Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Đời Thủy Thủ II ( Vũ Thất) - Chương 5: Hải Phận Khánh Hòa

         Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất

            Chương 5: Hải Phận Khánh Hòa

                                  

Thứ bảy 5/8/1967 06:30G

Khi tôi lên đến boong tàu, một lớp sương mỏng phủ lên mặt đại dương mênh mông còn lờ mờ sáng. Một vòm trời xanh lam điểm những mảng mây không cùng sắc màu. Có mảng da cam vàng tươi, có mảng hồng nhạt, tim tím. Vì sao mãi đến nay tôi mới được thưởng thức lần đầu một bình minh tuyệt đẹp? Nhờ một mình đứng giữa mênh mông của biển trời? Ở trên tàu mà gặp mưa hẳn buồn lắm, suốt ngày phải tự giam hãm trong lòng tàu, còn hơn ở tù.

Chợt nhớ đến câu ca dao tiên đoán thời tiết, tôi mừng thầm. Đông không thâm tức là trời không mưa. Rồi tôi chợt nghe mặt nóng bừng khi nhớ đoạn cuối. Hưng đôi khi mạnh bạo đòi hỏi nhưng tôi dứt khoát chối từ. Nếu không, không chừng vú tôi cũng đang thâm.

Tôi tựa lưng vào vách, ngắm vùng sáng rỡ của đường chân trời. Không gian tỏ rạng dần, mặt biển chỉ còn lớp sương mong manh. Mảng mây da cam chuyển dần sang màu đỏ nhạt.

Mặt trời ló dạng. Ban đầu như là mảnh trăng non, rồi nửa vầng trăng, rồi nhanh chóng hóa thành mặt trời đỏ ửng. Một dải lụa bạc long lanh chia hai vùng biển còn nghi ngút khói.  Giữa dải lụa, không xa chiến hạm, hai ghe đánh cá im lìm cạnh kề bên nhau như đôi uyên ương còn say hạnh phúc. Xa hơn, về bên trái, lờ mờ bóng dáng một thương thuyền.

Tôi đã quen và hài lòng với hợp âm lạ: tiếng vi vu của gió, tiếng xạc xào của sóng, tiếng rầm rì của máy tàu. Tôi càng thích thú với hình ảnh vài con hải âu lượn lờ săn đuổi những con cá chim tung mình lên cao.

Tôi tưởng chừng mọi lo âu tan biến theo không gian êm ả, theo gió nhẹ mơn man. Tôi hít vào đầy lồng ngực khí trời tươi mát trong lành, lắng nghe da thịt giãn nở sảng khoái. Và cũng lần đầu tôi thưởng thức mùi hương thật ngọt ngào của đại dương bao la. Biển của Tổ Quốc mênh mông và đẹp quá. Tôi vui sướng được dự phần đánh đuổi bọn Mỹ xâm lược.

Nhớ tới công tác, tôi nhìn quanh. Chỗ nào là chỗ đặt quả bom gây hiệu quả tối đa? Giữa boong tàu chỉ là một khối sắt khổng lồ lạnh lẽo vô tri, phân chia sân mũi chễm chệ một ổ súng to đùng và sân lái lỉnh kỉnh các thùng sắt đặt quanh. Xem ra quả bom có được đặt ở bất cứ nơi nào cũng đều quá lộ liễu. Đài Chỉ Huy hẳn là phần trên của khối sắt, dĩ nhiên luôn luôn có người trực phiên hải hành. Làm thế nào ôm quả bom lên đó mà không bị bắt hoặc ít nhất không bị nghi ngờ?

Tôi chợt để ý một dáng người đứng cạnh mũi tàu đang chồm ra ngoài như tìm kiếm cái gì. Rồi anh đứng thẳng, nhìn quanh sân mũi. Tôi cảm thấy vui vui khi nhận ra khuôn mặt của anh Hạ Sĩ Quan khám xét hành lý. Tôi quên tên anh nhưng vẫn nhớ anh xuề xòa, vui tính. Tôi nghĩ anh Hạ Sĩ Quan này có thể sẵn lòng đưa tôi quan sát khắp chốn, kể cả hầm máy là nơi quả bom nếu không đánh chìm thì cũng biến chiến hạm thành đống ve chai!

Tôi bước vội đến gần anh. Anh lên tiếng trước:

– “Chào cô Phượng. Cô thức sớm đấy!”

Tôi nhìn bảng tên:

– “Chào anh Tùng. Sớm mà vẫn thua anh! Anh nhìn gì dưới nước vậy?

Bắt chước anh, tôi bám chặt dây an toàn, chồm người nhìn xuống mặt biển. Khi quay lại, tôi bắt gặp ánh mắt kinh ngạc của Tùng. Tôi nói:

– “Tôi thấy một vạt bọt biển bám sát hông tàu. Còn anh, anh thấy gì?”

– “Thấy mũi tàu cán chết mấy con cá.” Trung Sĩ Tùng cười.

– “Có con nào bị thương không?” Tôi bật cười lớn.

Tùng nhoẻn miệng:

– “Thật ra tôi quan sát xem chiếc neo có còn trong ổ không.”

– “Tôi không hiểu…”

– “Chiếc neo rất nặng, dây có thể bị chùng khiến neo nằm ngoài ổ. Khi tàu lắc, nó đong đưa, các mũi nhọn có thể làm thủng vỏ tàu. Cũng có khi dây neo bị đứt, neo rơi xuống biển!”

– “À! Thì ra là vậy! Mà anh phải xem xét ngày mấy lần?”

– “Chỉ vào ngày trực, ít nhất bốn lần, sáng chiều tối khuya. Không chỉ xem neo mà đủ thứ. Mục đích là để bảo đảm mọi thứ vẫn ở đúng vị trí, không có gì bất thường.”

– “Bất thường là sao?”

– “Là không bình thường! Là thấy có vật lạ hoặc vật không nằm đúng chỗ.

Thí dụ như thấy có cái gì đó nằm lang thang hoặc ở chỗ đáng ngờ. Như các phao cá nhân và xuồng cấp cứu không còn gắn trên vách. Như việc cô đứng đây vào giờ này cũng coi như là bất thường. Bởi vì sáng sớm sàn tàu thường rất trơn trợt với hỗn hợp sương trời, nước biển do sóng tạt và dầu cặn từ khói tàu mà đêm chưa chịu sáng, cô có thể vô ý té bất tỉnh, thậm chí rơi xuống biển.”

Tôi giật mình nhìn mặt sàn, kêu lên:

– “Quả là tôi đã gặp may, không bị té!”

– “Sáng mai có thức sớm, mong cô cẩn thận!”

– “Cám ơn anh. Mà đã có ai trợt té chưa?”

– “Tàu chưa từng cho quá giang nên không biết. Còn chúng tôi, khi sóng to gió lớn, bị té lia chia. Nhưng rớt xuống biển thì không.”

– “Khi sóng to gió lớn, đi ra ngoài làm chi cho bị té!”

– “Khi sóng to gió lớn lại chính là lúc cần đi tuần nhất!” 

– “Không đi tuần thì cũng đâu ai biết, phải hôn?”

– “Phải đi chứ, vì an toàn chung mà! Quan trọng nhất là phải chắc chắn vỏ tàu không bị rỉ nước. Chiến hạm này hoạt động từ đệ nhị thế chiến, ít nhất cũng đã trên 20 năm tuổi đời. Nếu nó bị rỉ nước mà không sớm khám phá, dễ dẫn đến chìm tàu. Hơn nữa, sau mỗi lần đi tuần phải ghi nhận xét vào sổ Tuần Phòng, phải ký tên. Người duyệt xét là Hạm Phó.”

Thấy tôi lặng thinh nghĩ tới Võ Bằng, Tùng nói:

– “Đừng lo! Có cô trên tàu, mọi sự đều tốt đẹp. Thôi, gặp lại dịp khác!”

Tôi thấy cần biết thêm về giờ giấc đi tuần, nên lên tiếng giữ anh lại:

– “Anh Tùng, tôi rất thích nghe anh kể chuyện mà cũng rất tò mò. Nếu anh không bận, nán thêm chút nữa.”

Tùng trở lại đứng bên tôi. Tôi hỏi:

– “Sĩ quan trực không đi tuần sao?”

– “Có chứ, cũng như chúng tôi.”

– “Anh trực tới chừng nào?”

– “Đây là tour chót để bàn giao lúc 8 giờ.”

Tùng nhìn đồng hồ rồi mặt hướng ra khơi. Cả một vùng biển lấp loáng long lanh chập chùng. Con tàu chỉ đôi chút tròng trành, không đủ sức hành hạ tôi như chiều hôm qua. Tôi lại thăm dò:

– “Đi tuần khắp tàu chắc mất cả tiếng?”

– “Thường thì độ nửa tiếng.”

Như vậy, với hai người đi tuần tổng cộng bốn lần trong đêm, tôi cũng còn khá thì giờ hành động. Thấy tạm đủ, tôi chuyển qua câu hỏi về hải nghiệp để tránh nghi ngờ:

– “Giả thử thấy có người rơi xuống biển, anh làm gì để cứu?”

– “Dễ lắm. Tôi nhận còi ‘Nhiệm sở vớt người’. Nghĩa là báo cho thủy thủ đoàn sẵn sàng các phương tiện vớt người. Hạm Trưởng cho tàu quay lại, Hạm Phó điều động cứu cấp như sẵn sàng ném phao, sẵn sàng xuồng cứu cấp, quần áo ấm, thuốc men, vân vân… Nhưng nhân tố quan trọng nhất là tài nghệ của Hạm Trưởng.”

– “Anh nói rõ hơn.”

– “Ông phải nắm vững quán tính con tàu, cân nhắc chính xác độ dạt do tác động giữa sóng gió và vận tốc để quay lại đúng đường cũ. Cô thấy rồi đó, biển thì mênh mông, con người thì nhỏ bé, sai một ly đi một dặm…”

– “Có ai từng bị té xuống biển không? Được cứu sống?”

– “Theo tôi biết thì có một người từng bị té và được báo cáo là… mất tích!”

Không rõ Tùng nói thật hay chơi, chỉ thấy anh cười. Tuy vậy tôi vẫn nghe sờ sợ. Công việc của tôi chỉ thuận tiện vào sớm tinh mơ, tay ôm quả bom mà bị té thì còn tệ hơn là mất tích. Tôi lại nhìn kỹ sàn tàu, cân nhắc đường đi nước bước. Tôi chợt để ý sàn tàu không cùng một màu xám đậm. Nó loang lổ với nhiều đốm sơn đỏ sơn trắng trông nham nhở, lở loét. Tôi hỏi:

– “Sao không sơn cùng màu mà lại tô màu lốm đốm thế kia? Trông thấy ghê!”

– “Chẳng qua lỗi tại… nước biển. Cô thừa biết nước biển là vua ăn sét. Loại sơn chủ chốt sét không sợ, nó len lỏi ăn sắt như chơi. Vì vậy, vỏ tàu ít nhất phải được phết hai lớp sơn kỵ sét trước khi tô điểm bằng lớp sơn chủ chốt. Lớp sơn lót đầu tiên có màu đỏ. Lớp thứ nhì màu trắng.”

– “Sơn lót có vẻ ít trơn trợt hơn sơn chính.”

– “Đúng, sơn lót thô ráp, còn sơn chính thì bóng láng!”

– “Nhưng làm sao biết chỗ nào bị sét ăn?”

– “Dễ thấy lắm: chỗ đó sơn bị dộp hay bị tróc, nghĩa là đang bị sét ăn!”

Tôi lại nhìn vô số các đốm đỏ xanh trên sàn tàu, lắc đầu:

– “Chắc các anh cạo sét mệt nghỉ!”

– “Chúng tôi không gọi là cạo mà là gõ. Đã có câu cảm khái: “Năm năm gõ sét đau lòng lính. Sét gõ năm năm sét vẫn còn!”

– “Chua xót thật chứ hả?” Tôi cười, hỏi tiếp. “Mà gõ sét là gõ làm sao? Gõ bằng búa?”

– “Gõ sét bằng búa thì phải sửa câu thơ lại thành ‘trăm năm’ chớ không thể ‘năm năm’: ‘Trăm năm gõ sét đau lòng lính. Sét gõ trăm năm sét vẫn còn!’ Nói là gõ chứ đúng ra phải gọi là cào. Đó là một dụng cụ cầm tay dùng điện, giông giống chiếc hủ lô làm đường, được gọi nôm na là con rùa. Cái trục hủ lô có gai, nó nhanh chóng cào sạch mọi bụi sét. Vì công suất mạnh, người sử dụng nó phải đeo mặt nạ bảo vệ mắt và mặt. Mỗi ngày, thường có ba con rùa chạy sáng chiều. Một ở mũi tàu, một ở giữa và một ở lái.”

Tùng nhìn tôi ngụ ý có còn muốn hỏi gì thêm. Dĩ nhiên biết thêm thì cũng thú vị khi những câu hỏi cần cho công tác không chịu xuất hiện. Tôi câu giờ:

– “Anh Tùng, tại sao sàn tàu có chỗ sét chỗ không? Tại sao không chờ cho sét khắp tàu rồi sơn một lượt?”

– “Câu hỏi của cô giống như câu hỏi tại sao chỗ này có ghẻ chỗ kia không; sao không chờ ghẻ mọc khắp người rồi chữa trị một lần! Với ghẻ, tôi không biết tại sao nhưng với sàn tàu là chốn qua lại thường xuyên của người và vật liệu nên dễ bị trầy sướt. Mà bị trầy sướt thì bị sét! Bị sét thì phải gõ sét, phải sơn. Cái vòng lẩn quẩn!”

Như bị hụt hơi, Tùng vươn vai hít vào một hơi dài. Rồi thở ra. Rồi hít vào. Thấy tôi không hỏi gì, lại tiếp:

– “Nói về sơn lót, có hai màu đỏ và trắng như cô thấy, mỗi màu có các đặc tính riêng. Loại màu đỏ được dùng trước hết, gọi là lớp sơn lót chống rỉ sét. Như tên gọi, nó có hai đặc tính: độ bám sắt mạnh và độ chống ăn mòn cao. Khi lớp sơn lót màu đỏ khô, sơn tiếp lớp lót màu trắng. Nó có đặc tính là chống nước biển thẩm thấu và giúp tăng độ bám cho lớp sơn chủ chốt tiếp sau. Màu sắc và độ bóng của lớp chủ chốt tùy nhu cầu thẩm mỹ của từng khu vực, phòng ốc. Như ở phần lộ thiên của tàu thì phải theo quy định chung là dùng màu xám sậm. Như bên trong tàu thì màu trắng ngà. Riêng phòng Hạm Trưởng và Phòng Hội  Sĩ Quan thì tùy sở thích của Hạm Trưởng. Như ông Hạm Trưởng này thì thích màu đọt chuối huê tình.”

Thấy đã đến lúc nên ướm lời nhờ anh hướng dẫn thăm chiến hạm thì anh lại tiếp:

– “Như cô thấy, công phu bỏ ra cho việc sơn phết bảo trì chống sét không phải là nhỏ. ‘Con sét’ đáng sợ quá phải không? Nó ‘ăn’ lia chia, chỗ nào cũng ăn cho bằng được. Cứ bình thường mà xét thì khi phần lộ thiên bị sét ăn như vậy, lẽ đương nhiên phần chìm dưới mặt nước lại càng bị sét ăn ác liệt hơn nữa!”

Thấy anh chờ tôi đưa ý kiến, tôi miễn cưỡng nói:

– “Hẳn là vậy!”

– “Không là vậy!” Tùng lắc đầu. “Thật tức cười là phần dưới nước sét không ăn mà lại bị một thứ con khác ăn còn dã man hơn! Cô Phượng có nghe nói đến con hà?”

– “Con hà?”

– “Cô có biết câu ca dao: ‘Một lần cho tởn tới già. Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân?’”

– “Tôi có biết nhưng không mấy hiểu ý nghĩa.”

– “Tôi cũng không hiểu con hà nó ăn chân người ta như thế nào nhưng với sắt đá nó ăn lủng hết!”

Tôi trố mắt nhìn anh tỏ ý không tin. Trung sĩ Tùng tiếp:

– “Nói là sét ăn, nhưng thực tế chỉ là một phản ứng hóa học. Con hà mới ăn thực sự vì nó đúng là một sinh vật, có hình thù như miệng núi lửa, có vỏ cứng như cua và trông như con hàu.”

– “Tôi nhớ ra rồi, tôi có thấy. Nó bám vào đáy ghe…”

– “Với tàu thuyền, nó bám vào lườn, gồm cả hai bên hông, phần chìm dưới nước. Bất cứ tàu nào, sau một thời gian hoạt động cũng đều bị con quỷ sống này bám. Và khi chúng bám vào thì… trời gầm không nhả! Chúng bám thiệt chặt, sinh sôi nẩy nở, hằng hà sa số. Chất bám của chúng rất độc, đủ ăn mòn các lớp sơn và có thể làm thủng lườn tàu. Thêm vào đó chúng còn làm giảm tốc độ chiến hạm. Có khi nó bám quá dày, tốc độ giảm còn một nửa! Vì vậy mà sau thời gian hoạt động vài ba năm, chiếc tàu phải lên ụ để cạo hà.”

Tùng lại vươn vai hít thở trước khi tiếp:

– “Cạo hà so với gõ sét thì đáng bậc đại sư phụ. Nó luôn luôn đi đôi với máu và nước mắt! Bởi vì con hà bám quá chặt, quá bon chen, mà vỏ của nó thì vô cùng sắc bén nên hễ sơ sẩy là đổ máu. Vì thế việc cạo hà cần những người có kinh nghiệm và kiên trì. Rất mừng là chiến hạm được miễn. Hải Quân Công Xưởng đảm trách mướn người.”

– “Con hà nguy hiểm như vây, hẳn việc gõ sét và sơn phết cũng đặc biệt hơn?”

– “Đúng! Sau khi hà được cạo sạch, việc gõ sét coi như toàn bộ. Sau đó phải sơn nhiều lớp sơn lót, nhiều lớp sơn chính và cuối cùng là thêm lớp sơn đặc biệt: sơn kỵ hà.”

– “Chuyện thú vị lắm!” Tôi kêu lên. “Theo lối anh kể rành mạch, tôi đoán anh hành nghề… gõ sét?”

– “Không! Trăm lần không, vạn lần không!” Tùng cười lớn. “Chẳng qua có thời gian đi tàu vào đại kỳ Hải Quân Công Xưởng, tôi để ý thôi! Tôi hành nghề gõ sét chỉ vì bị… tạp dịch. Nói rộng ra, ai trên tàu cũng bị tạp dịch. Người trách nhiệm gõ sét mang chuyên nghiệp Vận Chuyển kiêm nhiệm nhiều việc như lái tàu, bảo trì vỏ tàu, xuồng, phao, neo, xích thả neo và dây cột tàu. Việc thì nhiều, nhân viên chỉ vài người nhất là việc ‘sét gõ năm năm sét vẫn còn’ nên chúng tôi… tạp dịch!”

– “Vậy chuyên nghiệp của anh là gì?”

– “Chuyên nghiệp của tôi là Thám Xuất.”

– “Thám Xuất! Mới nghe lần đầu! Vắn tắt, nghiệp… làm gì?”

Anh nghiêng vai trái cho thấy phù hiệu thêu trên cánh tay áo ngay dưới lon trung sĩ. Đó là một hình tròn có đoạn lượn sóng nằm ngang và có mũi tên xuyên nghiêng hướng thượng. Tôi tưởng Tùng nói ý nghĩa của nó nhưng anh chỉ giải thích về ‘nghiệp’ của anh:

– “Tôi và hai nhân viên Thám Xuất phụ trách việc sử dụng, bảo trì, sửa chữa các máy điện thám như radar, sonar, loran, fathometer.”

– “Xin nói rõ hơn!”

– “Radar là loại máy điện tử thám sát trên mặt biển, Sonar thám sát tàu ngầm, Loran định vị trí chiến hạm, Fathometer đo chiều sâu…”

– “Còn những chuyên nghiệp khác?”

– “Rất tùm lum. Nào là Giám Lộ, Phòng Tai, Vận Chuyển, Cơ Điện Khí, Trọng Pháo. Nào là Vô Tuyến, Điện Tử, Y Tế, Kế Toán, Tiếp Vụ, v.v…!”

– “Nhiều chuyên nghiệp dữ vậy?” Tôi ngạc nhiên kêu lên.

– “Hải Quân… ngon lành mà!” Tùng cười đùa. “Một chiến hạm mà không có đủ các chuyên viên đó thì không làm ăn gì được.”

– “Thật vậy sao?”

– “Thí dụ nếu không có mấy tay cơ khí lo máy tàu, mấy tay điện khí lo máy điện, thì coi như… dậm chân tại chỗ!”

Tôi hỏi dò:

– “Máy tàu hẳn phải bự lắm. Có thể nào tôi được xem cho biết?”

– “Chỉ được xem khi có lễ lộc.”

– “Như lễ gì?”

– “Như ngày Quốc Khánh, ngày Quân Lực, ngày Hải Quân.”

Tôi nhớ ra năm nào Văn phòng Đại học Sư Phạm cũng thông báo ghi tên thăm viếng chiến hạm nhưng tôi không hề quan tâm. Bây giờ ngơ ngơ ngác ngác, thấy tiếc.

– “Ngoài máy tàu, có được đi coi các nơi khác?”

– “Dĩ nhiên. Gần như là được coi khắp chiến hạm.”

– “Gần như, có nghĩa là còn những chỗ không được tới?”

– “Những nơi đó cấm… vãng lai! Vấn đề bảo mật.”

– “Ngày thường không được xem tàu sao?”

– “Được chứ, nhưng phải xin phép sĩ quan trực nhật..”

Tôi ‘À’ ra vẻ hiểu biết rồi lặng lẽ đắn đo xem có nên nhờ Tùng đưa đi thăm tàu lúc này hay chờ thân mật thêm hơn. Nhiều tình cảm, việc Tùng ngỏ lời xin phép sĩ quan trực không phải là điều khó khăn. Tôi thấy cần tạo cơ hội cho Tùng phô trương kiến thức hải nghiệp. Tôi hỏi:

– “Ở giữa biển thế này làm sao biết mình ở đâu?”

– “Việc này thuộc trách vụ của Giám Lộ. Công việc của chuyên nghiệp Giám Lộ gồm truyền tin bằng cờ hiệu, đèn hiệu, định vị trí, tu bổ bảo trì các dụng cụ hải hành. Tùy vào hải trình cận duyên hay viễn dương, phương pháp định vị trí khác nhau. Nếu đi gần bờ thì dùng radar, tức là đo hướng độ của ba đối vật trên bờ lần lượt kẻ lên hải đồ, điểm hội tụ là vị trí chiến hạm. Còn lúc ngoài xa khơi thì định vị trí bằng cách dùng kính lục phân đo phương vị độ các thiên thể.”

Tùng nín lặng nhìn lên bầu trời đầy sao. Tôi sốt ruột:

– “Kính lục phân là kính gì vậy? Làm sao mà định được vị trí chỉ với một chiếc kính?”

Tùng thở ra như đã quá mệt với việc phải trả lời:

– “Nếu cô muốn biết rõ hơn, hãy hỏi Trung sĩ Giám lộ Lê Tín hoặc các vị sĩ quan.”

– “Đừng làm khó tôi, anh Tùng. Tôi đang nôn nóng muốn biết đây!”

– “Tôi có làm khó gì đâu. Không biết, nói bậy bạ sao được!”

– “Chuyện hải hành nghe hay ho mà còn bổ ích nữa. Thế nào tôi cũng hỏi Trung sĩ Tín để lỡ sau này có đi lạc đường, tôi biết đo thiên thể mà tìm đường về!”

Trung sĩ Tùng lắc đầu cười:

– “Nhớ là chỉ nhờ Trung sĩ Tín dạy cách dùng la bàn chớ đừng nhờ dạy dùng kính lục phân. Cô chỉ cần ngỏ ý thôi, cũng đủ Trung sĩ Tín chết vì cười!”

– “Sao dữ vậy?”

– “Là vì kính lục phân chỉ dùng… trên biển!”

Tôi mỉm cười, tiến thêm bước mới:

– “Nghe giọng nói, anh là người miền Tây?”

– “Gốc Rạch Giá.”

– “Vợ con ra sao?”

– “Một trai.”

Một cảm giác xao xuyến lạ lùng gờn gợn khắp châu thân. Nỗi buồn trĩu nặng cũng lan nhanh. Một người hiền hậu, vui tính, dễ thương, vợ con đề huề thế này mà phải chết dưới tay tôi. Làm sao rủ rê anh cùng tôi rời khỏi tàu?

– “Còn cô? Nghe cũng giọng miền Tây.”

– “Quê Vĩnh Long.”

– “Năm ngoái chiếc Giang Pháo Hạm tôi phục vụ hoạt động tại sông Cổ Chiên – Mang Thít thường ghé nghỉ bến Vĩnh Long. Tôi thích ngồi nhà hàng Ba Vị ngắm cảnh Long Hồ.”

Tôi e ngại, làm thinh. Mặt biển long lanh, hiền hòa. Trên bề mặt xanh biếc, rải rác vài vùng xanh thẫm. Một chiến hạm lạc lõng giữa hàng chục ghe đánh cá. Tôi nhớ tuần rồi Hưng thuê ghe đưa tôi viếng Ghềnh Ráng Tiên Sa và đổ bộ thăm mộ Hàn Mặc Tử. Tôi quay ngang, nhìn Tùng:

– “Chắc anh đang nhớ vợ con lắm?”

– “Đúng, đang nhớ lắm! Trước đó thì không. Thường thường, mỗi lần công tác lâu vài ba tháng, tuần đầu tuần cuối thì nhớ lắm, khoảng giữa quen dần.”

– “Còn cô, đi thế này hẳn… hết nhớ?”

– “Hết nhớ? Nghĩa là sao?”

– “Nghĩa là cô được sống bên người yêu.”

– “Người yêu của tôi là ai?” Tôi ngạc nhiên.

– “Hải Quân có tai và mắt tinh tường mà! Nói là thân nhân mà hai người cư xử với nhau như là mới quen nhau. Người thì kêu cô, người thì kêu Đại úy. Tôi suy ra hai cô cậu chắc mới quen nhau và chuyến đi này là để tiến đến… yêu nhau!”

– “Anh nghĩ trật lất! Tôi và Đại úy Bằng là ‘thân nhân’ kiểu này: Anh tôi cùng khóa Hải Quân với Đại úy Bằng. Tôi chỉ lợi dụng tình đồng khóa để đi tàu một chuyến cho biết, thế thôi! Đây là lần đầu tôi và Đại úy Bằng gặp nhau.”

– “Xin lỗi đã hiểu lầm.”

Tôi thấy vui vui và nhân cơ hội giải tỏa một thắc mắc:

– “Tôi thấy ở phòng của Đại úy Bằng hình một thiếu nữ bồng con, có phải là vợ con của ổng?”

– “Tôi không biết. Ổng kín tiếng lắm! Chỉ thấy đa số thời giờ ông ấy ở trên tàu.”

– “Phải thân thiết lắm mới để ảnh trên bàn, phải hôn, anh Tùng?”

– “Đúng như vậy! Và vì vậy, e chừng cô đã phải lòng ông Hạm Phó!”

Tôi phật ý, định đốp chát nhưng thấy tiếp tục gây cảm tình là tốt hơn. Mà cũng chả cần gì phải đính chính. Chỉ hơn một ngày nữa tôi đâu còn gặp lại Tùng. Tuy nhiên tôi cũng phải xỉa xói nhẹ nhàng:

– “Nếu tôi phải lòng ông Hạm Phó của anh, anh thấy ổng có xứng đáng với tôi không?”

Tùng đăm đăm nhìn tôi như không ngờ tôi nói ra câu đó. Tôi tiếp tục tấn công:

– “Anh Tùng, nghe đồn Hải Quân hay có con rơi con rớt, có thể chú bé trong hình là con Võ Bằng?”

– “Bây giờ thì biết chắc cô đã yêu Hạm Phó!”

Như để biểu lộ sự cả quyết, Tùng đẩy sợi dây an toàn ra vẻ đắc chí. Bụng tôi đang tựa vào sợi dây bị bật mạnh khiến nửa phần trên của thân nghiêng ra ngoài. Tùng chụp cánh tay tôi, miệng rối rít:

– “Tôi vô ý quá, xin lỗi cô Phượng.”

Hai tay ôm lấy ngực, tôi gọi ba hồn bảy vía. Tùng rút tay về, đứng ngẩn ngơ, bối rối. Tôi trêu chọc:

– “Suýt nữa cả tàu khốn khổ vì… nhiệm sở vớt người, phải hôn anh Tùng?”

Tùng cười cười, đáp:

– “Rất mừng cô đã không rơi xuống biển để còn dịp trả cô về với Hạm Phó. Chúc gặp người yêu nhiều hạnh phúc.”

Nói xong anh bước dọc theo hành lang mạn hữu về phía lái. Khi tôi hướng mắt qua mạn tả, Võ Bằng đang đi tới…

(Còn tiếp).






Không có nhận xét nào: