Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

"THẤY" hay "MẤY" - Hoàng Đằng

            

             

                "THẤY" hay "MẤY"

Từ trước tới giờ, tôi nghe câu ca dao:

"Học trò trong Quảng ra thi,

THẤY cô gái Huế chân đi không rời".

Ngày 22/1/2024 vừa rồi, TS. Trần Kiêm Đoàn đưa lên 

facebook bài "Giải oan cho MẤY o gái Huế" cho biết 

trong một cuộc tiệc một vị người Quảng Nam đọc một 

phiên bản khác của câu ca dao trên với việc thay từ 

THẤY bằng từ MẤY:

"Học trò trong Quảng ra thi,

MẤY o gái Huế chân đi không rời".

Vậy phiên bản nào hợp lý?

Mời các bạn đọc ý kiến sau đây của tôi để xem tôi theo 

phiên bản nào. Theo sách "Quốc triều hương khoa lục" 

và "Quốc Triều Khoa Bảng Lục" của Cao Xuân Dục 

(1843 - 1923), đất Quảng Nam, dưới triều Nguyễn, sản 

sinh rất nhiều bậc khoa bảng, chừng ấy chứng tỏ Quảng

 Nam là đất học có nhiều người học giỏi. Bằng chứng là

 khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1898 (Thành Thái thứ 10) lấy,

 tính cả toàn quốc, 8 Tiến Sĩ, 9 Phó Bảng mà Quảng Nam 

có đến 5 vị (Ngũ Phụng Tề Phi): 3 Tiến Sĩ và 2 Phó Bảng.

Gái Huế có nhiều người đẹp - vẻ đẹp kín đáo, mềm mại, 

dịu dàng. Đất Huế là chốn kinh đô, tập trung nhiều quan

 lại; gái Huế , con quan lại, ít lao động nặng nhọc bằng 

chân tay, sinh hoạt thoải mái cộng thêm thừa hưởng gien 

di truyền của các bà mẹ đẹp từ các nơi về Huế làm vợ vua,

 vợ quan.

Học trò là người theo đòi bút nghiên, có thể nhỏ tuổi, độc 

thân, cũng có thể nhiều tuổi có vợ có con rồi. Học trò là 

chồng trong mơ ước thường hằng của phụ nữ:

"Chẳng ham ruộng cả ao liền,

Ham về cái bút, cái nghiên anh đồ".

Học trò, khi đầy đủ trình độ, sẽ đi thi mong đỗ đạt ra làm

 quan, có cuộc sống nhàn nhã, có quyền uy, có bổng lộc...

 Quan là chồng trong ước mơ bậc cao của phụ nữ.

Học trò Quảng Nam ra Huế, có thể dự thi Hương để lấy 

Tú Tài, Cử Nhân, có thể dự thi Hội, thi Đình để lấy Phó 

Bảng, Tiến Sĩ.

Trong thời gian thi, họ chuyên tâm chú ý vào bài vở, lo 

lều lo chõng, lo ăn, lo ở, lo làm sao có kết quả tốt để rạng

 danh quê hương, dòng tộc, gia đình. Họ chắc chắn không

 có thời gian để lẽo đẽo theo gái Huế dù gái Huế có đẹp

 như nhạc sĩ Anh Bằng mô tả trong bài hát Huế Xưa:

"Buổi trưa em che nón lá,

Cá sông Hương ngước nhìn ngẩn ngơ,

Lũ chim quyên ngất ngay từ xa ..."

" ...Tôi nhớ muôn đời,

Người con gái Huế quá xinh,

Tóc mây ngang lưng trữ tình ..."

Nếu học trò Quảng Nam ra Huế thi mà mê mệt gái Huế 

thì làm sao đất Quảng Nam có thành tích về thi cử như đã 

ghi trong sử sách?! Nếu họ ra Huế chơi, “thấy cô gái Huế

 chân đi không rời”, thì tôi cũng chẳng cần biện luận ở đây

 làm gì! Thành thử, tôi nghĩ chàng học trò Quảng Nam nào 

đó ra Huế thi, được mấy o gái Huế (MẤY nghĩa là ít cô 

thôi, chứ không phải tất cả gái Huế) chiếu cố, đắm đuối đi 

theo. Thi xong, chàng ngẫu hứng hai câu:

"Học trò trong Quảng ra thi,

MẤY cô gái Huế chân đi không rời"


Chàng thí sinh mô tả sự thật, việc thật.

Câu thơ đến tai người Huế (có thể là phụ nữ Huế); người 

Huế tự ái, đổi lại như sau để vừa tôn vinh vẻ đẹp đầy hấp

 lực của gái Huế vừa để "nói xấu" học trò Quảng Nam đi 

thi, bận bịu trăm thứ mà vẫn mê gái:

"Học trò trong Quảng ra thi,

THẤY cô gái Huế chân đi không rời".

Cụm từ "cô gái Huế" mang nghĩa chung chung, ý là 

gái Huế cô nào cũng khiến trai thấy mà bước đi không

 rời. Phái nữ được gọi là phái đẹp, tuy nhiên, đẹp có 

nhiều mức: đẹp mức cao, đẹp mức vừa và đẹp mức 

thấp. Nói vậy để tránh nói "chưa đẹp", hay "xấu". Vẻ

 đẹp gái Huế cũng như vẻ đẹp gái khắp nơi không thoát

 khỏi cách xếp mức ấy.


Thôi, cuối cùng xin nói rõ: ý nghĩa cả hai phiên bản

 câu ca dao chỉ mang tính đùa. 

Cuối năm, lý luận quanh co chỉ để trò chuyện với các 

bạn thân quen...


Hoàng Đằng

26/1/2024 (16/Chạp/Quý Mão)


 


Không có nhận xét nào: