Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Kinh Cầu Ơn Phước - Đào Anh Dũng

Kinh Cầu Ơn Phước                          
đào anh dũng                    

Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 405 tháng 5/2020

Tản bộ khắp xóm được khoảng 45 phút, ông bà Hùng trở về nhà. Sáng sớm, trời Florida trong xanh, ánh nắng dịu dàng, gió thổi thoang thoảng mùi hoa lá, mát rượi. Bà mở cửa, bước vào nhà. Ông ở ngoài, mở vòi nước để tưới các chậu bông, chậu kiểng, chậu rau, và sân cỏ trước nhà.
Ông bà Hùng 'dời đô' về tiểu bang miền Nam này được bảy tháng nay, mua một căn nhà tiền chế ở trong một khu gọi là 55+, dành riêng cho những người 55 tuổi trở lên. Đây là một quyết định rất là khó khăn cho ông bà. Gia đình con cháu vẫn còn ở Minnesota, một trong những tiểu bang miền Bắc giá lạnh; nhưng tuổi già với cái bệnh đau nhức khớp xương buộc ông bà phải rời xa người thân, về nghỉ hưu ở miền nắng ấm. Rất may là vào thời buổi 'kỹ thuật số' này, bất cứ lúc nào ông bà và con cháu cũng có thể gọi nhau, thấy mặt nhau trên điện thoại di động.
Khi đưa tay tưới chậu bông hải đằng màu đỏ đang  nở xum xuê, nằm trên cái khuôn hình trái tim máng vào trụ sắt cắm ở giữa sân cỏ, ông Hùng thầm cám ơn cụ White, một người hàng xóm của ông bà. 
                                          image1.jpeg

Mới trưa hôm kia đây thôi, ông bà Hùng tản bộ đến nhà cụ hàng xóm này. Già yếu, tuổi đã trên 80 lại hay bệnh hoạn, cụ White phải bán căn nhà và hầu hết các vật dụng trong nhà của cụ để vào ở trong viện dưỡng lão. Vì có lệnh cấm túc do nạn dịch từ Vũ Hán, cô con gái út của cụ White chỉ mời những người ngụ cùng khu 55+ đến mua với giá rẻ những món họ ưa thích hay cần thiết mà thôi. Cô cho biết những món không bán được cô sẽ tặng cho hội từ thiện Salvation Army.
Bà Hùng mua một cái chảo trông vẫn còn mới và vài dụng cụ nhà bếp. Riêng ông thì ông chọn một cái kéo để tỉa nhánh cây và một trụ sắt để ông treo một chậu bông và cắm nó trước sân nhà cho đẹp mắt. Khi mang hai món này đến gặp cô con gái của cụ White để hỏi giá và trả tiền, ông Hùng thấy trên bàn có một bức tranh thêu với năm bảy dòng chữ. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đó là phong cảnh của xứ Ái Nhĩ Lan và những dòng chữ là một bài thơ cầu ơn phước ông đã từng đọc qua. Không có một chút do dự, ông đưa tay lấy thêm bức tranh thêu.

image2.jpeg

Ông Hùng mua thêm bức tranh thêu ấy vì nó gợi lại ký ức những ngày tháng ông đi làm việc ở Galway và Dublin, hai thành phố của xứ Ái Nhĩ Lan, vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Ông thấy bài thơ này treo trên tường phòng khách ở nhà của hầu hết các người bạn cùng sở làm nên ông lấy làm lạ. Ông hỏi thì họ cho biết đây là bài thơ người Ái Nhĩ Lan đọc để chúc nhau trong mọi dịp, nhất là ngày xưa khi ông bà của họ tiễn đưa thân nhân ra đi tìm nguồn sống mới ở Mỹ hay Úc Châu. Đó là những cuộc hành trình bằng đường biển rất xa xôi và nguy hiểm. Khi ông hỏi ai là tác giả bài thơ, người  bạn này nói "vô danh" vì không ai biết tên tác giả, người bạn kia cho rằng tác giả chính là thánh Patrick, vị thánh bổn mạng của người Ái Nhĩ Lan. 
Biết được những chi tiết này ông Hùng cảm thấy thích bài thơ và ông xin phép bạn cho ông chép lại để dành mà suy gẫm. Vì sao? Vì ông cũng đã trải qua một cuộc hành trình đầy bất trắc để lánh nạn và tìm tự do vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Và, kể từ ngày ấy ông luôn tự hỏi, nếu không có bàn tay  quan phòng của Thượng Đế thì ông đã ra sao rồi?

Hôm ấy, ông Hùng treo bức tranh thêu trên tường phòng khách nhà mình, và ông đọc đi, đọc lại bài thơ, phỏng dịch nó ra tiếng Việt như sau:

Kinh Cầu Ơn Phước Ái Nhĩ Lan*

Đường đi xin được dễ dàng
Núi không cao vút, ngút ngàn cheo leo
Gió đưa vượt thoát hiểm nghèo
Ánh dương sưởi ấm mang theo chẳng rời
Ơn Trên mưa móc không ngơi
Đến khi gặp lại, bạn ơi vững lòng
Bàn tay Thượng Đế mênh mông
Chở che, thương xót, quan phòng, mến yêu.

Và, kể từ hôm ấy ông bà Hùng xem bài thơ Ái Nhĩ Lan này như một bài kinh, thêm nó vào chuỗi kinh nguyện hàng ngày của ông bà. Nhờ nó mà cả hai ông bà đều cảm thấy vững lòng tin vào lòng thương xót của Chúa và Đức Mẹ Maria nhiều hơn. Kể từ tháng rồi, những bản tin, lời bàn về trận dịch gọi là Covid-19 trên truyền hình và báo chí địa phương hay trên mạng sao quá bi quan, tiêu cực...

"Ông nội! Cháu gọi Facetime nè!"
Tay cầm điện thoại, miệng gọi ông hơi lớn tiếng, bà Hùng làm ông giật mình, buông tay tắt nước tưới cây. Từ khi có nạn dịch, cứ đôi ba ngày là mấy đứa cháu gọi điện thoại nói chuyện với ông bà. Đáng lý ra vài ngày nữa ông bà sẽ lên đường trở về Minnesota thăm con cháu và ăn lễ Phục Sinh với chúng nó, nhưng nạn dịch Covid-19 đã làm xáo trộn mọi dự tính của ông bà. Ông bước đến gần, nhận máy điện thoại từ tay bà, miệng cười vui vẻ, mắt nhìn mấy đứa cháu trên màn ảnh điện thoại, sung sướng hỏi chúng bằng tiếng Anh:
"Sao, mấy cháu học hành ở nhà có giỏi không?"
"Giỏi, giỏi lắm, thưa nội!"
Mấy đứa cháu của ông lao nhao trả lời. Ông chưa kịp khen thì Ái Liên, đứa cháu gái lớn tuổi nhất của ông bà, kéo điện thoại sát vào mặt nó và hỏi:
"Nội khoẻ không? Nội đang làm gì đó?"
"Ông đang tưới cây."
"Ông bà nội có bông hoa gì mới không?"
Ông Hùng bấm nút đổi ống kính chụp ảnh trên máy điện thoại và bước lại gần, cho mấy đứa cháu của ông xem chậu bông hải đường,
"Ồ, bông đẹp quá! Nội mới mua cây sắt máng chậu bông hả?"
"Ừ, ông mới mua." Ông Hùng trả lời và câu hỏi của đứa cháu làm ông nghĩ đến hai món kia, cái kéo để tỉa nhánh cây và bức tranh thêu, ông mua ở nhà cụ White. Vì vậy mà ông tiết lộ:
"Ông cũng có mua một bức tranh thêu phong cảnh xứ Ái Nhĩ Lan thật đẹp với một bài thơ thật hay. Để ông cho mấy cháu xem."
Ông Hùng cầm điện thoại, vừa nói chuyện với mấy đứa cháu vừa chậm rãi bước vô nhà. Ông đưa máy, nhắm vào bức tranh thêu treo trên tường và hỏi:
"Mấy cháu thấy chưa?"
"Đẹp, đẹp lắm nội ơi!" Mấy đứa cháu của ông bà Hùng lại lao nhao trả lời và Ái Liên, Yên, hai đứa cháu lớn, thi nhau đọc mấy câu thơ. Cuối cùng thì Ái Liên nói:
"Nội ơi, nội chụp hình tấm tranh và nội gởi cho con để con đọc lại bài thơ nhen nội."
Ông Hùng bấm máy, chụp hình tấm tranh thêu và cả hai ông bà tiếp tục nói chuyện với mấy đứa cháu, hỏi thăm ba má và ông bà ngoại chúng nó và khuyên anh chị em chúng ở nhà học hành, ngoan ngoãn, giữ gìn sức khoẻ, và nhất là siêng năng cầu nguyện cho đến khi hết nạn dịch, trường học mở cửa trở lại.  Khi ấy, ông bà sẽ trở về Minnesota thăm ba má và anh chị em chúng nó. 

 Nói chuyện với cháu xong, bà Hùng đi vào căn bếp, nấu nồi cháo yến mạch (oatmeal), ông thì bấm máy, gởi hình tấm tranh thêu cho cháu rồi đi pha trà. Khoảng 15 phút sau, khi ông bà đang ngồi ăn điểm tâm thì điện thoại reo "Ping! Ping!" Nhìn vào màn ảnh điện thoại ông thấy tin nhắn của Ái Liên là hai câu cuối của bài thơ Ái Nhĩ Lan:
"And until we meet again,
May God hold you in the palm of His hand."

Ông Hùng cầm điện thoại, bấm vào máy, trả lời đứa cháu của mình bằng năm chữ: "May God bless us all." trong khi bà chậm rãi đọc mấy câu cuối của bài thơ ông phỏng dịch:

"Đến khi gặp lại, cháu ơi vững lòng
Bàn tay Thượng Đế mênh mông
Chở che, thương xót, quan phòng, mến yêu."

Bà thay chữ "bạn" thành chữ "cháu" nghe sao quá hay và đúng lúc. Ông nắm tay bà, siết mạnh. Bà nhìn ông, ánh mắt dịu hiền, hạnh phúc. Ông cảm thấy đời mình tràn đầy ơn phước và ông thì thầm tri ân Chúa, cám ơn Đức Mẹ.

đào anh dũng
Cuối tháng ba, 2020

  • Nguyên tác 
May the road rise up to meet you,
May the wind be always at your back,
May the sun shine warm upon your face,
May the rain fall soft upon your fields, 
And until we meet again,
May God hold you 
In the palm of His hand.
               Irish Blessing






Không có nhận xét nào: