Tùy Bút Đào Anh Dũng
Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 59, tháng 3, 2014
(Số đặc biệt tưởng niệm Phùng Thăng)
Nhận được điện thư của nhà văn Trần Hoài Thư nhờ tôi mượn quyển Bắt Trẻ Đồng Xanh của tác giả J. D. Salinger do hai bà Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch sang Việt Ngữ để anh trích làm tài liệu, tôi liên lạc ngay với thư viện thành phố Rochester, tiểu bang Minnesota. Gia đình chúng tôi ở cách đó khoảng 70 dặm. Hôm ấy, thời tiết xấu nên bà thư ký thư viện khuyên, thay vì lái xe, tôi nên mượn quyển sách này qua thư viện địa phương. Họ sẽ chuyển quyển sách ấy đến tôi qua hệ thống thư viện của tiểu bang.
(Số đặc biệt tưởng niệm Phùng Thăng)
Nhận được điện thư của nhà văn Trần Hoài Thư nhờ tôi mượn quyển Bắt Trẻ Đồng Xanh của tác giả J. D. Salinger do hai bà Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch sang Việt Ngữ để anh trích làm tài liệu, tôi liên lạc ngay với thư viện thành phố Rochester, tiểu bang Minnesota. Gia đình chúng tôi ở cách đó khoảng 70 dặm. Hôm ấy, thời tiết xấu nên bà thư ký thư viện khuyên, thay vì lái xe, tôi nên mượn quyển sách này qua thư viện địa phương. Họ sẽ chuyển quyển sách ấy đến tôi qua hệ thống thư viện của tiểu bang.
Tôi hăng hái giúp anh Trần Hoài Thư một phần vì tôi rất cảm phục công việc bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam trước 1975 của Thư Quán Bản Thảo, phần kia do một “kỷ niệm” khó quên với hai dịch giả Phùng Khánh và Phùng Thăng.
Tôi để hai chữ “kỷ niệm” trong dấu ngoặc vì tôi không quen biết hai bà, nhưng tôi đã có duyên gặp hai bà vào năm 1968, năm tôi 18 tuổi, qua hai quyển sách Bắt Trẻ Đồng Xanh và Câu Chuyện Của Dòng Sông.
Năm ấy, sau biến cố Mậu Thân, gia đình ba má chúng tôi hoàn toàn kiệt quệ về mặt tài chánh. Trước đó mấy năm, má tôi đã phải làm bún và bánh bò bán để phụ thêm tiền chợ. Vậy mà hai ông bà vẫn đèo bồng, tiếp tục gởi tôi học nội trú trường dòng Lasan Mossard ở Thủ Đức, chương trình Pháp. Ba tôi có một kỳ vọng rất lớn vào tôi. Ông chọn chương trình Pháp để dọn đường cho tôi vào trường Y khoa sau khi xong trung học. Thi xong bằng Brevet lúc 16 tuổi, sau bao năm bị kềm tay, bó chân trong nếp sống nội trú tôi thoát cũi sổ lồng học ngoại trú ở trường Taberd, Sài Gòn, và từ đó tôi... hư.
Bây giờ tóc đã bạc, đã có mấy đứa cháu nội, nhìn lại thời buổi nhiễu nhương ấy, tôi nghĩ mình không khác mấy so với những thanh niên cùng cỡ tuổi, cái tuổi mới lớn ấy. Chiến tranh ngày càng ác liệt; tương lai, chúng tôi chỉ thấy một màu áo lính; chúng tôi nghi ngờ, chán chường hầu như mọi người (nhất là người lớn), mọi việc và cả chính mình trong khi biết bao cám dỗ vây quanh. Vâng, thời gian ấy bạn bè chúng tôi tập tành hút sách, rượu chè, đàng điếm... và tôi hư thật hư... Một năm sau tôi bị quý thầy tống cổ ra khỏi trường Taberd. Biến cố Mậu Thân xảy ra khi tôi học lớp Première (lớp 11 chương trình Việt) ở trường Pasteur.
Nếu tôi nói tôi đành phải bỏ học năm ấy vì gia đình ba má tôi sa sút, không còn tiền cho tôi ăn học ở Sài Gòn nữa thì tôi chỉ nói có phân nửa sự thật mà thôi. Phân nửa kia chính là tôi đã chán ngấy chuyện đi học rồi. Tuy tôi khổ sở với mặc cảm của một kẻ thất bại, không thể thực hiện ước vọng của cha, tuy tôi hứa với ông rằng tôi sẽ tiếp tục tự học để thi đậu bằng Tú Tài Việt (với khả năng Pháp và Anh ngữ tôi rất tự tin mình sẽ thi đậu tú tài ban C một cách dễ dàng) nhưng trong thâm tâm tôi đã tự quyết định thôi học rồi. Học để làm gì? Cuối cùng tôi cũng phải lăn vào đời lính mà thôi. Đó là suy nghĩ của tôi và của nhiều bạn bè cùng trang lứa với tôi trong giai đoạn ấy.
Tôi trở về quê và may mắn bắt được việc làm phiên dịch giấy tờ và “các thứ” với văn phòng Cố vấn Quân sự Mỹ (MACV) tại tỉnh trong khi chờ ngày nhập ngũ nếu chẳng may tôi thi rớt tú tài. Có tiền rủng rỉnh trong tay, phụ giúp ba má một phần, phần còn lại tôi tiếp tục ăn chơi, không có một chút định hướng gì cho tương lai. Cuộc chơi nào cũng có lúc hào hứng, lúc ê chề, nhàm chán. Một trưa thứ bảy buồn nản, không thiết tha chơi bời, ăn nhậu, tôi chạy Honda vòng quanh tỉnh lỵ. Không biết làm gì, tôi ghé vào một quán sách, định mua một quyển sách đọc giải khuây.
Như các tỉnh lẻ khác, quê tôi chỉ có vài tiệm sách bán lèo tèo giấy viết, bài ca tân nhạc, sách vở giáo khoa, sách học làm người, dạy nấu ăn và tiểu thuyết của nhà xuất bản Sống Mới, đa số là truyện kiếm hiệp. Vậy mà hôm ấy tôi lại gặp hai quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông và Bắt Trẻ Đồng Xanh nằm ở kệ sách cuối, sát đất. Chắc chúng nằm nơi đó lâu rồi, không ai mua nên đóng đầy bụi.
Hermann Hesse là một tác giả hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Còn J.D. Salinger, tôi nhớ mang máng có một lần nghe tên. Đúng rồi, năm tôi học lớp 3è (lớp 9 chương trình Việt), trong một giờ Giáo Lý, thầy Raymond, giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi, nói đến xã hội băng hoại của xứ Mỹ. Thầy bảo rằng, có một quyển tiểu thuyết về tuổi học trò, L'attrape-cœurs của tác giả J.D. Salinger, rất đồi trụy nhưng nó được người Mỹ cho phép học sinh của họ đọc. Tôi tò mò lật vài trang Bắt Trẻ Đồng Xanh đọc thử, thấy lối hành văn là lạ, ngồ ngộ, rất trẻ trung. Đọc thêm mới biết đó là câu chuyện của một cậu học sinh 16, 17 tuổi. Đúng rồi, đây là quyển sách ba năm trước thầy tôi đã đề cập đến. Nhưng sao tựa tiếng Anh của quyển sách lại là The Catcher In The Rye? Nó có ăn nhậu gì đến L'attrape-cœurs! Còn tựa tiếng Việt, Bắt Trẻ Đồng Xanh? The Catcher rõ ràng là một danh từ mà! Tại sao dịch giả lại dùng một động từ? Máu tự phụ của một người “giỏi” ngoại ngữ là tôi bất chợt nổi lên. Đúng ra tựa phải là “Kẻ Bắt Người Ở Đồng Lúa” chứ! Phùng Khánh và Phùng Thăng là ai? Tò mò về một truyện “đồi trụy”, về hai dịch giả này, hôm ấy tôi mua cả hai quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông và Bắt Trẻ Đồng Xanh.
Chiều hôm ấy chắc ba má tôi ngạc nhiên lắm khi hai ông bà không thấy tôi đi chơi với chúng bạn như thường lệ mà nằm nhà đọc sách. Tôi đọc quyển Bắt Trẻ Đồng Xanh một lèo cho đến quá nửa đêm, bị muỗi cắn tơi bời nhưng tôi cũng không màng. Má tôi nhắc mấy lần tôi mới lo giăng mùng rồi đọc sách tiếp.
Vâng, tôi say mê đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh vì tôi thoang thoáng thấy mình trong truyện. Tôi không nghĩ rằng tôi giống nhân vật Holden nhưng tôi hiểu được những gì cậu ta suy nghĩ, dự tính, ước mơ, dám nói và không dám nói, dám làm và không dám làm. Vì sao? Vì lạ thay, người ở châu Mỹ, kẻ châu Á, không gian cách nhau nửa vòng trái đất, sống không đồng thời, cậu Holden lớn lên trong thời hậu chiến, tôi đang sống chết với chiến tranh, vậy mà những gì tôi đã trải qua cũng na ná như câu chuyện của cậu. Tôi cũng chán ngấy trường học, cũng mất lòng tin vào tôn giáo và người lớn và cũng đang tập tành làm... người lớn. Tôi cũng đã từng học nội trú xa nhà, cũng có vài đứa bạn “trời đánh”, cũng có một hai người thầy tôi ưa không vô, nhưng sau khi rời mái trường nội trú tôi nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy da diết. Thêm vào đó, Holden có một người em, Allie, chết bệnh ung thư máu, còn tôi, tôi có một người anh lớn hơn tôi một tuổi, thông minh, dễ thương, một người bạn thân nhất của tôi đã bỏ tôi ra đi cách đó bốn năm vì một căn bệnh quái ác, bệnh bướu óc. Cái chết của anh cũng đã làm tôi muốn điên lên, muốn đập phá mọi thứ. Tôi cũng có một cô em gái duy nhất, giống như Phoebe, em gái của Holden trong truyện, biết bao lần em đã móc tiền để dành từ con heo đất của em cho ông anh rong chơi đàng điếm.
Khi ấy, tôi không có quyển The Catcher In The Rye trong tay, tôi không biết ông Salinger viết truyện ấy như thế nào, tôi chỉ biết hai bà Phùng Khánh và Phùng Thăng đã chuyển dịch câu chuyện ấy ra ngôn ngữ Việt của tôi một cách tài tình và thật trẻ trung, đã giúp tôi nhận ra thằng người của tôi, đằng sau cái bộ mặt bất cần đời, sống không nghĩ đến ngày mai, tôi vẫn có một tâm hồn và cũng như cậu Holden, tôi ước ao làm một người bảo vệ các em bé khỏi rơi vào vực thẳm, không biến thành những con người giả dối tôi đã và đang gặp hàng ngày trong xã hội.
Bỏ quyển sách xuống tôi cố gắng dỗ giấc ngủ nhưng không tài nào chợp mắt được. Nhìn lại đoạn đường tôi đã đi trong mấy năm qua, tôi thấy mình sao quá nông nổi, sao quá “con nít” như cậu Holden, rồi tôi cảm thấy hối hận đã làm phụ lòng cha mẹ. Ba tôi không rầy tôi một tiếng khi tôi về nhà báo tin tôi bị đuổi học và khi tôi xin phép bỏ học để đi làm, nhưng ông không giấu được tiếng thở dài. Tôi chỉ mong trời mau sáng để nói lời tạ tội cùng cha mẹ. Thao thức, ngủ không được, tôi lấy quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông ra đọc.
Tôi đọc Câu Chuyện Của Dòng Sông một mạch cho đến lúc gà gáy sáng. Tôi đã có dịp đọc thử một hai quyển sách về Phật Giáo nhưng sau vài chương tôi đành bỏ dở vì chúng quá khô khan, khó hiểu và không chút hấp dẫn. Tác giả Hermann Hesse là một người Âu nhưng ông đã giải thích triết lý Phật Giáo một cách tài tình, lôi cuốn được kẻ ở tuổi “cái gì cũng biết” như tôi quả là một thiên tài. Khen ông một, tôi khâm phục hai bà Phùng Khánh và Phùng Thăng đến mười. Đọc Câu Chuyện Của Dòng Sông tôi không nghĩ mình đang đọc một truyện dịch. Giọng văn sao quá tự nhiên, gần gũi, thân tình và rất “Việt”.
Cả một đêm không chợp mắt nhưng tôi tỉnh táo lạ kỳ. Tôi không dám nói tôi đã hiểu rõ những thông điệp của tác giả đã gởi gắm, nhưng tôi biết tôi sẽ đọc Câu Chuyện Của Dòng Sông không phải một mà ngàn ngàn lần nữa. Tôi nghĩ tôi đã tìm được câu trả lời cho những ưu tư của mình về cuộc đời này. Tôi cũng định khoe với ba tôi đã đọc được một tuyệt tác, quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông. Tôi mong rằng ông sẽ đọc nó và sẽ hiểu ông và đám con của ông nhiều hơn.
Sáng chủ nhật ấy, ăn sáng qua loa xong tôi chạy Honda ngay đến tiệm sách, mua một lô sách luyện thi tú tài mang về nhà. Nhìn tôi sắp xếp các quyển sách trên bàn học, ba tôi mỉm cười hạnh phúc. Khi ấy, tôi biết mình không cần phải nói lời tạ lỗi cùng ba và tôi cũng không cần khoe với ông quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông nữa.
Năm ấy, tôi thi đậu tú tài.
Còn bây giờ thì sao? Sau bao năm, tôi còn muốn làm người “Bắt Trẻ Đồng Xanh” nữa chứ? Thưa bạn, vẫn còn!
đào anh dũng
Minnesota, Đông 2014
đào anh dũng
Minnesota, Đông 2014
Thân mời bạn viếng trang Thơ Văn đàoanhdũng. Xin bấm vào đường truyền dưới đây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét