Phiếm Luận về Bình Đẳng Giới
Viết nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ“Em ơi có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời ...”.
Trong một bữa cơm thân mật tổ chức tại hội trường khu phố, một bác nông dân trạc tuổi 50 lên giúp vui phần văn nghệ với bài hát “Sáu mươi năm cuộc đời” của nhạc sĩ Y Vân. Bác vừa hát vừa nhún nhẩy.
Cả đời lăn lộn với ruộng vườn,
bác chưa hề học phong cách biểu diễn. Bác biểu diễn tự nhiên như thế là nhờ xem
ti-vi; bác đã bắt chước các ca sĩ trên ti-vi. Ở thôn quê bây giờ, nhà nào mà
chả có ti-vi!
Năm bảy phụ nữ đang ngồi uống bia Huda bên dĩa mồi thịt vịt – nói là thịt nhưng chỉ còn lại xương. Họ cầm ly đưa lên ngang mặt rồi chồm tới, đồng thanh la to: “dzô”. Từ dzô này mới tới làng tôi khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nó được số thanh niên đi quân dịch ở trong Nam, giải ngũ, đem về làng.
Hơi men đã thấm, họ bỏ ly và đũa
xuống bàn, đứng dậy dẹp ghế dành khoảng trống làm sàn nhảy. Họ chen lách nhau,
uốn éo thân mình, ngoắt mông qua ngoắt mông về, hai tay gấp khuỷu, đưa lên đưa
xuống, trông cũng khá điệu nghệ. Số chị em này xấp xỉ 40, chồng con hẳn hoi,
nếu không có kế hoạch sinh đẻ, mỗi người cũng đã chín, mười đứa con.Năm bảy phụ nữ đang ngồi uống bia Huda bên dĩa mồi thịt vịt – nói là thịt nhưng chỉ còn lại xương. Họ cầm ly đưa lên ngang mặt rồi chồm tới, đồng thanh la to: “dzô”. Từ dzô này mới tới làng tôi khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nó được số thanh niên đi quân dịch ở trong Nam, giải ngũ, đem về làng.
Nhìn sô diễn này, tôi thấy phụ nữ quê tôi đã có nhiều thay đổi. Trước đây, phụ nữ quê tôi cũng làm văn nghệ. Những đêm trăng giã gạo bên cối, những buổi sáng mai đập đất trong vụ lúa vãi, những chuyến đò xuôi ngược buôn hàng lên về chợ phiên Cam Lộ, chị em cất tiếng hò câu hát. Âm vang lan tỏa vào đất trời, quyện lẫn trong sương sớm, trong gió chiều, mơn man trên mặt nước sông gợn sóng lăn tăn. Những câu hò giã gạo, mái nhì, mái đẩy đối đáp qua về không những giữa những người cùng giới mà còn giữa những người khác giới. Qua hò hát, tình yêu chớm nở, nhiều cặp đã nên vợ nên chồng.
Ngày xưa ấy, hò hát đã quên mệt nhọc trong lúc làm việc, còn bây giờ hò hát nhảy múa để tỏ bày cái sung sướng của mình; có thể lạm ngôn là xưa thì “nghệ thuật vị nhân sinh” mà nay thì “nghệ thuật vị nghệ thuật.”
Bây giờ, phụ nữ có cuộc sống tương đối thoải mái. Việc bếp núc đã có bếp điện, bếp ga; việc đồng áng đã có máy cày, máy gặt, máy đập; việc xay lúa giã gạo đã có máy xay – ít tốn sức nhiều trong lao động. Đi ra đường có khẩu trang che miệng, che mũi, khăn trùm mặt. Lội xuống ruộng có dụng cụ bảo vệ che kín tay chân. Vận chuyển phân tro, hàng hóa, lúa khoai, giống má,...từ nhà ra đồng và ngược lại đã có xe kéo, xe máy, xe tải; đôi vai không còn gồng gánh nặng nề, nhờ vậy, dáng đi, thế đứng, vóc người không bị biến dạng. Nếu một cô gái phố và một cô gái quê chưng diện như nhau, người nhìn cũng khó phân biệt cô nào là quê, cô nào là phố.
Phụ nữ thời nay được học hành. Trên những con đường quê vào giờ đến lớp hay giờ tan học, từng đoàn học sinh trai gái có số lượng tương đương uốn lượn trên xe đạp; hình ảnh đó trước đây không có. Đa số phụ nữ nông thôn bây giờ đều qua trình độ trung học cơ sở.
Phụ nữ đã có những thay đổi tích cực về thể xác, trí tuệ và lối sống. Được như vậy một phần nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, một phần nhờ tiến bộ trong quan niệm nhân sinh của con người, một phần nhờ kết quả tranh đấu của các phong trào nữ quyền, một phần nhờ kế hoạch gia đình ít con.
Nhàn nhã tạo cơ hội để phụ nữ mở rộng giao tiếp và hiểu biết. Ấy là điều đáng mừng. Nhưng từ đó, cũng nẩy sinh nhiều điều ngoài mong muốn; tỉ lệ hỗn láo với chồng, ngoại tình, đòi ly hôn cao.
Nhớ lại ngày xưa, phụ nữa chịu quá nhiều thiệt thòi trong đời sống. Năm, sáu tuổi phải trông em cho cha mẹ đi làm kiếm sống; em lết, em trườn giữa nền nhà bằng đất nện, lấm lem đất bụi, chị không lớn hơn em bao nhiêu, bồng em lên, bẩn vấy đầy người, hông tréo, lưng ẹo. Mười hai, mười ba tuổi phải chăn bò chăn trâu, dầm mưa dãi nắng, tóc vàng hoe, mặt mày đen thủi đen thui. Mười sáu, mười bảy tuổi, cha mẹ gả chồng, không cần hỏi ý kiến. Đến nhà chồng, cặm cụi làm việc. Cả ngày trên nương dưới ruộng, về đến nhà lo heo cá gà vịt. Tối đến lo xay lúa giã gạo, 11 hay 12 giờ đêm mới đi ngủ, 3, 4 giờ sáng phải thức dậy thổi cơm – về mùa nắng, nhen được bếp lửa còn dễ, về mùa mưa, việc ấy khó khăn lắm; rơm ướt củi ướt, lửa châm rồi mà chỉ có khói ngún, trún hơi cay vào mắt vào mũi. Thì giờ nghỉ ngơi còn lại trong ngày rất ít, mà nào có yên! Hãy đọc những ca dao sau đây để biết thảm cảnh của phụ nữ:
“Đang khi lửa tắt cơm sôi,
Heo kêu con khóc, chồng đòi tòm tem.
- Bây giờ heo đã hết kêu, con đã hết khóc,
Bọ mi ơi có lại tòm tem thì lại tòm!”
Do quan niệm “con gái là con người ta”, là “vịt trời”, lớn lên bay mất, ít ai đầu tư cho con gái học hành. Trong việc hôn nhân, con gái được coi như hàng hóa; điều đó được phản ánh trong hai từ “bán gả”; gia đình nhà gái bắt làm rể nhiều công, đòi nhiều của cưới. Ngay đến bây giờ, chỉ hai từ “hỏi vợ” cũng nói lên vai trò vẫn còn trội bật của phái nam.
Tuy vậy, hoàn cảnh nữ giới trong xã hội Việt Nam còn dễ thở hơn ở các nước Hồi Giáo; kinh Koran và thánh luật Sharia quy định những điều luật dành cho phụ nữ Hồi Giáo rất nghiệt ngã:
- Phụ nữ phải mặc y phục che kín toàn thân khi ra đường, không để cho nam giới thấy bất cứ một bộ phận nào của cơ thể
- Phụ nữ phải tuyệt đối phục tùng đàn ông, nếu không, đàn ông có quyền ruồng bỏ và đánh đập.
- Phụ nữ được xem như công cụ đẻ con và thỏa mãn dục tính đàn ông.
- Phụ nữ chỉ được lấy một chồng, trong khi đàn ông có quyền lấy nhiều vợ. Đàn ông không bị gán tội ngoại tình, còn phụ nữ ngoại tình bị xử rất nặng: đem bêu nơi công cộng cho mọi người ném đá đến lúc nào chết thì thôi.
Vậy mà phong trào đòi nữ quyền không phải khởi xướng do phụ nữ Hồi Giáo. Phụ nữ ở Mỹ rồi ở Âu Châu đã làm bùng phát phong trào. Vào thế kỷ XIX, công nghiệp phát triển, các chủ xưởng ở Mỹ dùng nhiều phụ nữ trong nhà máy, trả lương bổng rẻ mạt mà bắt làm việc liên tục nhiều giờ. Không chịu nổi, phụ nữ đã liên kết với nhau đứng lên đòi tăng lương, đòi giảm giờ làm. Rồi sau đó trong Thế Chiến I, chồng con họ phải ra trận, đời sống tình cảm thiệt thòi mất mát, họ vùng dậy đòi trả chồng con về. Phong trào nữ quyền cứ vậy lớn mạnh dần. Tiếp đến, phụ nữ đòi quyền bầu cử rồi ứng cử, nghĩa là đòi cơ hội tham gia quyền quản lý xã hội.
Phụ nữ Việt Nam cũng không khởi xướng phong trào đòi nữ quyền. Trước đây, phụ nữ Việt Nam sống an phận, xem những công việc trong gia đình dù nặng nhọc đến mấy cũng thuộc thiên chức của mình. Ngoài công việc gia đình, phụ nữ Việt Nam, gặp trường hợp, cũng tham gia việc nước: khi thì lặng lẽ làm tròn công việc hậu phương lúc chồng con ra tiền tuyến, khi thì anh hùng “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” như phất cờ khởi nghĩa đuổi giặc ngoại xâm; dù vậy, phụ nữ không vùng dậy đòi bình quyền với nam giới. Phụ nữ Việt Nam đòi nữ quyền là do chịu ảnh hưởng của phương Tây. Phong trào nữ quyền du nhập vào Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX và phát triển cho đến ngày nay.
Bình đẳng giới chú trọng vào việc tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào những lãnh vực mà trước đây họ không bước vào. Phong trào đòi bình đẳng giới đã gặt hái được nhiều tiến bộ vừa trong gia đình vừa ngoài xã hội. Về mặt kinh tế và chính trị, nhiều phụ nữ đã nắm giữ những vai trò lãnh đạo.
Điều quan trọng là nên hiểu bình đẳng giới như thế nào. Về trí tuệ, giữa nữ giới và nam giới, chưa thể khẳng quyết bên nào trội hơn; nhưng về thể chất, rõ ràng là nam giới trội hơn. Ngoài thua kém về sức mạnh, cơ thể phụ nữ còn chịu những sự vận hành sinh lý đặc thù do Tạo Hóa định đoạt: kinh nguyệt, sinh đẻ, nuôi con,...Tạo Hóa sinh ra đàn ông, đàn bà để ghép cặp, bổ túc cho nhau mà hoàn chỉnh. Muốn tồn tại, trong việc làm, đàn ông làm, đàn bà phụ; trong lưu truyền giống nòi, đàn bà giữ vai trò chính, đàn ông đóng vai trò phụ. Khi tạo ra loài người, Tạo Hóa vốn công bằng. Mất công bằng là do con người gây ra. Khi mưu sinh, đàn ông làm ra của cải vật chất nhiều hơn, từ đó, đàn ông cho mình quan trọng và đàn bà cũng chấp nhận như vậy. Đàn ông “lên mặt”, coi thường đàn bà. Do phụ thuộc kinh tế, đàn bà mất dần tiếng nói trong gia đình, rồi trong cộng đồng. Sự bình đẳng nguyên sơ mất theo.
Đừng nghĩ nam nữ bình quyền nghĩa là đàn ông làm được việc gì thì đàn bà làm được việc ấy và ngược lại mà phải nghĩ nam nữ bình quyền là hai bên bổ túc để đi đến hoàn chỉnh. Cái gì đàn bà không làm được thì đàn ông làm, cái gì đàn ông không làm được thì đàn bà làm. Cái gì mà hoặc đàn ông không làm được hoặc đàn bà không làm được, nhưng phải làm bất đắc dĩ thì cần tạo cơ hội tối đa và thành quả công việc chỉ xét ở mức tương đối. Nếu có trường hợp thành quả đạt mức tuyệt đói, ấy là ngoại lệ.
Ở nước ta, do đặc thù văn hóa, ở một vài phương diện, bình đẳng giới cũng cần được xem lại. Xã hội chúng ta là xã hội phụ hệ. Trong liên hệ máu mủ, chúng ta phân biệt nội ngoại rõ ràng. Con cái sinh ra lấy họ cha. Tính về bên cha – bên nội, cùng một dòng tộc không thể tạo lập hôn phối, nhưng tính về bên ngoại, con cháu cùng ông tổ 3 đời hay 4 đời có nơi, có khi cũng được phép lấy nhau làm vợ làm chồng mà phong tục tập quán không cấm đoán. Bên nội trọng hơn bên ngoại; con trai trọng hơn con gái. Đúng vậy thôi, việc phụng dưỡng cha mẹ giao cho con trai trách nhiệm chính, đặc biệt là con trai mà cha mẹ chọn ở cùng. Phụng dưỡng lúc còn sống cũng như lúc đã mất. Lúc sống thì nuôi dưỡng; lúc chết thì kỵ, giỗ, tế, cúng, chăm sóc mồ mả.
Trong kỵ, giỗ, cúng, tế, người Việt quan niệm linh hồn người chết không về ngự trên bàn thờ nhà con gái được, nơi đây dành cho tổ tiên gia đình nhà chồng của con gái rồi. Vì vậy, khi chết đi, người ta để lại ruộng đất, nhà cửa, có thể bạc vàng... làm của hương hỏa cho con trai. Trong trường hợp không có con trai, người ta không giao của hương hỏa cho con gái mà giao cho cháu trai gọi bằng bác hay bằng chú. Hiện nay, lấy cớ nam nữ bình quyền, ở nhiều gia đình, con gái cải gái rồi vẫn trở về đòi phân chia của hương hỏa với con trai. Người chết không có con trai, con gái dành quyền thừa hưởng của hương hỏa. Nhiều tranh chấp dạng này đã xảy ra trong cộng đồng.
Do quan niệm hưởng lễ khi thờ cúng, người ta đi đến quan niệm trọng nam khinh nữ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (về con cái, một trai đã gọi là có, mười gái vẫn gọi là không).
Trọng nam khinh nữ đi vào tập quán, đi vào thiết chế lễ nghi. Ví dụ, khi cha mẹ mất, con trai thọ đại tang 2 năm, con gái đã lấy chồng chỉ thọ tang cơ niên một năm. Cháu để tang chú bác một năm, nhưng để tang cậu chỉ 5 tháng. Bất công vậy mà chưa có trường hợp phụ nữ lên tiếng nào! Có lẽ đó không phải quyền lợi thiết thân chăng?
Phụ nữ cần hiểu bình đẳng giới phải thể hiện trên đủ mọi mặt của đời sống. Chuyện “để tang” như vừa nói ở trên không còn hợp với bây giờ nữa. Những quy định ấy đã có cách đây cả mấy trăm năm, được ghi tại sách “Thọ Mai gia lễ” do Tiến Sĩ Hồ Sĩ Tân (1690 – 1760) hiệu Thọ Mai biên soạn tập hợp phong tục cư tang đã có trước và cùng thời với ông.
Thiết nghĩ để bảo đảm bình đẳng giới, bên cạnh luật hợp pháp, những cơ quan có thẩm quyền nên nghĩ đến chế định điển lệ. Điển lệ minh bạch cũng là một dụng cụ an dân.
Hoàng Đằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét