Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Đại Việt Sử Thi Q. XXII (t t) (Hồ Đắc Duy): Nhà Nguyễn - Tự Đức Hoàng Đế

      Đại Việt Sử Thi Q. XXII (t t) (Hồ Đắc Duy)
                            Nhà Nguyễn
                                  *****

                          (Chân dung Tự Đức Hoàng Đế)


TỰ ĐỨC HOÀNG ĐẾ (1847- 1885)

Thái tử Thì lên ngôi hoàng đế
Tên Hồng Nhậm hậu duệ Gia Long
Được phong là Phước Tuy Công
Niên hiệu Tự Đức nối dòng Nguyễn Vương

Hưởng ngai vàng tuổi đương mười chín
Dáng mảnh người bản tính thư sinh
Hiền lành nhân hậu chí tình
Khiêm cung hiếu thuận thông minh hơn người

Đối với mẹ,
 con người hiếu thảo 
Việc nước nhà thường báo cho hay
Chép riêng lời mẹ hằng ngày
Quyển Từ Huấn Lục trong tay xem dần

Các đại thần như Phan Thanh Giản
Nguyễn Tri Phương còn vẳng tiếng thơm
Triều thần một dạ sắt son
Hoàng Diệu tuẫn tiết một lòng trung quân

Vua là người văn hay chữ tốt
Để lại đời ngót một ngàn trang
Khi vui xướng họa thơ văn
Thức khuya dậy sớm siêng năng việc triều

Sức thì yếu việc nhiều không xuể
Nên nhà vua chẳng thể đi xa
Dân tình chỉ được nghe qua
Còn như kinh lý quả là hiếm hoi


Sức khỏe ngài là điều bí ẩn
Vợ thì nhiều mà vẫn không con
Tuổi cao lực đã cạn mòn
Lựa người nối nghiệp nuôi con em mình


Vua Tự Đức viết riêng bài ký:
Sông núi có khi không cần ở nơi xa mà vẫn thanh nhã. Không ở chốn thâm u mà vẫn kỳ lạ. Những người có chí về nhân và về trí mà bỏ hềt mọi chuyện khác đi, tất sẽ có điều hữu dụng. Đem hết sự khéo léo nơi sức người để xây dựng mà so với cảnh tự nhiên như thế này thì ai hơn đây? Ở phía tây nam Kinh Thành thuộc vùng thượng lưu sông Hương, có một cồn cát cuộn khúc như rồng thần xuất hiện trên sông, dài chừng một lý, rộng ước một phần năm. Phía trước là sông nhỏ, phía sau là sông lớn, trên dưới hợp dòng, khiến bốn bề vây quanh đều là nước. Chẳng biết cồn đất này nổi lên từ lúc nào, ở giữa nhô lên, bốn phía thấp xuống, trông như cái gò. Nước trong mà sâu, cát trắng mà mịn, đất phì nhiêu mà thuần chất. Phía trước có vườn nhà của dân ở tản mác, gồm tất cả bảy cái. Muốn xem là nhỏ thì chia làm bảy, thật là chật hẹp xiêu vẹo. Muốn bảo là lớn thì gọi là một, nhưng cũng không quá rộng. Ngoài ra trên đất còn lại dâu gai, đậu lúa, dưa mướp trồng hỗn độn. Ở đây chưa thành thôn ấp gì cả, thật xơ xác bùn lầy, chẳng có gì đáng ngắm. Ta vốn có tật trầm uất và thường khổ vì bị thấp nhiệt, há không có được một cung quán riêng biệt để tránh nắng và hóng mát sao? Nếu chính sự cần có việc cần xét hỏi thì đâu có thể rời đi xa được? Nếu kiên nhẫn chịu dựng mãi và sợ bệnh tất quá khó chữa mà cứ gắng sức thì e là không thành thực. Vì thế, sắc cho quan Kinh Doãn tìm chỗ khắp nơi thì có được chỗ này. Sau khi cho dò hỏi kỹ càng những người sống ở đó và bồi thường hậu hĩ cho họ để họ vĩnh viễn rời chỗ đất ấy, thì họ đều thuận tình. Ta cũng không tin được như vậy. Rồi theo hình thế mà chỉnh đốn, sửa sang, quét dọn, xây cất. Rời rạc thì hợp lại, chật hẹp thì mở ra, cong thì làm thẳng, khuyết thì bồi thêm, hê hủng thì san lấp cho bằng phẳng, nạo vét để hẹp thành rộng, mở đường ngang dọc, trong làm hàng rào, ngoài đào hào, cửa thông nam bắc, tất cả đều trở thành có qui củ. Về hoa quả cây cối thì bỏ loại vô dụng mà tăng thêm loại hữu dụng. Chính giữa đắp nền, trên dựng một ngôi nhà lầu, cho đặt tên là Quan Phong. Giáp hai bên lầu có hai hành lang thông xuống đến cầu bắc ngang ở bến là nơi đỗ thuyền buông câu. Gần đấy cho lập trường bắn và xây xạ quán. Tất cả đều dùng vật liệu tranh nứa tre gỗ để làm một cách sơ sài, chẳng hề tổn phí một viên gạch viên đá nào cho nhà cửa đài tạ, thế mà số tiền tốn kém lên đến bạc vạn. Tất cả đều dùng tiền trong kho và cho thuê người làm, không nỡ động phiền đến cơ quan có chức năng, vì lúc này đang cần quân sĩ và tiền của lại thiếu thốn. Vả lại, bình sinh ta thích đạm bạc chẳng cầu kỳ, may mắn đứng đầu một nước, không sợ không phú quí, chỉ lo tài đức không đủ để xứng đáng với địa vị mà thôi. Cho nên không tự mãn về những điều đã có để thiếu sót những điều chưa có. Trong lòng thích ruộng đồng, ưa thói tục mộc mạc đời xưa. Vì thế, những lúc gần đây, khi có chút rảnh rỗi hoặc khi u uất quá, thì ban lệnh cho đưa xa giá ra đi, chèo mấy mái là đã đến. Lên lầu thư thả phóng mắt nhìn quanh. Ở phía Nam có núi đồi cao thấp, có núi Ngự Bình che chắn, núi Thương Sơn đứng thẳng và rất nhiều núi nón chạy quanh co chập chùng kể không hết được. Ở các đàn, miếu và lăng tẩm, các loại cây tùng cây bá xanh tươi sầm uất, khiến thoáng gợi niệm kính nhớ. Cũng có ruộng núi để cày, nước khe để tưới, nhưng khô cằn cạn kiệt, khiến thấy rõ công việc cày cấy thật gian nan. Ở phía Bắc là từ đường bên ngoại và từ đường của chị khiến thấy được cội nguồn lành thiện sâu xa và nỗi chí tình không thể quên. Còn có nhiều phủ đệ của các hoàng tử, công chúa tráng lệ xa hoa, để thấy cần phải răn chặn việc xa xỉ. Cũng có những nơi tụ hội với y phục lộng lẫy và âm nhạc lâm ly làm mê hoặc lòng người, tạo ra nỗi buồn khôn xiết cho đạo ta. Ở phía Đông là kinh thành và cung điện, trăm trượng ngàn tòa, sơn son rực rỡ, thành vàng ao nóng, bền bỉ ngàn năm, đủ để lo sợ lấy đó làm tấm gương soi là do ở đức chứ không vì hiểm trở. Ở phía Tây là chùa chiền tăng chúng còn nhiều hơn trường ốc học xá, để phải cảm khái về tai họa của dị đoan. Còn lại là xóm làng chợ búa, nhà vườn san sát, gọi là lao xao như đàn ve, như đàn nai cũng chưa diễn tả hết được. Thuyền bè qua lại như thoi đưa, chài lứa bủa giăng như mây tỏa. Nông, thương, công, ngư ai làm nghề nấy để đem về lợi lạc. Lầu tuy thấp bé nhưng cũng đủ nhìn qua được cảnh đẹp, biết rõ dân tình, gần gũi được dân tránh khỏi xa rời, trăm nghe không bằng một thấy. Thế nên lầu được gọi là Quan Phong. Lúc giao thời xuân hạ, lúc nắng gắt giữa trưa, cởi áo ngâm mình, nước trong vắt có thể soi bóng, tắm rửa kỳ cọ ghét bẩn mồ hôi, rồi bơi lội trong chốc lát. Lên lầu hóng gió, dựa lan can chải tóc, chợt sảng khoái khắp thân mình, như hớp được hơi sương, như uống được móc ngọt. Có thể tưởng tượng được việc tắm mát ở sông Nghi và hóng gió nơi đàn Vũ Vu. Đây cũng gọi là Dữ Dã vậy chăng? Có lúc hóng mát trên bờ, ngồi cầu buông câu, dây dài cần cổ, lưỡi vàng mồi thơm. Khi câu được cá mè cá diếc, cá tự cá lô, miệng lớn vảy bé, chọn con béo tươi đem về dâng mẹ. Hoặc nhân lúc trời chiều, lê hài kéo gậy, tản bộ dưới cây, xuyên qua hàng cam dãy quýt, vào chốn khóm tre vi vút, chim hót véo von, qua lối mòn phủ đầy bóng cây, chẳng cần nón mũ, tự chọn những hoa đẹp quả ngon, hái về đem dâng mẹ. Hoặc những lúc ăn khuya chưa tiêu, khi gân cốt chưa giãn, đến xạ trường phóng thương luyện võ, tới lui như sấm chớp, cờ bay trống dội, nếu không nôn nóng mong cho trúng đích, thì cũng đủ để hưng phấn khí lực nhằm chấn chỉnh việc võ bị thế thôi. Lại như lúc đêm vắng canh dài, trăng sáng không trung, gió mát thoảng lại, thả chiếc thuyền con, đẩy mái chèo quế, lướt thuyền trên bóng sông ngân, nhấp nhô theo sóng nước. Tiếng hát dân chài vang vọng từ bến xa, khéo hòa nhịp với tiếng chuông chùa và tiếng tụng niệm nghe văng vẳng. Những âm thanh ấy vọng lại bên song, khiến chợt có những tưởng niệm cao xa. Trong không khí thoát trần đó, càng cảm thấy thanh tĩnh, vui không thể tả được. Rồi sợ sương thấm ướt áo, buộc thuyền bên khóm tre, bấy giờ bóng trăng còn chưa xế. Vả lại, ta vốn vụ ở gốc. Những cây cối ngày trước ở đó, lệnh cho tớ bộc vun tưới hàng ngày, trước mới cao gần một thước, mà nay đã cao gần cả trượng, thân vừa người ôm, sum suê thành rừng. Mà những cây mới trồng lại nhiều gấp bội chẳng biết là bao nhiêu nữa. Nơi đây không thích hợp cho bông hoa. Trên bùn dưới cát, chỉ thích hợp chẳng dâu thì gai, chẳng nếp thì lúa, chẳng rau thì dưa, không thứ gì là không trồng. Mà trồng như thế còn để nghiệm thời tiết trong năm có điều hòa không. Nếu như thời vụ chưa đến thì cũng có thể suy nghiệm được. Nói chung, ở đây hoàn toàn không có chút nào không khí chợ búa và cũng không có mùi vị cơm ngon thịt béo xen lẫn vào. Phải chăng đấy là nét thanh cao kỳ lạ của nơi này? Ôi, đã là trong giới công hầu quan lại, không chọn xóm giềng để ở, mà lại ở gần với bọn cơm hàng cháo chợ. Sớm hôm mắt thấy tai nghe không chuyện tranh lợi thì chuyện xảo quyệt, há chẳng bị thói tục làm đổi dời để hiếm khi được yên mà khỏi lo, nếu được lại lo mất thì ngược với đạo, mà rốt cuộc chẳng tự giác, thật đáng than thở vô cùng! Vì thế, mọi người sống ở đời, bất luận cùng hay thông, không thể không xét điều nên theo, điều nên bỏ, nắm cho rõ ràng, không bị ngoại vật khiêu gợi để khỏi mê muội. Vốn mỗi vật đều tự an với lẽ đương nhiên của nó, ấy cũng là ý nghĩa của Dữ Dã. Đối với ta nào dám nghi ngờ mong học được điều đó. Những điều khác tuy ngổn ngang ở trước mà chỉ không ở tại đấy. Tuy nhiên chỉ có lời của Dữ Dã mới giải thích được rằng người ta muốn tận theo thiên lý lưu hành tùy nơi mà tràn ngập, không chút khiếm khuyết. Những khiếm khuyết ở trong lòng cùng dằng dặc với vạn vật trong trời đất, ai có chỗ nấy. Cái ta được là khu vườn này. Tuy đã đền đáp hậu hĩ và cũng đạt được nguyện vọng, nhưng chẳng biết giá cả có thích đáng chưa, bọn dân kia sau khi chuyển cư cày bừa có yên không, đời sống như thế nào, có nói gì không, có biết gì không về Dữ Dã của ta? Nói chung, mọi việc phải suy từ mình để xét đến người. Chính vì vậy nên ta ghi tấm lòng của ta vào bài ký Dã Viên này.

Triều Tự Đức thịnh hành Nho học
Kẻ đương thời thích học từ chương
Văn thơ câu nệ khoa trường
Bế quan tỏa cảng ngày càng thoái lui


Xuống chiếu sai định thêm các ngạch
Với văn bằng thì đặt như sau
Thủ Khoa, Bảng Nhãn đỗ đầu
Thám Hoa, Hoàng Giáp đứng sau loại này

Gọi Tiến Sĩ liền ngay sau đó
Thêm Cử Nhân, chót đổ Tú Tài (1847 , 1851)
Đích thân vua chọn người hay
Tấn phong quan Trạng trong ngoài xướng danh

Vừa hoàn thành "Đại Nam Hội Điển" (1856)
Ghi các điều Chế, Chiếu, Biểu, Nghi
Các điều lệ định trường quy
Chính danh mọi việc dễ bề an dân

Lập nhà thờ Hiền Thần, Trung Nghĩa (1857)
Lại cho tìm hậu duệ các quan
Thành, Chất, Văn Duyệt hàm oan
Nay cho con cháu chức hàm, tước quan
Hồi Tây Sơn có Võ Trường Toản (1852)
Một danh sư ở ẩn giữa đời
Học trò lắm kẻ nên người
Vua phong Tố Đức lập nơi để thờ

Mấy năm đầu triều vua Tự Đức
Một vài nơi cướp giựt nổi lên
Cao Bằng thổ phỉ phía trên
Nông dân làm loạn dưới miền Hải Dương


Ở Mỹ Lương có Lê Duy Cự
Được tôn làm Soái Chủ vùng này
Quân sư Bá Quát dưới tay
Chiêu quân chiếm lấy Sơn Tây bấy giờ

Cao Bá Quát nhà thơ lỗi lạc
Người Gia Lâm, Kinh Bắc ngoại thành
"Chu Thần Thi Tập" nổi danh
Nói lên được cái nhân sinh bấy giờ

Là Quân Sư cho Lê Duy Cự
Bị tuyên án xữ tử chém treo
Ghép vào tội phản Hòang Triều
Giúp quân phiến lọan làm điều tác oai

Sau biến cố dưới thời Thiệu Trị
Vua Tự Đức nghiêm trị nhiều hơn
Luật ra cấm đạo trong dân
Với điều phân sát giam cầm biết tay
Ba Giám Mục là dân nước Pháp
Bị triều đình xử phạt tận tình
Bắt giam riêng biệt một nơi
Rồi đem xữ giảo từng người răn đe

Tin thảm sát bay về Pháp Quốc
Nã Phá Luân lập tức ra quân
Binh thuyền sửa soạn đưa sang
Dọn đuờng xâm lược dần dần nước ta 


Montigny cử qua thương thuyết
Đến Đại Nam xin để bang giao
Cửa Hàn thuyền chiến theo vào
Sứ Thần của Pháp dâng thư lên ngài

Vua từ chối truyền sai chuẩn bị
Lập đồn lũy bố trí tuần tra
Thần công đặt vịnh Sơn Trà
Cửa Hàn cửa Thuận quân ta canh phòng

Tàu của Pháp vào trong Cửa Thuận
Đi lòng vòng do thám nước ta
Có khi đến bãi Sơn Chà
Thường xuyên lảng vảng xa xa bên ngoài

Ở Biên Hòa cho người lên bộ
Đến Quãng Bình neo lại điều nghiên
Rồi qua Nam Định, Thái Bình
Lên bờ khảo sát địa hình ra sao


***
PHÁP ĐÁNH ĐÀ NẲNG (1858)

Nã Phá Luân mỡ đầu cuộc chiến
Cử đi ngay pháo hạm chiến thuyền
Genouilly Trung Tướng toàn quyền
Ba ngàn lính thủy được đem theo cùng

Espagnol hợp chung với Pháp
Hội ý nhau bèn lập liên quân
Quảng Nam trực chỉ dong buồm
Ra sức bắn phá hạ đồn An-Ton (1858)

Lê Đình Lý cùng quan Đào Trí
Dàn binh vùng Cẩm Lệ giao tranh
Chẳng may trúng đạn trên thành
Rút về hậu cứ chia quân chặn đường

Nguyễn Tri Phương tăng cường giữ ải
Đồn Liên Trì, An Hải, Trấn Quan
Dằng dai lựa thế cầm chân
Lính Tây bệnh dịch thất thần rút ngay

(Còn tiếp)






Không có nhận xét nào: