỷ IV, khi Nhật Bản đã mật thiết giao thông với Triều Tiên từ hàng thế kỷ trước rồi mới biết mượn chữ Hán của Trung Quốc mà cải chế thành văn tự để sử dụng (Bản dịch của Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn hóa, Tập I, 1972, trang 94). Tác giả này nhấn mạnh : “Trong thế kỷ IV, Trung Hoa và Nhật bản vẫn thường giao thiệp bằng văn thư, chứng tỏ bên này quần đảo  cũng phải có người biết chữ Hán để ứng đáp. Có điều chắc chắn là, cho đến đầu thế kỷ IV, người Nhật Bản biết chữ Hán vẫn còn quá ít, chỉ từ hạ bán thế kỷ này trở đi, chữ Hán mới trở nên thịnh dụng bởi Nhật Bản can thiệp mạnh vào nội chính Nam Triều Tiên.” (tr. 95) (Thích Thiên-Ân, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Nhà xb. Đông Phương 1965, trang 314-316 và tr. 327). Cũng theo tác giả Thạch-Điền Nhất-Lương phải từ thế kỷ VI Hán tự mới bắt đầu phổ cập ra dân gian.

        Việc Phan Khoang kể lại chuyện một bác sĩ Bách tế đem bộ sách Luận ngữ và sách Thiên tự văn vào Nhật dạy thái tử năm 285, được tác giả Thạch-Điền Nhất-Lương cho biết là do hai cuốn sách Cổ sự ký    (năm 712) và Nhật Bản Thư kỷ      (720) ra đời khoảng đầu thế kỷ VIII kể lại chuyện này, nhưng theo ông, hai cuốn sách sử học này cũng có những chỗ cần nghi ngờ chẳng hạn sự việc này xảy ra dưới thời Ứng Thần Thiên Hoàng nhưng theo Thạch-Điền Nhất-Lương cho biết Ứng Thần Thiên Hoàng chỉ là vị vua huyền thoại, không rõ được tại vị vào những năm nào nên những việc như trên đều có thể do ngụy tác của đời sau làm ra vẻ như câu truyện có thật mà thôi. (Thạch-Điền Nhất-Lương, Sách đã dẫn, trang 100).

        Trong cuốn sách Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Giáo sư Tiến sĩ Thích Thiên-Ân, tốt nghiệp Viện Đại Học Waseda, cho biết dân tộc Nhật Bản rất có tinh thần chuộng cổ qua đoạn văn trích dẫn sau đây: “Không những văn chương thi phú, đến cả các vấn đề tư tưởng, tôn giáo, văn tự v. v… của Nhật Bản cũng chứa đầy cả tinh thần chuộng cổ nầy. Thật vậy, về tôn giáo tư tưởng chúng ta thấy rằng: Nho giáo và Phật giáo là hai tôn giáo được truyền bá vào đất Nhật ở các thời cổ đại, có ảnh hưởng sâu xa trong văn hóa tư tưởng của Nhật Bản, vì thế nên gần đây dù có các phong trào tự do vật dục, hoặc các lý thuyết vô thần truyền nhập vào, nhưng  những tư tưởng và đạo lý cổ truyền của hai tôn giáo nầy vẫn chiếm một địa vị quan trọng trong đời sống tâm linh của con người Nhật Bản.” (trang 126)

        Thời điểm xuất hiện của Phật giáo tại Nhật Bản cũng cho nhiều kiến giải khác nhau. Theo ông Thái Gia Kỳ, “thế kỷ thứ V là thế kỷ Phật giáo phát triển mạnh tại Triều Tiên, vào lúc này, vua xứ Baiji rộng lớn ở phía tây nam Triều Tiên đã phái Wani, một học giả lỗi lạc, cùng một số học giả người Triều Tiên và người Trung Quốc mang các kinh sách của Khổng giáo, Phật giáo và một số sách chữ Hán khác vào Nhật Bản.” (trang 51)

        Theo Will Durant, “Năm 522, Phật giáo mới được truyền bá vào Nhật Bản, dù nó đã được truyền bá vào Trung Quốc trước đó năm trăm năm, và nhanh chóng chinh phục được đất nước này.” (Bản dịch, Huỳnh Ngọc Chiến, tr. 1017).

        Trong cuốn Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo do Junjiro Takakusu      (Cao Nam Thuận Thứ Lang) viết, Tuệ Sỹ dịch, có ghi: “Phật giáo chính thức du nhập Nhật Bản năm 552 qua ngã Bách tế (Paikche  ), một vương quốc thuộc Cao-ly (Korea) nhưng 30 năm trước đó, tượng Phật đã được mang vào Nhật rồi. Năm 594, Thánh Đức Thái tử     (Shôtoku Taishi; 574-622) tuyên bố Phật giáo là quốc giáo.” (Như Như xb., Phật lịch 2551 – Đinh hợi 2007, trang 21).

        Qua tác phẩm Modern Japan, A Historical Survey      (Nhật bản cận đại sử), tác giả người Nhật Mikiso Hane cho biết Phật giáo du nhập vào Nhật Bản qua ngã Triều Tiên vào thế kỷ thứ sáu. Giai cấp cầm quyền Nhật Bản đã có rất nhiều ấn tượng về vẻ đẹp của những đồ khí mảnh, lễ nghi và các kinh sách đi kèm với tôn giáo này; kể từ đó đạo giáo ấy nhận được sự giúp đỡ mạnh mẽ của giới cầm quyền. (Nhà xb. Westview Press, 1992, trang 13).

        25.- Chữ Nôm, kho tàng văn hóa đặc trưng của người Việt trong quá khứ.

        Tác phẩm của ông Thái Gia Kỳ có dành 14 trang để viết về chữ Nôm cũng là yếu tố để chúng ta nhìn thấy được tầm quan trọng nhất định của loại văn tự này. Nhưng sự xuất hiện của chữ Nôm cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà nghiên cứu văn học mặc dù ngày nay thứ chữ đó đã không được sử dụng rộng rãi.

        251.- Thời điểm xuất hiện chữ Nôm.

        Trong tác phẩm của mình, tác giả Thái Gia Kỳ cho biết “Từ thế kỷ thứ XVI, trên văn đàn Việt Nam, xuất hiện một loại văn tự mới, của riêng Việt Nam, đó là chữ Nôm, một thứ chữ kết hợp giữa nghĩa chữ Hán với âm của tiếng Hán Việt và đọc bằng tiếng Việt mà người Hán không thể đọc và hiểu được. Thậm chí nếu là người rành chữ Hán mà chưa có cơ hội nghiên cứu qua cũng không thể đọc và hiểu được, cùng lắm là hiểu lờ mờ vì trong mỗi câu hay mỗi đoạn có một số chữ Nôm dung nguyên chữ Hán hoặc có hình thức của chữ Hán trong khi phát âm của chữ đó lại là tiếng Việt.” (trang 121).

        Thật ra, thời điểm chữ Nôm xuất hiện đã có nhiều luận chứng khác nhau giữa giới nghiên cứu văn học.

        Chữ Nôm có lẽ do chữ Nam đọc chệch đi, “chữ Nôm” có nghĩa là “chữ của người phương Nam, đối với “chữ Hán” của người phương Bắc, tức Trung Hoa.” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa Cử Việt Nam, Thi Hương, tập thượng, An Tiêm xuất bản, Paris, 2002, tr. 126).

        Theo Giáo sư Đoàn Khoách, “chữ Nôm là loại văn tự xây dựng từ chất liệu chữ Hán, do đó trước khi tìm hiểu cách cấu tạo chữ Nôm, chúng ta thử tìm hiểu sơ qua cách kết cấu chữ Hán mà người xưa gọi là lục thư  ”. (Đoàn Khoách, Đặc san Đại Học Huế, Vài nét đại cương về chữ Nôm, 2017, trang 174; Xem Thái Gia Kỳ, trang 18). Giáo sư Đoàn Khoách cũng cho biết : “Trong việc cấu tạo chữ Nôm, ngoài việc dùng chữ nghĩa Hán âm Việt (gọi là Hán tự Việt độc hay Việt độc hoặc Hán-Việt) như   gia đình hay xã hội   v.v…, trước đây người Việt thường chỉ mượn ba trong sáu cách của lục thư là Hội ý, Hình thanh, Giả tá. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển biến của lịch sử, do âm đọc chữ Hán của người Việt có sai khác, nên phần ngữ âm lịch sử Việt Nam cũng có một ảnh hưởng nhất định trong việc cấu tạo chữ Nôm.” (tr. 174-175).

        Theo Trần Văn Giáp, trong quyển Lược khảo vấn đề chữ Nôm thì “chữ Nôm là một thứ chữ khối vuông của Việt Nam dùng để phiên âm tiếng Việt, mới xuất hiện trên đất Việt Nam từ cuối đời Hán Minh đế, dưới thời thống trị của Sĩ Nhiếp, thế kỷ thứ II sau công nguyên, do người Việt Nam tự sáng tạo ra.” (Trần Văn Giáp, Nhà xb Ngày Nay Publishing 2002, tr. 34). Ý kiến của Trần Văn Giáp là dựa vào quan điểm của sư Pháp Tính   tác giả cuốn Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa       được khắc in vào năm Tân tị thứ 22 triều Lê Cảnh Hưng (1761). Bài tựa sách này có đoạn như sau: “Từ khi thánh nhân lập ra lối chữ có bộ phận để chỉ nghĩa, chỉ tên gọi cho chính xác, khiến cho người Trung Quốc dễ hiểu, còn các dân tộc khác thì hãy còn khó hiểu. Mãi đến thời Sĩ Vương sang đóng ở nước ta trong khoảng hơn 40 năm, ra sức giáo hóa, giải nghĩa bằng tiếng Nôm để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, đề ghi tên gọi, ghép vận làm thành sách Chỉ Nam Phẩm Vựng     chia ra thượng hạ 2 quyển…” (Đoàn Khoách, Vài nét đại cương về chữ Nôm, Đặc san Đại Học Huế, Kỷ niệm 60 năm Đại Học Huế (1957-2017), trang 177). 

        Dưới thời Tự Đức (1848-1883), Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn Xan        cũng đề cập niên đại thành lập chữ Nôm trong cuốn Đại Nam Quốc Ngữ     tựa đề năm Tự Đức thứ 33 (1880) trong có đoạn (dịch): “Nước ta từ đời Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp) đã đem dịch tiếng Nam bằng tiếng Bắc (Trung Quốc); trong số tiếng dịch ấy, có nhiều tên còn chưa rõ, như “thư cưu” (chim uyên ương” chẳng biết gọi là chim gì, “dương đào” (cây khế) chẳng biết gọi là cây gì…” (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr.178).

        Những người chung ý kiến với Trần Văn Giáp có Lê Dư, Nguyễn Đổng Chi.

        Các học giả P. Pelliot và L. Cadière cho rằng chữ Nôm được sáng chế từ cuối thế kỷ XIII, dẫn đoạn sau đây trong sách Hải đông chí lược      của Ngô Thời Sĩ    : “Ngã quốc văn học đa dụng quốc ngữ tự Thuyên thủy” (văn học nước ta dùng nhiều quốc ngữ bắt đầu từ ông Thuyên); lại nêu những danh sĩ đồng thời với Nguyễn Thuyên như Nguyễn Sĩ Cố có tập Quốc Âm thi phú, Chu Văn An có Quốc Ngữ thi tập… để minh chứng những hoạt động văn nghệ nói trên nằm trong phong trào lưu hành thi phú bằng tục ngữ trong thời đại nhà Trần. Từ đó hai ông suy luận rằng chữ Nôm là thứ chữ để biên ký tục ngữ Việt Nam, có lẽ được sang chế từ cuối thế kỷ thứ XIII (trong đời nhà Trần) là một thời kỳ văn học tục ngữ (quốc âm thi) rất phát đạt tại Việt Nam. (Đoàn Khoách, bài đã dẫn, tr. 178). Chữ tục ngữ nói ở đây xin hiểu là tiếng Việt sử dụng hằng ngày. Người ta cũng tương truyền câu chuyện Nguyễn Thuyên, (bắt chước Hàn Dũ năm 819) làm bài thi đuổi cá sấu xuất hiện ở sông Phú-lương (Nhị Hà), sau đó được vua Trần Nhân Tông đổi tên Hàn Thuyên, nhưng theo Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập I, bài thơ đuổi cá sấu in trong Tứ Dân Văn Uyển hồi đầu thế kỷ XX nói là của Hàn Thuyên và được một số sách báo in lại, đúng ra là của Phó bảng Nguyễn Can Mộng ngụy tạo để đùa chơi, tiếc rằng lời cải chính in trên một số báo sau đó ít người được đọc nên nhiều người vẫn tưởng là của Hàn Thuyên thực. Song nếu đọc kỹ sẽ thấy toàn bài không có lấy một từ ngữ cổ, thơ cũng không viết theo thể Hàn luật, khó có thể tin là của Hàn Thuyên.” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Sđd, tr. 128).

        Theo học giả Nguyễn Văn Tố, chữ Nôm được sử dụng vào thế kỷ VIII là vì Phùng Hưng khởi nghĩa đánh diệt Cao Chính Bình năm 791, chiếm phủ lỵ, được dân chúng tôn là “Bố Cái đại vương”    . Về ý nghĩa chữ Bố Cái, sách Cương Mục chua rằng: “Cổ tục hiệu phụ viết Bố, mẫu viết Cái” (theo cổ tục nước ta gọi cha là Bố, mẹ là Cái). Họ Nguyễn lấy đoạn sử ấy như một thực lệ chữ Nôm đã được sử dụng vào thế kỷ VIII và đặt niên đại thượng hạn (terminus a quem) của chữ Nôm vào cuối thế kỷ thứ VIII. Đào Duy Anh, trong cuốn Chữ Nôm, nguồn gốc- cấu tạo-diễn biến đã phản bác ý kiến của Nguyễn Văn Tố khi cho rằng “ Việt sử lược là sách tóm tắt bộ Sử Ký của Lê Văn Hưu không thấy chép hiệu Bố Cái Đại Vương, mà bia đề đền thờ Phùng Hưng ở xã Cam lâm, huyện Phúc thọ, tỉnh Hà tây dựng năm Quang Thái thứ 3, tức năm 1390 đời Trần Thuận-tôn cũng không thấy chép hiệu ấy. Mãi đến sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ở thời Lê sơ mới thấy chép hiệu Bố cái đại vương. Hiệu nước thời nhà Đinh là Đại cồ việt cũng đến bấy giờ mới thấy chép. Như thế thì cũng chưa có thể tin chắc rằng những chữ nôm bố và cái đã có từ thế kỷ thứ VIII.” (Đào Duy Anh, Chữ Nôm, nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến, Nhà xb. Khoa học Xã hội, 1975, trang 42).

        Cụ Sở Cuồng Lê Dư cho rằng quốc hiệu Việt Nam ở hai triều Đinh và Tiền Lê là Đại Cồ Việt    . Đó là một thí dụ chữ Nôm được sử dụng trong thế kỷ X (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr. 179).

        Theo ý kiến của Giáo sư Chen Ching Ho    (Trần Kinh Hòa) với chuyên môn về lịch sử các nước Đông Nam Á, từng đảm trách chức vụ Giáo sư môn Sử học tại các đại học: Đại học Keio, Tokyo, Japan, National University Taipei, Taiwan, Soka University Hachioji, Tokyo, Japan, Korea University, Seoul, Korea, Chinese University of Hong Kong, Southern Illinois University, Carbondale, Illinois, USA, và các đại học Saigon, Dalat, Huế … chữ Nôm được sáng chế sau khi Việt độc thành lập, bắt đầu từ triều đại nhà Lý. (Chingho A. Chen, “Hình thái và niên đại sáng chế chữ Nôm”, Đoàn Khoách dịch, Tạp chí Đại Học, số 35-36, Viện Đại Học Huế, tháng 10-12 năm 1963).

        Khởi nguyên của chữ Nôm theo Giáo sư Chen, phải ở vào giai đoạn sáng chế chữ hình thanh mới là hợp lý và thích đáng. Muốn giải quyết niên đại sáng chế chữ Nôm, theo Giáo sư, phải kiểm thảo hai vấn đề: niên đại hoàn bị của “khải thể” chữ Hán và niên đại Việt ngữ áp dụng Hán ngữ làm ngữ vựng.

        Vấn đề thứ nhất, theo kết quả nghiên cứu của Văn Hựu, một học giả Trung Hoa (tác giả bài “Luận về tổ chức của chữ Nôm” đăng trong Yên kinh Học báo, kỳ 14, bài này đã được nhà học giả Nhật-bản Sơn-bảng Đại-lang giới thiệu trong Đông-dương Học báo quyển 22, số 2, năm 1935. Chú thêm của NĐC) thì chữ Nôm dứt khoát không thể xuất hiện vào thời cổ đại. Vấn đề thứ hai, theo kết quả nghiên cứu ngữ âm học lịch sử tiếng Việt của H. Maspéro lại cho biết gần một nửa ngữ vựng trong tiếng Việt là những tiếng mượn của Hán ngữ. Tuy nhiên đại đa số Hán ngữ lại truyền nhập vào Việt ngữ ở một thời đại tương đối muộn và phải qua trung gian của Việt độc (âm Hán-Việt), nghĩa là sau khi có cuộc phân ly chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam, mới được thành lập. Có điều, hai vương triều độc lập đầu tiên của Việt Nam là nhà Đinh (968-980) và nhà Tiền Lê (980-1009) đều bị nội tranh quá nhiều và mau chóng bị lật đổ, nên phải chờ đến nhà Lý (1010-1225) mới xuất hiện một vương triều tương đối lâu bền và ổn định. Sự chỉnh đốn về chế độ văn vật, sự xuất hiện cuộc vận động văn hóa, sự thiết lập chế độ khoa cử đều bắt đầu từ triều đại nhà Lý. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng khởi bút từ triều Lý. Bởi thế Giáo sư Chen suy luận rằng Việt độc đại khái được thành lập trong thời đại nhà Lý.

        Cũng nên thấy thêm rằng hiện nay phần nhiều tiếng mượn của Hán ngữ trong tự vựng Việt ngữ đều thoát thai từ Việt độc. Hiện tượng ấy chứng tỏ rằng những tiếng mượn ấy được truyền vào tự vựng Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam độc lập. Điều đáng chú ý nữa là trong quy chế chữ Nôm, các chữ Hán giả tá hoặc hầu hết thanh phù của chữ Nôm đều căn cứ vào Việt độc cả. Do đó mà Giáo sư Chen đoán định niên đại thượng hạn của chữ Nôm là bắt đầu từ triều đại nhà Lý.” (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr. 181).

        252.- Giá trị chữ Nôm.

        Ở trang 134, tác giả Thái Gia Kỳ nhận định khá tiêu cực về chữ Nôm với những câu kết thúc cho Chương I cuốn sách của mình: “Đối với chữ Nôm lại càng không ai muốn học. Học để làm gì? Có học cũng không được làm quan, cũng không được thêm điểm cho kỳ thi tốt nghiệp; dựa vào khả năng làm thơ văn bằng chữ Nôm cũng không làm ra tiền, vậy học để làm gì? Không những chỉ vì tính chất “thiếu khoa học” của chữ Nôm, mà thực tế phũ phàng của xã hội cũng đã làm cho chữ Nôm mai một.”

        Có lẽ ai cũng biết sự khó khăn của chữ Nôm khi muốn hiểu nó thì phải học chữ Hán trước, tuy vậy đến người Hoa cũng không thể viết được hoặc đọc được chữ Nôm. Lẽ dĩ nhiên, biết được chữ Nôm sẽ giúp cho việc hiểu biết thêm trong phạm trù nghiên cứu sử học hay văn học hoặc các ngành ngôn ngữ học khác.

        Trong cuốn “Lược khảo vấn đề chữ Nôm”, Trần Văn Giáp (1902-1973) đã viết: “Chính Ngô Thời Nhiệm, thế kỷ thứ XVIII, đã phải nói trong bài tựa sách tự điển của ông: “          Cố ngã quốc tự hiệu nan ư Trung Quốc (Cho nên chữ nước ta so ra khó hơn chữ Trung quốc…” . Đó là những lý do chính khiến cho chữ Nôm không còn có thể thông dụng dễ dàng được. Nhưng, mặc dầu thế, do sự tranh đấu không ngừng của nhân dân, chữ Nôm vẫn đã được sử dụng. Nó đã đồng thời tự phát với sự tiến triển của ngữ ngôn dân tộc và văn học cổ điển Việt Nam. Cho nên, chúng ta không thể không nghiên cứu chữ Nôm một cách sâu rộng để thu tàng lấy vốn cổ quí báu của ta về mọi lãnh vực.” (Trần Văn Giáp, Sđd, tr. 88)

        Trong khi đó Giáo sư Đoàn Khoách lại đã viết: “Nhưng cái ưu điểm lớn nhất của chữ Nôm là ghi âm được tiếng Việt một cách tương đối trung thực, trong khi chữ quốc ngữ ngày nay chưa xuất hiện. Nhờ thế mà ngày nay người Việt biết được phần nào tình cảm và suy tư của tổ tiên mình. Ngoài ra chữ Nôm có thể phân biệt được tiếng Việt đồng âm dị nghĩa mà thường rất khó phân biệt, ví dụ may rủi với may vá, bụng dạ với vâng dạ, đầy đủ với đu đủ, vợ chồng với chồng chất, v.v… Ưu điểm này thì chữ quốc ngữ hiện nay chưa bì được… Lịch sử chữ Nôm ở Việt Nam đã có gần chín, mười thế kỷ nay, các loại sử liệu bằng chữ Nôm không những có giá trị về phương diện sử học, mà còn có giá trị về nhiều phương diện khác nữa như ngôn ngữ, phong tục, xã hội, kinh tế, triết học, văn học v.v… mà các học giả đời nay cần sưu tầm, khai thác. (Đoàn Khoách, bđd, tr. 184)

        Như vậy, chữ Nôm là nguồn ký thác tình cảm và suy tư của tổ tiên qua trường kỳ lịch sử mà con cháu là chúng ta cần có bổn phận tìm hiểu và quý trọng bảo lưu. Theo cuốn sách của Đào Duy Anh được nhắc ở trên, hiện nay tại Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội còn tàng trữ khoảng 1186 cuốn sách chữ Nôm, đó là một kho tàng văn hóa cần được sử dụng khai thác.

        Tiếp đây là ý kiến của một người ngoại quốc nhưng cuộc đời đã cống hiến nhiều cho sự nghiệp văn hóa dân tộc Việt Nam, Giáo sư Chen Ching Ho cũng đã viết rằng: “Sở dĩ chúng tôi đưa vấn đề chữ Nôm ra thảo luận, là vì chúng tôi muốn nhấn mạnh đến các giá trị các loại sử liệu bằng chữ Nôm về phương diện sử học. Đưa ra một vài nhận thức về nguyên lai và cấu tạo của chữ Nôm, là cốt để tiện việc đọc và giải thích văn Nôm, vì văn Nôm là một di sản văn hóa của Việt Nam.” (Đoàn Khoách, bđd, tr. 183).

        Luận điểm của Giáo sư Chen Ching Ho ở trên khiến chúng tôi nhớ lại một câu vè của người dân Bình Trị Thiên về các cụ Ngô Đình Khả, cụ Nguyễn Hữu Bài về việc “đày vua” và “đào mả”.  Các câu vè đó thường viết: “Phế (đày) vua không Khả, đào mả không Bài”. Ý muốn nói cụ Ngô Đình Khả phản đối việc người Pháp phế vua Thành Thái, và cụ Nguyễn Hữu Bài phản đối việc khâm sứ Mahé đào mả vua Tự Đức. Trong cuốn Đại Nam Thực Lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, câu vè đó được in lại bằng chữ Nôm và đọc thấy là: “Bỏ vua không Khả, bới mả không Bài” (Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nhà xb. Văn hóa – Văn nghệ, 2012, tr. 779). Chữ bỏ viết chữ bổ  đọc bỏ, chữ bới (phương ngữ Bình Trị Thiên thường dùng chữ bới thay vì chữ đào) viết   chữ bãi  đọc Nôm là bới. Thí dụ vừa nói đây cũng có hiệu lực giúp các nhà nghiên cứu sử học (nếu biết chữ Nôm) đính chính được câu nói theo đúng nguyên văn của nó.

        Trong một bài báo có tên Những lời thề của Lê-Lợi (văn Nôm đầu thế kỉ 15) của cụ Hoàng Xuân Hãn, đăng trên Tạp chí Sử Địa, số 1 của Nhóm Giáo sư, Sinh viên Đại Học Sư Phạm (Nguyễn Nhã) Sài gòn, 1966, tác giả cho biết “nếu quả rằng các bài nôm nầy có tự đời Lê Lợi, và không bị sao lại thất-chân, thì đây là hiện vật độc nhất của Việt-ngữ trước nay già 550 năm.” (trang 4). Đây là một bài nghiên cứu có giá trị với sự phân tích cẩn trọng của một học giả uyên bác, và cũng là một cống hiến rất quý báu cho giới nghiên cứu văn sử học Việt Nam về chữ Nôm và văn Nôm.

        253.- Chữ Nôm với đạo Công Giáo trong giai đoạn thế kỷ XVII-XX.

        Trong tiểu mục “Chữ Nôm là gì”, tác giả Thái Gia Kỳ có đề cập đến một dòng về chữ Nôm sử dụng trong Công Giáo Việt Nam: “Ngay cả đạo Công giáo, cũng đã có tác phẩm Sấm truyền ca của Ly Y Đoan viết năm 1670, dùng trong việc truyền giáo.” (trang 122). Đoạn văn này cho một ý niệm rất khái quát thiết tưởng cần phải triển khai thêm.

        Nội dung của câu văn trên đây mang lại cho chúng tôi một số ý niệm đó là ba chữ “sấm truyền ca” và tên Ly Y Đoan. Người công giáo Việt Nam cách nay cả trăm năm thường hay dùng cụm từ “Sấm truyền mới” và “Sấm truyền cũ” để chỉ hai cuốn sách Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament) cũng gọi là sách Phúc Âm (hay bây giờ là Tin Mừng). (Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, tr. 147). Còn tên Ly Y Đoan có lẽ là tên của Louis Đoán, một thầy giảng cao tuổi đã được Đức Giám Mục Lambert ở Đàng Trong phong chức linh mục năm 1676. (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I, Nhà xb. Tôn Giáo Hà Nội 2008, tr. 233). Chúng tôi chưa tìm thêm được tư liệu nói về “Sấm truyền ca” nhưng có lẽ do Linh mục Louis Đoán dựa trên giáo lý mà sáng tác ra bằng chữ Nôm.

        Trong lãnh vực tôn giáo, chữ Nôm được các giáo sĩ ngoại quốc khi đến nước ta truyền đạo, nỗ lực học và sử dụng để biên tập các sách giáo lý, các kinh bổn đọc trong thánh đường và trong gia đình, họ đạo hằng ngày. Chữ Nôm của đạo Công Giáo có một lịch sử dài lâu từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, với rất nhiều công trình nghiên cứu, biên tập kinh sách, tư liệu còn để lại hàng trăm cuốn trong thư viện của Hội Thừa Sai Paris ở Pháp (Mission Étrangère de Paris), trong số đó có khoảng 20 cuốn sách viết bằng chữ Nôm do Giáo sĩ Girolamo Maiorica, người Ý, chủ trương biên tập từ đầu thế kỷ XVII (Tạp chí Đại Học, số 1, tháng 2/1961, tr. 5; Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn giáo, 2008, tr. 188). Có tư liệu nói số sách này nhiều hơn (khoảng 48 cuốn) mà một số còn lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Nhà xb. Tôn Giáo Hà Nội, 2004, tr. 185).

         Ngày nay người ta cũng biết đến tên tuổi rất nhiều các vị giám mục, linh mục ngoại quốc hay bản xứ, các thầy giảng, các vị túc nho Công giáo đã để lại rất nhiều tác phẩm viết bằng chữ Nôm, ví dụ Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) viết Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ, bản chữ Nôm được in tại Quảng Đông năm 1774, Giám Mục Taberd biên soạn cuốn Tự vị Hán-Việt-Latinh hơn 900 trang (tàng trữ tại văn khố Hội Thừa Sai Nước Ngoài tại Paris) có sự cộng tác của Thánh Linh mục Phan Văn Minh. Trong cuốn tự vị này, theo Giáo sư Trần Văn Toàn, nếu bỏ phần tiếng Latinh ra, thì cũng còn quan trọng vì vừa dùng chữ quốc ngữ vừa dùng chữ Nôm. Chữ quốc ngữ thì ghi được một cách khá chính xác cách phát âm, còn chữ Nôm thì tuy không ghi được cách phát âm, nhưng cũng là kết tinh của mấy thế kỷ ông cha chúng ta cố gắng để tự lập về văn hóa đối với người Hán tộc. (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 190).

        Trong quyển Hoa trái ở Phương Đông, Alexandre de Rhodes (1593-1660) và công cuộc truyền giáo thời kỳ đầu của Dòng Tên tại Việt Nam viết bằng tiếng Đức, linh mục Dòng Tên Klaus Schatz viết rằng: “Chữ Nôm phát triển kể từ thế kỷ XV, sau khi Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi sự thuộc Trung Hoa. Khởi đầu các nhà truyền giáo cũng dùng chữ Nôm cụ thể vào năm 1620 ở Hội An, để soạn sách giáo lý, nhưng sách này đã không được in và đã bị thất lạc.” (Phạm Hồng Lam dịch, Nhà xb. Đông Phương, 2015, tr. 210). Cuốn sách giáo lý này có lẽ là công trình của cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, khi làm việc ở giáo điểm Dinh Chiêm (Quảng Nam).

        Theo Linh mục Nguyễn Hồng trong quyển Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, “Chúng ta còn phải kể nhất là những cuốn sách bằng tiếng Việt mà các cha viết cho giáo dân và cho các thày giảng. Đó là những cuốn sách đầu tiên trong tủ sách văn chương công giáo Việt Nam. Ngoài cuốn sách bổn của cha Đắc Lộ viết bằng chữ quốc ngữ, in ở Roma, còn các cuốn khác bằng chữ nôm, thứ chữ thịnh hành của thời đó. Hoặc đầu tiên các thừa sai thảo bằng chữ quốc ngữ để các thày giảng viết ra chữ nôm, hoặc đọc cho các thày viết, mà ta có thể đoán đó là trường hợp cha Buzomi và De Pina cho ra đời cuốn sách về đạo lý công giáo đầu tiên bằng tiếng Việt ở Nước Mặn, Qui Nhơn, hay trường hợp cha Đắc Lộ viết cuốn Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu… Hoặc do chính thừa sai viết bằng chữ nôm, như những cuốn của cha Majorica, nhưng chắc chắn cha cũng được sự cộng tác của các thày giảng.” (Quyển I, Nhà xb. Hiện Tại, 1959, tr. 294).

        Theo giáo sư Trần Văn Toàn “chữ Nôm khó học thì họ (các giáo sĩ Âu châu) chịu khó học, chứ không dám coi thường, càng không dám cho là mách qué, như các nho sĩ chỉ biết chịu phục có người Hoa. Họ thực biết tôn trọng vốn liếng chữ Nôm của ta, cũng như họ đề cao kho tàng Hòa văn (chữ viết của người Nhật). Khi viết sách vở cho người Việt về những điều rất tôn nghiêm như tôn giáo, họ đã dùng ngay chữ Nôm (như trong các tác phẩm của Girolama Maiorica, và người công giáo tiếp tục viết, in và dùng sách chữ Nôm cho đến giữa thế kỷ XX.” (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 204).

        Trong quá trình sử dụng chữ Nôm, một số danh từ trong công giáo được chuyển âm từ tiếng La tinh hay Bồ đào nha, thí dụ “câu-rút” từ chữ crux nay được chuyển thành thánh giá, chữ evangelium thành chữ phúc-âm, chữ Spiritus Sanctus đổi ra thánh thần do sự đóng góp của Cố linh mục Nguyễn Văn Thích ở Huế (Đoàn Khoách biên tập, Sảng Đình Thi Tập của J.M. THÍCH, Thanh Tịnh xuất bản, California, 2001, trang 335), hoặc các chữ bispo (tiếng Bồ) ra chữ vít-vồ (rồi giám mục) chữ Nôm thì dùng hai chữ Hán “viết vô”   nhưng phải đọc “vít vồ”, hoặc “pha-pha” (vị giáo tông ở Rôma, cũng gọi là Giáo hoàng, La-tinh và Bồ gọi là “papa”.

        Cụ Trần Văn Giáp trong phần kết luận của cuốn Lược khảo vấn đề chữ Nôm, có đề nghị làm một cuốn tự điển chữ Nôm nhưng theo cụ thì phải loại trừ những phần chữ Nôm chua sẵn trong các tự điển Quốc ngữ La-tinh như của Génibrel, của Tabert hay của Paulus Huỳnh Tịnh Của vì chính đấy là chữ Nôm của các giáo sĩ Tây phương; đấy không phải là “những chữ Nôm của nhân dân đã dùng”…  còn  “những chữ Nôm của nhân dân ta lựa lọc mà viết ra thì thực đúng quá”.  (Trần Văn Giáp, Sách đã dẫn, trang 89).

        Để trả lời quan điểm đầy tính chất kỳ thị tôn giáo dù rằng trong lãnh vực văn chương của cụ Trần Văn Giáp, Giáo sư Trần Văn Toàn viết rằng: “Lại có học giả cho rằng chữ Nôm do người công giáo viết không phải là chữ Nôm đích thực. Xin thưa hai điều: một là phải có cơ quan nào, như Hàn lâm viện hay là do nhà cầm quyền chính thức ấn định trước đã thì mới nói được cái gì là đích thực; hai là: trừ một số chữ mới ra thì người công giáo dùng chữ Nôm như người đương thời, cho nên nếu phải loại trừ tất cả những chữ do họ dùng, thì cũng phải loại hầu hết thi văn chữ Nôm trong văn chương Việt Nam.” (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 207).

        Chữ Nôm trong các kinh sách của người Công Giáo đều là do các vị thừa sai có căn bản về các kiến thức ngôn ngữ học, cùng sự cộng tác của các vị thầy giảng người Việt cũng vốn là những bậc túc nho giỏi chữ Hán, thông thạo chữ Nôm (họ cũng là thuộc hàng ngũ “nhân dân” một trăm phần trăm đấy chứ có thuộc dòng máu lai nào đâu), thì sao gọi “chữ nôm do người Công Giáo viết không phải là chữ nôm đích thực”? Chính các ông nhà nho trong phong trào Văn Thân, khi viết bài hịch “bình Tây sát Tả”, chính các tác giả bài hịch đó là tú tài Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ Tĩnh vốn là những người khinh chữ nôm, coi chữ nôm là “nôm na mách qué” ngay cả đến việc nghiên cứu, tìm hiểu về một tôn giáo họ cũng chưa từng nghĩ tới, không hề để tâm, cho nên trong bài hịch Văn Thân của họ mới có những câu như: “Cầu nguyện thì xưng Trời, xưng Thánh, thật là đui điếc ngu si; Giảng rao thì vô phụ vô quân, đúng là loài dê loài chó.” “Vô phụ”, “vô quân” theo Trần Tấn, Đặng Như Mai đó là người Công Giáo không hề biết đến vua, đến cha, nhưng đó thật là sai lầm vì người Công Giáo cách đây bốn thế kỷ cho đến bây giờ vẫn luôn tôn trọng nhà cầm quyền ngoài xã hội và thờ kính cha mẹ trong vòng đạo hiếu gia đình. (Trần Văn Toàn, Sđd, tr. 102, Một vài nhận xét về thuyết ‘tam phụ”).

         

        III.- HÁN TỰ & ẢNH HƯỞNG TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA.

        Quả thật cuốn sách của ông Thái Gia Kỳ giúp tôi trở lại với một số tác giả trước ông, những bậc thầy trong ngành ngữ học Việt Nam tiền bối như các cụ Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật (tức Đồ Nam Tử), Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn, Linh mục Léopold Cadière giai đoạn đầu thế kỷ 20, rồi đến các vị như Linh mục Lê Văn Lý, Giáo sư Trương Văn Chình, học giả Lê Ngọc Trụ, Giáo sư Nguyễn Bạt Tụy, Giáo sư Trần Văn Toàn ở Miền Nam trước đây vốn là những người đã có công trong việc biên khảo và xây dựng ngành ngữ học Việt Nam. Ở Miền Bắc có Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn, Lê Văn Quán… Tại hải ngoại có rất ít người viết về lịch sử ngôn ngữ Việt Nam, tuy vậy một số tác phẩm cũng được biết đến như của Vũ Thế Ngọc, Duyên Hạc Lê Thái Ất và nay có tác phẩm của Thái Gia Kỳ, cũng có thể có vài tác giả nữa mà tôi chưa hân hạnh đọc tới.

        Tuy không đi sâu vào việc nghiên cứu, phân tích ngữ pháp tiếng Việt như sách của Giáo sư Lê Ngọc Trụ (cuốn Chánh tả Việt ngữ) hay của Linh mục Lê Văn Lý (cuốn Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam), sách của Giáo sư Nguyễn Bạt Tụy, sách của Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn có tính cách chuyên môn bác học, nhưng đối với độc giả bình thường, cuốn sách của tác giả Thái Gia Kỳ đem lại nhiều hiểu biết bổ ích chẳng hạn sự du nhập của chữ Hán vào các quốc gia Đông Á như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam cùng sự tiếp thu loại văn tự này và ảnh hưởng của nó, thông qua tôn giáo, phổ cập trong quần chúng tạo nên lịch sử của từng quốc gia. Sự phát minh ra chữ viết gọi là Hangul (quốc ngữ Triều Tiên) của Thế Tông Đại đế      (Sejong the Great) cũng là một kỳ tích mà người dân Triều Tiên luôn luôn hãnh diện. Vấn đề phiên thiết của chữ Hán, hệ thống Wade-Giles hay Pingyin   (phiên âm) hệ thống ‘lục thư’ cung cấp những hiểu biết cụ thể cho người đọc.

        Trong cuốn sách của ông Thái Gia Kỳ, tác giả đã dành rất nhiều trang để nói về sự liên hệ giữa tiếng nói Trường An (tỉnh Thiểm Tây) với tiếng Hán Việt (trang 45, 46) và thêm rất nhiều trang sách từ trang số 79 trở đi. Ông Thái Gia Kỳ có nhắc đến quan điểm của một số tác giả đi trước như Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Hữu Phước, nhưng thật ra quan điểm tiếng Hán Việt xuất phát từ tiếng Trường An cũng đã là quan điểm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã đưa ra trước đây rất lâu và cũng còn là vấn đề cần nhiều sự phản biện, góp ý.

        31.- Chữ Hán và vai trò “văn dĩ tải đạo” trong thế giới hiện đại.

        Ở trang 30, tác giả Thái Gia Kỳ viết: “Nho giáo chủ trương nhập thế, chủ trương con người sống trong xã hội phải biết trung hiếu lễ nghĩa trí tín, sống để phục vụ gia đình, xã hội và trên hết là quốc gia. Chủ trương đó lại vừa đáp ứng được sự mong muốn của các vua chúa phong kiến muốn dùng nó làm nền tảng, công cụ cai trị dân.”

        Đây là lý do mà các chế độ chính trị ngày nay ở TQ và VN muốn dùng lại Khổng giáo như là công cụ ổn định tình hình xã hội theo các mô thức thể chế mà nhà cầm quyền mong muốn với những lợi thế về chữ viết, tư tưởng, văn hóa v.v…

        Từ năm 1935, trong bộ sách The Story of Civilization, sử gia Will Durant cho rằng chữ Hán “kết hợp được tất cả cư dân của đất nước Trung Quốc thành một khối sử dụng chung một loại chữ viết; mỗi khu vực đều có một phương ngữ riêng, cùng một chữ nhưng mỗi tỉnh lại đọc theo một cách. Thật là một cái lợi cả trong thời gian lẫn không gian; bởi vì văn ngôn về cơ bản không thay đổi, trong khi ngôn ngữ nói đã chia thành cả trăm phương ngữ, cho nên cổ văn Trung Quốc viết cách nay trên hai ngàn năm, thì ngày nay người Trung Quốc có học nào cũng đọc hiểu được, mặc dầu không biết người xưa phát âm các chữ đó ra sao, hoặc phát biểu các ý tưởng – mà các ký hiệu đó làm biểu tượng – như thế nào.” (Will Durant, bản dịch Hoàng Ngọc Chiến, tr. 946).

        Trong cuốn “Chữ Hán, tiếng Hán Việt và sự vận dụng tiếng Hán Việt trong tiếng Việt”, tác giả Thái Gia Kỳ giới thiệu lần lượt một số nhà biên khảo Trung Quốc như Lý Quốc Kỳ, Nhậm Kế Dũ, hoặc người nước khác như bà Amanda Snellinger, Viễn Sơn Mậu… cống hiến những hiểu biết về tôn giáo, ngôn ngữ đưa lại một sắc thái mới. Dĩ nhiên giới thiệu một vài tác giả Trung Hoa viết về sự kết cấu của chữ Hán với độc giả Việt Nam cũng là một điều hay nhưng thiết tưởng cũng nên nhắc đến các tác giả Việt Nam gồm nhiều học giả, nhà nghiên cứu sử học, văn học tên tuổi có viết đến nhiều ít về nguồn gốc Hán tự hay nền văn chương bác học Việt Nam cũng là một hình thức “bày hàng” làm tăng thêm giá trị và vẻ bề thế của cuốn sách. Có vài nơi, tác giả TGK chưa lưu ý đến phương pháp sử học khi dẫn chứng một tư liệu, chẳng hạn, nên ghi tên nhà xuất bản, năm xuất bản,trang dẫn tư liệu v.v… giúp cho độc giả tiện kiểm chứng nơi mình đang viết, đã đọc.

        Cuốn sách của TGK tuy chỉ có 313 trang nhưng đề cập đến rất nhiều vấn đề không dễ cập nhật hoặc giải quyết khi tiếp cận với chân lý lịch sử. Điều này nói lên thiện chí và khả năng của tác giả.

        Qua cuốn sách này, độc giả có dịp thấy rõ vai trò quan trọng của chữ Hán trong việc tạo dựng một phần lớn nền văn minh cho nhân loại nói chung và Đông Á nói riêng. Tác giả phải lược qua sự hình thành của chữ Hán trong nhiều giai đoạn lịch sử mà ở phần trên chúng tôi đã có góp ý. Khi tác giả nêu ra những đề mục như chữ Hán với Tam giáo (Nho, Phật, Lão) ở Trung Quốc, chủ ý của TGK là muốn nêu lên đời sống tinh thần của dân tộc Trung Hoa nói chung trong đó có chính quyền và người dân mà Hán tự được dùng như một công cụ hữu hiệu để chuyển tải nội dung.

        Trong phần nói về chữ Hán ở Triều Tiên và Nhật Bản, tác giả chỉ đề cập tới Phật giáo ở hai nước này mà không lưu ý đến Lão giáo nằm trong hệ thống Tam giáo rất có ảnh hưởng ở hai quốc gia này. Một thí dụ là quốc kỳ của Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) gồm hình vẽ Thái cực ở giữa và bốn góc là bốn quẻ dịch lấy trong Kinh Dịch vốn được các đạo gia thời cổ dùng làm sách bói toán. (Jill DuBois, sách đã dẫn, tr. 74).

        Cảm nhận đầu tiên khi chợt thoáng lướt qua nhan đề cuốn sách của ông Thái Gia Kỳ là cảm nhận khô khan khi tác phẩm dẫn người đọc đi vào một lãnh vực kỳ khu, rắc rối đó là phạm trù ngôn ngữ nhất là ngôn ngữ chữ Hán. Với vai trò là “văn dĩ tải đạo” (văn chương dùng để chuyên tải việc đạo đức) chữ Hán ngày xưa dùng để nói về luân lý, đạo đức tức nghệ thuật sống để làm người cho nên cũng dễ đọc, dễ dạy và cũng dễ tiếp thu tuy nhiên đó là đối với những người quyết dùng chữ Hán làm con đường tiến thân qua khoa cử. Trong tác phẩm Chính đề Việt Nam, ông Ngô Đình Nhu (Tùng Phong) đã viết rằng: “Hoa ngữ là một sinh ngữ biểu ý, mỗi một chữ ghi một ý niệm. Vì thế cho nên, một người Tàu muốn xử dụng được Hoa ngữ một cách trung bình phải nằm lòng một số tối thiểu là từ ba ngàn đến bốn ngàn chữ. Sự cố gắng về lý trí, vượt mức thông thường đó, đã tạo ra một sự tôn sùng nhà nho, trong xã hội Trung Hoa và xã hội Việt Nam khi xưa. Hoa ngữ hoàn toàn bất lực khi phải đóng vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng cho văn hóa” (Nhà xb. Hùng Vương, Los Angeles, mùa thu 1988, tr. 154). Trong cuốn sách của ông Thái Gia Kỳ, tác giả cũng đã nêu ra các lý do vì sao “Nho giáo lại được trọng vọng” nào là chủ trương nhập thế con người phải trung hiếu lễ nghĩa, dạy con người biết sống lương thiện, lấy Nho giáo làm căn bản giáo dục… (trang  30) mà quên mất một lý do rất thực tế mà ông Ngô Đình Nhu đã nêu ra, đó là “phải nằm lòng một số tối thiểu là từ ba đến bốn ngàn chữ. Sự cố gắng về lý trí, vượt mức thông thường đó.” Người bình dân ít chữ, không được học hay không thể học được, vì chữ Hán quá khó, nên dành cho người học được Hán tự (nhà Nho) một niềm trọng vọng, thực tế là như vậy. Đây cũng là quan điểm của một chính khách gần sáu thập niên về trước, ngày nay so với sự tiến bộ của khoa học trong kỹ thuật máy vi tính có thể lỗi thời nhưng qua cuốn sách của tác giả Thái Gia Kỳ, cũng chứng tỏ vẫn có những con người chịu khó cặm cụi với nghiên cứu, với sách vở để trình bày những điều mình mong muốn, cũng là một hình thức “văn dĩ tải đạo” vậy là “đạo” đã trở thành kích thích tố thúc đẩy họ bước theo con đường khó khăn, gai góc này. Nhưng “đạo” trong cuốn sách của ông Thái Gia Kỳ là đạo gì và một vấn đề đặt ra chung cho mọi người Việt Nam là thử hỏi “đạo” của chính quyền TQ hôm nay là “đạo” gì?

        Trong tác phẩm Văn Minh Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Huyên có viết: “Mục đích của Nho giáo là trị dân tốt. Đấy là cái đức của vua, cái ảnh hưởng vua nhận được từ “thiên mệnh” làm cho dân tốt hay xấu. Khổng Tử nói rằng: “Vua đến gần dân mà nghiêm trang, thì dân sẽ kính cẩn, vua hiếu thảo và thương người, thì dân sẽ trung thành, vua nâng đỡ người tốt và dạy dỗ kẻ kém cỏi, thì dân sẽ gắng sức.” Sự thanh bình chỉ có trong xã hội nếu mỗi người lúc nào cũng làm tròn vai trò mình được giao, và các trách nhiệm của mình phải gánh vác, “vua phải ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. (Nguyễn Văn Huyên, Sách đã dẫn, tr. 287).

        Qua cuốn sách có tên Viết Vu Vơ, ở phần Đọc Đứng Vững Ngàn Năm của Ngô Nhân Dụng, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc có tóm lược quan điểm của Ngô Nhân Dụng về Trung Quốc như sau: “ Ông nhấn mạnh: Trước thế kỷ 20, Trung Quốc không phải là một dân tộc-quốc gia (nation-state) và người Trung Quốc cũng không có ý thức về dân tộc. Chữ “quốc”, trong chữ Hán, được dùng để chỉ một triều đại. Có thể nói, người Trung Quốc tự bản chất và ngay từ khởi thủy, một mặt, đã có tinh thần “quốc tế chủ nghĩa” không nhằm xây dựng quốc gia chỉ trên nền tảng sắc tộc; mặt khác, đã mang máu đế quốc, muốn xây dựng đất nước trên nền tảng tư tưởng “bình thiên hạ”. Tư tưởng dựa trên “thiên hạ” ấy có ba hệ quả: Một, không bị ngăn cản bởi những sự phân biệt chủng tộc và sắc tộc, văn minh Trung Hoa dễ bành trướng; hai, người Trung Hoa tương đối dễ chấp nhận sự thống trị của các dân tộc khác (ví dụ, người Mông Cổ hoặc người Mãn Thanh) (ít nhất “dễ” hơn so với người Việt Nam); và ba, khi chiếm và đô hộ Trung Hoa, dưới quan điểm “thiên hạ vi công” (thiên hạ là của chung) như thế, giới thống trị từ nước khác đến rất dễ mất cảnh giác về bản sắc văn hóa gốc của mình; hậu quả là, qua nhiều thế hệ hoặc nhiều thế kỷ, dần dần bị tan hòa vào nền văn hóa của người Hán, nghĩa là bị Hán hóa, và cuối cùng, mất luôn cả nước (đó là số phận của cả người Mông Cổ lẫn người Mãn Thanh). (Nguyễn Hưng Quốc, Viết Vu Vơ, (Miscellaneous Writings), Người Việt xb. California, 2014, tr. 250).

        Ở đoạn kế đó, Nguyễn Hưng Quốc nhắc đến sự phân hạng của Ngô Nhân Dụng về ba loại đế quốc: loại dựa trên vũ lực, loại trên tôn giáo và loại dựa trên văn hóa và cho rằng không loại nào “lâu dài và chắc chắn cho bằng kiểu bành trướng và thống trị dựa trên văn hóa với những định chế chính trị và xã hội riêng.” (tr. 251).

        “Đạo” như định nghĩa của nhiều người vừa là đạo lý, luân thường vừa là con đường, có khi được đề cao cũng có khi bị phản đối và con đường có khi thẳng, lúc quanh co, khi lên đồi lúc xuống lũng, cũng như Khổng học vậy.

        Trong tác phẩm “Sự va chạm của các nền văn minh” (The clash of civilizations), Samuel P. Huntington ghi lại những sự thực oái oăm về nền văn minh Nho giáo như sau: “Đầu thế kỷ XX, trí thức Trung Quốc xác định Khổng giáo là nguồn gốc của lạc hậu. Cuối thế kỷ XX, các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc, cùng các nhà khoa học xã hội phương Tây hân hoan chào đón Khổng giáo là nguồn gốc của tiến bộ. Trong những năm 1980, chính phủ Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh quan tâm đến Nho giáo là “xu thế chính” của văn hóa Trung Hoa. Khổng giáo cũng trở thành động lực nhiệt thành của ông Lý Quang Diệu, người nhìn nhận Khổng giáo là nguồn gốc cho thành công của Singapore, và tự biến mình thành kẻ truyền giáo cho đạo Khổng ra khắp thế giới. Vào những năm 1990, chính phủ Đài Loan tuyên bố là “người thừa kế tư tưởng Khổng giáo” và Tổng Thống Lý Đăng Huy xác định dân chủ hóa ở Đài Loan bắt nguồn từ “di sản văn hóa” Trung Hoa có từ thời Cao Dao (thế kỷ XXI trước Công nguyên), Khổng Tử (thế kỷ V trước Công nguyên) và Mạnh Tử (thế kỷ III trước Công nguyên). Cho dù họ muốn biện minh cho chủ nghĩa độc đoán hay dân chủ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều tìm thấy tính chính đáng trong nền văn hóa Trung Hoa chứ không phải những khái niệm du nhập từ phương Tây.” (Nhóm dịch: Nguyễn Phương Sửu, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Phương Nam, Lưu Ánh Tuyết, Nhà xb. Hồng Đức, 2016, trang 163)

        Tuy nhiên cũng đã có khi thời cuộc xoay vần nhắc chúng ta nhớ lại quan điểm văn hóa của đa số nhà văn Trung Quốc, dưới ngòi bút của Nguyễn Hiến Lê trong hơn nửa thế kỷ trước, như sau: “Hiện nay văn nhân Trung Quốc đương ly dị với văn học cổ truyền, bỏ hết những đặc sắc của họ để theo kịp phương Tây, mô phỏng cho đúng phương Tây.” (Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, cuốn 3, Nhà xb. NHL, 1954, trang 215). Âm thanh của những cuộc xuống đường của Hồng Vệ Binh giữa thập niên 60 thế kỷ trước, dưới quyền vị chủ soái Mao Trạch Đông còn như vọng lại khắp thế giới trên những biểu ngữ đề các đại tự “ phê Lâm, phê Khổng”     nói lên chủ trương hạ bệ Lâm Bưu (Lin Piao), đả phá Khổng học của Mao lúc bấy giờ, đề cao tư tưởng Mao trong các tập Mao tuyển trong mục đích chính là loại bỏ đối thủ chính trị và nắm giữ quyền lực.

        Ngày nay sự thành lập các học viện Khổng Tử, sáng kiến được thực hiện từ năm 2004, trên khắp thế giới nhằm mục đích giúp cho các thế hệ cầm quyền ở Trung Quốc bành trướng chủ nghĩa Đại Hán và mới đây sự hô hào của Tập Cận Bình về chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” hay lộ trình “Một vành đai, một con đường” (Nhất lộ, nhất đới) mà Phó Tổng Thống Mike Pence gọi là “Vành đai trói buộc và con đường một chiều” cũng nói lên số phận thăng trầm của một học thuyết mà Khổng học là đại diện.

        Trong một cuốn sách chính luận một thời gây sôi nổi ở hải ngoại có tên Tổ Quốc Ăn Năn, (lấy bốn chữ này từ cuốn “Người Hoa tại Việt Nam” của Nguyễn Văn Huy, in tại Paris năm 1993, trang 223) ra đời từ đầu thiên niên kỷ thứ ba, tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã dành nhiều trang sách để tấn công vào nền văn hóa Khổng giáo từ trang 265 đến trang 307 với nhiều tiêu đề như “Thua kém và nguyên nhân”, “Khổng Giáo và Khổng Tử”, “Sự nghiệp và nhân cách Khổng Tử”, “Đạo lý thánh hiền”, “Việt Nho”, và từ trang 309 đến 371 với các tiêu đề “Mặt thật của ai”, “Giết hại công thần’, “Ưu đạo bất ưu bần”, “Tổ quốc của kẻ sĩ”, “Một chân dung tráng lệ của kẻ sĩ”, “Chuyện cổ tích”. Những điều ông NGK đề cập tới có một vài chỗ đúng nhưng cũng có rất nhiều chỗ quá cực đoan, sai lầm cần phản biện lại, tuy nhiên đó cũng là một cuốn sách có can đảm đặt lại một số vấn đề và đọc nó để có dịp đối chiếu với tác phẩm của ông Thái Gia Kỳ, và cũng là cơ hội nhìn về Trung Quốc qua nền văn hóa chữ Hán của họ.

        Trong cuốn sách “Death by ChinaConfronting the Dragon – A Global Call to Action,(Chết bởi Trung Quốc) hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry nhận thấy tất cả mọi hiểm độc của chế độ Cộng Sản tại Trung Quốc nên đã kêu gọi toàn thể nhân loại cảnh giác. Hai tác giả này đã coi Trung Quốc là “kẻ thù” ngay trong cuốn sách của họ với những dòng chữ công khai như sau: “Tất cả chúng ta đều phải sử dụng đa ngôn ngữ trong thế giới ngày nay, nhưng chúng ta sẽ rất thiển cận nếu trong thế kỷ 21 mới mẻ này, nhiều trường Trung học các cấp vẫn tiếp tục bắt học sinh chọn ngoại ngữ Pháp và Đức mà không mở lớp học tiếng Quan Thoại. Trong thực tế, tiếng Quan Thoại nên được dạy bắt đầu ở bậc tiểu học. Đây là một trường hợp trong đó chúng ta đã gặp kẻ thù và đó chính là hệ thống trường học.” (Nhà xb. Pearson, 2011, bản dịch Trần Diệu Chân, Việt News, 2012, tr. 320).

        Trong cuốn Người Hoa tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy viết: “Bản thể Trung Hoa được gắn liền với truyền thống Nho giáo. Nho giáo là nền tảng căn bản giáo dục Trung Hoa, theo đó mỗi người đều có một bổn phận phải thi hành: con phải sống theo đúng đạo làm con, cha mẹ phải sống đúng cương vị làm cha làm mẹ, gia trưởng phải xử sự đúng theo vai trò gia trưởng, bang chúng cư xử đúng cương vị bang chúng… Thêm vào đó, triết lý Nho giáo luôn đề cao những gương Hiếu, Đễ, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, triết lý này được truyền tụng từ đời này sang đời nọ đã trở thành một đặc tính: truyền thống bảo vệ văn hóa Trung Hóa.” (Paris, 1993, trang 172).

        Nhìn chung lại, chính trị mang tính cách nhất thời (sự lên xuống của một triều đại), nhưng văn hóa là muôn thuở (đạo hiếu, lòng trung thành chung thủy, tình liên đới bạn bè, tình gia tộc v.v…) cho dù có muốn như họ Mao, quyền hành như đảng CSTQ cũng không thể tiêu diệt được.

        32.- Tiếng Hán Việt và nỗ lực xây dựng tinh thần độc lập “giữ thơm quê mẹ”.

        Cuốn sách của tác giả Thái Gia Kỳ đã có một ưu điểm trỗi vượt các sách viết trước đây như cuốn “Nghiên cứu chữ Hán và tiếng Hán Việt” của Vũ Thế Ngọc, cuốn “Ngôn ngữ Việt Nam” của Lê Thái Ất, hay cuốn “Chính tả Việt ngữ” của Lê Ngọc Trụ trong phần tìm hiểu về địa danh Trường An và tiếng Trường An mà ông cho là nơi xuất phát của tiếng Hán Việt và ông đã dành nhiều trang nói về vấn đề Trường An. Nhà thơ Đỗ Phủ đã viết một bài thi về Trường An cốt để diễn tả sự thay đổi của kinh đô Trường An sau một đợt đổi thay một triều đại, rất giống với trường hợp của Sài Gòn sau ngày 30-4-1975, nghĩa là tình trạng thay ngôi đổi chủ của vùng đế đô này. Bài thi như sau:

                           Văn đạo Trường An tự dịch kỳ

                           Bách niên thế sự bất thăng bi

                           Vương hầu đệ trạch giai tân chủ,

                           Văn vũ y quan dị tích thì.

                           Trực bắc quan san kim cổ chấn,

 西                          Chinh tây xa mã vũ thư trì.

                           Ngư long tịch mịch thu giang lãnh,

                           Cố quốc bình cư hữu sở ti.

 

                                Thu hứng

                        Nghe nói Trường-An tựa ván cờ,

                        Trăm năm thế sự đáng buồn chưa?

                        Vương-hầu nha-thự người thay mới,

                        Văn-võ y quan kiểu khác xưa.

                        Phía bắc quan hà chiêng trống dậy,

                        Bình tây xe ngựa hịch lông đưa.

                        Cá rồng lặng lẽ sông thu lạnh,

                        Nước cũ lòng ta luống ngẩn ngơ.

                                        (Vô-danh dịch)

        Trong cuốn sách của mình, ông Thái Gia Kỳ đã vượt qua các tác giả trước đây khi nỗ lực đặt ra cho mình nhiều công tác phải nghiên cứu đối với tiếng Hán Việt như định nghĩa, do lai của nó, vai trò chính trị văn hóa của cố đô Trường An qua các triều đại của Trung Quốc nhất là đi sâu vào nghiên cứu về tiếng Trường An với nhiều chuyến đi điền dã công phu để thực hiện được hàng trăm bảng so sánh phát âm giữa tiếng Việt với tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên hoặc tiếng Hán Việt với tiếng Trường An, tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông, tìm ra những tương đồng trong cách diễn đạt tư tưởng và trong tiếng nói hằng ngày giữa chữ Hán, tiếng Hán Việt và tiếng Việt (từ tr. 78 đến tr. 115). Thật là một cố gắng rất đáng thán phục của một người có khả năng về ngoại ngữ. Ngoài ra ông cũng trình bày thêm cho độc giả biết lối “phiên thiết” vốn là yếu tố quan trọng giữ được sự thống nhất trong cách phát âm chữ Hán. Tuy vậy, phần quan trọng nhất có lẽ là chương II nói về tương quan trong phát âm giữa tiếng Hán Việt và các phương ngôn chính Trung Quốc mà theo tôi tác giả đã để nhiều công nhất trong việc lập thành khoảng 60 bảng so sánh chia làm bốn cột chữ Hán/Hán Việt, tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Tràng An.

        Trong cuốn sách đã được nhắc tới ở trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy có viết: “Cũng chính vì không muốn bị đồng hóa với bản thể Trung Hoa mà các quốc gia thuộc văn minh Trung Hoa đã sáng chế ra chữ viết riêng mặc dù vẫn lấy Hán tự làm căn bảnNhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam là những quốc gia thuộc ảnh hưởng của văn minh văn hóa Trung Hoa nhưng không muốn sử dụng chữ viết Trung Hoa.” (Paris, 1993, tr. 169).

        Trong tác phẩm Văn Minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên đã nhận định về tiếng Hán Việt như sau: “Kết quả sự tiếp xúc lâu dài của tiếng Trung Hoa và tiếng Việt là tạo ra một ngôn ngữ văn học mới, khác với tiếng Việt nhưng cũng không phải hoàn toàn là ngôn ngữ viết cổ điển của Trung Hoa, mà ta gọi là ngôn ngữ Hán-Việt. Chưa thể xác định được những tính cách chủ yếu của thứ ngôn ngữ này. Dù sao, các nhà nho nước ta cũng để lại những tác phẩm bằng chữ Hán-Việt có cảm hứng, có thi vị thanh tao và sự việc phong phú hơn hẳn các tác phẩm bằng tiếng Việt. Có những tập thơ hoặc văn vần, những hồi ký, biên niên, sách pháp điển, sách lễ nghĩa, văn bia… Ông Lê Thước viết rằng, hầu như chỉ riêng các tác phẩm đó cũng đã là tất cả gia tài trí tuệ của người Việt.” ( Nguyễn Văn Huyên, Sách đã dẫn, trang 284).

        Với cuốn Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Lê Thành Khôi đã viết như sau: “ Như trong các thời kỳ trước, văn chương bằng chữ Hán bao gồm các biên niên sử các triều đại, các tiểu luận, các truyện kể và các công trình thi ca. Ngoài ra, người ta còn thấy xuất hiện những loại hình mới: sự phê phán lịch sử, trình thuật và cả những công trình kỹ thuật (y học)… các công trình nghiên cứu của các tác giả tư nhân…các công trình giải thích Kinh Dịch, Kinh Thư… Trong một số câu chuyện, tình yêu được đạt lên trên hết thậm chí trở thành một lý thuyết sống.” (Lê Thành Khôi, Sđd, tr. 344).

        33.- Chữ Quốc ngữ, những dặm dài đã qua và con đường trước mặt.

        Bốn thế kỷ trước đây, loại chữ dùng mẫu tự La tinh để viết tiếng Việt được gọi là chữ Quốc-ngữ do sáng kiến và công lao bền bỉ của các nhà truyền giáo người Pháp, Bồ Đào Nha mà danh dự được nhắc đến đầu tiên là Linh mục Alexandre de Rhodes, LM Francesco di Pina, LM Buzomi, LM Christopho Borri v.v…  Trong cuốn sách của ông Thái Gia Kỳ, chúng ta đã thấy tác giả chịu khó viết về các giai đoạn phát triển của chữ Quốc ngữ, các phong trào vận động của chữ Quốc ngữ… trong đó có đề cập đến Hội Truyền bá chữ Quốc Ngữ. Sách viết: “Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ là một hội hô hào, cổ vũ, vận động nhân dân toàn quốc học chữ Quốc ngữ. Thành lập năm 1938, với hội trưởng là ôngNguyễn Văn Tố, cùng với sự tham gia của các trí thức yêu nước như Vũ Đình Hòe và sự tham gia, chủ đạo “đằng sau bức màn” của các đảng viên Cộng sản Việt Nam như Đặng Thái Mai, Bùi Kỷ v.v…” (tr. 252). Thật ra câu này chỉ đúng một nửa. Trong thời gian 1937-38 có nhiều nhóm trí thức Việt Nam thuộc nhiều thành phần trong đó có Đại Việt, Việt Quốc, Duy Dân, Dân Xã v.v… đã cố xin phép lập ra một hội tư để giải quyết nạn mù chữ nhưng không được chính quyền Đông Dương cho phép. Cuối cùng nhờ vận động với các yếu nhân trong Mặt Trận Bình Dân tại Pháp mà họ có được giấy phép hoạt động dành cho một hội có tên Hội Truyền Bá Học Quốc Ngữ mà hội trưởng là cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947) là người giỏi tiếng Pháp và là nhân viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, chủ nhiệm tạp chí Tri Tân. Cụ Nguyễn Văn Tố được người Pháp tin tưởng và cụ Trần Trọng Kim cũng được người Pháp hy vọng có uy tín để giữ cho phong trào không đi tới những việc làm cực đoan. Hội có trụ sở ở một trường tư thục do Võ Nguyên Giáp dạy (Trường Thăng Long) và Võ Nguyên Giáp mà Giáp lúc bấy giờ là con đỡ đầu của Louis Marty, chánh mật thám Pháp, làm phó thủ quỹ cùng một nhóm 15 người khác trong đó có tên như Đặng Thái Mai, Tôn Thất Bình, Trần Văn Giáp… Hội tổ chức các lớp học đầu tiên từ Tháng Chín 1938 có khoảng 400 người ghi danh tuổi từ 6 đến trên 30.. Tháng Giêng 1939  tại Hà Nội có khoảng 1,300 người ghi danh, lan tràn ra Hải Phòng, lên Việt Trì rồi bành trướng vào Huế với sự tiếp tay của Tôn Quang Phiệt lúc bấy giờ đang điều hành Trường Thuận Hóa ở Huế. Người Pháp lúc bấy giờ cũng thấy khuynh hướng Cộng Sản trong một vài người lãnh đại Hội này nên đã loại trừ bớt sau Tháng Chín 1939. Khi Pháp bị Đức chiếm đóng trong Thế Chiến 2, chính quyền Pháp tại Đông Dương vẫn cho Hội Truyền Bá Học Quốc Ngữ hoạt động mục đích là để người Việt Nam chú trọng vào nền văn hóa quốc gia vốn cũng phù hợp với các quyền lợi chính trị của người Pháp và cũng để tách rời khỏi vòng ảnh hưởng của chủ nghĩa Thịnh Vượng Đại Đông Á của người Nhật. Tháng Bảy 1944, một đại hội của Hội Truyền Bá Học Quốc Ngữ được tổ chức tại Hà Nội với khoảng 700 thành viên tham dự đại diện cho các cơ sở toàn quốc. Mười hai tháng sau đó, Hội công bố tổng kết có 1,971 giáo viên tình nguyện và có 59, 827 học sinh theo học, có khoảng 175,000 cuốn vần Quốc-ngữ được in ra và phát cho người đi học. (David Marr, Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945, University of California Press, 1981, tr. 180-181). Những con số ấy tuy chỉ là những con số khiêm tốn nhưng cũng nói lên quyết tâm học chữ Quốc ngữ của người dân Việt Nam.

        Ở đoạn dưới ông Thái Gia Kỳ viết: “Đây là hội tiền thân của Phong trào Bình dân Giáo dục, mà sau này hoạt động rất mạnh trong vùng kháng chiến chống Pháp. Những người bên “Quốc gia” hay những người sống ở vùng “Pháp thuộc”và sau này là Việt Nam Cộng Hòa, ít biết đến phong trào Bình dân Học vụ này. Thực sự thì trong thời gian kháng chiến chống Pháp, phong trào Bình dân học vụ đã đóng góp thành tích to lớn trong sự nghiệp xóa nạn mù chữ cho nhân dân Việt Nam, không những cho nhân dân các vùng đồng bằng mà cho cả các dân tộc miền núi ở miền Bắc và miền Trung” (trang 253).

        Thật ra, người ta dù ở đâu cũng biết hay nghe nói đến phong trào Bình dân Học vụ do Hồ Chí Minh quyết định thành lập (Nha Bình dân học vụ) với hai sắc lệnh 19/ SL và 20/SL kí ngày 8/9/1945 ở Hà Nội, lúc bấy giờ 95% dân VN còn mù chữ. Cuối năm 1946, Bộ Quốc gia Giáo dục  báo cáo có 74, 975 lớp  và 95,665 giáo viên. Năm 1948, 6 triệu người thoát nạn mù chữ; năm 1952 con số đó lên 10 triệu người. (Tài liệu lấy trên mạng). Tuy nhiên những con số trên đây cũng không có gì chắc chắn, bởi lẽ những khó khăn do cuộc chiến tranh Việt-Pháp gây ra từ ngày 19/12/1946 cho đến khi kết thúc với hiệp định Genève năm 1954 nên cho dù những lớp học Bình dân Giáo dục có xúc tiến trong các khu vực Việt Minh kiểm soát như tường thuật của ông Thái Gia Kỳ cũng là để biết như là một chuyện “dật sự” cho vui thôi. Trong những vùng do người Pháp kiểm soát, tại các thành phố, việc học hành vẫn cứ được tổ chức từ năm 1947 đến 1954 theo chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn cho học sinh tiểu học, trung học và tú tài (I và II), và các trường Đại Học vẫn tiếp tục mở ở Hà Nội và Sài Gòn, không bị gián đoạn khi có giải pháp Bảo Đại rồi cứ thế phát triển thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa, phong phú và đa diện chứ không ở các vùng VM kiểm soát gọi là “vùng giải phóng” thiếu thầy, thiếu trường và thiếu mọi tiện nghi khác.

        Trong phần ở trước, tôi có trích cuốn hồi ký của Đức Giám Mục Phao-lô Lê Đắc Trọng nói về sự tôn kính “chữ thánh hiền”, nhưng đối với các ông thầy đồ là những người dạy chữ Nho thì sao ? Xin đọc một đoạn hồi ký cũng của tác giả này viết như sau: “Chữ Nho thì được kính là thế, song người dạy chữ Nho thì không phải lúc nào cũng được kính trọng đâu… Song có lúc người ta cũng khinh dể thầy đồ. Tại sao? Vì có những thầy đồ tham lam, hà tiện, câu nệ, thiên về việc kiếm tiền hơn là dạy chữ. Người tỉnh Nghệ An làm thầy đồ đi dạy rải rác các vùng, các tỉnh rất nhiều, nên đã có tên “thầy đồ Nghệ”. Rồi khi chữ quốc ngữ ra đời, người nhà Nho khinh dể chữ quốc ngữ quá bình dân, tầm thường, thấp hèn, nên chỉ thích hợp với đám dân thường, không thâm thúy như chữ Nho dành cho bậc thượng lưu, trí thức. Người thích chữ quốc ngữ lại coi nhà Nho là lạc hậu, câu nệ, cố chấp, nhiều lúc khinh dể những người thông Nho và coi là hủ Nho. Không biết có phải vì thế mà dân gian đặt ra bài hát đầy vẻ khinh dể thầy đồ. Lời hát này được lấp vào điệu nhạc uy nghi hùng tráng của bài quốc ca nước Pháp, bài Mác-xây-e (Marsellaise): Allons, enfants de la patrie, le jour de gloire est arrivé.

        Thầy đồ ngày xưa quen nuôi móng tay dài quần trễ tai hồng, Lọ lem mực son. Đầu thì lúc lắc tựa như lên đồng được mấy trẻ ghẻ lở quá hủi phong quát lấy điếu mang bình phóng bưng cơi trầu. Nhai đi nhai lại mấy chữ: nhân chi sơ người chưng trước……Móng tay đầy ghét, gãi lưng. Bật toành toạch…” (trang 17).

        Cũng như sau ngày 19-8-1945, sau khi Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, dân gian đem bài Tiến quân ca tức quốc ca của CS đổi lời thành ra : “Đoàn quân tàu ô đi, sao mà gớm thế, đem ghẻ hờm sang lây cả người Việt Nam…”

        Ở trang 255, ông Thái Gia Kỳ gán cho nội Trần Trọng Kim là một nội các bù nhìn, cũng giống như chính phủ Uông Tinh Vệ (1940-1945) ở Đông Bắc Trung Quốc khi Nhật ủng hộ thành lập Mãn Châu Quốc.

        Thật ra gán ghép và so sánh vậy là không đúng bởi vì mặc dù cũng là do Nhật Bản lập nên nhưng Uông Tinh Vệ vốn là người phản bội lại Tưởng Giới Thạch mà đào thoát sang phía quân xâm lược Nhật Bản, tình nguyện làm tay sai cho Nhật Bản để muốn cạnh tranh tính hợp pháp với chính phủ của Tưởng Giới Thạch, trong khi chính phủ Trần Trọng Kim đứng ra là để bù lấp một khoảng trống chính trị (political vacuum) sau khi Nhật Bản lật đổ chính quyền Pháp sau sự kiện ngày 9 tháng 3 năm 1945. Cụ không phản bội ai mà cũng chẳng cạnh tranh với ai khi ra tham chính giúp nước theo lời mời của vua Bảo Đại. Chính trong cuốn hồi ký Một cơn gió bụi, cụ Trần viết: “Sau thấy có người, hoặc vì tuyên truyền, hoặc vì không biết rõ thực nói: Chánh Phủ Trần Trọng Kim là một chánh phủ bù nhìn, ý nói là chúng tôi ra làm việc để bọn Nhật sai khiến. Tôi dám cả tiếng bác lời nói đó.” (Nhà xb. Vĩnh-Sơn, 1969, tr. 95).

        Cụ Trần còn kể thêm: “Lúc đầu người Nhật có ý muốn đòi khi chính phủ Việt Nam có làm việc gì quan hệ, phải hỏi trước Tối Cao Cố Vấn có thuận mới được làm. Tôi bác đi, viện lẽ việc nội trị là việc chúng tôi, lẽ nào lại phải xin phép rồi mới được làm. Người Nhật đã đứng vào địa vị cố vấn, khi nào có việc hệ trọng, chúng tôi sẽ cho biết là đủ. Lúc ấy cũng được ông Yokohama là người thạo việc ngoại giao và am hiểu tình thế, nên mọi việc đều được êm ái và ổn thỏa.” (Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 96).

        Những tác giả Việt Nam ở hải ngoại như Vũ Ngự Chiêu, Lê Xuân Khoa cũng đánh giá rất cẩn trọng về nội các của cụ Trần Trọng Kim, thậm chí còn phản bác lại luận điệu gán ghép tính cách bù nhìn cho cả Hoàng đế Bảo Đại nữa (Phạm Cao Dương, Đế Quốc Việt Nam, Nhà xb. Truyền Thống Việt, 2017, tr. 130).

        Ở trang 247, sau phần viết về “sự đóng góp của Phạm Quỳnh” đáng lẽ tác giả Thái Gia Kỳ phải viết thêm vào đó công trạng của nhóm Đông Dương Tạp Chí do các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục là những thành viên cốt cán đã viết đều đặn từ đầu đến cuối.

        Về Nguyễn Văn Vĩnh, nhà văn Vũ ngọc Phan cho rằng ông này vẫn là người giữ giải quán quân trong số những sách chữ Pháp dịch ra quốc văn đến nay. Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine, dịch “Truyện trẻ con của Perrault”, hài kịch của Molière, nhất là bộ truyện Mai-nương Lệ-cốt (Manon Lescaut của Abbé Prévost) mà ông Vũ Ngọc Phan cho là “thật không dịch hay hơn được.” Truyện “Ba người ngự lâm pháo thủ” (24 quyển), hai bộ Miếng da lừa và Những kẻ khốn nạn cũng là những danh tác văn dịch khiến tên tuổi Nguyễn Văn Vĩnh còn lại đến ngày nay.

        Sau Nguyễn Văn Vĩnh phải kể đến Phan Kế Bính là người chuyên giữ mục “Hán văn” trong Đông Dương Tạp Chí chuyên dịch các tư tưởng các văn hào, các triết gia ở Tàu trong các cuốn sách Chiến quốc cổ văn, Liệt Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử , và những chuyện rút ở Tình sử, Kim cổ kỳ quan, Tiền Hán Thư v. v… Người ta thường nhắc đến Phan Kế Bính với tập Việt Hán văn khảo, bản Tam Quốc Chí diễn nghĩa, tác giả quyển Việt Nam phong tục, biên dịch hai quyển sách rất giá trị là Hưng Đạo đại vương và Nam Hải dị nhân. Vũ Ngọc Phan khen Phan Kế Bính “là nhà văn xuất sắc nhất, và về lượng, ngoài Nguyễn Văn Vĩnh ra, ông là người viết nhiều hơn cả. Ông là người thận trọng cây bút, nên văn ông rất đều.” (Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập một, Nhà xb. Khoa học Xã hội, 1989, tr. 57).

        Tiếp đến là Nguyễn Đỗ Mục nổi tiếng với phong cách dịch truyện Tàu ra quốc văn, qua những tác phẩm như Song Phượng kỳ duyên, Tái sinh duyên, dịch tiểu thuyết Sans famille của Hector Malot từ tiếng Tầu ra quốc văn, Tây sương ký, Đông Châu liệt quốc. Ông cũng là người biên tập một quyển sách có giá trị là quyển Chinh phụ ngâm khúc dẫn giải, và dịch bộ Khổng Tử gia ngữ, Khổng Tử tập ngữ… Cả ba đều tạo tiếng thơm chung cho nhóm Đông Dương Tạp Chí.

 

        IV.- NHƯ PHẦN KẾT TỪ.

        Sau hết, khi bàn về tiếng Việt, tác giả Thái Gia Kỳ đã quên một chủ đề khá quan trọng đó là khả năng chuyển ngữ của tiếng Việt ở đại học mà chúng tôi xin nhắc trong phần kết từ này. Tinh thần của đại học là tinh thần tự trị và sự dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở đại học nói lên tính khai phóng của một nền giáo dục trong phạm trù quốc gia mang tính văn hóa giáo dục và kỹ trị.

        Trong lãnh vực văn hóa giáo dục, chúng ta đọc lại những lời của Francisque Vial viết năm 1939 than phiền về việc dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ trong các trường Đông Dương rằng: “Chúng ta hãy thú nhận rằng chúng ta chưa làm được gì hết hay chỉ mới làm được tí chút thôi trong việc thiết lập một nền học vấn hữu hiệu cho Đông Dương, bao lâu chuyển ngữ của nền học vấn đó chưa phải là tiếng mẹ đẻ (của người Đông Dương). Chúng ta thử tưởng tượng xem nền học vấn chính quốc chúng ta sẽ ra thế nào, nếu người ta đem dùng tiếng Nga chẳng hạn để dạy cho trẻ em Pháp. Thế mà tiếng Nga còn ít khác tiếng Pháp hơn nhiều khi so sự khác nhau giữa tiếng Pháp và tiếng Việt hay tiếng Mên. Hỏi bao giờ đến cái thời kỳ trong đó chương trình Trung Học Đông Dương sẽ gồm những môn có tính chất Viễn đông với chuyển ngữ là ngôn ngữ Đông Dương, và tiếng Pháp chỉ còn giữ một địa vị giống như địa vị của tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, trong chương trình giáo dục chính quốc chúng ta… Một khi đã dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ, các bài sẽ dạy bằng Việt ngữ, các bài nghiên cứu sẽ bằng Việt ngữ, nhờ đó, chẳng những nền quốc học được dồi dào thêm, mà văn hóa còn có thể phổ biến mau chóng, rộng rãi hơn, vì số người có thể đọc được và dùng làm món ăn tinh thần sẽ đông đảo hơn.” (Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, tr. 210).

        Trong lãnh vực chính trị, chúng ta đọc thấy quan điểm của Ngô Đình Nhu (tức Tùng Phong) trong cuốn Chính đề Việt Nam về vấn đề chuyển ngữ như sau: “Công cuộc thu thập kỹ thuật Tây phương đặt ra nhiều nhu cầu, trong đó, vấn đề chuyển ngữ là một điểm rất quan trọng. Vấn đề này đã được mang ra làm đề tài thảo luận trong rất nhiều cơ hội. Chủ trương dùng ngoại ngữ cũng được nhiều người tán thành như chủ trương dùng Việt ngữ. Lấy sinh ngữ nào để làm chuyển ngữ, trong các ngành giáo dục chính danh và giáo dục quần chúng? Những người chủ trương nên lấy ngoại ngữ lập luận rằng, nếu muốn Tây phương hóa thì phải Tây phương hóa cho đến nơi và phải rút cho hết cái tinh túy của Tây phương. Như vậy chỉ có ngoại ngữ mới giúp chúng ta đạt mục đích đó: Việt ngữ không đủ phong phú trong danh từ, và không đủ khả năng diễn tả các lý luận khúc chiết và các tư tưởng trừu tượng siêu thoát. Nhưng những người chủ trương như vậy quên rằng, một công cuộc thâu thập kỹ thuật Tây phương như trên chỉ có thể thực hiện được cho một thiểu số của cộng đồng, và đã như vậy thì, như chúng ta đã biết, sẽ không giải quyết được được vấn đề của cộng đồng. Những người chủ trương lấy Việt ngữ làm chuyển ngữ, lại lập luận rằng quần chúng là trọng. Nếu công cuộc Tây phương hóa không phổ biến đến được đại chúng, thì công cuộc đó kể như đã thất bại. Và như chúng ta đã thấy, lập luận của họ là đúng. Đã như thế thì chỉ có Việt ngữ mới giúp cho chúng ta đạt mục đích trên. Nhưng, những người chủ trương như vậy lại quên rằng, tất cả các kho tàng kiến thức, liên hệ đến kỹ thuật Tây phương, mà sự thâu thập đối với chúng ta đã là một vấn đề thiết yếu và mất còn, tất cả các kho tàng đó, đều nằm trong ngoại ngữ. Nếu chúng ta không dùng ngoại ngữ một cách rộng rãi và đến một mức độ tinh vi, thì vấn đề thâu thập kỹ thuật không làm sao thực hiện được.” (Ngô Đình Nhu, Sách đã dẫn, tr. 148).

        Cũng trong phần kết này, ở trang 184,  sau khi đưa ra 60 bảng so sánh công phu đó, tác giả Thái Gia Kỳ viết những dòng in đậm: “Bây giờ còn có mức độ giống nhau như vậy, huống hồ chi là một ngàn, hai ngàn năm trước, làm sao chúng không “thực sự” giống nhau được? Đó chính là lý do mà cha ông ta nói là “Tiếng Hán Việt có lẽ xuất phát từ Trường An vậy”.

        Chính tác phẩm của ông Thái Gia Kỳ, nhất là những câu trích đây đã giúp tô đậm thêm giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam mà chúng tôi đã được thụ giáo tại Trường Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Viện Đại Học Huế, cách đây 57 năm.

        Trong tác phẩm có tên Việt Nam thời khai sinh, Linh mục Nguyễn Phương, Giáo sư Sử học thuộc Viện Đại Học Huế từ 1957 đến 1975, đã chủ trương rằng người Việt Nam là con cháu của người Trung Hoa di cư sang cổ Việt từ thời Triệu Đà, khác với các luận thuyết cho rằng người VN là con cháu của người Lạc Việt, hay như Bình Nguyên Lộc dựa trên giả thuyết của Linh mục Souvignet chủ trương người Việt từ đảo Mã Lai lên. Bằng các chứng minh dựa trên khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, Linh mục sử gia Nguyễn Phương chủ trương rằng đất nước Việt Nam từ trước đã có nhiều giống người đến sinh cư, từ người sơ thủy đến người sơ khai (cách nay hàng trăm nghìn năm), rồi đến các giống Anh-đô-nê-diêng, Mê-la-nê-diêng, Mông cổ… Trung Hoa, Chàm v.v… từng nhấn mạnh rằng người Lạc Việt là chủ nhân văn hóa Đông Sơn hoàn toàn không có liên hệ gì đến người VN cả. Cuốn sách của tác giả Thái Gia Kỳ hôm nay đã cho chúng tôi một suy nghĩ khi nhớ đến giả thuyết của sử gia Nguyễn Phương về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Sau khi nhắc đến những tương đồng về nhân chủng giữa người Trung Hoa và Việt còn có nhiều tương đồng khác không kém phần quan trọng như tương đồng về phong tục, về tập quán, về tôn giáo, tác giả Nguyễn Phương viết:

          Ngôn ngữ cũng là một khía cạnh cần phải nhắc đến, và đây nữa, sự tương đồng cũng rất rõ rệt. Hầu như có thể nói được rằng tiếng Việt Nam ngày nay, sau mười thế kỷ độc lập, vẫn còn là chính tiếng Tàu nhưng đọc lên một cách hơi khác với các cách đọc của những tiếng địa phương ở Trung Quốc. Cố nhiên, trong Việt ngữ, đôi khi có xen vào một số những tiếng không phải gốc Tàu, như tiếng Mọi, tiếng Chàm, nhưng hiện tượng đó không thể nói lên gì khác, ngoài sự người Việt Nam trên đường bành trướng, đã có gặp người Mọi, người Chàm, cũng một cách như họ đã gặp người Pháp trong thế kỷ vừa qua, và họ đã thâu nhận một số tiếng Pháp vào trong kho ngôn ngữ của họ.

        Người ta có thể nói chữ nôm là thứ chữ riêng của người Việt Nam. Thực ra, chữ nôm chỉ làm chứng một cách hùng hồn hơn rằng tiếng Việt rất lệ thuộc tiếng Tàu, bởi vì tiếng dùng và nghĩa tiếng đã giống của người Trung Hoa, mà còn phải dùng những yếu tố của văn tự Trung Hoa để phiên diễn cách đọc hơi riêng của mình. Đàng khác, chữ nôm đâu có phải có trước khi người Tàu đến, mà chỉ mới xuất hiện mấy trăm năm sau khi người Việt Nam đã có một nền chính trị riêng. Cho nên, người ta rất có thể nói được rằng cách đọc riêng, thường được kể là đặc tính của Việt ngữ đó, mới xuất hiện sau khi quốc gia đã sống đời sống biệt lập, còn về trước, những người (sau nầy sẽ thành người Việt Nam) ở cổ Việt, cũng nói một tiếng như người Trung Quốc. Và người ta phải nói thế, một khi đã làm chứng được rằng người Việt Nam ngày nay là người Trung Quốc di cư sang đây trong thời Bắc thuộc.” (Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1965, tr. 230).

        Tóm lại, cuộc hành trình của ngôn ngữ Việt Nam từ chữ Hán đến tiếng Hán Việt, chữ Nôm và tiếng Việt rồi chữ Quốc ngữ vốn là những chặng đường gian nan, vất vả vượt qua thời gian hơn hai nghìn năm do công trình xây đắp, tu bổ, điểm xuyết của cả một dân tộc trong đó có sự tham gia góp công của nhiều vị thừa sai và học giả ngoại quốc vốn lấy dân tộc, đất nước ta làm quê hương, xứ sở để “sống gửi nạc, thác gửi xương”. Chúng ta trân quý tiếng tiếng Hán Việt, chữ Việt, chữ Quốc ngữ trong tinh thần “uống nước nhớ nguồn” với ý thức bảo lưu và làm trong sáng gia tài ngôn ngữ để truyền lại cho con cháu về sau. Đây cũng là bài học đầu đời với tiếng mẹ ru và cũng là câu hát, tùy theo từng tôn giáo, tiễn đưa ta về chốn an giấc ngàn thu.

                                                  NGUYỄN ĐỨC CUNG, 

                                                    Philadelphia 01-5-2019






Không có nhận xét nào: