Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 81: Ô, ÔM, ÔNG (Đỗ Chiêu Đức)

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 81 : 

                                                 
                           Ô, ÔM, ÔNG
                       

                         
Nguyệt lạc Ô đề sương mãn thiên           
      
       Chữ Ô 烏 trong câu thơ trên có nghĩa là con Quạ; vì con quạ màu đen nên chữ Ô còn có nghĩa là màu đen, như Ngựa Ô chẳng hạn. Ô từ miền Bắc có nghĩa là cây Dù che mưa của miền Nam, nên ta lại có từ "Ô DÙ", nghĩa bóng là có người che chở, nâng đỡ, đứng mũi chịu sào. Còn Ô của miền Nam là cái khai đựng trầu mà ta thường gọi là "Ô Trầu" thì miền Bắc gọi là "Cơi Trầu" với câu ca dao:

                              Đàn ông nông nổi giếng khơi,
                          Đàn bà sâu sắc như CƠI đựng trầu.

      Trở lại với chữ Ô là "con quạ" trong câu thơ "nguyệt lạc Ô ĐỀ sương mãn thiên 月 落 烏 啼 霜 滿 天" là câu đầu tiên trong bài Phong Kiều Dạ Bạc rất nổi tiếng của Trương Kế đời Đường. Cả bài như sau:

     月 落 烏 啼 霜 滿 天, Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
     江 楓 漁 火 對 愁 眠。 Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. 
     姑 蘇 城 外 寒 山 寺, Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự, 
     夜 半 鐘 聲 到 客 船。 Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền.

mà cụ Tản Đà nhà ta đã thoát dịch rất hay là :

                     Trăng tà tiếng QUẠ kêu sương,
                     Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
                     Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
                     Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

      Ô còn là Ô THƯỚC 烏 鵲 là Chim Khách cũng màu đen, loài chim này bị đánh đồng với loài quạ đen trong truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ, mà ta gọi là Ả Chức Chàng Ngưu mỗi năm gặp nhau một lần nhờ vào loại chim này bắt cầu ngang sông Ngân Hà mà người đời hay gọi là CẦU Ô hay CẦU Ô THƯỚC, có gốc chữ Nho là Ô KIỀU 烏 橋. Như trong truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu:

                          Riêng than chút phận tơ điều,
                      Hán giang chưa gặp Ô KIỀU lại rơi.
                    
                 

     Hay như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phạm Tải - Ngọc Hoa" của ta ở thế kỷ thứ 18 cũng có câu:

                           Đưa thơ tính đã nhiều lần,
                   CẦU Ô rắp bắc sông Ngân cùng nàng.

     Còn trong truyện "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" bằng thất ngôn luật thi (tức truyện Bạch Viên Tôn Các) thì gọi là CẦU THƯỚC:

                    CẦU THƯỚC phen này thênh dịp bước,
                    Tấc gang riêng giữ nghĩa chung tình.

     Trong truyện thơ Nôm "Quan Âm Thị Kính" thì lại gọi là Ô THƯỚC BẮC CẦU với các câu sau:

                           Thiệt công Ô THƯỚC BẮC CẦU,
                       Chàng Ngưu Ả Chức giã nhau từ rày !
                         
             
  
     Sau Ô là ÔM, trong văn học cổ ta có tích ÔM CẦU, tức là "Ôm Cột Cầu" mà chữ Nho gọi là BẢO TRỤ 抱 柱, xuất phát từ thành ngữ BẢO TRỤ CHI TÍN 抱 柱 之 信 (là cái tín nghĩa trong việc ôm cột cầu) có tích trong "Trang Tử- Đạo Chích 莊 子- 盜 跖" như sau:

     Trong thời Chiến Quốc có Vĩ Sinh 尾 生 là người cùng quê với Đức Khổng Tử ở làng Khúc Phụ, người chính trực, tín nghĩa và hay giúp đỡ người khác, được mọi người kính yêu mến phục. Một hôm, có ông láng giềng hết giấm sang mượn, cũng vừa lúc nhà Vĩ Sinh hết giấm. Chàng bèn lén đi ngã sau để mượn ông hàng xóm khác một hủ giấm để về cho ông láng giềng ở nhà mượn. Khổng Tử biết chuyện, chê Vĩ Sinh thiếu thành thật và muốn làm ra vẻ có lòng tốt. Vĩ Sinh không để bụng, chỉ tâm niệm là mình có lòng thành giúp đỡ người khác là đủ rồi. 
     Sau Vĩ Sinh dời qua ở đất Lương (tỉnh Thiểm Tây ngày nay). Ở đây Vĩ Sinh quen với một cô gái, hai người định tính chuyện trăm năm với nhau, nhưng gia đình cô gái chê Vĩ Sinh nghèo không chịu gả. Vĩ Sinh hẹn cùng cô gái gặp nhau dưới chân cầu ngoài Hàn Thành để cùng trốn về Khúc Phụ. Đêm ấy mưa to gió lớn, nước cuốn tràn ngập chân cầu, đợi mãi không thấy cô gái tới, Vĩ Sinh bèn ôm chặc chân cầu và chết đuối vì nước ngập. Phần cô gái vì bị cha mẹ phát giác ý định bỏ trốn nên khóa trái cửa phòng của cô lại, đến khi cô thoát được đến dưới chân cầu thì thấy Vĩ Sinh đã chết, nhưng hai tay vẫn còn ôm chặc lấy chân cầu. Đau lòng qúa mức cô đã khóc ngất lên rồi gieo mình xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy để quyên sinh, viết nên trang bi kịch đầu tiên của tình yêu trong văn học sử Trung Hoa cổ đại.
                         
                           

     Trong truyện thơ Nôm "Bích Câu Kỳ Ngộ 碧 溝 奇 遇" của ta khi tả sự si tình của chàng Tú Uyên với Giáng Kiều cũng có câu:

                       Thôi đừng mộng mị trêu nhau,
                     Trần trần có thể ÔM CẦU mãi ru?

     Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du gọi là ẤP CÂY, khi cho Kim Trọng bày tỏ nỗi lòng tương tư của mình:

                       Tháng tròn như Cuội cung mây,
                    Trần trần một phận ẤP CÂY đã liều !

     Sau ÔM là ÔNG, trong văn học cổ cái Ông được nhắc đến nhiều nhất là ÔNG TƠ, là "Ông già se tơ" dưới trăng, nên chữ Nho gọi là Nguyệt Lão 月 老, tức "Nguyệt Hạ Lão Nhân 月 下 老 人" là "Ông Già Dưới Trăng" (mời đọc lại "Điển Tích Văn Học 2: CHỈ HỒNG) để biết chuyện thư sinh Vi Cố đi tìm người hôn phối gặp được Nguyệt Lão là ông lão chuyên se tơ kết tóc cho trai gái nên duyên chồng vợ như thế nào. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã hai lần sử dụng đến "ÔNG TƠ" để ám chỉ tình duyên của đôi lứa. Khi hay tin Kim Trọng phải đi Liêu Dương hộ tang cho chú, Thúy Kiều đã than vản:

                   ÔNG TƠ gàn quải chi nhau,
              Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.
                 
               

 ...và sau khi bị ép phải hầu rượu cho Hồ Tôn Hiến, để rồi sáng hôm sau Hồ sợ "Quan trên ngắm xuống người ta trông vào" nên ép Thúy Kiều phải lấy Thổ Quan khiến cho nàng lại buông lời oán trách:

                    ÔNG TƠ thực nhẽ đa đoan !
               Se tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên ?    
       
      Nói đến từ ÔNG thì không thể không nhắc đến thành ngữ "TÁI ÔNG THẤT Mà 塞 翁 失 馬", tiếng Nôm ta chỉ dịch hai chữ phía sau là "TÁI ÔNG MẤT NGỰA". Theo sách Hoài Nam Tử, chương Nhân Gian Huấn 淮 南 子·人 間 訓 có ghi lại câu truyện như sau...                               

     TÁI ÔNG là Ông già ở vùng biên tái, mà cũng có thể là Ông già họ TÁI, rất chuyên về ngựa. Một hôm, con ngựa quí nhà ông bỗng nhiên chạy mất. Hàng xóm mọi người cùng đến chia buồn. Ông cười bảo: Đây chưa chắc là việc không vui. Mấy hôm sau, con ngựa của ông trở về, lại dẫn theo một con ngựa quí khác. Mọi người hay tin lại đến chúc mừng. Ông bảo, đây chưa chắc là việc đáng mừng. Quả nhiên vài hôm sau đó, con ông tập cưởi con ngựa đó, bị nó quăng cho té què chân. Mọi người lại cùng đến an ủi, chia buồn. Ông lại bảo: Đây vị tất đã là chuyện buồn. Năm sau, giặc đánh vào vùng biên tái, tất cả thanh niên đều phải lên đường nhập ngũ tòng chinh, chỉ có con trai ông vì bị què chân nên được ở lại, khỏi phải ra chiến trường. 

    Đây là câu truyện Ngụ ngôn trong sách Hoài Nam Tử, cho ta thấy chuyện đời may rủi vô chừng, họa phước khó mà lường trước được. Có lắm chuyện tưởng như rủi mà lại may, tưởng như phước mà lại là họa... cho nên ta phải để lòng rộng mở, khoáng đạt, bình tĩnh mà ứng phó những tình huống khôn lường trước được nầy. Trong văn thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có câu:

                   Hàn Tín nên công chưa cả mặt,
                   TÁI ÔNG THẤT MÃ há cau mày !?
             
                    
                 
         Hẹn bài viết tới !

                                                          杜 紹 德
                                                       Đỗ Chiêu Đức







                   

Không có nhận xét nào: