Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 51 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 51

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


***

 

Chữ Việt cổ


Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình…


Tục: thói quen - phong tục, tục lệ.


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 

Cà cáy, cà kê dê ngỗng


Phải nướng “con cáy

Để mà cúng tội


Câu ca dao trên, theo ông Thái Văn Kiểm vùng Bình-Trị-Thiên thường nói gà gáy: ”cà cáy”. Câu quen nói “cà kê dê ngỗng” đúng ra là “cà kê nghê ngỗng”. Vì nghê là một loài ngan, vịt.


(Lê Văn Lân – Do đâu có chuyện “cà kê”)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Xẩy: xẩy chân: xẩy đàn tan nghé; xẩy nhà ra thất nghiệp” 


Mục “xẩy” có ba từ ngữ đều sai cả. “Xẩy” (hay xảy) là dùng trong “xảy ra” (sự việc), khác với “sẩy” nghĩa là mất mát, rơi rụng, lỡ hụt, lìa tan… Ví dụ, “Sẩy vai xuống cánh tay”, “Sẩy miệng, buột lời”, “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “Con cá sẩy là con cá to”… Theo đây, viết đúng phải là “sẩy chân”, “sẩy đàn tan nghé”, “sẩy nhà ra thất nghiệp”.


(Hòang Tuấn Công)


Vát

Vát : đoạn hành trình của thuyền

(thuyền chạy một vát)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Xảy: xảy đàn tan nghé; xảy tay” 


Lỗi “s” thành “x” lặp lại ở mục này, chứng tỏ cái sai của các soạn giả không phải là “sơ sảy”. Viết đúng phải là “sẩy chân”, “Sẩy đàn tan nghé”, “Sẩy nhà ra thất nghiệp”.


(Hòang Tuấn Công)



Chửi mất gà - 1 


Mày không thả con gà nhà bà ra, bà đóng ghế 3 tháng 10 ngày, buổi sáng bà chửi, buổi tối bà chửi, buổi trưa bà hú, bà nguyền, bà rủa cho cây vàng lá, cho quả chột thui, cho Thần Trùng đến rút từng khúc ruột của Cha Ông, vợ con nhà mày ra a a a a….
Bà hú 3 hồn, 7 vía thằng đàn ông, 3 hồn 9 vía con đàn bà đã bắt con gà nhà bà. Bà gọi ông cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ông cầm cờ đỏ đứng sau nhà, ông cầm cờ vàng bên hữu, ông cầm cờ trắng bên tả yểm cho nhà mày đẻ con ra thì ngược, sinh cháu ra thì ngang vì đã dám ăn con gà nhà bà à à à à ….



Văn hóa ẩm thực: Thịt kho tàu

Thịt kho tàu không phải là món ăn của người… Tầu.

Đúng ra là “tàu”. Tàu đây hiểu theo người Nam ở miệt dưới như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ. 

Tàu nghĩa là…“lạt”. 

Và kho tàu là kho lạt lạt chứ không phải kho mặn. 


Tàu chứ không phải là… Tầu hay kho theo Tầu. Vì bên Tầu lạnh nên không có dừa để có nước dừa chêm vào nồi thịt kho tàu.


(Bình Nguyên Lộc)



Chửi mất gà - 2

À, mày tưởng mày là tiến sĩ toán lý mà bà không dám chơi toán học với mày à. Bây giờ bà chửi từ số học lên tích phân, xuống đại số rồi sang hình học cho mày nghe e e e e .. Nếu gọi bố mày là A, mẹ mày là B, mày là C, bà lấy A cộng B cộng C, cho vào ngoặc bà khai căn, bà vi tích phân cả họ mày lên... ên... ên...ên...


Mày tưởng nuốt được con gà nhà bà là mày có thể yên ổn mà chơi trò cộng trừ âm dươngtrên giường với nhau à... Bà trị cho tuyệt đối hết cả họ chín đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào làvô nghiệm”, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa…Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong âm vô cùng”, sẽ gặp tai ương đếndương vô cùng”, cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến maximumcủa sự vô hạntối tăm ăm ăm…

(còn tiếp kỳ tới 1-2-2022)



Văn bút, nhân sự và sự kiện

Tiến trình thành lập


Sau một thời gian tìm hiểu về hội Văn Bút Quốc tế (P.E.N International), ngày 17-8-1957, một số văn nghệ sĩ lão thành đã quyết định thành lập tổ chức có tên là “Nhóm Bút Việt”.

Họ bao gồm 19 nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà biên khảo, kịch tác gia, và cả họa sĩ mà danh tính theo tờ Thế Giới Tự Do Tập VII, số 9, năm 1957 thì như sau: Linh mục Thanh Lãng, Đỗ Đức Thu, Nhất Linh, Vương Hồng Sển, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Lê văn Siêu, Bùi Xuân Uyên, Lê Ngọc Trụ, Phạm Việt Tuyền, Như Phong Lê văn Tiến, Tchya Đái Đức Tuấn, v...v....


Khi thành lập, nhóm Bút Việt tuyên bố:

“Nhóm không phải là một tổ chức có hệ thống chặt chẽ, có chủ trương cương lĩnh đường lối nhất định nào hết. Nó không phải là một văn đoàn, văn phái, cũng không phải là một hội ái hữu. Bút Việt chỉ là một câu lạc bộ của các nhà cầm bút muốn gặp nhau để trao đổi ý kiến về sáng tác,  tìm hiểu cũng như  giới thiệu”. 

Như vậy trong buổi khởi đầu, Nhóm Bút Việt đã hình thành trong một ý niệm hết sức rộng rãi và tự do. 

(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)



Đừng tưởng

Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong

(Bùi Giáng)



Linh mục Thanh Lãng

Tôi cũng giúp anh trong việc liên lạc với một hai nhân vật tại Sàigòn như Linh mục Thanh Lãng. Lúc ấy Cha đang bị mấy thứ bệnh và cư ngụ tại căn nhà nhỏ trong khu xóm đạo phía bên trong đường Nguyễn Văn Thoại cũ, gần với nhà thờ Chí Hòa. 


Một người cháu là sinh viên còn đi học sống cùng nhà với Cha và ban ngày thì có người đến giúp việc bếp núc cũng như dọn dẹp nhà cửa. Năm học đệ tam thời trung học, tôi là học trò của Cha ở trường Lê Bảo Tịnh và khi mới lên đại học cũng có dự những giờ của thầy Thanh Lãng trong thời gian ghi danh học thêm một chứng chỉ bên Văn Khoa


Tôi mang đến mấy loại thuốc về tiểu đường và đau khớp mà anh Trần Tam Tiệp gửi về biếu Cha. Hình ảnh ông Chủ Tịch Văn Bút một thời, cùng vóc dáng một linh mục nhà giáo cao to đĩnh đạc, có thêm chút chải chuốt ở Văn Khoa ngày nào đã đi đâu mất tiêu. Trước mặt tôi lúc đó là một người đàn ông hom hem khắc khổ và chỉ có đôi mắt còn lại vẻ tinh anh trong thứ ánh sáng nhờ nhờ của căn phòng, ở quanh vách tường là các kệ gỗ chất đầy sách. 


Trong chuyện trò thân tình, Cha say sưa khoe kể về mấy công trình biên khảo văn học đã thực hiện thêm sau này và việc biên soạn bộ từ điển Việt-Bồ-La đang tiến hành. Rồi bằng giọng trầm buồn, Cha cũng nói về tâm trạng day dứt khôn nguôi và nỗi ân hận dầy vò qua việc đã tham dự vào diễn tiến yêu cầu Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận phải đi khỏi Tổng Giáo phận Sài gòn dạo tháng 5/1975, chỉ sau ngày 30-4 được đâu hơn tuần lễ, khi mà tháng trước đó ngài vừa mới có bài sai về làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị. Nghe Cha nói, tôi nhớ lại hành động xu thời nông nổi cách quá đáng này của một số các linh mục và mấy ông trí thức Công Giáo tả khuynh nơi thời gian ấy (Linh Mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thanh Lãng, Trương Bá Cần, Nguyễn Quang Lãm, Nguyễn Đình Đầu, Lý Chánh Trung…).


Cha Thanh Lãng từ trần vào năm 1990, và tôi được biết Cha có để lại Bản Tạ Lỗi cùng lời ăn năn sám hối với Chúa, với Hội Thánh Công Giáo và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, cũng như thành tâm cúi xin Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận tha thứ cho lỗi lầm của mình.

(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ăn tranh thủ ngủ khẩn trương

Học bình thường yêu đương là chính.



Tác phẩm của Tự Lực Văn Đòan

Thạch Lam:

Truyện dài: Ngày Mới (1939).

Truyện ngắn: Gió Đầu Mùa (1937), Nắng Trong Vườn (1938), Sợi Tóc(1942).

Tùy Bút: Hà Nội 36 Phố Phường (1942). 

Tiểu luận văn học: Theo Giòng (1941).

Loại Sách Hồng (ký Thiện Sĩ): Quyển Sách, Hạt Ngọc, Hai Chị Em, Lên Chùa.

(Tự Lực Văn Đoàn Chữ Văn Quốc Ngữ - Trần Bích San)



Đừng tưởng

Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ cao là sáng cứ tu là hiền.

(Bùi Giáng)



163 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Đọc Thạch Lam, có người chê câu văn Thạch Lam và nói chung văn phẩm Thạch Lam là ít động tác ít hành động, và kết luận: "Cho nên Thạch Lam viết truyện dài không thành công". Tôi đồng ý là truyện dài Ngày Mới của Thạch Lam không thành công, nhưng rất dè dặt về cái điểm "câu văn và văn phẩm nhất thiết phải có động tác phải nhiều hành động" bởi vì nhiều khi, nhiều động tác quá thì lại hóa ra túi bụi. 


Cái chính trong truyện là nhân vật có làm, phải làm cái này cái kia, nhưng nhân vật còn phải có cảm có nghĩ, có suy nghĩ nữa. Và cái thế giới bên trong đó của một nhân vật của những nhân vật rất là cần cho sinh khí tiểu thuyết. Cái phần ấy mới đem đến cho nhân vật một cái chiều sâu và do cái thâm thúy đó, mới thỏa mãn được người bạn đọc và giúp gì cho người bạn đọc. 

(Thạch Lam – Nguyễn Tuân)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cứ chơi cho hết đời trai trẻ,
Rùi âm thầm lặng lẽ đạp xích lô.



Về cái chết của Dương Quảng Hàm

 “…Dương Quảng Hàm là nhà nghiên cứu văn học. Hơn 20 năm (1920-1945), ông vừa giảng dạy, vừa viết sách giáo khoa văn học và sử học. Hai cuốn sách có giá trị nhất của ông là Việt Nam văn học sử yếu (1941), được xem là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta và Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942).

Riêng tác phẩm Việt Nam Văn Học Sử Yếu được Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH dùng làm sách giáo khoa lớp đệ tam.

 

Tháng 12-1946, đêm 19, trên các con đường của Hà Nội nổ súng đánh Pháp mù trời, Dương Quảng Hàm đã "mất tích". Trong khi nhà ông nằm trong vùng kiểm sóat của phe kháng chiến, nguời Pháp chẳng có lý do gì để sát hại ông. 

Từ điển Tác gỉa Việt Nam ở trong nước viết: "Ông mất tích tại Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến". Từ điển này cùng một tác giả soạn, hai tháng sau, không dùng chữ "mất tích" nữa. viết là ông "mất". Có sự cân nhắc nào, tại sao Cục Xuất Bản bộ Văn Hoá Thông Tin tại Hà Nội lại phải can thiệp để tác giả viết khác đi như thế? Từ mất tích đến mất, cái tích kia là thế nào?

 

Cái chết của ông, như cái chết của các nhà văn hoá Việt khác, như Phạm Quỳnh, Khái Hưng là do bị ám hại…” 


(Viên Linh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng ăn nhổ toẹt lầu bầu chê ngu



Đã có một thời…


Vậy mà tôi vẫn phải sống như thế cho đến hôm nay. Các bạn tôi đã ra đi hết, người còn kẻ mất, đôi khi chẳng còn biết tin tức gì về nhau. Nhưng kỷ niệm vẫn còn đấy ắp trong tôi. Đêm cuối năm Ất Mùi này, chỉ cần chớp mắt là thấy hình ảnh từng người một xuất hiện. Thảo Trường luôn tưng tửng, ngang ngang, cứ như bất cần đời; Ông Mặc Thu có chùm râu tơ, luôn thích vuốt râu khi “đối ẩm” trà rượu cùng những việc vẽ vời lặt vặt cho “lãng quên đời.”  

Ông Nguyễn Sỹ Tế rất kiệm lời và vẫn nét mặt trang nghiêm của những “thầy đồ”. Trong trại tù, có lúc ông Tế nằm cạnh Trần Dạ Từ. Mỗi lần Nhã Ca lên thăm nuôi, Từ rủ mấy anh em bù khú. Có lần tôi nhập bọn, ông Tế còn mang cây violon do bạn tù tự chế ra biểu diễn nhạc cổ điển tây phương. Sau màn nghiêm chỉnh thưởng thức, chúng tôi cùng cười vui khi nghe Trần Dạ Từ nói nhờ chiều nào anh cũng được ông Tế bắt nghe Schubert bằng cái đàn lạc giọng này mà thừa sức lao động.

 

Trong số các bà thăm nuôi ngày đó, Nhã Ca là dân cùng nghề văn, cũng đã từng đi tù rồi nuôi tù nên quen biết mọi người. Tôi nhớ chuyện kiếp trước, một sáng mùa xuân nào đó thời đầu 1960, khi có dịp ra Huế, tôi đã cùng Thanh Nam lái xe đến gặp Nhã Ca và Từ ở ngôi nhà khu Bến Ngự. Thanh Nam đã ra đi từ lâu. Thái Thủy cũng vậy. Ba tên bạn thân của Sài gòn ngày nào, mới đó đã là 30 năm, từ ngày được chia với Thái Thủy gói mì khi đoàn tù tả tơi từ Gia Trung chuyển trại về Hàm Tân.

 

Cũng chỉ mới đó thôi, khi Trần Dạ Từ – Nhã Ca ghé thăm từ biệt tôi để ra đi, nay đã là hơn một góc thế kỷ. Bây giờ, trong đám bạn tù nhà văn, Mặc Thu, Nguyễn Sĩ Tế, Thái Thủy, Thảo Trường đều đã ra đi, chỉ còn lại Trần Dạ Từ và tôi.

 

Đêm cuối năm, mỗi chớp mắt là thấy lại một người, một thời. 


(Tết trong trại tù cùng bạn bè – Văn Quang)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Đàn bà đi chợ là... vợ đàn ông



Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam

Cũng nên nói thêm rằng, xa lạ với tính chất trong sáng, cô đọng, thường có ở các nhà văn lớp trước, một số nhà văn sau này lại viết câu dài, rậm rạp, ví dụ Nguyễn Thị Hoàng, “Vòng Tay Học Trò” được viết bằng một nghệ thuật thành công, mặc dù sự nổi tiếng của nó thời ấy có thể do những yếu tố ngoài nghệ thuật, trong các câu văn đầy rẫy các tính từ và trạng từ, những cái bẫy nguy hiểm. Sở dĩ truyện thành công được như thế vì câu văn Nguyễn Thị Hoàng thể hiện trung thành lề lối cảm xúc và suy tư của người viết, của nhân vật, rậm rạp dài dòng, nhưng không rối.

 

Ngược lại với trường hợp Doãn Quốc Sỹ, Mặc Đỗ, Võ Hồng… tôi đọc Võ Phiến rất trễ, đầu năm 1975, ở nhà người anh rể của tôi, vừa bị thương ở mặt trận về Tủ sách của anh có “Mưa Đêm Cuối Năm”, “Chữ Tình”… Thời ấy có lẽ Võ Phiến không có nhiều độc giả, nên tôi ngạc nhiên là anh tôi đọc sách của nhà văn này nhiều đến thế. Sách của ông, thời nhỏ hơn tôi chưa đọc ông, nếu đọc chắc đã sớm bạc đầu.


Không phải vì Võ Phiến viết văn trịnh trọng, nghiêm nghị, khó khăn. Ngược lại mới đúng. Ông viết khơi khơi, nhẹ nhõm, dễ dàng, vừa kể chuyện vừa tủm tỉm cười, tưởng như đang giữa chừng câu chuyện ông bỗng vỗ đùi đánh đét. Người mê viết văn đọc ông sẽ mê như điếu đổ, nhưng bắt chước không được. Khác vì cái tạng. Văn Mai Thảo thì người ta có thể “bắt chước” được. Nếu nhiều người viết làm mới ồn ào, người thì đảo câu đảo chữ trong tiểu thuyết, người thì siêu thực trong thơ, Võ Phiến lại lặng lẽ một mình đi suốt con đường của ông bắt đầu từ Chữ Tình, 1956 đến Chúng Ta, 1973, qua cách viết. Nếu Mai Thảo là người khai phá dòng tiểu thuyết tự truyện thì Võ Phiến là người mở đường cho cái mà ta có thể gọi là phi tiểu thuyết (non fiction), gồm tùy bút, tạp bút, tiểu luận, truyện ngắn, tạp luận của ông.


Đặc điểm của tiểu thuyết là kể chuyện, đặc điểm của thơ là liên tưởng, đặc điểm của tùy bút và phi tiểu thuyết là phát hiện. Văn chương Võ Phiến là văn chương phát hiện. Ông viết rất nhiều đề tài nhưng tôi cho rằng xuyên suốt các tác phẩm nung nấu một tâm sự về đất nước và chiến tranh, cái ưu thời mẫn thế. Mỗi khi nghĩ về nạn binh đao, của quê cũ thân yêu, bao giờ tôi cũng nhớ những đoạn văn Võ Phiến. Nghĩ đến chúng, tôi thấy lòng bình tĩnh lại, bớt đau khổ, bớt giận dữ, ấm lại, như đứng trước một người tri âm. Tôi nghĩ, văn học là sự an ủi.


(Nguyễn Đức Tùng)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Dây tơ hồng… quấn quanh chuồng lợn.
Tình chúng mình có tợn quá không em



Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Buồn vui cùng Trần Tuấn Kiệt

Căn nhà Trần Tuấn Kiệt ở bây giờ, xưa là một căn nhà trệt lợp tôn trong một khu gia binh. Cuộc sống ở căn nhà cũ gần chợ Vườn Chuối, sau bao chao đảo kinh tế, bị thời cuộc “dồn đuổi” quá, vợ chồng anh phải bán đi để sống dạt ra xa với hy vọng yên thân được trong điều kiện bản thân còn trong tuổi quân dịch…

Căn nhà cũ của Kiệt ở trong một con hẻm nhỏ của đường Phan Ðình Phùng. Mỗi khi ghé đấy, tôi hay ngồi với Kiệt trên cái gác gỗ lợp tôn nhà anh, từ cửa sổ nhìn sang nhà lồng chợ Vườn Chuối lô nhô những mái tôn dưới tầm mắt. Những năm 1960 là thời điểm cực thịnh của văn nghệ Sài Gòn, nhiều bạn trong giới văn nghệ đến đây với anh, và tôi cũng quen được nhiều người trong số họ vào những dịp này.


Anh luôn luôn có nhiều bạn, nhưng bạn bè đến nhà ở hai nơi cũ và mới có khác nhau. Ðộ rày anh cũng ít đi đâu, đến nhà thường là gặp. Cứ mỗi lần gặp là lại thấy cái dáng lững thững rất riêng của anh, dù chỉ trong mấy bước chân đi. Một lần, tôi ghé lúc ngang sáng, anh đi từ trong nhà ra, miệng lẩm nhẩm mấy câu thơ trong tập Chân Ngôn, “Ta giang hồ thuở bé/ Quên cả tình mẹ cha/Giờ đến ngày giỗ mẹ/ Thấy cả lòng xót xa,” đoạn bước đến vỗ vỗ vào cái xe máy của tôi với đôi mắt dân dấn đỏ rồi trầm giọng xuống: “Mày lại chơi với tao, cám ơn mày!”

(Nguyễn Văn Ðậu)



Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Sách mười bồ thua một ô che đầu.



Nguyễn Đình Thiều

Nguyễn Đình Thiều sinh ngày 14-2-42 tại Sơn Tây, ra Hà Nội, theo hoc trường tiểu học Lý thường Kiệt rồi trường trung học Thăng Long cho đến năm 1954 di cư vào Nam. Từ 1954 cho tới 1958 Nguyễn Đình Thiều sống tại Nha Trang tiếp tục việc học.
Năm 1959 ông vào Saigon, kết thúc năm cuối cùng bậc trung học vì ông phải lao vào đời kiếm sống vì gia đình không đủ giúp ông vào đại học. Suốt hai năm 59 - 60, ông sống dọc miền biên giới và cao nguyên Trung Phần, hưởng cuộc đời tranh đấu hiểm nguy và ly kỳ như những nhân vật mà ông đưa vào tiểu thuyết sau này...

Năm 1961 ông bỏ rừng già về Saigon gia nhập quân chủng Không Quân. Từ 1962 tới 1964 ông du học tại Hoa Kỳ, trở về nước ông phục vụ trong quân chủng Không Quân tại hầu hết các Không Đoàn trên toàn quốc. Cuối năm 1965 ông được thuyên chuyển về phụ trách nguyệt san Lý Tưởng cùng một số nhà văn Không Quân tại Bộ Tư Lệnh Không Quân (Tân sơn Nhứt).

Từ 1966 Nguyễn đình Thiều công tác với các nhật báo: Tiền Tuyến, Sống, Và các tuần báo: Kịch Ảnh, Màn Ảnh, Con Ong…

Tác phẩm:

Võ Đạn Cho Con Trai Đầu Lòng (Truyện dài, 1969)
Bay Vào Lửa Đạn (Truyện dài, 1970)
Chém Mướn (Truyện dài, 1971), v…v…



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ai vô xứ Nghệ thì vô ,

Còn tui tui cứ thủ đô tui về.



Giai thọai làng văn xóm chữ 

Tản Đà chết trong nghèo túng

Vì làm báo, quản lý báo với cung cách của một “trích tiên”, một “Á Đông Khổng Tử chi đồ” nên sự nghiệp làm báo của Tản Đà không thể vươn xa như Vũ Bằng, Nhất Linh dù ông có công đào tạo nên nhà báo, nhà văn xuất sắc là Nguyễn Công Hoan

Từ sau khi An Nam tạp chí đình bản vĩnh viễn, cuộc sống của Tản Đà vốn đã nghèo túng càng trở nên thiếu thốn, phải chạy ngược chạy xuôi để kiếm sống. Ông phải đăng quảng cáo trên báo với nội dung:Nhận làm thuê các thứ văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội”, rồi mở lớp dạy Quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng nhưng không có học trò, mở ngôi hàng đoán số tử vi Hà Lạ cũng không có khách. Và rồi Tản Đà qua đời ngày 17/6/1939 (ở tuổi 51) vì bệnh gan, để lại vợ và tám con.

 

(xem Nguyễn Công Hoan ở dưới)

 


Đuờng văn ngõ chữ

Suýt gặp họa vì... mang theo súng

Theo nhà văn Tô Hoài kể lại, một lần, Nguyễn Công Hoan cùng nhà thơ Thôi Hữu có việc đi Sơn Tây. Nguyễn Công Hoan vận bộ quân phục mới, đội mũ ca lô sĩ quan dạ tím có sao vành tròn, lưng giắt súng lục, dáng vóc trông thật cao lớn, oai vệ.
Thật bất ngờ, hôm ấy, Tây ở Hà Nội tấn công lên tận huyện Phúc Thọ. Chúng trên mặt đê, bắn tràn vào làng. Dân gồng gánh xô xuống bãi, chạy giặc. Nguyễn Công Hoan cũng lẫn trong đám này. Thấy vóc dáng nhà văn không bình thường, lực lượng dân quân lập tức tra hỏi, giữ giấy tờ, rồi trói ông lại. Người ta nghi ông là "Việt gian". Tình thế rất nguy hiểm, bởi khi ấy giặc đang đuổi tới, mà anh em thì không có thời giờ "điều tra thêm".
May mà rồi nhà văn cũng thoát nạn. Đến nửa đêm, ông trở về Đồng Lư, vết trói còn lằn đỏ tay, mũ và súng không còn nữa. 

Ông nói: "Từ giờ thì kệch không dám đeo súng".



Thành ngữ tục ngữ

Đánh chó đá vãi cứt 
Chê kẻ bất tài mà lại hay khoe khoang 

(Nguyễn Dư)



Đuờng văn ngõ chữ

Nhà văn lão làng và tên lừa đảo
Cũng vẫn theo nhà văn Tô Hoài kể lại, thì ở tuổi ngoài bảy mươi Nguyễn Công Hoan đã bị một kẻ "mạo danh" với mục đích... lừa tình. Hôm đó, cơ quan Hội Nhà Văn được tin báo có khách ở Gia Lâm sang. Khách gồm 2 người: Một chị công tác ở Hội Phụ Nữ huyện và một bác làm thường trực UBND huyện. Với cương vị Phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn, Tô Hoài ra tiếp khách. Và ông được thông báo rằng: "Chị phụ nữ đây sắp lấy nhà văn Nguyễn Công Hoan". Lý do bác ta tới đây là để tìm hiểu "Cậu nhà văn Nguyễn Công Hoan ấy lý lịch ra sao". Nhà văn Tô Hoài nghe vậy lấy làm kinh ngạc. Song, bằng sự nhạy cảm của mình, ông hiểu ngay vấn đề. Và ông tìm cách gợi chuyện để thông tỏ ngọn ngành… 


Thì ra, ở Gia Lâm có một gã thanh niên khỏang 30 tuổi mạo xưng là "nhà văn Nguyễn Công Hoan" và đã "tà lưa" được chị phụ nữ kia, đến độ chị chàng đang có ý định tính chuyện trăm năm với gã. Rõ ràng, người phụ nữ có yêu văn chương thật, nhưng trình độ văn hóa quá thấp. Sau khi nghe ra vụ việc, nhà văn Tô Hoài lim dim mắt, nói: Hội Nhà Văn không có "cậu" Nguyễn Công Hoan nào, chỉ có..."cụ" Nguyễn Công Hoan. Và về tuổi thì cụ Nguyễn Công Hoan có thể đẻ ra được tôi.


Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Ăn chơi sợ gì mưa rơi.



Chân dung hay chân tướng nhà văn

Nhưng khi Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách in xong, nhà văn Hoàng Lại Giang cho biết: ”Phản ứng của nhà văn rất lớn, và đấy là điều tôi không ngờ đến. Những nhà văn lớn có bản lĩnh, họ chịu đựng nổi, im lặng. Nhưng những nhà văn tầm tầm, lồng lộn, rất gay gắt yêu cầu Bộ Văn Vóa kiểm điểm và thu hồi.” 


Một cuộc họp của Bộ Văn Hóa diễn ra, với năm đại diện: Ba Thứ Trưởng (Phan Hiền, Huy Cận, và Nông Quốc Chấn), đại diện Hội Nhà Văn Vũ Tú Nam, cùng giám đốc NXB Văn Học Lữ Huy Nguyên quyết định không thu hồi nhưng niêm phong số bản in 3000 cuốn. 20 năm sau, cho tới tận bây giờ, số sách này vẫn bị chôn dưới hầm cầu thang chi nhánh NXB Văn Học tại 290/20 đường Công Lý, Sài Gòn, chắc đã làm mồi cho mối. 


(Nhật Tuấn)


Nhật Tuấn là em nhà văn Nhật Tiến, tên thật: Bùi Nhật Tuấn. sinh năm 1942 tại Hà Nội. Mất ngày: 6-10-2015 tại Sài Gòn. 



Tác phẩm: Bận Rộn (1985), Lửa Lạnh (1987), Biển Bờ (1987), Niềm Vui Trần Thế (1989), Đi Về Nơi Hoang Dã (1990), Một Cái Chết Thong Thả (1995).


***

Trong cuộc phỏng vân của bà Phạm Thị Hòai, nhà văn Nhật Tuấn cho hay: “Tháng 10 -1975 tôi vào Sài Gòn gặp ông anh ruột là nhà văn Nhật Tiến. Tôi bảo: "Thôi ông ra nước ngoài đi, người như ông không sống ở đây được đâu" Tôi cũng vậy, tôi không có cảm giác mình là "phe chiến thắng" mà chỉ là dân "ngụ cư", dân Bắc Kỳ 75".



Nhân Văn Giai Phẩm 

Trại Cổng Trời

Chúng tôi được tập trung ở Hỏa Lò Hà Nội từ khắp mọi miền đất Bắc. Tay xích còng số 8, hai người một. Hàng đầu: Cha Vinh (địa phận Hà Nội) người bị kết án có 18 tháng tù thôi thế mà hóa ra án tử hình. Cha Quế, địa phận Xã Đoài, Nghệ An. Thứ đến là Nguyễn Hữu Đang, người cầm đầu Nhân Văn Giai Phẩm. Tiếp sau đó là một lũ tù dây, đầu trần trán khỉ, hôi hám rách rưới, chống bướng, cứng đầu cứng cổ không chịu sự cải tạo của Đảng và chính phủ, bọn "dám bẻ que chống trời..." 


Chúng tôi lên xe đi. Súng ống bao quanh. Đi đâu? 

Không ai biết cả. Cả những người cầm súng, cũng không biết. Có lẽ chỉ có một người biết. Người đó xách cặp đen đựng danh sách tù nhân, mặt mũi tử tế, ăn mặc dân sự, đi trên chiếc xe ca dẫn đường. Chỉ biết là chúng tôi đi lên hướng Bắc. Ngày đó đường xá đầy ổ gà ổ voi, xe đi chậm. Mãi trưa chúng tôi mới tới Vĩnh Yên. Nghỉ lại ăn cơm trưa. 


Tôi ngồi gần Nguyễn Hữu Đang, thấy người xách cặp đen đi qua để "kiểm tù" nói năng lễ độ tử tế, nhẹ nhàng với anh Đang. 

"Anh Đang, anh có khỏe không?" 

"Vâng, tôi khỏe" 

Hai người nhìn nhau thông cảm. Qua phà chúng tôi ngủ lại trại giam Tuyên Quang. Lệnh: Không được cởi xích tay. Qua một đêm không thể nào mà ngủ được. Thằng muốn đi ỉa đi đái, phải đánh thức thằng tù đang ngủ dậy. 5 giờ dậy đi tiếp. Kiểm số tù lần cuối vẫn là ông xách cái cặp đen tử tế. Ông ta tỏ vẻ rất biệt đãi đối với anh Đang, làm tôi nghĩ đến chuyện "Chữ Người Tử Tù" của Nguyễn Tuân. Đến Hà Giang, sau khi ăn cơm trưa, chúng tôi đi tiếp vào một con đường mới mở, hẹp và cheo leo. Mọi người nhìn nhau: 

"Đi mô?" 

Mấy ông Nghệ Tĩnh hỏi nhau. 

"Có lẽ sang Tàu." 

Anh Đang bảo: "Lên Cổng Trời Cắn Tỷ." (*)

 

(*) Theo tác giả trại Cổng Trời có 72 người 

thì độ chừng 11 người sống sót.

 

(Cổng Trời Cắn Tỷ - Kiều Duy Vĩnh)

 


Thành ngữ tục ngữ sai 

Gà lấm lưng

Khi chọi nhau, gà ngã ngửa lưng chấm đất là không còn chọi được nữa.


Thực ra đến thời kỳ chịu trống.con trống nhảy lên lưng “đạp mái” nên gà mái mới bị lấm lưng. 


(Hoàng Tuấn Công)



Chinh phụ ngâm bị khảo 


Trong khi ấy như đã trình bày ở trên, Phan Huy Ích đã nhìn nhận mình từng dịch tác phẩm này trong lúc nhàn hạ và tự hào là đã lột tả được tâm sự của tác giả Đặng Trần Côn: Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc, Tự tín suy minh tác giả tâm.
Nếu Đoàn Thị Điểm nổi danh trên văn đàn trước Phan Huy Ích, thì ở thế hệ sau, Phan Huy Ích danh tiếng nổi như cồn, về học vấn, tài ngoại giao và về sáng tác khó ai bì kịp.

Phan Huy Ích có tên hiệu là Dụ Am, sinh ngày 12 tháng Chạp năm Canh Ngọ (1751), ở làng Thu Hoạch huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, ông sống và học tập tại làng Thu Hoạch, đến năm 20 tuổi, năm 1771, thi đỗ Giải Nguyên trường thi Nghệ An ông được triều đình thu dụng và bổ nhiệm một chức quan nhỏ tại trấn Sơn Nam. Ông trở thành học trò của Ngô Thì Sĩ được thầy mến tài và gả con gái cho.
Năm 1775, ông cùng người anh vợ là Ngô Thì Nhậm cùng đỗ tiến sĩ. Ông từng là nhân vật được chúa Trịnh tin dùng. Cuối năm 1787, Tây Sơn ra Bắc lần thứ hai. Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu. Năm 1788, Bắc Bình Vương ra Bắc, xuống chiếu cầu hiền. Phan Huy Ích cùng Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch ra hợp tác với Tây Sơn. Quang Trung trọng đãi họ Phan, giao cho ông phụ trách công việc ngoại giao. 

 

Vua Quang Trung mất. 1802, quân Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) kéo ra Bắc, Tây Sơn diệt vong. Ông bị bắt cùng với Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch, cả ba đều bị đánh đòn trước Văn Miếu vào năm 1803. Năm 1814 ông về quê và sau đó lại chọn Thụy Khuê, sống ẩn dật mở trưởng dạy học và trong lúc thư nhàn đã dịch Chinh Phụ Ngâm. 

Ông mất ngày 20-2-1822, hưởng thọ 73 tuổi. 

(Chinh phụ ngâm bị khảo – Hoàng Yến Lưu)



Văn Miếu 

Người Hà Nội vẫn gọi Văn Miếu là "nhà Giám", cái tên Văn Miếu chỉ các nhà trí thức, học giả, mới dùng đến. Nhưng thực ra Văn Miếu không phải là "nhà Giám", gọi "nhà Giám" là sai.

Miếu là đền thờ, Văn văn hóa, văn đạovăn phài hiểu theo nghĩa rộng gồm cả triết lý, thiên văn, lục nghệ [lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số] chứ không phải chỉ rèn luyện câu văn cho hoa mỹ. Văn Miếu thờ Khổng Tử [551-479 TCN] và cả các danh nhân có công truyền bá đạo Khổng, cũng gọi là đạo Nho, dùng văn trị đào tạo các quan văn phép trị nước bằng lễ, dạy dân hiểu lễ nghĩa, biết cách cư xử có tôn ti trật tự, xã hội sống hòa mục, yên bình. 


Vì sao người Hà Nội lại gọi Văn Miếu là "nhà Giám" ? Theo Trần Hàm Tấn thì lúc đầu tuy cùng chung địa điểm nhưng có sự phân biệt giữa Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Đến năm 1136 Văn Miếu dọn ra nơi khác còn Quốc Tử Giám ở lại chỗ cũ

Đến thời Hậu Lê thì trước cổng Văn Miếu chỉ treo biển "Thái Học Môn", tức Quốc Tử Giám. Đọc "Cuộc bình văn trong nhà Giám" [Vũ trung tùy bút cuả Phạm Đình Hổ] ta thấy đến thời Lê Trung Hưng danh từ "nhà Giám" đã thông dụng để trỏ chung Văn MiếuQuốc Tử Giám. Cái tên "Văn Miếu" có lẽ được sử dụng trở lại từ thời Gia Long bởi thời Tây Sơn dân chúng vẫn còn quen dùng từ "nhà Giám" để trỏ Văn Miếu.


(Nguyễn thị Chân Quỳnh)



Hát Cung Văn

Hát văn mang âm điệu dân ca Phú Thọ, quan hệ gần. Dân ca Phú Thọ, là cái nôi sinh ra các loại dân ca đồng bằng bắc bộ: Hát văn, ca trù, quan họ, hát chèo, mức độ xa gần khác nhau. Hát văn chia thành ba hình thức: Hát thờ, hát hầu bóng, hát cộng đồng. Mở đầu thỉnh mời thánh về, tiếp theo kể công đức, cầu mong ước muốn, tiễn thánh. Một buổi hát diễn ra nhiều điệu hát: Phú nói, phú chênh, phú rầu, ngâm thơ, vãn, dọc, cờn, hãm, dồn, xá. Tùy mỗi nghi lễ, các điệu hát lặp lại kéo dài nhiều giờ. 


Hát thờ, hát tôn vinh các vị thánh vào dịp hội xuân. Sau hát thờ vào hầu bóng. Hầu bóng tứ phủ, lễ các vị thánh. Hát múa hầu đồng nhập hồn vào người ngồi đồng. Hát cửa đền, một hình thức nghi lễ về vị thánh hiển linh tại ngôi đền. Ngày nay hình thức này, còn hát cho người vãng thăm đền. 

Hát cung văn, hát chầu văn, hát văn, hát bóng... một hình thức diễn xướng tâm linh văn hóa xứ Bắc, đậm màu tâm hồn Việt. Tồn tại lâu đời trong dân gian từ Bắc đến miền Trung, phát triển mạnh tại các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, lên cả miền núi Lạng Sơn, Quảng Bình...


(Tuấn Giang)



Thần Nông

Thần nông là gì. Những lần tôi học chữ nho, các ông dạy tôi học, dù cho rằng Thần Nông có nghĩa là vị thần trông coi về nông nghiệp. Tôi đã hiểu như thế trong rất nhiều năm, mãi cho đến khi tôi biết rõ cơ cấu của Hoa ngữ thì tôi bắt đầu nghi ngờ. 

Trong cơ cấu của Hoa ngữ thì ở các từ loại đó, chữ thứ nhì là chữ quan trọng, khác với trong Việt ngữ mà chữ thứ nhứt là quan trọng. Trong Việt ngữ thì ‘’Thần’’ là chữ quan trọng, nhưng sách Tàu thì lại viết là Thần Nông chớ dâu có viết là Nông Thần. Mà cơ cấu Hoa ngữ thì như thế đó ‘’Nông’’ mới là quan trọng. 


Người mà tôi hỏi là Lý Văn Hùng, người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Ông chỉ là thầy giáo Tàu thôi, nhưng ông ta viết được vài quyển sách về lịch sử cận đại của miền Nam bằng chữ Tàu, và nhứt là ông ta dạy Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc ở Văn Khoa Đại Học ta, nên tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng không dở lắm.

Chú Lý Văn Hùng đã được tôi tín nhiệm, thế nên tôi cũng cứ hỏi chú Thần Nông là gì. Chú ấy biết tiếng Pháp, chú giải thích: “Thần Nông là nông nghiệp thiêng liêng, chớ không phải ông thần của nông nghiệp đâu.”.


Tôi thấy là chú ấy có lý quá. Vậy quý vị nhà nho ta nghĩ sao? 

Đây là học hỏi của tôi với một người Tàu. Ông họ Lý đó, dở hay giỏi, tôi không đủ sức biết, nên xin ghi lại đây cho quý vị nho học ta xét lại. Nếu ông họ Lý dạy sai thì tôi sẽ bỏ những gì mà tôi được biết nhờ ông ấy, và sẽ nghe theo những lời chỉ dạy hữu lý hơn của các vị khác.


(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)


***


Phụ đính


Cô Tư Hồng 

Sự phân biệt giữa “tiểu thuyết” và “lịch sử” ở đây có lẽ dựa vào đối tượng: đối tượng của tiểu thuyết là những hiện tượng, những nhân vật lịch sử bị ngoại biên hóa. Chất liệu để xây dựng một nhân vật của tiểu thuyết lịch sử, do vậy, được khai thác từ nguồn giai thoại: những lời đồn đại, những bí mật được truyền tai được li kì hóa. Tiểu thuyết Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất được xây dựng trên một loạt các giai thoại về người phụ nữ từng khuynh đảo đất Hà thành. Đào Trinh Nhất liên kết các giai thoại ấy không theo mạch biên niên của lối chép sử thông thường mà bắt đầu từ một lát cắt ở giữa cuộc đời nhân vật, trần thuật theo cách khơi dậy sự tò mò, phán đoán và chờ đợi ở người đọc – một thủ pháp phổ biến của các tiểu thuyết dài kỳ trên báo.


Những giai thoại xung quanh Cô Tư Hồng được thêu dệt nên bởi những định có phần khắc nghiệt. Cô Tư Hồng là đối tượng đả kích của nhiều nho sĩ đầu thế kỷ, trong đó, đặc biệt phải nói tới bài ca trù “Đĩ Cầu Nôm” của Nguyễn Khuyến. Bài thơ trào phúng sâu cay của cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã đóng đanh Tư Hồng như người phụ nữ tai tiếng nhất đầu thế kỷ XX. 


Tác giả: Đào Trinh Nhất sinh năm 1900. Nguyên quán tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Năm 1926, ông sang Pháp du học. Ngày 15 tháng 4 năm đó, ông tới Paris, liên lạc với Nguyễn Thế TruyềnNguyễn Như Phong và viết cho báo Việt Nam Hồn.



Năm 1929, ông về nước, viết báo Phụ nữ tân văn, Công Luận, Thần Chung. Và làm chủ bút báo Ðuốc Nhà Nam, sau làm báo Ngày Mới, Phụ Nữ Tân Văn. 

Tác phẩm: Việt Sử Giai Thoại, Phan Đình Phùng, Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, Cô Tư Hồng









Không có nhận xét nào: