Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 42 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

           Chữ Nghĩa Làng Văn 42

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***

Trộ

 

Trộ : trừng mắt ra doạ

(nó trộ tôi)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Ông đầu rau

Cũng có ý kiến cho rằng trong ba ông đầu rau là… 
Chồng mới là Thổ Công (cai quản đất), trông nom việc trong bếp. 
Chồng cũ là Thổ Địa (cai quản về đất đai), trông nom trong nhà.
Vợ là Thổ Kỳ (thần đất), trông nom việc chợ búa.
 

(Thổ công có phải là ông Táo – Khuyết danh)

 


Chữ Việt cổ

Văn danh: nghe tiếng

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Phương ngữ Bắc kỳ


Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nước ta có sách, báo viết bằng chữ quốc ngữ. Ít lâu sau có thêm thơ mới, tiểu thuyết.

Vũ Trọng Phụng đã đưa nhiều "phương ngữ Bắc kỳ" vào Số đỏ (1936): cần đếch gì, mẹ kiếp, có xấu cái đếch ông đây này.


(Nguyễn Dư)



Thành ngữ tục ngữ  


Nợ như chúa chổm

Chúa Chổm chính là Lê Ninh, là hoàng tử nhưng ông rất khéo. Các quán ăn ở kinh đô, nếu được ông mở hàng thì rất đắt khách. Vì vậy, nhiều quán mời ông ăn chịu và ghi nợ

 

Khi được lên làm vua, (tức vua Lê Trang Tông) các chủ quán đến đòi nợ. Vua ra lệnh mở kho để trả nợ nhưng trả nhiều lần chưa hết. Theo truyền thuyết, khi vua đi dạo, hễ đi vào ngõ Cấm Chỉ thì không ai được theo đòi nợ nữa. 

(ngõ Cấm Chỉ ở đầu phố Hàng Bông, gần Cửa Nam ngày nay).



Đã có một thời…


Thái Thủy

Thái Thuỷ “may mắn” bị tóm sau chúng tôi ít ngày và “được” đưa lên trại Gia Trung, một trại nổi tiếng về sự hỗn hào. Để chứng minh cho một trong những sự hỗn hào, anh Thái Thuỷ kể lại chuyện một anh tù cải tạo hơn 60 tuổi để bộ râu. Khi đi qua cổng trại, bị một anh coi tù chặn lại hoạnh hoẹ: “Mày bao nhiêu tuổi mà để râu?” - “Tôi ngoài sáu mươi”. Anh coi tù, chừng 19-20 tưổi- trừng mắt phán: “ Ôn con mà đòi để râu! Về cạo ngay đi.”


Vài năm sau, Thái Thuỷ cùng một số bạn tù khác cũng được đưa về trại Hàm Tân. Nhìn Thái Thuỷ xách hành lý tả tơi đi vào trại, tôi không thể nhận ra anh được nữa. Cái kính cận thị mất gọng, nứt mắt, buộc bằng hai sợi dây lòi tói, trên một khuôn mặt hốc hác


Bộ quần áo tù, vá chằng vá đụp, anh đi ngơ ngác với một vẻ chán chường. Tôi biết các anh ở trại Gia Trung về hầu hết là “đói dài”. 

Sau khi đã ổn định chỗ ở trong tù, tôi kéo anh ra một góc tâm sự một người bạn tôi vẫn “sinh hoạt” chung trong tù, chia cho Thái Thuỷ một ít đồ dùng. Nhưng Thái Thuỷ và tôi đi đến giữa sân, gặp ngay tên cai tù “hỗn hào’ cũ, suýt nữa cả hai vào nhà đá “nằm nghỉ mát treo một chân lên”, chơi với muỗi. May, sau một hồi giải thích, nó tha. Từ đó chúng tôi có dịp gặp nhau thường xuyên. 


(Một chút kỷ niệm xưa – Văn Quang)



Câu đố dân gian

Mình tròn trùn trụn
Răng nhọn như chông.
Trong nhà ngồi không
Ra ngoài đồng nhảy chôm chổm

(cái nơm)



Tết trong trại tù cùng bạn bè


Tổng cộng đã có 12 mùa xuân trong những cái được gọi là “trại cải tạo” là những mùa xuân đáng nhớ nhất. Từ Nam chí Bắc, từ Sơn La, Vĩnh Phú đến Hàm Tân, mùa xuân nào đến cũng mang đầy dấu tích buồn như những vết sẹo trong tận cùng tâm khảm, đến nổi đến bây giờ có đêm còn nằm mơ thấy mình đang bị đày đọa trong lao tù khiếp đảm ấy. Giật mình tình dậy mừng như khi vừa được thả từ trại tù ra.


Tuy nhiên, con người ta thật lạ, sống lâu trong tù rồi cũng… quen. Đó là bản năng sinh tồn hay con người phải thích ứng với từng hoàn cảnh để sống, dù để sống cho qua ngày chờ đợi một cái gì sẽ đến. Nhưng cái gì sẽ đến ở trong một thứ tù đày không có án, không có thời hạn là điều đáng sợ hơn nữa. Khoảng 8-9 năm, khi đã là “tù cũ”, có lẽ tụi cai ngục cũng “xuê xoa” cho một đôi phần, không còn xiết chặt cùm kẹp như mấy năm đầu nữa. Tôi bị đưa từ trại tù miền Bắc vào miền Nam, bởi hồi đó miền Bắc dân đói quá thiếu mọi thứ thực phẩm kể cả ngô khoai sắn, không thể nuôi thêm tù. Chúng tôi bị cùm hai tay suốt ba ngày hai đêm trên xe. Cho đến khi vào đến trại Hàm Tân mới được tháo cùm. 

               (Văn Quang)



Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo


Làm trai cho đáng nên trai.
Đi đâu cũng lận… cái chai trong người.



154  Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Khi loạt bài viết về quê nhà sau 40 năm trở lại, tôi được nhiều người gọi tới thật bất ngờ. Một trong những sự bất ngờ đó là thi sĩ Nguyên Sa. Qua những cuộc điện đàm, tôi được anh cho biết:  

“Năm 1947 thì phải, lúc tản cư khỏi Hà Nội, gia đình tôi chạy tạt về vùng Thạch Thất, quê anh đấy, đi qua cống Đặng, qua con sông, rồi ở nhờ mấy làng ở chân núi.” Tôi lại cười và tiếp lời anh: “Cống Đặng thuộc làng Đặng Xá, làng của anh Tú Kếu – Trần Đức Uyển. Còn cái làng bên kia sông, ấy là các làng có cái tên thật hay là các làng Cần Kiệm, Phú Lễ, Phú Đa, Trúc Động, Hạ Lôi, ở quanh chân núi Câu Sơn, bên kia con sông Tích Giang. Đó là quê của anh Dương Nghiễm Mậu – Phí Ích Nghiễm”. 

Anh lại cười và nói: "Lạ thế ra nơi đó có nhiều người nổi tiếng quá nhỉ ...” Tôi tiếp: “Vâng các anh ấy nổi tiếng chứ không phải tôi”. Anh cười. Khi tôi viết về Quang Dũng và nói đến chị Hồ Điệp, thì anh lại gọi và nói: "Thế ra anh biết anh Quang Dũng kỹ quá nhỉ. Kể như cùng quê với nhau. Từ làng anh, làng Nủa ra Phùng rất gần. Và chị Hồ Điệp nữa, người làng anh nhỉ.

 

Nói về chị Hồ Điệp, tôi muốn nói về quê ngoại của chị ấy và cũng là quê ngoại của chị Thái Hằng, Thái Thanh. Quê thật lắm tài... Đàn ông thì hát chèo thật hay. Đám chèo làng phải phục. Con gái thì hầu như tất cả đầu hát rất giỏi. Vì Hiệp là đất bãi, đất cát chỉ trồng mía và dâu. Chính dân làng Hiệp trong các phiên gặt lúa ấy đã là đầu mối của các đêm hát ví tất là vui. Đó là những đêm trăng, họ đã cất tiếng hát, hát đùa, hát đố các thanh niên nam nữ làng Nủa. Họ hát cho vui và còn để bày tỏ cái tài ứng đối rất văn vẻ của dân làng Hiệp. Từ khi con trăng mới lộ ở đầu cây bưởi, họ vẫn còn hát. Càng về đêm trăng càng như sáng hơn, tiếng hát của đôi bên hình như trong hơn. Các câu đố càng về khuya càng tức nên khó hơn và tình tứ hơn...

 

Điều này tôi chưa viết ra. Tôi định hôm nào như đã hứa, tôi sẽ lên thăm anh Nguyên Sa, tôi sẽ nói lại. Trong buổi ra mắt một cuốn sách Quê Nhà, 40 năm trở lại của tôi tại Philadelphia, khi gần tàn cuộc vui, tôi có gặp một người. Đó là một cụ bà. Cụ đã nắm bàn tay tôi và nói: “Ông ơi, tôi đọc các bài viết của ông mà nhớ hồi tản cư quá. Chính gia đình tôi đã tản cư về làng Nủa chợ của ông... Tôi là cô thằng Lan”. Tôi xúc động và lễ phép thưa: “Dạ Lan nào ạ?” Cụ cười đáp: “Tôi là cô thằng Lan, Trần Bích Lan đấy!” Tôi “à”, và thưa "Dạ, Trần Bích Lan”. Khi trở lại San Diego, tôi có gọi cho anh Nguyên Sa. Anh cười: “Vâng cô tôi đấy”.

 

(Nguyên Sa, Hà Nội – Phan Lạc Tiếp) 



Thành ngữ hiện đại, hiện thực


Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi dzìa

 


Những cái chết tức tưởi của nhà văn

Dương Quảng Hàm (1898-1946), hiệu là Hải Lượng, là nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo dục. Tác phẩm Việt Nam văn học sử yếu, do ông biên soạn, được xem là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.


Dương Quảng Hàm sinh tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thân phụ là Dương Trọng Phổ, anh là Dương Bá Trạc, một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, là danh sĩ đương thời.

Thuở nhỏ ông học chữ Nho, sau ra Hà Nội học chữ Quốc ngữ. Năm 1920, tốt nghiệp thủ khoa trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1945, ông được bổ nhiệm làm Thanh Tra Trung Học vụ, rồi làm Hiệu Trưởng của trường Bưởi. 


Trong hơn 20 năm (1920-1945), Dương Quảng Hàm đã làm việc không mệt mỏi, vừa giảng dạy, vừa viết sách giáo khoa văn học và sử học cho nhà trường, từ bậc tiểu học đến bậc trung học, vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Việt. Hai cuốn sách có giá trị nghiên cứu nhất của ông là Việt Nam văn học sử yếu (1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942).


Dương Quảng Hàm chết vào đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946, tại Hà Nội, ở tuổi 48. Dương Quảng Hàm mất tích bởi ông là đảng viên Quốc Dân Đảng.


(Trích từ buikimanh.vn - Thái Doãn Hiểu)



Xe điện Hà Nội 


Thằng Tây nghĩ nó cũng tài 

Chế ra đèn điện thắp hoài năm canh.

Thằng Tây nghĩ nó cũng sành 

Chế ra tàu điện chạy quanh phố phường. 


(ca dao vùng Bưởi – Tô Hòai)



Đuờng văn ngõ chữ 

Cháu xin phần cho ông cháu


Năm ấy nhà văn Nguyễn Tuân tròn 60 tuổi, Hội Nhà Văn dự định tổ chức lễ mừng thọ ông thật trọng thể. Giấy mời bạn bè, quan khách đã được gửi đi, bia hơi, bánh kẹo đã được lo liệu đầy đủ.

 

Đúng ngày kỷ niệm, phòng họp Hội Nhà Văn các dãy bàn được phủ khăn trắng muốt, quan khách đã có mặt đông đủ, chỉ còn thiếu có nhà văn… Nguyễn Tuân. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua. Mọi người đều lo lắng không biết có sự chuyện gì, nhưng vẫn ráng đợi. 

Đúng 30 phút sau, thấy cháu gái nhà văn Nguyễn Tuân lễ mễ xách làn đến:

- Thưa các ông, ông cháu xin lỗi vì bị cảm đột ngột không đến dự được, ông cháu bảo phần của ông cháu, các ông, các bà bỏ vào cái làn này để cháu mang về cho ông cháu.

 

Mọi người vừa bực vừa buồn cười. Ông Nguyễn lại chơi khăm chúng mình đây. “Đất không chịu trời thì trời chịu đất”, ban tổ chức đành gói ghém bánh kẹo lại rồi mời mọi người đến nhà Nguyễn Tuân và tổ chức kỷ niệm ngay tại đấy.

Mọi người đến nhà, Nguyễn Tuân ra mở cửa và tỏ vẻ ngạc nhiên: 

“Quý hóa quá, các anh các chị đến chơi lại còn cho nhiều bánh kẹo thế này”.

 


Chữ Hán, chữ Nho

Văn phạm Hán ngữ, Anh ngữ đòi hỏi tĩnh từ đi trước danh từ. 

Không ai viết “year new” hoặc “niên tân” mà phải viết “new year, tân niên”. Thế mà hằng ngày trên sách báo vẫn đầy dẫy những chữ như “điểm yếu’“ thay vì “yếu điểm” mà không ngờ rằng “điểm yếu” thì có nghĩa là “chỗ thua kém”. 

Khác hẳn với “yếu điểm” có nghĩa là vị trí quan trọng.


(Mạn đàm về Hán Việt trong Việt ngữ - Trần Văn Kiệm)



Đuờng văn ngõ chữ

Di chúc của nhà văn Nguyễn Tuân


Về di chúc của nhà văn Nguyễn Tuân, người ta có nhiều lời đồn đại. Người thì bảo, ông yêu cầu đốt cho ông hình nộm một nhà phê bình, để xuống dưới đó ông sẽ hỏi: 

- Xuống đây rồi, ông đã nói thật chưa? 

Người lại bảo ông để lại một danh sách: Những người nhất thiết không được đến dự lễ tang, những người đến cũng được mà không đến cũng được, và cuối cùng là danh sách những người nhất thiết phải có mặt trong tang lễ thì ông mới nhắm mắt được.

 

Chuyện đến tai Nguyễn Tuân, ông bảo: 

Mọi lời đồn đều không đúng. Mình di chúc lại thế này:

- Số tiền các cơ quan, đoàn thể dự định mua vòng hoa và để vào phong bì viếng mình, xin dùng để mua một téc bia, mời anh em bè bạn uống bia, mừng cho Nguyễn Tuân về cõi vĩnh hằng.



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Rượu bất khả ép, ép bất khả từ, thì từ từ để tao… uống


Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam

Sau mùa hè ấy, tôi tìm đọc nhiều sách khác nữa, “Gió Đầu Mùa” của Thạch Lam, “Vàng và Máu” của Thế Lữ, “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của Tô Hoài, “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân

Sau này nhìn lại, tôi thấy sự giữ gìn và kế tục văn chương tiền chiến trong thời buổi chiến tranh, không thay thế nó bằng một nền văn học nào khác, ví dụ một nền văn học thực dụng, phục vụ chế độ đương thời. Tôi đọc loạn xạ. Hình như văn chương miền Nam đối với tôi lúc đó có vẻ cũng lộn xộn. Đi đâu tôi cũng mang theo một cuốn sách trong túi áo, khi tôi buồn rầu, chúng an ủi tôi, khi sung sướng, chúng làm tôi giật mình, khi lạc đường chúng khuyên tôi đứng lại, nhìn xuống.

Ngày nay nhìn lại toàn cảnh, tôi tin rằng văn học miền Nam bắt nguồn từ văn học tiền chiến, văn học miền Bắc bắt nguồn từ văn học kháng chiến. Văn học tiền chiến lớn hơn văn học kháng chiến, nhưng văn học kháng chiến mới hơn văn học tiền chiến.

 

Vài năm sau lên trung học, chương trình quốc văn trong nhà trường, tôi bắt đầu được đọc và bình luận về các tác phẩm tiền chiến. Những cuốn như “Nửa Chừng Xuân” của Khái Hưng, “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh, “Mười Điều Tâm Niệm” của Hoàng Đạo, “Gió Đầu Mùa” của Thạch Lam, “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, “Những Ngày Thơ Ấu” của Nguyên Hồng, “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng, “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố, “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của Tô Hoài, và thơ của Thế Lữ Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên,… được giới thiệu khá kĩ bởi những người thầy tâm huyết. Chúng làm cho tuổi thơ của tôi trở nên lãng mạn, diễm ảo.

 

(Nguyễn Đức Tùng)



Giai thọai làng văn xóm chữ 


Tương truyền lúc còn trai trẻ Nguyễn Du (khi ấy là cậu Chiêu Bảy), rất thích hát phường vải. Bấy giờ có làng Trường Lưu huyện Nghi Xuân, là một trong những làng nổi tiếng về hát phường vải, về nghề dệt vải, và về con gái đẹp. Làng Tiên Ðiền có nghề làm nón; con trai phường nón thường kéo nhau sang hát phường vải ở Trường Lưu. Họ đi hát vì mê hát. 

 

Trong một đêm hát nọ, Chiêu Bảy tình cờ gặp được một cô gái tên Cúc, giọng hay, tài bẻ chuyện, mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp vậy, liền bẻ ngay một câu như sau để ghẹo chơi: Trăm hoa đua nở mùa xuân, cớ sao Cúc lại muộn màng về thu?

Chiêu Bảy vờ nói châm chọc: Các cô gái khác có chồng sớm, sao cô Cúc lại lỡ thì như vậy? Cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe qua cô đã hiểu ngay ý tứ, bèn hát đáp lại rằng: Ví chưng tham chút nhụy vàng, cho nên Cúc phải muộn màng về thu

Hoa cúc vốn là hoa nở về thu; cúc nở về thu mới là đang độ mãn khai, thế là đúng kỳ chớ không phải là muộn

Câu hỏi cũng hay mà câu trả lời cũng thật là khéo lắm.



Nước ta có sử từ đời nào? 

Cụ Trần Trọng Kim trong lời tựa sách Việt Nam Sử Lược viết: "Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ 13". Ông vâng lệnh vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) biên soạn bộ Ðại Việt Sử Ký được xem là bộ sử đầu tiên và như vậy học giới cho rằng ông là người viết sử đầu tiên của nước ta.

 

Ông Lê Văn Hưu (1230 - 1322) quê làng Dị, tỉnh Thanh Hóa. Năm 11 tuồi, khi đi chợ mua rau cho mẹ, ngang qua lò rèn nghe những tiếng phì phò lạ tai, ông đứng xem. Bác thợ rèn đang rèn dùi sắt, ngước nhìn thấy cậu bé trong túi có một quyển sách, bác liền nói:

- Cháu mang sách trong túi, vậy cháu có học. Bác ra cho cháu một câu đối. Câu này khó lắm nhiều người không đối được đâu!

- Xin bác cứ ra.

Bác thợ đọc: "Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò, đúc nên dùi sắt".

Ông suy nghĩ một lúc rồi đối ngay: "Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi, giành được tam khôi".

Bác thợ rèn phục quá, liền thưởng cho ba quan tiền.


(T. V. Phê)



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Hoàng Lê Nhất Thống Chí 


Hoàng Lê Nhất Thống Chí tên khác là: An Nam Nhất Thống Chí, là tác phẩm văn xuôi của Ngô Gia Văn Phái, bao gồm nhiều tác phẩm văn, sử, triết có giá trị của các tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Hoàng Lê Nhất Thống Chí là tác phẩm viết bằng chữ Hán ghi chép về triều đại nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt chúa Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Đây có thể xem như là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của ta, được viết theo lối chương hồi. Tác phẩm không chỉ dừng ở sự thống nhất của nhà Lê mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động vào khoảng 30 năm cuối thế kỷ 18 và mấy năm đầu thế kỷ 19.

 

Quảng Nam

Trước kia Quảng Nam là đất Chiêm Thành

Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, Lê Thánh Tông lập thêm Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, và Hoài Nhơn (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Danh xưng Quảng Nam xuất hiện từ đây.

 

Năm 1806 Gia Long thống nhất đất nước chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh gồm Quảng Đức, Quảng Bình, Quảng TrịQuảng Nam.

Năm 1831, Minh Mạng đổi trấn và doanh thành tỉnh. Quảng Nam chính thức trở thành tỉnh từ năm này. 



Tranh Đông Hồ

Chuột Vinh Quy, trước khi đi thi chuột phải điếu đóm ông mèo cá, tôm. Tích này sách xưa ghi: “Vua Lê Trung Hưng (1533-1789) vì thiếu tiền, ra lệ đóng ba quan tiền nộp quyển đi thi, nên có nạn quan trường thông đồng mua bán”.

Ấy là chưa kể bức Trê Cóc,  Thầy Đồ Cóc bộc lộ được vẻ tươi vui cho việc trang hoàng nhà cửa. Cùng nét tranh khắc sâu, nét in phẳng lặng. 



Cà phê Hà Nội xưa và nay

Cà phê Lâm 

Cà phê Lâm do ông Nguyễn Văn Lâm (tên gọi Lâm toét). Khởi đầu năm 1952 ông bán cà phê xe ở vườn hoa Chí Linh.  Đến năm 1955, quán chuyển về ở đầu phố Hàng Vôi. 

Năm 1960, quán chính thức tọa lạc tại số 60 Nguyễn Hữu Huân như bây giờ.

Sau này ông Lâm mớ thêm quán nữa ở 91 Nguyễn Hữu Huân.



Lên đồng

 

Các ông đồng bà đồng khi đã “ra nghề” đều phải may riêng cho mình trang phục hầu bởi những người trong “nghề” này rất kỵ mặc đồ chung với người khác. Khác nhau, song tất cả phải tuân thủ tuyệt đối về màu sắc: thiên phủ màu đỏ, nhạc phủ màu xanh…

 

Bắt đầu buổi lễ, ông đồng bà đồng sẽ ra mắt mọi người với trang phục trắng thể hiện sự trong sạch trước khi hầu thánh. Sau đó, hầu dâng sẽ có nhiệm vụ giúp ông đồng bà đồng thay trang phục tương ứng với từng vị thần

 

(Lên đồng của người Việt – Bùi thị Thoa)



Chửi mất gà


Ở xa mà đến

Mà vểnh mai tai

Mà cài mái tóc

Mà nghe mẹ mày tụng kinh sám hối này”

  

Nhà bà có bảy con gà xám

Tám con gà vàng

Mất hoang mất hủy

Chẳng còn đâu một chục rưỡi

Con gà nhà bà

Nó ở nhà bà nó là con công con phượng

Nó đến nhà mày nó là con cú con cáo

Nó là thần nanh mỏ đỏ

Nó mổ xé xác vợ chồng nhà mày đi

Mày liệu hồn mà giả con gà cho bà. à à!


Chết ông chết bà

Chết cha chết mẹ

Chết bảy anh em

Thằng nào đứng xem

Về nhà chết nốt

 

Mày ngỡ mày thoát được tay bà đấy à à à!

Mày đi đằng Đông bà gông bà cùm

Mày đi đằng Nam bà giam bà giữ

Mày đi đằng Tây bà vây bà bắt

Mày đi đằng Bắc bà giắt mày về.

 

Nay bà chửi

Mai bà chửi

Bà còn chửi nữa

Hôm nay bà chửi một bài,

Ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền.

 

Rồi bà vỗ ngực phành phạch

Bây giờ bà mệt rồi

Bà về bà nghỉ đây!”

 

Rất chặt chẻ: mào đầu… dàn bài và… kết luận.


(Đỗ thị Đông Xuân)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Túy Hồng - 1
Trong những tác phẩm đầu tiên, Túy Hồng vẫn còn ở trong quan điểm cổ điển là người nữ thụ động, hay nạn nhân trong tình dục. Bà tả một người nữ bị chàng hôn môi hôn miệng mà đã bức bách: 

"Thuyền chồng chành muốn lật úp, tôi nhắm mắt đưa tay quằn quại đón Vĩnh đang cầm nạng gỗ lần từng bước qua thăm bên tôi. Chàng bóp nghiền đôi vai, kê mặt vào gáy, chàng ngậm vành tai tôi, rồi bốn cái môi run rẩy mười chiếc hôn, hôn lên tiếng hát ngọt, lên hai huyệt mũi phập phồng hơi thở nóng. Các mạch máu bây giờ là vô số con kiến bò ngổn ngang trong cơ thể mùa hạ oi bức, cơ thể tôi mòn khô chịu nắng suốt lộ trình con gái". 

(Vết thương dậy thì) 

Đó chỉ mới là cái hôn môi hôn miệng, nhưng cái mới của Túy Hồng là mô tả được phản ứng cơ thể, cảm xúc phụ nữ khi bị hôn như vậy. Trước bà, thiếu gì nam nhân đã tả cái hôn, nhưng chỉ sơ lược, một phía thôi, còn người nữ cảm thấy thế nào, bây giờ mới có Túy Hồng tả kỹ hơn


(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)



Chữ nghĩa lỗ mỗ ngu ngơ 

Yêu nhau cởi áo cho nhau. 

Tháng sau: “Em đã có bầu, anh ơi”



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Túy Hồng - 2
Trên đây mới là màn giáo đầu với truyện hôn môi hôn miệng, sau đây là cảnh một người con gái mất trinh với người quen biết, chứ không phải bị cường đạo cưỡng hiếp: 

"Anh ôm ghì tôi, cắn má, bóp tay, thoa nắn hai chiếc đùi và vuốt bụng... Tôi cảm thấy một cơn sốt dễ chịu nhưng tôi vẫn rút gọn người, vùng đạp. Trời. Anh muốn xé tôi ra, dìm tôi xuống, ngồi lên tôi. Tôi co cùi chỏ đâm vào sườn anh, cắn vai anh, vật lộn với anh. Tôi có cảm tưởng như mình là cục bột rất dẻo, rất to và anh đang vọc tay, những ngón tay muốn lún vào... Lăn lóc. Vất vả. Anh chồm tới cắn cổ tôi, nghiến răng bẹo tôi, hai gọng tay kèm cứng thân tôi. Anh hành hạ tôi nhiều sao tôi không thấy đau?


Nhưng sau đó nàng có thể cảm thấy như cô Trầm trong truyện Những sợi sắc không: 
"Bàn tay anh đã đi hết miền thân thể em, leo lên hai trái ổi cồn cào, tụt xuống da bụng mịn như lá nhãn non... Yêu anh, em đã trườn mình trên cuộc đời cắm chông và dao kéo, em đã lăn lộn vất vả giữa đường trường vãi đầy muối độc và hóa chất đau buốt vừa nát tan cùng thâm cung và buồng trứng con gái. Danh tiết đã mốc meo hoen ố có bao giờ tẩy sạch. Tương lai tím bầm như da trời và da em. Tên đao phủ của tình yêu, anh đã bóp chết đời con gái của em... anh đã truất phế em khỏi địa vị được làm con gái, em trở thành đàn bà, tiếc như không còn gì tiếc hơn”.

Thật là dữ dội, đúng như lời truyền tụng của nam nhân thời đó, gái Huế tán lâu và mất công vì họ thủ trinh tiết rất kỹ, và lỡ phá trinh cô nào, phản ứng sẽ dữ dội như miêu tả trên, cho đến khi người đàn ông phải đền bù bằng nhiều cách, hiệu nghiệm nhất là hỏi cưới, chứ nàng không im lìm trong tiếng khóc cho đến khi chàng "Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây" (Huy Cận)... 

(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)



Chữ nghĩa lỗ mỗ ngu ngơ

 

Hôm qua ngại ngùng đến thăm em

Thấy em đang đái chạy ra xem

Em tôi mắc cở buông quần xuống

Làm cho anh đứng ngẩn ngơ thèm



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Nguyễn Thị Thụy Vũ 
Trái với Túy Hồng gốc cố đô Huế cổ kính, quan liêu, và quý tộc, Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất thân từ miền đất mới, là dòng sông Cửu Long. Bà mang sắc thái của thứ "văn minh miệt vườn" (chữ của nhà văn Sơn Nam), biểu lộ đầu tiên và rõ nét là văn phong của bà ngay thẳng, đôi khi thiếu trau chuốt, một truyền thống Nam kỳ từ thời cụ Nguyễn Đình Chiểu, thẳng băng, ít ẩn dụ, chữ khó và còn đượm màu sắc tươi rói của cuộc đời đang diễn ra. 


Thụy Vũ dùng ngôn ngữ nói hàng ngày, trực tả mọi sự, không có "ke" là tục hay nhã, ghi nhận sự việc sự cố và ngôn ngữ trung thực như một ký giả đi làm phóng sự vậy. Gái bán bar lường gạt lính Mỹ, coi cọp người khác tắm, đi phá thai, bị bệnh hoa liễu, gái mới nhập môn học các ngón nghề của bậc đàn chị, trong nghệ thuật bán bar, và đôi khi đi khách như một gái hạng khá đắt tiền. 

Phụ nữ ở đâu cũng vậy, khi phải dùng của trời cho, vốn tự có để kinh doanh, cũng tiện tặn mặc cả ráo riết với đàn ông. Chỉ ngồi uống ruợu chung bàn thôi, tán chuyện lăng nhăng, giá biểu khác, tính theo từng ly rượu chai bia chàng uống, từng ly nước trà giả rượu nàng uống (tục gọi "Saigon tea"). Cao hứng muốn sờ soạn lung tung, thì giá khác. Còn muốn giao hợp, giá cả là thương lượng, cao thấp tùy ngoại hình xấu đẹp, nhiều hay ít kinh nghiệm, trẻ hay già, và kiểu giao hợp chọn lựa. 


Hoạt cảnh sau đây là điển hình trong các bar: 
"Một tên Mỹ cao lớn, râu ria cạo nhẵn thính, những vết cạo trên râu quai nón vẫn làm tối sầm khuôn mặt hắn. Hắn nhẹ cười mơn trớn hỏi: 
- Em tên gì? 
Tôi trả lời cộc lốc: 
- Tina. 

Hắn lôi tôi vào lòng rồi đặt lên bắp đùi hắn. Bàn tay hắn sờ soạn lên ngực và eo của tôi. Chị Nam thường nói với tôi là tụi đàn ông Âu Mỹ lông lá như con dã nhân, mỗi ngày cạo râu hai lần thì hành sự rừng rú chịu không nổi. Tôi sợ sệt nhìn cánh tay hắn. Hắn buông thõng tay tôi tiếp tục cười: 
- Ngủ với tôi đi. 
Tôi giơ tay làm hiệu: 
- Mười ngàn. 
Hắn lắc đầu: 
- Mắc lắm cưng ơi! Nếu mười ngàn thì em phải trả tiền phòng và tiền ticket. 
Tôi lãnh đạm lấy bông phấn ra sửa soạn lại nhan sắc... 

(Mèo đêm) 

(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)



Thói "ăn" nếp "ở" của người Việt  

Đàn bà, con gái khi trong nhà không có gì ăn, tối tối ra đường ăn…sương, riết thành chuyên nghiệp. Người nào lỡ mang tiếng "gái ăn sương". Thời đại bây giờ, phụ nữ không còn độc quyền hành nghề này nữa, cả nam giới và, buồn thay. 


Còn động từ "ăn đêm", tôi nghĩ, không hẳn đồng nghĩa với "ăn sương", mà gần với "ăn khuya" hơn. Ngoài ra, còn được dùng để chỉ "hành động đi kiếm mồi trong đêm tối" của muông thú, như trong bài đồng dao ru con:

Con cò mày đi ăn đêm,
đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao…


Ỷ mạnh hoặc vai vế lớn, người miền Bắc nói "bắt nạt", người miền Nam dùng động từ "ăn hiếp". Khi có kẻ thừa cơ "chôm" của, hoặc đợi anh hùng hảo hán ra tay trước, rồi hùa theo lấy, người Việt mình nói "ăn hôi". 

"Ăn tàn" trong thành ngữ "theo đóm, ăn tàn" cũng có nghĩa tương tự. "Cái thằng đó là hạng người ‘theo đóm ăn tàn’, không hiểu sao mầy ăn ở với nó tới sáu mặt con!". 

Còn "ăn mót" nghe lại thấy tội: "Vợ chồng nó chuyên môn ăn mót lúa của người ta". Ấy mà tục ngữ có câu:

Muốn ăn cơm ngon, lấy con nhà đi mót.
Muốn ăn canh ngọt, lấy con nhà bắt cua.


Câu đầu, người viết không biết phải hiểu sao cho đúng. Có lẽ ở đây không hẳn chỉ nói chuyện đi mót lúa đem về nấu cơm? Và cả hai câu hàm ý bóng gió, khuyên người đời nên biết chọn ý trung nhân cho đúng… tâm nguyện "ăn uống" chăng?


Còn "ăn" trong "ăn quịt" nguyên thuỷ hẳn có nguồn gốc "ăn xong, lỉnh mất, không trả tiền". Về sau được dùng chung cho mọi trường hợp, khi tiền bạc không được thanh toán sòng phẳng. 

Còn chuyện "ăn chận" hay "ăn chặn" có nghĩa "lấy bớt". Khi "ăn" cặp kè với "vạ", ngộ nghĩnh thay, "ăn" bay mất nghĩa gốc. "Ăn vạ" thường thấy ở tâm lý lì lợm của trẻ con… 


(Ngô Nguyên Dũng)



Thành ngữ tục ngữ 

Nuôi ong tay áo

Trong thực tế, không ai nuôi ong ở tay áo cả vì ong dễ đốt vào người, ong ở đây được dùng để chỉ kẻ xấu. 

Câu này mang ý nghĩa: nuôi dưỡng giúp đỡ kẻ xấu thì kẻ xấu có khi lại phản bội lại mình, làm hại mình.


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như: 

 

“ả đào” là “đào hát trong các hộp đêm” 


Loạn chữ với “lang bang

Người ta thường nói ‘lang bang’ hay kéo dài thêm thành ‘lang ba, lang bang’ có nghĩa là đi đó đi đây khắp nơi khắp chốn, sở dĩ như vậy là cụm từ này có gốc từ ‘bôn ba’.


Ông Lưu Bang từ khi khởi nghĩa bắt đầu cuộc ‘bôn ba’ phải bỏ xứ mà đi. Đầu quân dưới trướng Sở Hoài Vương ở vùng Trường Giang. Ông cầm quân chiếm kinh đô Hàm Dương của Tần nhưng khi nhà Tần đổ do sự hiềm khích thù hằn Hạng Vũ đã đày ông đến tây bắc Trung Hoa. Sau đó cuộc Hán Sở tranh hùng lại chinh chiến từ bắc xuống nam. Lên ngôi hoàng đế Trung Hoa rồi cũng không yên  phải tiếp tục ‘bôn ba’ hành quân đánh Trần Hy phản loạn. Nói chung cho đến khi nhắm mắt suôi tay cuộc đời của Lưu Bang là cà một chuỗi ngày…‘bôn ba’, ‘lang bang” vất vả.

(Vô danh thị)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ Điển Từ Và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân


mạt sát 抹 殺, 抹 煞 

Soạn giả giảng giải rằng, mạt nghĩa là xoá bỏsát nghĩa là rất; mạt sát nghĩa là chỉ trích mạnh mẽ để làm mất phẩm gía. Giải nghĩa từ tố mạt và từ mạt sát như vậy thì được, song, cho rằng, sát nghĩa là rất thì không đúng. Tuy mỗi chữ sát trên đây đều có nhiều nghĩa nhưng cả hai đều có một nghĩa giống nhau là làm tổn thương, là gây tổn hại. 

Ðành rằng chữ sát 煞 có một nghĩa là rất, nhưng trong từ mạt sát thì nó không mang nghĩa như vậy. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết

Tuổi thơ qua mau quá. Những rạp cải lương, rạp chiếu bóng xóm nhỏ đã bị chúng tôi bỏ quên dần dần, khi mà rồi chúng tôi có thể đặt chân vào Vĩnh Lợi, Rex, Eden... để xem những Mùa hè năm 42, Tay súng Bá Vàng, Bố Già.(sic) *




(rạp Rex)                                 (rạp Eden 1965)



(* phim Bố Già sau ngày 30-4-75 tôi được xem chiếu trong trại tỵ nạn Camp Pendleton)


(Lê Văn Nghĩa)



Phụ đính


Đạo diễn: Sergio Leone.
Diễn viên: Clint Eastwood.
Tôi đã được xem phim này ở rạp xi-nê Eden.




Rạp hát xưa: Những thiên đường của Tết


(rạp Nguyễn Văn Hảo) 


Thỉnh thoảng ghé Quốc Thanh, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo, Olympic để xem những đại ban như Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung... Thời cuối những năm 1960 đầu 1970 đi đâu cũng thấy rạp hát. 


Ở quận 1 thì có thể xem chiếu bóng và cải lương ở các rạp Rex, Đại Nam, Eden, Casino, Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Hưng Đạo, Thanh Bình, Quốc Tế, Kinh Thành (cầu Ông Lãnh), Long Phụng, Thành Chung (chuyên chiếu phim Ấn Độ)...


(Lê Văn Nghĩa)


(xem kỳ tới về rạp Lê Lợi và rạp Khải Hòan với phim The Maginificent Seven. Rạp Đại Nam với phim Rio Bravo)















Không có nhận xét nào: