Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Những Ý Nghĩ Bọt Biển- Phan Đình Trừng

NHỮNG Ý NGHĨ BỌT BIỂN 
Phan Đình Trừng
Khóa 2 Viện Hán Học Huế

​N
ăm 1965, hầu hết sinh viên Viện Hán học khóa 1 và 2 sau khi tốt nghiệp đều được tuyển dụng làm giáo sư trung học đệ nhất cấp và dạy văn các trường trung học khắp 
miền Nam. Sinh viên các khóa được theo học tiếp tại ở các trường Đại học Sư phạm Huế,
Sư phạm Quy Nhơn hay ở các trường Đại học Văn khoa. Những sinh viên chuyển tiếp này về sau cũng đã trở thành nhiều nhà giáo vững vàng ở trong ngành giáo dục. Một số các bằng hữu khác phải đi quân trường và vào lính, chưa kịp biệt phái đã lìa đời như các bạn Lê Hữu Quả, Võ Văn Hỷ lớp tôi và một số bạn bè ở các khóa khác. Mỗi lần họp mặt là mỗi lần nhìn thấy danh sách các bằng hữu qua đời dài thêm. Bệnh hoạn, tuổi tác và hoàn cảnh là quy luật của cuộc đời, nhưng vẫn cảm thấy xót xa và nuối tiếc. Xin thắp một nén nhang để tưởng niệm những người bạn thương quý ấy. Trong cuộc sống, nhiều lúc phải chấp nhận điều may rủi. Rất may mắn cho nhiều anh em Viện Hán học đã được vào quân trường chỉ với 9 tuần rồi được biệt phái trở về dạy học, trong đó có tôi. Thời ấy, nhà giáo được coi trọng lắm. Một người đi dạy học bất cứ cấp nào cũng có thể lo đủ cho bản thân và nuôi sống cả gia đình. Một kỹ sư công chánh hay một đốc sự hành chánh, học đại học đến 4 năm, nhưng khi ra trường có chỉ số lương 430, trong khi những sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm chỉ học 3 năm nhưng chỉ số lương đến 470. Nghề dạy học đời nào cũng thế, cuộc sống luôn luôn bình an vô sự, lúc bổng lộc và thù lao đúng với sự cống hiến thì “kẻ sĩ” có cuộc sống đầy đủ. Những lúc khó khăn thì vẫn dễ dàng vượt qua bởi vì “kẻ sĩ” “ăn chẳng cầu no” hay “áo quần tôi không quá 2 bộ, giày tôi không quá 2 đôi”… Tốt nghiệp đi dạy học, tôi được trang bị kiến thức rất vững vàng về Việt Hán và nhất là căn bản Hán văn. Nhờ đó mà tôi dễ dàng giải thích chính xác, rõ ràng các từ ngữ Hán Việt hay các điển cố. Dù chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp nhưng rất nhiều bằng hữu của tôi vẫn được phân công dạy các lớp đệ nhị cấp về môn văn.
Khai sinh Viện Hán học với tôn chỉ bảo tồn nền văn hóa dân tộc là việc làm rất đáng  tuyên dương của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhưng khi ông Diệm bị lật đổ, Viện Hán Học bị thất sủng, anh em ra trường không được đãi ngộ xứng đáng và không được tuyển dụng như lời hứa ban đầu. Do vậy, giải thể Viện Hán Học là việc làm tất yếu của đám hậu bối. Buồn vì trường cũ không còn nữa, nhưng may thay, một niềm vui còn đọng lại rất lớn là tình cảm đồng môn, đồng khóa của chúng ta còn rất sâu đậm và khăng khít. Hơn thế nữa, các bạn đồng môn, đồng khóa của chúng ta ai cũng trưởng thành trong nhiều lãnh vực và ai cũng đóng góp tích cực trong mặt trận bảo vệ nền cổ học và tinh hoa dân tộc. Anh em chúng ta đã được tắm gội và trui rèn trong lò Khổng học để từ đó thực hành đạo làm người với nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Cũng nhờ thế mà một số anh em chúng ta rất giỏi, luôn luôn tìm tòi, miệt mài nghiên cứu và họ đã trở thành những nhà giáo, những nhà nghiên cứu, nhà sử học có nhiều tác phẩm có giá trị như anh Phan Thuận An, anh Vương Hữu Lễ, anh Ngô Văn Lại, anh Nguyễn Lý Tưởng, anh Nguyễn Đức Cung, anh Trần Văn Dật, anh Nguyễn Công Thuần… Bên cạnh đó, tôi cũng nhắc đến một vài người rất tích cực và năng nổ trong việc gắn kết anh em. Anh Hoàng Xuân Minh (khóa 1) là người rất tích cực lo lắng cho anh em trong những lần hội ngộ ở Sài Gòn và Huế. Quán Ông Táo, một nhà hàng khá nổi tiếng ở Huế, mang tên thân phụ của anh ở đường Chu Văn An là nơi đã quy tụ anh em Viện Hán học khắp nơi vào năm 2009 nhân kỷ niệm 50 năm. Và lần sắp đến vào 28 tháng 12 này, kỷ niệm 55 năm cũng sẽ được tổ chức tại nhà hàng anh Hoàng Xuân Minh. Người thứ 2 mà tôi cũng không thể quên được là chị Võ Hồng Phi, cùng một lớp với tôi, hiện định cư tại Mỹ. Chị Hồng Phi là một cựu sinh viên sống hết mình, luôn luôn tâm huyết với trường xưa bạn cũ. Cũng nhờ có chị mà anh em bên này, bên kia thấu hiểu và gắn kết nhau hơn. Và còn rất nhiều bằng hữu rất tâm huyết và chí tình nữa mà tôi không thể nhắc hết ở đây. Tôi cũng rất ngưỡng mộ các anh Phan Thuận An, Lý Văn Nghiên và anh Trần Khánh Tiếu đã hiện diện rất đầy đủ trong các lần họp mặt ở Huế, Sài Gòn, Mỹ Tho và Vũng Tàu. Nhớ mãi lần hội ngộ ở Sài Gòn năm 1999 kỷ niệm 40 năm Viện Hán học do anh Lê Ngọc Bích (khóa 1) tổ chức. Anh Hoàng Xuân Minh mặc áo rộng xanh, khăn đóng làm chánh bái, anh Ngô Văn Lại đọc văn tế. Những lần gặp mặt ở Huế cũng rất ấn tượng là nhờ công lao rất lớn của anh Phan Thuận An, Lý Văn Nghiên và Trần Khánh Tiếu. Cho tôi khắc vào bia ghi nhớ công đức các anh ấy. Lý Văn Nghiên chưa phải chọc trời khuấy nước nhưng anh ấy có tài thuyết phục tập thể chấp nhận kế hoạch. Với chương trình gặp gỡ sắp đến vào tháng 12-2014 này, trong thời gian 3 ngày dày đặc chương trình sinh hoạt, chắc các anh ấy cũng phải vất vả lắm, nhất là lo tìm đâu cho ra đủ kinh phí để tổ chức. Mỗi lần gặp mặt là mỗi lần chúng ta nhớ đến quý Thầy của chúng ta. Gần 40 giảng viên mà hiện nay chỉ còn lại vỏn vẹn 6 Thầy. Đó là Thầy Võ Như Nguyện ở Pháp, Thầy Vĩnh Quyền ở Mỹ, Thầy Nguyễn Văn Dương ở Sài Gòn, Thầy Cao
Xuân Duẩn, Thầy Nguyễn Văn Trọng và Thầy Nguyễn Hữu Chân Phan ở Huế. Phần lớn quý Thầy còn tại thế tuổi đã già sức đã yếu, phải vô cùng khó khăn mới gặp lại. Được như thế là quý lắm rồi. Tiểu đệ này xin thắp nén nhang tưởng nhớ và biết ơn quý Thầy đã cỡi hạc quy tiên. Các cuộc vui này rồi cũng dần dà như số phận của Viện Hán học chúng ta chăng? Năm mười năm nữa còn ai biết đến cái Viện này, bằng hữu chúng ta cũng sẽ lần lượt ra đi. Rồi mai đây còn ai nghĩ đến chúng ta. Cho nên, cuộc hạnh ngộ lần này có một giá trị rất lớn, vì đó có thể là lần họp mặt cuối cùng. Hãy vui lên, hãy gắn kết nhau hơn nữa và hãy cho con cháu chúng ta biết về những gì ta đã làm. Hãy mang những điều chân thật và yêu thương cao quý đến với nhau trong những ngày cuối đời và vẫn hy vọng có thể gặp nhau vào năm 2019 nữa, được không? 



                                                                                                                                                                                  

Không có nhận xét nào: