Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Chiết tự

Câu thơ dân gian:

Bao giờ thằng ngốc làm vua, cha con nhà Nguyễn bỏ chùa ra đi.

Chiết tự chữ ngốc và chữ nhân là chữ bảo: Ám chỉ… Bảo Đại.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)



Một số địa danh bị viết sai ở Nam Bộ

Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đúng ra là Định Quan. Sách Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Nhất Thống Chí viết là Định Quan 定 關 (nghĩa là trạm thu thuế cố định). 

(Lê Công Lý)


[5] Sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí và Gia Định Thành Thông Chí gọi là thủ Ba Can (vì gần đó có suối Ba Can), đến Đại Nam Nhất Thống Chí thì gọi là tuần Định Quan. Đến Monographie de la province Biên Hoa (1924) mới thấy ghi tên làng Định Quán thuộc tổng Bình Tuy, huyện Phước Bình, tỉnh Biên Hoà.


Kỳ phùng địch thủ

Nghĩa là hai đối thủ tương đương với nhau. 

Chữ “kỳ”  đây trong tiếng Hán viết như kỳ trong “tượng kỳ” (cờ tướng) và “phùng” là gặp nhau. 

Kỳ phùng”cuộc gặp gỡ lạ thường, khác thường.


Khởi thủy “kỳ phùng địch thủ” chỉ cho hai tay đánh cờ tướng với nhau không mà thôi.

(Duy Lý – báo Tự Do)



Cục cứt và con chó…

Trước năm 75, miền Nam có câu thơ:

Em như cục cứt trôi sông

Anh như con chó chạy rông trên bờ


Hai câu thơ trên xuất xứ từ văn chương bình dân truyền khẩu: 

Em đẹp như phân lạc giữa dòng
Anh như chú khuyển đứng bên sông
Dòng sông nước chảy em trôi mãi
Anh đứng trên bờ rỏ dãi trông



Ngôn ngữ: thói “ăn” nếp “ở” của người Việt qua cách nói 

Đàn bà, con gái khi không có gì ăn, tối tối ra đường ăn… sương, mang danh "gái ăn sương". Còn động từ "ăn đêm", không hẳn đồng nghĩa với "ăn sương", mà gần với "ăn khuya" hơn. Ngoài ra, còn được dùng để chỉ "hành động đi kiếm mồi trong đêm tối" của muông thú, như trong bài đồng dao ru con:

Con cò mày đi ăn đêm, 
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao…


Người Bắc nói "bắt nạt", người Nam dùng động từ "ăn hiếp". Khi có kẻ thừa cơ "chôm" của, người Việt mình nói "ăn hôi". "Ăn tàn" thành ngữ "theo đóm, ăn tàn" có nghĩa tương tự như vậy: "Cái thằng đó là hạng người ‘theo đóm ăn tàn’, không hiểu sao mầy ăn ở với nó tới sáu mặt con!". Còn "ăn mót" tục ngữ có câu:

Muốn ăn cơm ngon, lấy con nhà đi mót. 
Muốn ăn canh ngọt, lấy con nhà bắt cua

(Ngô Nguyên Dũng)



Chữ nghĩa làng văn

Một số từ ngữ cổ hiện nay vẫn còn dùng


Mình hay nói ‘hỏi han’ nhau, ‘hỏi’ thì rõ nghĩa rồi, vậy ‘han’ có nghĩa không? Hỏi han không phải là từ láy mà là từ ghép đẳng lập, trong đó cả ‘hỏi’ và ‘han’ đều có nghĩa. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích: ‘han’ nghĩa là ‘hỏi tới’, ‘nói tới’


Truyện Kiều của Nguyễn Du từng dùng ‘han’ như một từ độc lập, không dính đến từ ‘hỏi’, trong câu: 

Trước xe lơi lả han chào

Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi’ 

(phần Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh). 

Han chào là chào hỏi.

(Nguyễn Lương Thịnh)



Chữ nghĩa làng văn

“Bình Nguyên Lộc là nhà văn miền Nam. Ông ấy có thể cho anh chị biết quan điểm của người miền Nam”, nhà văn Nguyễn Mộng Giác nói với chúng tôi như thế khi vợ chồng chúng tôi đến Los Angeles nhân dịp lễ Giáng Sinh để phỏng vấn các học giả và nhà văn cho một dự án nghiên cứu về bước đầu của tiểu thuyết Việt Nam được Hội Đồng Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội tài trợ. 


Từ ngày chúng tôi tin là những cuốn tiểu thuyết đầu tiên đã được viết ra ở miền Nam, chúng tôi rất mong được gặp Bình Nguyên Lộc, một cây bút viết truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng, đồng thời là một học giả chuyên về ngôn ngữ học lịch sử và so sánh.

Chúng tôi đã trò chuyện với Bình Nguyên Lộc về văn học Việt Nam suốt mấy tiếng đồng hồ liền vào ngày 5 tháng Giêng năm 1987. Hôm qua, mở tạp chí Văn Học số tháng Tư, tôi biết tin là Bình Nguyên Lộc đã từ trần vào ngày 5 tháng Ba, thọ 72 tuổi.

Chúng tôi bắt đầu hỏi ông về những cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà ông đã đọc được lúc còn là một đứa bé lớn lên ở vùng châu thổ sống Cửu Long giữa hai trận thế chiến.


Ông nói: “Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương Phong Nguyệt Truyện của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một câu chuyện tình xảy ra ở miền Nam, chẳng có gì là dâm ô cả. 



Cuốn tiểu thuyết kế tiếp tôi đọc được là cuốn Chăng Cà Mum [1] của Nguyễn Chánh Sắt. Đây là câu chuyện về một cô gái Việt Nam sống gần biên giới Miên, bị bắt cóc đưa sang Miên một thời gian khá lâu trước khi được quay trở về Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này chưa được xuất bản nhưng đã được quảng bá rộng rãi trên tờ quảng cáo của một tiệm thuốc Bắc. 


Tiểu thuyết gia kế tiếp mà tôi đọc là Hồ Biểu Chánh. Có thể tôi cũng đã đọc một số tác giả khác ngoài Lê Hoằng Mưu và Nguyễn Chánh Sắt nhưng họ không nổi tiếng mấy và tôi cũng không nhớ được.[2] Nếu tôi biết trước những gì ông bà định hỏi hôm nay thì tôi sẽ ghi lại những chi tiết này đầy đủ hơn.”


(Nhớ lần thăm nhà văn Bình Nguyên Lộc - Phan Văn Giưỡng)


[1] Theo Nguyễn Khuê, trong Chân Dung Hồ Biểu Chánh do Lửa Thiêng xuất bản tại Sài Gòn năm 1974, Nguyễn Chánh Sắt viết Chăng Cà Mum vào khoảng 1915 hay 1916. Tựa đề thực ra là Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên nhưng nó lại được biết nhiều dưới tên Chăng Cà Mum là tên của nhân vật nữ người Miên trong truyện.

[2] Sau đó Bình Nguyên Lộc nhớ đến một tác giả khác và ông viết cho chúng tôi một lá thư đề ngày 6 tháng Giêng về tác giả ấy. Đó là Tân Dân Tử, theo Bình Nguyên Lộc, chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, trong đó có cuốn Gia Long Phục Quốc.



Đừng tưởng 

Đừng tưởng nắng gió êm đềm... 

Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng

(Bùi Giáng)



Vũ Bằng

Nghệ thuật viết chân dung 

Đây là đoạn nói về phong thái Vũ Trọng Phụng:

“Về sau này, Vũ Trọng Phụng mòn mỏi đi, một phần lớn vì thức đêm thức hôm để viết cho nhiều báo như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Hà Nội Tân Văn, lấy tiền, nhưng cuộc sống của anh ở bên ngoài đối với những người lạ, không có vẻ gì vất vả; trái lại, anh lại ra cái dáng nhàn nhã, ung dung là khác. Dù bận rộn viết  lách đến mấy đi nữa, tuần nào anh cũng đọc hàng chục tờ báo Pháp để học thêm. Trong anh em, có thể nói anh là người hiểu rõ tinh thần của giọng văn “Canard  Enchainé” nhất”.   


Khái quát về con người – nhà văn Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng đã cho ta một nhà văn chuẩn mực, đa tài, và tràn đầy nhân tính: 

“…Trong tất cả anh em, Phụng là người có thứ tự, phàm có tài liệu gì, hay, lạ thì cất đi, cho nên vào lúc một tuần báo ở Huế đả kích anh viết văn khiêu dâm, anh đã lên tiếng trả lời rất vững, kèm nhiều chưng cớ và tài liệu rất “búa”…Phụng sống một cuộc đời khiêm nhường. Không có tiền thì không tiêu, anh không hỏi vay của ai bao giờ mà cũng ít phàn nàn với ai rằng mình khổ. 


Đó là một đức tính làm cho anh em kính nể, nhưng anh em thương Phụng nhất về  điểm dù khổ đến thế nào, Phụng cũng thủy chung như nhứt với anh em, cứ mỗi khi có báo dù biết trước là viết không có tiền, không nhiều thì ít, thế nào Phụng cũng có bài cộng tác với anh em, và lâu lâu Phụng lại đi hát với chúng tôi, nhậu nhẹt như ai và quấy cũng như ai”   


Đọc những đoạn văn Vũ Bằng khắc họa chân dung văn học Vũ Trọng Phụng trên đây, hẳn là chúng ta khó mà tìm ra một chân dung văn học khác hay hơnmột nhân vật của bức chân dung nào độc đáo mà lại chuẩn mực hơn.

(Đỗ Ngọc Thạch)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn mỳ vằn thắn phố Hàng Chiếu
(Nguồn: Tôi đi đâu)



202 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Sang đến bên kia sông Việt Trì (…) Văn Cao, ngoài tư cách là nhạc sĩ sáng tác, còn kiêm nghề tiền đạo (élément précurseur) đi trước một bước để sắp xếp nơi diễn kịch và lo liệu nơi ăn chốn ở cho đoàn kịch. Đoàn chưa đến nhưng Văn Cao đã có mặt trước ở Việt Trì. Tôi theo ông anh tôi tới một quán nước ven bờ sông. Ở đó, tôi gặp một người đàn ông còn trẻ chừng 24, 25 tuổi nhưng có vẻ muốn già đi vơi cái mũ nồi sụp trước mắt và chiếc pipe (ống điếu) phì phà khóị . Người thanh niên này không đẹp trai, phải nói như vậy, nhưng có một phong cách khác người, một vẻ tự tin đặc biệt. Ông anh tôi khẽ nói với tôi "Văn Cao đấy". 


Đến lượt tôi tiến tới bắt tay, anh tôi bỏ nhỏ "Cậu em tôi ở quê nhà, muốn được gặp Văn Cao". Người thanh niên không nói gì, chỉ giơ tay bắt, con mắt nheo lên một nét cười thầm lặng.
Lúc bấy giờ tôi là một anh "nhóc" mới lớn lên, 19 tuổi, nên ngồi im nghe các đàn anh chyện vãn. một lát sau, bún riêu, cà phê xong xuôi, ông anh tôi vội vàng đi vì nghe tin thuyền buồm chở đoàn kịch đã tới. Chỉ còn Văn Cao và tôi ngồi lại. Văn Cao vẫn không ngớt phì phà khói pipe. Tôi rụt rè nêu câu hỏi: "Dạo này, hát bài của anh sướng quá. Từ các bản cách mạng Tiến Quân Ca, Bắc Sơn sang các bản trữ tình Suối Mơ, Thiên Thaị dạo năm ngoái triển lãm Cách mạng tháng 8 ở Khai Trí Tiến Đức còn thấy bày tranh của anh nữa. Rồi thơ Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc". 

Văn Cao giơ tay như muốn ngắt lời tôi: "Tôi hiểu ý của cậu rồi. Có phải cậu muốn hỏi rằng tôi rồi đây sẽ nghiêng về địa hạt nào?" Tôi gật đầu. Văn Cao nói tiếp, "Tôi sống với cả ba, nhưng thời kỳ qua có thể gọi là thời kỳ nhạc, thời của kêu gọi, của đám đông. 

Đến một lúc nào đó, con người phải quay về với nội tâm mình, có lẽ thời kỳ đó đối với tôi là thời kỳ thơ, thời kỳ họạ

(Văn Cao: Giấc mơ của một đời người – Phan Lạc Phúc)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Chồng người áo gấm… sông Lô.
Chồng em ngồi bếp… nướng ngô cháy quần.

 


Trường Sơn đông, Trường Sơn tây - 1

Hồi anh được giải, nghe nói anh là trường hợp duy nhất được 9 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mời cơm, có đúng không ạ?


- Đúng. Tôi không nhớ tất cả nhưng trước hết là tôi nhớ lần được gặp đồng chí Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Lần đó tôi không bao giờ quên. Tôi nhớ hôm ấy còn có những người được giải thưởng khác như Phan Thị Thanh Nhàn, Bế Kiến Quốc, giải 3 và giải 2, còn có cả Việt Phương và Chế Lan Viên. 

Mọi người đều ngồi quanh mâm nhưng không ai ăn, chỉ riêng tôi ăn tới miếng cuối cùng trên mâm. Tất cả họ đều không ăn, họ chỉ nghe Thủ Tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện. Thế là Thủ Tướng cười bảo, Duật đúng là lính thật, ăn rất là ngon. Thực ra hôm đấy không có món gì đặc biệt lắm, chỉ có một thứ duy nhất gây ấn tượng đối với tôi là bánh cuốn, bánh cuốn rất ngon. 


Thế còn cái buổi ăn cơm với đồng chí Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ đang là Tổng Tư Lệnh Tối Cao, thì có hai vợ chồng ông tiếp cơm thôi. Thì ông chăm sóc tôi khác, rõ ràng là chăm sóc một người lính, cho ăn ngon hơn Thủ Tướng nhiều. Đúng là hôm đó bếp của Thủ Tướng nấu cái gì thì chỉ tăng thêm số lượng thôi, có thêm đĩa bánh cuốn thôi, không có cái gì khác. Còn hôm ăn cơm nhà Đại Tướng thì đây đúng là bữa tiệc cho thằng lính trong rừng đói khát thiếu thốn được ăn nhiều món ngon, rất ngon. 


Nhưng mà cử chỉ kỳ diệu nhất tôi thấy trong ngày hôm đó không phải là ăn uống. Cái đặc biệt nhất là lúc cắt táo ra để ăn, thì ông Đại Tướng từng chỉ huy suốt 2 cuộc kháng chiến, đánh Đông dẹp Bắc thắng lợi, khi ông quệt cái tay áo dạ vào thành cốc và cái cốc đổ ra, và táo cũng lăn. Và khi táo lăn thì ông cực kỳ lúng túng, ông không với được và phu nhân của ông nhẹ nhàng hứng ở đầu kia, cứ để cho táo lăn và hứng rất nhẹ nhàng. Cả hai người cùng mỉm cười và bà ấy đưa cho ông quả táo. Và tôi thấy đó là một cử chỉ cực kỳ hạnh phúc và đẹp.

(Hồng Thanh Quang)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Nơi đâu cần thanh niên có.

Đến đứng ngó cũng là thanh niên.

 


Trường Sơn đông, Trường Sơn tây - 2

Trước đó tôi có đọc một bài báo trên tờ Thống Nhất có nói là Tổng Tư Lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay rất nể một đứa trẻ con. Vì sao? Vì khi tôi đến thăm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thì thấy ông ấy rất là nể vợ, và vợ ông ấy thì rất nể một đứa cháu, thì hoá ra người cao nhất của Quân đội lại nể một đứa trẻ con. Đấy là một niềm hạnh phúc lớn và đấy là lý do thắng trận của Việt Nam vì người ấy biết sợ một đứa trẻ con, và người đàn ông biết sợ đàn bà.


Còn đồng chí Lê Đức Thọ là người đầu tiên bênh đỡ cho vụ Vòng trắng. Tố Hữu sau này có nói lại rằng Phạm Tiến Duật đứng từ xa, ờ cái gì trắng trắng thế nhỉ, nhưng đến gần thì không phải, thì đấy là Tố Hữu nói thế thôi. Cho nên tôi ngay từ đầu đã nói bài thơ không có vấn đề gì cả, bài thơ chẳng qua là bài thơ của một thằng lính yêu bạn mình, quý bạn mình, thương bạn mình, không có vấn đề gì cả. Phải nói là thái độ của đồng chí Lê Đức Thọ là trước sau bênh đỡ việc này và đấy là điều tôi nghĩ rằng chính là vụ Vòng trắng không phải là trở thành một vụ việc lớn...

(Hồng Thanh Quang)



Phạm Tiến Duật là tác giả bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Cũng là tác giả bài thơ Viết về số  0 nhưng bị đổi tênVòng Trắng.



Ba mươi năm: Khỏang cách và dấu nối

Nguyễn Trọng Tạo: Tôi cũng đọc tạp chí Thơ xuân-thu-đông Văn Đoàn Kết Talawas Tiền Vệ... Đấy là nơi chấp nhận được "tự do ngôn luận" tương đối thoải mái. Và tôi hiểu thêm được nhiều điều qua văn chương của những tác giả có góc nhìn khác tôi. Hơn nữa tôi hiểu thêm đời sống tình cảm của những người Việt ở nước ngoài dù họ phải rời xa tổ quốc trong hoàn cảnh nào. 


Tôi cũng rất tiếc cho một số nhà văn không thoát khỏi hằn học và thù hận làm đau khổ những con chữ vô tội. Những con chữ vô tội trong tiếng Việt ấy lại còn bị lạm dụng như người ta lạm dụng tình dục trẻ em ngay cả trong thơ ca nhân danh cách tân trong những năm gần đây. Tôi nghĩ chủ nghĩa Hậu hiện đại Tân cổ điển Tân hình thức không khó chấp nhận. Vì không đổi mới thì không có văn chương của thời đại mới. Văn học tự thủ tiêu khi chối bỏ cách tân hoặc không để cho cách tân trình thị. 


Đấy là bài học của muôn đời. Sự làm mới tiếng Việt không phải là làm cho tiếng Việt trở nên ngọng nghịu hay bắt chước vẻ lơ lớ của người tây nói tiếng Việt mà phải làm cho tiếng Việt trong sáng hơn đa nghĩa hơn và chính xác hơn. 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)



Sở Cuồng Lê Dư

Năm 1925, Lê Dư về nước, làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, là chuyên gia về văn học sử và lịch sử Việt Nam

Trong khoảng 10 năm ông công bố thêm gần 30 công trình vừa Hán Văn vừa Quốc Văn. Với vốn học vấn Hán Học uyên thâm, với công phu tìm kiếm tư liệu trong kho lưu trữ của Trường Viễn Đông Bác Cổ, Lê Dư đã cung cấp cho giới nghiên cứu, những phát hiện của ông về tác giả Cung Oán Ngâm Khúc, về tiểu sử của Nguyễn Bỉnh KhiêmPhạm TháiTrần Tế Xương...


Có thể công việc biên soạn sách của ông, phát xuất từ những di sản tinh thần "quốc học" mà ông đã tìm thấy trong thời gian sống và hoạt động tại Nhật Bản.

Lê Dư mất ngày 31 tháng 8 năm 1967.



Buớc tới chuyển hướng bước tới tìm kiếm - 1


Phan Kế Bính (chữ Hán: 潘 繼 炳; 1875-1921), hiệu Bưu Văn, bút hiệu Liên Hồ Tử, là một nhà báonhà văn nổi tiếng đầu thế kỷ 20

.

Phan Kế Bính quê ở làng Thụy Khê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Năm Bính Ngọ (1906), ông dự thi Nho học và đỗ cử nhân, nhưng không ra làm quan, mà ở nhà dạy học. 

Trong thời gian này, ông công khai hưởng ứng phong trào Duy Tân. Từ 1907, ông bắt đầu viết báo cho nhiều tờ báo trong vai trò dịch thuật, biên khảo sách chữ Hán. 


Sau đó ông cộng tác với các báo: Ðông Dương Tạp Chí, Lục Tỉnh Tân Văn, Trung Bắc Tân Văn. Đặc biệt là với tờ Đông Dương Tạp Chí, ông có thời gian làm trong ban biên tập Đông Dương Tạp Chí, và tác phẩm của ông phần lớn đều từng đăng trên tạp chí này.



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Thử miến lươn Hàng Điếu
(Nguồn: Tôi đi đâu)



Buớc tới chuyển hướng bước tới tìm kiếm - 2

Các sách biên khảo của Phan Kế Bính:

"Việt Nam Phong Tục" (1915): nghiên cứu nghiêm túc, có tính phản biện, về thuần phong mỹ tục của Việt Nam;

"Hán Việt Văn Khảo" (1918): bàn về văn chương chữ Hán ở Trung Quốc, Việt Nam và triết học Trung Quốc;

Các sách viết về danh nhân Việt Nam: "Nam Hải Dị Nhân".


Sách dịch thuật:

"Đại Nam Nhất Thống Chí" (1916);

"Ðại Nam Điển Lệ Toát Yếu" (1915 - 1916);

"Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên" (1918);

"Ðại Nam Liệt Truyện Chỉnh Biên" (1919);

"Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa" dịch chung với Nguyễn Văn Vĩnh.


Phan Kế Bính mất lúc mới 46 tuổi vào năm Tân Dậu (1921).


Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Mắt tròn dưới mí láng sưng
Là tên tửu bác, không ngừng chơi đêm


Thăng trầm chữ Việt

Ngày 1-1-1882, cách nay gần 130 năm, là ngày người Pháp đã buộc người Việt ở Nam Kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” do thống đốc Nam Kỳ Lafont ký.


Vì sao người Pháp chọn quốc ngữ?

Chúng tôi tìm thấy trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Trung vấn đề này: “Ở đây cần để ý một điều là trước khi người Pháp xâm chiếm nước ta, các nhà truyền giáo Âu Châu đã theo đường lối “tôn trọng thích nghi văn hóa, phong tục những nước bị truyền giáo. Chính trong tinh thần đó mà họ sáng chế ra chữ quốc ngữ. Đến thời Pháp xâm lược, các nhà truyền giáo Dòng Tên phải nhường chỗ cho Hội Thừa Sai Paris”. 

Sau đấy, Pháp đã cho ra đời tờ báo tiếng Việt ở Sài Gòn. Đó là tờ Gia Định Báo do E. Potteaux, thông ngôn tiếng Việt hạng nhất của đô đốc, làm “tổng tài” (tổng biên tập).

(Trần Nhật Vy)



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể văn “Ký sự” - 1


"Ta (Lê Quý Đôn) vừa qua Nam Quan, liền gặp quan Tuần Kiêm họ Tra đưa thơ thách họa. Dọc đường gặp các quan liêu đặt những câu hỏi hóc búa, họ bắt bẻ tranh luận như là kẻ địch. Vả chăng nếu mình rụt rè, tự coi mình là người nơi xa vắng, ít giao tiếp, ít nói năng thì bị người ta khinh bạc, mà dùng tiếng Di Ngôn Di Sứ (lời mọi, sứ mọi) mà chỉ chúng ta".


Chính vấn đề các viên chức Thanh ở quan ải vẫn luôn luôn dùng tiếng DI (mọi) để trỏ người mình, kể cả sứ thần, là một điều mỗi lúc sứ ta sang, đều phải tranh biện phản đối và đòi cải cách. Sứ bộ gửi tờ trình cho viên Tuần Phủ Quảng Tây xin thôi dùng chữ DI. Đại ý tờ trình như sau: “Trong các công văn và khi tiếp đón sứ thần mọi nơi đều gọi hai tiếng An NamThế mà ngày chúng tôi đến cửa quan ải, quan đạo chỉ hô: Di quan, Di mục, làm chúng tôi hổ thẹn rất sâu. Đến khi tới Nam Ninh, yết quan Đạo Đài, giữa đám đông người mà vẫn dùng chữ DI. Sứ thần xin theo lệ đời Ủng Chính thứ 9 (173l) giới thiệu các sứ thần bằng chức danh”.

Viên Bố Chánh biện luận một cách khôn khéo rồi nhận lời, như ta sẽ thấy trong tờ trình của sứ bộ gửi về chúa Trịnh Doanh. Tờ trình nầy rất quý, vì được làm bằng tiếng Nôm, có lẽ để người Thanh không đọc được, nếu chúng tò mò. 


(Lê Quí Đôn đi sứ nước Thanh – Hòang Xuân Hãn)



Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

Về ngày lễ, bia 1923 ở đền Thượng ghi rõ: 

“Tục lệ dân xã Hi Cương, phủ Lâm Thao lấy ngày 11-3 là ngày thờ thổ kì, (tức thổ địa ”Hùng Vương”). Khải Định ra chiếu chỉ: Từ nay lấy ngày 10-3 làm lễ tổ Hùng Vương. Tức lùi lại… một ngày để ông đi Tây dự “Hội chợ thuộc địa Marseile” năm 1922. Từ đấy câu ca dao: “Nhớ ngày mồng Mười tháng Ba…” có từ ngày ấy.

(Tạ Chí Đại Trường)



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể văn “Ký sự” - 2

Tờ khải này có lẽ viết ngày 13 tháng Chạp năm 1761. Sứ bộ tưởng trước Tết sẽ về đến nhà, nhưng phải đợi gần một tháng quan Thanh mới chịu mở cửa quan

Sau đây sẽ kể một vài chuyện.

Chuyện khám thuyền - Khi thuyền về đến Quế Lâm, theo lệ, quan Thanh xuống khám thuyền để tịch thu các vật và sách cấm. Đồ cấm có vũ khí và diêm tiêu dùng làm thuốc súng. Các cống sứ phải làm tờ cam kết, trong đó có nói:

" Năm Càn Long thứ 25, chúng tôi vâng mệnh quốc vương mang tuế cống và tờ biểu và nghi vật tới dâng. May được Thánh ân ban cho quốc vương vải vóc, trong đó có thứ đoạn hoa Đại Mãng, Thổ Qua. Còn như diêm tiêu, quân khí và tất cả những món hàng cấm thì không hề mang về. Đó là điều chúng tôi cam-kết là thật". 


Tất cả sứ bộ phải khai các sách đã mua, rồi phải gánh các hòm sách lên trạm Ân Đình. Quan Thanh giữ lại một số, rồi bảo khai. Trong số sách bị thu có bộ tự vựng bách khoa về văn học gồm 450 quyển, vua Khang Hi sai soạn. Ta phải làm đơn xin trả lại, viện lẽ rằng trong sứ vụ Phạm Khiêm Ích (1724) vua Ủng Chính đã ban bộ sách ấy cho vua mình. Quan Thanh bằng lòng, nhưng giữ lại 23 bộ sách khác, đó là những sách bói toán, địa lý, y khoa, thần tiên. Của riêng ta, có 5 sách bị thâu : Phong Thần Diễn Nghĩa, Nam Du Bắc Du, Tử Vi Đẩu Số và Mai Hoa Dịch Số. 


(Lê Quí Đôn đi sứ nước Thanh – Hòang Xuân Hãn)



Cơm làng - 1    

Chia phần xôi thịt

Điều ghi nhớ đầu tiên là cách chia xôi thịt (đầu lợn, phao câu, đầu cánh) là biểu tượng cho văn hóa trọng lễ bằng tôn trọng thứ bậc trong làng chứ không phải là để hưởng phần ngon nhất của con heo (1), con gà. 

(1) - Miếng ngon nhất trong con heo là cặp bầu dục nên trong cỗ khao vọng, chỉ có cỗ nhất là có đĩa bầu dục. Theo Nhất Thanh Vũ văn Khiêu, Đất lề quê thói, Đại Nam, Sài Gòn, 1968, tr 491


Trong các con heo dành cho đình đám thì có con heo để biếu: " Hưởng cả trọn cái đầu heo gọi thủ vĩ, (2) (Thủ 首, là đầu,  vĩ 偉  là lớn, người đứng đầu lớn nhất trong làng). Hương Chủ hưởng  trọn cái mông cắt khoanh tròn, Chánh Bái hưởng trọn cái bộng con heo có cả cái đuôi, kỳ dư chia đều cho các chức việc". 

(2) - Trong lễ khao vọng, con heo luộc chín làm lễ tế thần  được chia như sau; Tiên Chỉ hưởng cái thủ, Thứ Chỉ (3) cái nọng, còn lại dành cho kỳ mục, quan lão… 

(3) Trên hết trong làng là Tiên chỉ và Thứ chỉ thường là hưu quan, khoa mục.


Trong lễ khao vọng thủ lợn còn đủ cả tai mắt bê lên biếu tiên chỉ, cổ lọng biếu thứ chỉ (3), chức sắc; còn lại chỗ ngon là thịt thăn, thịt mông thì thái ra làm cỗ chia đều cho trên dưới cùng thụ lộc.


(Lạp Chúc Nguyễn Huy)



Khoa cử thời xưa

Giai thọai: Nếu như Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi và Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân, cùng bị giữ ở Tàu dịch thư kinh mươi năm. Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn An bị lưu xứ ở Tàu đến suốt đời. Với giai thoại thì chẳng thể thiếu Thám Hoa Giang Văn Minh, người xã Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây được cử đi sứ. Minh Tự Tông ra câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” có ý nhắc đến Mã Viện dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Thám hoa Giang văn Minh không chần chừ, khẳng khái đối: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”. Vua Minh biết ý ông dẫn việc Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên ở sông Bạch Đằng để đối lại. Bất chấp luật lệ bang giao, Minh Tự Tông thét bọn đao phủ trói ông lại, gắn trám đường vào miệng và mắt rồi cho người mổ bụng xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Tính ra, ông mới 58 tuổi. Hòng uy hiếp dân Đại Việt, Minh Tự Tông còn cho ướp xác ông bằng bột thuỷ ngân và cho sứ bộ ta đem thi hài ông về nước.



Cơm làng - 2  

Chia phần xôi thịt

Vào những ngày lễ nhỏ chỉ một số ít người tham dự, đồ cúng chỉ có xôi gà thì việc chặt thịt gà cho mâm cơm làng cũng phải theo tục lệ của làng là " thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh " có nghĩa là phao câu và đầu cánh nhiều mỡ béo rất ngon để nhắm rượu nên được chặt ra để trên đĩa thịt gà của mâm trên.

Tiếp theo mới chặt đầu cánh trên đĩa thịt gà mâm dưới. (1)

(1) Theo Trần Quốc Vượng, Văn hóa ẩm thực Việt Nam, thì "Phao câu, đuôi lợn dành cho thằng mõ"

(Lạp Chúc Nguyễn Huy)



Thành ngữ tục ngữ… sai 

Thịt thối hơn muối bùi 

Ý nói: Ăn cơm có thịt vẫn hơn là không có 

(Nhưng thịt thối thì rất hại vệ sinh)


Không phải như vậy! Ngày trước thực phẩm cá thịt rất khan hiếm. Cơm chủ yếu là rau, muối nên dân gian có những cách nói thậm xưng: “Thịt thối hơn muối bùi” hoặc “Cứt cá hơn lá rau”, nhằm đề cao bữa ăn có thịt cá. Nhưng do không hiểu cách nói của dân gian, Gs nhầm tưởng người dân coi món “thịt thối” hơn “muối bùi” thật nên lo lắng cảnh báo: “thịt thối thì rất hại vệ sinh”!

(Hoàng Tuấn Công)



Người Minh Hương

Thị xã Sóc Trăng, có rất nhiều cửa hiệu bán bánh pía từ các cơ sở làm bánh pía...  bánh pía là đặc sản Sóc Trăng của người Hoa Triều Châu làm ra. Nhiều vùng ở Sóc Trăng, như huyện Vĩnh Châu, nơi có nhiều vườn nhãn, có nhiều người Khmer và Hoa cư ngụ, hơn cả người Việt. 

Một trong những nhân vật văn hóa nổi tiếng sinh ra ở Sóc Trăng là ông Vương Hồng Sển, người gốc Triều Châu.

(Nguyễn Đức Hiệp)



Ô Quan Chưởng

Hà Nội có bao nhiêu cửa ô, nhiều người đã trả lời 5 và gọi tên: Ô Cầu Dền, Cầu Giấy, Yên Phụ, Đông Mác, Quan Chưởng. 

Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà, tên chữ là Đông Hà môn, tức cửa Đông Hà), là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Thăng Long, được dựng năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ:

Long Thành bao quản nắng mưa

Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây

(Ca dao)


Hiện nay, cửa ô còn nguyên cửa chính và hai cửa con hai bên. Trên nóc cửa chính là một vọng lâu. Ngày xưa có lính tuần canh gác ở đây. Bên tường phía trái có gắn một tấm bia khắc năm 1882 ghi lệnh của Tổng Đốc Hoàng Diệu cấm lính sách nhiễu những đám tang qua lại cửa ô. 

Sau khi chiếm Hà Nội, người Pháp cho phá hết các cửa ô cùng với một phần các con đê để mở rộng Hà Nội. Còn riêng ô Đông Hà, nhờ có sự tranh cãi của ông cai tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu (1845 – 1916), người làng Khúc Thủy (Hà Đông), nên chủ trương đó không thực hiện được. Vì ông Cai Tổng nhất định không chịu ký tên vào tờ trình (1) phá cửa ô nên cuối cùng người Pháp phải nhượng bộ. Nhờ vậy mà đến nay Ô Quan Chưởng vẫn còn giữ nguyên vẹn như kiến trúc xưa.


(1) Theo ghi chép, cổng được dựng năm 1749 để phòng thủ kinh thành ở mặt sông Hồng trước sự nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu.



Một lần tới thủ đô
Tôi tới vườn Bách Thảo thì trời đã về chiều. Trong vườn, không khí nhẹ nhõm mát mẻ, quả thật cô diễn viên múa đó đã nói.


(đường lên miếu Đống Đa núi Nùng)


Các loại cây cổ thụ xoè tán uy ngiêm, trên gốc già cỗi là những loài cây kí sinh, chen nhau mọc xanh rì. Trong vườn có một trái núi đất (sau tôi được biết tên, đó là Núi Nùng) có vẻ như là tự nhiên. Núi Nùng rất đẹp, đủ loại cây mọc trên nó, có đường đi lên và trên đỉnh hình như có một ngôi chùa hay một cái miếu gì đó. 

(Vương Văn Quang)



Gia Định Báo 

Nhìn qua quá trình lịch sử những thế kỷ 17, 18, 19, có thể nhận thấy trên một khía cạnh nào đó, có sự tương đồng giữa sự ra đời của chữ Quốc Ngữ và vai trò của Gia Định Báo trong đời sống dân tộc. Lúc khởi thủy, chữ Việt la tinh hóa chỉ được các giáo sĩ phương Tây sử dụng như một công cụ truyền giáo của họ, nhưng sau hàng trăm năm, những biến chuyển lịch sử đã biến nó thành chữ của người Việt .

Gia Định Báo cũng thế. Xét về bản chất, nó chỉ là một công cụ truyền thông được thực dân Pháp sử dụng trong mục tiêu kiện toàn bộ máy cai trị của họ, song nhờ vào  tinh thần Dân Tộc của những người Việt Nam tuy cộng tác với Pháp nhưng vẫn có tấm lòng hướng về dân tộc mà nó trở thành gần gủi với đời sống tinh thần của người Việt bấy giờ. Việc phiên dịch các văn kiện hành chánh của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã đành là một công tác thuộc phạm vi trách nhiệm do Pháp giao, song không thể nói là không có tác dụng hữu ích về mặt khách quan đối với đời sống dân Nam kỳ lúc bấy giờ.

Với một kiến thức ít người sánh kịp, hai học giả đã làm phong phú vốn ngôn ngữ Việt còn ở trong thời kỳ phôi thai, tạo được sinh khí cho việc học chữ Quốc Ngữ qua nội dung hấp dẫn của những câu chuyện ngụ ngôn do Trương Minh Ký biên dịch, những bài viết về khoa học thường thức mới mẻ do Ernest Potteaux biên soạn trên từng số báo.
Nhờ Gia Định Báo, người dân biết thế nào là “điển khí”, núi lửa, động đất ra sao, thấm nhuần tính nhân bản trong các truyện dân gian Nhị Thập Tứ Hiếu, Lục Súc Tranh Công... Có thể nói sự ra đời của những tờ báo sau GĐB do người Việt đứng ra thành lập hoặc giữ vai trò chủ nhiệm, chủ bút như Thông Loại Khóa Trình (1888-1889), Phan Yên Báo (1898 -1899), Nông Cổ Mín Đàm (1901-1924), Lục Tỉnh Tân Văn (1907-1943)… không thể không có ảnh hưởng của Gia Định Báo .  

 
(Nam Sơn Trần Văn Chi)



Phở Tàu Bay “tân trang” 

Chúng tôi là khách ăn phở tại tiệm Phở Tàu Bay từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bà chủ tiệm Phở Tàu Bay luôn luôn đứng ở quầy chế biến, nấu phở. Ông chủ tiệm Phở Tàu Bay (gương mặt giống bác sĩ – thủ tướng Phan Huy Quát của Việt Nam Cộng Hòa) có dòng con riêng, sau tục huyền với bà chủ tiệm Phở Tàu Bay; ông thường ngồi ở quầy thu tiền. Bà chủ không có con, nhưng làm phở thì rất rộng tay. Sáng sớm vào ăn phở, tô phở do chính bà chủ làm, thịt chín xắt chưa đứt hẳn, là một dải thịt dài…


***

Sau 30-1975, ông chủ tiệm Phở Tàu Bay có gương mặt giống thủ tướng Phan Huy Quát mất trước ông thủ tướng đi “học tập cải tạo”. Bà chủ tiệm Phở Tàu Bay vẫn tiếp tục đứng ở quầy chế biến phở, tô phở Tàu Bay vẫn đầy thịt như mọi khi, đặc biệt là những tô do chính bà chủ làm cho khách. Có thời gian bà chủ tiệm Phở Tàu Bay ngã bệnh phải nghỉ làm việc. Khỏi bệnh, bà tiếp tục công việc khoảng một năm sau thì qua đời. Một người con riêng của ông chủ tiệm Phở Tàu Bay đảm nhiệm hoạt động của tiệm phở.

Ngoài hương vị đặc biệt Phở Tàu Bay, chúng tôi cũng từng thú vị với tô phở giò của Phở Tàu Bay. Đây là những mẫu vụn thịt nạc được tách ra trong các phần cơ thể bò, rồi bó lại như bó giò lụa giò thủ. Bó thịt vụn nạc đủ loại ấy được hầm thật kỹ, vớt ra ngâm vào nước đá. Khi làm tô phở cho khách mới xắt ra từng khoanh, đặt trên mặt tô phở. Muốn ăn tô phở giò, phải tới tiệm Phở Tàu Bay vào sáng sớm mới còn. 

(Nguyễn Đạt)


Tiểu sử: Nguyễn Đạt sinh năm 1945 tại Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Bắc Việt. Hiện ở Đơn Dương, Đà Lạt. 

Ông là cháu nhà văn Nguyễn Mạnh Côn

Tác phẩm: Hiện viết truyện ngắn cho riêng báo mạng Tiền Vệ và Khởi Hành.



Làm báo văn học ở hải ngoại 

II. Những tình cờ định mệnh

Tôi yêu hội họa. Từ ấu thơ, tôi đã mơ sẽ có ngày nào đó, trong đời, tên tuổi tôi trở nên quen thuộc, được nhiều người hâm mộ, như một họa sĩ.

Lớn hơn tí nữa, định mệnh đẩy tôi vào một ngã rẽ khốc liệt, chính cây bút chì than và tập giấy croquis giúp tôi đứng thẳng được trên đôi chân yếu, để tiếp tục bước về phía trước, làm người.

Bản vẽ đầu tiên của tôi năm 13 tuổi được trả bằng tiền. Từ đó đến bây giờ, tôi đã sống, đã nuôi vợ nuôi con và nuôi chính bản thân mình chỉ bằng một nghề duy nhất: hội họa (tôi dùng chữ hội họa trong nghĩa phổ thông, gồm tất cả mọi công việc ít nhiều liên quan đến cọ sơn, màu sắc: tôi từng là thợ kẻ bảng hiệu; vẽ chân dung truyền thần; vẽ quảng cáo báo chí; vẽ dương bản trên phim để giới thiệu các sản phẩm thương mại (dầu cù là, thuốc nhuộm tóc, bột ngọt Vị Hương Tố, xà phòng Cô Ba, sữa hộp Con Chim... chiếu chào hàng trong các rạp chiếu bóng; vẽ pano cổ động gắn hai bên hông xe buýt, trên các lầu cao, và ngoài xa lộ. Tôi cũng đã từng trình bày bìa sách, bìa băng nhạc, logo, nhãn bao bì cho các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng. Cuối cùng, "có trình độ" hơn, tôi sáng tác tranh bằng sơn dầu, màu nước, bột màu... và triển lãm vung vít.) May mắn, những sản phẩm thượng vàng hạ cám ấy thường được đánh giá "có chất lượng". Nhờ thế, tôi sống. Ngay cả chuyện vượt biển "tìm tự do", định mệnh cũng sắp xếp cho tôi bằng con đường hội họa: một cậu học trò (học vẽ) đã cho tôi một chỗ ngồi trên chiếc tàu đánh cá nhỏ bé với sức chứa tối đa 22 nhân mạng do cậu làm chủ.

(Khánh Trường)


TTiểu sử: Khánh Trường tên thật: Nguyễn Khánh Trường. Sinh nnăm 1948 tại Quảng Ngãi, hiện định cư ở California. Khánh TTrường là họa sĩ, viết văn (chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Hợp Lưu), llàm thơ

Tác phẩm: Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng, Hai Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại 1975-1995, Buồn Ơi, Tôi Bỏ Tôi Chìm Đắm, Chung Cuộc.


***


Phụ đính I


Vũ Hoàng Chương vào tù khám lớn - 1

Vũ Hoàng Chường: Tố-Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việtnam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việtnam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việtnam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?

Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời đời nhớ Ông’ Tố-Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:

“Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin “


Chắc chắn là không bà mẹ nào, kể cả bà Tố-Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ.

Một tình tự không chân thực, dù đươc luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay,  mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố-Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việtnam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm“.

(Phạm Công Bạch, CVA 57)



Vũ Hoàng Chương vào tù khám lớn - 2

Vẫn theo lời kể của Sông-Lô thì  lời thẩm định này đã gây sôi nổi trong đám thính giả có mặt hôm đó. Muốn phản bác luận điệu của Vũ-hoàng-Chương, có người đã yêu cầu Ông nói về thơ để hòng bắt bẻ này nọ, nhưng Ông vẫn ôn tồn phát biểu:

“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.

“Tôi xin nhắc; sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.”


Sau đêm hôm ấy, hình như có một buổi họp khẩn cấp của các “nhân vật then chốt” cộng sản, và Vũ-hoàng-Chương đã bị bắt. Như vậy cái tội phản động của thi sĩ họ Vũ không phải là một mà có đến ba: bắt đầu từ bài thơ thời sự, kế đến không nể nang tình bạn và sau cùng là đã dạy khôn cho kẻ đang thắng thế. Theo Sông-Lô thì Vũ-hoàng-Chương không phải là người dại, cũng không phải người can đảm mà Ông chính là người của tự do không phải quị lụy trước bất cứ một áp lực nào.

(Phạm Công Bạch, CVA 57)


***


Phụ đính II


Họan quan

Hoạn quan triều Nguyễn

Ở Việt Nam, hoạn quan được ghi nhận đã có từ thời nhà Lý. Đến nhà Nguyễn thì hoạn quan chia làm 5 trật:
- Quản Vụ thái giám
- Kiêm Sự thái giám
- Thừa Vụ thái giám
- Cung Sự thái giám
- Cung Phụng thái giám.

Từ trước đến nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn, nhà báo chọn cuộc đời của những vị thái giám trong cung Nguyễn để làm đề tài tác nghiệp của mình, tuy nhiên nhu cầu tìm hiểu về chuyện đời của những con người đặc biệt này của bạn đọc thời nay vẫn luôn là một thôi thúc đối với những người cầm bút.

(Nguồn: Phan Thuận An)


Bác tôi là hoạn quan 

(tựa đề nguyên thủy: Bộ Tam)

Cha tôi khóc, cắt dây đưa bác xuống. Lúc này bác mới thật giống là con bù nhìn. Cái lưỡi bé xíu của bác không biết cách thụt vào nên khuôn mặt bác trông vừa buồn cười vừa đáng sợ. Những con kiến trên người bác hốt hoảng bò ra. Chúng nhốn nháo tới lui trên làn da vàng ệch, bối rối chạm râu vào nhau như để hỏi thăm đường về.


Một đời lạnh lẽo của bác kết thúc như thế đó. Ngoài một vài giọt nước mắt em khóc cho anh, cũng chẳng còn ai khóc bác. Cha tôi bảo mẹ lấy lá bưởi, lá é nấu nước để ông lau rửa cho bác. Mùi thơm của lá làm bớt đi phần nào mùi của thịt da mục rữa.

(K.Đ.)


Tác giả: K.Đ. tức Khuất Đẩu sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật Trương Đẩu.


 

Tên thường gọi Trương Thanh Sơn. Hiện sống tại Bình Định.

Tác phẩm: Người Giữ Nhà Thờ Họ, Lão Tiền Bối, 

Những Tháng Năm Cuồng Nộ 










Không có nhận xét nào: