Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn Ngộ Không - Phí Ngọc Hùng

             Chữ Nghĩa Làng Văn

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng 


***

 

Bút sa gà chết 


Bút sa gà chết là thành ngữ điển tích. Ngày xưa khi có việc ra làng xã xin ký tên, đóng dấu chứng nhận điều gì, người đi xin có lễ biếu gà xôi biện lễ.

 Hiểu theo nghĩa là khi quan trên hạ bút xuống là có một con gà phải… tử vong.

 

(Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)

 


Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 1975

Hôm nào em không “cõng” rượu về cho “bõ già” (15) là y như rằng sinh sự, lôi đạo đức cách mạng ra lảm nhảm một mình…Đừng sợ, trái này “điếc” hẵn rồi mà, những cái “sống” chúng em cho nổ hết sạch, “tầm” chưa ra. Thời buổi khó khăn, muốn kiếm trăm đồng phải rút dao ra, muốn kiếm ngàn đồng là phải vung lựu đạn lên…

Và chúng uống, hết can nọ đến can kia, cho tới khi nào cái thùng thuốc súng đó nạp đủ điện thì tràn ra đường đi kiếm tiền để mai lại uống rượu. Thỉnh thoảng chúng lại cười ré vào trời đêm Hà Nội đang chết lặng vì giá gạo.


(15) Bố, cha

(Thế Giang)


 

Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“sửu: tài sửu. → không viết: sỉu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết “sửu” hay “sỉu” đều không đúng. “Tài xỉu” 大 小 là một trò cờ bạc có tên đầy đủ là “đổ đại tiểu” 賭 大 小. Theo đây, “xỉu” là phiên âm của “tiểu” 小 (bính âm: xiǎo), nên phải viết “tài xỉu”.

(Hòang Tuấn Công)

 


Khoa cử thời xưa

Năm 1070, Lý Thánh Tông lập Văn Miếu thờ Khổng Tử. Đời Lý, Phật giáo được coi như quốc giáo, các nho sinh được thụ giáo trước ở các chùa do sư dậy. Lý Thánh Tông mất năm 1072. Lý Nhân Tông còn nhỏ, bà Ỷ Lan nhiếp chính. Năm 1075, bắt chước nhà Đường, bà ra lệnh mở kỳ thi Minh kinh bác học (giảng giải kinh sách) còn gọi là khoa Tam Trường (thi Đại khoa gồm ba kỳ) để kén chọn nhân tài. Đây là kỳ thi mở đầu nền khoa cử ở nước ta, trong phép thi cử dùng cả tam giáo: Nho, Lão, Phật. Lê Văn Thịnh, người Bắc Ninh, đỗ đầu trong kỳ thi này.


Năm1076, trường Quốc Tử Giám được thiết lập, bổ những ngươi văn học vào dậy Tứ thư, Ngũ kinh đào tạo nho sĩ. Sĩ tử là con của vua quan nên sĩ số chẳng là bao. Tuy nhiên có thể nói Quốc Tử Giám hay Văn Miếu là đại học tiên khởi của nước ta, chỉ khi nào cần nhân tài mới mở khoa thi. Năm 1152, Lý Anh Tông mở kỳ thi Điện thí trong sân điện của vua, sau này gọi là thi Đình.


Tiến sĩ vinh quy


Năm 1868, vua Tự Đức cho thi ân khoa. Tại trường thi hương ngoài Hà Nội, có lính cưỡi voi dàn chào các khảo quan tiến trường. (Nguyễn Công Hoan, Sóng Vũ môn). 
Tại trường thi hương Hà Nội, ngày xướng danh có lính cưỡi voi đi quanh phố, dùng loa hô tên người đỗ (Ngô Tất Tố, Lều chõng). 
Tại Nam Định: 
Xướng danh tên gọi trên mình tượng 
Ăn yến xem ra có thịt công 
(Tú Xương, Hương thí tự trào)


Thời Tự Đức, tổ chức thi hương ngoài Bắc có huy động cả lính cưỡi voi. Nhưng cảnh cưỡi voi vinh quy thì dường như chỉ được thấy trong một tấm tranh dân gian (1)

(1) Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, 2011, tr. 62 -


Tranh vẽ hai đám rước: Nửa trên là rước tiến sĩ xuất thân. Ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau. 

Nửa dưới là rước tạo sĩ hiển hồi. Ông tạo sĩ quan võ cưỡi voi. 


(Nguyễn Dư)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“triết: khúc triết. → không viết: chiết”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


Viết “chiết” mới đúng. Vì “chiết” 折 nghĩa là cong, “khúc chiết” 曲 折 là quanh co, không thẳng. lựa lời khúc chiết để chối quanh

 

(Hòang Tuấn Công)



Một nền văn học của những người vắng mặt

Nhiều nhà văn miền Nam chết trong tù, nhiều người vừa ra khỏi cửa nhà tù thì chết trước ngưỡng cửa nhà mình. Có người chết trên xe, chiếc xe đang chạy trên đoạn đường từ trại tập trung, hướng về nhà cũ. Đó là trường hợp nhà văn Hồ Hữu Tường

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương về tới nhà vài ngày mới chết. 


Đây là danh sách các trí thức miền Nam chết trong các nhà tù hay các trại tập trung gọi là cải tạo, hay chết chỉ một thời gian ngắn sau khi được thả về, từ sau 30 Tháng Tư 1975, mà tác giả Chiêu niệm Văn Chương sẽ cố gắng ghi lại: 

Dương Hùng Cường, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Ngọc Trụ (bị xử bắn trong trại), Phan Huy Quát, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Thục Vũ, Minh Kỳ ...


Trầm tịch ngoài biển đông có Chu Tử, Trần Đại... Vùi xác trên đường bộ trên địa phận Cao Mên có nữ nghệ sĩ Hồ Điệp. Đó là chỉ kể những người tôi được quen biết trong thời gian làm báo và làm phát thanh ở Việt Nam, trừ Hồ Hữu Tường, Nguyễn Ngọc Trụ sinh hoạt trong môi trường chính trị, tư pháp tôi ít lui tới.


(Viên Linh)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực


Làm giàu không khó

Nhưng khó ở chỗ làm mãi mà không giàu.

 


185 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Như Trần Hoài Thư nhận xét, ít có tờ báo văn học nào ở Sài Gòn thời đó mà quan tâm nhiều đến những cây bút trẻ đang cầm súng chiến đấu trên các chiến trường như tạp chí Văn, hay nói cụ thể hơn, như Trần Phong Giao. Không những đăng nhiều truyện ngắn nóng hổi viết và gửi vào từ mặt trận, người thư ký tòa soạn này còn tỏ ra lo lắng đến số phận họ. Tôi còn nhớ, có lần anh cho biết là đã nhờ người quen trong Tổng Tham Mưu kéo Y Uyên – lúc đó đang ở một đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận ở Tuy Hòa – về Sài Gòn hay về một hậu cứ an toàn nào đó. 


Nhưng đáng tiếc là, một thời gian ngắn trước khi Y Uyên nhận được giấy thuyên chuyển, anh đã tử trận, khoảng mùa hè năm 1969. Tài hoa bạc mệnh! Trần Phong Giao buồn lắm. Tiếc nữa, vì Y Uyên là một cây bút “cưng” của Văn (và cũng của Bách Khoa). Hầu hết truyện của Y Uyên đều viết về những khổ nạn chiến tranh. Văn Y Uyên có một phong cách rất riêng, hiện thực mà vẫn bay bổng, chi li nhưng không quá sa đà. Thú thật, tôi “mê” văn Y Uyên, mê lối viết điềm tĩnh của anh. Điềm tĩnh lạ lùng. Điềm tĩnh mà đau buốt. Cho nên khi Trần Phong Giao yêu cầu tôi viết bài cho số Văn tưởng niệm Y Uyên, tôi nhận lời ngay.


Số tưởng niệm đó ấn hành đâu vào năm 1969 hay 1970 (tôi không nhớ rõ chính xác thời gian) là một số báo khá dày, với sự đóng góp của nhiều bạn văn và nhà biên khảo. 

Riêng tôi, tôi viết bài “Khuôn mặt chiến tranh trong tác phẩm Y Uyên”, phân tích cách mô tả chiến tranh trong truyện ngắn của anh. Tất cả tiền nhuận bút của số báo này đều được các tác giả đồng ý gửi về cho gia đình Y Uyên để làm tấm bia mộ cho anh, gọi là chút tấm lòng của những bạn văn đối với người quá cố.


(Một chút Trần Phong Giao – Trần Hữu Thục)



Sách cũ miền Nam 1954 -1975

Sự tác động để phổ biến những văn hoá phẩm là nhờ vào một số  lớn nhà xuất bản có công với Văn Học. Họ là những nhà xuất bản như Trình Bày, Nam Sơn, Nguyễn Đình Vượng, Văn Hoá Á Châu, Diên Hồng, Xưa nay, Khai Trí, Lá Bối, An Tiêm. Những nhà xuất bản này đã đóng góp vào việc xuất bản 200 triệu cuốn sách trong 20 năm. Con số thật không nhỏ.


1.- Ông Khai Trí : Chẳng mấy ai biết tên thật của ông, thành ra thương hiệu nhà sách KT, 62 Lê Lợi được đồng hoá vào tên ông. Thật ra tên ông là Nguyễn Hùng Trương, với hai tay trắng làm nên sự nghiệp. Ông vừa là một doanh gia, vừa là người làm văn hóa. Ông biên sọan khoảng 15 cuốn sách như Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Chánh tả cho người miền Nam... và chủ trương tuần báo Thiếu Nhi cùng với Nhật Tiến.


Sau giải phóng, nhà sách KT là nạn nhân của nạn hôi của, đốt phá. Sách vở tung toé khắp nơi từ trong nhà sách ra ngoài đường. Tôi đã chính mắt chứng kiến cảnh ấy trong nỗi bất lực, bất lực của một người tự xếp hàng vào người thua cuộc. Tôi không biết lúc bấy giờ ông Khai Trí đứng ở đâu. Đứng ở đâu thì cũng cùng tâm cảnh đau xót đó thôi. Khi đã chứng kiến cảnh này rồi thì đừng bảo tôi có thể nghĩ hay cho những người mới đến. Họ không hiểu được điều đó vì quá hăng say trong men chiến thắng hay họ chưa bao giờ biết nghĩ tới người dân muốn gì, nghĩ gì. Tiếp theo đó là hai kho sách lớn cũng bi trưng thâu. Hằng vài trăm ngàn cuốn sách ra khỏi kho, rồi biến mất dạng. 

Ông trắng tay sau bao nhiêu năm tốn công gây dựng.


(Nguyễn Văn Lục)



Vài nét về nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Những bài viết sắc sảo và có nhiều tìm tòi của ông tập trung bàn về: các thể tài chức năng, trước thuật, và sáng tác nghệ thuật trong văn học; Hệ thống thể loại trong văn học Việt Nam 1945-1985; diện mạo và các vấn đề của văn xuôi 1975-1985; đổi mới tư duy lý luận, phê bình văn học theo hướng hiện đại và cập nhật các khuynh hướng sáng tác mới; sự thay đổi vị thế của văn học trong thời đại văn hóa nghe nhìn lên ngôi, truyền thông kỹ thuật số đang phổ biến mạnh mẽ.


Khoảng hơn 10 năm gần đây, Lại Nguyên Ân dành nhiều thời gian cho khoa văn bản học. Ông cho ra đời một loạt công trình sưu tập, hiệu đính văn bản các tác phẩm bị thất lạc, lãng quên hay còn tản mát hoặc đang tồn tại nhiều dị bản chưa quy về một mối

Qua đó ông lưu ý cách tiếp cận thực chứng, nghiêm túc đối với những tác phẩm của những tác giả đang dần dần trở thành kinh điển, đánh dấu một thời kỳ chưa xa của văn học Việt Nam bước đầu trên đường hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Một mảng sách khác được Lại Nguyên Ân biên soạn là các loại sách tra cứu, tích tụ những thông tin mới và hàm lượng kiến thức hiện đại của chuyên ngành. Ông biên soạn cuốn 150 thuật ngữ văn học, hơn 100 mục từ văn học Việt Nam cho cuốn Từ điển văn học đồ sộ, tham gia biên soạn Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX… 


Các công trình này đã tích hợp được những kiến văn uyên bác của ông về văn học Việt Nam và về lý luận văn học, giúp người đọc có thêm những tài liệu tham khảo đáng tin cậy trên hành trình chiếm lĩnh những tri thức chuyên biệt về văn học.


(Nguyễn Ngọc Thiện)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Trai mà có cặp răng nanh
Gan dạ, chịu đựng, khôn lanh đủ điều



Chữ nghĩa làng văn

Thật ra, nếu đối chiếu thời gian người ta sẽ không dám tin hẳn lời Tô Hoài, vì thời điểm mà Nguyễn Bính tham gia làm Trăm Hoa có thể là giữa tháng 11/1955 hoặc muộn nhất là tháng 10/1956  Có lẽ đúng ra cơ quan mà Nguyễn Bính đã rời bỏ để đi ra ngoài làm báo Trăm Hoa là nhà xuất bản Văn Nghệ. Còn chuyện Nguyễn Bính về Nam Ðịnh để tìm một công việc làm, nếu không do Hội Văn Nghệ thì cũng do Hội Nhà Văn giới thiệu, điều này có thể suy ra từ hồi ức Tô Hoài.


Trên thực tế, Nguyễn Bính về Nam Ðịnh trước sau chỉ làm một nhân viên ngoài biên chế của ty văn hóa tỉnh, và ông trưởng ty Chu Văn dường như được giao đặc trách “chăm sóc” Nguyễn Bính, như Tô Hoài viết: “Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở ty văn hóa Nam Ðịnh có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn đến điều thế nào” (Chiều Chiều, sđd, tr.228 ). Tô Hoài nói điều này trong Chiều Chiều chứ không phải trong Cát Bụi Chân Ai (1992), khi Chu Văn (1922-1994) còn sống, hãy nhớ rằng trước đó nữa, cả hai ông, Tô Hoài và Chu Văn, người đề tựa, kẻ viết lời bạt cho Tuyển tập Nguyễn Bính (1986), giọng điệu rất hòa hợp nhau, như đều là hai “cố nhân” của Nguyễn Bính.


Dù có thể là đáng tin cậy đến mức nào, “chứng từ” của Tô Hoài về Nguyễn Bính như trên vẫn là quá ít ỏi. Trong khi đó, những nhân vật chính từng chịu nạn Nhân văn-Giai phẩm, trong một vài cuộc trò chuyện tương đối cởi mở gần đây, khi được hỏi về trường hợp Nguyễn Bính thì dường như lại không còn giữ được thông tin nào đáng kể. Bởi vậy, nên cần tìm hiểu lại Trăm Hoa.


(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực:


Ở trên đời không có gì đáng sợ bằng sự ngu dốt.



Người viết và truyện ngắn


Khác với cách nhìn có phần đơn giản như thế, Doãn Quốc Sỹ đưa ra một hình ảnh tương đối chi li hơn và… khó khăn hơn. Theo ông: “Trong truyện ngắn không có sự kiện chi tiết tràn bờ, dư thừa. Tất cả đều như những nhát búa đập chính xác lên đầu chiếc cọc để cọc đóng sâu và chắc xuống lòng đất. Những tình tiết ngắn gọn liên tiếp tới với tác dụng soi sáng và đẩy nhanh, đẩy mạnh tới đoạn kết. Cái bé nhưng bé hạt tiêu ở truyện ngắn là người viết phải luôn luôn có được cái nhìn thật sắc bén xuyên thẳng tới lõi sự vật, đạt thấu tới bản thể của tâm tình. Ở truyện ngắn hễ xuất quân là phải tốc chiến tốc thắng. Hoặc thất bại.”

 

Cùng một cách nhìn, nhưng Nguyễn Đức Sơn còn gây ấn tượng hơn khi nhấn mạnh: “Một truyện ngắn hay như một viên đá ném vào thạch động. Nó vang rền khắp nơi. Chúng ta tê điếng xa xăm, khác với cái tê điếng rất mạnh của nhục cảm.” Thảo Trường thì cho rằng: “Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng nên một vấn đề có khi… rất lớn.” Phát biểu nghe nhẹ nhàng, nhưng lại nặng ký” Bàn về tính cách của truyện ngắn, Bình Nguyên Lộc nhận xét rằng: “Truyện ngắn phải cô đọng, súc tích”. 

 

(Trần Doãn Nho)



Đừng tưởng 

Đừng tưởng đời mãi êm đềm.. 

Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.

(Bùi Giáng)



Sống trên đời…

“…Tôi đưa Nguyễn Tuân về viện đại học Vinh ở Thanh Hóa để diễn thuyết, phó viện Trần Văn Hối làm tiệc lớn chiêu đãi và thủ một chai rượu ngoại đưa ra để thù tiếp nhưng Nguyễn Tuân làm lơ, lôi gói cơm nắm trong ba lô, xắt mấy lát mỏng, ăn với ruốc, sau đó lấy bi đông rượu rót ra cái nắp uống. Rồi ông vừa ngó chai rượu nằm chỏng chơ bên đĩa tiết canh và nhởn nha kể chuyện từng được một ông sư đãi một bữa thịt chó độc đáo. Thịt chó ướp gia vị, đặt vào giữa bông sen của nhà chùa, bó lại, đem đồ cho chín dừ. Món ăn vừa có vị chát của nhựa sen, vừa có hương thơm của hoa sen.


Tôi nhủ thầm trong bụng, thịt chó mà dám cho vào tòa sen, ông sư nào mà hỗn thế, có kể cũng chẳng ai tin. Nhưng vừa ăn vừa nghĩ đến cái tục, cái thanh của nó như Nguyễn Tuân thì ắt hẳn chắc cũng thú….”


(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)


Phụ đính: 

Theo Nguyễn Tuân: Tiết canh phải là...“tiết canh xâu“. Là lấy sợi giây gai xâu (hay xiên) xuyên qua tiết canh, giữa trưa, treo ở giây phơi quần áo mà tiết canh vẫn lủng lẳng, phất phơ mới là tiết canh ngon. Đĩa tiết canh phải đông đặc, dầy như đĩa bánh đúc



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Cái sọ trọc như không có tóc
Kém công danh lao lực về sau



Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Lan Khai - Nghệ sĩ tài năng bị lãng quên?


Truyện đường rừng của Lan Khai 

Cho đến đầu thế kỷ XX, rừng núi, vùng cao trong tâm thức người Việt đồng bằng, rất đúng như Philippe Papin trong Việt Nam, hành trình một dân tộc nhận xét, vẫn còn là một thực tại mới mẻ, một ý niệm mà họ chưa thấu rõ nội dung. Với nhiều người, không gian đó đồng nghĩa với biệt xứ, với lạ thường nên khi phải đối mặt, cảm giác sợ hãi. 

Không phải ngẫu nhiên trong văn học giai đoạn này, với Tản Đà ở điểm giao thờiNguyễn Tuân ở điểm cao trào, cảm hứng giang hồ, xê dịch và thú phiêu lưu trở thành mốt, không chỉ bày ra món mới cho các thực khách thuần nông vốn chỉ quen tâm lý khu trú an cư tại chỗ, mà còn hỗ trợ cho nhu cầu vươn tới những thực tại của tưởng tượng, của những điều chưa biết như tinh thần hiện đại tất yếu phải thế. 


Bởi vậy, một phần kích tính, mới mẻ trong văn chương lẫn tâm thái sống bấy giờ là được bứng gốc để chiếm lĩnh hoặc thuộc về cái dị thường lạ lẫm. Rừng sâu núi thẳm, có mặt đầy thách thức cho tất cả những ai biết lối đi vào. Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Đái Đức Tuấn, Nhất Linh, Hồ Dzếnh, Vũ Bằng... đều đã từng thử sức, với rất nhiều hăm hở và kiên trì, đủ đến khi kéo được một lượng độc giả khá nhất định dõi theo những Người sơn nhân (1933), Vàng và máu (1934), Trên đỉnh non Tản (1940), Ai hát giữa rừng khuya (1942), Ngậm ngải tìm trầm (1943)... 


Truyện đường rừng (1940) của Lan Khai xuất hiện đúng lúc niềm háo hức chuyện lạ biên viễn vào độ tăng cao. Đời người ngắn, đời văn không quá dài nhưng quá nhiều tác phẩm và cũng quá nhiều hoạt động của Lan Khai càng là lý do khiến người ta nhớ lâu tập truyện này.


(Phạm Vũ)



Giai thoại làng văn

Khoảng năm 1972, Lãng Nhân đã viết một bài dài về nghề làm báo thời tiền chiến: “Sở dĩ tôi ham làm báo là vì từ trước vẫn nghe nói chuyện về những thiên tài Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và đức cần cù của Trần Trọng Kim, nên muốn được học hỏi nơi các “thần tượng” ấy.

 

Trần Trọng Kim là người cần cù khổ học. Ông có một cái bàn viết thật độc đáo, cả bàn ghế cả đèn đều đặt trong một chiếc màn lớn để tránh muỗi, đêm nào dù đi yến tiệc ở đâu cũng cứ 22 giờ là về, chui vào làm việc cho đến 2 giờ sáng.” (Văn, 10.1.1975)

 

(Viết văn làm báo thời xa xưa - Phùng Tất Ðắc)



Người cháu giải oan cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh


Từ 2 cuốn Nguyễn Văn Vĩnh là ai? Lời người Man di hiện đại của Nguyễn Lân Bình để giải oan cho ông nội.


 

Đạo diễn Trần Văn Thủy quay thành phim: Mạn đàm về người Man di hiện đại. 


Nguyễn Văn Vĩnh mang bi kịch người trí thức "Tây học" tiền phong trong lĩnh vực: văn hóa, văn minh, báo chí, văn học, nghệ thuật... nửa đầu thế kỷ 20. Bởi vậy, nhà làm phim có lý khi đặt tên và chọn phương thức… “mạn đàm”. 

Phim xuất hiện hai dòng nhân vật, hai góc nhìn: trong và ngoài gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh. Từ "điểm nhìn" riêng, các nhân vật bày tỏ ý kiến dân chủ về "người man di hiện đại" - cách gọi mà Nguyễn Văn Vĩnh đã tự đặt cho mình. Nhiều cảnh quay cảm động về người trong gia đình biểu lộ đau buồn, tủi hổ vì bị người đời coi khinh, là con cháu của "tay sai" thực dân Pháp. Nhiều tâm sự chứa chan nước mắt qua lời kể của con gái, con trai, con dâu, cháu ngoại, cháu nội... khiến người xem rơi lệ.


Mạn đàm quay từ góc độ với các nhà văn hóa, nhà sử học, nhà văn, nhà báo... đều đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh trên tinh thần tôn vinh sự thật. Phan Huy Lê đánh giá: Nguyễn Văn Vĩnh là nhà tư tưởng đầu tiên mang tính khai sáng. Nguyễn Huệ Chi bức xúc: Không biết "hù dọa" nào khiến ta không dám gọi Nguyễn Văn Vĩnh là nhà yêu nước?


Vì sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh không được nhìn nhận nên đời Nguyễn Văn Vĩnh mới bi kịch! Phim Mạn đàm về người Man di hiện đại.của Trần Văn Thủy có cảnh sông Sêpôn, sang Lào tìm vàng, ông chết thảm ở tuổi 54 trên thuyền độc mộc, tay vẫn cầm cây bút viết dở thiên ký sự tiếng Pháp Một tháng với những người tìm vàng.



(Nguyễn thị Minh Thái)



Nói lái trong văn học

Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những câu nói lái qua câu đố, câu đối, hay nói lái với hò vè,…

Trong thơ ca thì nói lái không thiếu. Riêng Bùi Giáng ưa nói lái thật khác người, không cần người đọc có hiểu hay không. Ông thường dùng những từ như: tồn lưu, lưu tồn, tồn liên, liên tồn...
Lọt cồn trận gió đi hoang
Tồn liên ở lại xin làn dồn ra
(Mưa nguồn)

(Thân Trọng Sơn)

 


Câu đố dân gian

Khi xưa ở huyện Hoang Toàng,
Ở xã Bạch Bố, ở làng Cẩm Y;
Ngày thì thủ thỉ nằm ỳ,
Tối thì rủ rỉ rù rì ra ăn

(con rận)



Cấu tạo câu đố 

Thể lục bát
Nhưng thường câu đố hay đặt theo thể lục bát là một thể dân quê quen thuộc hơn cả, đọc lên nó êm đềm dễ nhớ hơn. 
Một cây mà có năm cành,
Giúng nước thì héo để dành thì tươi
. (bàn tay)

Trên đây là mấy thể chính thông thường hơn cả. Nhưng ngoài ra ta còn gặp cả những thể lục bát kiến thức, hay song thất kiến thức, hay nhiều khi không theo luật mẹo nào hết:
Để yên thì nằm thin thít,
Hễ động liếm đít, là chạy tứ tung
(cái bào).

(Câu đố  - Thanh Lãng)



Cảm thán

Một tập thơ sầu ngâm sảng sảng
Vài nai rượu kếch ních tỳ tỳ
Chết về tiên bụt cho xong kiếp

Ðù ỏa trần gian! sống mãi chi

(Phạm Thái)



Giai thoại về câu đối

Theo lời kể của Đỗ Bằng Đoàn thì đời Tự Đức, Bá hộ Vọng tỉnh Nam Định, nhà giàu có, gặp ngày Tết, suốt nhà trên nhà dưới, trong bếp, ngoài cổng, cho đến chuồng trâu, chuồng gà… chỗ nào cũng dán câu đối. Câu nào cũng xin chữ ông nghè, ông cử, và nhờ các tay chữ tốt viết. Chỉ có chuồng lợn là chưa có câu đối.

 

Một hôm ông ta dò biết Đầu xứ Viêm ở huyện Yên Lão, tỉnh Hà Nam hay chữ. Ông Đầu xứ vui vẻ nói: “Ông muốn làm câu đối dán chuồng lợn, tôi làm cho ông mỗi vế 7 chữ. Cứ xin ông mỗi chữ 3 quan tiền”. Bá hộ Vọng mừng rỡ, đưa ngay đủ số tiền 42 quan. 

Bá hộ Vọng mời các bạn đến thưởng thức, xem câu đối của ông Đầu xứ Viêm làm dán chuồng lợn hay đến bực nào. Khi mở ra mọi người trố mắt nhìn, thấy hai vế câu đối viết trên giấy gạch cua, chỉ có 14 chữ “trường”. 

 

Sáng hôm sau dậy thật sớm đến ông Đầu xứ và đòi lại tiền. Ông Đầu xứ mới ôn tồn giảng giải: “Xin hỏi, người nuôi lợn muốn cái gì, có phải mong cho lợn chóng lớn để bán được tiền không? 

 

Nói xong ông cầm bút vòng vào mấy chữ “trường” ở câu đối (chữ trường nghĩa là dài, thêm dấu móc trên đầu thành chữ trưởng nghĩa là lớn), rồi đọc


Trường trường trưởng trưởng trường trường trưởng,

Trưởng trưởng trường trường trưởng trưởng trường.

 

Và cắt nghĩa: 

Dài dài lớn lớn dài dài lớn,

Lớn lớn dài dài lớn lớn dài.



Câu đố dân gian

Gia Cát đánh nhau với Đông Ngô,
Đông Ngô thua, Đông Ngô bỏ chạy,
Gia Cát dồn quân đánh lại trận sau

(rang ngô)



Nón quai thao 

Nón xuất hiện ở Hải Dương vào đời Trần sáng tạo cho cung nữ gọi là nón thượng. Qua đời Lê, nón được thêm quai thao


Tương truyền ông Vũ Đức Úy được cử làm phó sứ sang Tàu, bỏ công học nghề thủ công, dệt thao rồi về nước truyền nghề: nghề dệt, nghề dùng sợi tơ làm dây đàn, quai thao cho nón... Dân làng nhớ ơn ông, trước thờ ông tại Đình Lớn cùng với vị thành hoàng, sau xây đền thờ tổ ba gian trông ra hồ nước, cạnh chùa Hương Vân. Trên cánh đồng Miễu, có ngôi mộ ông, bằng gạch với hai hàng chữ: " Vũ Sứ thần chi mộ" và Tổ thụ hoàng ân", trước có tấm bia thời Cảnh Hưng thứ VI (1765) kể sự tích vị tổ. 


Trong chùa có tượng Vũ Sứ thần to như thật và câu đối 

Lục nghệ thần thông, tứ dân hoài đức ; 
Song tinh nội chiếu, ngũ phúc kiêm toàn.

 
(Sáu nghề tinh thông, muôn dân nhờ đức ; 
Hai sao chiếu sáng, năm phúc vẹn toàn).


(Chiếc nón quai thao Kinh Bắc – Võ Quang Yến)



Cá nuốt cá, người trói người
Chuyện kể khi còn bé, Cao Bá Quát ra tắm ở Hồ Tây. Đúng vào lúc vua Minh Mệnh tuần du ở ngoài bắc, nhà vua cũng đến Hồ Tây xem phong cảnh. Đạo ngự đi qua, tàn lọng rợp trời, gươm đao sáng quắc, ai cũng phải tránh xa, riêng cậu Quát cứ tự do vùng vẫy. Lính đến bắt lôi lên bờ, cậu cứ trần truồng đến trước mặt vua, tự khai là học trò, vì trời nực ra tắm mát. Vua nhìn xuống hồ thấy có con cá lớn đang đuổi đàn cá con, liền đọc một câu đối, bảo nếu đúng Quát là học trò thì phải đối được, sẽ tha không đánh đòn; vua đọc:
Nước trong leo lẻo, cá đớp cá.
Cậu Quát ứng khẩu đối ngay:
Trời nắng chang chang, người trói ngườị

Một số truyền thuyết sai lầm về Cao Bá Quát

Học vấn

Theo Trúc Khê Ngô văn Triện, kỳ thi Hạch ấy diễn ra ở Bắc Ninh, đầu đề bài thơ là "Thiếu niên anh tuấn" Quát làm bài rất hay nhưng hai câu cuối thất niêm, các bài khác cũng xuất sắc, quan trường không câu nệ, cố chấp, vẫn cho đỗ Đầu Xứ (7).


Vì ông tuổi trẻ đỗ sớm nên mắc tật kiêu ngạo. Để chứng tỏ tính nết kiêu ngạo của ông, người ta thường kể ông từng tuyên bố: "Thiên hạ có bốn bồ chữ, riêng tôi giữ hai bồ, anh tôi giữ một bồ" (có chỗ chép "Anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn văn Siêu giữ một bồ) còn một bồ chia cho kẻ sĩ khắp thiên hạ". 


Song theo Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho toàn tập, thì câu này phỏng theo ý của Tạ Linh Vận (Trung quốc) "Trong thiên hạ tài có một thạch (mười đấu), Tào Tử Kiến (Tào Thực, con Tào Tháo) được tám đấu, riêng tôi giữ một đấu còn một đấu phân phát cho khắp kẻ sĩ cổ kim". 


Như vậy rõ ràng là chuyện bắt chước Trung quốc, liệu có phải Cao đã "cóp" người xưa thật hay vì thấy ông mang tiếng kiêu ngạo mà có người đã đem chuyện này gán ghép cho ông? 


Năm 1831 ông thi Hương, được lấy đỗ Á Nguyên (đỗ thứ nhì) trường Hà Nội song khi bộ Lễ duyệt lại hạ xuống đỗ cuối bảng. Vì cái tính ngông mà mấy lần thi Hội ông đều bị đánh hỏng. 


(Nguyễn Thị Chân Quỳnh)



Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

Bởi chưng tên gọi triều đại xưa nước Tàu thường dùng chữ thị như Hữu Sào thị, Tam Nhân thị. Vì “thị” “họ”.

Vì thế sử ta gọi 18 vua Hùng là Hồng Bàng thị.


Với 18 vua Hùng, dựa vào nhà văn hóa Nguyễn Đăng Thục…

“…Việt sử lược là bộ sử đầu tiên của ta cũng viết rõ hơn: Xưa hoàng đế dựng muôn nước thấy Giao Chỉ ở xa ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được bèn chia giới hạn ở góc tây nam. Đến đời Thành Vương nhà Chu (1024-1005 tr. C.N) Việt Thường thị mới đem dâng bạch trĩ, sách Xuân Thu, gọi là Khuyết Địa Đài ký.

 

Đến đời Trung Vương nhà Chu (696-682 tr. C.N.) ở bộ Gia Ninh (tức là Mê Linh nhà Hán). Phong Châu đời Đường quê hương của Trưng Trắc mà theo truyền thuyết là dòng dõi Hùng Vương có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương...

Trong các đoạn văn sử kiện chính thức của Tàu và Ta thì có điểm nào là sự thực, điểm nào là truyền thuyết?...”



Mộ phần Hồ Xuân Hương ở Hồ Tây?  

Từ thông tin góp nhặt đây đó chưa đủ, ông Hiền (1) “cầu cứu” đến nhà ngoại cảm NTN cho biết:

Mộ bà hiện ở vùng hồ Tây gần nghĩa địa Đồng Táo, gần khách sạn Thắng Lợi). 


Sơ đồ vị trí ngôi mộ, do ông Hồ Bá Hiền vẽ 

(1) Ông Hiền, là trưởng ban Sử, ban liên lạc họ Hồ Việt Nam


Mộ ở dưới hồ, sâu khoảng 1,8-2,4 m, cạnh đấy có miếu thờ bà… Từ đó, ông Hiền đã phác ra sơ đồ mộ bà: Cách phủ Tây Hồ 625m về phía Tây Nam, cách khách sạn Thắng Lợi 915m về phía Nam, từ miếu cũ xuôi về Tây 1.480m.


Ông Vũ Hồ Luân trưởng ban quản lý di tích đình, chùa làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, cho biết: “Thực ra, tôi nguyên cũng là người họ Hồ. Theo các cụ truyền lại thì vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm) khi kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh đem theo rất nhiều người họ Hồ ra, rồi định cư rải rác ở Thăng Long, trong đó có cụ kỵ tôi. Khi Nguyễn Ánh diệt nhà Tây Sơn, thì nhiều người họ Hồ ở Thăng Long đổi sang họ khác, cụ kỵ tôi đổi sang họ Vũ, nhưng vẫn lấy đệm là Hồ (Vũ Hồ)”. 

Là nhà giáo nghỉ hưu, lại sống nhiều đời ở làng Hồ Khẩu, rất am hiểu, và viết nhiều sách về vùng Hồ Tây, ông Vũ Hồ Luân cho biết: “Tôi đã cùng 2 đoàn của dòng họ Hồ gồm 2 tiến sĩ, 6 kỹ sư và cử nhân, đi ca-nô ra hồ Tây để xác định vị trí, theo thông tin của nhà ngoại cảm NTN”. 

Tuy nhiên, các cuộc tìm kiếm vẫn chưa thành công

Ông Hồ Bá Hiền cho biết, việc tìm được mộ phần - di cốt của bà không chỉ là mong mỏi của hậu sinh dòng họ, mà của những ai ở trong nước và nước ngòai để có dịp thắp cho bà nén hương.


(Nguyễn Quang Thành)



Người Hoa trên đất Việt 

Nếu như Hà Nội có tẩm quất, có bánh mì ủ trong chăn, có “đậu phụng rang húng líu” của ông Tàu già ở tháp Hoà Phong gần hồ Gươm, rồi sau này nhiều người học nghề ông Tàu già rao lang thang khắp phố phường: “Phá xa, húng lìu nóng ròn đây”...

Thì Sài Gòn cũng có “Chú chệt bán đậu phọng rang”, bởi từ câu thơ trong tập thơ rất xưa Hoa trái mùa từ năm 1943…


Quần chằm khiếu, áo lang thang

Trên đầu đội cái nón rách

Đi khắp quanh đường tắt

Làng trên xóm dưới reo vang

Tàu phọng rang



Văn hoá ẩm thực

Hủ tiếu sa tế

Hủ tiếu sa tế từ người Tiều (người Triều Châu) là món ăn đặc trưng của Sài Gòn. Trước đây món này chỉ phổ biến trong cộng đồng người Hoa nhưng sau đó lan khắp nơi nhờ vị cay, ngọt thanh, mặn hòa được chế biến cũng được Việt hóa với rau quế, ngò gai bổ sung. 


Thành phần một bát gồm thịt bò, giá, khế chua... Nước dùng cầu kỳ, phức tạp với gần 20 loại gia vị như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, bột ớt, vừng rang... tạo nên màu vàng, sánh, thơm nồng nàn. 


(Nguồn: Diệu Huyền)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Những giải thích sai, hoặc không giải thích nghĩa đen, ghi sai, ghi nhầm, hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ tục ngữ trong “Tự điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam ” của Nguyễn Lân.


Bụng đói như bò bắt nợ 

Con bò mà người có nợ phải trả hẳn là bị đói, chẳng béo tốt gì  ý nói: đói quá.


Câu này không đơn giản chỉ là “ý nói: đói quá”, đói vì “con bò mà người có nợ phải trả hẳn là bị đói” như GS hiểu sai nghĩa đen và suy diễn. Nhưng bò đâu có ăn cơm, thóc lúa, lương thực? Nó ăn cỏ và uống nước lã. Thế nên, bò nhà nghèo vẫn béo tốt như thường và được chăm sóc cẩn thận bởi đó là cả gia tài của họ. 


Vậy sao lại “đói như bò bắt nợ”? Thực ra “bò bắt nợ” là con bò bị chủ nợ bắt về, bị buộc (nhốt) một chỗ (ép buộc con nợ phải lo trả nợ và tránh bị đánh tháo). Trong khi chưa chính thức thuộc quyền sở hữu của chủ nợ (con nợ có thể đến chuộc) thì bò không được cho ăn uống gì. Ý thành ngữ là bị đói khát trong hoàn cảnh rất trớ trêu, bơ vơ nơi xa lạ, không được ăn uống chăm sóc, cũng không thể tự đi tìm kiếm thức ăn được…


(Hoàng Tuấn Công)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân


hậu môn 後 門 

Chúng ta thường dùng từ hậu môn để chỉ lỗ đít. Ðó chỉ là cách dùng và cách hiểu của người Việt Nam. Trong tiếng Hán, từ hậu môn thường được dùng với nghĩa là cửa sau, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và rất ít khi được dùng với nghĩa là lỗ đít. 


Từ hậu môn của chúng ta dịch sang tiếng Hán là giang môn. 

Hậu môn là một từ gốc Hán đã được Việt hoá để mang một nghĩa khác với nghĩa của nó trong tiếng Hán. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn


Trong “Chân dung nhà văn”, nhà thơ Xuân Sách chọn mấy cuốn mà ông coi là tiêu biểu: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Mười năm“, “O chuột”, “Miền tây”, ”Giăng thề”, “Đảo hoang”.


“Đảo hoang” là “tiểu thuyết thiếu nhi” được viết theo truyền thuyết An Tiêm nhưng thua xa “Quả dưa đỏ” của Nguyễn Trọng Luật ngày xưa. Trong “Đảo hoang”, Tô Hoài đã tuỳ tiện “sáng tác“ thêm hai nhân vật là Mơn và và Gái – con trai, con gái của An Tiêm. Rồi trên hoang đảo lại có thêm chàng trai tên Mali từ đâu dạt tới để sau này cùng với cô Gái sánh duyên đi xây dựng… miền đất mới. 
Cái “cảm hứng” xây dựng miền đất mới, cuộc sống mới, con người mới, xã hội mới làm cho những “tiểu thuyết thiếu nhi” của Tô Hoài nặng về giáo dục làm mệt đầu con nít vốn đã bị nhà trường nhồi nhét đủ thứ “mới” ở trên đời. Bởi thế chúng nó bỏ anh Dế Mèn chạy tới với những Đôrêmôn, Harry Potter, cùng lắm Nguyễn Nhật Ánh dẫn tới nguy cơ “mặt hàng giành cho thiếu nhi” của nhà văn Tô Hoài không khéo bị lưu kho. Âu đó cũng là… quy luật tất yếu của cuộc sống. Vào dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên, báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày 23-4-04 có bài phỏng vấn Giáo sư Phong Lê về “Văn học những năm kháng chống thực dân Pháp – bây giờ nhìn lại”. 


Nhà nghiên cứu văn học này phát biểu:
”Đến Giải thưởng 1954-1955 với “Việt bắc” của Tố Hữu, “Đất nước đứng lên“ của Nguyên Ngọc, “Truyện Tây bắc” (giải nhất) của Tô Hoài thì bức tranh kháng chiến mới thực sự được mở rộng trong một cảnh quan vừa có chuyện vừa có người, có quê hương và đất nước, có gắn nối giữa chất trữ tình và sử thi, có hài hoà giữa chủ thể và khách thể…”.


Vậy là trong “thơ chân dung” nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Xuân Sách đã quên tác phẩm mang tầm vóc dấu mốc của văn học chống Pháp – “Truyện Tây Bắc”. 
Vậy nhưng tác phẩm này có tương xứng với lời tâng bốc của ông giáo sư?
Đó là một tập truyện ngắn Tô Hoài viết vào những năm 1953-1955 tiếp tục đề tài miền núi trong những tập “Núi cứu quốc” (1948), “Xuống làng” (1949) trước đó. 


(Nhật Tuấn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Về bài thơ Hồ Trường


Vỗ gươm mà hát

Nghiêng bầu mà hỏi

Trời đất mang mang ai người tri kỷ

Lại đây cùng ta cạn một hồ trường


Cụ Nguyễn Bá Thụy (ông nội Nguyễn Thụy Long) là anh em đồng hao với Nguyễn Bá Trác. Bà nội Nguyễn Thụy Long kể lại: Nguyễn Bá Trác từ nước ngoài trở về sau khi chí chẳng thành danh chẳng đạt. Một buổi chiều cô đơn ngồi ở quán biên thùy ở biên giới Tàu và Việt, trong tâm trạng chán đời, nên Nguyễn Bá Trác làm bài thơ Hồ Trường...”. 

 

Cụ bà giải thích “Hồ trường là ống tre, là ống bương to, đổ đầy rượu cho những tay hảo hán uống ở vùng thượng du Bắc Việt. Những tay hảo hán tửu lượng rất cao, uống bao nhiêu cũng được, tu rượu ung úc như nước lã, họ thường đeo hồ rượu nầy trên lưng. Hồ rượu được gọi là hồ trường này chứa được vài lít rượu. 


Chữ nghĩa làng văn

Chẳng bút nào tả xiết nỗi cay đắng của nhà văn, nhà thơ nạn nhân trong nhóm Nhân văn Giai Phẩm. Phùng Quán đi câu cá trộm. Hữu Loan chở đá rách vai. Nguyên Hồng trở lại Thái Nguyên với núi rừng bạc mầu. Riêng Nguyễn Hữu Đang bị đày lên trại Cổng Giời, ông là một trong 11 người sống sót của trại tù khắc nghiệt này. Được tha, về Thái Bình, sống ở căn lều trong chuồng lợn, ông phải chắt bóp từng bao thuốc lá để đổi những con cóc.


(Chân Diện Mục)



Chữ nghĩa làng văn

Hồ Hữu Tường, Khái Hưng 


Hồ Hữu Tường viết về Khái Hưng, dẫu là khó tin đến đâu, thì vẫn còn hiểu được, vẫn có thể nghĩ là hợp lý. Thế nhưng ở chiều ngược lại, Khái Hưng Trần Khánh Giư có thể viết về Hồ Hữu Tường, thì thật khó tưởng tượng. Thế nhưng vẫn có.

Sau nhiều so sánh, đối chiếu, tôi cho rằng tất cả mục "Người và việc" trên Chính nghĩa đều do Khái Hưng viết. Trên mục này, Khái Hưng từng viết về Nguyễn Tuân, một điều rất bất ngờ, chuyện này lọt ra khỏi tầm hiểu biết của mọi nhà nghiên cứu văn học từng quan tâm đến Chùa Đàn, tính cho đến năm 2016, hoặc Khái Hưng viết về các nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp.

Trên Chính nghĩa số 25, ra ngày 25-10-1946, Khái Hưng bình luận về khái niệm "văn hóa", trong bối cảnh diễn ra "Hội nghị văn hóa toàn quốc", và cũng là để bình luận cuốn sách Tương lai văn hóa Việt Nam của Hồ Hữu Tường mới in. Ở đây, Khái Hưng làm ta nhớ đến Trần Khánh Giư của đầu thập niên 30.

 

(Nhị Linh)  

 







Không có nhận xét nào: