Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Tính Tuổi - Hoàng Đằng

                     

                 

                 TÍNH TUỔI

 

Năm 2021 vừa qua, chúng ta đang sống những ngày đầu năm 2022. Có người đã tính thêm tuổi.

Tôi viết vài dòng để bàn về chuyện tính tuổi của người Việt Nam.

Trước hết, xin nói rõ cách tính tuổi của người Việt Nam và người Âu Mỹ khác nhau hoàn toàn.

 Bên Âu Mỹ, người ta tính thêm tuổi khi đã tròn đủ năm nghĩa là đủ 12 tháng, đủ 365 ngày. Thiếu một ngày cũng chưa được lên tuổi.

*

*    *

Trước đây, người Việt dựa vào Âm lịch – qua Tết Âm lịch -  để tính thêm tuổi. Gần đây, qua Tết Dương Lịch, người ta đã tính thêm tuổi, thậm chí qua ngày Đông Chí (21 hoặc 22/12 DL) đã tính. Người ta tính thêm tuổi từ ngày Đông Chí vì thuở xưa, nhà vua ban lịch vào ngày này để nhân dân căn cứ vào đó mà xuống mùa; ở nhiều vùng trên đất nước ta, vụ đông xuân – vụ mùa chính - bắt đầu xuống cấy từ Đông Chí. Người ta cho ngày đó cũng là ngày đầu năm – bắt đầu một năm nông nghiệp mới. 

Cách dựa vào mùa nông nghiệp để tính tuổi là cách tính từng phổ biến trong các dân tộc sống hoang dã. Nhiều dân tộc thiểu số sống trên vùng rừng núi nước ta tính tuổi bằng mùa lúa rẫy. Nếu hỏi họ bao nhiêu tuổi, họ không biết, họ chỉ biết đã sống được bao nhiêu mùa lúa rẫy.

 

Người Việt tính tuổi bằng đếm vòng trên lóng tay theo địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Cách tính này so với cách tính theo phép đem năm hiện tại trừ năm sinh thì trội hơn một tuổi. Có người nghĩ rằng ấy là tính luôn thai kỳ vào số tuổi.

Trớ trêu cho cách tính này là có trường hợp chỉ mới 2 ngày mà tính 2 tuổi – sinh 30/Chạp năm trước qua Mồng Một/Giêng năm sau.

*

*     *

Chừng đó đủ để chúng ta suy ra người Việt thích được nhiều tuổi; cách chi mà tính ra được nhiều tuổi thì người ta dùng.

Vậy vì sao mà người Việt thích nhiều tuổi?

Xưa kia, người Việt sống ở làng quê, làm nông nghiệp cá thể. Mỗi làng có số ruộng công, cấp đều cho những người trên 18 tuổi. Những người đến 18 tuổi được cấp phần ruộng, gọi là “ăn ruộng”, vì thế người Việt thích cách tính sao đó để giúp mau đến tuổi “ăn ruộng”.

Ra giữa làng, người thuộc lứa tuổi cao được trọng vọng hơn người có lứa tuổi thấp. Ấy là quan niệm: “Triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ” - ở triều đình, chức tước được trọng, ở thôn làng, tuổi tác được trọng”.

Lúc về già, chính quyền có quy định là người đến độ tuổi cao chừng nào đó được miễn sưu dịch; người nhiều tuổi được xếp hạng “quan bất sai, lại bất vấn”, sống tự do, thoải mái hơn người ít tuổi.

 

Người Việt còn có tính thích khoe khoang, “ít xít ra nhiều”: Cái chi cũng thích người ngoài nghĩ rằng mình nhiều – từ của cải cho đến niên tuế.

Ở quê tôi, có nhà thu hoạch mùa lúa được 70 thúng, có khi chỉ 30 thúng - thúng là dụng cụ đan bằng tre để đo lường thóc, bắp hạt, đậu, mè ... ngày xưa – vậy mà nếu có ai hỏi, thay vì nói số lượng thật, thì người ta nói "đưới trăm" (đưới là dưới - tiếng quê tôi). Nói thế để làm chi? Để người nghe không khinh nhà mình nghèo, không chê nhà mình thiếu đói. Về tuổi tác cũng vậy, người chỉ 40 tuổi, nhiều khi chừa râu, trông cho có vẻ già; nếu có ai hỏi bao nhiêu tuổi, cũng nói láo là 60 hoặc 70.

 

Lại thêm, rất nhiều gia đình treo thờ hay treo khoe 3 chữ: PHÚC, LỘC, THỌ dù trong thực tế chưa có 3 hồng ân ấy. Người ta treo chỗ cao ở trước mắt như những tiêu chí cần hướng đến trong đời sống.

Người sống thọ phần đông là nhờ môi trường trong sạch (nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, vững chắc ...), ăn uống đầy đủ, con cháu chăm sóc tử tế ... Những điều ấy chỉ có được ở những gia đình có phúc, có lộc. Vì vậy, tuổi nhiều chừng nào càng tự hào, hãnh diện chừng ấy... THỌ biểu hiện sự giàu có không những về vật chất mà còn về tinh thần, về đạo đức.

*

*     *

Bây giờ, trong công việc của chính quyền, cách tính tuổi đã áp dụng theo cách tính của Âu Mỹ. Tuy nhiên, do nhiễm nặng sự tôn vinh tuổi thọ,  các Hội Người Cao Tuổi vẫn tổ chức lễ gọi là Mừng Thọ và Chúc Thọ hàng năm cho các cụ lứa tuổi 70, 75, 80, 85 và trên nữa.

Trong khi đó, bên Âu Mỹ, hình như người ta chỉ tổ chức lễ Mừng Sinh Nhật từ khi đủ một tuổi cho đến già cả trăm tuổi, không có tổ chức lễ gọi là lễ Mừng Thọ.

*

*      *

Thế giới đang dần hòa nhập. Không biết lâu hay mau nữa, Việt Nam cũng bắt chước Âu Mỹ về cách tính tuổi và cách tổ chức Mừng Sinh Nhật thay vì lễ Mừng và Chúc Thọ.


Hoàng Đằng

        31/12/2021







Không có nhận xét nào: