Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

HÀNH TRANG QUÝ BÁU - Ngọc Khuê

                      Lời giới thiệu: Bá Yên

Chị Nguyễn Thị Ngọc Khuê, vốn xuất thân từ gia đình khuê các, sống khép kín trong khuôn khổ lễ giáo gia phong, không như những tiểu thư khác của cố đô Huế, chị vẫn dành cho mình những suy tư riêng, nỗi niềm riêng luôn giấu kín trong lòng; cho đến lúc tuổi đời gần cạn, mới bạo dạn tỏ bày với bè bạn, mở lòng với đời. Chị đã gởi cho người đọc bài học quý giá về tu luyện bản thân. Người thiếu nữ khuê phòng hiền thục, bề ngoài trông có vẻ “mai cốt cách” đó, với tư tưởng rất phóng khoáng, có lúc còn muốn vượt khỏi chốn khuê môn, để được sống tự do, bay bổng, mơ những giấc mơ về tương lai theo đúng với ý nguyện. Nhưng do ảnh hưởng của phong kiến mà hầu hết các bậc làm cha làm mẹ thời bấy giờ, vẫn muốn tự vạch cho con mình một con đường tương lai mà họ cho rằng sẽ rất bền vững, đặc biệt là muốn con cháu đời sau luôn giữ được truyền thống gia tộc, tuân thủ nề nếp gia phong… đồng thời có một cái nghề nuôi sống được bản thân và gia đình sau này. Do vậy mà chị Ngọc Khuê, dẫu trái với mong muốn bản thân, cũng vui vẻ nghe lời cha mẹ theo học Viện Hán Học Huế để trở thành một cô giáo mẫu mực. Cũng đã có lúc, do biến động của xã hội mà chị phải đương đầu với bao khó khăn khổ cực, đồng thời cũng phải lo tròn bổn phận làm vợ và làm mẹ nữa. Tuy phải vật lộn với bao khó khăn vất vả, chị cũng luôn sống theo bản năng của một con người biết sống thuận theo hoàn cảnh, để nuôi dưỡng được một gia đình hạnh phúc bền lâu, thật đáng mến phục'

                                                *****
                            
 HÀNH TRANG QUÝ BÁU 

Ngọc Khuê

Đã 50 năm trôi qua, khi chuyện trò với các bạn đồng môn về những kỷ niệm xưa thuở vào học ở Viện Hán Học, tôi thấy mình chẳng giống ai.  Hôm nay, xin viết ra đây để nói lên nỗi niềm riêng của mình.  Nó như tâm sự của một đứa con mà phải gần nửa thế kỷ trôi qua, mới hiểu được tấm lòng của nghiêm phụ.

Thành thật mà nói, lúc tôi vào học VHH, đó là một sự việc "bắt cóc bỏ dĩa".  Tôi chẳng muốn vào đó, mà phải vào, vì cha tôi bắt buộc, tôi không dám cãi.  Tại sao tôi nói như vậy? - Nhớ lại, năm ấy tôi vừa học xong lớp Đệ Tam.  Nhà tôi ở trong một khu vườn rộng, bốn bề có tre bao bọc mà tôi thầm gọi đó là bốn bức tường thành.  Nhà có bốn người: cha mẹ tôi, tôi, và một người anh. Bốn người là bốn thế giới riêng. Tôi như là một công chúa trong cấm thành. Tôi khao khát được tung tăng trong khoảng trời rộng, thèm được sống tự nhiên thoải mái như những người bạn đồng trang lứa. Không được như ý, tôi tìm về những trang tiểu thuyết, mà trong đó tôi thích nhất là của Kim Dung.  Tôi thường đến nhà một ông cụ ở gần mượn loại sách kiếm hiệp này mà đắm chìm trong đó một cách thú vị. Nhiều khi tôi mơ ước mình được biến thành một nhân vật nữ của Kim Dung, có võ nghệ cao cường để tự lực tự cường và vẫy vùng trong trời cao bể rộng.  Có đêm tôi nằm mơ thấy mình khăn gói lên xe lửa xuôi Nam để vào học ở Saìgòn. Nhưng, "Giấc Nam Kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy thấy mình"... nằm đây!  

Bây giờ vào Viện Hán Học, tôi như đi từ tường thành này đến tường thành khác, lòng tôi không hăm hở chút nào.  Nhưng rồi với thời gian, tôi sống với triết lý: "Khi không có những cái mình thích, thì hãy thích những cái mình có."  Tôi phải chấp nhận việc học ở đây cho vừa lòng cha mẹ tôi, nhưng tôi cũng có phản đối ngầm bằng cách... học cho lấy có.  Tôi cũng thuộc loại cứng đầu dưới vỏ bọc thùy mị của người con gái đất Thần Kinh.  Vì thế, suốt mấy năm, việc học của tôi cứ dở dở ương ương, không ra ngô ra khoai gì cả.  Tôi nhớ có lần thầy Dật phê trong một bài luận văn của tôi:  "Văn trôi chảy, nhưng trình bày vấn đề sơ lược quá."  Ý thầy chê tôi viết bài thiếu sự đào sâu suy nghĩ như những bài nặng tính cách nghiên cứu của một số sinh viên đồng học.  Tuy nhiên tôi vẫn thấy vui thích trong những giờ học văn chương với thầy Dật, những giờ dạy về Kinh Thi của thầy Dương, hay những giờ Pháp Văn của thầy Âu.  Còn những giờ giảng của các thầy khác, nhất là những giờ chữ Hán, những giờ học Luận Ngữ, Mạnh tử,  Đại Học... tôi cảm thấy khô khan quá và không hứng thú chút nào.  Tuy nhiên tôi cũng phải cố nhét vào đầu.  Và khi đã vào trong đầu tôi rồi thì một số nằm yên trong đó không chịu ra nữa.

Với bạn cùng lớp, tôi cũng ít giao thiệp.  Ở lớp tôi có một số bạn từ miền Nam ra Huế học.  Nhìn thấy họ lúc nào cũng vui tươi, hồn nhiên, thích thú học, tôi tự hỏi:  "Tại sao lại có người cất công đi xa để học cái môn chán phèo này?"  Trái lại tôi mong muốn được vào quê hương của họ để học mà không được. Tôi phải cố gắng, cố gắng để thích nghi với trường lớp. Có lần anh bạn đồng song Phạm Đăng Thiêm viết một bài có tựa đề "Niềm Đau Nhức Của Khoảng Trống".  Lâu quá tôi không nhớ bài đó luận bàn về vấn đề gì, nhưng cái tựa rất phù hợp với tâm trạng tôi lúc bấy giờ nên tôi nhớ hoài cái tựa.  Tôi nhớ lúc đó tôi đã dùng thuốc đau đầu khá nhiều lần mà ở nhà không ai hay biết.  Nói như vậy để các bạn thấy tôi cực khổ như thế nào trong khi học.

Kiến thức là những gì còn lại sau khi ta đã quên.  Sau khi ra đời, tôi đã quên hết những bài học ở VHH, nhưng có một số tôi không quên, và đem ứng dụng trong cuộc đời mình mà không hay biết.  Bây giờ sau 50 năm, tôi mới nghiệm ra rằng tôi đã đem những gì tiếp thu được từ những lời giảng huấn của các thầy ở VHH ra ứng dụng với đời.  Một ví dụ là tôi đã ứng dụng một bài trong sách Đại Học vào đời sống thực tiễn của tôi.   Đó là tôi đã "hành" lý thuyết mà tôi đã "học":

"Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.  Tri chỉ nhi hậu hữu định... Trí tri tại cách vật..."

Khi tốt nghiệp VHH, tôi làm cô giáo dạy Việt Văn, rồi lập gia đình và có một bầy con.  Đang sống bình thường thì xảy ra cuộc đổi đời, tôi bị xô vào một hoàn cảnh không ngờ trước được.  Hồi trước, ông xã tôi là thầy thuốc tây y trong quân đội.  Anh đã để hết thì giờ vào công vụ, không mở phòng mạch tư. Cả hai chúng tôi sống bằng đồng lương công chức là chính, đâu có dư giả gì để gọi là "cư an tư nguy", cho nên sau 30-4-75 tôi thật chới với!  Hồi đi học, Kim Thu, bạn đồng môn có nói một câu:  "Mi gầy còm yếu đuối, phải lấy chồng ngành y để có người lo cho mi."  Vậy mà khi đổi đời chính đứa con gái yếu đuối ngày xưa ấy đã "ngộ biến tùng quyền" một mình lo toan cho chồng ở trong tù, và 4 đứa con còn nhỏ dại.    

 Trên đời, ai không đau buồn khi lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã bất như ý, nhưng tôi đã biết "tri chỉ", biết ngưng niềm đau nỗi khổ của mình lại đúng lúc để không bị sa vào hố thẳm.  Tôi biết rằng nếu để nỗi buồn kéo tôi sụp ngã thì ai lo cho anh ấy trong tù, ai nuôi con tôi?  Vả lại, bên tai tôi nghe văng vẳng một câu của Alfred de Vigny do thầy Âu dạy, như một triết lý sống khiến tôi giữ vững tinh thần: 

"Gémir, pleurer, prier sont également lâche,

Fais énergiquement ta longue et lourde tâche,

Dans la vie donc le sort t'a voulu appelé !"

(Rên rỉ, khóc lóc, van xin đều là hèn nhát. Hãy kiên nhẫn làm hết bổn phận nặng nề và dài lâu trong cuộc đời mà số phận đã kêu gọi ngươi!)

 Nhờ "tri chỉ" tôi biết định tâm, tỉnh trí để suy nghĩ, tìm cách đối phó với hoàn cảnh (như trong sách Đại Học đã dạy: tri chỉ, hữu định, năng tĩnh, năng đắc, năng lự). Lúc bấy giờ, được lưu dụng trong chế độ mới nhưng với đồng lương khiêm tốn, tôi băn khoăn không biết làm gì ngoài giờ đi dạy ở trường để cứu lấy gia đình tôi. Tôi không quen với việc buôn bán như người ta nên không dám bắt chứơc theo họ để bươn chải ("bất tri vi bất tri" mà lỵ!).  Tuy nhiên, chỗ ở của tôi gần nhà những người có vườn tược trồng nhiều thứ thực phẩm phụ để ăn như khoai lang, khoai mì, bắp, đậu....  Thật là thuận tiện cho tôi "nghiên cứu", học hỏi ("cách vật trí tri" đấy các bạn).  Xung quanh nhà tôi có một miếng đất cát rất phù hợp với các loại cây kể trên (xin nói thêm:  tôi gọi là "nhà" cho oai, chứ thật ra nó giống như một căn lều của những người làm thuê canh ruộng cho các điền chủ trong Nam.  Nó chỉ có mái tôn, bốn phía lợp lá. Tôi về đây lúc khu gia binh bị giải tán sau 30 tháng 4 năm 75).  Khi nào rảnh, tôi lại đến xem láng giềng trồng trọt để học hỏi.  Nhìn vào tưởng dễ, đến khi thực hành thì ôi thôi thất bại thê thảm. Người ta trồng lang ra củ, còn tôi toàn lá là lá, lá mẹ lá con đầy cả. Cả nhà tôi lại có dịp ăn đọt rau lang chấm nước mắm pha muối. Đói thì ăn gì mà chả ngon! Tôi kiên trì làm lại.  Lần sau tôi "cách vật trí tri" kỹ lưỡng hơn, và cẩn thận lựa dây, chọn giống, xin phân heo, tưới nước, vun vồng... "Với sức người sỏi đá cũng thành... khoai", quả thật lần này lang cho củ.  Nhờ đó con tôi có thêm khoai lót dạ đi học, chồng tôi có khoai lang khô để nhấm nháp trong tù cho... hàm miệng không bị teo, vừa có chất bột, vừa có chất ngọt cho đỡ... suy dinh dưỡng!  Nhờ "cách vật trí tri" tôi biết cách cầm cây cuốc, xẻng, búa, rìu... thế nào cho đúng cách và sử dụng từng món ra sao.  Tôi biết cả cắt may áo quần cho chồng con và bản thân cũng chỉ bằng "trí tri" qua "nghiên cứu" những vật cụ thể.

 Nhờ "tri chỉ", tôi biết dừng lại đúng lúc trong cách sống, cách xử thế để không mất lòng một ai, nhất là sau cuộc đổi đời.  Xin kể ra đây vài chuyện bên ngoài xã hội.  Hồi ở Phan Thiết, có một lần đạp xe về nhà, tôi găp một em bé vuột khỏi tay mẹ nó, đâm sầm vào xe tôi, nhưng tôi thắng kịp.  Tôi nói:

- Bà nên nắm chặt tay con bé.  Tí nữa là tai nạn xảy ra rồi.

Không ngờ giọng Huế của tôi làm hại tôi.  Bà ta xỉa xói:

- Mày Bắc Kỳ vô đây hả? Mày tưởng mày ngon lắm hả?  Lỗi mày mà dám đổ lỗi cho con tao?

Tôi giận nhưng biết rằng có nói gì trong tình huống này cũng đều bất lợi.  Tôi lẩm bẩm "tri chỉ, tri chỉ", và tôi im miệng.  Nhờ  đó tôi lấy lại được bình tĩnh. May mắn lúc đó có một số nhân chứng quen biết tôi đến can thiệp. Nếu không bà ta nện tôi một trận tơi bời rồi!

Một lần khác, cũng tạị Phan Thiết, con trai tôi đi học về, kể lể giọng sũng nước mắt lẫn uất ức:

- Mẹ ơi, trong lớp có đứa chê con: có cha là ngụy, có nợ máu với nhân dân.

Tôi nghe mà tim nhói đau. Tôi giận lắm, nhưng dằn xuống, và ngọt ngào an ủi con:

- Thời chiến tranh trước 1975, người phe nào bị thương được đem đến Quân Y Viện, ba con đều tận tình cứu chữa.  Bây giờ mình thất thế rồi con ạ. Con voi mà họ bảo là con kiến, mình cũng không nên cãi.

Trên bước đường lưu lạc, tôi trôi về Long Xuyên. Một lần tôi đi chợ, khi vừa nói mấy câu lòi giọng Huế ra, tôi bị bà bán rau quăng rau ôi, cà chua thối vào mặt, vì tưởng tôi là Bắc Kỳ 75.  Tôi hiểu tâm lý của người bán hàng miền Nam "giận cá chém thớt", nên tôi im lặng mà cũng không nổi giận. ("Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ!").  Tôi hiểu rằng nếu bà biết Huế là nơi nào trong lãnh thổ VN, và chồng tôi đang ngồi tù vì tội "nguỵ quân" thì bà sẽ mang tặng tôi những thứ rau cải tươi tốt mà bà có. Tuy nhiên, "chất Hán Học"  trong người tôi đã khiến tôi " tri chỉ". 

 Bài học "tri chỉ" không những tôi chỉ ứng dụng ngoài đời thôi, mà còn ứng dụng trong gia đình nữa. Tôi cảm nhận hai chữ này bên đạo Nho sao mà giống "tự thắng mình" bên đạo Phật. Tôi nhớ một câu kinh Phật dạy: "Thắng cả ngàn quân địch chưa bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất" (Kinh Pháp Cú), cho nên những lúc sân si nổi dậy với người thân, tôi đã "tri chỉ" đúng lúc.  Nhờ thế, gia đình tôi giữ được hoà khí, và tình thương không bị sứt mẻ.

Còn nữa, còn nhiều điều tôi học từ thời còn trẻ ở VHH rồi đem ứng dụng trong cuộc sống, không thể nói hết được.  Ở đây tôi chỉ nêu vài ví dụ nhỏ để vinh danh ngôi trường của tôi mà ngày xưa vì tuổi trẻ thiển cận tôi đã thờ ơ và không đánh giá đúng mức. Bây giờ ở tuổi đời "cổ lai hi", mấy chục năm trôi qua, ngẫm nghĩ lại tôi mới nhận thức được giá trị đích thực mà trường đã trang bị cho tôi vào đời. Nhờ đó tôi đã vận dụng một cách linh động để tự cứu và cứu gia đình vượt qua được hoàn cảnh khốn cùng mà các bạn nữ cùng lớp không ai rơi phải giống tôi. Những bài học mà buổi đầu tôi cho là khô khan đó đã mang đến cho tôi một giá trị tinh thần quý báu.   Bức "tường thành" Viện Hán Học đã giữ tôi đứng thẳng người trên đôi chân của tôi và ngẩng cao đầu nhìn thiên hạ mà tiến bước.

Giờ đây, tôi ao ước được gặp từng vị thầy để nói một câu:  "Thầy ơi, nhờ thầy dạy dỗ mà con đã sống một cuộc đời hợp với đạo làm người và hướng dẫn con cái đi trên con đường đó. Con vô cùng tri ân thầy." Tuy nhiên, rất nhiều vị thầy của tôi đã ra người thiên cổ!  Ở hải ngoại, hồi tôi còn ở Cali, tôi được họp mặt mấy lần với Thầy và Bạn VHH. Những lúc đó, tôi thường đựơc gặp thầy Võ Như Nguyện (nay tuổi hạc 95 rồi) từ Pháp đến, một lần với thầy Dương từ VN qua du lịch. Một lần tham dự buổi tưởng niệm linh mục Nguyễn văn Thích cũng là thầy cũ của tôi mấy năm liên tục. Khi ra về, trong đầu tôi còn văng vẳng câu hát mà Cha đã dạy chúng tôi:  "Cái nhà là nhà của ta,  Công khó ông cha lập ra. Cháu con phải gìn giữ lấy, muôn năm với nước non nhà."  Tôi ao ước những thế hệ sau này tiếp tục gìn giữ cái di sản tinh thần quý báu của cha ông để lại, không quên nguồn cội, sống một đời đạo đức theo gương của các thế hệ cha anh.  Mong lắm thay!

 

                                                  Ngọc Khuê

                                            (Houston, ngày 01 tháng 7 năm 2010)  








Không có nhận xét nào: