Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Phong Trào Yêu Nước Chống Pháp - Chí sĩ Võ Bá Hạp (Nguyễn Lý Tưởng)

        Phong Trào Yêu Nước Chống Pháp
              Chí Sĩ Võ Bá Hạp


(Tên đường ở Huế)


(Mộ cụ Võ Bá Hạp trong khu Di Tích Cụ Phan Bội Châu - Huế)


Phong Trào Yêu Nước Chống Pháp
Chí sĩ Võ Bá Hạp
Nguyễn Lý Tưởng
             .................                                                  
1.         Khoa Thi Năm Canh Tý (1900) ba vị tân khoa cử nhân kết bạn đồng chí.
Ba vị tân khoa cử nhân là Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và Võ Bá Hạp, từ bỏ danh vọng , không ra làm quan, kết bạn đồng chí, đi làm cách mạng, cứu nước, đánh đuổi thực dân, dành độc lập cho dân tộc. Trong ba người nầy, Võ Bá Hạp là người trẻ nhất (sinh năm Bính Tý, 1876). Người lớn tuổi nhất là Phan Bội Châu (tuổi Đinh Mão, sinh năm 1867) và Huỳnh Thúc Kháng (sinh  năm Bính Tý, 1876 cùng tuổi với Võ Bá Hạp). Võ Bá Hạp và Huỳnh Thúc Kháng đậu cử nhân khi 24 tuổi, cụ Phan Bội Châu đậu cử nhân lúc 33, 34 tuổi, lớn hơn hai vị kia gần 10 tuổi. Tôi xin nói về Cụ Võ Bá Hạp trước vì chuyện kết nghĩa xảy ra tại nhà cụ.
      Cụ Võ Bá Hạp tự Nguyên Bích, hiệu Trúc Khê, bút hiệu Xuân Pha và Song Xuân, sinh năm Bính Tý (1876) niên hiệu Tự Đức thứ 29, là người làng Phong Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (Miền Bắc) đọc theo giọng Bắc là Vũ Bá Hợp. Cụ là con trai duy nhất của cụ ông Vũ Văn Giáp (1854-1935) và cụ bà Lê Thị Từ Châu. Phong Lâm là một làng nổi tiếng về nghề thuộc da và làm giày dép, hia hài nên vào năm Nhâm Ngọ (1882), niên hiệu Tự Đức thứ 35, cụ Vũ văn Giáp được nhà vua cho gọi vào Huế để truyền dạy nghề thuộc da và phụ trách sản xuất giày dép cho Đại Nội. Cụ Giáp đã chọn một địa điểm gọi là “Xóm Trâu” thuộc xã An Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên là nơi có lò tể sinh (làm thịt súc vật) để tiện làm nghề thuộc da vì nơi đó có sẵn da sống (chữ Hán “thục” đọc trại ra là “thuộc” nghĩa là chin: da sống được chế biến thành “da thuộc” tức da chin, da khô, dùng làm giày dép, bao bị…) Sau 5 năm làm việc, cụ Giáp được nhà vua ban cho tước Cửu Phẩm Văn Giai.
     Khi vào Huế, cụ có đem theo người em là Vũ văn Bính để giúp cụ truyền nghề cho dân địa phương. Sau một thời gian, ông Vũ Văn Bính đã trở về lại quê hương miền Bắc.
     Năm 12 tuổi, cậu Vũ bá Hợp theo mẹ là Lê Thị Từ Châu vào Huế ở với cha để tiếp tục học văn hóa. Thời xưa, muốn đi thi phải có hồ sơ do làng xã chứng nhận, vì thế cậu Vũ Bá Hợp phải nhờ cụ Hoàng Hữu Quý là một chức sắc có uy tín ở làng Dương Xuân xin cho nhập tịch làng nầy. Từ đó, cậu Vũ Bá Hợp đọc theo giọng Huế là Võ bá Hạp thuộc làng Dương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (Miền Trung). Được gọi là người Huế (tỉnh Thừa Thiên) mà cụ vẫn nói giọng Bắc. Năm Thành Thái thứ bảy (1896), cụ Võ Bá Hạp được 20 tuổi, được ông bà Nguyễn Văn Tiếp, người làng Mỹ Xá, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên mời về nhà dạy học cho con cháu trong nhà. Đến năm 1903, lúc đó cậu Võ Bá Hạp được 27 tuổi, cưới Nguyễn Thị Cân, 18 tuổi, con gái chủ nhà làm vợ.
     Phan Bội Châu, Võ Bá Hạp kết bạn.
     Phan Bội Châu tên là Phan Văn San, sinh năm Đinh Mão (1867) tại làng Sa Nam, xã Đông Liệt, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, học giỏi, nhưng không chiu đi thi, đã có chí hướng làm cách mạng, mấy lẩn tổ chức võ trang nổi dậy nhưng thất bại . Sau đó, nghe lời khuyên của bạn bè, muốn làm việc lớn phải có danh phận, có bằng cấp, người đời biết tiếng thì nói người ta mới nghe theo mình. Năm Đinh dậu (1897), Phan Bội Châu từ Nghệ An vào Thừa Thiên, trọ nhà cụ Vũ Văn Giáp (thân sinh của cụ Võ Bá Hạp) gần cầu An Hòa, mở lớp dạy học. Từ đó, Phan Bội Châu và Võ Bá Hạp đã trở thành đôi bạn than. Phan Bội Châu lớn hơn Võ Bá Hạp gần 10 tuổi, được kể là bậc đàn anh. Hai năm sau, Phan Bội Châu trở về quê quán Nghệ An để chuẩn bị đi thi cử nhân (Hương thí) vào năm Canh Tý (1900) niên hiệu Thành Thái thứ 12. Năm đó, Phan Bội Châu đỗ đầu (giải nguyên) trường Nghệ An, Võ Bá Hạp (24 tuổi) đậu cử nhân ở trường Thừa Thiên, Huỳnh Thúc Kháng (24 tuổi) đỗ đầu cử nhân, Phan Châu Trinh (19 tuổi) đỗ cử nhân (thứ nhì sau Huỳnh Thúc Kháng). Năm 1904 thi hội, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu tiến sĩ, Phan Châu Trinh đậu Phó Bảng. Những người nầy cùng đỗ cử nhân một khoa, cùng chí hướng, cùng thời nên đã trở thành bạn thân và bạn đồng chí, hoạt động cách mạng với nhau. Phan Bội Châu còn kết than với nhiều người có tinh than yêu nước khác lúc đó đang có mặt tại Huế như  Khiếu Năng Tĩnh (đang làm Quốc Tử Giám tế tửu tức Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), đặng Nguyên Cẩn hiệu Thai Sơn (lúc đó đang làm quan ở Quốc sử quán), Nguyễn Thượng Hiền hiệu Mai Sơn (Tiến sĩ), v.v…
     Cụ Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên, sinh năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Bình, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cùng tuổi với cụ Võ Bá Hạp. Cụ Huỳnh đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900), đỗ Tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904), không ra làm quan…Trong những người nầy, Phan Bội Châu và Võ Bá Hạp thân nhau hơn vì đã từng ở chung một nhà. Về sau, khi Phan Bội Châu bị Pháp bắt, đem về giam lỏng ở Bến Ngự Huế (1925), Huỳnh Thúc Kháng ở tù Côn Đảo cũng được về Huế và Võ Bá Hạp ở tù Lao Bảo 10 năm, trở về Huế, ba người gặp lại nhau nên thân nhau hơn.

2.         Từ Phong Trào Duy Tân, Đông Du đến Việt Nam Quang Phục Hội
Sau khi thi đổ, các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Võ Bá Hạp không ra làm quan. Người thì dạy học, người thì làm thầy thuốc và đã dành thì giờ đi đây đi đó, tiếp xúc với nhân sĩ khắp nơi để vận động cho phong trào cách mạng. Phan Bội Châu đã từng vào Quảng Nam gặp Tiểu La Nguyễn Thành là một trong những người thời đó có tư tưởng tiên bộ, đã từng nghiên cứu nhiều sách gọi là “tân thư” là sách của các nhà tân học Trung Hoa, Nhật Bản, cũng là loại sách nghiên cứu về các chế độ chính trị và chế độ dân chủ của Tây phương như sách của Jean Jacques Rousseaux, Montesquieu, v.v…Nguyễn Thành hiệu Tiểu La được xem như là một lý thuyết gia về chính trị vào thời đó (đầu thế kỷ 20) nên Phan Bội Châu phải từ Huế vào Quảng Nam gặp ông để tham khảo ý kiến. Họ đã thành lập Duy Tân Hội (1904) về sau đổi tên là Việt Nam Quang Phục Hội, và đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để (tức Nguyễn Phước Cường Để, dòng dõi Hoàng tử Nguyễn Phước Cảnh, con trưởng vua Gia Long) lên làm Minh Chủ.
     Phan Bội Châu cũng bí mật vào Nam để liên lạc với giới trí thức qua sự giới thiệu của Tiểu La Nguyễn Thành.
     Thành phần trí thức khoa bảng ở miền Trung như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Võ Bá Hạp, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Thái Thân, đều ủng hộ Phan Bội Châu. Ở Huế, ngoài cụ Võ Bá Hạp, cùng chí hướng với cụ Phan Bội Châu, còn có Lê Ngọc Nghị (vợ là chị của Kỳ Ngoại hầu Cường Để), Lê Minh Châu và em gái là Lê Thị Đàn, Trần Trinh Linh (tức Ngũ Lang là bố vợ của cụ Võ Như Nguyện, con trai trưởng của cụ Võ Bá Hạp)…là những người tích cực hoạt động cho phong trào.
     Phong trào chủ trương kêu gọi trong nước duy tân, đổi mới, bỏ cái học từ chương để theo khoa học thực dụng, gây ý thức tự lực, tự cường, đưa thanh niên qua Nhật du học (gọi là Đông du) hoặc qua Trung Hoa học hỏi tiến bộ của nước người. Phải mở mang dân trí trước mới mong có ngày đánh đuổi được thực dân, giành độc lập được.
     Theo sự phân công của Hội, từ Quảng Nam trở vào do Tiểu La Nguyễn Thành (tức Nguyễn Hàm) phụ trách. ; từ Nghệ Tĩnh trở ra Bắc do Đặng Thái Thân phụ trách; ba tỉnh Bình, Trị, Thiên do Võ Bá Hạp phụ trách. Phan Bội Châu sẽ đến những vùng xa hơn như trong Nam và ngoài Bắc để sắp xếp, tổ chức người phụ trách các vùng đó.
     Hai người có nhiệm vụ hướng dẫn thanh niên trong nước qua Tàu, qua Nhật là Tăng Bạt Hổ và Lý Tuệ (tức Nguyễn Hữu Tuệ). Tăng là kiện tướng trong phong trào Văn Thân 1885 dưới quyền chỉ huy của Mai Xuân Thưởng tại Bình Định. Sau khi phong trào thất bại, ông bí mật đi khắp nơi để hoạt động, đã từng qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật…còn Lý Tuệ (tên thật là Nguyễn Hữu Tuệ) thời đó đang làm đầu bếp thương thuyền, thường đem thanh niên giấu dưới gầm tàu để đưa ra ngoại quốc.
     Ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1905),Phan Bội Châu ra Bắc để theo Tăng Bạt Hổ sang Trung Hoa (23/5/1905), sau đó, qua Nhật Bản. Qua sự giới thiệu của Lương Khải Siêu một nhà cách mạng Trung Hoa đang sống lưu vong ở Nhật, Phan Bội Châu đã gặp hai nhân vật quan trọng của chính giới Nhật Bản là Bá tước Đại Ôi Trọng Tín và Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị, hai người nầy đã từng làm Thủ Tướng nước Nhật.
Phan Bội Châu đã xin họ giúp cho thanh niên Việt Nam qua Nhật du học, đồng thời cũng đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để ra khỏi nước để mưu đồ đại sự, vận dđộng chính trị sau nầy.
Được hai chánh khách nói trên hứa hẹn giúp đỡ, Phan liền tìm cách trở về nước định đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để qua Nhật. Nhưng khi Phan vừa về đến Hà Tĩnh, thì nghe tin Pháp đang có lệnh tầm nã mình và một số bạn bè đã bị bắt, liền ra Hải Phòng và qua Nhật trở lại. Riêng Kỳ Ngoại hầu Cường Để thì đã được Tăng Bạt Hổ đưa qua Nhật vào đầu năm 1906 một cách an toàn rồi.

3. Pháp đàn áp phong trào: Cụ Võ Bá Hạp và các đồng chí bị bắt.

Khi được tin Phan Bội Châu đi rồi thì Pháp ra lệnh bắt giữ một số người bị tình nghi hoạt động chống Pháp. Phan Bội Châu trước đây đã từng ở trong nhà của Võ Bá Hạp mấy năm nên khi Pháp theo dõi hoạt động của Phan, chắc chắn không bỏ qua đia chỉ nầy. Võ Bá Hạp lại là người đứng đầu phong trào tại ba tỉnh Thiên, Trị, Bình nên anh em thường lui tới, gặp gỡ, hội họp tại nhà ông.
Lính Pháp vào nhà cụ Vũ Văn Giáp thân sinh cụ Võ Bá Hạp, tại làng An Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, bao vây lục xét. Không có bằng chứng cụ thể nhưng chúng vẫn bắt Võ Bá Hạp đi và tra tấn dã man. Chúng dẫn cụ đi từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi để đối chất với những người bị tình nghi ở các địa phương. Cụ cam chịu cực hình và không hề khai cho một người nào để anh em khỏi bị liên lụy. Cuối cùng chúng đem cụ về tại nhà giam Quảng Ngãi (gọi là Quảng Ngãi phối sở) và kết án chín năm tù khổ sai vì can tội “thông giao ngoại bang, mưu đồ lật đổ chính quyền bảo hộ”, ý muốn nói đến việc phong trào tổ chức đưa thanh niên Việt Nam qua Trung Hoa và qua Nhật. Cụ cũng bị thu hồi bằng cử nhân…
Khi cụ Võ Bá Hạp bị tù thì cuối năm đó, thân mẫu của cụ, bà Lê Thị Từ Châu, bị bệnh nặng qua đời vào ngày 18 tháng Chạp Mậu Thân (16/1/1909). Gia đình bên vợ, ông bà Nguyễn Văn Tiếp thấy hoàn cảnh cụ Vũ Văn Giáp, vợ chết, con trai độc nhất lại đang bị tù, con dâu chưa có cháu…nên mới thu xếp cho dời nhà từ An Hòa về Bao Vinh, nơi đó vừa gần sông, gần chợ, liên lạc giữa hai gia đình họ Nguyễn và họ Vũ theo đường sông rất thuận tiện. Bà Nguyễn Thị Cân, vợ cụ Võ Bá Hạp ở bên nhà cha mẹ mà vẫn săn sóc cho bố chồng là cụ Vũ Văn Giáp được.

Nguyễn Văn Nghĩa, người em nuôi trung thành
Gia đình cụ Vũ Văn Giáp có nuôi một cậu thanh niên tên Nguyễn Văn Nghĩa, thường đi theo hầu hạ giúp đỡ cụ cữ Võ Bá Hạp, những lúc đến trường thi thì Nghĩa đi theo mang tráp sách vở và lều chõng cho cụ. Khi cụ bị tù, vẫn đi theo để giúp. Một hôm, lính dẫn cụ đến Quảng Trị đối chất, nọc cụ ra giữa sân, chân tay đều bị trói vào cọc, đánh đòn rất dã man. Thấy cụ cử chịu không nổi nữa nên Nghĩa bèn nhảy vào nằm úp lên người cụ, đỡ đòn cho cụ. Bọn lính cố ý đánh nặng tay để cho Nghĩa vì đau mà phải lánh ra. Nhưng Nghĩa quyết chịu đòn thay cho cụ cử Võ…Lính tiếp tục đánh cho đủ số đòn theo hình phạt được áp dụng. Khi chúng nghỉ tay thì Nghĩa cũng đã tắt thở rồi! Bọn lính đem chôn xác Nguyễn Văn Nghĩa ở bên ngoài thành Quảng Trị, gần sân vận động và trường Trung học Nguyễn Hoàng sau nầy.
(Còn tiếp)

(Trích Phong Trào Yêu Nước Chống Pháp của Nguyễn Lý Tưởng)





Không có nhận xét nào: