Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Truyện bên lề lịch sử: Dưỡng Độn


(Miếu thờ Phụ Chính Đại Thần Trần Tiễn Thành tai làng Minh Hương - Thừa Thiên)



Tản Mạn

                Dưỡng Độn 
  
DƯỠNG ĐỘN LÀ TÊN HIỆU  của Trần Tiễn Thành, làm quan triều Tự Đức đến cực phẩm, bị bộ hạ của quyền thần Tường - Thuyết ám sát. Tên hiệu ấy họ Trần đặt cho mình vào thời ông còn mang tên Trần Thì Mẫn, chưa bị Tự Đức đổi ra Tiễn Thành để ngụ ý “theo chân” (TIỄN) ông “THÀNH” (Tô Hiến Thành, trung thần nổi tiếng đời Lý Anh Tông). Chữ Dưỡng Độn có nghĩa là giữ mãi sự đần độn để kiềm chế sự nhanh nhẹn (mẫn tiệp) vì người quân tử, phải có phong cách chậm rãi khoan thai (dục tốc bất đạt) và đối với môt ông vua từng giết cả anh ruột, từng kết án người ta tới mức “tru di tam tộc” thì kẻ chăm lo “Dưỡng Độn” may ra đỡ phải rước họa vào thân, vậy mà trong bốn mươi năm làm quan, Trần Tiễn Thành cũng bị phạt bổng (cúp lương) tổng cộng đến hơn… 80 năm! May mà ngài Ngự chỉ phạt bổng để ra oai, ghi sổ nợ khơi khơi chứ không dồn vào tính sổ.
Hai chữ Dưỡng Độn thật phù hợp ý nghĩa với nhiệm vụ bí mật mà Trần Tiễn Thành đảm nhiệm. Ấy là việc Trần Tiễn Thành đi Cam Lộ đón Nguyễn Văn Tường về triều làm việc ở Viện Cơ Mật.
Nguyễn Văn Tường nguyên là con rơi của vua Thiệu Trị vào thời nhà vua còn là hoàng tử theo vua Minh Mệnh đi kinh lý Quảng Trị. Chính cách ban ơn ồ ạt của Tự Đức đã không giấu nhẹm nổi chuyện bí mật cung đình này (thực chất là bù lỗ). Sau cuộc mây mưa cùng cô gái phục vụ, hoàng tử có dặn sau này có thai sinh con trai thì hãy lấy tên Nguyễn Phước Tường. Quả nhiên mọi việc trôi theo dự kiến, cái tên Nguyễn Phước Tường ra đời nhưng chàng thư sinh nhanh nhẹn, thông minh, tháo vác luôn bị đánh hỏng vì chữ Phước chỉ dành riêng cho hoàng tộc nhà Nguyễn. Sự phạm húy đó còn làm cho Nguyễn Phước Tường chẳng những hỏng thi mà còn bị đày đi xa hơn một năm vì Tôn Nhân Phủ không để cho thần dân dám… giỡn mặt kiểu ấy. Mãi khi Tường không đệm chữ Phước nữa mới được đỗ với tất cả căm thù. Học vị Cử nhân vốn thường được bổ làm Tri Huyện, Huấn Đạo hoặc các dạng Hàn Lâm, nhưng Nguyễn Văn Tường chỉ được bổ làm Bang Biện, mà lại là phục vụ ở huyện Thành Hóa (tức Cam Lộ ngày nay). Vào thời ấy, đa số dân chúng Cam Lộ còn là người thiểu số, Bang Biện chỉ là người phụ tá quan trên, tức là phải luôn luôn vâng dạ chịu lép về mọi bề nhất là với những quan trên xuất thân không danh giá. Nguyễn Văn Tường là người bị nhà nước ấn vào huyện Thành Hóa để cố giấu cái quá khứ mà Tôn Nhân Phủ không thể chấp nhận nhưng cũng không thể không thừa nhận, thành thử càng ngày Nguyễn Văn Tường càng căm hận sâu hơn. Vua Tự Đức rất lo ngại tâm lý ấy của Tường, và nhất là thấy sự vô sinh của mình rất có thể bắt nguồn từ lý do huyền bí nào đấy cũng nên. Thế cho nên Tự Đức bèn giao cho Trần Tiễn Thành một sứ mệnh đặc biệt, phải tuân thủ tột độ trách nhiệm Dưỡng Độn của mình. Đấy là đi Thành Hóa xử lý một vụ kiện cáo vặt vãnh  nào đấy rồi lấy cớ bảo vệ nhân chứng, đưa Nguyễn Văn Tường về triều. Cả đời làm đại thần, Trần Tiễn Thành tuy được vua Tự Đức khuyến khích nhiệt tình, nhưng họ Trần nhất thiết không giới thiệu một người nào nữa. Cơ Mật Viện là cơ quan trọng yếu. Nguyễn Văn Tường lại làm ở bộ phận “ty Lại Bộ” có dạng như nhân viên Phòng Tổ Chức ngày nay, nhất là còn được thăng thưởng vượt bậc ồ ạt. Ở địa vị ấy, Nguyễn Văn Tường như hổ được chắp thêm cánh, mọc thêm vây để tận lực “trị” đám trung thần nhà Nguyễn.
Kết cục Trần Tiễn Thành lúc đầu chỉ vờ “dưỡng độn”. Cuối cùng mất mạng vì việc “dưỡng độn."

                    Thái Trọng Lai
    (Trích tập truyện Tản Mạn của Thái Trọng Lai)











Không có nhận xét nào: