Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

DẤU ẤN CÒN SÓT LẠI - Bá Yên

           DẤU ẤN CÒN SÓT LẠI


Bấm đốt tay nhẫm tính thì quỹ thời gian của đời người đối với chúng ta – những người bạn đồng môn nam nữ năm thứ hai Viện Hán Học Huế cùng trang lứa – đang dần cạn kiệt. Tất cả đều đã vươn tới độ tuổi trên dưới thất thập rồi còn gì!...  Ở cái thời mà tuổi già đã làm nhíu lại làn da, nổi lên lớp đồi mồi đen bạc lẫn lộn, bộ tóc dần dần đổi màu theo thời gian gần như bạc trắng,… ai cũng muốn đánh thức chuỗi ký ức về quá khứ để vui cái vui một thời và để buồn…cho một cõi đời đã qua!

Nhớ lại một thời, lúc chúng tôi sắp học xong bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp, với hoàn cảnh gia đình thường thường bậc trung, ai cũng vội nghĩ đến một cuộc hành trình vào đời, để có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, nuôi sống đời mình để có một tương lai sống được về sau. Trong hoàn cảnh của tôi vào những năm cuối thập niên 59, dầu đang theo học bậc Trung học Đệ Nhị Cấp tại Huế, cụ thân sinh tôi lại muốn cho tôi theo học chuyên ngành Hán văn để có thể trực tiếp truyền thụ thêm tại nhà và tạo điều kiện cho con mình tiếp nối và phát triển nền học cổ điển của Ông cha đã đến lúc gần như suy tàn… Đúng vào thời kỳ này, một cơ sở đào tạo chuyên ngành Hán học được nhà nước đương thời cho mở ra tại Cố đô Huế - nơi vẫn còn tồn tại nhiều nhân sĩ và bậc tiền bối vốn có kiến thức sâu rộng về lãnh vực nầy, nhằm mục đích duy trì và phát huy nền văn hóa cổ, trên danh nghĩa là một phân khoa của Viện Đại Học Huế, có tên là Viện Hán Học. Niên khóa đầu tiên (1959-1960), tuyển dụng được 30 sinh viên, và đã học qua năm thứ nhất. Khóa thứ II sẽ được tổ chức thi tuyển vào cuối năm 1960, Ba tôi liền động viên và thôi thúc tôi nộp đơn dự thi, thời gian học là 5 năm (1960-1965). Người cho rằng đây là cơ sở đào tạo mới nhằm phục hồi nền văn hóa của ông cha, có thể đem lại cho người học nhiều triển vọng, tương lai sáng sủa, và đặc biệt là trong thời gian học, sinh viên được cấp học bổng hằng tháng (toàn phần hoặc bán phần dựa vào kết quả thi tuyển đầu vào) để phụ trợ cho các khoản chi phí về sinh hoạt, sách vở,v.v... Và sau khi tốt nghiệp ra trường, các sinh viên, tùy theo khả năng và kết quả học tập cuối khóa, sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào làm Tùy Viên tại các tòa đại sứ Đông Nam Á, làm Chuyên Viên Viện khảo cổ hoặc được bổ nhiệm đi dạy học (Trung Học Đệ Nhất Cấp). Đây là điểm mà tất cả các thí sinh dự thi đều chú  trọng đến trước khi quyết định chính thức nộp đơn ứng thí. Suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ vẫn còn mông lung, chưa biết nên như thế nào với ngành học còn khá lạ lẫm này. Nhiều môn trong chương trình học còn rất xa lạ và nhất là khó học, liên hệ nhiều đến chữ hán, chữ nôm; thơ phú Hán Nôm, rồi lại phải học nói tiếng quan thoại để giao  tiếp – đây là những môn mà tất cả chúng tôi đều mù tịt!... Các môn học khác như tiếng Pháp, tiếng Anh, văn chương & văn học Việt Nam, Sử địa Đông Tây và triết lý Đông Phương thì đa số sinh viên đều đã quen và có học qua. 

Tuy trong thâm tâm vẫn còn có ý ngại khó, nhưng tôi tin rằng những nghĩ suy của bậc làm cha làm mẹ thường hướng đến những điều tốt đẹp cho con cháu sau này, cho nên đã quyết định nộp đơn dự thi. Địa điểm thi được tổ chức tại cơ sở Di Luân Đường (Viện Bảo tàng cách mạng hiện nay). Sau kỳ thi tuyển, tên tôi nằm trong danh sách 80 thí sinh đủ điểm chuẩn để được chọn vào học khóa II, khai giảng vào cuối năm 1960. Thế là con đường tương lai của tôi đã định. Lòng nhủ với lòng rằng, dẫu sao cũng phải học cho đến nơi đến chốn. Mong rằng sẽ có tương lai tốt đẹp theo đúng với mục tiêu thành lập mà Bộ Giáo Dục đương thời đã đề ra tại quyết định thành lập Viện. Tôi vẫn cảm thấy vui vui, vì ngoài số sinh viên tại địa phương và các tỉnh của Miền Trung ra, cùng nhập bọn với chúng tôi vẫn còn khộng ít sinh viên nam nữ từ Miền Nam xa xuôi khăn gói ra Kinh Đô theo học nữa kìa! Ngành học về văn hóa cổ của mình cũng quan trọng ra phết khi quy tụ được nhiều sinh viên toàn khu vực Trung Nam tham dự... Nghĩ vậy để vui và phấn khởi với ngành học mà mình đã trót bước vào!

Giáo sư giảng dạy tại Viện đa số là những vị học giả lão thành, kiến thức khá sâu rộng về Hán Nôm và các lãnh vực có liên quan. Cách truyền đạt bài giảng của mỗi vị một khác: nhiều vị có lối diễn đạt rất sôi nổi, sống động giúp sinh viên nhanh chóng tiếp thu bài học; ngược lại, phương thức giảng dạy của một vài giáo sư khác, đôi lúc khá buồn tẻ, dễ ru ngủ sinh viên,… Nhưng nhìn chung, mớ kiến thức chúng tôi thu thập được qua từng năm học, xét ra rất bổ ích cho nghề nghiệp và đời sống của chúng tôi sau này. 

Năm thứ nhất qua đi, chúng tôi cũng tiếp thu được một mớ kiến thức nhập môn về các môn học. Đối với môn chữ Hán thì thật nhọc nhằn. Chúng tôi thường đùa với nhau rằng tụi mình đang vẽ chữ Hán chứ không phải viết chữ Hán. Nghĩ lại thật buồn cười khi nhìn 80 sinh viên nam nữ mới toanh của 2 lớp (A và B) khóa II, được bố trí ở hai phòng riêng biệt, trong giờ Hán văn, mỗi sinh viên ngồi riêng một ghế, cứ cặm cụi o nắn từng gạch ngang sổ thẳng, từ trái sang phải, từ trên xuống  dưới, thế nào cho tất cả ký tự của một chữ nằm gọn trong một ô vuông được kẻ sẵn trên giấy tập. Tâm trạng một số ít sinh viên có vẻ buồn chán, rồi bỏ dần, có lẽ các bạn nầy không thấy thích nghi với môi trường và cái học tập mới mẻ nơi đây? Tuy nhiên, tôi cũng như đa số các anh chị em sinh viên khác vẫn còn kiên trì trụ lại để đi tiếp. Thế rồi qua năm thứ hai, việc học tập của chúng tôi đã quen dần, mọi người đều có thể viết rành rọt từng nét, từng chữ, từng câu thơ chữ Hán, cũng nhớ được gần đầy đủ ý nghĩa của các bài thơ mà quý thầy đã giảng giải ở lớp. Giờ học Hán văn với Linh Mục Nguyễn Văn Thích thì thật vui. Những bài thơ Cha đem ra giảng dạy rất ngắn, có bài chỉ có 4 câu thôi mà rất ý nghĩa. Cha là người có bản tính thích văn nghệ: dạy thơ thường kèm theo cả nhạc; giải nghĩa xong mỗi bài, cha lại bắt nhịp dạy hát cho cả lớp hát theo. Thế là không khí học tập của cả lớp vui nhộn hẳn lên. Đến giờ học môn tiếng Việt và văn chương Việt nam với Giáo sư Phan Văn Dật thì rất nghiêm túc, sinh viên tiếp thu rất hiệu quả bài giảng của thầy; tôi còn nhớ bài luận văn đầu tiên thầy ra cho cả lớp bình luận là: Anh chị hãy giải thích câu “Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả, Anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Những bài luận văn như thế nầy là cơ sở tạo nền kiến thức cơ bản cho sinh viên chúng tôi, và cũng rất hữu ích khi ứng dụng vào đời. Thầy là một học giả khá nổi tiếng trong nghiên cứu văn thơ tiếng Việt và cả Hán Nôm, rất được sinh viên toàn Viện kính trọng và thường tiếp cận để học hỏi. Trong lớp cũng có một số bạn có năng khiếu đặc biệt về thơ văn, nên rất được thầy quan tâm giúp đỡ. Chẳng hạn như bạn Trần văn Dật, cùng học chung lớp với tôi, hiện sinh sống và lập nghiệp ở TP. Vĩnh Long, đã trở thành người học trò cưng của Thầy lúc còn đi học cũng như sau này khi đã ra đời. Nhờ khối kiến thức tiếp thu được từ Thầy mà sau này, khi tuổi đã lớn, bạn TVD. đã thực hiện một số tác phẩm có giá trị như “Từ Điển Vần bằng Tiếng Việt”, “Tự Điển Vần Trắc Tiếng Việt”, được xuất bản và tái bản lần đầu mấy năm gần đây. Đây cũng thành quả đáng ca ngợi của người bạn đồng môn thân tình của chúng tôi. Ngoài ra, TVD. còn sáng tác nhiều tập thơ (3 tập) mang tựa đề “Những Mảnh Đời” thể hiện tâm trạng của một “đời người buồn nhiều hơn vui”, buồn vì thân đơn thế cô, do hoàn cảnh đẩy đưa đã phải rời bỏ quê nhà đến định cư tại một tỉnh lẻ của Miền Nam; đôi lúc cũng phải làm thuê dạy kèm để kiếm sống, nhằm có được cái ăn cái mặc, và cưu mang cho đàn con đang lớn dần từng ngày. Suy cho cùng thì đó vẫn là cuộc sống do tình hình xã hội và hoàn cảnh khách quan tạo ra cho con người… Điều quan trọng vẫn là người trong cuộc đã buộc mình phải kiên trì chịu đựng mọi thử thách, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên và ổn định được cuộc sống. Tất cả chúng tôi – những người ở lại trong nước sau ngày 30/04/1975, tuy hoàn cảnh sống có khác nhau, nhưng đều có thân phận tương tự như nhau: cuộc sống không như ý nguyện.

Với Thầy Nguyễn Văn Dương – một vị giáo sư giỏi trong lãnh vực nghiên cứu nền văn học Hán Nôm – từ Sài Gòn ra Huế giảng dạy, vẫn được sinh viên tôn trọng nhờ kiến thức sâu rộng của Thầy. Nhưng có một nét đặc trưng ở thầy là lúc “ngồi lớp” giảng dạy (ở lớp, thầy luôn luôn ở tư thế ngồi để giảng bài), một số sinh viên không thấy hứng thú khi phải theo dõi môn học do Thầy hướng dẫn, hay nghịch phá ở cuối lớp, có lẽ một phần do cách truyền đạt bài giảng cùng với giọng nói đều đều nghe khá buồn tẻ (dễ gây buồn ngủ) của Thầy, một phần khác là những trang bài học của Thầy thì vừa khó lại vừa hóc búa khi đám sinh viên chúng tôi phải chống mắt nhìn từng nét từng chữ trong phiên bản chữ Hán về “Chinh Phụ Ngâm”, và nhiều bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ thời trước đã được đưa vào văn học nước nhà… thật đúng là món ăn khó nuốt! Chúng tôi cảm thấy như mình đang đi vào sa mạc toàn chữ và chữ, nhưng lại là chữ Hán nữa chứ!... Dầu vậy, cũng phải rán nuốt, nuốt càng nhiều chữ càng tốt, để khỏi phải bị điểm âm! Đối với một số ít sinh viên có tính cần cù học hỏi, ham thích nghiên cứu thì có vẻ thích thú và học môn học nầy có hiệu quả hơn chúng tôi. 

Ngoài những môn học về Hán-Nôm, sinh viên còn phải học nhiều môn học khác nữa, như tiếng Pháp, tiếng Anh, Văn Học Sử Việt Nam và Trung Quốc; Lịch sử Trung quốc; Sử Địa thế giới… Với những môn nầy thì sinh viên học rất nghiêm túc, tiếp thu bài nhanh hơn vì không phải chạm mặt với những kiểu chữ Hán (Hán tự) rối rắm với vô số gạch ngang sổ dọc, làm mờ mắt người mới học như chúng tôi. Riêng trong giờ học Tiếng Quan Thoại, thì nội cái tên của mỗi cá nhân sinh viên cũng rất khó phát âm thế nào cho chuẩn, huống hồ là nói chuyện bằng “thứ tiếng của xứ người” này! Đoan chắc là cho đến giờ không biết có bao nhiêu người xuất thân từ Viện Hán Học còn nhớ cách phát âm cho đúng tên của mình bằng tiếng quan thoại nữa hay không? 

Cũng còn rất nhiều các vị giáo sư khác, với tri thức cổ văn uyên thâm, đã truyền đạt và trang bị cho lớp sinh viên chúng tôi cái vốn quý để vào đời. Đáng tiếc là chúng tôi lại không tiếp thu được đầy đủ. “Thú thật, xin quý Thầy (những vị còn tại thế cũng như quý giáo sư đã về cõi âm) thứ lỗi cho, một phần vì lý do khách quan, một phần do biến động bất ổn của xã hội mà chúng con, cho đến khi tuổi đời gần cạn thì đã quên hầu hết bài giảng của quý Thầy rồi!...” Thật vô cùng đáng tiếc!

Đến cuối năm thứ ba (1962), việc học tập của chúng tôi vẫn tiến hành đều đặn. Nhưng rồi qua năm thứ tư (1963), cơ sở Viện Hán Học Huế được dời về toạ lạc tại căn lầu số 14 đường Phan Đình Phùng Thành Phố Huế (nằm phía hữu ngạn sông Bến Ngự) thì nhiều biến cố chính trị dồn dập xảy ra, kéo theo một chuỗi biến động tại Trường Đại Học Huế nói chung và tại Viện Hán Học Huế nói riêng: tham gia biểu tình, tuyệt thực, rồi lãng khóa, bãi khóa…Một số sinh viên của Viện cũng cùng với Ban Đại Diện Sinh viên Viện Đại Học Huế tham gia hưởng ứng phong trào đấu tranh chống chính phủ đương thời, kéo dài trong thời gian khá lâu; ngày đêm phải lo in ấn và phổ biến những mẩu thông tin tuyên truyền cho học sinh sinh viên và quần chúng nhân dân địa phương…

Chúng tôi như cảm thấy bơ vơ lạc lỏng, con đường phía trước trở nên mù mịt, không biết tương lai những sinh viên như chúng tôi sẽ ra sao đây? Cho đến khi cuộc đảo chính năm 1963 lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm thành công, liên tiếp mấy năm sau đó, đã có bao nhiêu mô hình chính phủ lâm thời ra đời, tình hình chính trị vẫn còn nhá nhem, chưa mấy ổn định. Đa số sinh viên trong chúng tôi đều tỏ ra chán nản, dần dần lơ là việc học hành, đến lớp thì chơi nhiều hơn học, về nhà thì cất sách vở vào hộc tủ, không màn quan tâm đến lịch học chiều nay hay ngày mai có những môn gì nữa. Dầu vậy, đến cuối năm 1964, khóa đầu tiên cũng được tổ chức thi tốt nghiệp, với 19/30 sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp. Từ đó, cứ chờ mãi cho đến tháng 09 năm 1964, số sinh viên đã tốt nghiệp vẫn chưa được Bộ Giáo Dục bổ nhiệm ra làm việc, ngoại trừ Anh Vương Hữu Lễ, người đỗ thủ khoa được bổ dụng; đến tháng 04/1965, có thêm 05 sinh viên nữa được chấp thuận cho đi dạy. Lại phải trải qua một thời sóng gió nữa với vận động, đấu tranh. Cuối cùng một đoàn đại diện sinh viên toàn viện được đề cử đem đầy đủ giấy tờ tài liệu có liên quan đi Sài Gòn (2 lần) liên hệ với Bộ Giáo Dục đấu tranh cho quyền lợi của các sinh viên đã và sắp tốt nghiệp cũng như những sinh viên mới của các khóa sau nữa. Sau một thời gian dài đấu tranh vật vã nhờ công sức của Anh Lý văn Nghiên và sinh viên đại diện của mỗi khóa, Bộ Giáo Dục chấp thuận, sinh viên đã tốt nghệp, hoặc được bổ nhiệm đi dạy học, hoặc chuyển thẳng lên học tiếp chương trình học năm thứ I Đại Học Sư Phạm Huế; các sinh viên các năm sau sẽ được bố trí vào học năm thứ 2 hoặc năm nhất trường Sư phạm Qui Nhơn,… Với kết quả này, tập thể chúng tôi rất biết ơn công sức của Ban Đại Diện sinh viên VHH. đã không quản nhọc nhằn, vượt qua bao khó khăn thử thách để đấu tranh giành quyền lợi cho sinh viên toàn Viện. Từ đó, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn và bắt đầu học hành trở lại để thi cuối khóa. Cuối năm 1965, sau khi hoàn tất chương trình học, tất cả nam nữ sinh viên khóa II của chúng tôi cũng được cấp thẩm quyền quyết định cho tổ chức thi tốt nghiệp. Phương thức tổ chức thi khá nghiêm túc. Những người chưa vượt qua kỳ I thì được thi lại kỳ II, đuợc tổ chức mấy tháng sau đó. 

Đến đầu niên khóa 1966-1967, ngoài một vài sinh viên được chuyển vào học năm thứ I Trường Đại Học Sư Phạm Huế theo yêu cầu ra, hầu như tất cả chúng tôi đều được Bộ Giáo Dục bổ dụng làm Giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp, lúc đầu tạm thời làm giáo sư dạy giờ sau đó được chuyển lên chánh ngạch, với chỉ số lương là 380. Người may mắn thì được tuyển dụng vào dạy ở các địa phương gần gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên hoặc chuyển đến các tỉnh lân cận của Miền trung như Đồng Hà, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hội An…; một số người khác thì phải đến nhận nhiệm sở ở các địa phương xa hơn thuộc khu vực Nam Trung Bộ hoặc Nam bộ. Thế là chúng tôi không còn nghĩ đến cái mộng làm Tùy Viên tòa đại sứ Đông Nam Á hay được bố trí vào công việc nghiên cứu ở Viện Khảo Cổ được nữa rồi, và phải tự khai thác khả năng nhạy bén cùng với công sức của mình trong việc giảng dạy môn Việt Văn tại trường Trung học Đệ Nhất Cấp theo tinh thần quyết định tuyển dụng của Bộ Giáo Dục. Thôi thì “gặp thời thế, thế thời phải thế”, đành phải làm cái nghề mà trong 5 năm học ở Viện Hán Học Huế chưa hề được hướng dẫn. Thời bấy giờ mà có được việc làm là quý lắm rồi, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Xét về khả năng và kiến thức tiếng Việt cũng như về văn học Việt Nam chúng tôi đã tiếp thu được sau 5 năm theo học Viện Hán Học thì khá vững vàng, nhưng về cách thức thực hành giảng dạy một môn học thế nào cho đúng với phương pháp sư phạm chuyên nghiệp thì mọi người vẫn còn rất lờ mờ, phải tự mình tìm hiểu để lên lớp cho có hiệu quả. Một khi nhận nhiệm vụ rồi thì phải vừa học hỏi vừa thực hành, sao cho tròn trách nhiệm được giao, với chức năng của một “người thầy” đúng nghĩa. 

Bạn bè cùng khóa chúng tôi, đến lúc nầy, thì mỗi người một ngã, đến nhận nhiệm sở tại một trường học khác nhau. Rồi đây, theo quyết định bổ dụng của Bộ Giáo Dục, tôi cũng phải chân ướt chân ráo xách hành lý lên đường đến tận Trường Trung Học Bình Sơn, nằm trên địa bàn Quận Bình Sơn, phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, nơi mà trước đây tôi chưa hề biết hoặc nghe nói tên đơn vị hành chánh cấp quận xa xôi hẻo lánh này. Thật sự tính về đường dài thì Bình Sơn cách Huế không xa mấy, chỉ khoảng trên 200km mà thôi. Nhưng chỉ mới nghe cái tên không đã thấy lạ hoắc lạ huơ, tưởng chừng như nó nằm thật xa tận đâu đâu! Trước khi đi, trong thâm tâm tôi cứ nghĩ đó chắc là một nơi khỉ ho cò gáy không có bóng người! Nhưng vì sự nghiệp lập thân, cũng phải chấp nhận thôi. Vì thương con, cụ thân sinh tôi đích thân dẫn tôi đến trường, bố trí chỗ ăn chỗ ở xong xuôi mới trở về. Ngày sau đó, tôi đến trình diện trước vị Hiệu Trưởng – một người còn khá trẻ, phỏng chừng tuổi đời chỉ khoảng 40, vui tính. Qua những lời nhã nhặn giới thiệu sơ bộ của ông về tình hình trường lớp khiến tôi yên tâm. Ngày sau nữa tôi được bố trí lên lớp 18 giờ/tuần theo qui định. Môn dạy chính là Việt văn lớp 9; ngoài ra, vì không đủ giáo sư chuyên môn nên tôi phải kiêm thêm các môn phụ như Sử, địa và Anh văn lớp đệ thất, đệ lục (lớp 6 và 7 hiện nay) theo yêu cầu của vị Hiệu Trưởng nhà trường. Thật là một sự kiện lạ lùng và buồn cười! Lạ lùng vì một thầy được phân công dạy tiếng Việt mà phải đảm trách một môn ngoài ngành học thì làm sao mang lại hiệu quả cao cho được?! Rồi nghĩ cũng thật buồn cười, vì không ngờ tôi lại được hiệu trưởng tin tưởng giao cho dạy môn anh văn – một môn nằm ngoài khả năng chuyên ngành của mình – Đầu óc tôi lúc bấy giờ cứ nghĩ là “chắc không có mèo nên chó phải làm nhiệm vụ” thay!... mặc cho hiệu quả giảng dạy sau này có ra sao thì ra. Có lẽ chỉ có những trường xa xôi hẻo lánh mới làm cái việc không giống ai như thế. Nếu tôi là hiệu trưởng, không biết mình có đủ can đảm để quyết định phân công cho giáo sư dạy những môn nằm ngoài khả năng của họ hay không. Trường hợp của tôi thì đành phải nhắm mắt xuôi tay chấp hành sự phân công của “đấng tối cao” vậy! Thế là tôi vừa lo lắng vừa bắt đầu học ngày học đêm, đem sách giáo khoa anh văn ra học và tra cứu trước khi lên lớp mấy hôm. Rất may, những giáo trình mà thầy giáo đã học kỹ thì ít bị vấp váp lúc giảng bài cho học trò. Lúc nầy, tôi cảm thấy như mình đang mang hai bản mặt: hễ về nhà thì mình là trò, mà khi đến lớp với áo mão cân đai thầy giáo, trông mình cũng là người thầy – oai vệ như ai! Dần dần, qua nhiều trải nghiệm vật vã với môn dạy mới, tôi cũng trở thành giáo sư anh văn chính tại trường, vì ngoài tôi ra tại đây không còn giáo sư nào có chuyên ngành tiếng anh cao nữa cả! Cũng do tại hoàn cảnh bắt buộc mà mấy năm sau tôi đã phải ghi danh theo học cử nhân anh văn chuyên ngành tại Đại Học Văn Khoa Huế để bồi dưỡng thêm kiến thức, hầu giúp cho việc dạy học của tôi có hiệu quả hơn. 

Dạy học được một năm, vị hiệu trưởng đương nhiệm xin chuyển đổi nhiệm sở. Thế là tôi lại may mắn được đơn vị quản lý đôn lên làm hiệu trưởng. Đúng là ngôi trường này còn thiếu quá nhiều nhân lực, phải chăng ít có người muốn về dạy học nơi khỉ ho cò gáy nầy? Lại gặp cái hên bất ngờ “chó ngáp phải ruồi” rồi! Nhưng cũng phải mừng cho mình chứ. Dầu có lo thì cứ lo nhưng mừng cũng đáng, vì được lên chức “đấng tối cao” của một trường trung học với 16 lớp học từ đệ thất đến đệ nhị, làm xếp cả chục giáo sư dạy lâu năm tại đây, có phải vừa đâu? Nói vậy chứ thật sự tôi rất lo, lo đến ngủ không được, vì mình chưa hề biết về chức năng nhiệm vụ của một hiệu trưởng là gì cả! Một lần nữa phải áp dụng phương pháp “vừa học vừa làm” vậy. Rồi mọi việc cũng suôn sẻ cả, chắc là nhờ sống lâu cũng ra lão làng! Năm sau nữa công việc quản lý trường lớp và giáo sư đã đi vào nề nếp, nên tôi cũng được các vị thầy giáo đứng lớp tôn trọng và hỗ trợ hợp tác rất tốt. Thế là yên được một bề. 

Tuy nhiên tình hình chiến sự địa phương không làm sao khiến tôi yên tâm được. Nhiều đêm phải chổng tai thăm dò tiếng súng rả rích, không biết từ đâu đó trên vùng đồi cao hay rừng sâu vọng lại, có đêm tiếng súng lớn súng nhỏ nổ rền đánh thức tôi và làm cả mọi người trong gia đình nơi tôi ở trọ nhiều phen kinh hoàng khiếp vía, phải lùa nhau chui xuống hầm đã đào sẵn từ trước để ẩn núp! Sáng ra, khi tiếng súng chấm dứt tôi mới bình tâm trở lại với công việc hằng ngày. Khi tiếp cận chuyện trò với những người trong gia đình và cả hàng xóm, thì hình như trông bề ngoài chẳng ai tỏ vẻ gì là lo âu sợ hãi?! Dường như nơi đây, tiếng súng mảnh đạn vẫn được dân chúng địa phương xem như chuyện thường xuyên xảy ra hằng đêm. Đã đến lúc họ gần như buộc lòng phải thích nghi với cảnh sống, rồi cứ tĩnh bơ chịu trận, sống cùng đạn bom, vì thâm tâm họ nghĩ rằng không biết tránh đâu cho khỏi!  

Trên lãnh thổ Miền Nam Việt Nam, từ Quảng Trị trở vào, tình hình chiến sự lúc bấy giờ biến động ngày càng khốc liệt hơn. Lứa tuổi chúng tôi lại bị bắt buộc phải giã từ môi trường giáo dục để học tập quân sự – cảm giác thật sự uể oải, buồn lo và chán nản quá chừng?! Hầu như rất nhiều bạn bè cùng khóa học với chúng tôi đều bị lùa vào quân trường Thủ Đức hoặc trường huấn luyện quân sự Đồng Đế, Nha Trang. May mắn là sau khi gần 8 tháng học quân sự và bị lưu đày ra đơn vị được non một năm thì lứa thầy giáo mặc áo lính chúng tôi được biệt phái trở về trường cũ dạy học trở lại. Rất phấn khởi và vui mừng, thế là đỡ phải miễn cưỡng cầm súng bắn người “cùng chung một nhà”! Cũng nhân dịp này tôi cũng như các thầy giáo biệt phái khác, được ưu tiên xin chuyển đổi công tác. Tôi được Bộ Giáo Dục thuyên chuyển về dạy học tại quê nhà: làm thầy giáo môn tiếng Anh các lớp Đệ Tứ, Đệ Tam và Đệ Nhị Trường Trung Học Hương Trà Tỉnh Thừa Thiên. Lúc này tôi đang theo học cử nhân Anh văn tại Trường Đại Học Văn Khoa Huế: vừa dạy vừa bổ sung thêm kiến chức chuyên môn. Công việc giảng dạy tiếng Anh của tôi trở nên suôn sẻ hơn trước, nhờ những trải nghiệm trong giảng dạy tiếng Anh mấy năm qua, cùng với mớ kiến thức chuyên ngành ngoại ngữ được đào tạo sâu hơn tại trường Đại Học Văn Khoa Huế. 

Ngày 30/04/1975 – điểm mốc thời gian khiến nhiều thầy giáo chúng tôi hụt hẫng sau một thời gian khá dài bị đưa vào trại tập trung học tập chính trị. Lĩnh vực chính trị, quân sự lại là động lực chính chi phối phần đời còn lại của các anh em bạn bè được coi là thuộc “ngụy quyền Sài Gòn” chúng tôi. Người thì ở thế “chẳng đặng đừng” phải tìm cách chui ra nước ngoài lánh nạn, người thì đành dứt bỏ nghề dạy học để chuyển sang công tác ở một ngành khác. Một số ít người khác thì may mắn còn được lưu dung đi dạy học lại, dầu cho tinh thần phục vụ có khác hơn trước, vì thầy không ra thầy mà thợ cũng chẳng ra thợ! Đời sống của người làm công bộc cho nhà nước thì sớm khoai tối sắn, miễn no bụng là được. Về công việc dạy học thì được “bề trên” bố trí việc gì thì phải làm việc đó, nếu không được giảng dạy thì làm kế toán hoặc nhân viên hành chánh văn phòng,… không than van, không xin xỏ. Trước tình hình đó, tôi đành đoạn dứt bỏ ngành dạy học để xin vào công tác ở Ban khoa học-kỹ thuật ngành thông tin khoa học tỉnh Phong Dinh (sau này, sau nhiều lần tách ra rồi nhập lại, địa phương này trở thành TP. Cần Thơ cho đến nay). Đây là một lãnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Nhưng thời gian và môi trường làm việc mới cũng giúp tôi thu thập thêm những hiểu biết mới, cùng với những trải nghiệm qua nhiều khúc quanh, ngã rẻ cuộc đời… Vài năm sau, do nhu cầu vươn lên trong cuộc sống mà tôi lại xin ra khỏi cơ quan nhà nước để đến nhận việc tại một Xí nghiệp Liên Doanh với nước ngoài (Hồng Kông) làm công tác quản lý nhân sự tại Xí Nghiệp May Xuất Khẩu Mêkô tại TP. Cần Thơ, lúc bấy giờ còn trực thuộc tỉnh Hậu Giang. 04 năm sau, tôi xin chuyển qua quản lý một xí nghiệp tư nhân sản xuất mì ăn liền, vì tình trạng kinh tế gia đình lúc này vẫn còn nhiều khó khăn nên tôi đành phải chấp nhận làm nghề tay trái một thời gian. Mức sống gia đình tôi dần dần khá hơn nhờ vào mức thu nhập có đỡ hơn đôi chút. Rồi, ý chí tiến thủ khiến tôi phải chuyển tiếp đến nhiều đơn vị khác nữa: phụ trách quản lý và tổ chức đào tạo cho một đơn vị sự nghiệp khoa học kỹ thuật. Ở đây, tôi làm việc khá nhàn rỗi và có điều kiện tự học hỏi, trau giồi thêm kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học và kỹ thuật, tiếp cận với máy tính, làm quen với thao tác ứng dụng các phần mềm trong quản lý. Cũng là một mảng vui cho đời. Công việc cứ thế mà trôi qua theo thời gian, đến một lúc nào đó thì không còn phát sinh thêm việc gì  mới mẻ; đầu óc lúc này lụn dần, ngày ngày vác ô đến cơ quan, qua hết 08 tiếng vàng ngọc thì trở về với những việc vặt vãnh ở nhà, cuối tháng nhận lương… Cuộc sống bản thân đang giảm dần niềm vui, kéo dài cho đến ngày nghỉ hưu, về với vườn hoa cây kiểng; lúc rãnh rổi thì chơi với mấy đưa cháu ngoại đang tuổi quậy phá, vui cái vui của các cụ già: “tuổi xế chiều vui vẻ với cháu con”.

Những vui buồn của cuộc sống đã qua, với nhiều chông gai thử thách, liên quan đến xã hội, con người, bạn bè và người thân… đã khắc ghi lại trong tôi những dấu ấn kỷ niệm; nhưng ở cái tuổi già hay quên này của tôi, thì những gì ghi ra được thành giấy trắng mực đen như thế nầy vẫn chỉ là điều còn sót lại…

Bá Yên








Không có nhận xét nào: