Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn XIV - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn XIV
                                          Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

***

Chữ Nghĩa Làng Văn
Đào và kép

Sử thi có ghi đời Lý có cô ca sĩ là Đào Thị hát rất hay thường được vua ban thưởng. Hát ả đào cũng do đấy mà ra

Sau này bất cứ cô nào hát hay, người ta gọi là đào nương hay đào hát.

Còn đàn ông gọi là kép hát. Chữ “kép” từ chữ “giáp” mà ra. 
Giáp là “quản giáp”, là nam diễn viên có tài, được giữ chức quản lý đoàn hát. 

Về sau này dân gian gọi “kép cải lương” là vậy. 
(Kỷ niệm sân khấu – Nguyễn Ngọc Ngạn)

Chữ quốc ngữ

Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) dấy lên phong trào sáng tác bằng chữ quốc ngữ ở trong Nam. Phạm Quỳnh (1892-1945), Nguyễn văn Vĩnh (1882-1936), Trần Trọng Kim (1883-1963)... thúc đẩy việc dùng quốc ngữ để xây dựng nền văn học mới ở miền Bắc. Tuy nhiên, trong tình trạng khi trào lưu báo chí, sáng tác, biên khảo... rộ nở trong những năm đầu thế kỷ XX, sử dụng thứ văn tự mới được chính thức dùng trên văn đàn, trên luận đàn khó tránh khỏi có nhiều sơ sót về cách viết, về chính tả, về từ ngữ và về cách đặt câu.

Độc giả tân học khi ấy có thể không thấu hiểu hết các từ gốc chữ Hán, độc giả cổ học chưa quen với những từ ngữ mới về khoa học, kinh tế. Muốn hoàn thiện chữ quốc ngữ cần tự điển nhưng tự điển của Huỳnh Tịnh Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), Trương Vĩnh Ký (Grand Dictionnaire Annamite-Français -Đại Tự Điển An Nam-Pháp) mức phổ biến rất hạn chế và sau này Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931).

Giới trí thức buổi đầu có những cuộc tranh luận về cách viết chữ quốc ngữ, nào chính tả, nào cách sử dụng từ ngữ sao cho chính xác và dễ phổ cập. Chẳng hạn cuộc bút chiến giữa Phạm Quỳnh và Nguyễn Háo Vĩnh, v…v…

(Phan Khôi, Ngự sử văn đàn - Hoàng Yến Lưu)

Chữ và Nghĩa
Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?   

Xác tín là tin chắc , “chính xác” là đúng y, hai chữ không liên quan gì tới nhau, và được dùng đề huề ở cả hai miền (thậm chí có thể miền Nam dùng “xác tín” nhiều hơn miền Bắc)  
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Giai thoại làng văn 
Phan Khôi - Trần Trọng Kim 

Đầu năm 1930, Trần Trọng Kim cho xuất bản cuốn I của bộ Nho Giáo của ông, trình bày khá cặn kẽ về thân thế, sự nghiệp và học thuyết Khổng Tử cùng trường phái nho giáo. Phan Khôi đã đọc Nho Giáo của Trần Trọng Kim rất kỹ lưỡng và trên Phụ Nữ Tân Văn số 54, ngày 29-5-1930, sau khi ca ngợi công lao của Trần Trọng Kim, đã công kích ông này lầm lẫn Khổng Học với Tống Nho.

Trần Trọng Kim đã theo dõi công việc làm của Phan Khôi và để tâm suy nghĩ về những lời lẽ công kích của ông. Chính vì vậy mà Trần Trọng Kim đã lên tiếng trả lời Phan Khôi nơi bài "Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng Giáo" (P.N.T.V. số 60, 10-7-1930). Trong bài này, Trần Trọng Kim có chịu là Phan Khôi có lý ở nhiều điểm, nhưng không trả lời đúng vào cái điểm mà Phan Khôi đã công kích ông.

Có lẽ vì vậy mà trên Phụ Nữ Tân Văn số 62, 24-7-1930, trong bài "Cảnh cáo các nhà học phiệt ", cho dù mục đích là để tấn công Phạm Quỳnh, Phan Khôi cũng vẫn trách khéo cả Trần Trọng Kim như là cố ý lẩn tránh vấn đề.

Vấn đề Phan Khôi nêu ra năm 1930, và đến năm 1932, khi cho tái bản Nho Giáo, Trần Trọng Kim đã cho sửa chữa, thì Ngô Tất Tố lại khơi lại để công kích Trần Trọng Kim năm 1940. 

Cuộc tranh luận này cho ta thấy hai nhà học giả họ Phan và họ Trần đã có thái độ trí thức rất đáng phục. Chính thái độ ấy đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề triết học bấy lâu bị thiên hạ hiểu rất mu mờ. 
(Phê bình văn học thế hệ 1932 – Thanh Lãng)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thiên đường hữu lộ vô nhân vấn
Địa ngục vô môn hữu khách tầm

Phan Khôi : Người dịch Kinh Thánh
 
Đối với Phan Khôi, tài năng thi ca, làm báo, tranh biện triết học của ông đã có nhiều người xưng tụng ông như một “ngự sử văn đàn”. Ở đây chỉ nói về tài năng của ông trong việc dịch các kinh Tân Ước và Cựu Ước ra tiếng Việt (trong 5 năm 1920-1925). Phan Khôi từng viết về giá trị văn chương của Thánh Kinh năm 1930 khi giới thiệu trên báo Phụ Nữ Tân Văn: “Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá. Văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh Thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu!”
.
Năm 1923, Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tại Hà Nội. Toàn bộ Kinh Thánh được thực hiện xong vào năm 1925. Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có cụ Phan Khôi, ông bà William C.Cadman, Giáo sĩ John D.Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính là cụ Phan Khôi. (Báo Linh Lực, 1.1996).

Ca dao thề nguyền

Đã nghề khóc mướn, cười thuê
Tin chi lời bậu câu thề trăm năm

Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 
Nguyên Hồng

Anh có tật trước khi viết, anh nhúng đầu cho ướt, để khỏi… bốc mạnh quá. Còn Schiller thì không hiểu sao lúc nào trong ngăn kéo của bàn viết phải có một trái táo, nhưng không phải táo ngon, mà là… táo thối. Mỗi người một tánh một tật. Trước khi viết bộ tiểu thuyết Sóng Gầm, anh có cho tôi coi dàn bài.

Bạn thử tưởng tượng: Một tấm giấy lớn như mặt bàn ăn cơm, trong đó kẻ những ô vuông vức đầy bít những chữ và những làn gạch chéo nhau, những dấu ngoặc lớn nhỏ đủ màu xanh, đen đỏ và những chữ thập đánh dấu chỗ nọ chỗ kia tùm lum, nhìn vào tưởng như bản đồ hình thể của thế giới vậy. 
Đó là dự án tiểu thuyết của Nguyên Hồng.

Mỗi ô là một chương, trong mỗi chương anh ghi rõ sự việc chính xảy ra với những nhân vật nào. Rồi nhân vật này liên hệ với nhân vật khác ở cùng chương hoặc ở chương khác ra sao. Sự biến đổi của các nhân vật, sự xuất hiện và biến mất của họ, và sự việc nào kết thúc ở chương nào, hoặc tái hiện ở chương nào. 
Ôi thôi, vô số nét trên tấm giấy ly kỳ này. Anh cho tôi xem và giải thích, tôi không thể nào theo dõi nổi. Nhưng có cái hay là tôi được biết phương pháp làm việc của một nhà văn trong việc xây dựng một tiểu thuyết.
(Xuân Vũ)

Chữ Việt cổ

Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
Quá đọa: dở dang
(Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Tác giả cuộc đời và sự kiện
Lê Văn Trương 1

Lê Văn Trương (1906-1964), bút hiệu Cô Lý, là nhà báonhà văn thời tiền chiến. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học hiện nay, ông được xem là cây bút có số lượng tác phẩm nhiều nhất.

Ông sinh tại làng Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng Hà Nội. Ông học trường BưởiHà Nội). Học đến năm thứ ba thì bị đuổi, vì cùng với một vài bạn cầm đầu cuộc biểu tình chống đối lại hiệu trưởng người Pháp đã mắng học sinh người Việt là "Sale Annamite" ("Tên An Nam bẩn thỉu!"). Ông tham gia làng báo, làng văn ở đất Bắc, cộng tác với báo Trung Bắc tân văn, với nhà xuất bản Tân Dân và các cơ quan ngôn luận của nhà xuất bản này: Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Truyền bá.
Ông tham gia chiến dịch đánh Pháp ở Nam Định năm 1952 và tường thuật lại trong cuốn tiểu thuyết "Tôi Là Quân Nhân", nhưng bị phê phán tơi bời là đề cao "chủ nghĩa anh hùng cá nhân".

Đầu năm 1954, ông vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách. Năm 1959, ông làm việc cho Đài phát thanh Sài Gòn được một thời gian thì gặp chuyện không may: Vì trùng tên với một người dám đả kích bà Ngô Đình Nhu. Mặc dù đã minh oan và cả sau khi sự việc đã rõ, bà Trần Lệ Xuân vẫn dửng dưng không đính chính. Ông bị đài Phát thanh sa thải. Cảnh nhà hết sức quẫn bách cộng thêm nỗi sách in ra không bán được, công việc kinh doanh cũng đình đốn.
Tác phẩm: Loại truyện phiêu lưu ly kỳ của những trai tứ chiếng, gái giang hồ: Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, Cô Tư Thung, Cánh sen trong bùn, Trường đời, Tôi thầu khoán, Những đồng tiền xiết máu,...

Săng
Săng : cây, gỗ
(săng, quan tài bằng gỗ)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


122 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Khi loạt bài viết về quê nhà sau 40 năm trở lại, tôi được nhiều người gọi tới thật bất ngờ. Một trong những sự bất ngờ đó là thi sĩ Nguyên Sa. Anh gọi lại và nói: “Xin phép anh cho tôi được in lại loạt bài của anh trên báo Dân Chúng của tôi...” Tất nhiên là tôi vui vẻ nhận lời ngay. (…) 
Qua những cuộc điện đàm, tôi được anh cho biết: “Năm 1947 thì phải, lúc tản cư khỏi Hà Nội, gia đình tôi chạy tạt về vùng Thạch Thất, quê anh đấy. Lâu quá không còn nhớ rõ. Tôi chỉ biết là có đi qua cống Đặng, qua con sông, rồi ở nhờ mấy làng ở chân núi.” Tôi lại cười và tiếp lời anh: “Cống Đặng thuộc làng Đặng Xá, làng của anh Tú Kếu – Trần Đức Uyển. Còn cái làng bên kia sông, ấy là các làng có cái tên thật hay là các làng Cần Kiệm, Phú Lễ, Phú Đa, Trúc Động, Hạ Lôi, ở quanh chân núi Câu Sơn, bên kia con sông Tích Giang...” Tôi vừa nói đến đó thì anh Nguyên Sa vội ngắt lời: “Phải rồi, Trúc Động, tôi nhớ rồi... Làng đầy tre. Một thứ tre to, lá lớn...” 
Tôi tiếp lời anh: “Đó là loại tre mai, lá to như một con cá. Thân tre to và thẳng. Đó là quê của anh Dương Nghiễm Mậu – Phí Ích Nghiễm”. Anh lại cười và nói: "Lạ thế ra nơi đó có nhiều người nổi tiếng quá nhỉ...” (…) Khi tôi viết về Quang Dũng và nói đến chị Hồ Điệp, thì anh lại gọi và nói: "Thế ra anh biết anh Quang Dũng kỹ quá nhỉ. Kể như cùng quê với nhau. Từ làng anh, làng Nủa ra Phùng rất gần. Và chị Hồ Điệp nữa, người làng anh nhỉ”.

Nói về chị Hồ Điệp, tôi muốn nói về quê ngoại của chị ấy và cũng là quê ngoại của chị Thái Hằng, Thái Thanh. Quê thật lắm tài... Đàn ông thì hát chèo thật hay. Đám chèo làng phải phục. Con gái thì hầu như tất cả đầu hát rất giỏi. 
(Nguyên Sa, Hà Nội – Phan Lạc Tiếp)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thở đi nhẹ một kiếp người
Vui đi để có nụ cười thênh thang


Đền Công chúa Liễu Hạnh

Đời Hậu Lê (1557) ở huyện Vụ Bản, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay, có một gia đình nhà họ Lê. Phu nhân Lê Thái Công mang thai gần đến kỳ sinh nở, mắc phải bệnh suy nhược, không có thuốc men nào chữa khỏi. Một hôm, có một vị đạo sĩ đến ra mắt, xin chữa bệnh cho phu nhân. Trước bàn thờ, người đạo sĩ này đọc mấy câu thần chú, rồi vứt chiếc buá ngọc xuống đất. Ông Lê Thái Công bỗng ngã ra bất tỉnh, rồi thấy mình được đưa lên Thiên Đình. Tại đây, ông thấy Công chuá Quỳnh Nương lỡ tay làm rơi chén ngọc, bị đày ải xuống trần gian. 
Khi Thái Công tỉnh dậy, thì hay tin là phu nhân vừa hạ sinh được một cô con gái. Thái Công sung sướng đặt tên con là Giáng Tiên. Lớn lên kết duyên cùng Đào Lang. Ba năm sau, vào ngày mồng 3 tháng 3, Giáng Tiên đột ngột từ trần. Người ta nói nàng là tiên trở về thượng giới. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng thấy nàng chưa hết hạn đi đày, bắt nàng phải trở xuống thế gian. Lần này, nàng xuất hiện dưới lốt một vị nữ thần, đi theo là 2 ngọc nữ Quế Nương và Thị Nương. Theo lệnh thiên đình, 3 vị tiên nữ đã hiện xuống giữa ban ngày ở vùng Phố Cát, tỉnh Thanh Hoá

Trong thời gian còn ở Thanh Hoá, Công chuá Liễu Hạnh đã ngao du khắp nơi, nhất là ở Lạng Sơn. Nàng thường hay lui tới các thắng cảnh ở kinh đô. Có lần, nàng đã giả dạng làm một cô hàng bán rượu ở Hồ Tây, để hoạ thơ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan. Sau khi Liễu Hạnh về trời, hai tiên nữ Quế Nương và Thị Nương thường đứng ra làm trung gian cho dân chúng cầu xin đến công chúa. Dân gian tin tưởng Bà Chuá Liễu, lập đền thờ bà khá trọng thể ở Phủ Giầy, Nam Định, nơi nàng đầu thai. Dân cũng lập đền thờ Bà Chuá Liễu ở Phố Cát và Đền Sòng tại Thanh Hoá, nơi nàng xuống trần lần thứ hai. Tại Hà Nội, có đền Sùng Sơn ở đường Hàng Bột, thờ phượng bà Chuá Liễu. 

      
Câu đối Tết
Nực cười thay: 
nêu không, pháp không, vôi bột cũng không, mà tết.

Thôi cũng được: 
rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi .
(Trần Tế Xương)


Nguồn gốc tộc Việt 
Mongoloid

Trước khi minh định cho thực rõ người Mongoloid từ đâu mà sinh ra, ta cần xác định lại từ Mongoloid trong khảo cổ học không có nghĩa là người Mông Cổ của nước Mongol, cũng như Malanesian không có nghĩa là người Mã Lai, Indonesian không hẳn phải là người Nam Dương

Giản dị là khi có những tộc người này nhân loại chưa có quy chế quốc gia, tất nhiên cũng chưa có các nước Mongol, Indonesia, Malaysia… Gia dĩ, khởi thủy nhân loại chỉ coi như gồm ba đại tộc: Mongoloid là đại tộc da vàng ở Á Châu gồm hai loại: Bắc Mongoloid ở từ Ngoại Mông về phía Bắc và Nam Mongoloid ở toàn cõi đại lục Á Châu; Europoid, đại chủng da trắng ở Âu Châu; và Négro – Australoid, đại chủng da đen ở Phi Châu và các đảo Nam Thái Bình Dương.

Việc tìm thấy sọ loại Mongoloid thời Đồ Đồng có ít hơn thời Đồ Đá là do một lý do khác sẽ được làm sáng tỏ trong phần dưới đây chứ không phải vì lý do người Mongoloid đã từ phương Bắc di cư đến như trước kia đã hiểu. Hãy lấy một thí dụ: chỉ có một địa điểm Hang Nậm Tum thuộc tỉnh Sơn La vùng Tây Bắc, trong thời tiền sử người ta đã thấy có hai lớp người đến cư trú để lại nhiều công cụ, nhiều ngôi mộ, nhiều di tích khiến người ta biết được hai lớp người tại đây cách nhau khá xa: lớp đầu thuộc văn hóa Sơn Vi (Hòa Bình I, khoảng hơn 20.000 năm trước Công Nguyên), lớp sau thuộc hậu kỳ đá mới bắt đầu thời kỳ kim khí (khoảng từ 1000 năm trước Công Nguyên trở lại). Giữa hai lớp này có một khoảng cách chứng tỏ không có con người sinh sống tại đây đến mười mấy ngàn năm (Võ Quý, KCH 1&2 – 1990, trang 25).

Chỉ tiếc những xương cốt để lại toàn là những mảnh sọ, những răng nanh, xương cẳng tay, ngón tay không nguyên vẹn khiến người ta khó đoán biết chủ nhân hang động này trước kia thuộc chủng tộc nào?
(Nguồn: Cung Đình Thanh)

Hát ví Nghệ Tĩnh


6. Hát ví Nghệ Tĩnh:
Hát Ví Nghệ Tĩnh là những loại dân ca xuất hiện trong nghề nông và nghề thủ công. Có nhiều điệu hát ví như: hát phường vải, hát phường cấy, hát đò đưa, hát phường buôn… Trong những điệu hát này, hát phường vải và hát phường cấy có tổ chức và phổ biến hơn cả.
(Vũ Ngọc Phan)


Tác giả cuộc đời và sự kiện
Lê Văn Trương 2

Theo thi sĩ Nguyễn Vỹ, bạn Lê Văn Trương- ông Trương là người  rất vui tính, rất tốt, ăn to, nói lớn, mà nói luôn mồm, chuyên môn nói phét, nói tục, nhưng rất thành thật, ngay thẳng...
Lê Văn Trương nói chuyện thế nào, thì viết tiểu thuyết cũng y như thế: "Lê Văn Trương là một cái máy nói ra một cái máy viết"... Nói liên miên, và liên miên... Nhớ gì nói nấy, nhiều khi chẳng ăn khớp vào đâu với đâu cả... đến nỗi nhiều khi anh tự mâu thuẫn với anh mà anh không biết... Ở Hà Nội tiền chiến, Lê Văn Trương là một tay phong lưu hào hiệp, áo quần bảnh bao, ăn tiêu rộng rãi. Từ khi di cư vào Sài Gòn, anh nghèo túng, lại mang bệnh ghiền (thuốc phiện). Anh không còn viết được một tiểu thuyết nào nữa. Khả năng sáng tác của anh hoàn toàn kiệt quệ...

Nguyễn Vỹ trong hồi ký của mình viết về Lê Văn Trương: 
Vài ngày sau cái chết của Nguyễn Tường Tam, Lê Văn Trương đến thăm tôi tại tạp chí Phổ Thông. Anh buồn bã gục đầu xuống. Một lúc khá lâu, Lê Văn Trương cất tiếng: "Thằng Nhất Linh  đi rồi, bạn cũ tụi mình ở đây chỉ còn mày, với một vài thằng nữa thôi. Nhưng tao buồn là không để lại một tác phẩm nào xứng đáng với cuộc đời của tao". Im lặng một lúc, Lê Văn Trương lại nói tiếp: "Tớ muốn cậu tự ý chọn một quyển truyện nào của tớ mà cậu ưng ý nhất, cậu viết một bài phê bình thật đầy đủ, cho tớ xem trước khi tớ làm cuộc du lịch cuối cùng và vĩnh viễn". Tôi hỏi: "Trong tất cả các truyện cậu đã viết cậu thích quyển nào nhất". Lê Văn Trương trả lời liền không do dự: "Tớ đ. thích quyển nào". - "Ít nhất cũng có một vài quyển hay hơn các quyển khác chứ". - "Tớ viết quyển nào cũng hay cả, mà chẳng có quyển đ. nào hay cả! Thế mới chó" 

Câu nói mâu thuẫn đó tiết lộ tính chất sáng tác đặc biệt của Lê Văn Trương. Tác phẩm nào cũng hấp dẫn nhưng không có một kiệt tác. Tôi bảo: "Cậu chọn một vài quyển tương đối nổi bật hơn hết, đưa đây tôi. viết một bài dài và khách quan". Nhưng tôi đã chờ mãi Lê Văn Trương cho đến ngày anh mất.

Ngày 25 tháng 2 năm 1964, Lê Văn Trương mất tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, trong cảnh nghèo đói và tật bệnh, lúc 58 tuổi.

Hát đồng dao  
Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em. Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, lời hát trong các trò chơi dân gian. Hoặc giả các bài hát vui vui, các bài đồng dao kiểu nối vòng… Thí dụ như:
Kỳ nhông là ông kỳ đà 
Kỳ đà là cha cắc ké 
Cắc ké là mẹ kỳ nhông 
Kỳ nhông là ... 

Hay:
Chim ri là dì sáo sậu 
Sáo sậu là cậu sáo đen 
Sáo đen là em tu hú 
Tu hú là chú bồ các 
Bồ các là bác chim ri 
Chim ri là ... 


Lễ hội Con đĩ đánh bồng 
Mùng 9 tháng Giêng, làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) lại tưng bừng mở lễ hội truyền thống, đây là nơi thờ Thành hoàng Phùng (Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng). 

Tục xưa kể rằng, vào thế kỷ thứ 8, vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương tập họp các nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc để bao vây đạo quân nhà Đường. Để khích động tướng sĩ và cũng là để giải trí cho nghĩa quân, nhà vua đã cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng. Kể từ đó, hàng năm vào mùa xuân, từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội rước Thành Hoàng Phùng.

Trong lễ rước trang trọng, lễ hội của cả làng có nhiều nghi thức từ xưa truyền lại. Đặc biệt, rất nhiều điệu múa được tổ chức linh đình, hấp dẫn và thu hút người xem. Quan trọng nhất là điệu múa trống bồng hay còn gọi là múa "con đĩ đánh bồng". Chính xuất phát từ điệu múa cổ này mà cho tới giờ, làng Triều Khúc vẫn giữ nguyên bản không hề thay đổi 
(Nguyễn Dư)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ Điển Từ và Ngữ Việt NamTừ Điển Từ và Ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

phi công 飛工 

Phi là bay, phi công là người lái máy bay. Ðiều đó thì ai cũng biết cả nên soạn giả cũng không lầm. Nhưng ông không hiểu từ tố “công” nên đã giảng sai nghĩa của nó. Chữ công, trong từ này nghĩa là người thợ, cũng giống như trong các từ công nhân, nhạc công, vũ công (thợ múa), chứ không phải công nghĩa là ông, như soạn giả đã nghĩ. Nên chú ý rằng, từ phi công có lẽ do người Việt Nam đặt ra, vì trong các từ điển của Trung Quốc, không có từ này mà chúng tôi chỉ tìm thấy từ "phi hành gia".
 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đi đâu cho thiếp theo cùng
No thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp dzông

Nhớ món ngon Sài Gòn
Phở Turc
Nhưng rồi cũng qua đi cái thời ăn để mà sống, người ta bỗng nhớ đến thời… sống để mà ăn ở Sài Gòn hoa lệ ngày nào. Theo tôi, một trong những món ngon đó phải kể đến phở. Mặc dù phở có xuất xứ từ miền Bắc nhưng phở Sài Gòn thường ăn kèm với giá, ngò gai, húng quế vẫn ngon hơn phở Hà Nội thiếu hẳn các loại rau thơm mà lại không có giá.

Sài Gòn 1954, lúc người Bắc mới vào Nam, những tiệm Phở Bắc hãy còn đếm được trên đầu ngón tay. Đó là mấy tiệm Phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, Phở Minh đường Pasteur và Phở 79 ở đường Frère Louis (sau này đổi tên thành đường Võ Tánh) 

Vào đến Sài Gòn ngày xưa có con đường tên Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), một đầu là đường Tự Do (Catinat), đầu kia là đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy). Tiệm Phở Bắc được bán trong khuôn viên nhà thờ Hồi Giáo này, nên có tên là Phở Turc.
(Hồi ức một đời người - Nguyễn Ngọc Chính)


Mả Ngụy 

Theo ông Trần Ngươn Phiêu: “Năm 1940, Pháp sợ Việt Minh sau khi đánh Lạng Sơn rồi sẽ đánh Sài Gòn. Pháp cho đào “tăng-xê” ở phần đất trống sau trường Petrus Ký để phòng thủ, rất nhiều quan tài (sic) chôn từ xưa đã được quật lên. Vì nơi đây là mồ tập thể chôn 1,831 quân nổi lọan của Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) bị Minh Mạng giết. Vì chôn tập thể nên dân chúng vùng này gọi là “mả lọan”. Bãi tha ma “mả lọan” rộng lớn này còn có tên khác là “Đồng Tập Trận” vì quân đội Pháp ở Thành Ô Ma dùng nơi đây để tập trận. Về đêm, nhất là khi có mưa, học sinh nội trú trường Petrus Ký ở lầu cao thường hay mở cửa sổ để xem “đèn ma” do chất lân tinh cháy lên từ bãi Mả Ngụy”.


"Nhập gia vấn húy" 
Vua Minh Mạng nhà Nguyễn có 142 người con. Để tránh rắc rối cho đời sau, ông có sáng kiến làm một bài thơ 20 chữ (Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh... Thế Thuỵ Quốc Gia Xương), mỗi chữ sẽ được dùng làm tên đệm cho một thế hệ con trai. Chỉ những người có tên đệm kiểu này mới thuộc dòng chính thống, mới có thể được lên làm vua.  Sẵn hứng, vua làm thêm 10 bài thơ khác cho 10 anh em của vua. Được vài đời, có người cách tân, dùng luôn chữ đệm thay cho họ. Từ đây, xảy ra trường hợp cha con mang họ khác nhau.  Thí dụ ông Ưng A, đặt tên con là Bửu B. Con Bửu B sẽ có tên là Vĩnh C v.v... Người Việt có người hiểu, người không hiểu. Như: Vua Duy Tân (Nguyễn Phước Vĩnh San) bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion. Ông lấy vợ người Pháp. Con trai ông là Georges Vĩnh San. Vĩnh San được dùng làm họ. 

Lịch sử Việt Nam tới chữ Vĩnh của bài thơ của Minh Mạng thì bị đứt đoạn (Bảo Đại tên là Nguyễn Phước Vĩnh Thuỵ). 
(Nguyễn Dữ - Người đâu tên họ là gì?)


Váy Đình Bảng
Bài Lá diêu bông có câu “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”.
Mẹ tôi (Hoàng Cầm) xưa vốn là một cô gái Kinh Bắc (Bắc Ninh) có nhan sắc, óng ả, kiều diễm, có đôi mắt “lúng liếng” thật tình tứ, đôi mắt rất quan họ, có dáng đi đài các, uyển chuyển khi mẹ tôi mặc chiếc váy lụa kiểu Ðình Bảng, mép váy buông chùng cửa võng xuống mu bàn chân, ai trông thấy phía trước mặt đều tưởng như người con gái này đang đi trên sóng rập rờn, nhất là khi biết cách mặc cho đúng “mốt Ðình Bảng”, nghĩa là biết chếp nếp thế nào đó trên thắt lưng để ở phía dưới càng có nhiều pli càng đẹp. Cô nào giỏi chếp nếp thì từ mép váy lên có đến bốn pli. Nói rằng cô gái đang đi trên sóng, là một cách nói chuẩn xác
(Lại Nguyên Ân - Hoàng Cầm tác phẩm – Thơ) 


Nam Kỳ lục tỉnh: Đất nước và con người
Văn học Nam Kỳ 
Ngoài tính chất thực tiển phù hợp với nhu cầu ngôn ngữ và truyền thông của người dân Nam Kỳ, chữ quốc ngữ, sở dĩ được phát triển dễ dàng hơn trong Nam là nhờ sự đóng góp tích cực cùa giới truyền giáo Thiên Chúa, vốn đã phổ biến và sử dụng ngôn ngữ nầy từ thời Alexandre de Rhodes để truyền đạo. 

Trong cuộc Nam Tiến, để có thể giữ đạo trước chánh sách cấm đạo của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, nhiều làng giáo dân đã giăng buồm bỏ xứ vào lập nghiệp ở vùng đất mới, đặc biệt vùng cù lao ven sông Tiền, sông Hậu hay cửa sông, cửa biển (Cái Mơn, Cái Nhum, Mặt Bắc, Thom, Mõ Cày, Sốc Trăng, Ba Thắc...). Nhiều tác phẩm nghiên cứu, tiểu thuyết tiền phong viết bằng chữ quốc ngữ theo cấu trúc của Tây Phương đã xuất hiện trong các xóm đạo từ giữa thế kỷ 19 và nhiều tác giả tiêu biểu của thời kỳ nầy đều là tín đồ thiên chúa giáo như Huỳnh Tịnh Của (1830-1908: 26 tác phẩm), Trương Vĩnh Ký (1837-1898: 111 tác phẩm) Nguyễn Trọng Quản (1865-1911), Trần Thiên Trung (bút hiệu của Trần Chánh Chiếu 1867-1919). 

Trong hoàn cảnh đặc thù như vậy, mảng văn học Nam Kỳ đã phát hiện và phát triển mạnh mẽ từ năm 1865 cho đến khi đất nước qua phân năm 1954. Nhưng mảng văn học nầy bị bỏ quên, vì không được biết hay bị bỏ qua vì bị đánh giá thấp nên không xét tới.. Truyện Thầy Lazaro Phiền, (chuyện một thầy giảng vì không đáp lại mối tình của một người đàn bà nên bị người đàn bà nầy trả thù bằng cách cáo gian vợ của thầy giảng ngoại tình. Thầy giảng ghen và thuốc vợ chết. Vợ chết rồi thầy mới biết là vợ chết oan. Thầy bị lương tâm cắn rứt cuối cùng cũng chết).

Nguyễn Trọng Quản, một tiểu thuyết tình cảm viết theo lối Tây Phương đã được xuất bản ở Saigon từ năm 1887 (J. Linage Éditeur), có thể được xem như mở đầu cho tiểu thuyết tây phương trong lịch sử văn học nước ta (Địa lý văn hóa TP Sài Gòn, qu. 2, tr. 234) nhưng các nhà nghiên cứu văn học vẫn nhứt quyết là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, xuất bản ở Hà Nội năm 1924 là quyển tiểu thuyết đầu tiên viết theo thể loại nầy. 
(Lâm Văn Bé)













































Không có nhận xét nào: