Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Trường Xưa Bạn Cũ và Thầy Xưa Trò Cũ - Nguyến Văn Tạo

TRƯỜNG XƯA BẠN CŨ VÀ THẦY XƯA TRÒ CŨ
Nguyễn Văn Tạo
Khóa 2



​N
hu cầu của đời sống con người không chỉ thuần về vật chất như nhà cửa, ăn mặc, 
thuốc men... mà còn các nhu yếu tinh thần như học tập, tín ngưỡng, hưởng thụ văn hóa tinh thần, trong đó có kỷ niệm và trao đổi yêu thương về các phía... Cũng thế nên chỉ trong
vòng 4 năm (2009 – 2013) mà các Anh - Chị Cựu sinh viên Viện Hán Học Huế (Cựu SVVHHH) chúng ta đã tổ chức được ba lần hội ngộ - gặp mặt, một lần ở Huế và hai lần ở trong Nam; để có dịp mà tưởng nhớ đến “Trường xưa Thầy cũ và và bạn bè ngày xưa” ấy ai còn ai mất, dù ở gần hay ở xa, đã trải qua hơn 50 năm với biết bao sự đổi thay của lịch sử và dòng đời! Đây cũng là dịp để mà hàn huyên tâm sự, trao đổi để được biết phần nào chúng ta trong những năm tháng dài ấy đã sinh sống và tồn tại ra làm sao... Đây quả là những sự việc quý hóa và hiếm hoi trong đời! Và những ngày cuối năm 2014 này, với sở nguyện của các anh chị Cựu sinh viên – VHHH chúng ta dù ở trong nước hay ở nước ngoài đã cùng chung ước vọng: Tổ chức họp mặt kỷ niệm 55 năm VHHH mà các Anh, Chị ở Huế là nơi nhận trách nhiệm tổ chức. Thành công lần “Hội ngộ” này thì đây là lần thứ tư trong vòng 5 năm mà chúng ta đã làm được (Có lẽ đợi thêm 5 năm nữa để tổ chức kỷ niệm 60 năm. .. thì nhiều người trong chúng ta sẽ không còn cơ duyên và sức khỏe để tái ngộ). Và thêm thành quả lần này nữa thì đây là một kỷ lục! Không dám tự hào, chứ chỉ có chúng ta mới làm nên được việc này.
163
Đã nửa thế kỷ đi qua, chúng ta không còn Trường sở, không còn Lãnh đạo; quý vị Ân sư đã “cỡi hạc quy tiên”, vắng bóng gần hết ở cõi trần. Các bạn các Khóa của Viện chúng ta lại ở rải rác khắp các miền đất nước, cũng lắm người ở tận nước bạn xa xôi và khá nhiều bạn đã đi về thế giới khác! Vậy mà anh chị em 5 khóa của Viện vẫn còn liên lạc với nhau... và chỉ mong các tin tức, trao đổi, hiểu biết về nhau. .. thế là vì động cơ nào? Chỉ có thể trả lời: Là do có một tấm lòng thương tưởng về nhau với bao kỷ niệm đã có được, dưới “mái trường dạy làm người chân chính” đó. Đúng là hầu hết bạn bè chúng ta vào đó học thì đã ý thức rõ: “Học để biết, học để làm người và học để làm việc” nên mọi người được học ở “Môi trường giáo dục ấy” dù dài hay ngắn, lúc ra đời vẫn thấy rõ mình đã được nhận ở đó một số lớn tri thức để sống, để truyền trao cho lớp đàn em... Mà điều rõ nhất là chúng ta đã học được tư cách sống mà quý vị Ân sư đã ban tặng cho mình đem vào cuộc sống. Song song với những nhận định của cá nhân mà tôi đã trình bày thô thiển trên đây; đến đây mong quý anh chị Cựu SV-VHHH xa gần cho tôi được chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi sau gần 39 năm ra trường đi dạy và 11 năm nghỉ hưu, với tiêu đề “Thầy xưa trò cũ” mà tôi vừa đón nhận được trong dịp cuối hè 2014 này sau 43 năm rời ngôi trường đầu tiên tôi đi dạy! Đó là Trường Trung học Sông Cầu, tại Thị trấn huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; ngày đến nhận nhiệm Sở là 01/01/1966 và ngày rời hẳn Trung học Sông Cầu để về nhiệm sở mới là Trung học Hương Trà, huyện Hương Trà, Thừa Thiên vào khoảng cuối tháng 11/1971. Đến công tác sau ngày tốt nghiệp tại Trung học Sông Cầu - Phú Yên này là tôi đã được Bộ Giáo dục Sài Gòn đáp ứng gần như 100% nguyện vọng trong đơn xin tuyển dụng của mình. Yêu cầu trong đơn xin của tôi là được giảng dạy tại một trong những trường Trung Học ở Quy Nhơn hoặc Tuy Hòa. Thành phố Quy Nhơn là Tỉnh lỵ và ở phía Nam của tỉnh Bình Định, có Hải cảng Quy Nhơn, nằm trên ngã ba đi Tây Nguyên và vào các tỉnh Nam Trung Bộ. Ở Quy Nhơn, tôi có nhà vợ chồng cô em con Chú tôi, là chủ tiệm may Âu phục và tiệm buôn vải lớn của Thành phố này; ở Thành phố Tuy Hòa, tôi có vợ chồng người chị con Dì – chị mẹ tôi, cũng có tiệm buôn tạp hóa lớn ở trung tâm Thành phố... Và tôi thì được giảng dạy tại Thị trấn Sông Cầu, nằm ở cực Bắc tỉnh Phú Yên; nơi đây gần như là trung tâm điểm của hai Thành phố trên, tôi sẽ có cơ hội tốt đi ra hoặc đi vào thăm viếng hai gia đình bà con bên nội và bên ngoại của mình; đỡ đi nỗi buồn phải đi xa nhà, xa quê và gia đình lần đầu tiên trong cuộc đời mình. Một điều khiến tôi không lẻ loi trong những tháng năm đầu rời Huế đi dạy xa, mà lại là một điều rất may mắn: cùng có tên trong một tờ sự vụ lệnh cử đến dạy tại Trường Trung học Sông Cầu là 4 sinh viên cùng khóa 2/Lớp B - Hoàng Diêu - Nguyễn Văn Sĩ - Trần Hữu Định - Nguyễn Văn Tạo.  Đây là một điều may hiếm có. Hoàng Diêu là bạn khá thân với tôi, cũng khá hợp tính; Trần Hữu Định là người bạn cư xử bình thường trong lớp, không thân không sơ; đặc biệt Nguyễn Văn Sĩ là bạn thân cùng mâm cùng chiếu trong 5 năm học ở VHHH và những năm đầu đi dạy kể cả sau ngày về Huế. Sĩ và tôi đã cùng đi chuyến bay vào Quy Nhơn trong dịp ngày cận Tết Âm Lịch (tháng 1/1966). Chúng tôi ở lại nhà bà thím ăn Tết độ 5 hôm. Sang ngày mồng 6 Tết thì cùng nhau đi ghe máy chạy ven biển vào Sông Cầu, với hành trang là Thư giới thiệu với ông bà B, một người bạn hàng của Thím tôi để yêu cầu cho hai chúng tôi cùng ở trọ tại nhà. Và ông cũng là người gốc Huế vào định cư ở Sông Cầu đã lâu. Sau này hai ông bà là Ba - Mẹ vợ của bạn Sĩ. Ngày đám cưới của bạn Sĩ và cô Qúy, tôi là người chủ hôn đại diện Họ nhà trai, ký tên vào sổ đăng ký kết hôn tại Xuân Phương, Sông Cầu. Sông Cầu là vùng đất hẹp chạy ven rìa của dãy Trường Sơn Nam đâm ra ven bờ biển, đất đai khá trù phú do đất màu đồi núi đổ về pha với cát biển. Đặc sản nơi đây là những vườn dừa xanh sai quả quanh năm, xen lẩn những loại cây ăn quả nhiệt đới và các món hải sản. Có dịp lên dốc, đồi cao nhìn xuống thấy phong cảnh Sông Cầu khá hữu tình bên vùng nước biển xanh của Vũng Xuân Đài, mà bên ngoài phía xa xa là những dãy đồi núi, cù lao xanh ngát. Dân cư ở Thị trấn Sông Cầu không đông, phụ huynh học sinh nói chung là thuần hậu, chân tình và gần gũi với thầy cô giáo. Cũng thế nên các em học sinh gần hầu hết là chăm ngoan và lễ độ. Nói chung thì cả học sinh và phụ huynh đều hiền hòa và chân tình, lịch sự với Thầy - Cô giáo. Còn học sinh nghịch ngợm và chây lười thì ở đâu và lúc nào lại không có. Trở lại đề tài “thầy xưa trò cũ” mà trong dịp cuối mùa hè 2014 học trò cũ của tôi đã bất ngờ tạo niềm vui và hạnh phúc hy hữu đến với “người thầy xưa” như tôi, mong được chia sẻ cùng quý Anh – Chị xa gần. Sau gần tròn 43 năm, từ tháng 11/1971 tôi được thuyên chuyển về Trung học Hương Trà (Thừa Thiên), ở cách Trung tâm Thành Phố Huế 9 cây số; thì tôi chưa một lần nào có dịp chính thức về lại Sông Cầu để thăm bạn xưa, trò cũ cùng những người mà tôi đã ở lại sinh hoạt và giao du dài ngày... Lý do chính khiến tôi không ưa đi là sau những năm 80 của Thế kỉ trước thì hai gia đình bà con gần của tôi như đã nói ở trên đều lần lượt vào định cư ở Sài Gòn và ra nước ngoài hết, khiến tôi mất nguồn cảm hứng ghé lại Sông Cầu. Vả lại, trong gần hai thập kỉ sau 1975 thì cuộc sống của bạn bè và học trò cũ của tôi ở đó cũng đã trải qua nhiều sự đổi thay lớn, không kém phần vất vả. Vì thế mọi thông tin liên lạc về nhau đều mất hẳn. Chủ yếu ai cũng phấn đấu lo toan cho sự cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình mình. Bẵng đi hơn 40 năm dài tôi mất hẳn mọi sự liên lạc và thông tin về các Thầy Cô, bạn bè cũ cũng như học trò xưa của tôi tại Sông Cầu. Đặc biệt là các bạn tôi và những học sinh Trung học của tôi ngày ấy đã cùng đi sinh hoạt thân thiết tại ngôi chùa duy nhất ở đó, cũng mất hẳn liên lạc và tin tức. Vậy là biết bao kỷ niệm đằm thắm và đầy tình cảm yêu thương trong sáng của những ngày tháng còn nồng nàn bầu nhiệt huyết trong thời gian vào đời và xa quê còn non trẻ của đời mình. .. tôi đành ngậm ngùi chôn chặt ! Mặc dù, mùa hè 2007, trong một kỳ trại họp bạn toàn quốc tại chùa Bãi Bụt – Sơn Trà, Đà Nẵng, tôi đã tình cờ gặp lại một anh bạn người Phú Yên mà ngày trước đã cùng tôi có sinh hoạt tại Sông Cầu. Tôi đã vui mừng nhờ chuyển lại địa chỉ và số điện thoại của mình để mong bắt lại liên lạc. Và đến 5 – 6 năm sau cũng bặt vô âm tín... Sau này tôi mới nhớ là dạo đó tôi đã thay đổi số điện thoại của mình! Mãi năm 2013 tôi mới dò tìm được số điện thoại cố định của vài người cũ ở Sông Cầu mà ngày trước cùng sinh hoạt thân thiết. Qua trao đổi tin tức rời rạc... thì nắm tình hình cả hai người ấy đều có những ngày tháng ốm đau triền miên... nên đều không mấy tích cực. Thế là tôi bắt đầu chán nản và bi quan về tình hình, thỉnh thoảng cũng có trao đổi, thăm hỏi
qua điện thoại. Nhưng tôi vẫn thấy buồn vì không hy vọng sẽ có cơ hội mình trở lại Sông Cầu như lý do đã nói trên đây. Mà đặc biệt vấn đề sức khỏe không tốt là lý do lớn nhất để không tự tin sắp xếp lần vào thăm “bạn cũ trò xưa”. Bỗng cuối hè năm nay, một buổi chiều giữa tháng 8/2014, tôi nhận được cú điện thoại của một giọng nói thật lạ mà tôi không thể nhận ra. Mặc dù bên kia đường dây bảo “Em là... học trò cũ của thầy ở Sông Cầu đây...” Tôi chỉ vâng, ừ cho qua chuyện. Bởi qua thời gian dài từ 43 năm – 49 năm hồi vào dạy ở Sông Cầu thì học trò cũ chỉ còn nhớ được trên mươi em. Và nhớ giọng nói thì cũng đếm trên đầu ngón tay kể cả những em hay đi sinh hoạt trên chùa với tôi bởi vì đã quá lâu mà! Nhưng tôi chợt thật vui. Bởi thế là đã có dịp nối lại thông tin với nhiều học sinh nơi trường cũ đầu tiên đến dạy học. Qua trao đổi một hồi chuyện vãn trên điện thoại, tôi đã nắm được lý do em ấy sắp về Huế là để đưa cậu con út ra nhập học ở Đại học Y Khoa Huế. Và có được số điện thoại để gọi là thông qua người bạn thân mà ngày ấy tôi đã xin ở trọ, ăn cơm tháng để đi dạy và chủ nhật thì đi sinh hoạt ở chùa... Người học sinh nam ấy hẹn tôi cuối tháng 8 sẽ dẫn cháu về Huế, sau khi lo xong thủ tục nhập học cho con thì sẽ tìm đến thăm thầy. Tôi hẹn khi nào xong việc thì cứ gọi điện và tôi cho địa chỉ để đến nhà. Vậy là tôi đã có ý mong chờ.

Và chuyện gì đến đã đến. Xế chiều một ngày cuối tháng 8/2014, hai bố con theo hẹn đã đến thăm tôi. Người bố cao to, khỏe mạnh với trạc tuổi 55 - 57. Cậu con tân khoa cũng cao ráo, nhưng dáng vẻ quá ư chân chất và ít dạn dĩ! Tôi thấy cả hai tuy có lạ mà không xa, vì có hẹn trước và đặc biệt là tình cảm Thầy – Trò ngày xưa sống dậy nên đã tay bắt mặt mừng và thân thiết ngay từ phút đầu... Qua buổi gặp gỡ tuy có hẹn mà tôi không ngờ sẽ có được này: Sau 43 năm (1971-2014) vắng bặt, không hề có một thông tin qua lại gì, thì nay học trò cũ đã có cơ duyên tìm thăm thầy cũ, một điều quả thật hiếm hoi! Trong chuyện trò, tôi đã nôn nóng muốn biết tổng quát về tình hình “Bạn cũ trò xưa” nơi trường cũ mình đã công tác giảng dạy. Điều mà tôi quá đổi không ngờ là gần như 90% các Thầy – Cô bạn cùng dạy với tôi ngày ấy tại Trung học Sông Cầu, Phú Yên đều không được tiếp tục công tác sau mùa hè 1975, kể cả các thầy cô giám thị, văn phòng và tài vụ... Chỉ còn lại duy nhất anh Hiệu trưởng Đoàn Ứng Viên, người quê Quảng Trị là còn tiếp tục công tác. Và sau này anh có vợ quê ở Sông Cầu, nên năm nào cũng có về Sông Cầu dự giỗ - chạp bên phía vợ. Còn lại, người Trung kẻ Nam... đều đã rời Sông Cầu từ lâu. Nhưng vì mến đất, mến người nên nhiều Thầy - Cô hay về thăm lại Sông Cầu. Kể cả anh bạn cùng khóa 2 - Trần Hữu Định với tính giao lưu rộng và bay bướm nên đã lưu lại một “tác phẩm” gái cũng đôi lần ghé về thăm... Kết thúc buổi chuyện trò thăm hỏi, tôi đã nắm được tình hình các Thầy - Cô địa phương công tác tại Trường tôi dạy ngày ấy hiện còn 3 - 4 người, đều đã 65 - 80 tuổi cả. Tình hình sức khỏe đều không khả quan và sống khá đơn chiếc ở nhà, do con cái đều làm ăn xa. Những người lớn hơn, nơi tôi ở trọ và ăn cơm tháng thì hầu hết đã quy tiên... Và cuối cùng thì người học trò cũ của tôi ngõ ý mời tôi chuyến này cùng vào Sông Cầu thăm lại bạn cũ trò xưa. Cậu ấy bảo: Em ra đi thì các bạn có giao nhiệm vụ là mời cho được thầy chuyến này vào chơi. Bởi tụi em có một “Nhóm bạn học sinh ngày ấy có học với thầy”, thường xuyên cứ hai tuần cùng nhau gặp mặt uống cà phê một lần... Và các bạn ấy rất mong được gặp Thầy. Tôi cảm thấy so với tình hình các bạn cũ của tôi ngày ấy tại Trung học Sông Cầu thì hóa ra mình là người may mắn nhất trên đời: Vẫn tiếp tục công tác gần 29 năm sau năm 1975 và đã “hạ cánh an toàn” đến ngày nghỉ hưu, cũng nhận được “Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Giáo dục” như mọi người. Mặc dù trước năm 1975 mình đã lao đao đủ điều, nhưng sau này mình vẫn là “Người công dân” với đầy đủ nghĩa vụ và mọi quyền lợi. Vậy là đã vô cùng may mắn và hạnh phúc trong cuộc đời! Lần tìm thăm “Thầy cũ” và mời thầy vào chơi, thăm lại “Trò xưa” của cậu học trò cũ, khoảng 57 tuổi này đối với tôi là một sự ấm lòng và hạnh phúc bất ngờ. Bởi vì, sau 43 năm với bao thăng trầm biến chuyển, với bao sự đổi thay, với một khoảng không gian xa cách đến cả 450 cây số, lại không có một sự thông tin liên lạc nào trong thời gian qua, bỗng dưng lại có cuộc hội ngộ này và bày tỏ biết bao chân tình, thì đúng là một điều hiếm có! Do sức khỏe của tôi không chuẩn vì bệnh tim mạch mãn tính, nên tôi đã tự quyết định thực hiện chuyến thăm viếng này trong vòng ba hôm. Tuy bạn bè và các em học sinh cũ không mấy hài lòng về thời gian lưu lại ngắn ngủi này. Ai cũng muốn tăng lên gấp hai gấp ba mới thích hợp. Nhưng với tôi cái gì hiếm hoi, vừa đủ hoặc thiếu mới hay. Mặc dù vậy, tôi đã có gần trọn một ngày đi thăm các Thầy - Cô bạn cùng trường cũ ngày xưa đang có tuổi cao, sức khỏe quá hạn chế, không thể đi đâu được. Học trò tôi cũng cho tôi đi thăm một cô văn thư ngày trước và sau này cuộc sống lại quá khó khăn... Và đặc biệt đi thăm cậu học sinh cũ thuộc lứa học trò đầu tiên trong đời, những năm đầu đi dạy từ 1966 – 1971 các lớp tôi phụ trách là 9, 10, và 11 năm nay đã 65 tuổi, bị khuyết tật đôi chân hồi còn đi học, nay do bệnh tật lại bị khiếm thị cả đôi mắt! Với các em học sinh của tôi thì đã có ba lần gặp gỡ chuyện trò, thăm hỏi động viên nhau trong cuộc sống... Thầy trò cùng nhau uống cà phê và ăn uống cùng trò chuyện thân mật! Mọi thứ mà tôi có được trong chuyến đi ngắn ngủi mà hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm giáo viên của mình, tưởng như không thể nào có được. Vì với thời gian hơn bốn thập kỉ trôi qua, cuộc sống lại biết bao điều biến động, thay đổi... thế mà có được, mới là điều đáng trân trọng. Trong các lần thầy trò tập trung gặp gỡ, phía học sinh của tôi mỗi lần họp mặt cũng gần 20 em, đa số cùng chung một lớp, chỉ có vài em thuộc lớp trước... Bởi vì các em đã có sẵn việc lập Hội cứ thường xuyên hai lần gặp mặt trong một tháng vào sáng chủ nhật để chuyện trò, thăm hỏi, hỗ tương nhau trong cuộc sống... Tất cả đều thành đạt loại khá và đều đã nghỉ hưu mà chủ yếu là giáo viên, hầu hết đều là ông bà nội – ngoại... Hiện nay còn một số em nam vẫn tại chức, mà vị trí cũng vai lãnh đạo Ngành cấp Huyện... Và một số ít thì bỏ giáo viên về làm doanh nghiệp. Hầu hết các em qua trao đổi đều tỏ bày ý kiến: Các môn Văn học và Giáo dục Công dân ngày trước đã để lại nhiều tác dụng cho học sinh ra đời là biết cách học làm người chân chính, có đạo đức với người trưởng thượng. Ra đường biết tôn trọng giờ phút chào cờ, tôn kính đám tang ngoài đường và giúp đỡ người khó khăn, già cả ngoài đường... Còn học sinh sau này thì thiếu sót nhiều việc... Tôi làm thinh đồng tình mà không có ý kiến gì thêm. Nói chung trong cả ba lần gặp mặt học sinh cũ, tôi đều nhắc lại một ý chung: Xin cảm ơn đời, cảm ơn cuộc sống… đã giúp Thầy -Trò chúng ta có cơ duyên hội ngộ như ngày nay, để mà thương yêu và tưởng nhớ về nhau.




Không có nhận xét nào: