Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Chợ Chiều - Đào Anh Dũng & Lời bình của Ngân Triều

Chợ Chiều - truyện ngắn - đàoanhdũng

Tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 59, tháng 3/2014
đàoanhdũng

Xóm Chợ Chiều của tôi có vẻ vui nhộn lên từ ngày có ông tư Thọ, Việt kiều Mỹ, về ngụ và “tuyển thê.” Vui nhộn vì xóm có thêm đề tài nóng bỏng để quí bà ngồi lê đôi mách, quí ông bàn tán trong lúc trà dư tửu hậu. Đọc báo thấy các trường đăng quảng cáo “tuyển sinh” thay vì tuyển sinh viên nên tôi dùng chữ “tuyển thê” cho có vẻ văn hoa hơn là “kiếm vợ.” Riêng “Chợ Chiều” tôi cam đoan không có “cường điệu.” Nghe nói ngày xửa ngày xưa xóm tôi chiều nào cũng có nhóm chợ nên thiên hạ đặt cho cái tên này.

Ông tư Thọ tuổi đã tròm trèm 70, ông về ở xóm Chợ Chiều để nghỉ hưu gần hai năm nay. Ông sống thật rộng rãi, qua lại rất hậu hĩ với hàng xóm, không tiếc rượu lai rai với cánh đàn ông nên được lòng nhiều người. Nghe nói ông bị bà vợ Mỹ ly dị, con cái đã trưởng thành, ở riêng nên lúc trước ông sống rất cô đơn nơi xứ người. Tiếng là nghỉ hưu nhưng nếp sống của ông rất sôi động. Khi ông mới về, căn nhà của ông ngày nào cũng nườm nượp các bóng hồng, chân dài, chân ngắn, tóc uốn, tóc xõa ngang vai, mặc jupe hay áo dài hoặc jean ... Toàn là giới trẻ. Sau đó, nhịp độ lắng xuống, vài ba tuần một nàng, rồi đôi ba tháng. Người gắn bó với ông lâu dài nhất, khoảng sáu tháng nay là một thiếu phụ trung niên, lối xóm gọi là cô tư, theo thứ bậc của ông.

Lúc đầu, cảnh nhộn nhịp ở nhà ông tư Thọ thật ra có làm gai mắt thiên hạ. Căn gác tôi ở trọ nằm kế bên nhà ông tư, ngó xéo qua quán chú hai Thanh, sáng bán cà-phê, chiều có thêm bia và đồ nhậu. Trước quán có xe bún riêu của bà hai Thoa bán vào buổi sáng, buổi trưa có gánh chè thưng của chị bảy Hồng. Hai năm nay thỉnh thoảng tôi bị thất nghiệp, nằm nhà nên phải nghe chuyện thiên hạ bàn tán về ông tư. Người nói các cô bồ của ông tư là toàn gái bao mà sao cô nào cô nấy “chảnh” ơi là “chảnh,” không bao giờ ghé uống tách cà-phê, ăn chén chè, nói chi đến tô bún riêu với bà con; kẻ cho rằng ông tư già rồi, có trục trặc trong chuyện chăn gối nên không ai thèm ở lâu. Vậy mà sao cô tư “trụ” lại với ông tư cả sáu tháng nay rồi? Bàn tán vậy thôi chứ ai dám hỏi. Vậy mà tôi biết được câu trả lời. Nó cũng khá đơn giản.

Nói nào cho ngay, cô tư lớn tuổi hơn mấy cô trước nên cô biết lo lắng chuyện cơm nước cho ông tư. Từ lúc cô về ở với ông, bà con thấy ông “có da có thịt” và “mướt” ra. Cô tư cũng biết “xả dao xả búa” với láng giềng, thỉnh thoảng nấu món ngon vật lạ cô mang biếu bà con ăn lấy thảo. Trưa trưa cô còn ngồi ăn chè, to nhỏ với cánh đàn bà trong xóm. Một hôm tôi đang ngồi nhâm nhi tách cà-phê trong quán chú hai Thanh bỗng nghe tiếng cười rú lên, ngó ra thấy mấy bà ngồi quanh gánh chè với cô tư, bà này cười, bà nọ đỏ mặt, bà kia bụm miệng ... Chắc là mấy bà nói trây, nói trúa chi đây.

Tuần lễ sau, tôi nghe nói cô tư lấy xe đò về quê thăm nhà. Xế trưa hôm ấy, ông tư một mình ra quán uống cà-phê, ai gặp cũng hỏi thăm mà sao gương mặt ông buồn thiu. Lúc quán vắng khách, ông xề lại bàn tôi nói chuyện, hỏi thăm này nọ. Nói tới chuyện vợ con, ông khuyên tôi cưới vợ chứ đừng có lấy người tình. Được thể tôi hỏi ông về chuyện phòng the, sao ông đã trọng tuổi rồi mà còn “gân” vậy? Có bí quyết gì xin truyền lại cho hậu sanh. Ông cười nhẹ và trả lời:
“Tao nhờ mấy viên thuốc tây chứ chợ chiều mà, tài giỏi gì mậy!”
Rồi ông thở dài, nói tiếp:
“Tao rầy cho bả một trận nên bả giận, bỏ về quê mấy hôm rày làm tao rầu thúi ruột đây. Thuốc tao mua qua Internet nên có mắc mỏ gì đâu mà tiếc với bà con, nhưng nếu không hỏi bác sĩ mà uống đại, uống đùa, bị phản ứng thì chết người như chơi. Vậy mà bả không nghe tao, lấy cho mấy bà trong xóm để ‘ông uống bà khen,’ mầy coi có chịu nổi không ?...”
Tôi chưa kịp trả lời ông tư, bỗng nghe đâu đó tiếng vét nồi kêu rột rẹt. Nhìn ra vỉa hè, tôi thấy chị bảy Hồng đang nghiên nồi, múc chè. Chắc là chén cuối cùng.



đàoanhdũng

Thân mời bạn viếng trang thơ văn đàoanhdũng. Xin nhấp vào đường truyền dưới đây:
daoanhdungwriter.blogspot.com

  


Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.

                 ***********

Tôi bị lôi cuốn theo lời dẫn chuyện của tác giả. Bối cảnh làm nền của truyện, chỉ là một xóm chợ chiều, đơn sơ, gần gũi, quen thuộc... trên những khu phố, thị trấn, tỉnh lỵ, thành phố.  CHỢ CHIỀU, nhóm họp đến chiều, có "quán chú hai Thanh, sáng bán cà-phê, chiều có thêm bia và đồ nhậu"; "có xe bún riêu của bà hai Thoa bán vào buổi sáng, buổi trưa có gánh chè thưng của chị bảy Hồng"; có "quí bà ngồi lê đôi mách, quí ông bàn tán trong lúc trà dư tửu hậu";
và có "Ông tư Thọ tuổi đã tròm trèm 70, ông về ở xóm Chợ Chiều để nghỉ hưu gần hai năm nay"
Tiếp theo là chuyện ông Tư Thọ...một Việt kiều già đã về sống ở khu Chợ Chiều gần hai năm nay.
Tính cách ông rất lạ, sự tồn tại của ông như 1 cái gai của khu phố, qua nếp sống thác loạn, công khai của một người gần đất xa trời... mà còn "ham chơi trống bỏi."  Người dân đâm ra khó chịu, dị ứng với cái chuyện ông già "tuyển thê," chuyện đó đã sôi động rộn ràng trong một thoáng... và kết thúc với chuyện cô Tư là vợ chính thức của ông.
Tính cách của cô tư được phác họa tương đối rõ ràng, không chú trọng ngoại hình xinh hay không xinh, chỉ biết tuổi cô trung niên (tứ tuần), "cô tư lớn tuổi hơn mấy cô trước nên cô biết lo lắng chuyện cơm nước cho ông tư. Từ lúc cô về ở với ông, bà con thấy ông “có da có thịt” và “mướt” ra.  Cô tư cũng biết “xả dao xả búa” với láng giềng, thỉnh thoảng nấu món ngon vật lạ cô mang biếu bà con ăn lấy thảo. Trưa trưa cô còn ngồi ăn chè, to nhỏ với cánh đàn bà trong xóm"...
Vậy là ông tư có bí quyết gì mà cô tư "trụ" với ông lâu thế? Thật là bí mật...
Điểm đỉnh thắt nút được tác giả kể thật ấn tượng qua những nhân vật phụ cười rơn đầy thắc mắc cho người nhìn thấy:
" Một hôm tôi đang ngồi nhâm nhi tách cà-phê trong quán chú hai Thanh bỗng nghe tiếng cười rú lên, ngó ra thấy mấy bà ngồi quanh gánh chè với cô tư, bà này cười, bà nọ đỏ mặt, bà kia bụm miệng ... Chắc là mấy bà nói trây, nói trúa chi đây."  Có thể là vậy, chuyện nữ giới mà!
Phần mở nút hóa giải cũng rất hay. Ô tư buồn vì cô về quê/ ông có rầy cô/ việc đem chia sẻ với chị em trong xóm/ thuốc "ông uống bà
khen" của ông tư...
Hóa ra, đó là một nét văn hóa mới cho người cao tuổi...về sinh hoạt tình dục mà có lẽ thời điểm đó, người bình dân trong khu phố chợ chiều chưa biết.
Câu chuyện đưa duyên khép lại một cách rất nhẹ nhàng, qua "tiếng vét nồi kêu rột rẹt," nồi chè thưng của chị bảy Hồng đã hết!
"Chắc là chén cuối cùng" hay hết chuyện... tùy người đọc tự luận...
Có thể nói Chợ Chiều của Anh Dũng rất nhẹ nhàng vui tươi chừng mực phản ánh một nét nhân bản của đời thường... nhất là những nhu cầu thầm kín và tâm lý tinh tế của lớp người cao niên.
Thân ái, Ngân Triều
(Trích Blog Ngân Triều)


(Trích blog của Ngân Triều)
     Nhớ câu ru em một thời, chỉ nghe mà không hiểu, giờ hiểu được thì nó cũng hợp với "Chợ Chiều" của Đào Anh Dũng:
Chợ chiều nhiều khế, ế chanh,
Nhiều cô gái lạ nên anh chàng ràng.
Anh ơi! Đừng có chàng ràng
Để xem cây quế, ngã tàng...về đâu.
Khế và chanh là ẩn dụ cho giới nữ.  Chợ buổi chiều...tuy vậy vẫn còn đông khách... hầu hết là nữ giới.  Nhân vật trữ tình "anh" chỉ chú mục đến những đối tượng của mình, rất đông (nhiều khế) và chẳng thèm quan tâm đến những phái nữ vị thành niên, còn bé, chưa trỗ mã (ế chanh).
Trong số những đối tượng đó, anh đã quen mắt lâu rồi thì nói làm chi! Buổi chợ chiều hôm nay, rất đặc biệt, vì có:
"Nhiều cô gái lạ nên anh chàng ràng." Từ "chàng ràng" thật tuyệt, là lôi cuốn, thu hút "anh," để anh cứ quqanh quẩn, quyến luyến, không thể rời xa... hay nói cách khác, anh đã phải lòng một người, bị tiếng sét nổ vang, tự làm kẻ khờ, si tình, cứ bám đuôi người đep... người đẹp như cây quế, như 1 bài ca dao lịch sử đã tiếc Ngoc Hân Công Chúa, gã cho Chế Mân:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
Ở đây, "cây quế ngã tàng về đâu" là nhắc khéo, anh chàng si tình.  Hãy cẩn thận anh ơi!  Biết đâu cây quế đà có chủ rồi... hoặc là người đẹp đâu phải đi một mình... mà có ông xã (ox) đang quản lý tầm xa...  Anh chàng ràng bên nàng, coi chừng... rắc rối to đấy.
***
Chợ chiều của Anh Dũng, một bút ký nhẹ nhàng về 1 khu phố nhỏ thường thấy, có họp buổi chợ chiều. Đó là nghĩa thông thường mà ai cũng hiểu. Có điều hay là"chợ chiều" qua ngôn ngữ của tác giả nó còn hàm ý cho lớp tuổi của nhân vật Ông tư Thọ, tuổi 63 tròm trèm 70.  Cụ thể qua câu trả lời của ông với tác giả kiêm người dẫn chuyện:
Ông cười nhẹ và trả lời:
“Tao nhờ mấy viên thuốc tây chứ chợ chiều mà, tài giỏi gì mậy!”
Chợ chiều là tuổi già bóng xế, tuổi bên kia cái dốc cuộc đời, tuổi gần đất xa trời, tuổi ở tận cuối trời quên... theo tính đa nghĩa của từ, tính hàm ẩn của từ... như thế thì thật là sáng tạo ...(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: