Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

ĐẠI HỌC CHI ĐẠO - Hoàng Đằng

                     ĐẠI HỌC CHI ĐẠO

Hôm nay, ngủ trưa dậy, lướt facebook, tôi thấy GS. Đỗ Bang (1) đưa hình tạp chí ĐẠI HỌC lên.

ĐẠI HỌC là tạp chí định kỳ 2 tháng 1 số của Đại Học Huế ngày xưa; tạp chí  ra từ tháng 2 năm 1958 và đình bản tháng 8 năm 1964, tất cả được 40 số. Tạp chí là sáng kiến của LM. Viện trưởng Cao Văn Luận và giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung để đăng tải những suy nghĩ, những nghiên cứu, những phát kiến của giới trí thức không những ở Đại Học Huế mà còn trên toàn quốc và ở nước ngoài. Chủ biên của tạp chí là GS. Nguyễn Văn Trung giai đoạn từ tháng 2/1958 đến tháng 7/1961 và GS. Trần Văn Toàn giai đoạn từ tháng 7/1961 đến tháng 8/1964.

Lại thêm, mấy ngày gần đây, khi chính phủ Việt Nam cải “Trường Đại Học Bách Khoa” thành “Đại Học Bách Hoa”, dư luận có nhiều thắc mắc, đưa ý kiến qua về.

Bỗng tôi suy ngẫm về con đường của đại học, tinh thần của đại học, mục tiêu của đại học.

 

Ngay từ thời xa xưa, sách "ĐẠI HỌC" - một trong Tứ Thư của Nho Gia - viết: "Đại học chi đạo tại MINH MINH ĐỨC, tại TÂN DÂN, tại CHỈ Ư CHÍ THIỆN".

Theo đó, con đường đại học dẫn người học đến 3 mục tiêu:

(1) MINH MINH ĐỨC (làm sáng đức sáng): ĐỨC là những gì nhân ái, tử tế con người tích tụ làm vốn liếng tâm hồn, vốn liếng tinh thần qua suy nghĩ, qua lời nói, qua hành động, qua đối nhân xử thế. Dù đức đã tốt rồi, nhiều rồi, người học phải trau dồi không ngừng để đức mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn, mỗi dồi dào hơn, tỏa hào quang sáng hơn; nghĩa là người học không bao giờ bằng lòng với mình dù mình đã tốt, đã giỏi rồi.

(2) TÂN DÂN (làm mới nhân dân): học đại học để ra giúp người - làm cho nhân dân có đời sống mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn cả về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần, chứ không phải để vun quén cho bản thân mình, gia đình mình; nghĩa là không bao giờ thỏa mãn về hiện tình xã hội mình đang sống dù xã hội đang tốt đẹp.

(3) CHỈ Ư CHÍ THIỆN (dừng lại ở mức tột cùng của tốt lành): Học là đi tìm CHÂN, THIỆN, MỸ . Chân, thiện, mỹ thì không có mức tột cùng; nghĩa là người học, dù xong đại học ở trường, cũng phải học nữa, học mãi ở ngoài đời.

 

Thầy Thích Minh Châu, viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh trước đây, trong sách “Trước Sự Nô Lệ Của Con Người. Con Đường Thử Thách Của Văn Hóa Việt Nam”, ở phần mở đầu “Bản Thệ Trong Cuộc Phục Hồi Ý Nghĩa Cho Đời Sống Con Người”, mục “Ý Nghĩa Đại Học”, từng viết: "Chí hướng của tinh thần đại học là PHÊ PHÁN và SÁNG TẠO.

PHÊ PHÁN là không nhắm mắt thừa nhận những giá trị của truyền thống, đào bới lại nền tảng và đặt lại giới hạn của mỗi một giá trị hiện hữu.

SÁNG TẠO là không phải bắt chước, mô phỏng, đi theo bất cứ một mẫu mực lý tưởng nào".

 

Người học đại học, muốn được xếp vào hàng trí thức, thì phải biết phê phán và có sáng tạo. Không biết phê phán và không có sáng tạo, dù có bằng tiến sĩ - bằng cao nhất của bậc đại học, người mang bằng ấy cũng chưa phải là trí thức.

Phê phán là tìm ra điều chưa tốt, nói cho người cầm quyền biết để sửa đổi chứ không phải chỉ trích hay mạt sát. Phê phán mang tính xây dựng, còn chỉ trích hay mạt sát mang tính phá hoại. Người cầm quyền phải hiểu như vậy để không cản trở phê phán. Người học đại học phải dám phê phán và người cầm quyền phải không sợ, phải chấp nhận, phải lắng nghe, phải xử lý phê phán; muốn được vậy, người học đại học và người cầm quyền phải có tinh thần đại học, phải là trí thức.

Người thủ đắc bằng cấp đại học có thể không phải là trí thức; nhưng người không có bằng cấp đại học lại có thể là người trí thức.

Tôi đọc tiểu sử nhà văn Nguyên Ngọc, không thấy ông học đại học, có bằng cấp đại học gì, nhưng tôi đọc đâu đó thấy ông viết: "Bản chất của người trí thức là luôn đặt lại vấn đề, không bao giờ bằng lòng với những cái có sẵn, đã ổn định, đã được coi là xong xuôi, ngay cả trong chính anh ta". Như thế, ông Nguyên Ngọc đã hiểu tinh thần đại học

 

Tinh thần không ngừng tìm hiểu, sáng tạo... của đại học đã được đề cập lâu lắm rồi trong Nho giáo. Tiếc là sách thì có mà người học chưa nắm vững và thực hành được những điều nói trong sách. Vì thế, qua mấy ngàn năm, nước ta không phát minh, không sáng tạo nào đáng kể, nên cuộc sống của nhân dân không cải thiện mấy.

Trong khi đó, ở Tây Phương, tinh thần đại học được thấm nhuần và thức hiện triệt để, nhờ thế, khoa học, kỹ thuật, các trào lưu văn hóa tư tưởng phát triển không ngừng và cuộc sống của con người trên toàn thế giới không nhiều thì ít cũng được hưởng lợi nhờ.

 

Buồn là mãi đến bây giờ, ở thời buổi toàn cầu hóa, không thiếu những người có học đại học ở nước ta không có sáng tạo, phát minh gì nên giá, họ mở miệng ra, cầm bút viết ra những điều không có chi mới mẻ, xin lỗi, chỉ là "ăn theo nói leo" ...

Làm sao mà sánh kịp với thời đại đây!


Hoàng Đằng

         11/12/2022

 

(1) Giáo Sư Sử Học ở Đại Học Huế sau năm 1975, nay đã về hưu.










Không có nhận xét nào: